Thứ bảy, 6 tháng 3 năm 2010

Bài hôm nay

Tình yêu qua tiếng piano của Yiruma, Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, chị Lê Dung.

Nhập gia tùy tục, Danh Ngôn, song ngữ, chị Nguyễn Thu Hiền.

Giáo dục người lớn, Danh Ngôn, song ngữ, chị Trần Thị Thu Hiền.

Tiếng thở dài của phụ nữ , Danh Ngôn, song ngữ, chị Thanh Hằng.

Nếu một mai anh gọi tên em , Thơ, chị Phan Bích Thiện.

Tặng phẩm của dòng sông , Thơ, anh Inrasara.

Về đất tổ , Văn Hóa, Nước Việt Mến Yêu, anh Trần Huiền Ân.

Hãy tập cho mình một chút tử tế: Quan tâm , Trà Đàm, chị Hoa Trang.

Ryonen đắc ngộ , Thiền, Trà Đàm, Văn Hóa, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.

Lĩnh Nam Chích Quái – Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh, Văn Hóa, Nước Việt Mến Yêu, anh Nguyễn hữu Vinh dịch, anh Trần Đình Hoành bình.
.

Tin quốc tế và quốc nội tại vn.news.Yahoo >>>
.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Japan/World Bank Scholarship

Rotary World Peace Fellowships

Fellowship at UNFPA Special Youth Programme

PhD Scholarships at The IT University of Copenhagen

Thông Tin Kinh Tế

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Tình yêu qua tiếng piano của Yiruma

Tình yêu là muôn thủa – con người sống không thể thiếu tình yêu – tình yêu ở đây bao trùm cho tất cả – chứ không phải chỉ dành cho tình yêu nam – nữ.

Chào các bạn,

Ngày hôm nay qua một số bản nhạc của nghệ sĩ piano Hàn Quốc Yiruma, tôi muốn gửi thông điệp tình yêu tới tất cả mọi người – tới tất cả muôn loài – và tới những người cô đơn – trẻ em lang thang, những bà Mẹ không nơi nương tựa – chỉ có tình yêu – tình bằng hữu mới có thể đem lại hạnh phúc và nụ cười hiện hữu trên từng khuôn mặt … dù cuộc sống có khó khăn tới mức độ nào …

Hãy yêu – yêu nhiều hơn nữa – hãy cảm thông và chia sẻ…. như vậy cuộc sống mới đáng trân trọng – và một thế giới đẹp xinh.

Bởi chiến tranh sẽ không còn hiện hữu … mọi thù hằn sẽ bỏ qua … nước mắt sẽ không còn tuôn rơi trong từng khóe mắt …

Hãy yêu thương và yêu thương … hòa bình và lòng bác ái … hãy cho đi và không bao giờ nhận lại … hãy cầu chúc cho tất cả an vui … hòa bình – hạnh phúc tới muôn nơi …

Lê Dung

.

River flows in you


.

Kiss in the rain


.

Love me


.

Tears on love


.

First love


.

All myself to you


.

The moment

Giáo dục người lớn

.

Tại sao xã hội nghĩ rằng chỉ cần có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ em, mà không phải trong việc giáo dục tất cả người lớn ở mọi lứa tuổi ?

Trần Thị Thu Hiền dịch.

.

Why should society feel responsible only for the education of children, and not for the education of all adults of every age?

Erich Fromm

Nếu một mai anh gọi tên em

Nếu một mai anh gọi tên em
Anh sẽ gọi bằng ngôn từ gì nhỉ
Ào ạt dồn bão tố
Hay trầm lắng của đêm
Ngôn từ gì anh gọi tên em
Thoáng nhẹ lay nụ hoa khẽ nở
Tiếng nứt rạn băng đang tan vỡ
Chợt bàng hoàng mùa xuân
Động đâu đây âm thầm
Lá rời cành thu cuối
Vỗ cánh chim tiếc nuối
Cơn gió lạnh đầu đông.

Trong tiếng gọi có sóng vỡ tung
Lũ tràn về ùa vào bờ đất
Tiếng rít của heo may gió bấc
Cứa bờ môi cằn khô
Róc rách rơi hạt mưa
Thấm cánh đồng hạn hán
Tiếng cá quẫy ao cạn
Bùng sấm nổ đầu mùa.

Trong tiếng gọi có giọt nắng trưa
Khắc khoải lá cành cây oi ả
Bỗng run lên bởi cơn gió lạ
Vô tình bay qua.

Trong tiếng gọi có âm thanh lặng im
Âm thanh tần số vắng
Khẽ truyền trong im lặng
Của đôi bàn tay.

Trong tiếng gọi có lời cỏ cây
Chim gù mùa làm tổ
Những ngôn từ gì nữa
Nếu một mai anh gọi tên em?

Phan Bích Thiện

Tặng phẩm của dòng sông

Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa.

Từ đỉnh đồi cao dòng sông chắt về miền đất quê phù sa để qua từng luống cày khơi dậy mùa hi vọng trên vầng trán anh nông dân mộc mạc.
Rồi băng suốt bước bạo động lịch sử dòng sông vẫn dõi theo từng thế hệ gái trai sinh ra lớn lên chết đi cùng tiếng đập tim của dòng sông.
Là tiếng đập tim của quê hương chuyển dịch dòng máu đứa con đi hoang trở về soi bóng dòng sông và tìm nơi dòng sông chốn trú ẩn chơi vơi của cuộc tình người phiêu lãng.

Và như đứa con phung phá dòng sông lãng phí mình cho cây lá quê hương
Dù là rặng tre hẹn dâng thân già cho người quê nhà tranh vách đất.
Hay dù là bãi cỏ hoang nuôi béo đàn trâu sau vất vả buổi cày. Hay dù là lùm gai li ti làm sướt tay lũ trẻ con trốn nhà nghịch ngợm, dòng sông vẫn ban phát nguồn nước giàu sang mình mang chứa làm nhịp bao nhựa sống cho đời cây dàn trải.

Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa.
Dòng sông vẫn ở lại.

