Thứ hai, 29 tháng 3 năm 2010

Bài hôm nay

Thanh Chương mời bạn về thăm, Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, anh Trần Đình Hoành.

Chuyển tiếp email, Nghiên Cứu Xã Hội, anh Trần Đình Hoành.

Nhìn vào trái tim , Danh Ngôn, song ngữ, anh Nguyễn Hoàng Long.

Máu và nước, Danh Ngôn, song ngữ, chị Nguyễn Thu Hiền.

Khúc Thu Bồn , Thơ, anh Nguyễn Tấn Ái.

Đêm thơ trong vườn xuân, Thơ, chị Tôn Nữ Ngọc Hoa.

Hàng Phố , Văn, chị Đàm Lan.

Hãy Nhảy Múa Như Thể Không Ai Nhìn, Teen Talk, Trà Đàm, song ngữ, chị Huỳnh Huệ.

Một nốt Thiền , Thiền, Văn Hóa, Trà Đàm, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.

Suy nghĩ trong một khung cảnh thực tế , Trà Đàm, Luận L‎ý Học, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin quốc tế và quốc nội tại vn.news.Yahoo >>>
.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Japan/World Bank Scholarship

Rotary World Peace Fellowships

Fellowship at UNFPA Special Youth Programme

PhD Scholarships at The IT University of Copenhagen

Thông Tin Kinh Tế

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Thanh Chương mời bạn về thăm

Chào các bạn,

Hôm nay, qua thông tin từ chị Thịnh Hoa, mình giới thiệu đến các bạn một bản dân ca hay, tên là “Thanh Chương mời bạn về thăm” cùa Phan Thanh Chương.

Đền Bạch Mã, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Thanh Chương Nghệ An, là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Nghệ An. Phía tây nam giáp tỉnh Bolikhamxai của Lào; Phía đông giáp huyện Đô Lương và Nam Đàn; phía tây bắc giáp huyện Anh Sơn; phía đông bắc giáp huyện Đô Lương; phía nam giáp huyện Hương Sơn. Huyện lỵ cách thành phố Vinh 50 km.

Và Thanh Chương là quê của chị Thịnh Hoa.

Trong quyển Nghệ An kí Đốc học Bùi Dương Lịch có ghi rằng:

“Thanh Chương phong tục địa phương khoáng đạt, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; kẻ sĩ chăm chỉ đèn sách, trau dồi lễ nghĩa; dân làm nghề nông thì đàn ông chăm lo mùa vụ, đàn bà thì giữ gìn chính chuyên, hiền thục. Mọi người đều rất coi trọng lễ làng, phép nước, chuộng sự cần kiệm và đều coi trọng việc báo đáp công ơn đối với nhà vua cũng như cha mẹ là niềm vui”.

Lời nói gái Thanh Chương hiền lành chân chất:

Chớ ngái ngôi chi mà anh nỏ về
Hay là vì quê em nghèo đói
Hay anh chê em vụng về câu nói
Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà
Chắc có lẽ rứa mà anh chê
Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về

Là một địa danh cũ, Thanh Chương đã có một truyền thống văn hóa lâu đời, đào tạo nhiều danh nhân cho tổ quốc, như danh thần Nguễn Cảnh Chân, danh tướng Nguyễn Cảnh Dị….

Đã có một số ca khúc nổi tiếng về Thanh Chương: “Thanh Chương mời bạn về thăm” Sáng tác: Phan Thanh Chương; “Nhớ lắm quê mình ơi” Sáng tác: Hồ Hữu Thới; “Trở lại Thanh Chương” Sáng tác: Trần Hoàn; “Thanh Chương mến thương” Sáng tác: An Thuyên; “Lời ru tháng Chín” Sáng tác: Tân Huyền

Dù cách xa bấy lâu em vẫn chờ
Như sông giăng bốn mùa con nước
Nhớ thương nhau bao giờ mà muối được
Yêu quê mình chung sức dựng xây
Những nhà máy,những công trình
Mọc lên trên khắp quê nhà
Người ơi
Nhớ về
Về Thanh Chương thăm đình Võ Liệt
Trống 30 rợp cờ Xô Viết
Tự hào biết mấy
Những tên làng tên núi tên sông
Đất ngàn năm tâm gương soi làm ăn mới
Đã mở những chân trời
Xóm thôn ta ngày nay được mùa
Nhớ cuộc đời khi xưa nghèo đói
Anh ra đi vẫn nghĩ hoài câu nói
Đất thanh chương nhút mặn chua cà
Đất có nghĩ với người đi xa
Đất nặng nghĩa tình quê nhà
Đồng thâm canh bấy lâu nay được mùa
Câu ca xưa chỉ còn trong kí ức
Đất Thanh La đêm về tràn ánh điện
Những công trình náo nức dựng xây
Bao trai gái quyết tâm lên đường,viết lên trang sử anh hùng
Người ơi
Nhớ về
Mùa trăng lên câu đò đưa dìu dặt
Tiếng quê hương mặn mà yêu thương
Người đi xa nhớ về quê mẹ Thanh Chương
Đất ngàn năm tâm gương soi
Được no ấm,đã mở những chân trời
Quê hương em
Có đôi lời
mời bạn về thăm!

“Thanh Chương mời bạn về thăm” được viết với làn điệu dân ca Nghệ tĩnh, một âm sắc truyền thống phong phú, kếp hợp âm sắc quan họ Bắc Ninh với âm hưởng đặc biệt của giọng nói miền Nghệ An, Hà Tĩnh. Điều này tạo cho bản nhạc sắc thái chân chất “nông dân” cùng với các nét quý phái thanh nhã của quan họ, rất… Thanh Chương. Có lẽ đó là lý do vì sao bản nhạc trở thành nổi tiếng.

Mời các click vào đây để nghe “Thanh Chương mời bạn về thăm” qua giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Ngọc Hà.

Chúc mọi người một ngày vui.

Mến,

Hoành

Chuyển tiếp email

Chào các bạn,

Câu hỏi Nghiên Cứu Xã Hội tuần này là:

“Mỗi lần nhận được thông tin qua email, bạn có thẩm định là thông tin có thể tin được, trước khi forward thông tin đến người khác?”

Và các câu trả lời là:

1. Thường là có thẩm định
2. Thường là không thẩm định
3. 50/50

Chúc các bạn trả lời vui vẻ. 🙂

Mến,
Hoành

Khúc Thu Bồn

Cảm ơn ngươi, Thu Bồn ạ!
Dòng tĩnh lặng đã tải đầy kí ức
Và trong ăm ắp tình yêu
Ta đã kịp gửi trao một tâm tình.

Người sẽ sống cùng vĩnh viễn thời gian
Vĩnh viễn thời gian mượn ngươi để tạo dáng mình
Người lặng im. Vô ngôn của dòng chảy
Sự sống không lập ngôn.

Cảm ơn ngươi, Thu Bồn!
Sổ đinh trong tay người triệu triệu công dân có lẽ?
Và không quan liêu phù thế
Người lưu giữ từng dấu vân tay!

Rát mặt một ngày với nắng và gió
Cạn lòng một ngày với yêu thương
Sông nước vẫn lặng im
Chỉ ngô khoai bên đôi bờ mở mắt.

Tải bao nhiêu linh hồn trong cuộc đời mình
Là bấy cuộc chia li
Ủa lạ mà đời vẫn xanh
Hay từ biệt chỉ là lời bến bãi
Mà người mãi mãi là sông?

