Nhìn lũ bạn ngả nghiêng trên những chiếc giường tầng, tôi tự hỏi : Trong số này, ai là người may mắn nắm được mảnh bằng tốt nghiệp, ai rồi sẽ phải âu sầu tiếc nuối, và phải cắm cúi thêm một năm dùi mai, còn những ai phải vĩnh viễn từ bỏ những ước mơ của mình ? Một câu hỏi dài, chốt lại sau mười bảy năm tiêu tán một khối lượng khổng lồ cơm cha áo mẹ, nếu tính toán cho thật chi li, cả bao hao tổn tâm lực của các thầy cô giáo, chỉ tính nhẩm một con số chưa chính xác thì tất cả các đốt trên mười ngón tay cũng chưa đủ hết tên các thầy cô từ lúc bắt đầu ngap nghé nhà trẻ cho đến nay. Và những gì có được trong bộ óc nhỏ như cái nắm tay này liệu có đủ để làm bàn đạp cho những tháng ngày sắp tới ? Sinh viên năm cuối, đủ chững chạc để hiểu những gì đang chờ đợi mình phía trước. Sẽ không là những hồn nhiên trong trẻo như khi nói cười trên trang sách, sẽ không là những vẽ vời mơ mộng những ảnh ảo trong thứ ánh sáng pha le. Rồi mọi thứ sẽ dần phô ra những khắc nghiệt, những thách thức, những đòi hỏi, mà những cái những ấy lại chưa từng có trong giáo trình mà mình đã qua. Tôi biết, tôi biết lắm, nhất là khi mình không có chiếc gậy thần nào trong tay để gõ những cánh cửa vào đời như một số người may mắn khác. Phải biết chứ, cần phải biết để còn chuẩn bị cho mình một tư thế chờ đón và dấn thân. Ai cũng phải đi qua tưng chiếc cầu đời nhất định, khác nhau chăng là cầu bê tông hay càu khỉ mà thôi.
Một giọng nữ dịu dàng, nhỏ nhẻ, thỏ thẻ nhưng lại mang cảm giác một mũi kim khiến cả năm thằng đang dã dượi một cách lười biếng bật dậy cùng lúc như những cái lò xo :
_ Các anh ơi ! Nướng kỹ thế không sợ chúng em bảo “ dài lưng tốn vải” à?

Phưong Liên ghé mỗi cái mặt qua cửa phòng, nhấp nháy đôi mắt tinh nghịch. Huy nhảy phóc xuống đất, vừa xốc lại cái áo vừa nói :
_ Thằng Duy nó đang chờ nhà đòn đến đấy em ạ, mà hình như đến ma cũng chê nó thì phải.
Duy vắt cái khăn mặt lên vai, cười với Liên, nói :
_ Chấp gì cái loại trống tơ gáy trộm, phải không em?
_ A , cái thằng …
Huy định lao ra đuổi thì Duy đã ra đến cửa, còn quay lại dặn với :
_ Đợi anh tí nhé.
Phương Liên cười gật đầu, Huy hậm hực :
_ Chốc về biết tay ông.
Liên liếc nhìn quanh phòng rồi hỏi :
_ Các anh định sống bằng lý tưởng, không cần ăn à?
Tôi chợt giật thót mình nhớ ra, nhìn đồng hồ, thôi chết, hơn mười một giờ rồi, hôm nay lại đến phiên tôi thổi lửa mới khốn chứ. Thấy tôi cuống cuồng, Liên cười bảo :
_ Thôi, anh Long không phải rối lên thế, ban nãy khi đi chợ, em có ghé ngang, định hỏi các anh có cần mua gì không, mà thấy : phòng ai lẳng lặng như tờ, nên thôi. Giờ thì em thay mặt chúng nó, mời các anh sang giai quyếp giúp nồi bún riêu.
_ Trên cả tuyệt vời.
Ngữ la to, Lâm được thể nịnh đầm :
_ Người ta bảo “ Phụ nữ luôn có lý” ´đúng thật.
Huy bỉu môi :
_ Khéo nhỉ ?