Như bà mẹ vắt cạn bầu sữa dòng sông trầm mình nuôi lớn hai bờ cây. Cho mùa khô gió reo vào đường lá còn nghe vọng tiếng nói dòng sông.
Hay khi ánh trăng soi cành xanh còn thấy động hình ảnh dòng sông gợn chảy. Hay khi trưa cháy nắng ngã mình dưới tàn cây anh nông dân còn được nhìn bóng dáng dòng sông.

Dòng sông đi.
Dòng sông vẫn gửi lời cám ơn ở lại.

Lời cám ơn tiềm ẩn được gửi về sinh thể nhận nơi dòng sông dưỡng chất trần gian. Từ chú dế mèn đêm khuya ru giấc mộng trẻ thơ đến lũ nhái suốt mùa ca lời ca vô nghĩa. Hay từ cánh cò xa làm của điểm trang bầu trời miền hoang dã đến đứa con quê hương mang vết tích dòng sông đi về vô định phương trời.

Dòng sông mãi vọng lời cảm tạ.
Lời cảm tạ gửi về tôi gửi về em như gửi về ngàn thế hệ đã qua và vạn thế hệ sắp tới mở vòng tay đón nhận từ dòng sông lời cảm tạ. Để giữa hố hang lịch sử mãi làm vang lên lời cảm tạ của dòng sông và phung phí như dòng sông với con người và với cuộc đời rồi lên đường đi mất.

Như dòng sông cho và đi.

Inrasara

Về đất tổ

“Cõi Nam riêng một góc trời
Hùng Vương gây dựng đời đời nghiệp vua
Phong Châu là chốn kinh đô
Chia mười lăm quận bản đồ mênh mông
Trứng rồng lại nở ra rồng
Ngàn thu con cháu vốn dòng Lạc Long
Cây kia ăn quả ai trồng
Suối kia uống nước hỏi dòng từ đâu?…”

Nhớ lại lịch sử thời dựng nước, chắc chắn mỗi người chúng ta đều tự hỏi như thế. Và ai ai cũng muốn ít nhất có một lần về thăm đất tổ cội nguồn.

Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 về hướng tây bắc, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng trung du Bắc Bộ. Buổi sáng hôm ấy thật êm đềm. Trời xanh không quá cao tạo cái cảm giác gần gũi. Những ngọn đồi tròn, thấp, rải rác khắp nơi. Đồng ruộng vì thế không còn trải rộng, nhưng lại có vẻ linh hoạt hơn. Bắp, khoai, sắn nước, rau cải…đều xanh mượt, nhưng mỗi loại một màu xanh riêng, tạo ra từng ô đậm nhạt khác nhau, trông mát mắt. Thỉnh thoảng còn thấy một hai cái lô cốt ẩn mình trong cỏ, rêu phong, chứng tích của một thời khói lửa.

Đường qua huyện Mê Linh. Chỉ hai tiếng Mê Linh cũng đủ gợi lên những trang sử oanh liệt của hai vị nữ anh hùng dân tộc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống nhà Đông Hán. Qua Hương Canh với ngôi đình trên 300 năm, qua thị xã Vĩnh Yên, đường chuyển sang hướng tây để gặp sông Lô. Xe chạy dưới cầu rồi vòng lên. Mơ hồ trong gió như  vang vọng bản trường ca đầy hào khí và cũng rất trữ tình.

Thành phố Việt Trì là tỉnh lỵ Phú Thọ. Sông Lô gặp sông Hồng tạo ra điểm gặp của Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hà Tây. Đi mươi cây số nữa là tới đền Hùng, thôn Cổ Tích, xã Hi Cương, huyện Phong Châu. Ai đã thuộc những câu thơ xưa từ bài học thuộc lòng trong ký ức thiếu thời, khi nhìn núi Ngũ Lĩnh không thể không nhẩm đọc:

…Ba tòa chót vót đầu non
Ngàn thu sùng bái vẫn còn khói hương…


Trước khi đến “ba tòa” tức là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, phải qua đền Trình gần chân núi. Bên trên cổng đề bốn chữ “Cao sơn cảnh hành”, ở bốn trụ có hai câu đối. Từ chân núi đến đền Hạ thoai thoải 225 bậc cấp. Các bậc cấp xây cao bằng nhau (một tấc rưỡi) vừa với bước chân người lớn tuổi. Cho nên không mấy ai ngần ngại khi nghe tiếng gọi của tiền nhân:

Đường mây sẵn bậc leo lên
Rõ ràng lăng miếu Mẹ Tiên Cha Rồng…

Ở đền Hạ có Thiên Quang thiền tự, tương truyền tại nơi này Mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm con, có cây đại 500 năm, cây vạn tuế 3 nhánh 700 năm. Lên thêm 168 bậc cấp nữa đến đền Trung, có cây đại 700 năm. “Trăm năm trong cõi người ta…” một đời người đâu có nghĩa gì so với cổ thụ. Nhưng điều quan trọng là sự nghiệp một đời người còn có gì để lại cho các thế hệ mai sau khi thân xác đã về cùng cát bụi.
Nói đến cổ thụ có khi không đồng nghĩa với đại thụ. Cây vạn tuế ở đền Trung không có được tầm vóc như cây đại ở Côn Sơn, tương truyền do Trần Nguyên Đán trồng đã 600 năm, hoặc cây đại trước chùa Hoa Yên núi Yên Tử 700 năm, trông khắc khổ mà kiêu hùng. Những cây tùng 700 năm dọc Đường Tùng Yên Tử thì cao vút cao, ngọn vẫy mây trời, dưới gốc rễ trồi lên cùng sỏi đá.

