Category Archives: Kỹ năng nói truớc đám đông

Superlative và các loại từ tuyệt đối khác

Chào các bạn,

Superlative là các từ (thường là adjective) dùng để nói “nhất”, như là đẹp nhất, giỏi nhất, hay nhất… Đây là các từ người ta khen nhau, nịnh nhau, tung hô nhau, hay quảng cáo hàng hóa.

“Anh ấy là nhà văn hay nhất VN.” “Cô là người đẹp nhất VN.” “Chàng là người điển trai nhất thiên hạ.” Continue reading Superlative và các loại từ tuyệt đối khác

The New Rules on Public Speaking: 6 Tips for Success

WisBar

Lawyers are public speakers. This article includes some new rules on public speaking. No fig leaves gentlemen, and ladies too.

Joe Forward

Joe Forward, Saint Louis Univ. School of Law 2010, is a legal writer for the State Bar of Wisconsin, Madison. He can be reached by email or by phone at (608) 250-6161.

women speaks to an audience

Aug. 17, 2016 – As a lawyer, your words matter. From the courtroom to the boardroom, from conferences to cocktail parties, words tell a story about you, and potential clients want to know your story. Are you credible? Are you a power player? Are you a leader?

Continue Reading on CVD

Viết/nói bằng cảm xúc

Chào các bạn,

Dù rằng mình viết mỗi ngày một bài trà đàm, về cùng một hai điều mà thôi, nhưng mình thường có nhiều cảm xúc khi viết bài, và hy vọng rằng các bạn nhận ra điều đó khi đọc bài.

Thực sự đây là lần đầu tiên mình viết nhiều đến thế, hơn hai nghìn bài một loạt rồi. Trước khi mở ĐCN mình chẳng hề nghĩ đến chuyện này. Nếu nghĩ đến mỗi ngày một bài và lên đến hàng nghìn bài, thì chắc chắc là ĐCN đã chẳng ra đời, vì mình đã chạy dài vì sợ. Mình chỉ biết mở blog cho Tư duy tích cực, Mở xong rồi, tức là có blog trên Wordpess rồi, mình mới suy nghĩ cần viết thế nào. Vì mình chọn “Tư duy tích cực mỗi ngày” làm slogan, nên quyết định thầm là sẽ viết mỗi ngày một bài cho các bạn (nhưng lúc đó chẳng dám tuyên bố như thế, vì sợ nói ra rồi làm không được). Continue reading Viết/nói bằng cảm xúc

Giản dị hóa để giải quyết vấn đề

Chào các bạn,

Những bài thơ có ấn tượng nhất đối với chúng ta thường là những bài thơ rất giản dị, như là

Bão

Cơn bão nghiêng đêm
Cây gẫy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi

Và cơn bão lòng ta thổi mãi…

(Tế Hanh)

Ngôn ngữ giản dị, ý‎ tưởng giản dị, trình bày trực tiếp, là cách nói/viết nhiều hiệu quả nhất.

Continue reading Giản dị hóa để giải quyết vấn đề

Chánh ngữ và bốn giới hạnh về ngôn ngữ

Chào các bạn,

Trong thời đại thông tin bùng nổ của chúng ta, với đủ mọi thứ báo chí, TV, radio, email, websites, blogs… chúng ta nói/viết rất nhiều và nghe/đọc cũng rất nhiều. Ngôn ngữ tràn ngập đường phố, tràn ngập không gian thật, và tràn ngập không gian ảo. Vì vậy, trong mọi loại tội lỗi gây ra ngày nay, có lẽ là tội lỗi từ lời nói và chữ viết là nhiều nhất.

Phật pháp có bốn giới hạnh về ngôn ngữ, tức là bốn điều cấm kị về lời nói: vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, và ác khẩu.

1. Vọng ngôn là nói dối. Có nói thành không, không nói thành có.

Continue reading Chánh ngữ và bốn giới hạnh về ngôn ngữ

Nói tiếng La-tinh

Chào các bạn,

Hầu như môn học nào cũng có rất nhiều chữ La-tinh — như status quo trong chính trị học là “giữ nguyên tình trạng, không thay đổi”, hay atherosclerosis trong y khoa là bệnh cholesterol làm dày cứng mạch máu… Các khoa không dùng La-tinh thì lại có Hán Việt như là ‘sắc bất dị không không bất dị sắc” trong Phật học. Và ngày nay, khoa học mới nhất là khoa tin học thì không có La-tinh nhưng lại có các từ tin học nghe chẳng thua La-tinh tí nào, như là CPU (central processing unit), hay WAN (wide area network). Nói chung, trong bất kì môn học nào thì từ chuyên môn, hay nói đúng ra là ngoại ngữ, của môn học đó là phần rất chính yếu. (Ngay cả dùng tiếng bản xứ, như là tiếng Anh, thì các từ CPU, WAN… vẫn là “ngoại ngữ” đối với người Mỹ hay Anh).

