Thứ tư, 10 tháng 3 năm 2010

Bài hôm nay

Quê Hương, Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, chị Nguyễn Thu Hiền.

Bật ngược lại , Danh Ngôn, song ngữ, anh Nguyễn Hồng Hải.

Phái yếu, Danh Ngôn, song ngữ, chị Thanh Hằng.

Viết thơ giận dữ cho kẻ thù, Danh Ngôn, song ngữ, chị Trần Thị Thu Hiền.

Ôi! Nhớ thương vô bờ!, Thơ, chị Vivian Hoàng Nhất Phương.

Tạp Thi, Đường Thi, anh Nguyễn Hữu Vinh.

Công ty “2 sọt”, Chuyện Phố, chị Hoàng Thiên Nga.

Tỏa sáng với Internet, Trà Đàm, chị Hoàng Khánh Hòa.

Cởi bỏ lối nhìn cũ để hướng về tương lai – Tư thế độc lập, Trà Đàm, anh Inasara.

Ánh sáng của con có thể tắt , Thiền, Trà Đàm, Văn Hóa, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.
.

Thông báo học bổng

MS/PhD scholarships at SEARCA-Invitation to Apply for SY 2011-2012

The Southeast Asian Regional Center for Graduate Study and Research in
Agriculture (SEARCA) invites applications for its graduate scholarship (MS and
PhD) in agriculture and related fields (including biological sciences, social
sciences, economics and statistics, forestry and fisheries, environmental sciences,
agro-industrial technology and engineering, biochemistry, and development
management) for School Year 2011-2012. The scholarship is open to nationals of
Brunei Darussalam, Cambodia, Indonesia, Lao PDR, Malaysia, Myanmar, the
Philippines, Singapore, Thailand, Timor-Leste, and Vietnam who are regular
employees of academic or research institutions or government agencies and not
older than 35 years old.

Invitation to the Scholarship

Application form

Fore information on SEARCA: www.searca.org
.

Tin quốc tế và quốc nội tại vn.news.Yahoo >>>
.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Japan/World Bank Scholarship

Rotary World Peace Fellowships

Fellowship at UNFPA Special Youth Programme

PhD Scholarships at The IT University of Copenhagen

Thông Tin Kinh Tế

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Quê hương

Quê hương là gì hả mẹ,
Sao mà  cô dạy phải yêu?
Quê hương là gì hả mẹ,
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”

Những câu thơ quen thuộc đó trong bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Quê hương ta đó thật yên ả, thanh bình…đó là nguồn cảm hứng của biết bao nhà thơ, nhà văn, của biết bao nhạc sĩ. Đã có rất nhều người thành công, và cũng đã có rất nhiều tác phẩm có giá trị. Bên cạnh những giai điệu mượt mà, nhẹ nhàng, giản dị của bài thơ đó, tôi còn bắt gặp những hình ảnh, những giai điệu rất riêng, rất Việt , được thể hiện qua giọng ca mộc mạc, sâu lắng của ca sĩ Thùy Chi, tôi đang muốn nói tới bài hát “Quê tôi” của nhạc sĩ Anh Minh.

Bài hát được mở đầu bằng tiếng sáo diều vi vút của lũ trẻ chăn trâu khi chiều về. Gió lên càng làm diều bay cao, bay xa, và sáo diều lại càng da diết hơn nữa. Đẹp làm sao, thân thương làm sao hình ảnh làng quê Việt. Lời ca cất lên nhẹ dịu như tiếng mẹ, tiếng bà ru à ời năm nao. Ẩn hiện sau những ca từ đó là hình ảnh của mái đình rêu phong, của cây đa cổ thụ nghiêng bóng tuế nguyệt, của cánh đồng mênh mông, dào dạt hương lúa chín ruộm  …Quê hương ta đó là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của biết bao người. Lớn lên từ làng quê, và khi ra đi, họ vẫn mang trong trái tim mình hình ảnh quê hương yêu dấu…mãi mãi, không nhạt phai…

Trong những giây phút bộn bề của cuộc sống này, hãy dành chút thời gian để thưởng thức bài hát đã và đang làm rung động lòng người này, bạn nhé.