Cũng theo tương truyền, chỗ đền Trung là nơi tổ chức cuộc thi các món ăn và Hoàng tử Lang Liêu đã dâng vua món bánh chưng bánh giầy. Ở sân đền có đặt 9 tảng đá, tảng lớn nhất chính giữa, 8 tảng nhỏ hơn xếp vòng chung quanh, tượng trưng nơi ngày xưa Vua Hùng và các Lạc hầu Lạc tướng ngồi trên các tảng đá bàn việc nước, vua ngồi giữa, văn võ chung quanh. Từ 9 tảng đá thô sơ nơi sân đền Hùng đến 9 chiếc đỉnh chạm khắc công phu trước Thế miếu Huế, đất nước biết bao thăng trầm để đến hôm nay…

…Bụi hồng mấy cuộc tang thương
Bia xanh còn đó, khoán vàng còn đây…

Đi tiếp 102 bậc nữa đến đền Thượng: “Kính thiên Linh điện”. Kiến trúc đền Thượng cũng như các đền Hạ, Trung. Ngôi đền dài, bên trên đôi rồng chầu, trước có bốn chữ “Nam Việt tích tổ”. Sau đền là sân rộng, bóng cây che mát. Cạnh đền Thượng có “Hùng Vương lăng” là mộ vua Hùng thứ sáu. Sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân bay về Trời, vua Hùng thứ sáu cởi áo vắt lên cây kim giao rồi hóa tại đây. Nguyên xưa là mộ, đến thời đầu triều Nguyễn xây thành lăng như hiện nay, hai tầng mái uốn cong bốn góc.

Không quay lại lối cũ, cứ tiếp bước đi xuống là đền Giếng nằm ở chân núi, phía đông nam. Trong đền có giếng Ngọc, một lần nữa nói theo tương truyền, các Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi xuống lòng giếng chải tóc, bịt khăn. Ngày nay, do du khách đến đây thường thả những tờ bạc xuống lòng giếng để cầu phúc cầu tài…người ta phải đặt một tấm gương trong suốt bên trên, e rằng sự giao hòa giữa Trời-Đất, Âm-Dương đã phần nào bị hạn chế.

Trước đền Giếng là một hồ sen. Bên ngoài hồ sen, bước qua vòm cổng đưa ta trở về cùng cõi đời thường sau khi đã gởi lòng theo dấu chân dĩ vãng. Ngoái lại, thấy bốn chữ “Trung sơn thiên bửu”, đôi câu đối, hai trụ biểu nổi trên màu cây lá.

Hình như tại đây ai ai cũng bâng khuâng dừng bước, đưa tầm mắt nhìn tận xa xa. Cả cõi kinh đô Phong Châu bao la hùng vĩ “Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao giang”, gồm cả Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một phần Hà Tây hiện nay (Sơn Tây). Một ngàn năm trước, bốn ngàn năm trước…đứng ở đây vẫn là ngọn núi ấy, dòng sông ấy, Tổ tiên để lại cho con cháu. Bên trong trang lịch sử vinh quang thời Hùng Vương còn có những trang tình sử. Và một cảnh rất đẹp, rất thơ là cảnh Mỵ Nương Ngọc Hoa hạ giá cùng Sơn Tinh:

…Quỳ lạy cha già bên kiệu bạc
Thương người thương cảnh xót lòng đau
Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác
Nàng kêu: Phụ vương ôi! Phong Châu !…

(Nguyễn Nhược Pháp)

Khốc như nữ tử vu quy nhật”. Công chúa không khóc, chỉ kêu lên, hẳn là tiếng kêu nho nhỏ, nghe như tiếng chim rừng Nghĩa Lĩnh.

Trần Huiền Ân

Hãy Tập Cho Mình Một Chút Tử Tế: Quan Tâm

Có một người kia bị bệnh quên trầm trọng. Chiều đến, anh ta quên hết mọi việc anh làm trong ngày. Sáng hôm sau thì anh không còn nhớ điều gì anh đã làm tối hôm trước. Đang đi ngoài đường, anh không nhớ là mình đang đi. Ngồi ở nhà, anh không biết mình đang ở đâu. Những người thân trong gia đình rất buồn rầu và thất vọng vì đã thử nhiều phương pháp chữa trị nhưng không đạt kết quả. Sau cùng thì một thầy thuốc đến và tuyên bố rằng: “Tôi có cách chăm sóc người nầy. Hãy để một mình tôi với anh ta”. Và không biết thầy thuốc đã chữa trị bằng cách nào, nhưng người đó được chữa lành. Anh ta nhớ lại tất cả.

Được chữa lành, nhưng anh ta lại giận dữ mà rằng: “Trước kia, khi tôi không nhớ gì cả thì tinh thần tôi thoải mái và thanh thản. Bây giờ thì nặng nề quá, nào là những kỷ niệm đè nặng, nào là những năm tháng thành công và thất bại, những thiệt thòi cũng như thua kém, những vui sướng cũng như đau buồn, tôi đã nhớ hết. Rồi khi nhớ về quá khứ, tôi lại lo lắng cho tương lai. Tôi muốn có những giây phút không còn nhớ gì hết”.

Người mắc bệnh quên trên đây tức giận vì anh ta có lại trí nhớ, vì anh bị tước đi cái khả năng chạy trốn thực tại, chạy trốn những người chung quanh, chạy trốn anh em qua việc ẩn núp trong cái bệnh quên của mình.

Một chút Quan Tâm sẽ dẫn chúng ta đi rất xa. Chúng ta có thể học sống thực tế đơn giản qua việc quan sát những gì xảy ra chung quanh chúng ta – không loại trừ cũng không thêm bớt, không xét đóan. Không dán nhãn, không cần đánh giá tốt hay xấu. Đơn giản thấy cái nó LÀ.

Sự Quan Tâm làm cho cuộc sống trở nên thú vị và dễ chịu hơn. Vì chúng ta sẽ thấy thế giới không phải chỉ là một bóng đêm, nhưng có cái gì đó luôn luôn đổi mới. Nếu chúng ta có chút Quan Tâm đến những gì chung quanh, nơi đây và bây giờ, chúng ta sẽ nhận ra nơi mỗi con người, mỗi khoảnh khắc, ẩn náu những điều kỳ diệu mới.

