Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể

Chào các bạn,

Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể (thinking within a context) là một kỹ năng phân tích (analytical thinking) mà chỉ một ít người thuần thục, một số nhỏ khác thì làng nhàng, và rất đông có vẻ như không hề biết đến. Nhưng đây là kỹ năng quan trọng nhất cho suy tư chính xác và sắn bén. Suy tư trong một khung cảnh cụ thể không những giúp ta thấy vấn đề chính xác và rõ ràng, mà còn giữ tâm trí kỹ luật trong vấn đề đang được khảo sát, không bị “scattered brain” (bộ óc rời rã, chạy lung tung từ quả cam, đến bom nguyên tử, đến Thái Bình Dương, đến sa mạc Sahara… chẳng đâu vào đâu cả).

Dùng một tai nạn đụng xe giản dị làm thí dụ. Xe vận tải cán chết một nữ sinh đi xe đạp. Khách bàng quan thẩm bình:

1. “Mấy thằng tài xế xe vận tải chạy ẩu lắm.” Đây là “suy nghĩ theo nhãn hiệu” (labelism), chẳng ăn nhập gì tới khung cảnh cụ thể hiện tại. Đại đa số người trên thế giới suy nghĩ kiểu này. Đại đa số dân Việt, kể cả “trí thức” Việt, suy nghĩ kiểu này.

Cứ đọc các tài liệu có mùi chính trị do dân Việt ta, kể cả người “trí thức”, chuyển đến inbox của bạn hàng ngày thì biết ngay. Các thông tin mạ lị Trung quốc vừa vô lý vừa dốt, các thông tin chống nhà nước vừa giả vừa dốt… cứ được các “trí thức” chuyền tay nhau hàng ngày, không cả chớp mắt trước khi ấn nút forward. (Mình không nói về các thông tin chính xác và hợp l‎ý về các vấn đề này. Hiện tại ta đang nói đến thông tin rác mà thôi. Và lấy thí dụ liên hệ đến chính trị vì nó nhiều nhất và rõ nhất mỗi ngày, dễ thấy nhất. Thật ra ta có đủ loại rác, chứ không chỉ là rác chính trị.).

2. “Lái xe lớn tới chỗ đông người thì phải cẩn thận chớ!” Câu này bắt đầu sờ nhẹ đến khung cảnh một tí, nhưng chẳng ăn nhập gì vào chi tiết của vụ việc cả.

3. “Trời, con người ta còn nhỏ đẹp như vầy mà nó giết!” Chẳng ăn nhập đâu vào đâu hết.

4. “Tuần trước ở Ngã Bãy cũng một thằng tài xế vận tải y chang loại vận tải này cán chết một ông già đi xe ôm!” Chẳng ăn nhập gì tới chuyện này hết.

5. “Thằng tài xế có lỗi 100%. Tui thấy nó quỳ xuống bên cạnh con nhỏ lảm nhảm ‘Cho anh xin lỗi, cho anh xin lỗi.’”

Nói như vậy là “lấy câu này ra khỏi khung cảnh cụ thể” (taking the statement out of context). “Cho anh xin lỗi” chưa chắc vì người ta có lỗi, mà có thể chỉ vì người ta buồn.

Suy nghĩ trong khung cảnh cụ thể là phải biết xe vận tải đang đi thế nào, từ hướng nào về hướng nào, vận tốc bao nhiêu, có vượt đèn đỏ không, tài xế có say không… một lô câu hỏi tương tự cũng có cho người xe đạp… rồi hai xe làm sao mà va nhau, phản ứng của tài xế lúc đó thế nào… sau tai nạn anh ta làm gì, nói gì…. Tất cả những chi tiết của khung cảnh cụ thể phải được nắm vững, rồi các câu nói như câu xin lỗi của người tài xế, phải được hiểu trong khung cảnh đó, mới có thể đến kết luận cuối cùng là ai phải ai trái ra sao.

Vấn đề chỉ giản dị thế thôi, nhưng ít ra là 80 phần trăm số người trên thế giới không nắm được. Đọc các tranh luận trên Internet hay báo chí thì thấy, một người viết về một vấn đề, người kia tranh cãi bằng cách lấy một câu nói ra khỏi bài, để diễn giải nó “bên ngoài khung cảnh” (hoặc “bên ngoài ngữ cảnh” vì đây là từ ngữ), cho nên ông nói gà bà hiểu vịt, tất cả mọi bàn luận đều chết cứng và trở thành hỗn độn ngay lập tức. Và đương nhiên những người tranh luận thường xuyên trên Internet, đa số là “trí thức”.