Nguyễn Thu Hiền

.


Quê tôi

Quê tôi có cánh diều vi vu, xa sau lũy tre làng
Trưa trưa dưới mái đình rêu phong là bóng mát ngày thơ
Quê tôi có cánh đồng bao la, thắm hương lúa lên đồng
Liêu xiêu mái tranh nghèo đơn sơ, trở về nhé tuổi thơ tôi

ĐK:
Quê tôi sớm tinh mơ, tiếng gà gọi cha vác cuốc ra đồng
Ai đem nắng đong đầy tới vai, cháy những giọt mồ hôi
Quê tôi với con người chân phương, ai xa níu chân về
Quê hương bước ra từ câu thơ, đẹp như lời mẹ ru.

Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Khi màn đêm thầm chở
Bóng trăng về hoang sơ
Mộ khúc cung rạn vỡ
Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Thác buồn soi vách mờ
Rêu phong thương một thuở
Dương cầm buông phím lỡ
Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Lưng đồi cỏ ấu trơ
Xui lòng em vật vờ
Thông reo sầu nức nở
Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Bao cung khúc xưa mơ
Bao nhịp phách mong chờ
Thương Ca tình yêu chở
Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Thành Đô du mộng dở
Dương cầm than đứt tơ
Hoàng hoa buồn không nở
Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Cung khúc nào bâng quơ
Về qua dĩ vãng…Ờ!
Sao nhạc lòng không mở
Ôi! Nhớ thương vô bờ!

Vivian Hoàng Nhất Phương
3:24am Thứ Năm ngày 04 tháng 02 năm 2010

Tạp Thi

Tạp Thi

Sang đông cỏ tốt xanh rờn
Ðê buông liễu rủ gió vờn mạ non
Vì đâu quê cũ mỏi mòn
Cuốc ơi, xin chớ oán hờn bên tai

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

雜詩

無名氏

近寒食雨草萋萋
著麥苗風柳映堤
等是有家歸未得
杜鵑休向耳邊啼

Tạp thi

Cận Hàn thực vũ thảo thê thê
Trước mạch miêu phong liễu ánh đê
Ðẳng thị hữu gia quy vị đắc
Ðỗ quyên hưu hướng nhĩ biên đề

(Vô danh thị)

Dịch nghĩa:

Tạp thi

Gặp tiết Hàn thực (sau tiết Ðông Chí) mưa nhiều cây cỏ tốt tươi
Mạ non đong đưa trước gió, liễu rủ trên đê
(Nhưng mà) có nhà mà không về được
Chim Cuốc cuốc ơi, đừng nỉ non bên tai nữa

Chú Thích

Hàn thực: Tiết trời mùa đông sau tiết Ðông chí

Ý

Tiếng cuốc mòn mỏi trước cảnh hoang vắng rậm rạp cỏ cây, cõi lòng ủ ê, dằn vặt, nhung nhớ quê xưa.

Công ty ‘2 sọt’

TP – Nhiều năm qua, hàng nghìn cụm dân cư dọc đường biên và vùng quê hẻo lánh chưa có chợ ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn trìu mến gọi những chiếc xe máy thồ đủ loại hàng hóa linh hoạt, khéo léo,  lấy công làm lãi  là Công ty 2 sọt

Anh Thanh giao hàng cho anh nuôi biên phòng đồn Bo Heng

Bóng hồng 2 sọt trên đường biên

Ngày nắng cũng như ngày mưa, quanh năm suốt tháng, quy trình kinh doanh 2 sọt Nguyễn Thị Lân ở thôn 4 xã Ea Wer huyện Buôn Đôn tỉnh Đăk Lăk bắt đầu từ gian chợ chiều chuyên bán vật dụng, phiên chợ đêm chuyên bán thực phẩm tươi sống để mua các thứ ghi sẵn theo lời dặn của khách hàng, xếp đầy 2 sọt xuất phát trước 4 giờ sáng.