Nhưng phần nhiều trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy sự việc không như vậy. Khi chúng ta gặp người nầy người nọ, chúng ta “Thấy” họ sẽ thế nào và họ sẽ nói gì! Chúng ta ở trong một tình huống nào đó, chúng ta “Biết” là điều gì sẽ xảy ra. Có nghĩa là: rốt cuộc chúng ta sống dựa vào một quá khứ nghèo nàn, vì chúng ta không có được những đức tính thiết yếu của “bất ngờ và canh tân”. Và điều đó chỉ đem đến cho chúng ta sự nhàm chán. Như những người khách du lịch chỉ đi đến những nơi mà họ thấy trong quảng cáo, họ sẽ không khám phá ra được điều gì thực sự mới. Họ chỉ thấy được cái gì mà họ chờ đợi được thấy.

Sống Quan Tâm là điều kiện cần thiết để giao tiếp tốt đối với người khác. Quan Tâm là một ơn Chúa ban, và đó là một ơn rất quí. Và Quan Tâm có thể nói đó là một cử chỉ anh hùng. Bạn hãy nghĩ có giây phút nào đó khi bạn nói mà người ta không lắng nghe bạn như bạn mong đợi. Bạn hãy tưởng tượng khi bạn nói mà người đối diện ngoái nhìn chỗ khác một cách lơ đễnh hoặc đọc báo… Trong sự không Quan Tâm đó, có cái gì như phá hoại và khinh miệt làm cho bạn mất đi hào hứng và sự tin tưởng nơi bạn, làm cho bạn cảm thấy bạn không tồn tại và làm cho mặc cảm tự ti thầm kín trào dâng.

Sự Quan Tâm chính là một Nhân Đức. Đó là một cách tiếp đón kẻ khác, một cử chỉ mang lại cho họ sự sống. Quan Tâm đến kẻ khác là đặt những âu lo của mình, những cách nhìn của mình, những ước vọng của mình, những điều mình thích.. vào trong hai dấu ngoặc.

Quan Tâm có nghĩa là tỉnh thức. Nghĩa là ý thức được sự gì xảy ra chung quanh.Ví dụ thấy người mà chúng ta đang nói chuyện dường như đặc biệt xanh xao, hay anh ta mặc chiếc áo mới, hay anh ta vừa mới đi cắt tóc, hoặc anh ta ngủ không ngon giấc đêm qua hoặc ngược lại, ngày hôm nay thấy anh ta có gì rất vui… Nhờ vào những nhận định đó mà chúng ta có thể có cùng một “tần số” với người đối thoại và biết được điều mà chúng ta có thể làm cho họ.

Quan Tâm là một dạng Tử Tế và thiếu Quan Tâm là một cái gì hết sức thô lỗ, một sự bạo lực thầm kín. Bernard Shaw nói: “Tội lớn nhất đối với người đồng loại không phải là thù ghét họ mà là không quan tâm đến họ, đó là cốt lõi của tính vô nhân đạo”.

Người Châu phi có kể câu chuyện như sau: “Một ông Vua kia có một người vợ luôn luôn buồn rầu và đau yếu. Một ngày kia, ngài khám phá ra một người đánh cá nghèo nàn sống cạnh lâu đài, có một cô vợ mạnh khỏe và sống rất vui vẻ. Ông Vua hỏi người đánh cá rằng: “Bạn làn sao mà vợ anh sống vui vẻ quá như vậy?” Anh đánh cá trả lời: “Thưa rất đơn giản thôi, tôi nuôi vợ tôi bằng cái lưỡi”. Ông Vua mừng rỡ, nghĩ mình đã tìm ra được giải đáp tốt. Ngài đặt mua ở các cửa hàng thịt của triều đình, lưỡi cho vợ ông và bắt vợ ông theo một chế độ ăn lưỡi rất nghiêm nhặt. Nhưng ngài thất vọng vì càng ngày vợ ông càng trở nên tệ hại hơn.

Vua rất tức giận và quay lại gặp người đánh cá mà rằng: “ Chúng ta đổi vợ cho nhau”. Người đánh cá buộc lòng phải vâng theo. Người vợ của Vua từ ngày về sống với ông đánh cá, trở nên mạnh khỏe và sống rất vui vẻ, còn cô vợ của người đánh cá, từ khi về sống với nhà vua càng ngày càng trở nên âu sầu ủ dột. Một ngày kia, ông Vua gặp lại vợ cũ của mình ngoài chợ, suýt nữa thì ông không nhận ra. Ông nói: “về với ta”. Cô ta trả lời: “Hết rồi”. Cô ta thêm: “Hàng ngày khi đi làm về, chồng mới của tôi ngồi cạnh tôi, kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, anh lắng nghe tôi, anh hát, anh làm cho tôi cười. Tôi cảm thấy như được sống lại. Đó chính là “cái lưỡi”, là con người nói với tôi, quan tâm đến tôi. Và tôi mong tới giờ anh đi làm trở về”. Lúc đó nhà vua mới hiểu ra. Ngài cảm thấy một sự đắng cay cho những cơ hội đã qua và cũng có một ước muốn thâm sâu thay đổi.

Quan Tâm là một phương thế phổ biến sự tử tế. Không có sự Quan Tâm, đừng nói đến Tử Tế. Cũng không có Tình Yêu và không có Giao tế giữa con người với nhau. Chúng ta hãy nhớ những giây phút vui vẻ mà chúng ta có đối với bạn bè, chắc chắn là không phải là những giờ phút chúng ta lơ đễnh. Ngược lại chúng ta rất Quan Tâm và rất sẵn sàng. Quan Tâm tức là chúng ta cho anh em mình quan trọng, là người “thân cận” của chúng ta, chúng ta có thể thực sự hiệp thông với họ và hai bên hiểu được nhau.

hoatrang,3.March.010

Ryonen đắc ngộ

Ni cô Ryonen sinh năm 1797. Cô là cháu của Shingen, một võ tướng nổi tiếng của Nhật. Thiên tài thi phú và sắc đẹp khuynh thành của cô tuyệt đến mức mới 17 tuổi cô đã thành người hầu cận của hoàng hậu. Dù còn trẻ thế, danh vọng đang chờ đợi cô.