Và cũng chính vì vậy mà khi các vị khoa bảng nói chuyện với nhau, các vị dùng toàn là từ La-tinh, Hán Việt, hay kỹ thuật mà các phó thường dân chẳng hiểu một tí nào. Không sao, miễn là các vị hiểu nhau là được rồi.

Continue reading Nói tiếng La-tinh

Viết hay nói trước đám đông – suy nghĩ hai chiều

Chào các bạn,

Khi ta viết trên báo chí hay diễn đàn hay nói trước đám đông, tức là ta đang giao lưu với cả thế giới, ai ở đâu cũng có thể đọc được, nghe được. Có nghĩa là đọc giả và thính giả của ta rất rộng rãi. Vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được những người có thể bất đồng ý kiến với ta mà ta chẳng bao giờ có dịp giao lưu với họ.

Điều này có nghĩa là bạn chỉ có “một phát” (one-shot deal). Bắn một phát là phải trúng mục tiêu, hụt là coi như hụt luôn, không có cơ hội thứ hai.

Sau đây là một vài điểm các bạn nên lưu ý‎ trong các trường hợp đó:

Continue reading Viết hay nói trước đám đông – suy nghĩ hai chiều

Vượt qua nỗi sợ hãi khi nói trước đám đông

Nói chuyện trước đám đông/công chúng (public speaking) là một trong những nỗi sợ hãi của nhiều người. Chúng ta thường cố gắng tránh, nhưng rất khó vì dù là làm việc một mình hay làm với một nhóm người, cuối cùng thì chúng ta cũng phải nói trước đám đông để có thể hoàn thành công việc của mình. Mặt khác, nếu như chúng ta muốn trở thành những nhà lãnh đạo hoặc đạt được những điều ý nghĩa trong cuộc sống, chúng ta sẽ cần thường xuyên nói trước một nhóm, dù lớn dù nhỏ, để có thể thành công.

Tuy vậy, bản chất của nói chuyện trước công chúng là bạn không cần thiết phải cảm thấy căng thẳng. Nếu bạn hiểu đúng những nguyên nhân ẩn dấu của sự căng thẳng khi nói chuyện trước công chúng là gì, và nếu bạn ghi nhớ một vài nguyên tắc cốt lõi, việc nói trước đám đông sẽ nhanh chóng trở thành một kinh nghiệm rất tuyệt vời của bạn.

Nguyên tắc 1: Nói chuyện trước công chúng bản thân nó không hề gây căng thẳng

Phần lớn trong chúng ta tin rằng cuộc sống bản chất của nó là dễ gây căng thẳng và phần lớn chúng ta được dạy để tin rằng cuộc sống nói chung là như vậy. Để có thể giải quyết với căng thẳng một cách hiệu quả, điều đầu tiên là bạn cần hiểu được bản chất của cuộc sống, trong đó có cả kĩ năng nói chuyện trước công chúng, là không gây ra căng thẳng.

Bạn có thể thấy nhiều người tự tin khi đứng phát biểu trước đám đông. Nếu họ làm được, thì bạn cũng có thể như vậy. Điều cơ bạn bạn chỉ cần tiếp cận đúng bản chất vấn đề và điều đó hoàn hoàn không hề khó.

Nguyên tắc 2: Bạn không cần thiết phải là người xuất sắc hay hoàn hảo để có thể thành công được

Nhiều người trong chúng ta đã quan sát các diễn giả và nghĩ rằng “Ôi, tôi sẽ chẳng thể nào thông minh, điềm tĩnh, sắc sảo, vui vẻ, bóng bẩy….hay bất cứ cái gì”. Nhưng tôi muốn nói với bạn rằng bạn không cần thiết phải như thế. Bạn có thể chỉ có năng lực trung bình, hoặc thấp hơn cả trung bình. Bạn có thể sai, nói ngọng cả lưỡi, hay quên toàn bộ bài nói của mình. Bạn thậm chí không hài hước mà vẫn thành công.

