Ăn Tội

Ngày nọ có trục trặc gì đó mà việc nấu ăn tối cho thiền sư Tào Động Fugai và các đệ tử bị trễ. Người đầu bếp hấp tấp cầm lưỡi hái chạy ra vườn cắt một mớ rau, băm nhỏ, rồi nấu canh, không biết là vì vội vàng mà anh ta đã băm luôn một phần của con rắn bị cắt trong vườn.

Các đệ tử của Fugai nghĩ là họ chưa bao giờ được ăn canh ngon như vậy. Nhưng khi thiền sư thấy một đầu rắn trong chén của mình, thiền sư gọi đầu bếp lên. “Cái gì đây?” giơ cao đầu rắn.

“Ồ, dạ, cám ơn thầy,” người đầu bếp trả lời, lấy đầu rắn và ăn nó rất nhanh.
.

Bình:

• Tu sĩ phải ăn chay, không được ăn thịt. Mọi người đã bị phá giới ăn canh rắn. Nhưng họ không biết. Không biết thì không tội.

Anh đầu bếp, lấy đầu rắn từ thầy và nuốt lẹ, tức là cố tình phá giới, phạm tội với giáo pháp, ngay trước mắt thầy, không chối cãi được. Và dòng Tào Động rất gắt gao về giới luật.

Nhưng anh ta làm thế để giúp cho tất cả mọi người khác tiếp tục không biết là họ đã bị phá giới và ăn thịt rắn, không có cảm tưởng có tội trong lòng.

• Tâm Bồ tát: Sẵn sàng phá giới và mang tội vào mình (nếu đó là tội) để giữ an vui cho người khác.

• Giới luật luôn có đó. Giữ giới hay không là do mình quyết định theo đòi hỏi của từng trường hợp.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)
.

Eating the Blame

Circumstances arose one day which delayed preparation of the dinner of a Soto Zen master, Fukai, and his followers. In haste the cook went to the garden with his curved knife and cut off the tops of green vegetables, chopped them together and made soup, unaware that in his haste he had included a part of a snake in the vegetables.

The followers of Fugai thought they never tasted such good soup. But when the master himself found the snake’s head in his bowl, he summoned the cook. “What is this?” he demanded, holding up the head of the snake.

“Oh, thank you, master,” replied the cook, taking the morsel and eating it quickly.

#69

Thái độ trí thức

Chào các bạn,

Hôm qua nhân nói về Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể, chúng ta đã nhắc nhiều đến trí thức, và trước đây ít lâu chúng ta có nói đến Tư duy của người trí thức. Hôm nay, chúng ta hãy dành vài phút để tự khẳng định chỗ đứng và vai trò của người trí thức trong xã hội.

Việc đầu tiên là tạm xác định ai là trí thức. Mình cho rằng nếu bạn làm việc chính bằng cái đầu, và tay chân là phụ thì bạn là người trí thức.

• Giáo chức đương nhiên là trí thức–giáo chức dùng cái đầu để đào tạo những cái đầu.

• Các chuyên gia (kỹ sư, bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu…. ) làm việc bằng đầu là chính.

• Các cấp quản lý từ trung cấp trở lên là trí thức (vì mong là bạn quản l‎ý bằng cái đầu, thay vì thượng cẳng chân hạ cẳng tay là chính 🙂 )

• Sinh viên là trí thức vì dùng cái đầu cả ngày là việc chính… (Trừ phi ngồi trong lớp mà cái đầu chỉ ở ngoài công viên 🙂 )

Nói chung là, nếu bạn trên Internet, liên hệ đến các diễn đàn thảo luận đứng đắn, bạn là người trí thức.

Dĩ nhiên có nhiều người “khiêm tốn” đến mức “Thôi, tôi không dám nhận tôi là người trí thức.” Rất tiếc là, mình không nghĩ đó là khiêm tốn, mà chỉ là một cách chạy trốn trách nhiệm của người trí thức. Nhưng, nếu họ nhất định có thái độ đó để làm “kẻ sĩ ở ẩn” hay “người tỉnh thức trùm chăn” thì cũng được, vì người có thái độ như vậy cũng chẳng nên kể vào hàng ngũ trí thức làm gì.