Hoàng hậu yêu quý chết bất thần và mọi giấc mơ của Ryonen tiêu tán. Cô thấy rất rõ tính vô thường của đời sống trong thế giới này. Vì vậy cô muốn học thiền.

Tuy nhiên, thân nhân của cô không đồng ‎ý và ép cô lập gia đình. Với lời hứa hẹn là cô có thể đi tu sau khi đã sinh ba đứa con, Ryonen đồng ý. Cô làm tròn điều kiện này trước khi đầy 25 tuổi. Chồng cô và mọi người thân chẳng thể cản cô được nữa. Cô cạo đầu, lấy tên là Ryonen, có nghĩa là đạt ngộ sáng lạn, và bắt đầu hành hương.

Cô đến thành phố Edo và xin thiền sư Tetsugya nhận làm đệ tử. Nhưng chỉ liếc mắt qua một tí là thiền sư đã từ chối, vì cô quá đẹp.

Ryonen đến gặp một thầy khác, Hakuo. Hakuo cũng từ chối với cùng lý do, nói là sắc đẹp của cô chỉ gây rắc rối.

Ryonen lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt. Chỉ trong một lúc là sắc đẹp của cô đã tiêu tán vĩnh viễn.

Hakuo bèn nhận cô làm đệ tử.

Để k‎ỷ niệm chuyện này, Ryonen viết một bài thơ trên mặt sau của một tấm gương nhỏ:

Phục vụ Hoàng Hậu, ta đốt hương xông thơm quần áo lụa là
Nay khất thực không nhà, ta đốt mặt để vào thiền viện.”

Khi sắp sửa lìa đời, cô viết một bài thơ khác:

Sáu mươi sáu lần đôi mắt này đã chứng kiến mùa thu thay đổi.
Ta đã nói đủ về ánh trăng,
Đừng hỏi nữa.
Hãy chỉ lắng nghe tiếng nói của thông và tuyết tùng khi gió lặng.

.

Bình:

• Ryonen không những đẹp mà còn rất trí tuệ khi còn trẻ. Một biến cố là đủ để cô nhận chân tính vô thường của đời sống.

• Và ‎ý chí thật là vững chắc. Đã nói đi tu là đi tu, chẳng có gì cản được, kể cả sắc đẹp của mình.

Có lẽ cô đã giác ngộ cả trước khi đi tu.

• Các thiền sư thường làm một bài thơ trước khi qua đời, gọi là “bài thơ chết” (the death poem). Đây là lời dạy cuối cùng, và do đó là lời dạy quan trọng nhất, của người ra đi. Bài thơ chết của Ryonen cũng không ngoài lệ đó:

Sáu mươi sáu lần đôi mắt này đã chứng kiến mùa thu thay đổi: Ta đã thấy rất rõ lẽ vô thường (trong 66 năm sống).

Ta đã nói đủ về ánh trăng, đừng hỏi nữa: Ta đã nói đủ về giác ngộ, về tỉnh thức, đừng hỏi nữa.

Hãy chỉ nghe tiếng nói của thông và tuyết tùng khi lặng gió: Hãy chỉ nghe tiếng nói của tĩnh lặng.

• Tất cả những người đã đắc đạo đều dạy chúng ta “nghe” tiếng nói của tĩnh lặng, nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Đây là một chân l‎ý mà người chưa nắm được không thể hiểu được.

Thực ra vấn đề rất giản dị để ta có thể trực nghiệm hàng ngày, nếu ta muốn trực nghiệm: Khi một đám đông đang điên cuồng hò hét “Giết nó! Giết nó!”, nếu bạn không chạy theo đám đông và có thể ngồi tĩnh lặng, bạn sẽ thấy vấn đề rõ và sâu hơn đám đông rất nhiều. Nhiều điều bạn thấy, chẳng ai trong đám đông thấy cả.

Khi chúng ta tĩnh lặng chúng ta nghe tiếng nói của trí tuệ từ trong tĩnh lặng.

• Tĩnh lặng đây không có nghĩa chỉ là (1) mất hết âm thanh, mà còn là (2) mất hết các dao động trong tâm—tức giận, buồn chán, ghen ghét, v.v… và mất hết (3) các suy nghĩ và tư tưởng chạy ngược xuôi trong đầu.

Tâm hoàn toàn rỗng lặng.

• Bạn muốn hiểu sâu xa các hiện tượng chính trị, kinh tế, giáo dục… của xã hội, hay những hỉ nộ ái ố bi lạc dục trong lòng bạn? Sâu xa hơn người khác, và hơn cả chính bạn, rất nhiều?

Vậy thì, tĩnh lặng.

Nhiều người tưởng là đọc nhiều, ngốn nghiến nhiều sách vở và thông tin. Không. Không phải vậy.

Tĩnh lặng. Và bạn sẽ đọc một hiểu mười.

(Không tĩnh lặng, và bạn sẽ đọc mười hiểu một).

(Trần Đình Hoành dịch và bình)

.

Ryonen’s Clear Realization

The Buddhist nun known as Ryonen was born in 1797. She was a granddaughter of the famous Japanese warrior Shingen. Her poetical genius and alluring beauty were such that at seventeen she was serving the empress as one of the ladies of the court. Even at such a youthful age fame awaited her.

The beloved empress died suddenly and Ryonen’s hopeful dreams vanished. She became acutely aware of the impermanency of life in this world. It was then that she desired to study Zen.

Her relatives disagreed, however, and practically forced her into marriage. With a promise that she might become a nun after she had borne three children, Ryonen assented. Before she was twenty-five she had accomplished this condition. Then her husband and relatives could no longer dissuade her from her desire. She shaved her head, took the name of Ryonen, which means to realize clearly, and started on her pilgrimage.

She came to the city of Edo and asked Tetsugya to accept her as a disciple. At one glance the master rejected her because she was too beautiful.

Ryonen went to another master, Hakuo. Hakuo refused her for the same reason, saying that her beauty would only make trouble.

Ryonen obtained a hot iron and placed it against her face. In a few moments her beauty had vanished forever.