Tất cả tùy thuộc vào cách bạn và khán giả của bạn định nghĩa thế nào là “thành công”. Tin tôi đi, các khán giả của bạn không kì vọng sự hoàn hảo. Tôi đã từng nghĩ phần lớn khán giả ai cũng nghĩ thế, nhưng điều đó là sai. Tôi làm việc nhiều ngày để chuẩn bị cho bài nói, tôi thức khuya lo lắng rằng mình sẽ bị nhầm lẫn cái gì đó. Rồi dành hàng giờ để tuốt đi tuốt lại bài nói. Nhưng thực tế là gì, khi bạn càng cố trở nên hoàn hảo thì bạn càng làm tồi đi.

Điều căn bản của nói chuyện trước công chúng đó là: đem đến cho khán giả của bạn một cái gì đó có giá trị. Nếu khán giả đi về với một điều gì đó mà họ cho là có giá trị, thì họ sẽ xem bạn là một thành công. Nếu họ ra về với một cảm xúc tốt hơn về bản thân, về điều gì đó họ phải làm, họ sẽ xem bạn là một thành công. Nếu họ ra về mà cảm thấy vui và thoải mái, họ sẽ xem thời gian họ lắng nghe bạn là đáng giá.

Thậm chí bạn có ngất xỉu, ngọng lưỡi, hay nói cái gì đó ngu ngốc…họ sẽ không quan tâm. Miễn sao họ nhận được điều gì đó giá trị, họ sẽ cảm ơn bạn.

Nguyên tắc 3: Tất cả những điều bạn cần là hai hoặc ba ý chính

Bạn không cần thiết phải đưa ra một núi thông tin để đem đến cho khán giả của mình cái họ thực sự cần. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng con người nhớ rất ít các dữ kiện hoặc thông tin mà diễn giả truyền đạt. Khi bạn chọn các dữ liệu và thông tin, bạn chỉ cần đưa ra hai đến ba ý chính để có được bài phát biểu thành công. Thậm chí bạn có thể chỉ cần một ý chính trong bài nói của mình nếu bạn muốn.

Hãy nhớ là điều mà khán giả của bạn mong muốn đó là đi về với một hoặc hai điểm chính mà tạo nên sự khác biệt đối với họ. Nếu bạn kết cấu bài nói của mình nhằm truyền tải kết quả này, bạn sẽ tránh được rất nhiều những phức tạp không cần thiết. Điều này cũng khiến cho công việc trở thành người diễn thuyết của bạn dễ dàng và vui hơn.

Nguyên tắc 4: Bạn cũng cần một mục đích phù hợp

Nguyên tắc này rất quan trọng nên hãy lắng nghe. Một sai lầm lớn mà mọi người mắc phải khi họ nói trước công chúng đó là họ có những mục tiêu sai trong đầu. Thông thường, họ không có một mục tiêu gì cụ thể, nhưng nếu có thì mục tiêu trong đầu họ lại vô thức gây ra toàn bộ những căng thẳng không cần thiết.

Đây là một ví dụ chính mà tôi gọi là một “nguyên nhân tiềm ẩn” của sự căng thẳng khi diễn thuyết trước công chúng. Lần đầu tiên khi tôi bắt đầu nói trước đám đông, tôi nghĩ rằng mục đích của tôi là có được sự công nhận của tất cả mọi người về mình. Tôi đã không biết đến một cách có ý thức về mục đích này, và cũng không biết nó ngu ngốc đến thế nào.

Chính vì mục đích tiềm ẩn này, tôi đã nghĩ là tôi cần phải cực kỳ hoàn hảo và sáng chói để có được sự công nhận của khán giả. Nếu chỉ một người trong đám khán giả kia không công nhận, tôi sẽ buồn lắm. Nếu có một người rời khỏi khán phòng sớm, nếu ai đó ngủ gật, nếu ai đó chẳng quan tâm đến những gì tôi đang nói…tôi đã bị đánh bại!

Sau đó, tôi trở nên hiểu được mục đích gây ra stress này, tôi đã có thể nhìn vào nó một cách trung thực và nhận ra nó ngu ngốc đến thế nào. Có bao nhiêu diễn giả có được 100% sự công nhận từ khán giả của họ? Câu trả lời là số 0.