Tôi thì khỏi nói, không còn niềm vui nào hơn, thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, vô vàn cảm ơn Thượng đế đã sinh ra các nàng. Nhanh hơn tên lửa, loáng chốc năm thằng đã lăng xăng bên nồi riêu thơm phức, rổ bún trắng tươi, và đầy một ảng rau xanh trông vô cùng hấp dẫn, chưa ăn mà đã thấy ruột gan mát rượi đi rồi. Câu chuyện nở quanh những tiếng húp xoàn xoạt cũng thú vị không kém. Cũng không ngoài những nghĩ suy của tôi lúc nay. Thì ra, không ai bảo ai, những suy tư và nhận thức của một lứa tuổi, một bối cảnh không khác nhau là mấy. Phải thôi, những thiết thực của cuộc sống luôn tác động hàng ngày, cho dù chưa từng bắt tay một cách trực tiếp thì cũng đã từng chứng kiến, nên chẳng ai có thể thờ ơ được cả, huống chi đó là những gì đang chờ đón chúng tôi. Tính chất câu chuyện đã đôi lúc làm không khí cuộc vui có lắng lại. Ai Hoa chợt nói :
_ Thôi đừng nói những chuyện đau đầu ấy nữa, con khối thời gian cho nó mà. Bây giờ đổi đề tài đi, chẳng hạn như một chuyến du ngoạn trước khi chia tay ?
_ Phải rồi, phải đó …thế mà mình không nghĩ tới.
_ Quá đúng rồi, hoan hô sáng kiến.
_ Ngó lì lì rứa mà thông minh ghê nơi.
_ Xí, đừng co mà coi thường phụ nữ nhé.
Không ngờ ý kiến của Ai Hoa làm thay đổi hẳn không khí, cả bọn lại lấy lại vẻ vô tư, nghịch ngợm vốn dĩ. Mỗi người một câu, huyên nao cà gian phòng, vài ánh mắt từ những phòng “ hàng xóm” ánh sang một cách ghen tị vui vẻ. Duy nói :
_ Vậy bây giờ tính xem nên đi đâu đây ? Đi đâu để về sau còn nhớ mãi ấy.
Một vài địa điểm thắng cảnh được nêu ra, nhưng không khả thi, lý do chủ yếu là kinh phí. Đang trầm ngâm, Ngữ vụt lóa lên :
_ Tụi mày có nhớ thằng Hòa không ?
_ Nhớ nhớ…
Mấy cái miệng cùng há một lượt .
_ Không biết bây giờ nó ra sao rồi nhỉ ?
_ Phải đó, một địa chỉ rất hợp tình hợp lý.
_ Hợp túi nữa chứ. Thông minh.
_ Không thông minh sao làm người của thế kỷ hai mốt được.
Những tiếng cười tán thưởng lại cất lên rôm rả, và tiếp sau đó một kế hoạch được tính toán chu đáo.
Tôi mường tượng đến một người bạn cũ, người bạn hơi thiếu một chút may mắn của chúng tôi, vì hoàn cảnh gia đình mà bạn đã phải dừng con đường học vấn của mình với mảnh bằng trung học, mặc dù điểm số của bạn luôn khiến chúng tôi phải nể. Tôi còn nhớ rất rõ, cũng trong một cuộc chia tay như thế này, Hoà đã buồn buồn nói cùng chúng tôi: “Chúc các bạn may mắn, hãy học giùm mình nữa nhé”. Bây giờ chắc Hòa đã thành một nhà nông thực sự rồi, năm năm trên vùng cao nguyên đất đỏ, mi đã làm được những gì hở Hòa ơi?
_ Với lại cũng để xem cây cà phê như thế nào nữa chứ. Uống đến lõi mồm ra rồi mà không biết làm sao để có được hạt cà phê thì dở quá.
Huy nói thêm khi tất cả đã thống nhất điểm đến là DakLak.
oOo
_ Bác tài ơi ! Cho chúng cháu xuống đây thôi.

Ngữ kêu lên cho xe ngừng lại, tôi cẩn thận nhắc :
_ Mày có chắc là ở đây không ?
_ Chắc mà, hồi đó tao co lên thăm nó một lần rồi.
_ Mấy năm rồi, cảnh cũng khác đi nhiều chứ.