Hakuo then accepted her as a disciple.

Commemorating this occasion, Ryonen wrote a poem on the back of a little mirror:

In the service of my Empress I burned incense to perfume my exquisite clothes,
Now as a homeless mendicant I burn my face to enter a Zen temple.

When Ryonen was about to pass from this world, she wrote another poem:

Sixty-six times have these eyes beheld the changing scene of autumn.
I have said enough about moonlight,
Ask no more.
Only listen to the voice of pines and cedars when no wind stirs.

# 50

Lĩnh Nam Chích Quái – Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh

Truyện Cá tinh (Ngư tinh)

Ở ngoài biển Đông có con cá đã thành tinh, mình như rắn dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như rết, biến hóa thiên hình vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa bão, lại ăn thịt người nên ai cũng sợ.

Đời thượng cổ có con cá dung mạo như người, bơi tới bờ biển Đông, biến thành hình người, biết nói năng, dần dần sinh ra nhiều con trai con gái, hay bắt cá, tôm, sò, hến mà ăn. Lại có giống mọi sống ở đảo biển, chuyên nghề bắt cá, sau cũng biến thành người, giao dịch với man dân các vật như muối, gạo, áo quần, dao, búa, v.v thường qua lại ở biển Đông. Có hòn đá Ngư tinh, răng đá lởm chởm cắt ngang bờ bể, ở dưới đá có hang, cá tinh sống ở trong đó. Thuyền dân đi qua chỗ này thường hay bị cá tinh làm hại.Vì sóng gió hiểm trở, không có lối thông, dân muốn mở đường đi khác nhưng đá rắn chắc khó đẽo. Một đêm, có tiên đến đục đá làm cảng để cho người đi dễ dàng qua lại. Cảng sắp làm xong, cá tinh bèn hóa làm con gà trắng gáy ở trên núi. Quần tiên nghe tiếng ngỡ rằng đã rạng đông nên cùng bay lên trời (nay gọi là cảng Phật Đào). Long Quân thương dân bị hại, bèn hóa phép thành một chiếc thuyền lớn, hạ lệnh cho quỉ Dạ Xoa ở dưới thủy phủ cấm thần biển không được nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá cá tinh, giả vờ cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Cá tinh há miệng định nuốt, Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Cá tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền. Long Quân cắt đứt đuôi cá, lột da phủ lên trên núi nay chỗ đó gọi là Bạch Long Vĩ, còn cái đầu trôi ra ngoài bể biến thành con chó. Long Quân bèn lấy đá ngăn bể rồi chém nó. Nó biến thành cái đầu chó, nay gọi là Núi Đầu Chó (Cẩu Đầu Sơn), còn thân mình. trôi ra ngoài Mạn Cầu, chỗ đó nay gọi là Cẩu Mạn Cầu.
.

Truyện Chồn tinh (Hồ tinh)

Thành Thăng Long xưa còn có tên là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở bờ sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, vì vậy đặt tên là Thăng Long, rồi đóng đô ở đấy, tức là đất kinh thành ngày nay vậy.

Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ. Trong hang dưới chân núi, có con chồn chín đuôi sống được hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu tinh, biến hóa thiên hình vạn trạng, hoặc thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người mọi chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần, người mọi thường thờ phụng. Thần dạy người mọi trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là “mọi áo trắng” (Bạch y man). Con chồn chín đuôi biến thành người mọi áo trắng nhập vào giữa đám dân mọi cùng ca hát, dụ bắt trai gái rồi trốn vào trong hang núi đá. Người mọi rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên phá vỡ hang đá, làm thành một đầm nước lớn. Nơi này trở thành một cái vũng sâu gọi là “đầm Xác Chồn” (tức Hồ Tây ngày nay). Rồi cho lập miếu để trấn áp yêu quái (tức chùa La đã ngàn năm). Cánh đồng phía Hồ Tây rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là “đồng Chồn” (Hồ Đồng). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở, thường gọi là “thôn Chồn” (Hồ Thôn). Chỗ hang chồn xưa, nay gọi là đầm Lỗ Hồ (Lỗ Hồ Đàm).
.

Truyện Cây tinh (mộc tinh)


Thời thượng cổ ở đất Phong Châu có một cây lớn gọi là cây chiên đàn, cao hơn ngàn trượng, cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn trượng. Có chim hạc bay đến làm tổ, nên đất chỗ đó gọi là đất Bạch Hạc. Cây trải qua không biết bao nhiêu năm, khô héo rồi biến thành yêu tinh, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng thuật thần đánh thắng cây tinh này. Cây tinh này hơi chịu khuất phục nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ. Hàng năm tới ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, cây tinh mới để cho được yên ổn. Dân thường gọi cây tinh này là thần Xương Cuồng. Ở biên giới tây nam giáp liền với nước Mi Hầu, vua sai dân mọi ở Bà Lộ (nay là phủ Diễn Châu) bắt giống người mọi sống ở Sơn Nguyên tới nạp, như vậy đã thành lệ thường mọi năm. Tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Ngao làm quan lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao muốn bỏ tệ lệ ấy đi, cấm không được nạp lễ người sống, thần Xương Cuồng tức giận vật chết Nhâm Ngao. Vì thế, sau lại phải phụng thờ nhiều hơn nữa.

Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng có pháp sư Du Văn Tường vốn người phương bắc, đức hạnh thanh cao, khoảng 40 tuổi, đã từng đi qua nhiều nước, biết được tiếng các dân mọi, học được thuật làm mình vàng và răng đồng, sang nước Nam ta lúc hơn 80 tuổi. Tiên Hoàng lấy lễ thầy trò mà tiếp, pháp sư bèn dạy cho pháp thuật để làm trò vui cho thần Xương Cuồng xem mà giết y. Người biết pháp thuật này có Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Hiểm Can thường làm người cưỡi ngựa hoặc làm bọn con hát. Hàng năm tới tháng 11 lại dựng lầu cầu vồng cao 20 trượng, dựng một cây đứng ở trong, tết vỏ gai làm dây thừng dài 136 thước, đường kính rộng 3 tấc, lấy mây mà quấn ngoài rồi chôn hai đầu dây xuống đất, giữa gác lên cây. Thượng Kỵ đứng lên trên dây mà chạy nhanh 3, 4 lần, đi đi lại lại mà không ngã. Kỵ đầu đội khăn đen, mình mặc quần đen. Dây của Thượng Can dài 150 thước, có một chỗ mắc chạc ba. Hai người mỗi người cầm 1 cán cờ đi trên dây, gặp nhau ở chỗ chạc ba thì lại tránh, lên xuống mà không ngã. Khi thì Thượng Đát lấy một tấm gỗ lớn rộng 1 thước 3 tấc, dày 7 tấc đặt lên trên cây cao 17 thước, Đát đứng ở trên nhảy 2, 3 lầni, tiến tiến lùi lùi. Khi thì Thượng Toái lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, dài 3 thước, tròn 4 thước rồi chui vào đứng thẳng mình mà không ngã. Khi thì Thượng Câu vỗ tay nhảy nhót, miệng la hét kêu gào, chuyển động chân tay, rờ xương vỗ bụng, tiến lên lùi xuống, hoặc làm người cưỡi ngựa phi nhay, cúi mình xuống nhặt lấy vật ở dưới đất mà không rơi khỏi lưng ngựa. Khi thì Thượng Hiểm Can ngả mình nằm ngửa, lấy thân đỡ một cái gậy dài rồi cho đứa trẻ trèo lên. Khi thì cho bọn ca hát gõ trống khua chiêng, ca múa rầm rĩ. Lại giết súc vật mà tế. Thần Xương Cuồng tới xem, pháp sư đọc mật chú rồi lấy kiếm ra chém. Thần Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết. Lệ làm lễ nạp dâng người sống hàng năm bèn bỏ, dân lại sống yên lành như xưa.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
.

Bình:

• Ba truyện khắc phục Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh này đi ngay sau truyện khởi thủy lập quốc Họ Hồng Bàng, nói về các giai đoạn kiến tạo đất nước. Trước tiên ta có “người”, tức là “dân tộc”—họ Hồng Bàng; sau đó là “lãnh thổ” và “văn hóa”.

Về lãnh thổ thì truyện Cá tinh nói về biển, và truyện Chồn tinh nói về lục địa.

Về văn hóa, thì Cá tinh nói về thử thách từ ngoài vào–từ thiên nhiên hoặc ngoại thù; Chồn tinh nói về thử thách từ gian tham trong xã hội; và Cây tinh về sự xuống cấp các giá trị đạo đức văn hóa.

• “Tinh” là giai đoạn thần vật hay linh vật (animism), trong đó mọi thứ quanh ta sông, suối, đá, cá. chồn, cây đều có thể là thần linh. Đây thường là tôn giáo đầu tiên thời sơ khai của mọi dân tộc trên thế giới. Cho nên khi nói đến khó khăn người xưa nghĩ đến ma tinh là chuyện thường, như là Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh.

Triết lý nhân chủ:

Ai diệt Cá tinh, Chồn tinh và Cây tinh?

Cá tinh thi Lạc Long Quân diệt, và Chồn tinh cũng do Lạc Long Quân trấn yểm. Cây tinh thì Kinh Dương Vương, bố của Lạc Long Quân đã yểm trấn một phần; sau này do Du Văn Tường và 5 đệ tử diệt. Đây là một điểm rất thú vị và quan trọng trong việc phát triển tâm thức Việt Nam.

Thần thoại các nước, như thần thoại Hy Lạp, gốc gác của văn minh tây phương, thì thường phải có thần trị thần, hay thần trị quỷ. Con người coi như bất lực hoàn toàn. Trong thần thoại Việt Nam, con người trị quỷ thần. Chẳng có thần thánh nào khác. Ngay trong cả truyện Cá tinh, thì tiên phật trên trời xuống cũng chỉ giúp đào cảng để tránh bão, chứ chằng làm gì với yêu tinh cả.

Đây là triết lý nhân chủ–con người là chính. Con người tự khắc phục khó khăn quanh mình.

Lãnh thổ

Truyện Cá tinh nói về khắc phục thử thách của đại dương, biểu hiệu bằng Cá tinh dữ dằn.

Loại người ăn thịt người và người “mọi” trong truyện có lẽ là các dân tộc đi biển sống tại các hải đảo vùng Thái Bình Dương.

Truyện này còn là kỳ tích về một số các địa danh miền biển—Bạch Long Vĩ, Đảo đầu chó, Cẩu Mạn Cầu, cảng Phật đào. (Tuy nhiên, ngày nay ta không biết các địa danh này ở đâu).

Điều thú vị là đuôi Cá tinh, sau khi bị chặt đi thì thành đuôi rồng trắng (Bạch Long Vĩ), tức là lên một cấp, từ cá thành rồng. Đây có lẽ là truyền thống tốt với người chết của ta—chết là hết thù, và còn được tôn trọng và nâng cao.

Truyện Chồn tinh nói về khắc phục khó khăn trên đất liền, biểu hiệu bằng Chồn tinh.

Truyện này có sự chơi chữ thú vị của hai từ “Hồ” đồng âm nhưng khác nghĩa. Âm “Hồ” trong tiếng Hán có thể là “chồn” hay “hồ nước”. Âm “hồ” trong tiếng Việt là “hồ nước”. Trong truyện có “Hồ ly tinh” (chồn tinh) và “Hồ Tây” (hồ nước). Vài chữ Hồ trong truyện có thể hiểu cả hai nghĩa (Hồ Thôn, Hồ Đồng).

Truyện này còn là kỳ tích về một số địa danh trong vùng châu thổ sông Hồng.

Hiện tượng nước dâng lên núi giết chồn, cũng như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh sau này, có lẽ đến từ các trận lụt hàng năm trong mùa mưa lũ.