Ờ thì đã cùng suối cùng sông
Thì dại dại câu phù chú chẳng hai lần.
Riêng ta mong còn có thì
Lại tắm lần nữa với dòng Thu!
Cảm ơn ngươi, Thu Bồn !

Thu Bồn mùa đầu hạ.

Nguyễn Tấn Ái

Đêm thơ trong vườn xuân

Đêm xuống vườn xuân đẫm ánh trăng
Dịu dàng hoa bưởi tỏa hương thơm
Bè bạn vui vầy bên chén rượu
Tri âm vấn vít với tri âm.

Không nói mà nghe đủ bao điều
Cảm thông chia sẻ mắt tìm nhau
Âu lo phiền muộn tan theo gió
Ngự trị đêm tràn chỉ thơ yêu

Thơ đọc giữa trời. Sao mà hay !
Người nghe người đọc ngỡ như say
Say lời say ý say tình mộng
Say mắt ai nhìn say môi say

Mây giữa chừng trời . Trăng thẳm cao
Cũng say. Ghé gửi chút xuyến xao
Ánh thơ viền sáng từng gương mặt
Ta bỗng tan nhòa trong khát khao

Những muốn đêm xuân mãi thế này
Thơ chưa đọc hết rượu còn đầy
Lời yêu chưa nhận chưa trao gởi
Thì vội chi mà tay rời tay

Thầm lặng lòng ta ước đêm thơ
Nhân lên nhiều nữa giữa đời thường
Giữ lửa nhân tình chừng sắp tắt
Gọi người gần lại với người hơn

Tôn Nữ Ngọc Hoa

Hàng Phố

Tôi tần ngần đứng trước ngôi nhà cao ba tầng, cách một khoảng sân là cái cổng sắt cao độ gần ba mét, dù phía trên là một cái vòm hình vòng cung, đang rủ xuống một dàn hoa tigon, những cánh hoa đỏ rịm cũng không làm bớt đi vẻ khô khẳn, lành lạnh của ngôi nhà. Nhìn lại địa chỉ của ngôi nhà đồ sộ lần nữa, tôi vẫn dè dặt không dám lên tiếng gọi. Liệu đây có đúng là nhà chú tôi hay không? Lúc lên xe đi thành phố tôi hăm hở thế nào thì giờ lại đắn đo thế ấy. Trong hình dung của tôi lúc đó , nhà chú tôi chắc cũng chẳng khác gì nhà tôi, nghĩa là cũng có mảnh vườn nho nhỏ đủ để trồng vài thứ bông hoa và một số rau gia vị thập cẩm, để có thể tiện cho những bữa ăn hàng ngày, và cả một cái ao không bao lớn nhưng cũng đủ phát mê khi vó lên những con cá trắm chép trôi mè bóng mượt. Nhưng giờ thì những gì trước mắt tôi hoàn toàn khác hẳn, một quang cảnh sừng sững mà tôi chỉ mới nhìn thấy qua ti vi vài lần. Có một cái gì như khoảng cách chận tôi lại, trở tôi thành lại đúng một con bé nhà quê nhút nhát, dù ở xóm tôi cũng thuộc loại đáo để, theo nhận xét từ những người chung quanh. Chẳng thế mà trong chuyến đi này, ngoài lý do đi chơi cho biết thị thành, má tôi còn có một mục đích khác, đó là muốn gửi gắm tôi tập tành theo sự làm ăn buôn bán của chú thím. Nghe nói ra thành phố dễ làm ăn, khối người đi một thời gian về phất lên trông thấy, tôi cũng khấp khởi, may ra thì nhúc nhắc được cái gánh ruộng đồng, cho ba má đỡ còng lưng mưa nắng. Nhưng cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân đến chốn tấp nập, xôn xao, và trước ngôi nhà tráng lệ này là một sự hoang mang và mất tự tin ghê gớm. Không biết tôi sẽ còn xớ rớ đến bao lâu nếu không nghe tiếng bác xích lô nhắc nhở :

_ Cháu ơi, cháu bấm vào cái nút đỏ ở góc cổng kia kià, chứ cổng cao thế làm sao gọi được, cứ đứng chờ thì đến bao giờ.

Nhìn theo tay bác chỉ, tôi thấy đúng là có cái nút đỏ ở phía trên, tôi nói lời cảm ơn bác xích lô chu đáo tốt bụng, rồi hít một hơi dài trước khi bấm vào cái nút đỏ ấy. Má tôi thật có ly khi dặn tôi, xuống xe thì tìm xích lô mà đi, đừng đi xe ôm, vì xích lô vừa rẻ vừa an toàn, ngồi trên xích lô còn có thể thong dong tầm mắt với bao cảnh lạ của phố phường. Ba tôi thì dặn thêm là tìm mấy bác già già mà đi, họ là “bản đồ thành phố” đấy , đi xe của mấy anh tre tre , nhỡ gặp sinh viên làm thêm, không rành đường cứ lòng vòng mãi thì khổ. Bác xích lô thấy có người từ trong nhà ra rồi thì mới đạp xe đi. Cánh cổng nhìn có vẻ nặng nề là thế, nhưng lại rất nhẹ và êm như ru khi được di chuyển trên những chiếc bánh xe, để ló ra một khuôn mặt một người đàn bà độ hơn bốn mươi tuổi, mặc một bộ bà ba màu xanh sậm. Tôi ngờ ngợ, hình như đây không phải thím tôi, tôi không nhớ rõ gương mặt thím lắm, vì khi chú thím tôi rơi quê thì tôi còn rất nhỏ, nhưng trong những tấm hình mà ba mà tôi còn giữ thì trong rất khác người này. Thoáng lo lắng khi tôi nghĩ mình lầm địa chỉ, nhưng người trong cổng đã lên tiếng hỏi với âm sắc nằng nặng của miền trung :

_ Cô tìm ai rứa ?
_ Dạ, cháu muốn hỏi : đây có phải nhà chú Chân không ạ ?
_ Phải đó , nhưng ổng không có nhà mô.
_ Vậy có thím không ạ ?
_ Bà đi bán ngoài chơ, chiều túi mới dzìa. Cô ở xa mới lên hỉ ?

Câu hỏi vì túi hành lý tôi để dưới chân, tôi gật đầu :

_ Dạ, cháu ở dưới quê mới lên, cháu là cháu gọi chú Chân là chú đó.

Dường như lời giải thích của tôi không đủ gây sự tin tưởng cho người đàn bà ấy, bà ta nhìn tôi từ đầu đến chân với cái nhìn hoài nghi, do dự, đoạn nói :

_ Cô đợi tui chút hỉ.

Không đợt tôi trả lời, bà quay vào ngay và không quên khép cổng. Tôi lo lắng, cộng với chút tủi thân, vầy là sao ? Phút đầu tiên tôi được đón tiếp đáng buồn thế á. Hốt nhiên tôi muốn quay ra xe trở về ngay lập tức, nhìn cánh cổng sừng sững như thách đố, tôi muốn bật khóc, nhưng người đàn bà nọ đã quay ra, lần này thì cánh cổng mở rộng, với nụ cười trên môi, bà nói như phân trần khi vói tay xách giùm tôi cái túi hành lý :

_ Cô thông cảm nghe, tui phải gọi điện thoại ra hỏi bà chủ đã. Cô vô nhà đi, choa, cái chi trong ni mà nặng dữ ri ?
_ Dạ, có ít quà quê ba má chau biểu đem lên cho chú thím.