Ta phải dùng từ “trí thức” trong ngoặc ở đây, không phải là châm biếm, mà là nhắc nhở rằng “Đã là trí thức thì ta cần học cách suy nghĩ nói năng chính xác một tí. Nếu các kỹ năng suy tư căn bản mà ta còn không nắm vững được, thì làm sao có thể là trí thức được? Võ sư mà không biết đấm, sao gọi là võ sư?”

Nếu chúng ta tập giữ kỹ luật suy nghĩ trong khung cảnh thực tế thì đương nhiên là ta sẽ:

1. Nhìn mỗi vấn đề rất rõ ràng (không bị thành kiến chi phối),

2. Không suy tư theo kiểu nhãn hiệu “Công giáo là tồi, Phật giáo là dốt, Trung quốc là tồi, Đảng ta là đúng, phản động là sai, Hàn thì tốt, Nhật thì kiêu….” Suy tư theo kiểu nhãn hiệu thì không cần phải đi học. Cứ lấy một câu như câu trong ngoặc kép trên, cho mấy đứa con nít học thuộc lòng, chúng nó sẽ áp dụng tư duy nhãn hiệu không thua gì các tiến sĩ mà tư duy kiểu nhãn hiệu. (Đó là tại sao trẻ em là thành phần chủ lực trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, và Cách Mạng Đỏ của Polpot và Khmer Rouge. Các đại đồ tể của thế giới thích mọi người tư duy theo kiểu nhãn hiệu).

3. Không có nhãn hiệu cho chính mình. Ví dụ: Hôm qua anh nói nhà nước quản lý thành công tốt, hôm nay anh chê nhà nước quản l‎ý tồi, vậy anh chống nhà nước hay ủng hộ nhà nước? Anh ba phải hay bốn phải?

À…à… hôm qua tôi nói chuyện nhà nước giữ được kinh tế phát triển với tỉ số cao liên tục trong hơn một thập niên, đó là quản l‎ý tốt. Hôm nay tôi nói nhà nước không làm giảm tham nhũng “một cách thấy được” trong hơn một thập niên, đó là quản l‎ý tồi. Tôi chẳng chống nhà nước, chẳng ủng hộ nhà nước. Tùy chuyện mà nói tốt hay xấu, đúng hay sai, mà thôi. Và như vậy thì chắc là “trăm nghìn phải” chứ chẳng là ba bốn phải.

Các bạn ạ, suy tư trong một khung cảnh cụ thể (thinking within the context) là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, nếu không là kỹ năng duy nhất, của tư duy phân tích (analytical thinking). Và dân Annamít ta cực kỳ, cực kỳ, cực kỳ yếu môn này. Cũng chính vì đó mà kỹ năng phân tích của sinh viên và trí thức Việt rất yếu. Điều này hệ trọng đến tương lai đất nước. Trí thức mà yếu khả năng tư duy thì lấy ai hướng dẫn nước nhà?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,
Hoành

Bài liên hệ: Chủ nghĩa nhãn hiệu, “Thuộc về” nhóm nào?

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 11 thoughts on “Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể”

  1. Ở Việt Nam không được học Analytical/Critical Thinking and Writing anh ạ. Cứ học văn chép chữ thầy, chữ cô theo kiểu giải thích: “Thích thế nào thì giải như thế”. Hồi mới về VN em buồn cười kiểu viết văn chép sách làm văn của thầy cô và các bạn và kiểu lập luận: “Phải chăng/có lẽ/có lẽ nào/hình như” :)) Thầy cô thì phê em viết rõ ràng quá, lập luận quá, không đạt độ mờ mờ ảo ảo của văn chương. Bao giờ bỏ lối học văn vẹt và cho học Analytical/Critical Thinking and Writing xuyên suốt cấp 2 đến đại học thì khi đó mới khá được anh ạ.

    Thích

  2. Cám ơn anh Hoành, bài này hay lắm…

    Có nhiều nhà giáo VN và nhiều người khác đã phát hiện rằng phản biện và tính logic không được giảng dạy đúng. Vì thế họ đã cố gắng điều chỉnh điểm yếu này. Mỗi người cần thay đổi chính mình trước thì xã hội sẽ thay đổi. Cái khó khởi đầu từ việc thay đổi chính mình dám chấp nhận đương đầu với các thử thách hay không…

    Thích

  3. Cảm ơn anh Hoành. Hồi trước khi em sang Mỹ mới bắt đầu để ý tới Analytical thinking và một mấu chốt của nó chính là context.

