Trước cửa phòng xử án hôm nay đông nghịt người. Chưa đến giờ mở cửa họ đã túm tụm xôn xao bàn tán về vụ xử săp diễn ra. Một bà tuổi độ trung niên, giọng không mấy thiện cảm :
_ Nói gì thì nói, chứ chị mà giết em là chuyện khó mà tha thứ.
Một ông trán hói ngắt ngang :
_ Tôi không nghĩ vậy, bởi việc gì xảy ra cũng có nguyên do của nó Hơn nữa đây lại là một hành vi tự vệ.
Một thanh niên trẻ tuổi thêm vào :
_ Cái sảy nó nảy cái ung. Chắc rằng cô ấy cũng không tự nhiên mà hành động như vậy, vả lại thằng Long này cũng có phải là đứa hiền lành gì đâu.
Một người khác gật đầu đồng tình :
_ Đúng đó, cái thằng đó chết thì cũng đáng lắm, chẳng ai thương xót gì cái lọai ấy cả. Thứ ấy sống chỉ gây họa cho gia đình và xã hội thôi. Chỉ tội nghiệp…
Một bà già khác thở dài :
_ Khổ thân con bé, thường ngày nó hiền lành, chịu thương chịu khó lám cơ, giờ xảy ra chuyện thế này mẹ nó chết lên chết xuống cũng phải.
Một người dàn ông nóng nảy nói :
_ Nhà nước mình phải ban hành một đạo luật nghiêm khắc để trừng trị cái lọai thanh niên hư hỏng này mới được. Càng ngày chúng càng lộng hành quá trớn, lọan xã hội lên cũng vì chúng nó.
_ Tôi cũng nghĩ thế. Khổ nỗi, cứ con hư là đổ tại gia đình,vì gia đình nuông chiều, vì gia đình bỏ bê, vì gia đình giáo dục không đúng cách, vì thế nọ vì thế kia. Nhưng mà các ông cứ bà cứ nghĩ xem, con cái chỉ thực sự trong tay chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi 10 tuổi. Sau đó thì sao ? Bố mẹ thì còn phải lo bươn trải cho đủ thứ chi tiêu của chúng. Mà nào có phải một đứa, nhà nào cũng vài ba đứa cả. May mà lâu nay thực hiện việc sinh đẻ có kế họach, nếu không thì còn ối cảnh nhôi nhai đầu đường xó chợ. Lại vào cái thời đại Tây hóa này, bao nhiêu diễn biến, lôi kéo của xã hội, nó đâu nằm trong sự kiểm sóat của chúng ta được. Đấy, nhan nhản không biết bao nhiêu là tệ nạn xã hội, lũ trẻ thì chỉ biết cắm đầu đùa theo những cái gọi là “nhịp sống mới”, có biết phân biệt hay dở là thế nào đâu. Mà học cái hay thì khó thì lâu, chứ học cái dở thì mau lắm, hư hỏng rồi thì cứ cha mẹ mà hành. Những luân lý giáo dục căn bản cho đạo đức thì chúng chê là cổ hủ, là lạc hậu …
_ Chính là ở chỗ đó. Nước ta đang đà phát triển, tất yếu là phải mở rộng cửa, cái được là có những bước phát triển khả quan, đem lại nhiều cơ hôi cho dân mình, nhưng cái mất là lớp trẻ ngày nay sống buông tuồng, vô bổ . Chúng cứ cho rằng thế mới là văn mình, hiện đại, sành điệu, rặt là những ngón nghề ăn chơi trác táng, lọc lừa, dối trá, xảo quyệt. Bố mẹ thì cho rằng con cái cứ đến trường là đã dủ, cắm đầu cắm cổ để đáp ứng bao nhiêu nhu cầu của nó, mà chẳng mấy khi hiểu hết được con mình đang trở thành lọai người như thế nào. Ăn chơi quá đà rồi trở thành kẻ cướp lúc nào không hay. Đấy, như cái thằng Long này đấy. Lúc còn bé ai cũng khen là thông minh, lễ phép, vậy mà dổ đốn tự bao giờ.
_ Cũng một phần do mẹ nó nuông chiều từ bé, con trai thứ mà như con trai một, muốn gì được đó, ai mách cho thói hư gì của nó lại bênh. Nếu cha nó không mất sớm và thằng Luân anh nó không bị bại liệt nặng thế chắc nó không đến nỗi. Đúng là thương con mù quáng thì bằng mười hại con.