Từ nhà, Lân theo đường vào buôn Đrăng Pôk – Buôn Đôn đem hàng rải lần lượt tới các chốt biên phòng, các trạm kiểm lâm. Nếu không gặp trắc trở, đúng 9 giờ sáng chị đã vượt qua 60km bàn giao hàng cho anh nuôi đồn biên phòng Sêrêpốk, sau đó tiếp tục chạy xe hơn 10 km nữa đưa hàng cho công nhân làm đường.

Bên bán, bên mua đều giở sổ ra kiểm tra từng mặt hàng dặn trước xem đủ chưa, đặt tiếp loại hàng cần cho ngày hôm sau, và chốt khoản thanh toán trong ngày là bao nhiêu, ghi sổ cộng dồn thanh toán theo tuần hoặc theo tháng.

Hồi mới vào nghề, Lân chỉ đưa hàng vào bán cho dân các buôn. Nhờ tạo được uy tín về sự chăm chỉ, hàng ngon giá rẻ và đảm bảo giờ giấc, chị lần lượt được các đồn, trạm ký hợp đồng cung ứng dài hạn để hàng ngày có thực phẩm tươi.

Chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ đồn 743 Phan Ngọc Thanh khen: “Chúng tôi nể phục cô Lân lắm, chưa bao giờ cô trễ giờ, kể cả ngày mưa bão cô vẫn đưa hàng vào được”.

Mà quả thật, nhiều anh lính biên phòng hâm mộ chị như hâm mộ cầu thủ bóng đá. Hàng ngày mong ngóng giây phút chị vượt đường xa vèo xe vào tận bếp đồn để được trêu: “Bọn anh ở đây suốt cả năm không thấy một bóng tóc dài, vậy mà em vào đây tóc lại ngắn tun tủn. Ờ mà tóc dài làm sao chịu thấu gió bụi cao nguyên?”.

Cơn bão số 9 năm 2009 tràn qua, đoạn ngang trạm kiểm lâm số 6 xã Krông Na ngổn ngang cây rừng to hàng ôm đổ chắn ngang đường. Nhiều bác tài ô tô trông thấy lắc đầu quay lui. Riêng Lân cố gắng vượt qua bằng mọi cách: trèo, chui, bẻ cành, dọn cây, men theo rãnh thoát nước hai bên đường.

Nhiều lần chị phải dỡ hàng chuyển từng ít rồi mới ra sức bẩy con xe. Có khi trong cơn giông gió tầm tã, chị lấm lem bùn đất vào tới đồn chậm mất mấy tiếng, nghe thấy tiếng hò reo chào đón vui mừng của lính trẻ lính già, bao mệt nhọc âu lo tan biến hết !

Chị Hà Thị Nhãn ( thôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) làm nghề “đi chợ giùm” từ năm 1997. Nay đã qua tuổi 50, mỗi ngày chị vẫn chạy xe hơn trăm kilômét với 2 sọt hàng nặng trĩu, về tới nhà lại tất bật chăm sóc con trai út 20 tuổi bị bại não từ nhỏ luôn nằm bất động.

Chồng chị bị đau cột sống từ lâu, gần đây lại ngã xe rạn xương, cả nhà phải sống dựa vào sọt hàng của chị Nhãn.

Chị tâm sự: “Nghề này vất vả quá nhưng vui, có ích cho mọi người. Dân vùng sâu luôn trông chờ, động viên nên mình càng gắn bó với 2 sọt hàng trên từng cây số…”.

Nghề nào nghiệp nấy

Những khó khăn, rắc rối mà dân 2 sọt gặp phải dọc đường có thể kể mấy ngày không hết. Có bác tài mệt quá nên ngủ gục ngay bên đường khi đang vá săm xe. Lại có người bị ngã do tông phải thú rừng băng qua đường, bình nứt chảy hết xăng.

Chị Nguyễn Thị Bé ( thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana) chia sẻ kinh nghiệm sau hơn 10 năm lập Cty: “Làm nghề này mùa mưa nhất thiết phải mang theo vài chiếc khăn mùi soa, ni lông để bịt kín bugi và nút chặt ống xả khi vượt những vũng nước ngập sâu.