    Một hệ quả của context và thinking là ở trường hợp này, phát biểu này đúng có nghĩa là ở trường hợp khác, phát biểu này sai, và phát biểu khác mới đúng.

    Suy ra là mọi phát biểu đều tương đối… trong context 🙂

    Thích

  4. Vấn đề này phải qua luyện tập thành kỹ năng và thói quen. Chứ anh Hoành chỉ dạy “lý thuyết” thể này khi nghe gật gù lắm, đến khi lâm trận vẫn “trí thức” vẫn bị “giả” như thường! 😀

    Thích

  5. Chào cả nhà,

    Việt nói đúng. Giáo dục nhà ta nhắm vào từ chương, thuộc lòng… cho nên đâu có thể có analytical trong đó được. Analytical thì bắt buộc phải có rất nhiều câu hỏi. Trong ví dụ giản dị đụng xe, người analytical (suy nghĩ trong context) đương nhiên là phải hỏi ít ra là 20 câu hỏi về chi tiết các chuyện đã xảy ra, trước khi có thể phẩm bình điều gi.

    Mẹ anh chỉ học tới lớp 3, nhưng có một câu bà hay nói từ lúc anh còn nhỏ xíu, tới lớn vẫn nghe thường: “Đừờng đi ở trong miệng.” Mở riệng ra hỏi thì đi đâu cũng tới. Nhưng đa số mọi người thì không hỏi, thấy cái gì đó loáng thoáng là kết luận ngay.

    Hồi anh học lớp 10 trường Thánh Thomas (Sài Gòn), một ngày nọ anh và hai tên bạn (Ninh và Tài) tự nhiên có giấy của linh mục tổng giám thị đuổi học, không nói tội gì. Cả ba người chới với, cả lớp chới với, vì ba đứa anh là thành phần học giỏi nhất lớp. Dĩ nhiên là mấy đứa học giỏi thi chẳng thể nào phá phách cho đên nỗi bị đuổi.

    Mấy hôm sau có một chị học cùng lớp là cháu hay gì đó của giáo sư vật lý–chị này ấm ức nên điều tra cho ra lẽ–cho biết là ông giáo này là cháu của linh mục tổng giám thị, mà ông ta bảo linh mục tổng giám thị đuổi học vi lý do hay phá. Tụi anh ngồi suy nghĩ hoài, mình phá cái gì? Phá hồi nào? Rốt cuộc tụi anh ngã ngữa ra là vì mình hỏi nhiều câu quá trong giờ ông này. Mà anh chẳng bao giờ nghĩ đó là phá. Mình chỉ hay thắc mắc về các hiện tượng vật lý và thực sự muốn hiểu, và xử với ông này như thầy… Có nhiều câu hỏi ông ấy ấp a ấp úng không trả lời được, nhưng mình cũng chẳng chê là ông ta dốt… Mà ông ta cũng chẳng bao giờ nói “Sao hỏi nhiều vậy?” Thành ra trong lớp cũng chẳng ai biết là ông này có vấn đề.

    Ninh mang bố mẹ vào xin lỗi hay sao đó và được nhận lại. Anh và Tài quyết định đi trường khác. Anh nói với mẹ anh, “Từ xưa nay con có phá ổng lần nào đâu. Con chỉ hỏi để học đàng hoàng. Ông thầy này cà chớn, ông cha binh cháu kiểu cà chớn. Con không muốn xin lỗi vì chẳng có lỗi gì để xin.” (Đến năm lớp 12 anh mới quay trở lại Thánh Thomas, vì Trường Dòng Chúa Cứu Thế, lớp 11, không có lớp 12).

    Cho nên, trong văn hóa ta, thắc mắc là một cái tội. Làm sao mà analytical được?

    Quỳnh Linh, sự thật thì em rất analytical, em đã vào hàng thầy của người khác rồi. Vẫn có thể học thêm được, đương nhiên. Nhưng dạy người khác thì em cũng nên làm.

    Người quen analytical đầu óc không suy nghĩ “ngoài context” được. Họ luôn luôn có context, kể cả khi bàn về các vấn đề triết lý rất trừu tượng.