Tôi trả lời, lòng nhẹ hẳn khi theo chân bà đi vô nhà, giờ thì tôi đã hiểu bà có vai trò gì trong nhà chú thím tôi, và việc bà phải cẩn thận cũng là lẽ đương nhiên vậy.Bà đưa tôi ra nhà sau chỉ nơi tắm rửa, quả đúng là điều tôi đang muốn nhất, cái nóng oi bức của của thành phố thật khó chịu, phòng tắm chỉ hơn một mét vuông khiến tôi có cảm giác tù túng, vì quen với cái nhà tắm rộng rãi thoải mái ở nhà tôi, nhưng dẫu sao những tia nước mát từ cái vòi hoa sen đa làm tôi dễ chịu hơn nhiều.

Đến gần trưa thì chú tôi về, tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông bụng phệ, mập mạp, dáng vẻ của sự no đủ, sung túc, chú khác quá so với những bức hình ngày trước, nếu gặp ở đâu đó ngoài đường chac tôi không dám nhận quá. Thay vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chú cười :

_ Sao ? Không nhận ra chú mày nữa hả ?

Tôi cười thú nhận, chú tiếp :

_ Cháu cũng lớn quá rôì, ra dáng thiếu nữ ghê à, ba má có khoẻ không, tụi nhỏ sao rồi ?

Tôi bớt e ngại, trả lời những câu hỏi của chú, nói chuyện một hồi chú chép miệng :

_ Ba mày thủ cựu quá, tao biểu bán hết ruộng vườn ở dưới đi, lên đây sống cho khoẻ, hổng chịu nghe, cả đơi cứ cắm mặt xuống đất, cất đầu sao nổi, con thì đông.

Tôi định biện hộ cho ba tôi rằng, ông không có cái lanh lợi như chú, rằng trời sinh ra ông chỉ để làm một người nông dân hiền lành, nếu ném ông vào cái chốn đua chen này, chắc gì ông sống nổi, ở quê dẫu có vất vả sớm hôm, nhưng ông vẫn đắp đổi được miếng cơm manh áo cho vợ con. Nhưng nghĩ sao, tôi lại thôi, hình như chỉ bộ quần áo trên người chú cũng đủ chặn lại những gì tôi muốn nói. Bữa cơm trưa chỉ có hai chú cháu, cô Di ( người đã mở cổng cho tôi ) ăn sau ở dưới bếp, điều này làm tôi thật sự áy náy, nhưng chẳng thể làm gì, có lẽ đó cũng là nếp sống của người thị thành chăng? Sau bữa cơm. cô Di chỉ tôi lên một căn phòng nhỏ trên tầng hai, hành lý của tôi cũng đã được chuyển lên đấy, đã thấm mệt tôi ngã lưng khoan khoái trên chiếc giường nệm êm, mát mẻ với cái quạt trần, tôi nhớ đến bộ ván ngựa cứng còng, chất cả mấy chị em mỗi trưa hè thi nhau múa quạt nan, lan man tâm tưởng, tôi thiếp đi lúc nào không biết

Cũng như chú, thím tôi trông to béo, đẫy đà, trong những sắc màu của các loại mỹ phẩm, thím tôi không còn vương vất chút gì của một cô gái miệt vườn ngày xưa. Tôi thường nghe ba má tôi kể lại, ngày ấy thím tôi là một cô gái thương hồ, thường qua lại buôn bán trên sông, chú tôi là một tài công, ngược xuôi trên con đò dọc. Quê tôi phần lớn diện tich dành cho sông nước, nên phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe thuyền, lênh đênh sông nước, hồn ngươi dễ man mác thích ngâm nga, vì thế mà sinh ra rất nhiều điệu hò. Những đêm trăng thơ mộng luôn là hậu cảnh thú vị cho những tâm hồn lãng mạn, những câu hò đối đáp của hai bên trai gái là một đề tài rất thu hút, hấp dẫn. Thím tôi lại là người có giọng hò mượt nhất, trong ấm và vang xa, ngọt như mùi hương sữa đòng đòng. Họ gặp nhau qua những câu hò đưa duyên ấy. Những tưởng cưới nhau rồi, họ sẽ dựng tổ ấm của mình trên đỏ lự phù sa, bên mơn mởn lúa dậy thì, trong vàng ươm mùa gặt. Nhưng không, họ có cùng ước mơ, ánh sáng đô thành là nơi vẫy gọi, hứa hẹn một cuộc sống huy hoàng, sáng lạn. Và không biết họ đã làm những gì để biến ước mơ của mình thành hiện thực, chỉ biết bằng vào hiện thực đó mà má tôi khao khát muốn làm cuộc đổi đời, và tôi trở thành niềm hy vọng của má. Nói một cách công bằng và chính xác, thì một cuộc sống giàu sang sung sướng, no đủ, thanh nhàn luôn là cái đích của mỗi người, bởi chẳng ai vui lòng chọn lựa sự khổ cực, thiếu thốn cả, vấn đề là người ta có được nó bằng cách nào thôi.

Tôi thực sự lúng túng trước con mắt sắc sảo của thím, ánh mắt biểu thị sự lọc lõi, khôn ngoan. Thím nói chuyện bằng một thứ thanh âm đều đều, lành lạnh, có cảm giác đó lá thứ âm sắc của một người luôn thủ thế và hờm sẵn một ý đồ. Có lẽ giọng hò êm mượt ngày xưa đã trở thành huyền thọai. Loanh quanh những câu chuyện thăm hỏi xóm làng, thím xoay qua chuyện tôi với mục đích chính, thím nói nửa như cảnh báo, nửa như phủ đầu :

_ Muốn lên đây học làm ăn buôn bán thì phải khôn ngoan, lanh lẹ. Giờ cháu lên đây còn có thím, chứ khi xưa thím có ai đâu, cũng chằn ăn trăn quấn lắm mới trụ nơi ở cái đất này chứ dễ a. Có biết mất thì mới biết giữ, có bị người ta lừa mới biết đi lừa người ta. Phải đổ hàng thúng dại mới nhặt được một sảo khôn. Lơ mơ chỉ có nước chết.

Tôi im lặng thụ giáo bài học đầu tiên, tự biết mình sẽ con gặp nhiều thử thách nữa.

_ Chợ Nổi chắc vẫn họp chỗ mé cầu đó phải không Thơ ?

Chú tôi hỏi như muốn giảm bớt sự căng thẳng cho tôi.

_ Dạ, thì hồi giờ vẫn ở đó thôi chú, thỉnh thoảng nhà có thứ gì, má cháu vẫn đem ra đó bán.
_ Phước nhà mình sớm kiếm đường kiếm nẻo, ở đó tới giờ cũng hổng khác gì ảnh chị, anh hén.
_ Ờ thì…mà cũng có gì khác hơn là sông nước kênh rạch, ruộng vườn đâu. Có muốn làm gì hơn cũng không được. Hôm bữa được thư ba mày, chú thím cũng đã tinh rồi, giờ cháu cứ ở chơi ít bữa cho thong thả đi đã, rồi ra chợ phụ thím bán hàng cho quen. Ráng để ý công chuyện mà làm, thời gian coi khả năng sao rồi tính sau. Ngó bộ con nhỏ này cũng lanh đó, chứ đờ đờ dại dại thì chú cũng thua sớm thôi.
_ Anh lo chi, chứ hồi đó em hổng khờ a, cứ sống với thực tế, với va chạm khắc biết khôn, con người do môi trường nhào nặn mà.