Trong sọt hàng bao giờ cũng phải có dao và thanh sắt để đề phòng khi gặp kẻ xấu vì đường rừng vắng người”.

Chẳng ai đếm được bao nhiêu Cty 2 Sọt ngày ngày lặng lẽ tải đủ loại hàng hóa cung ứng tiện lợi cho hàng vạn dân sinh sống nơi vùng sâu vùng xa.

Chỉ biết, kiểu dịch vụ tự phát đáp ứng nhu cầu mua bán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hình thành không lâu sau ngày miền Nam giải phóng tới bây giờ, bắt đầu nhem nhóm từ đôi ba anh xe thồ nhạy bén nắm bắt thời cơ trong những xóm nghèo, sau ngày càng lan rộng phát triển.

Có làng, nhà nào cũng sắm xe sắm sọt để lập Cty. Có đại gia đình cả vợ chồng con cái đều sống khỏe bằng nghề  2 sọt. Mua rẻ bán rẻ, trừ tiền xăng xe còn lãi chẳng bao nhiêu, cánh 2 sọt thường tranh thủ lượm nhôm nhựa chuyến về để tăng thu nhập.

Gia đình anh Lê Văn Thanh ở thôn 10 xã Hòa Khánh có 3 lao động chuyên nghề 2 sọt. Tuyến đường quen thuộc cha con anh vẫn chạy mỗi ngày trọn vòng dài hơn 300 cây số, từ ngoại thành Buôn Ma Thuột qua tới 6 đồn biên phòng.

Đưa chúng tôi xem chồng sổ tay đủ màu, anh giải thích : “Mỗi đồn 1 sổ cho dễ theo dõi,  riêng đồn BoHeng lập phiếu từng ngày cũng tiện. Hết tháng cộng lại, mỗi đồn bình quân vài ba chục triệu tiền chợ”.

Đại tá Lê Đáng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Đăk Lăk thâm niên 32 năm trong ngành, một trong những chỉ huy rất ủng hộ loại dịch vụ này, cho biết trừ đồn Đăk Lao thuận tiện gần chợ, còn cả 18/19 đồn biên phòng trải dài trên 240km đường biên thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông đều hợp đồng dài hạn với các Cty 2 sọt.

“Chẳng ai phóng xe máy trên đường biên giới nhanh như cánh 2 sọt, vì họ thuộc tới từng ổ gà, gốc cây. Vài năm gần đây toàn tuyến có điện, lại phủ sóng Viettel, cần thức gì đột xuất bất cứ lúc nào đồn cũng alô cho cánh 2 sọt, tiện lắm!” – Ông Đáng nói.

Một cán bộ huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum gặp chúng tôi chăm chú chụp ảnh những Cty 2 sọt thồ đầy hàng vào xã, thích thú khen: Coi đơn giản vậy mà hay ra phết!

Hàng trao tận tay, giá vẫn rẻ, không tốn công đi mà vẫn muốn gì có nấy. Từ khi có lối mua bán tiện lợi này, bà con ở thôn làng xa không cần vất vả tìm chợ nữa.

Vì vậy, từ lâu, dù không sở ngành đoàn thể nào quản lý, không cần khen thưởng hay báo cáo thành tích, những Cty 2 sọt với những chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng nặng trên một tạ với vô số thứ mặt hàng linh tinh: rau quả, thịt cá, kim chỉ, mắm muối, gạo, dầu, bánh kẹo… và cả mớ đồ nghề không được phép quên như bơm, keo, kềm, búa, mỏ lết, tua vít, đồ vá săm v…v… luôn luôn là hình ảnh thân thương, trìu mến và đầy uy tín trong mắt đồng bào chiến sĩ vùng sâu…

H.Thiên Nga – Ngọc Việt

Tỏa sáng với Internet

Thế giới ngày nay trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết, khi mà bạn chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng Internet, bạn có thể làm việc, nói chuyện với bạn bè hay đối tác ở khắp nơi. Khoảng cách địa lý đã được thu hẹp lại rất nhiều. Nếu biết cách tận dụng sức mạnh của Internet, bạn sẽ ngày càng có nhiều cơ hội gặp gỡ những người thú vị và nhiều người cũng biết đến bạn hơn.