_ Có lần chính quyền địa phương góp ý, bảo làm đơn cho nó đi giáo dục tập trung một thời gian, may ra …nhưng mẹ nó lại sợ nó hận gia đình lại còn tệ hơn.
_ Nghe nói nó hăm về đốt nhà mà.
_ Đa số những gia đình có con hư đều lâm vào tình trạng bất lực, họ không còn khả năng khống chế nó, nhưng lại không dám nhờ pháp luật can thiệp, thế nên mói càng ngày càng quá.
_ Thì mấy thằng tội phạm đao búa mà báo đài hay đưa tin đó, cải tạo hết hạn nó về còn quậy phá hơn trước, bảo là quậy bù. Tôi mà có quyền cứ đem bắn hết chúng đi. Tòan là thứ rác rưởi, chỉ tốn cơm còn mang họa.
_ Nhưng vấn đề là ở chỗ, luật pháp của ta lấy nhân đạo làm nền, không muốn coi thường sinh mạng, cho dù tội nặng dến thế nào thì cũng tìm cách cải hóa nhân đạo nhất, quá mạng mới phải tử hình.
_ Thế nên một số bất hảo phi nhân tính càng được thể. Như luật bóng đá, hai thẻ vàng thành một thẻ đỏ là xong. Nhân đạo cũng tùy từng trường hợp từng đối tượng, không thể nhân đạo với quỷ, nhân đạo với nó để nó đi hại biết bao người khác, thế có công bằng không ?
_ Công bằng….

Cuộc tranh luận tạm gián đọan khi cánh của phòng vụt mở. Chỉ giây lát những dãy ghế đã kín người, những ai chậm chân đành đứng ngòai cửa.
Tiếng chuông hiệu rung lên, cả phòng im phắc. Khi hội đồng xử án đã ngồi vào chỗ, bị cáo được dẫn ra trước vành móng ngựa. Đó là một cô gái khỏang gần 30 tuổi, dáng mảnh khảnh, làn da mét xanh, phờ phạc, dấu vết của những trải nghiệm bất thường. Nhìn cô gái, không ai có thể tin dượcdó là người đã cầm dao giết chính em trai mình. Phiên tòa bắt đầu.
_ Vào ngày…tại ..đã xảy ra một vụ án mạng. Bị cáo là Vũ thị Tú Linh, đã gây án với em trai ruột là Vũ Thành Long. Nguyên nhân do quá trình xô xát giữa những người trong gia đình. Được biết đây không phải là lần đầu tiên Vũ Thành Long có hành vi gây mất trật tự. Nạn nhân từ lâu thuộc thành phần bất hảo của địa phương, không nghề nghiệp, không nơi cư trú ổn định. Chỉ trở về nhà mỗi khi có vấn đề đòi hỏi tiền bạc. Điều này đã được xác nhận từ chính quyền địa phương đến cư dân cùng địa bàn. Vào ngày…giờ …Vũ Thành Long có về gây sức ép cới gia đình để đòi hỏi một số tiền lớn. Bà…là mẹ của nạn nhân đã không thể đáp ứng được sự đòi hỏi đó, Vũ Thành Long đã dùng búa đập phá tủ để tự lấy tiền, bất chấp sự phản đối của gia đình. Anh Đinh Quang Minh là người hàng xóm cạnh nhà đã chứng kiến sự việc qua cửa sổ đối diện cho biết. Thành Long đã xô ngã mẹ mình, khi bà lao vào ngăn cản, tiếp đó là anh Vũ Thành Luân, anh trai của nạn nhân đã bị bại liệt cả hai chân từ nhỏ, đã lết vào ôm chân Long kéo ra. Vũ Thành Long vố bản chất hung hãn lại thêm bị ngăn cản hành vi, nên đã co chân đạp Vũ Thành Luân ngã vật ra sau, và gầm lên : Mày dám cản tao hả ? Tao cho mày chết…Y nói xong thì xông đến chộp vào cổ Thành Luân nghiến răng bóp chặt. Vừa lúc đó bị cáo Vũ thị Tú Linh chạy từ dưới nhà bếp lên, tay đang cầm theo một con dao, cô hét : Long, mày bỏ tay ra ngay mày định giết anh Luân hả ? Tên Long vẫn bóp chặt cổ anh trai, mặt Thành Luân đã tím lại, Tú Linh lại thét lên : Mày không bỏ anh Luân ra tao chém mày đó …Nghe vậy, tên Long quay lại thách thức : Mày có giỏi cứ chém tao coi. Và y buông cổ anh trai ra vồ lấy chị mình. Trong lúc hỏang hốt và giận dữ bị cáo Vũ thị Tú Linh đã vung con dao lên, vừa đúng lúc Thành Long ập tới, lưỡi xuyên qua cổ họng nạn nhân, y ngã xuống và tử vong. Biên bản được lập tại hiện trường vào lúc….