Không biết môi trường rồi sẽ nhào nặn tôi như thế nào, xong những gì xung quanh tôi thì không dễ làm quen một cách nhanh chóng được. Từ sớm tinh mơ cho đến tối, lúc nào cũng ì ầm tiếng động cơ lớn nhỏ, rồi khói bụi, mùi xăng, mùi khí đốt từ mấy cơ sở sản xuất nhỏ, khí hậu oi bức ngột ngạt, tuy thời tiết không khác quê tôi là mấy, nhưng có lẽ do sự chật chội của sinh hoạt hàng ngày nên có vẻ khắc nghiệt hơn. Nhan nhản sự lừa gạt, ngay cả đứa trẻ đi bán vé số cũng biết lừa phỉnh, khiến kẻ ngờ nghệch như tôi cứ nơm nớp lo sợ, nhìn ai cũng đầy cảnh giác. Khu chợ nơi thím tôi buôn bán thường xuyên xảy ra sự cãi vã, đánh chửi nhau, đôi khi lý do không có gì là quan trọng cả. Kể cả thím tôi, cũng đã vài lần tôi chứng kiến thím quai mồm nhảy đỏng, sấn sổ với mấy chủ hàng bên cạnh chỉ vì tranh khách mà tôi thật ngán ngẩm. Tôi cảm thấy sợ cái gọi là “môi trường nhào nặn”, để tồn tại, để có những món lợi dù lớn nhỏ, người ta không ngại ngần dở mọi thủ đoạn mánh khóe để chen cạnh, và sẵn sàng ăn thua đủ. Về nhà, khuất sau cánh cổng là thôi, ngay nhà hàng xóm sát bên có bao nhiêu người, làm những công việc gì cũng không hay biết, chỉ khi nào có chuyện gì to tát thì mới qua lại một chút gọi là. Một lần do quá tay, tôi làm đổ thau nước tưới cây cạnh từ lầu ba xuống sân nhà bên cạnh, trúng vào một người đàn ông vừa lùn vừa béo, thế là ông ta hầm hầm qua nhà tôi, lời qua tiếng lại, hai bên đến suýt cả đánh nhau, tôi sợ quá, đến hôm sau cũng không dám ló mặt ra đường, tưởng tượng gã đàn ông đó chỉ chực tôi ra là tóm cổ nện cho một trận. Hình như ở đây không có cái dành cho tình làng nghĩa xóm. Tính quyền lợi được đặt lên ngôi cao nhất, có lẽ vì thế ma người ta dễ dàng giàu có. Khi đồng tiền kiếm được bằng nhiều cách, thì người ta cũng có nhiều cách để sát phạt nhau.

Đó là chuyện ở ngoài, còn đây là chuyện trong nhà. Chú tôi thì khỏi noó rồi, vì chú cũng như cha, cả tình cảm lẫn trách nhiệm không có gì đáng phàn nàn, thím tôi thì đôi khi cau mặt gắt mày, nhưng phận là con cháu, tôi coi đó cũng là mot cách dạy bảo, rèn giũa, thực tế thì nhiều khi sự nghiêm khắc và khuôn khổ lại làm cho con người ta sơm trưởng thành hơn. Điều mà tôi khá bức xúc là ở hai cô em họ. Suýt soát tuổi nhau Thuỳ Trang và Thuỳ Như đều xưng hô với tôi bằng cách nói trống, không sao, vì danh xưng chỉ là một cách đối đáp thôi mà, nhưng đáng nói là ở chỗ, gần như hai chị em coi thường tôi ra mặt, một phần là cái nhìn phân cấp, phần nữa là tôi đang ăn nhờ ở đậu cha mẹ chúng, không những ăn nói chỏng lỏn, có khi còn sai đổng tôi khi cô Di không có mặt, tôi nhủ mình nhẫn nhịn, mỗi người mỗi suy nghĩ, người ta đã không sẵn lòng vui vẻ với mình thì thôi, mình tự lo liệu phận mình cho êm. Thấy tôi nhẫn nhịn cả hai được thể làm tới, nào là chửi chó mắng mèo, nào là nói cạnh nói khóe, chủ ý không muốn tôi có mặt trong ngôi nhà này. Mà thời gian gặp mặt nhau có nhiều nhặn gì đâu chứ. Sáng ra thì ai đi đường nấy, tối về mới phải đụng mặt nhau, cũng đôi lần, chú thím tôi nạt nộ hai cô, nhưng điều đó lại làm tăng sự khó chịu cho chúng nhiều hơn, nhiều lúc tủi phận, tôi chỉ muốn bỏ về ngay lập tức, nhưng rồi nghĩ cảnh nhà chật vật, lại thêm tôi cũng dần quen công việc buôn bán, thím tôi có vẻ hài lòng vì tôi đỡ đần thím được khá việc, tôi cũng hy vọng sẽ có một ngày mai khác hơn. Chẳng ngờ khi người ta đã có tâm địa, thì sớm muộn gì cũng trở thành hành động. Một buổi tôi, tôi phải chờ mãi cái phòng tam mới đến lượt mình, khi trở ra tôi không để ý đến cái nháy mắt của hai chị em Trang, Như, và một tiếng la hoảng vang lên:

_ Má ơi ! Cái đồng hồ của con mất đâu rồi á.
_ Coi để đâu đó chứ mất gì, trong nhà chứ có phải ngoài đường đâu.
_ Ở trong nhà mà mất mới hay chớ, con tìm hết rồi, đúng là kẻ cắp, lanh thiệt.

Tôi đã biết Thuỳ Trang muốn ám chỉ ai, nhưng tôi vẫn im lặng, vì nghĩ mình không có thì chẳng việc gì phải lo. Thuỳ Như nói :

_ Phải tìm cho ra má à, coi chừng nuôi ong tay áo đó.

Tôi uất cứng cổ, vẫn cố gìm mình xem sự thể ra sao, thím tôi gọi cô Di lên chất vấn. Thuỳ Trang dài giọng :

_ Má ơi, cô Di ở nhà mình hồi nào tới giờ có chuyện đó đâu, má có hỏi thì hỏi người khác kìa.

Thím tôi chưa kịp lên tiếng thì Thuỳ Như tiếp luôn :

_ Hồi giờ hổng có mà, nên thấy của người ta là tối mắt lại.

Đến nước này thì tôi không thể im lặng được nữa, cố nén cục uất, tôi đanh giọng :

_ Muốn nói gì thì mấy em cứ nói thẳng ra đi, tôi nghèo thiệt, nhưng không thèm lam cái trò đốn mạt đó đâu.

Thím tôi vội dàn hòa :

_ Thôi thôi, tụi bây ồn ào quá, bỏ đi, mai má cho tiền mua cái khác. Có bao nhiêu đâu mà.

Cả Như, Trang đều máy môi, nhưng tôi đã nhanh hơn :

_ Không được đâu thím, dù cái đồng hồ giá trị không lớn, nhưng danh dự con người không thể dễ dàng xúc phạm như vậy được. Cháu xin thím cứ làm cho ra lẽ.
_ Nói nghe ngon lắm, chứng minh đi.