Khi Internet chưa ra đời, bạn chỉ được biết đến qua cộng đồng nhỏ mà bạn có các giao tiếp trực diện hàng ngày: khu phố, công ty, trường học vv…Sẽ khó có thể tưởng tượng được là một bạn học sinh bình thường ở Việt Nam lại kết bạn với một bạn trẻ ở nước Úc xa xôi. Và đôi khi, thật khó khăn để tìm được một người bạn đồng quan điểm và chí hướng trong đám đồng nghiệp ở cơ quan hay bạn bè ở lớp. Nhưng ngày nay, Internet mang đến cho bạn rất nhiều cơ hội và lựa chọn.

Internet là một phương tiện tốt để bạn thể hiện con người mình đầy đủ hơn, và nhiều người sẽ biết đến bạn, hiểu được bạn thông qua những kinh nghiệm, kiến thức và cách mà bạn chia sẻ. Một người thầy của mình còn nói rằng, “bây giờ search tên mình trên google mà không có gì nghĩa là ta không tồn tại”, để thấy rằng sự hiện diện của bạn trên Internet quan trọng đến mức nào. Có thể nói đó là môi trường sống thứ hai của bạn.

Với Internet, bạn có thể hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Tham gia các forum có hàng ngàn thành viên. Chia sẻ các bài viết trên blog hay website riêng mỗi ngày với hàng trăm người đọc. Bằng cách đó, bạn không chỉ vẫn có được một cộng đồng vật lý quanh mình như trước, mà còn xây dựng một hình ảnh về bản thân ở nhiều góc độ khác nhau.

Vì thế, đừng lo rằng bạn không tìm được một đối tác ưng ý hay không có người đồng ý tưởng trong các dự án sắp tới. Đừng lo rằng bạn đang đi một mình trên con đường du học hay kinh doanh đầy chông gai.

Hãy để cho nhiều người biết đến bạn qua Internet và tỏa sáng như một ngọn nến lớn. Và nhớ rằng, những gì bạn nói ra ngày hôm nay trong thế giới Internet là hình ảnh phản chiếu con người thật của bạn.

Nếu bạn muốn chân thành, hãy nói lời chân thành. Nếu bạn muốn trí tuệ, hãy nói lời trí tuệ. Nếu bạn muốn vui vẻ, hãy nói lời vui vẻ.

Và bạn sẽ không chỉ còn được biết tới như một người thanh niên trẻ giỏi chuyên môn ở công ty, một người con hiếu thảo ở nhà, một công dân tốt ở khu phố. Hàng ngàn người khác ở khắp nơi sẽ còn biết đến bạn là một người yêu âm nhạc và biết nhiều bản nhạc hay, một người sâu sắc và tử tế thích giúp đỡ cộng đồng, một doanh nhân tiềm năng vì có nhiều ý tưởng táo bạo.

Trong số đó, chắn chắn là bạn sẽ tìm thấy những người bạn đồng hành tương lai.

Hãy tỏa sáng theo cách của mình và chúc bạn may mắn nhé.

Hoàng Khánh Hòa

Cởi bỏ lối nhìn cũ để hướng về tương lai – Tư thế độc lập

Không thấy mà tin, là sức mạnh của mọi tôn giáo độc thần; nói mãi vào tai riết rồi sẽ tin, là phương sách của người làm chính trị; thấy rồi mới tin, là điều kiện tiên quyết đặt ra với các nhà khoa học; nhưng triết học thì khác: thấy vẫn không tin. Thấy, biết,… nhưng vẫn cứ đặt câu hỏi về cái thấy, cái biết của mình. Còn ai suy tư điều đã được suy tư? Heidegger đã hỏi thế! Một câu hỏi mang tính vận mệnh của tư tưởng.

Nhưng con người, lạ – vẫn cứ tin. Từ mê tín đến bạo động chỉ cách nhau một bước chân. Cho dù không có nửa dấu vết bạo động trong hành vi, suy nghĩ, ta vẫn cứ bạo động, bao động đủ hình thái, cấp độ. Ở đây, thử xét bạo động theo nghĩa áp chế hay triệt tiêu óc phán đoán độc lập.