_ Có khác là cây cao hơn, tán rộng hơn, chú con đường thì không khác. Đi hết đoạn đường này thì đến một ngã rẽ đường đất, hết đoạn đường đất lại mot ngã rẽ phải nữa thì đến.
_ Ôi trời, thế thì rã chân ra còn gì.
_ Quá tệ, nghe mà mắc cở quá.
Lâm vừa rên thì gặp ngay câu độp của Huy, bèn đưa
nắm đấm lên dứ. Các chàng trai chia nhau những túi hành lý, để ba cô gái được thong dong ve vẩy hai cánh tay nhẹ nhõm. Hải Vi thích chi nói:
_ Làm con gái thích thật.
_ Coi chừng nhầm to đấy, người ta bảo tu bảy kiếp mới được làm con trai đấy nhé.
_ Có ông nhầm thì có, đừng tưởng chỉ có con trai mới là chúa nhé. Con gái thời nay khối anh theo không kịp đấy.
_ Lại tranh chè vị thế gái trai, có con nào đi nữa mà không ra người thì cũng vứt tuốt.
_ Gớm, cụ chưa kìa.
Đi bộ trên một quãng đường không ngắn, lại dưới trời nắng, thì cách tốt nhất là nên tìm chuyện để cãi nhau, khi cái đầu có chỗ để bận rộn thì nó chẳng còn thời gian đâu mà nghĩ đến cái chân nữa. Đến một đoạn đường có những tán cây to xòa ra làm dịu mát hẳn, Phương Liên nhìn quanh rồi hồ hởi :
_ Ở đây thích thật nhỉ. Cây cối xanh tươi, hoa thơm trái ngọt, thấy bình yên quá.
Câu nói đầy lãng mạn, mơ mộng của Liên chưa kịp loãng thì Ngữ đâm ngang :
_ Lâu lâu về đây chơi thì thích thế, chứ thử nhận công tác về đây xem có méo mặt đi không ?
_ Mày…
Duy sợ Liên phật ý nên nạt bạn, nhưng Lâm đã lên tiếng :
_ Thực tế rõ ràng là vậy, chối gạt làm chi.
_ Nói thế nghe có vẻ lớp trẻ bọn mình hèn quá nhỉ ? Không dám chấp nhận những khó khăn.
_ Đầu tư suốt mười mấy năm trời, thì cũng phải tìm nơi để khai thác cò hiệu quả chứ. Chả nhẽ ăn bám bố mẹ mãi sao.
_ Nói lý tưởng cho ra vẻ văn chương thôi, chứ ai mà chẳng muốn có một đời sống nhẹ nhàng sung túc. Nhưng thế nào trong số tụi mình cũng có đứa phải chịu đi xa mới có việc làm, nên tốt nhất là chuẩn bị tinh thần trước đi là vừa.
Một dự cảm mơ hồ cho không gian chùng xuống, cả bọn toá lên mừng khi Ngữ đưa tay chỉ :
\ _ Đó, cái ngõ nhỏ kia kìa, gần tới rồi.
Những bước chân như nhanh hơn, phấn chấn hơn.
_ Nó gặp tụi mình giờ chắc mừng lắm ha.
_ Còn phải nói, ờ mà không chừng dắt cả “chị nhà” ra chào cũng nên.
_ Đâu mà sớm thế ?
_ Nông thôn mà, phần nhiều lấy sớm cho có người làm việc nhà.
_ Hòa nó không vậy đâu. Tính nó đâu có chuyện vội vàng hời hợt thế.
_ Đùa vậy thôi, mà lỡ có vậy không biết có em mô khóc không hè?
Chưa có cô gái nào kịp phản ứng thì Ngữ la lên :
_ Kia kìa, nhà nó kia kìa.
_ Đâu đâu ?
_ Chỗ cái sân có giàn mướp đó.
_ Giàn hoa vàng chứ.