Trang hất mặt nói, tôi không suy nghĩ gì thêm nữa, phăm phăm đi về phòng đem tất cả đồ đạc của mình ra, bỏ giữa nhà nói :

_ Đó, muốn xét thì cứ xét đi.

Không cần thêm một lời thúc giục nào, cả hai chị em Như,Trang đeu xà xuống giũ lật từng cái áo quần của tôi, thím tôi cũng để yên cho con mình thực hiện hành vi ấy, có vẻ chính thím tôi cũng muốn xem sự thật là gì. Tôi đang chực chờ cho đến cái áo cuối cùng được giũ lên, để có cơ hội minh oan cho mình, và cũng để hạn chế những khó chịu về sau. Bất chợt một tiếng reo chiến thắng:

_ Đây rồi.

Cái đồng hồ như có phép tàng hình đã lặn vào một túi quần tôi tự lúc nào, nhưng tôi vụt hiểu ngay sự thể, tâm trạng đầy phẫn nộ, uất ức, tôi run hết cả người trước những con mắt hả hê của hai cô em họ, thím tôi cũng có vẻ bất ngờ trước tình huống. Tôi không còn suy nghĩ nào khác hơn, nước mặt giàn giụa trên mặt, rơi lã chã xuống đống đồ đạc mà tôi ấn nhét một cách vội vã vào cái túi xách. Xong tôi đến trước mặt thím tôi nói rành rọt :

_ Thưa thím, cháu xin cảm ơn thím đã giúp đỡ cháu suốt thời gian qua, cháu lên đây để học làm ăn chứ không phải để học ăn cắp. Cháu không có gì để nói với sự việc vừa rôì, tuỳ thím nhận xét, thím cho cháu gưa lời chào chú, cháu xin phép thím cháu về.

Nói xong, tôi quay người chạy vụt ra cửa, mặc tiếng thím tôi rối rít gọi, vẫy một chiếc xe ôm, tôi bảo ra bến xe Miền Tây. Bao nhiêu nỗi niềm cứ trào theo dòng nước mắt, tôi không thể ngờ lại xảy ra một điều tồi tệ đến thế. Chỉ vì không ưa thích một người họ hàng, mà những cô gái chỉ mới 16, 18 tuổi lại có thể bày ra một trò bỉ ổi đến thế. Ra đến bến xe, tôi ngơ ngác nhìn quanh, buổi tối làm gì con chuyến xe nào về Cần Thơ, cảm giác bơ vơ và lo lắng khiến tôi ngồi xụp xuống sau một chiếc xe khóc nức nở. Hình như tôi khóc lâu lam, và bỗng giật bắn mình vì một bàn tay vỗ vai gọi tên tôi. Tôi vừa né người vừa ngẩng mặt lên thì gặp ngay tiếng kêu mừng rỡ của chú tôi:

_ Trời ơi, đúng rồi, may quá cháu chưa bị xảy ra chuyện gì.
_ Thím lo quá, may mà tìm đươc cháu, thôi về nhà.

Tôi xúc động vì sự lo lắng của chú thím, nhưng tôi không thể trở về nơi ấy nữa, tôi lau nước mắt và nói :

_ Cháu xin lỗi vì đã làm chú thím phải lo lắng, nhưng cháu xin chú thím cho cháu về nhà, cháu không thể quay lại đó đâu.
_ Bây giờ cứ về nhà đã rồi mai tính, cháu bỏ đi ngang chừng vầy, chú thím biết ăn nói sao với ba má cháu.
_ Chuyện đâu còn có đó, chỉ là sự hiểu lầm thôi mà.

Nghe thím nói vậy, tôi liền đáp :

_ Thưa thím, cháu không thể nào chấp nhận một kiểu hiểu lầm như vậy, nếu cháu quay lại đó, thì sẽ còn bao nhiêu sự hiểu lầm như thế nữa. Chú thím thương cháu thì để cho cháu về với ba má cháu, cháu sẽ không nói gì về chuyện này đâu, cháu chỉ nói là cháu không thích hợp với công việc là được mà.

Thấy tôi nói kiên quyết, chú tôi thở dài :

_ Con với cái, thiệt rầu hết sức, thôi muốn về thì mai chú cho về, còn bây giờ dù gì cũng phải về nhà đã, đêm hôm này mà đi đâu.

Biết không làm khác được, và để chú thím kho xử thì không hay chút nào, tôi đành nghe lời sau khi nhắc lại :

_ Mai chú cho cháu về, chú nha.
_ Ừ, đã muồn về thì chú có cố giữ cũng không được. Lên xe đi, đưa cái túi đây.

Tôi đưa túi xách cho chú và ngoan goãn trèo lên ngồi giữa, về đến nhà, cô Di ra mở cổng, tôi bước chân qua cổng một cách miễn cưỡng. Vào đến trong nhà, chú tôi lớn tiếng :

_ Con Trang, con Như đâu ? Xuống đây.

Tôi không kịp cản chú, chú tôi gằn giọng lần thứ hai thì hai cô em mới lò dò đi xuống, thím tôi im lặng ngồi xuống ghế. Chú tôi hất hàm hỏi:

_ Hai đứa nói lại cho tao nghe, chuyện xảy ra thế nào ? Nói mau
_ Thôi chú, cháu không sao đâu.
_ Cháu cứ yên đó, phải trái rõ ràng, không tầm bậy được.

Trang và Như cúi gằm mặt, tôi cảm thấy đã trút được nỗi ấm ức trong lòng. Chú tôi hỏi :

_ Tụi mày nghĩ xem việc tụi mày làm có được không ? Nói.
_ Dạ…không ạ.
_ Biết là không rồi thì giờ phải thế nào ?

Thím tôi xen vào mớm lời cho con :

_ Hai đứa xin lỗi chị đi, lần sau đưng có đùa bậy như vậy nữa.

Nghe mẹ gợi ý, cả hai cô lí nhí :

_ Xin lỗi chị.

Tôi cảm thấy rất buồn, khẽ thở ra rồi nói :

_ Tôi không trách hai cô đâu, dù sao thì ngày mai tôi cũng sẽ rời khỏi nơi đây, tôi biết tôi không thích hợp và đã gây phiền phức cho gia đình nhiều quá, tôi chỉ muốn nói thêm rằng: Những gì mình làm sẽ đem lại ảnh hưởng và hậu quả cho chính mình vậy.

Nói xong tôi xin phép chú thím về phòng ngủ. Sáng hôm sau, tôi vẫn sắp xếp hành lý, chú tôi biết không lay chuyển được tôi, chú tôi đành đưa tôi ra bến xe, thím tôi thì đưa cho tôi một số tiền. Tôi cảm ơn chú thím và chào cô Di, hai cô em họ tránh mặt tôi. Một lúc sau, tôi thích thú với cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái khi chiếc xe chạy qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, và những con sông với những dề lục bình quen thuộc, cả tiếng máy khùng khục của những con đò đa đưa tôi trở lại chính mình. Quả đúng là mỗi người khi sinh ra chỉ có thể thuộc về một nơi, nếu chọn sai chỗ, chẳng khác nào đi nhầm giày, chỉ tổ trẹo lên trẹo xuống và vấp ngã mà thôi. Chốn đồng quê tuy không đem lại cho con người nhiều giá trị vật chất, nhưng nó giúp cho con người có được một cuộc sống tốt đẹp và đúng nghĩa làm người hơn. Ba má ơi ! Con đang trở về đây, có thể ba má sẽ thất vọng một chút, nhưng con tin rồi con sẽ làm được nhưng việc hữu ích ở quê mình, và quan trọng là : Chúng ta sinh ra không phải để làm người hàng phố, má à.