Thời hiện đại, giữ tư thế độc lập để có thể suy tư và đưa ra nhận định độc lập, là điều cực kì khó. Con người bị tác động bởi đủ chuyện, từ mọi phía đến không thể cựa quậy được, nói chi tự do suy tư hay hành động. Tôn giáo buộc ta đi theo khi ta lỡ sinh ra trong cộng đồng đó và ta đành phải mang vác nó, chịu đựng nó; chế độ chính trị của đất nước nơi ta sống; nền giáo dục và uy tín gia đình ta buộc phải bảo vệ; chủ trương bè phái phe nhóm mà ta đã lỡ rơi vào; cả lí lịch của ta nữa. Đó là các gò bó dễ nhận biết. Còn bao nhiêu triền phược khác khó nhận ra hơn: Dư luận cộng đồng, truyền thống văn hóa, tập khí từ xã hội và thiên nhiên,… Làm sao cá nhân có thể suy tư độc lập trong môi trường đó, hoàn cảnh đó?
Con người luôn sống trong sợ hãi. Ta sợ suy nghĩ lệch pha bị người đời chê cười, sợ bị cô lập khỏi cộng đồng, tập thể, hoặc thậm chí – sợ bị biến mất!

Làm được như Krishnamurti, từ bỏ vai trò Đấng Cứu thế của Dòng tu Ngôi sao với hơn bốn vạn tín đồ cùng bao nhiêu bất động sản giá trị, là điều thiên nan vạn nan trong xã hội này. Tôi không muốn đề cập chuyện to tát ấy mà, chỉ muốn nhấn ở làm thế nào có thể giữ được tinh thần độc lập trong một xã hội nhiều bất trắc, rủi ro? Từ đó có thể học biết suy tư độc lập, trong môi trường bạn đang sống.

Họ hàng bà con, anh chị em hay bằng hữu thường nghe theo nhau; khi ta từ bỏ hay hạn chế tối đa sự nghe theo một chiều ấy, là ta đã học biết suy tư độc lập. Người của phe nhóm ta nói sai, tôn giáo ta phán định trật, ta không còn nhắm mắt tin nghe theo, là ta khởi đầu cho tư duy độc lập. Nhận ra truyền thống văn hóa ta cổ hủ, phản tiến bộ, ta thoát ra khỏi nó để làm cái hay hơn, tốt đẹp hơn, là ta đã biết hành động độc lập. Không sợ dư luận khi dư luận đó vô ý tác hại, xâm phạm đến cá nhân hay cộng đồng, ta bình tâm tìm cách phơi bày nó ra để cho mọi người hiểu, là ta đã có tinh thần suy tư độc lập.

Có ai hôm nay sẵn sàng cho suy tư như thế?

Có ba loại trí thức: Trí thức công chức, không thể không lệ thuộc vào cơ quan chủ quản, vào thủ trưởng, không nhiều thì ít; và nếu trí thức đó có theo đảng hay tôn giáo nào đó, thì sự giải thoát càng khó hơn. Loại thứ hai: Trí thức khoa bảng thì luôn phải khép mình vào nền nếp và khuôn phép để “nêu gương sáng” cho thế hệ trẻ. Như vậy chỉ còn trí thức độc lập mới có điều kiện và khả năng suy nghĩ và hành động mà không ngại phạm quy ước hay điều lệ của tổ chức nào, tập thể nào bất kì. Bạn chỉ nghe theo lương tâm và trí tuệ mình. Bạn hành động không định kiến và vô vụ lợi.

Trong xã hội Chăm hôm nay, hỏi ai và bao nhiêu người là trí thức độc lập?