Truyện này cũng nhắc đến việc L‎ý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên lại là Thăng Long. Đây là một quyết định chiến lược lớn và sáng suốt. Hoa Lư là nơi núi non sông nước hiểm trở, dùng làm nơi phòng thủ quân sự thì rất tốt, song không phát triển kinh tế được. Dời đô về Thăng Long là lo phát triển kinh tế, và dùng sức mạnh kinh tế để tạo sức mạnh cho quốc gia. Tức là một bước tiến rất lớn trong tư tưởng trị quốc.

Văn Hóa

• Truyện Cá tinh có thể nói là truyện về thử thách từ bên ngoài vào–hoặc là thử thách thiên nhiên, hoặc là thù địch từ bên ngoài.  Biện pháp đối phó với thử thách từ bên ngoài  là đối phó thẳng mặt. Hạn hán, lụt lội, bão táp… hay quân xâm lăng  từ bên ngoài tới, thì cứ phải nhào vào đối phó trực diện, không sợ hãi, như đến ngay trước miệng cá tinh và tống lửa ngay vào miệng nó.

• Truyện Chồn tinh là nói về sự gian tham xảo quyệt trong xã hội, như gian tham xảo quyệt của Chồn tinh chín đuôi. Số 9 là số lớn nhất trong các số đơn. Tức là sự xảo trá quỷ quyệt này rất cao siêu.

Tính gian xảo sống chung với chúng ta như chồn hóa người sống chung với người, đặc biệt là những người có khuynh hướng xấu, biểu hiệu bằng y phục màu trắng. Trong truyện Cá tinh có nói Cá tinh biến thành gà trắng gáy để lừa các tiên ngưng đào cảng và bay về trời. Truyện Chồn tinh thì nói đến người mọi áo trắng. Trong ngũ hành, màu trắng thuộc hành kim, là hướng Tây, hướng mặt trời lặn, hướng chết chóc.

Chồn tinh này lại ở trên núi, tức là sự gian xảo ở trên cao, ý ‎ nói gian xảo trong tầng lớp ăn trên ngồi trốc trong xã hội, không phải là gian xảo của đám người nghèo đói. Chính gian xảo của đám người cao cấp trong xã hội mới là gian xảo loại Chồn tinh, không phải loại trộm vặt của dân nghèo.

Muốn phá gian xảo cấp Chồn tinh thì ta phải rửa sạch gian xảo bằng “dâng nước lên phá vỡ hang đá”. Chỉ một chú chồn mà phải dâng nước ngập lụt toàn mặt đất lên đến tận hang đá trên đỉnh núi, cho thấy trừ gian xảo trong tầng lớp cao cấp xã hội là việc rất khó khăn và rất lớn. Đó phải là cố gắng làm ngập lụt toàn xã hội như là dâng nước ngập khắp nơi.

Và gian xảo này thì chẳng thể diệt được (vì nó nằm trong quả tim con người), mà chỉ có thể trấn yểm được, bằng đạo đức, biểu hiệu bằng chùa La. Nếu chùa mà không được duy trì tốt thì sẽ sụp, và lúc đó trấn yểm cũng hết hiệu lực, như truyện Cây tinh sau.

• Truyện Cây tinh là nói về sự sụp đổ của đạo đức và văn hóa nghệ thuật.

Cây chiên đàn, theo kinh sách Phật, là loại cây rất cao, có hương thơm trong gỗ, vì vậy nó thường được xem là loại cây cao quý, đôi khi được xem là Cây Thần. Người ta hay dùng gỗ chiên đàn để khắc tượng Phật.

Cây chiên đàn trong truyện này cao tốt đến nỗi Bạch Hạc đến làm tổ. Hạc trắng là loại thần điểu. Các vị tiên trong huyền thoại hay cỡi hạc trắng ngao du khắp vũ trụ. Chiên đàn có tổ bạch hạc tượng trưng cho một nền văn hóa đạo đức tốt, sản sinh ra tâm thánh thiện của con người.

Khi nền văn hóa đạo đức này chết đi, nó thực sự không chết, nhưng sẽ biến thành cái ngược lại, tức là thành tinh ăn thịt người sống, một loại tinh cực kỳ điên rồ gọi là Xương Cuồng. Loại tinh này còn kinh sợ hơn chồn tinh gian xảo. Chồn tinh còn lén lén lút lút bắt người xấu tính, nhưng Cây tinh thì bắt người ta phải dâng người sống đến tận miệng mình. Tức là, khi văn hóa đạo đức mà suy sụp thì mọi người phải hoàn toàn quỳ gối trước yêu tinh.

Và rốt cuộc chỉ đám người nghèo hèn dốt nát là khổ nhất, như là “mọi” bị bắt đi cúng yêu tinh. Bị yêu tinh ăn là bị mất chính mình cho suy đồi đạo đức,

Muốn giết được tinh này thì phải dùng “đạo đức” và “văn hóa nghệ thuật.”

“Đạo đức” biểu hiệu bằng pháp sư Du Văn Tường từ Trung quốc sang. Cần nhắc thêm là truyện Cây tinh nói đến đời Đinh Tiên Hoàng, là thời vừa xong chiến tranh thập nhị sứ quân, nền đạo đức văn hóa đã rất suy sụp. Đó cũng là thời Phật giáo bắt đầu du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, và tạo nên Lý‎ Công Uẩn, người trở thành vua L‎ý Thái Tổ chỉ một thời gian ngắn sau khi Đinh Tiên Hoàng mất.

“Văn hóa nghệ thuật” biểu hiệu bằng năm anh em họ Thượng (tức là “cao”), học trò của pháp sư Du Văn Tường, chuyên làm con hát. Có nghĩa là nền văn hóa nghệ thuật phải đặt trên căn bản đạo đức, chứ không phải nghệ thuật nào cũng được.

Chỉ đạo đức và văn hóa nghệ thuật phục vụ đạo đức mới trừ được Cây tinh.

“Lại giết súc vật mà tế” có nghĩa là lại phải cần tiền để phổ biến đạo đức và văn hóa nghệ thuật.

Lúc đó thần xương cuồng mới có thể bị diệt.

(Trần Đình Hoành bình)