Hãy Nhảy Múa Như Thể Không Ai Nhìn

Chúng ta thường tự nhủ rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn sau khi chúng ta kết hôn, sinh con
Sau đó chúng ta vỡ mộng vì con cái chúng ta còn quá nhỏ, và cho rằng chúng ta sẽ đẹp lòng hơn một khi chúng lớn khôn.
Và chúng ta lại thất vọng khi con cái của mình đến tuổi niên thiếu vì chúng ta lại phải chăm sóc và lo lắng cho chúng. Ta thầm nghĩ chắc chắn chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi các con trưởng thành.
Chúng ta lại tự nhủ rằng cuộc sống rồi sẽ hoàn hảo một khi người bạn đời ta ổn định cuộc sống, khi chúng ta tậu được một chiếc xe đẹp hơn, khi chúng ta có thể đi nghỉ hè thoải mái, và là khi chúng ta được về hưu.
Sự thật là không có một thời điểm nào tốt đẹp và hạnh phúc bằng hiện tại cả.
Nếu không đúng, vậy thì thời điểm nào là hạnh phúc nhất?
Cuộc sống của bạn luôn bị quay cuồng bởi các thách đố, các đòi hỏi và yêu cầu.
Tốt nhất là bạn nên nhận thấy rằng điều này và quyết định rằng mình phải được hạnh phúc dù cuộc sống có như thế nào.

Một trong những câu danh ngôn của Alfred D. Souza mà tôi ưa thích nhất là :
« Một thời gian rất lâu, tôi cứ ngỡ rằng cuộc đời của tôi sắp bắt đầu – một cuộc đời thật sự.
Nhưng lúc nào cũng có một vài thử thách phải vượt qua, một việc còn phải hoàn tất ngay, vài việc khác dang dở, thời gian còn phải phân chia, còn một món nợ phải thanh toán. Sau đó, thì cuộc sống của ta sẽ bắt đầu..
Cuối cùng tôi mới khám phá ra rằng chính những trở ngại này là một phần của đời sống của tôi. »

Từ cái nhìn này đã giúp tôi thấy được rằng không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc cả.

Hạnh phúc chính LÀ con đường chúng ta đang đi…
Do đó hãy trân quý và tận hưởng mọi phút giây bạn có và trân quý nhiều hơn vì bạn đã chia sẻ nó với một người đặc biệt, rất đặc biệt để bạn có thể dành thời gian với người đó và nhớ rằng thời gian chẳng đợi ai.

Vì vậy, không nên chờ đợi nữa, chờ đợi tốt nghiệp ra trường, chờ đợi ngày trở lại trường, chờ đợi xuống thêm vài ký, lên thêm vài ký, chờ đợi ngày có con, chờ đợi các con ra khỏi nhà, chờ đợi kết hôn, chờ nghỉ hưu , chờ đợi li dị, mong đợi đến tối thứ sáu, sáng chủ nhật, đợi sắm một chiếc xe mới, hay ngôi nhà mới, đợi trả nợ xe hay nhà xong, trông chờ xuân đến, hạ về, đợi đến thu đông, đầu tháng, cuối tháng, đợi nghe bản nhạc hay trên đài phát, đợi khi uống say, chờ ngày từ giã cỏi đời, ngày tái sinh …… trước khi quyết định rằng hiện tại là thời gian hạnh phúc nhất của mình.

Hạnh phúc là hành trình, chứ không phải là điểm đến.

Ý Tưởng Suy Gẫm Trong Ngày :

« Hãy làm việc như thể bạn không cần tiền
Hãy yêu như bạn chưa từng bị tổn thương,
Hãy hát như chẳng ai nghe thấy
Hãy nhảy múa như chẳng ai nhìn bạn
Và hãy sống như thiên đàng trên trái đất này
»

Bây giờ xin mời các bạn lắng nghe một thông điệp khác từ một câu chuyện của một tác giả khuyết danh

Không có một giờ phút nào quý giá cho bằng… HIỆN TẠI!
Hãy sống và tận hưởng từng giây phút.
Chúng ta hãy suy nghĩ và cố gắng trả lời các câu hỏi sau đây:

1 – Bạn hãy nêu ra tên của 5 người giàu nhất thế giới.
2 – Tên của 5 Hoa Hậu thế giới.
3 – Tên của 10 người lãnh giải Nobel gần đây nhất..
4 – Tên của 10 người lãnh giải Oscar gần đây nhất..

Bạn không trả lời được? Có thật sự khó khăn không?
Không sao cả, không ai có thể nhớ những điều này.
Các tràng pháo tay rồi cũng chấm dứt!
Các giải thưởng cũng sẽ đóng bụi!
Các quán quân hoặc kẻ thắng cuộc rồi cũng sẽ bị lãng quên.

Giờ chúng ta lại thử trả lời các câu sau đây:

1 – Bạn hãy nêu tên 3 thầy, cô trong cuộc đời bạn.
2 – Tên 3 người bạn đã từng giúp bạn trong những giây phút khó khăn nhất.
3 – Hãy nghĩ đến vài người đã từng cho bạn những cảm giác đặc biệt.
4 – Và 5 người mà Bạn lúc nào cũng muốn gần gũi.

Các câu này có vẻ dễ trả lời hơn, phải không bạn?

Những người có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của bạn, không phải là những người “giỏi nhất”, họ cũng không là người giàu nhất, và cũng không đoạt được một giải thưởng nào cả…
Họ là những người nghĩ đến bạn, lo lắng cho bạn và luôn ở bên cạnh bạn khi bạn cần đến.
Hãy suy nghĩ về điểm này.
Cuộc sống rất ư ngắn ngủi!

Và bạn được đứng trong danh sách nào của tôi? Bạn có biết không ?
Hãy cho tôi nắm lấy tay bạn.
Bạn là một trong những người “nổi tiếng” nhất trong danh sách của tôi, mà tôi đã không quên để gửi đến bạn thông điệp này:

“Cách đây rất lâu, ở một cuộc thi Thế Vận Hội tại Seattle, có 9 nhà điền kinh, tất cả đều khuyết tật, đang chuẩn bị bắt đầu cuộc thi chạy 100 m.
Tiếng súng nổ báo hiệu cuộc thi bắt đầu. Không phải tất cả mọi người đều đang chạy, nhưng tất cả đều muốn tham gia và muốn thắng cuộc đua.
Họ chạy thành tốp ba người, nhưng có một thanh niên trượt chân, ngã lộn nhào, và cậu ta bắt đầu khóc.
Tám người kia nghe tiếng khóc.
Họ chạy chậm lại, quay đầu nhìn.
Cuối cùng họ ngưng chạy và quay trở lại… Tất cả 8 người…

Một cô gái bị hội chứng Down ngồi xuống kề bên, ôm chàng trai bị trượt té và hỏi: “ Thấy đỡ chưa?“
Sau đó, tất cả 9 người vai sánh vai cùng nhau bước đến lằn mức thắng
Tất cả khán giả đều đứng lên và đồng loạt vỗ tay. Và tràng vỗ tay đã kéo dài rất lâu

Tất cả mọi người chứng kiến sự việc ngày hôm đó, thường kể lại chuyện này cho ngưòi khác nghe. Tại sao vậy?
Vì tận cùng trong sâu thẳm lòng mỗi người, chúng ta đều hiểu rằng, điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là mình thắng cuộc.
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là giúp kẻ khác thắng. Mặc dù việc này có làm chậm công việc của chúng ta hoặc thay đổi cuộc tranh đua của chính chúng ta.
Nếu Bạn phổ biến thông điệp này, có thể chúng ta sẽ thành công trong việc thay đổi trái tim của chúng ta, và luôn cả trái tim của kẻ khác nữa

Một ngọn nến không bị mất giá trị khi nó được dùng để mang ánh sáng đến cho người khác.