Trí thức độc lập là kẻ biết suy tư độc lập, một suy tư thoát khỏi mọi căm thù cá nhân, mọi vướng mắc quyền lợi phe nhóm, mọi tư tưởng tôn giáo hay ý thức hệ chính trị, mọi cổ hủ của truyền thống hay sai lầm của nền giáo dục ta từng tiếp nhận,… để có thể nhận định trên nền tảng tư duy chín chắn, tâm hồn rộng mở và lương tâm trong sáng. Chỉ khi nào đạt được tầm như thế, chúng ta mới có thể nói đến phản biện xã hội; còn không thì chỉ là những phát biểu hàm hồ, tai hại. Nếu không thể làm trí thức, tốt hơn cả là ta cứ ăn theo đường ngay nói theo lẽ lành – Bbơng twei tapak, hwak twei haniim, là đủ tư cách làm người lương thiện rồi.

Inrasara

Ánh sáng của con có thể tắt

Một học trò Tông Thiên Thai, một tông phái triết lý Phật giáo, đến thiền viện của Gasan học thiền. Vài năm sau cậu ra đi, Gasan cảnh báo cậu: “Học về sự thật bằng phỏng đoán thì lợi ích cũng chỉ như lượm lặt tài liệu giảng huấn. Nhưng nhớ rằng nếu con không thiền quán thường trực, ánh sáng chân l‎ý của con có thể tắt.
.

Bình:

• Gasan Jōseki (峨山 韶碩 1275–23.11.1366) là thiền sư dòng Tào Động Nhật Bản, mà ta đã nhắc đến trong bài Không xa Phật vị.

• Đây là cảnh báo về cách học triết lý lệ thuộc nặng nề vào lý luận và suy tư của Thiên Thai Tông. Trong bài Cỏ cây giác ngộ như thế nào chúng ta đã nói đến sự vô ích của các câu hỏi triết lý rắc rối của học trò Thiên Thai.

Khác biệt giữa “suy nghĩ” và “thiền quán”: Suy nghĩ hay suy tư là “nghĩ”. Thiền quán là chỉ “nhìn” (quán), nhìn sự vật như nó là (seeing thing as it is) mà chẳng “nghĩ” gì cả. Khác biệt về tính danh này đưa đến các khác biệt sau:

1. Khác biệt đầu tiên là tĩnh lặng về cảm xúc. Chúng ta có thể suy nghĩ với đủ loại cảm xúc trong đầu, nhưng thiền quán thì tâm ta phải rất tĩnh lặng,

Ví dụ: Suy nghĩ về cách trả đũa anh chàng chó chết mới chửi mình hồi chiều, vừa suy nghĩ vừa sôi máu. Nếu ta thiền quán về anh chàng này, thì tâm ta phải rất tĩnh lặng, không hờn giận không một gơn sóng, khi ta “nhìn” (quán) anh chàng.

2. Khác biệt thứ hai là tĩnh lặng về tư tưởng. Suy nghĩ thì có câu hỏi, và chạy theo dòng lý luận để tìm câu trả lời; thiền quán thì chỉ “nhìn” thôi, rồi cái gì nó đến thì đến, nó không đến thì không đến, chẳng chạy theo cái gì, nhắm vào câu trả lời nào cả.

Ví dụ: Suy nghĩ “Có thượng đế không?” À, có cái bàn là có ông thợ mộc. Có quả là có nhân. Có vũ trụ phải có người làm ra vũ trụ,. Vậy phải có thượng đế. Có thượng đế thì phải có người sỉnh ra thượng đế. Ai vậy?…

“Thiền quán” thì chỉ “nhìn.” Muốn quán cũ trụ thì cứ nhìn các tinh tú, không gian, các thiên hà, các giới hạn (hay không giới hạn) của vũ trụ… đến các phân tử, nguyên tử li ti của vật thể… rồi chân l‎ý nào đến với mình thì đến, không thì thôi, chẳng đeo đuổi theo ý gì trong đầu cả…

3. Khác biệt thứ ba là sự tập trung và tự do của tâm trí. Đây chỉ là hệ quả của khác biệt thứ nhất và thứ hai bên trên. Khi “suy nghĩ” ta có cả hàng trăm tư tưởng, cảm xúc, lý‎ luận, kết luận, phán đoán chạy tới chạy lui. “Thiền quán” thì ta chẳng có gì trong đầu cả, ngoài trừ một “hình ảnh” của cái mà mình đang quán, như nó là (as it is), mà chẳng có l‎ý luận, phán đoán, kết luận nào cả.