Tiếng ồn ào từ những hàng ghế, lại một hồi chuông nhắc nhở. Vị chánh án quay sang hỏi bị cáo :
_ Bị cáo Vũ thị Tú Linh, hãy trả lời thành thật trước tòa. Sự thật xảy ra có đúng như bản án đã nêu không ?
Cô gái nói với vẻ bình tĩnh :
_ Dạ thưa quý tòa, đúng ạ.
_ Bị cáo có biết khi sử dụng một hung khí có đầu nhọn và lưỡi sắc ấy, thì có thể gây thương tích hoặc dẫn đến tử vong cho người khác không ?
_ Dạ thưa quý tòa, có biết ạ.
_ Vậy khi thực hiện hành động đâm mũi dao vào cổ đối phương, cụ thể là em trai mình, bị cáo đã phản ứng theo sự tự vệ hay cố sát ?
Tú Linh im lặng một lúc, khi cô chưa trả lời thì vị chánh án nói tiếp :
_ Bị cáo có cần đến luật sư không ? Tòa sẽ chỉ định.
Tú Linh lắc đầu :
_ Thưa quý tòa, tôi không nhờ luật sư. Tôi xin tự trả lời.
Vị chánh án gật đầu, Tú Linh tiếp :
_ Tôi không muốn nhờ luật sư, vì luật sư sẽ biện hộ cho ai và bào chữa cho ai, vì khi tôi hành động, nửa là tự vệ, nửa là cố sát.
Tiếng “Ồ” vang lên hàng lọat, câu trả lời đã gây sự kinh ngạc cho tất cả mọi người. Vị chánh án khẽ nhíu mày, dường như ông đang chờ đợi một câu trả lời khác, nhưng chẳng có gì ngăn lại được lời đã thốt ra, ông lai hỏi
_ Cố sát ? Vậy là bị cáo đã nhận tội ?
_ Vâng. Tôi nhận tội.
_ Vì sao bị cáo lại làm một việc trái đạo lý con người như vậy ?
Tú Linh nhếch mép cười buồn :
_ Thưa quý tòa, nếu nói về đạo lý, thì có đạo lý nào cho phép con cái về hành hung cho mẹ để thỏa mãn nhu cầu riêng của mình ? Đạo lý nào cho phép một người có hành vi bạo động với một người không có khả năng tự vệ, lại là người có cùng huyết thống, khi hành vi đó có thể dẫn đến tử vong ? Thưa quý tòa, tôi thừa nhận việc ra tay sát hại em trai mình là tội lỗi nhưng tôi không thể làm khác được khi gia đình tôi đã phải chịu đựng sự khổ sở ấy đã bao năm rồi. Thú thật, đối với gia đình tôi đã coi Vũ Thành Long như không có từ lâu rồi, nhưng thật khó khăn mỗi lúc nó về sinh sự khi cần tiền. Vì vậy, nếu cho rằng đây là sự đánh đổi, thì tôi xin chấp nhận sự đánh đổi này để đem lại sự bình yên cho gia đình tôi.
Tú Linh dứt câu, cả gian phòng lặng đi. Bỗng từ hàng ghế phía trên òa lên một tiếng khóc, đó là tiếng khóc của bà mẹ khốn khổ. Đứa con gái bên cạnh cũng bật khóc theo ôm lấy mẹ. Mốt số người tham dự cũng rân rấn nước mắt. Vị chánh án qua một lúc im lặng, hỏi :
_ Bị cáo còn có gì muốn nói nữa không ?