Người trí thức chân thật biết mình là một phần của não bộ của tổ quốc, và mình gánh một phần việc của não bộ; não bộ mà không có những người như mình thì nó tê liệt; vai trò của mình dù rất nhỏ vẫn quan trọng đặc biệt cho tồn vong của tổ quốc, vì cái tay chết thì người ta vẫn có thể sống, nhưng cái đầu chết thì chẳng còn gì sống.

Chối bỏ vai trò quan trọng đặc biệt của mình với tổ quốc là vô trách nhiệm, dù ta có nêu lên cớ gì—khiêm tốn, chán đời, muốn yên thân…

Người trí thực thật, dù có lên rừng ở một mình họ vẫn ảnh hưởng tốt đến xã hội một cách nào đó—lâu lâu một bài viết đăng báo hay một email chia sẻ tư tưởng với bạn bè, chẳng hạn. Rất khó để ta có thể tưởng tượng đến một tế bào não khỏe mạnh mà lại không đóng góp vào việc quản ly’ cơ thể–chuyện đó không thể xảy ra.

Cho nên, người trí thức thật, dù có ở đâu làm nghề gì, đương nhiên nối kết tinh thần với mọi trí thức khác thành não bộ, và luôn luôn cùng hoạt động với các trí thức khác trong não bộ.

Vì điều này, người trí thức chúng ta cần nhận thức rằng, chúng ta đương nhiên liên kết với nhau trong một mạng lưới tinh thần vô hình như anh chị em rất gần. Chúng ta không thể nghĩ đến các trí thức khác như là những người chẳng ăn nhập gì đến mình.

Và trí thức dẫn đường cho quốc gia, vì não bộ đương nhiên làm việc đó.

Nhận thức được vai trò quan trọng của mình đối với đất nước, chúng ta phải tự đặt trên vai mình những đòi hỏi lớn hơn là đòi hỏi của những người khác:

1. Chúng ta phải đòi hỏi chúng ta có một năng lực tư duy cao hơn và chuyên nghiệp hơn người bình thường. Đây chỉ là vấn đề thực hành kỹ luật trong tư duy mỗi ngày, chẳng ăn nhập gì đến bằng cấp chuyên môn cả.

2. Chúng ta cần đưa tiếng nói và tư tưởng của chúng ta vào cộng đồng nhiều hơn—tại trường sở, tại các tổ chức cộng đồng, trên các trang báo cho cộng đồng đọc.

3. Chúng ta cần xác định quan điểm của mình trong những vấn đề của cộng đồng và cho người khác biết quan điểm của mình là gì và tại sao mình ủng hộ quan điểm đó.

Đóng góp tri thức và thành quả tư duy vào cộng đồng là nhiệm vụ của người trí thức. Nghe hay không là việc của người khác. Lập luận “nói hoài cũng vậy thôi” không phải là lập luận hợp lý. Mấy đứa con nói không nghe, bố mẹ lại phải tìm đủ mọi cách để nói nhiều hơn.

Mỗi người chúng ta có những chọn lựa đóng góp của mình, theo cách thích hợp với mình nhất. Nhưng thái độ trùm chăn bỏ mặc mọi sự, không phải là thái độ của người “thức thời”, “ẩn sĩ”, “khiêm tốn” hay gì gì cả. Đó chỉ đơn thuần là vô trách nhiệm. Khiêm tốn chỉ có nghĩa là không ham mê cho mình (và chỉ quan tâm đến người khác là chính). Kẻ “thức thời trùm chăn làm ẩn sĩ” để chỉ lo an thân mà chẳng quan tâm gì đến xã hội của mình, chỉ có một chữ chính xác cho họ—ích kỷ.

Tư duy tích cực muốn chúng ta dấn thân cho đời.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,
Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com