Ai Hoa cãi, giàn gì thì chúng tôi cũng đã đến cổng, một con chó đốm xù ra sủa. Tiếng la chó theo cùng một dang người đàn ông lớn tuổi, nhìn rõ là một lão nông thuần phác. Tôi đã đoán không lầm, đó là cha của Hòa. Ong săm soi nhìn một lũ gái trai lôi thôi, lếch thếch cung những túi xách lỉnh kỉnh, và rồi khi sự ngạc nhiên của ông được giải đáp thì ông đổi ngay ra nét hớn hở vui mừng :
_ Trời ơi ! Các cháu làm bác bất ngờ quá, đi, đi vô nhà tắm rửa cho mát đã, nắng nôi thế này mà lặn lội đến tận đây thăm bạn, nó gặp các cháu nó mừng lắm thôi. Bà ơi…
Tiếng gọi của ông làm hiện ra nơi khung cửa một vóc ngươi nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, có lẽ đã kịp nghe dăm câu, nên mẹ Hoà đã cười vui vẻ, đon đả đón chúng tôi vào nhà. Sự đón tiếp nồng nhiệt của hai người lớn tuổi đã tạo cho chúng tôi cảm giác thoải mái. Không nói ra sợ các bạn mất hứng, chứ dọc đường tôi cứ lo lo, bỗng nhiên tha lôi từng này mạng đến nhà người ta không một lời báo trước, rủi gặp sự cố thì biết làm sao, cùng lắm thì ra xe quay về luôn thôi. Rất may là những lo lắng của tôi đã là vô ích. Ba Hòa lớn tiếng gọi :
_ Bình, Hưng có đứa nào rảnh lấy xe đạp chạy ra rẫy kêu anh hai bây về, nhanh đi.
Một tiếng dạ và âm thanh chuyển dịch của chiếc xe đạp lao vút qua cánh cổng. Mẹ Hòa dẫn chúng tôi ra giềng, bà nắm cái tay quay định thả gàu quay nước, tôi vội nói :
_ Dạ, bác cứ để tụi cháu làm được ạ.
Miệng nói, tay cầm luôn cái tay quay, tôi thả gàu quay nước một cách thành thạo, mẹ Hòa cười :
_ Con trai thành phố mà cũng giỏi đấy nhỉ ?
_ Bác ơi, việc này mà không làm được còn làm được gì nữa hở bác ?
_ Ở thành phố quen sài nước máy, với tay mở là có, đâu khổ như ở quê vầy chớ, phải không các cháu ?
_ Ở đâu cũng có sướng có khổ, bác ạ. ở đây tuy có hơi mất công một chút, nhưng nước sạch tự nhiên, không cần phải xử lý bằng hóa chất, lại sài thoải mái không lo cúp, chúng cháu ở ký túc xá khổ nhất là nước đấy bác ạ.
_ Thế à ? Bác lại cứ tưởng….thôi các chàu cứ thoải mái đi nhé. Tí nữa nó về chắc nó mừng lắm đó, khổ, chẳng mấy khi chơi bời bạn bè gì cả, cứ đi làm miết thôi.
Nói rồi bà quay quả đi vào trong bếp, một lúc sau có tiếng gà kêu quác lên. Liên vội kêu lên :
_ Bác ơi ! Chúng cháu không ăn đâu , bác đừng giết nó tội nghiệp.
_ Mấy khi có dịp, các cháu không phải ngại, nhà bác nuôi đầy ra đây này.
Tiếng mẹ Hòa vọng ra từ trong bếp, ba cô gái bảo nhau nhanh nhanh còn vào phụ bếp. Lâm đưa mắt nhìn quanh những cây cối, cảnh trí. Thiên nhiên luôn đem đến cho con người cam giác nhẹ nhàng, dễ chịu, thư thái và bình yên. Có lẽ đó là lý do mà khi về già người ta thường muốn hướng về vườn tược cây quả. Khi chúng tôi vào trong nhà đã thấy một buồng dừa xiêm đợi sẵn. Cha Hòa chỉ mấy cái ghế nói

_ Ngồi đi các cháu, uống nước dừa cho mát nhá. Nhà quê đãi khách không được đầy đu lắm, các cháu thông cảm.
_ Bác nói thế làm tụi cháu ngại quá, nhà chúng cháu cũng phần lớn ở quê cả đấy bác ạ.
_ Thế hả ? Ừ thế càng hay, bác là nông dân, có sao nói vậy, hổng có màu mè gì hết. Các cháu uống dừa đi.