Vi dụ: Suy nghĩ về chuyện cãi nhau hồi chiều với người bạn thân (hay vợ, hay chồng mình), ta có thể suy nghĩ: Cô ấy nói câu này, nói như vậy là rõ ràng làm mình đau, tại sao cô ấy làm mình đau, vì cô ấy ghen tị với mình, cô ấy đang cạnh tranh ảnh hưởng với mình, bởi vậy câu nói của mình với boss bị cô ấy cố tình bẻ méo ‎ nghĩa của nó….

Nếu thiền quán về chuyện cãi nhau này thì tâm mình thật tĩnh lặng, không sóng giận, cũng chẳng suy nghĩ gì, chỉ “nhìn” hình ảnh cãi nhau hồi chiều… và thấy… khuôn mặt cô ấy thật buồn vời vợi khi nói với mình câu này… và mình đã không thấy được các nét ấy lúc đó, và mình đã vội vã thọc cho cô ấy một quả đấm ngôn ngữ kinh hồn… và cô ấy đã nhìn mình với khuôn mặt vừa kinh ngạc vừa buồn vô tận… và lặng lẽ ra ngoài… và mình đã cho là cô ấy khinh thường mình… và mình đã chửi ngóng theo một câu cuối…

Điểm quan trọng ở đây là khi suy tưởng các vấn đề trừu tượng, chúng ta thường theo một trường phái lý‎ luận triết lý nào đó, ví dụ: triết l‎ý hiện sinh, hay duy vật biện chứng pháp, hay Plato, hay Decartes, hay Thiên Thai Tông, hay Trung Quán Luận, hay cynicism… cho nên tư duy thường rất phiến diện, vì bị gò bó trong khung lý luận của trường phái ta đang dùng. (Chính vì vậy mà các triết gia hay cãi nhau, ông nói gà bà nói vit). Khi “quán” ta chỉ “nhìn sự vật như nó là” cho nên ta chẳng theo trường phái nào cả. Cứ nhìn thôi. Vì vậy tâm trí ta thực sự tự do và độc lập, và cái nhìn rõ ràng hơn rất nhiều.

4. Khác biệt thứ tư là kết luận. Đây là hệ quả đương nhiên của ba khác biệt trên: Suy nghĩ chấm dứt bằng một kết luận của suy tưởng lý luận, thường theo công thức của luận lý học.

Quán chấm dứt khi nào mình biết là mình đã nhìn thấy toàn thể, thông suốt hoàn toàn, điều mình nhìn, từ trong ra ngoài, ngoài vào trong, từ mọi hướng nhìn.

Ví dụ: Suy nghĩ về một tên trộm: Hắn vào nhà, lấy cái nhẫn hột xoàn bỏ túi, toàn vụ việc bị thâu vào hệ thống quan sát điện tử. Kết luận: Vậy hắn là tên trộm.

Quán về người này thì nhìn hắn, nhìn hình ảnh hắn lấy hột xoàn, nhìn thái độ đầu hàng dịu dàng của hắn khi bị bắt, nhìn khuôn mặt buồn rười rượi tuyệt vọng của hắn, dáng đi thểu não của hắn…

Trước khi “quán” thì tâm ta phải “định” (samadhi), tức là đứng yên. Nếu tâm còn nhảy choi choi thì không thể quán được. Vì vậy người ta thường phải dùng “thiền chỉ” (samatha), ví dụ tập trung vào hơi thở để định tâm trước, khi đã “định” được rồi, muốn quán (vipassana) gì thì “quán” (và trong khi quán, tâm mình vẫn “định”).

(Trần Đình Hoành dịch và bình)

.

Your Light May Go Out

A student of Tendai, a philosophical school of Buddhism, came to the Zen abode of Gasan as a pupil. When he was departing a few years later, Gasan warned him: “Studying the truth speculatively is useful as a way of collecting preaching material. But remember that unless you meditate constantly you light of truth may go out.”

# 52