Sao, Bạn đã có quyết định chưa? Quăng bỏ đi, hay tiếp tục gửi thông điệp này đến người khác nhé?

Huỳnh Huệ dịch

Thân ái tặng Đàm Lan- người kết nối-Hoàng Yến-Thuỷ Tiên và các bạn ở Hội quán Đời Rất Đẹp

DANCE LIKE NO ONE IS WATCHING

We convince ourselves that life will be better after we get married, have a baby, then another. Then we’re frustrated that the kids aren’t old enough and we’ll be more content when they are. After that, we’re frustrated that we have teenagers to deal with. We think we’ll certainly be happy when they’re out of that stage.
We tell ourselves that our life will be complete when our spouse gets his or her act together, when we get a nicer car, are able to go on a nice vacation, when we retire.
The truth is, there’s no better time to be happy than right now.
If not now, when?
Your life will always be filled with challenges. It’s best to admit this to yourself and decide to be happy anyway.

One of my favorite quotes comes from Alfred D. Souza. He said, “For a long time it had seemed to me that life was about to begin – real life. But there was always some obstacle in the way, something to be forgotten through first, some unfinished business, time still to be served, or a debt to be paid. Then life would begin. At last it dawned on me that these obstacles were my life.”
This perspective has helped me to see that there is no way to happiness. Happiness IS the way.
So, treasure every moment that you have and treasure it more because you shared it with someone special, special enough to spend your time with…and remember that time waits for no one.

So, stop waiting until you finish school, until you go back to school, until you lose ten pounds, until you gain ten pounds, until you have kids, until your kids leave the house, until you start work, until you retire, until you get married, until you get divorced, until Friday night, until Sunday morning, until you get a new car or home, until your car or home is paid off, until spring, until summer, until fall, until winter, until you’re off welfare, until the first or fifteenth, until your song comes on, until you’ve had a drink, until you’ve sobered up, until you die, until you’re born again to decide that there is no better time than right now to be happy.

Happiness is a journey, not a destination.

Crystal Boyd

THOUGHT FOR THE DAY:

“Work like you don’t need money,
Love like you’ve never been hurt,
Sing like no one is listening,
Dance like no one’s watching,
And live like it’s heaven on earth.”

Mark Twain

Now allow me to tell you a message from a story by an anonymous author :

There is no better time to be happy than… NOW!
Live and enjoy the moment.

-Author unknown

Now, think and try to answer these questions:
1 – Name the 5 richest people in the world.
2 – Name the last 5 Miss Universe winners.
3 – Name the last 10 Nobel Prize winners.
4 – Name the last 10 winners of the Best Actor Oscar.

Can’t do it? Rather difficult, isn’t it?
Don’t worry, nobody remembers that.

Applause dies away!
Trophies gather dust!
Winners are soon forgotten.

Now answer these questions:
1 – Name 3 teachers who contributed to your education.
2 – Name 3 friends who helped you in your hour of need.
3 – Think of a few people who made you feel special.
4 – Name 5 people that you like to spend time with.
More manageable? It’s easier, isn’t it?
The people who mean something to your life are not rated “the best”, don’t have the most money, haven’t won the greatest prizes…
They are the ones who care about you, take care of you, those who, no matter what, stay close by.
Think about it for a moment.
Life is very short!
And you, in which list are you? Don’t know?
Let me give you a hand.
You are not among the most “famous”, but among those to whom I remember to send this message…

Some time ago, at the Seattle Olympics, nine athletes, all mentally or physically challenged, were standing on the start line for the 100 m race.
The gun fired and the race began. Not everyone was running, but everyone wanted to participate and win.
They ran in threes, a boy tripped and fell, did a few somersaults and started crying.
The other eight heard him crying.
They slowed down and looked behind them.
They stopped and came back… All of them…
A girl with Down’s Syndrome sat down next to him, hugged him and asked, “Feeling better now?”
Then, all nine walked shoulder to shoulder to the finish line.
The whole crowd stood up and applauded. And the applause lasted a very long time…
People who witnessed this still talk about it.
Why?

Because deep down inside us, we all know that the most important thing in life is much more than winning for ourselves.
The most important thing in this life is to help others to win. Even if that means slowing down and changing our own race.

If you send this message, perhaps we will succeed in changing our heart, perhaps someone else’s heart, as well…
A candle loses nothing if it is used to light another one.”
So, what have you decided? Trash this or send it?

Anonymous

Một nốt Thiền

Sau khi Kakua viếng thăm Thiên hoàng, thiền sư biến mất và chẳng ai biết được tông tích. Kakua là người Nhật đầu tiên học Thiền ở Trung quốc, nhưng vì thiền sư chẳng tỏ lộ một tí gì, ngoại trừ một nốt nhạc, người ta không hề nhớ đến thiền sư như là người đã mang Thiền vào nước Nhật.

Kakua viếng thăm Trung quốc và học được giáo pháp chân thật. Thiền sư không đi xa nhiều khi ở Trung quốc. Thiền sư sống trong một góc núi hẻo lánh, thiền định thường xuyên. Khi nào có người tìm thấy thiền sư và xin thiền sư dạy, thiền sư nói vài chữ, rồi di chuyển đến một góc núi khác nơi người ta khó tìm thấy hơn.

Khi Kakua trở về Nhật, Thiên hoàng nghe về thiền sư và hỏi thiền sư giảng Thiền để soi sáng cho Thiên hoàng và quần thần.

Kakua đứng tĩnh lặng trước Thiên hoàng. Rồi thiền sư lấy một ống sáo từ trong vạt áo, và thổi một nốt ngắn. Cúi chào lễ độ, thiền sư đi mất.
.

Bình:

• Một tiếng sáo ngắn vang lên từ trong tĩnh lặng, rồi biết mất vào tĩnh lặng.

Một thoáng phù du đến từ Không, rồi biến mất vào Không.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)

One Note of Zen

After Kakua visited the emperor he disappeared and no one knew what became of him. He was the first Japanese to study Zen in China, but since he showed nothing of it, save one note, he is not remembered for having brought Zen into his country.

Kakua visited China and accepted the true teaching. He did not travel while he was there. Meditating constantly, he lived on a remote part of a mountain. Whenever people found him and asked him to preach he would say a few words and then move to another part of the mountain where he could be found less easily.

The emperor heard about Kakua when he returned to Japan and asked him to preach Zen for his edification and that of his subjects.

Kakua stood before the emperor in silence. He then produced a flute from the folds of his robe, and blew one short note. Bowing politely, he disappeared.