    Chỉ cần chậm lại hàng ngày khi nói chuyện với nhau. Nói chuyện gì thì cũng hỏi các chi tiết thực tế về câu chuyện trước khi bình phẩm. Và bình phẩm thì bình phẩm “trong context”, đừng bình phẩm ra ngoài. Ví dụ: Chuyện một anh chàng bỏ bê vợ con. Sau khi biết chuyện, muốn bình phẩm thì “Ông này tệ thiệt”, đừng đi tới mức “Đàn ông rất tệ!”.

    Chúng ta dùng từ “kỹ năng analytical” cho dễ hiểu, chứ thực ra kỹ năng này là thái độ sống–thái độ suy nghĩ chính chắn, rõ ràng, sắc bén, ăn nói chính xác cụ thể, có trách nhiệm với lời nói của mình… Vậy thôi.

    Thích

  6. Ví dụ cuối cùng của anh Hoành “hay” ghê! Có lẽ là “cảnh tỉnh” đối với không ít phụ nữ đâu! :))

    Nói rằng “trong văn hóa ta, thắc mắc là một cái tội” có phần hơi quá, đúng ra thì chỉ là “cãi người lớn là tội” thôi. 😀 Em nhớ ngày nhỏ em đã nhiều lần “nói chuyện” với bố mẹ như thế nào là hỏi, như thế nào là cãi. Vì hỏi thì OK, nhưng cãi thì bị đòn. Nhiều lần mặc dù đã gân cổ lên “con không có cãi, con chỉ hỏi thôi” mà vẫn bị đòn. 😦 Của đáng tội, thủa ấy nhiều lúc cũng mượn cớ hỏi để cãi thật!!!

    Với “trí tuệ” của một đứa trẻ thì hồi ấy em chỉ rút ra một kết luận là lúc không khí “gay cấn” thì thôi đừng hỏi nữa, lựa lúc khác mà hỏi, không thì sẽ bị quy là cãi và ăn đòn.

    Sau này lớn lên thì em hiểu được thêm rằng khi hỏi, người hỏi bộc lộ được tinh thần muốn lắng nghe, tiếp thu để biết. Do đó người bị/được hỏi thấy thoải mái, tự tin và muốn trả lời. Còn khi “cãi” thì mình đang tìm các lý lẽ để chứng minh (i) mình đúng hoặc (ii) người kia sai. Do đó, bản thân mình sẽ khó tiếp nhận sự giải thích, khuyên bảo của người kia và người bị hỏi cũng cảm thấy khó chịu vì đang bị challenged. Còn trong văn hóa Việt mình thì rõ là “bất bình đẳng” giữa “người lớn” và “trẻ con”. Mình làm cho người “nắm quyền sinh sát” mình khó chịu thì rõ là “tội lớn” rồi! :)))

    Giờ mình bàn về vấn đề trẻ em có được cãi người lớn hay không? Đến giờ, em cũng đồng ý rằng hỏi thì OK, nhưng không được cãi. Bên cạnh sự khác nhau giữa hỏi và cãi như em đề cập ở trên, còn có thêm những lý do để trẻ em không được cãi người lớn là:

    – Chấp nhận rằng nhiều lúc người lớn không thể chứng minh, giải thích, thuyết phục được trẻ em rằng người lớn đúng;

    – Trao đổi thẳng thắn, bình tĩnh, lắng nghe nhau thì tốt nhưng cãi nhau tay đôi giữa người lớn và trẻ em là điều phản giáo dục, thế nên khi người lớn không đủ sức để làm chủ tình hình thì cần có quyền dừng cuộc nói chuyện và buộc trẻ em nghe theo mình;

    – Giữa người lớn và trẻ em có sự “bất bình đẳng” nhất định và điều đó là cần thiết để ngay cả khi “không thể” đồng ý với người lớn, thì trẻ em vẫn cần phải tôn trọng và nghe theo;

    – Tôn trọng và ghi nhận ý kiến của người khác, đặc biệt là của người lớn so với mình, khi mình không thấy điều đó đúng và tiếp tục suy nghĩ về điều đó, đây cũng là một đức tính, thói quen nên rèn luyện từ bé;

    – Hỏi nhưng không cãi, đó cũng là thực hành một thái độ khiêm tốn và chế ngự tính hiếu thắng của một đứa trẻ.

    Thích

  7. Quỳnh Linh nói rất phải, nhưng trong một cuộc đối thoại giữa người lớn và trẻ em, hoặc nói chung là giữa người nhiều quyền và người ít quyền, “hỏi” hay “cãi” là tùy theo định nghĩa của người có nhiều quyền.