Tú Linh đưa mắt nhìn xuống mẹ và em gái, rồi thở dài :

_ Thưa quý tòa, tôi không dám cầu xin sự khoan hồng, mức độ định án thế nào thì tùy pháp luật, tôi rất bình tâm mà thi hành án. Còn lời cuối cùng mà tôi muốn nói là…là…Vâng, đối với tôi thì thật đã quá muộn để thay đổi sự đáng tiếc này, bởi nếu nhà nước ta có một khung hình nào cụ thể dể giáo dục những thanh niên hư hỏng như Thành Long, một khi gia đình đã không đủ khả năng giáo dục nó nữa, thì chắc…-Tú Linh nghèn nghẹn – Tôi không biết phải nói thế nào vì cha mẹ sinh con trời sinh tính. Có ai muốn mình lại có một người thân không nên người như thế đâu, nhưng với xã hội ngày nay thì gia đình không thể đủ sức níu lại sự căn bản đạo đức cho những thanh thiếu niên. Vì vậy mà,,,mà thôi, tôi chỉ hy vọng sẽ không còn những sự đánh đổi thảm thương như thế này nữa …
Những giọt nước mắt giàn ra trên đôi gò má xanh tái. Vị chánh án :
_ Phiên tòa tạm dừng mười lăm phút để nghị án.
Tú Linh dược hai nữ cảnh sát đưa vào, cô còn ngóai lại nhìn mẹ và em gái mình. Đám đông nhao nhao tranh luận :
_ Chắc chắn là phải giảm án thôi …tôi là tôi cho trắng án luôn…đâu có được, chỉ là án nặng hay nhẹ thôi …
_ Khi luận tội, người ta phải xem xét nguyên nhân và hòan cảnh phạm tội chứ. Mà như vậy rõ ràng phạm tội khi bất khả kháng, nguyên nhân thì quá khắc nghiệt, theo tôi mức án sẽ không thể theo luật định thông thường mà phải có đặc cách miễn giảm . …Để rồi xem…
_ Đấy, các ông các bà nào có giặc trong nhà thì hãy coi chừng…
_ Cô ta nói phải đấy, phải có biện pháp mạnh với lọai tội phạm này mới được. Cũng bởi nó chỉ đủ gan phá quấy trong nhà, vừa phần tình cảm vừa phần sĩ diện, không ai dám kiện cáo gì, nên chúng nó mới lộng hành như thế. Chứ phá quấy bên ngòai người ta để cho yên à …
_ Cái thứ khôn nhà dại chợ trước sau gì rồi cũng chết đường chết chợ thôi, gia đình có của đâu mà cho nó phá mãi, ăn quen nhịn không quen đi ăn cướp thì không đủ gan, đi ăn cắp thì no đòn, chỉ có rúc vào xó nào mà chết thôi chứ còn gì nữa…Chuông báo rồi kìa, ta vào đi các vị .
Vị chánh án đứng dậy tuyên đọc :
_ Bản tòa xét thấy bị cáo Vũ thị Tú Linh vì hòan cảnh đặc biệt mà phạm tội, nạn nhân Vũ Thành Long lại là một đối tượng khá nguy hiểm, một kẻ đã coi thường nhân cách giá trị đạo dức, lại có những hành vi hung đồ luôn đe dọa sự an nguy cho gia đình, rất cần phải trừng trị để đem lại an ninh trật tự cho xã hội. Vì vậy, mức đinh án cho bị cáo Vũ thị Tú Linh không thực thi theo khung hình luật thông thường. Nay tòa tuyên án : Bị cáo Vũ thị Tú Linh …ba năm tù giam …
Tiếng re hò òa lên như chợ vỡ. Bà mẹ từ hàng ghế chạy vội lên, Tú Linh vừa mừng vừa tủi ôm chầm lấy mẹ, cô nức nở :
_ Mẹ ơi ! Xin mẹ tha tội cho con…
Bà mẹ ôm chặt con gái, nghẹn ngào :
_ Không, con không có tội Linh à…
Cô em gái cũng đã dứng bên cạnh, bệu bạo nói với chị :
_ Chị cố gắng lên nha, em sẽ đi thăm nuôi chị thường xuyên.
_ Anh Luân sao rồi em ?
_ Ảnh đỡ nhiều rồi chị, nay ảnh bắt đầu ăn cơm được rồi.
_ Em ráng chăm sóc mẹ và anh Luân nhé, hết ba năm chị về…
Tú Linh chợt ngước lên cao thầm nói “ Long ơi ! Xin em đừng óan hận chị , chị mong em sớm đầu thai thành một người khác để được sống một cuộc đời hạnh phúc tốt đẹp hơn. Nếu có kiếp sau, chị em mình sẽ là chị em tốt , em nhé …”
Đàm Lan