Huy cầm con dao chặt dừa, những nhát chặt không chuyên làm cai vỏ dừa bị băm nhiều chỗ, nhưng điều quan trọng là chúng tôi được thưởng thức một thứ nước giai khát vô cùng chất lượng. Vừa uống, chúng tôi vừa thay nhau trả lời cha Hòa những câu hỏi về cuộc sống, gia đình và sự học tập, và rồi ông chép miệng :
_ Giá bác đủ điều kiện để thằng Hòa được học tiếp thì bây giờ nó cũng được như các cháu vậy.
Gương mặt ông buồn buồn, Duy nói như an ủi :
_ Cuộc sống có nhiều cách phấn đấu khác nhau, có thể Hòa không có duyên với chữ nghĩa, bằng cấp, nhưng bạn ấy sẽ có những kinh nghiệm tốt về cuộc sống hơn các chúng cháu nhiều, cháu nghĩ đó mới là điều quan trọng bác ạ.
Cha Hòa mỉm một nụ cười thật hiền, tôi thoáng nghĩ, mấy mươi năm nưa, chắc Hòa cũng như thế. Chợt ông ngóng cổ ra cổng la lên :
_ Nó về kìa.
Tất cả chúng tôi đều bật dậy, nếu không có cha Hòa báo trước, chắc tôi khó nhận ngay ra Hòa. Hòa khác trước nhiều quá, da đen sạm, nhưng rất đô con và rắn chắc, trong Hòa chững chạc hẳn lên. Hòa buông cái xe đạp cho nó đổ kềnh ra để nhào đến với chúng tôi . Niềm vui hội ngộ không gì tả nổi, năm đứa tôi bâu kín Hòa, anh chàng thì cuống quýt ôm đứa nọ kéo đứa kia. Đến chừng Hòa quay ra nhìn thấy ba cô gái đang đứng ở cửa bếp nhìn chúng tôi với gương mặt đầy xúc động thì lắp bằp :
_ Ủa…cả các bạn nữa hả ? Mình…mình vui quá.
_ Hòa khác trước nhiều quá.
Hòa cười hiền lành :
_ Năm năm rồi còn gì.
_ Chỉ có đôi mắt là không khác chút nào. Vẫn trong và sáng như đèn pha.
Tôi nói sau khi nhìn rõ gương mặt Hòa. Đôi mắt là điểm nổi nhất trên gương mặt. Người ta bảo “ Người có đôi mắt sáng là một người thông minh và chính trực, quả cảm và đoan quyết”. Có lẽ câu nói này không xa với bản chất Hòa. Tôi dám chắc, nếu không ngại phái tính, chắc Hòa cũng không dằn nổi cảm xúc của mình. Cuộc vui càng rổn rảng, náo nhiệt hơn khi mâm cơm đã sẵn sàng. Gần như mâm cơm chỉ dành riêng cho chúng tôi, vì gia đình đã xong bưa trước lúc chúng tôi đến, nên cả nhà chỉ ngồi để tiếp thức ăn cho chúng tôi và góp chuyện. Tám đưa chẳng còn chút khách khí, ngại e gì nữa, một phần là quá đói, phần nữa là không khí gia đình tự nhiên, thân mật và trầm ấm, nên cảm giác như đang ở nhà mình vậy. Cơm xong cũng đã xế chiều, Hòa nói :
_ Bây giờ các bạn nghỉ ngơi cho khoẻ đã, mai mình dẫn ra rẫy chơi.
_ Có trái gì ăn được không ?
Vi nhanh nhảu hỏi, Huy trêu :
_ Đúng là con gái, đi đâu là cái miệng đến trước.
_ Bây giờ thì dài mồm ra chê con gái rồi phải không?
_ Ai chê đâu, ý mình nói là các mợ đi trước cho tụi mình ké với.
_ Đồ con trai lẻo lự, miệng mồm như tép nhảy.
Hòa dàn hòa :
_ Thực ra thì ai cũng như ai thôi, thấy trái chín trên cành hong mê sao được, yên chí đi, mùa này có nhiều thứ lắm, chỉ sợ không có bụng mà chứa thôi.