Chắc chắn là trong một nhóm lớn,, sẽ luôn có những quan điểm, đánh giá và phản ứng khác nhau. Có người tích cực, có người tiêu cực. Hãy nhớ là, điều quan trọng của nói chuyện trước công chúng là đem đến cho khán giả của bạn cái gì đó có giá trị. Cho chứ không phải Nhận. Mục đích của nói chuyện trước đám đông không phải là để nhận điều gì đó (sự công nhận, danh tiếng, tôn trọng, doanh số, khách hàng vv…) từ khán giả mà đó là đem đến điều gì đó hữu ích cho khán giả.

Tất nhiên nếu bạn làm tốt thì bạn sẽ có sự nổi tiếng, tôn trọng, doanh số và khách hàng mới. Nhưng đừng để đó là mục đích của bạn. Thể hiện mình, cho mình đi thì hầu như chẳng bao giờ gây stress và lo lắng. Khi tôi nói chuyện trước một nhóm người, tôi tưởng tượng mình đang đưa cho họ 1,000$. Tôi cố gắng đem đến cho họ ít nhất là bằng giá trị đó. Nếu một vài cá nhân trong nhóm “từ chối” món quà này, tôi cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên.

Nguyên tắc 5: Cách tốt nhất để thành công là không coi mình là diễn giả

Nhiều người trong số chúng ta đã làm méo mó và nói quá về những gì các nhà diễn giả trước công chúng làm. Họ thường giả định rằng để thành công thì chúng ta phải cố gắng rất nhiều để đưa ra những tố chất tuyệt vời nào đó mà chúng ta thiếu. Vì thế mà chúng ta lại học bằng cách bắt chước những diễn giả nổi tiếng. Trong khi sự thật là phần lớn những diễn giả nổi tiếng thành công là nhờ làm ngược lại. Họ không cố gắng trở thành một ai đó khác. Họ chỉ cố gắng thể hiện chính mình trước đám đông.

Khi bạn đã trở nên giỏi trong việc thể hiện mình trước những người khác, bạn thậm chí có thể đứng trước một nhóm người mà không có ý tưởng cụ thể bạn sẽ nêu ra 2, 3 điểm như thế nào. Trong nhiều trường hợp, tôi nói những điều mà trước đây chưa từng nói bao giờ. Chúng cứ tự nhiên xuất hiện một cách bất ngờ khi tôi hòa mình với khán giả. Và bạn biết không? Mọi người thường đến gặp tôi sau đó và nói “Bạn thật tuyệt, tôi ước giá như tôi có can đảm để nói trước đám đông như bạn”. Đó thực sự là một cách nghĩ sai. Đừng cố gắng đưa ra những bài nói theo cách mà tôi làm, hoặc cách mà ai đó làm. Hãy đi tới đó với một chút kiến thức và vài ý chính, và hãy là chính bạn.

Nguyên tắc 6: Sự khiêm tốn và hài hước có thể giúp bạn tiến xa

Khi bạn đã có được phong cách nói chuyện của riêng mình thì có một số kĩ thuật có thể giúp bài nói của bạn hay hơn, đó là sự khiêm tốn và hài hước.

Hài hước giúp bạn thấy thoải mái, và nếu như nó phù hợp với hoàn cảnh của bạn lúc nói, đừng chần chừ gì nữa.

Với sự khiêm tốn, bạn không nên ngần ngại nói ra những điểm yếu của mình, những sai lầm. Chúng ta ai cũng có điểm yếu, và khi bạn đứng trước mọi người và không lo sợ phải thừa nhận những điểm yếu của bạn, bạn tạo ra một không khí an toàn, tình cảm nơi mà mọi người có thể thừa những những yếu điểm của họ.

Khiêm tốn giúp bạn trở nên đáng tin hơn, và được tôn trọng hơn. Cả khiêm tốn lẫn hài hước có thể đi cùng nhau rất hiệu quả. Ví dụ nếu bạn thấy lo lắng khi đứng trước một đám đông, hoặc nếu như bạn thấy lo lắng giữa bài nói, bạn đừng che giấu điều này với khán giả của mình. Hãy thật và khiêm tốn bằng cách thừa nhận nỗi sợ hãi của bạn một cách công khai và trung thực.

Nguyên tắc 7: Khi bạn nói chuyện trước công chúng, không có gì tồi tệ có thể xảy ra

Một điều gây ra nỗi sợ hãi khi nói chuyện trước công chúng là mọi người thường lo lắng điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra với họ như là trạng thái hồi hộp, quên một điểm nào đó, bị khán giả ghét vv…Tất nhiên, những điều này sẽ là đáng xấu hổ nếu chúng xảy ra. Nhưng trong thực tế phần lớn chúng không xảy ra.