    Nếu người kia “hỏi” mà người nhiều quyền cho đó là “cãi” thì cũng như không 🙂

    Cho nên, thái độ cởi mở và khuyến khích hỏi của người nhiều quyền rất quan trọng cho xa lộ đối thoại và truyền thông.

    Ngược lại, ngày nay ta có vấn đề của chiều kia. Tức là, các quí vị lớ nga lớ ngớ, thiếu kinh nghiệm, nhưng lại cứ gởi trên Internet các câu “hỏi” rất xấc xược và thiếu lễ độ. 😦 Đối với nhiều người, nick ảo là một mặt nạ cho phép họ bỏ hết lễ nghĩa và lý lẽ 😦

    Thích

  8. Đọc bài anh Hoành viết nhận ra rõ hơn mình hay vơ đũa cả nắm. Trước đây thỉnh thoảng em hay đưa ra kết luận kiểu “con trai thì nghịch”, các bạn tây (Đức) có vẻ ngạc nhiên và không nói dua theo. Về sau này biết nên hạn chế kiểu nói và kiểu nghĩ đó. Đúng là mọi thứ chỉ nên nghĩ trong context mà thôi, đơn giản, rõ ràng. Cám ơn anh Hoành.

    Thích

  9. Dạ, em chào anh Hoành và mọi người,

    Em cảm ơn anh về những thông tin trong bài viết này.

    Em nhận thấy sự quan trọng của analytic skill và critical thinking là rất lớn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống ngày nay.

    Vì đã quen được dạy dỗ từ bé là vâng lời cha mẹ, thầy cô thì mới là 1 đứa con ngoan, trò giỏi nên em luôn nghe theo mọi lời mà cha mẹ, thầy cô nói và hoàn toàn tin tưởng những lời đó mà ko hề có 1 câu hỏi tại sao. Nhưng khi bước ra môi trường bên ngoài, em thấy mình gặp khó khăn rất nhiều, vì xã hội có rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau đến từ nhiều người khác nhau, không giống như lúc trước chỉ nghe lời cha mẹ, thầy cô là được. Bây giờ em đứng trước nhiều nguồn thông tin khác nhau, em ko biết phân tích, phản biện để tin vào nguồn nào, và ra quyết định như thế nào cho chính bản thân mình.
    Em ý thức được tầm quan trọng của kĩ năng phân tích và tư duy phản biện nên em rất muốn có được kĩ năng này. Em muốn nhờ anh Hoành và mọi người đi trước có kinh nghiệm chia sẻ cho em cách để học và rèn luyện được kĩ năng này. Em thật sự rất muốn có được 2 kĩ năng trên anh chị ạ.

    Em mong được anh chị chia sẻ. Em cảm ơn rất nhiều.

    Chúc các anh chị luôn bình an.

    Thích

  10. Hi anh/chị nhungoconly79,

    Em cám ơn anh/chị chia sẻ.

    Em không biết anh/chị đã đọc các bài này do anh Hoành viết chưa nên gửi anh/chị:

    Phản biện như thế nào?
    Lý luận phân tích
    Tư duy phê phán

    Với cá nhân em thì em thường tự đặt câu hỏi cho vấn đề, hoặc gửi câu hỏi đến team, tùy tình huống cụ thể. Những câu hỏi giúp em rất nhiều trong việc hiểu vấn đề.

    Em Hương

    Thích

  11. Cám ơn Thu Hương trả lời dùm anh.

    @nhungoconly79: Anh mới chỉnh link đến chuyên mục “Luận Lý học” của ĐCN lại. Các bài ở chuyện mục này có lẽ sẽ giúp được.

    https://dotchuoinon.com/category/luan-ly-hoc/

    Nút đến link này ở cột “các chuỗi bài”, bên trái trang ĐCN. Nên đọc từ dưới danh sách đi lên.

    Trong tất cả các kỹ năng, kỹ năng phân tích là quan trọng nhất (đó cũng là kỹ năng điều tra của những người phải tìm ra sự thật như điều tra viên (công an, cảnh sát), Luật sư, thẩm phán, thám tử…

    Em có thể tập phân tích bằng cách đọc một bản tin trên báo và hỏi What, When, Where, Who, Why, và How (5W 1H) (Em sẽ thấy nhiều bản tin trong các báo Việt thiếu nhiều chi tiết này).

    Phản biện hay critical thinking sẽ rất dễ khi mình đã phân tích để thấy chi tiết (hay thấy thiếu chi tiết).

    Nếu em gặp khó khăn thì cho anh biết.

    a. Hoành

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s