Cha mẹ Hòa nhìn chúng tôi ỏm tỏi mà cười luôn miệng, tôi chắc đã lâu, nhà Hòa không có sự ồn ào nhộn nhịp như hôm nay. Tối đến, trời vằng vặc một màu trăng dãi dễ. Một khung cảnh êm đềm đẹp đẽ mà ở nơi thành thị không bói đâu ra được. Đúng là mỗi nơi đều có cái được và cái mất, thành phố thì đầy đủ các thứ tiện nghi phục vụ đời sống vật chất cho con người, nhưng lại thiếu đến trầm trọng nhu cầu tinh thần, nhất là không gian thanh tịnh, yên ả như thế này. Có cơ hội rời xa thành phố, mới thấy cuộc sống của người thành phố hối hả, tất bật, bon chen và mệt mỏi đến thế nào. Con người luôn đòi hỏi, không bao giờ hài lòng với những gì đang có quanh mình, người nông thôn thì mơ ước một đời sống dư dả, sang cả nơi thành thị, người thành phố thì ao ước sự êm đềm nhẹ nhõm nơi thôn dã. Vấn đề là con người phải nhận thức được mình thích hợp với môi trường nào, và phải biết cách chấp nhận cả được lẫn mất vậy.
Vuông sân nhà Hoà lóc nhóc một bầy lớn nhỏ, những người bạn trong xóm Hòa nghe Hòa có bạn thành phố về cũng kéo sang chơi, lúc đầu họ còn khá rụt rè vì sự lạ lẫm chen một chút mặc cảm phân cách, nhưng chỉ một lúc sau, nhờ cây giutar mà mọi sự trở nên vui vẻ một cách tự nhiên, đúng là âm nhạc và tuoi trẻ không có đường biên. Cuộc vui kéo đến tận khuya, nếu không có sự nhắc nhở của cha mẹ Hòa chắc chúng tôi còn chưa nhớ đến cơn buồn ngủ.
Trời còn mờ mờ, mọi người đã lục tục trở dậy, tôi ra sân, vươn vai trong khí trời se se, tiếng gà gáy, tiếng chim líu ríu trên những tán cây to, tinh thần thật sảng khoái dễ chịu, khác với các bạn, tôi không có mot chốn quê bình dị thế này, vì nhà tôi thuộc một quận của thành phố, tuy thuộc vùng ven, nhưng nhịp điệu sống thì không khác trung tâm là mấy, nên một khoảng không gian, thời gian trong lành dễ chịu là một món quà tuyet vời cho tôi vậy. Sau môt chầu cơm nếp đậu xanh, chúng tôi rộn rịp lên đường, rẫy nhà Hòa chỉ cách độ hơn ba cây số, nên cả nhóm lục tục leo lên chiếc công nông, hay còn gọi là xe cày càng, một loại xe chuyên dụng cho những vùng nông trang, nhìn Hòa xăn tay áo, cầm cái tay quay quay cho máy nổ, các cơ bắp gồng lên cuồn cuộn, thật rắn rỏi và mạnh mẽ, tôi nghĩ thầm, liệu có ai trong số chúng tôi đây đủ sức lực mà khởi động bộ máy bằng cách này nhỉ ? Tiếng máy nổ giòn, Lâm hát tếu “ Năm anh em trên một chiếc công nông …” “ Còn ba cô mày bỏ đâu hả ?” “ Đâu dám bỏ, ngu gì bỏ”. Cả bọn cười ầm lên. Nắng sớm âm ấm, gió hây hây, quá lý tưởng cho một cuộc ngao du trong một miền xanh ngút ngát. Hòa lanh lẹ điều khiển chiếc đầu máy dềnh dàng một cách thành thục.Vừa đi Hòa vừa giải đáp những thấc mắc của chúng tôi về những công việc nhà nông, nhất là về cây cà phê, một loại cây chủ lực của địa phương, mặc dù nó luôn làm cho bao người phải chìm nổi vì nó. Nghe Hòa nói, chúng tôi mới thấy, làm ra được hạt cà phê chẳng dễ dàng gì, vậy mà đến lúc thu hoạch còn phụ thuộc vào giá cả thị trường, ngược đời ở chỗ, người trực tiếp làm ra nó, lại không có quyền quyết định vận mệnh của nó, mà lại phải chờ vận may giá cả từ tận chân trời góc bể nào đó. Hòa nói thêm :
_ Năm trước do bị hạn hán nặng, cây mất sức nên đến giờ chưa mẩy hạt lắm, may mà nhà mình còn đu nước tưới cầm cự đến mưa, chứ nhiều nơi cháy khô cả. Chăm sóc được một cây cà phê từ khi xuống giống cho đến lúc được thu, biết bao nhiêu công sức, vậy mà có những ngưới bị chết tiêu cả mấy hec ta, không còn khả năng phục hồi, tiếp đến là giai đoạn khủng hoảng thị trường cà phê trầm trọng, nợ nần lớp này đè lớp khác, nên có mot số người quẫn trí tự tử.