# 68

Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể

Chào các bạn,

Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể (thinking within a context) là một kỹ năng phân tích (analytical thinking) mà chỉ một ít người thuần thục, một số nhỏ khác thì làng nhàng, và rất đông có vẻ như không hề biết đến. Nhưng đây là kỹ năng quan trọng nhất cho suy tư chính xác và sắn bén. Suy tư trong một khung cảnh cụ thể không những giúp ta thấy vấn đề chính xác và rõ ràng, mà còn giữ tâm trí kỹ luật trong vấn đề đang được khảo sát, không bị “scattered brain” (bộ óc rời rã, chạy lung tung từ quả cam, đến bom nguyên tử, đến Thái Bình Dương, đến sa mạc Sahara… chẳng đâu vào đâu cả).

Dùng một tai nạn đụng xe giản dị làm thí dụ. Xe vận tải cán chết một nữ sinh đi xe đạp. Khách bàng quan thẩm bình:

1. “Mấy thằng tài xế xe vận tải chạy ẩu lắm.” Đây là “suy nghĩ theo nhãn hiệu” (labelism), chẳng ăn nhập gì tới khung cảnh cụ thể hiện tại. Đại đa số người trên thế giới suy nghĩ kiểu này. Đại đa số dân Việt, kể cả “trí thức” Việt, suy nghĩ kiểu này.

Cứ đọc các tài liệu có mùi chính trị do dân Việt ta, kể cả người “trí thức”, chuyển đến inbox của bạn hàng ngày thì biết ngay. Các thông tin mạ lị Trung quốc vừa vô lý vừa dốt, các thông tin chống nhà nước vừa giả vừa dốt… cứ được các “trí thức” chuyền tay nhau hàng ngày, không cả chớp mắt trước khi ấn nút forward. (Mình không nói về các thông tin chính xác và hợp l‎ý về các vấn đề này. Hiện tại ta đang nói đến thông tin rác mà thôi. Và lấy thí dụ liên hệ đến chính trị vì nó nhiều nhất và rõ nhất mỗi ngày, dễ thấy nhất. Thật ra ta có đủ loại rác, chứ không chỉ là rác chính trị.).

2. “Lái xe lớn tới chỗ đông người thì phải cẩn thận chớ!” Câu này bắt đầu sờ nhẹ đến khung cảnh một tí, nhưng chẳng ăn nhập gì vào chi tiết của vụ việc cả.

3. “Trời, con người ta còn nhỏ đẹp như vầy mà nó giết!” Chẳng ăn nhập đâu vào đâu hết.

4. “Tuần trước ở Ngã Bãy cũng một thằng tài xế vận tải y chang loại vận tải này cán chết một ông già đi xe ôm!” Chẳng ăn nhập gì tới chuyện này hết.

5. “Thằng tài xế có lỗi 100%. Tui thấy nó quỳ xuống bên cạnh con nhỏ lảm nhảm ‘Cho anh xin lỗi, cho anh xin lỗi.’”

Nói như vậy là “lấy câu này ra khỏi khung cảnh cụ thể” (taking the statement out of context). “Cho anh xin lỗi” chưa chắc vì người ta có lỗi, mà có thể chỉ vì người ta buồn.

Suy nghĩ trong khung cảnh cụ thể là phải biết xe vận tải đang đi thế nào, từ hướng nào về hướng nào, vận tốc bao nhiêu, có vượt đèn đỏ không, tài xế có say không… một lô câu hỏi tương tự cũng có cho người xe đạp… rồi hai xe làm sao mà va nhau, phản ứng của tài xế lúc đó thế nào… sau tai nạn anh ta làm gì, nói gì…. Tất cả những chi tiết của khung cảnh cụ thể phải được nắm vững, rồi các câu nói như câu xin lỗi của người tài xế, phải được hiểu trong khung cảnh đó, mới có thể đến kết luận cuối cùng là ai phải ai trái ra sao.

Vấn đề chỉ giản dị thế thôi, nhưng ít ra là 80 phần trăm số người trên thế giới không nắm được. Đọc các tranh luận trên Internet hay báo chí thì thấy, một người viết về một vấn đề, người kia tranh cãi bằng cách lấy một câu nói ra khỏi bài, để diễn giải nó “bên ngoài khung cảnh” (hoặc “bên ngoài ngữ cảnh” vì đây là từ ngữ), cho nên ông nói gà bà hiểu vịt, tất cả mọi bàn luận đều chết cứng và trở thành hỗn độn ngay lập tức. Và đương nhiên những người tranh luận thường xuyên trên Internet, đa số là “trí thức”.

Ta phải dùng từ “trí thức” trong ngoặc ở đây, không phải là châm biếm, mà là nhắc nhở rằng “Đã là trí thức thì ta cần học cách suy nghĩ nói năng chính xác một tí. Nếu các kỹ năng suy tư căn bản mà ta còn không nắm vững được, thì làm sao có thể là trí thức được? Võ sư mà không biết đấm, sao gọi là võ sư?”

Nếu chúng ta tập giữ kỹ luật suy nghĩ trong khung cảnh thực tế thì đương nhiên là ta sẽ:

1. Nhìn mỗi vấn đề rất rõ ràng (không bị thành kiến chi phối),

2. Không suy tư theo kiểu nhãn hiệu “Công giáo là tồi, Phật giáo là dốt, Trung quốc là tồi, Đảng ta là đúng, phản động là sai, Hàn thì tốt, Nhật thì kiêu….” Suy tư theo kiểu nhãn hiệu thì không cần phải đi học. Cứ lấy một câu như câu trong ngoặc kép trên, cho mấy đứa con nít học thuộc lòng, chúng nó sẽ áp dụng tư duy nhãn hiệu không thua gì các tiến sĩ mà tư duy kiểu nhãn hiệu. (Đó là tại sao trẻ em là thành phần chủ lực trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, và Cách Mạng Đỏ của Polpot và Khmer Rouge. Các đại đồ tể của thế giới thích mọi người tư duy theo kiểu nhãn hiệu).

3. Không có nhãn hiệu cho chính mình. Ví dụ: Hôm qua anh nói nhà nước quản lý thành công tốt, hôm nay anh chê nhà nước quản l‎ý tồi, vậy anh chống nhà nước hay ủng hộ nhà nước? Anh ba phải hay bốn phải?

À…à… hôm qua tôi nói chuyện nhà nước giữ được kinh tế phát triển với tỉ số cao liên tục trong hơn một thập niên, đó là quản l‎ý tốt. Hôm nay tôi nói nhà nước không làm giảm tham nhũng “một cách thấy được” trong hơn một thập niên, đó là quản l‎ý tồi. Tôi chẳng chống nhà nước, chẳng ủng hộ nhà nước. Tùy chuyện mà nói tốt hay xấu, đúng hay sai, mà thôi. Và như vậy thì chắc là “trăm nghìn phải” chứ chẳng là ba bốn phải.

Các bạn ạ, suy tư trong một khung cảnh cụ thể (thinking within the context) là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, nếu không là kỹ năng duy nhất, của tư duy phân tích (analytical thinking). Và dân Annamít ta cực kỳ, cực kỳ, cực kỳ yếu môn này. Cũng chính vì đó mà kỹ năng phân tích của sinh viên và trí thức Việt rất yếu. Điều này hệ trọng đến tương lai đất nước. Trí thức mà yếu khả năng tư duy thì lấy ai hướng dẫn nước nhà?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,
Hoành

Bài liên hệ: Chủ nghĩa nhãn hiệu, “Thuộc về” nhóm nào?

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com