_ Trời ơi, tội quá. Phương Liên kêu lên.

Chúng tôi cũng ngao ngát, thẫn thơ với những gì Hòa vừa nói. Thật không phải khi cho là mình may mắn trước những bất hạnh của người khác, nhưng quả thật tôi muốn cảm ơn định mệnh khi không phải lâm vào những hoàn cảnh khó khăn như thế. Không muốn chúng tôi mất vui, Quang Hòa đổi đề tài, và lại là đề tài hấp dẫn, vì thế mà khi đến nơi, không ai bảo ai, tóa hết ra vườn để tìm trái chín. Đúng như Hoà nói, trước nhưng chùm chôm chôm vàng đỏ, nhưng trái ổi to mọng giòn tan, và cả những trái mít thơm lừng lựng, đố ai dửng dưng cho được. Hái và ăn ngay tại gốc, sao thấy ngon gấp mấp lần mua ở chợ, một lý do nữa là…không mất tiền. Bụng đã no căng rồi mà miệng vẫn chưa thấy chán, trước khi quay về cái choi rẫy nho nhỏ ở giữa vườn, chúng tôi còn om theo một mớ trái đủ thứ. Vào đến chòi , ba cô gái kêu ầm lên là mỏi chân, nhưng những cái cười phô những hạt răng thì không mỏi một chút nào. Trong khi Hòa đi đâu đó để làm nhiệm vụ của một chủ nhà hiếu khách, thì chúng tôi thi nhau đào bới căn chòi để xem thế giới riêng của ông chủ vườn có những gì. Lâm lôi từ gầm giường ra một đống cuốc xẻng, ống phun thuốc, và cả một thùng đựng những thứ đồ nghề sửa chữa máy móc. Duy lấy cái áo lính trên vách khoác vào và nhảy luôn một điệu tango trong tiếng đàn miệng của Ngữ , căn chòi muôn nứt ra vì những tràng cười. Tôi tò mò mở chiếc ngăn kéo bàn duy nhất, tôi suýt kêu to lên “Sách”. Hầu như có đủ cả bộ giáo trình mà chúng tôi vừa học qua. Một bộ luyện thi đại học, sách Anh văn trình độ C, và cả những sách kỹ thuật nông nghiệp. Thấy tôi ngẩn người, Ai Hoa ghé nhìn và bật kêu lên, ca bọn quay lại, một khoảng lặng trùm lên tất cả, một tâm trạng sững sờ và cảm phục. Hòa bước vào đúng lúc đó, ngạc nhiên vì sự im lặng bất thường, nhưng Hòa chợt lúng túng khi nhận ra chúng tôi đang đứng quanh chiếc bàn .:
_ Mình…mình tự học thôi mà.
Không dừng được nữa, chúng tôi nói lên những lời thán phục, ngưỡng mộ, Hòa cười nhẹ :
_ Có gì đâu, mình không đi được đường lớn như các ban, thì mình đi lối nhỏ vậy.
Thật thế sao? Tất nhiên là có rất nhiều con đường dẫn đến thành quả, đi đến một tương lai tốt đẹp, nhưng đi bằng “Lối nhỏ” thì quả thật bây giờ tôi mới nghe.
Hôm sau chúng tôi chào tạm biệt gia đình Hòa trong sự lưu luyến, tha thiết cả từ hai phía, nhìn chúng tôi bằng một ánh mắt thân thương chứa đầy tia sáng , và tôi hiểu, người ta đã nói đúng. Quang Hòa ơi ! Tôi biết bạn sẽ có được những thành công nhất định, con đường lớn của chúng tôi đi chưa chắc đã bằng “Lối nhỏ” của bạn đâu.
Đàm Lan