Thậm chí nếu chúng xảy ra thì cần có một chiến lược để biến chúng trở nên hoàn hảo.

Tôi phát hiện ra rằng phần lớn những thứ “tiêu cực” khi tôi nói có thể kiểm soát được bằng cách giữ chúng trở thành nhưng nguyên tắc thật đơn giản, nhưng hiệu quả: mọi thứ xảy ra có thể được sử dụng là điểm lợi thế của tôi.

Ví dụ khi tôi đang nói thì một số người bỏ về. Tôi có thể hỏi họ lí do vì sao họ lại đi? Có điều gì trong cách tôi truyền đạt, hay nội dung khiến họ thấy bị xúc phạm chăng? Nếu như họ thậm chí không đưa ra câu trả lời, tôi cũng có cách để tận dụng điều này. Ví dụ, tôi có thể dùng nó như là lời mở đầu cho bài giới thiệu tiếp theo “Các bạn biết đấy, tôi đã nói về bài này ngày hôm trước và mọi người trong phòng đi ra trong vòng 10 phút đầu. Đó là thành tích hiện tại của tôi, cho nên tôi nghĩ là chúng ta cần phải xem điều gì sẽ xảy ra ngày hôm nay”.

Nguyên tắc 8: Bạn không phải kiểm soát thái độ của khán giả

Mà ngược lại, điều bạn cần kiểm soát đó là suy nghĩ của bạn, sự chuẩn bị, các thiết bị hỗ trợ nghe nhìn, căn phòng được bài trí thế nào. Hãy đừng để ý nếu như khán giả của bạn có ngồi đọc báo và tỏ ra không chú ý đến bài nói của bạn. Suy nghĩ cần phải thay đổi hoặc kiểm soát những người khác là nguyên nhân tiềm ẩn của stress trong mọi mặt của cuộc sống. Nó không chỉ đúng trong một nhóm mà còn đúng cho bạn bè, vợ chồng, con cái và những người quen của bạn.

Nguyên tắc 9: Nói chung, bạn càng chuẩn bị nhiều thì bạn làm càng tệ

Chuẩn bị kĩ là rất tốt khi xuất hiện trước đám đông. Tuy vậy, bạn chuẩn bị thế nào và dành bao nhiêu thời gian cho nó là chuyện hoàn toàn khác. Điều quan trọng là nếu bạn hiểu rõ vấn đề mình định nói hoặc đã nói nhiều lần trước đó rồi, thì bạn chỉ cần vài phút để chuẩn bị thôi. Việc chuẩn bị quá kĩ lưỡng thường có nghĩa là bạn không hiểu rõ vấn đề hoặc nếu bạn hiểu rõ vấn đề, nhưng bạn lại không cảm thấy tự tin về khả năng nói ra trước đám đông. Đối với trường hợp đầu, bạn cần phải nghiên cứu thêm. Đối với trường hợp thứ hai, bạn cần phát triển niềm tin vào khả năng nói thành công của bản thân. Bạn có thể rèn luyện bằng cách tận dụng mọi cơ hội để nói trước một nhóm người nào đó.

Nguyên tắc 10: Khán giả của bạn thực sự muốn bạn thành công

Thực tế là nhiều người cũng có nỗi sợ hãi nói trước công chúng nên họ rất hiểu hoàn cảnh của bạn. Họ sẽ sẵn sàng tha thứ cho bạn nếu như bạn có mắc lỗi. Và họ ngưỡng mộ sự dũng cảm của bạn, họ sẽ luôn ủng hộ bạn dù có điều gì xảy ra đi nữa. Đôi khi một lỗi xảy ra bạn nghĩ rằng nó lớn nhưng khán giả không đánh giá như vậy. Vì thế hãy luôn nhắc nhở mình điều này khi bạn nghĩ là bạn đã làm rất tệ.

~ Hoàng Khánh Hòa, lược dịch

Theo How To Conquer Public Speaking Fear, Morton C. Orman

Kết nối với người nghe

Chào các bạn,

“Kết nối với khán giả” hay “kết nối với người nghe” là nhóm chữ dịch ra từ “connection to the audience.” Khi chúng ta nói điều gì cho ai nghe, một người nghe hay một nhóm người nghe, thì những người nghe là khán giả hay thính giả. Yếu tố quan trọng nhất để nói chuyện thành công là “connected to the audience”, kết nối được với người nghe. Nếu ta kết nối được với người nghe, thì cuộc nói chuyện của ta thành công; ngược lại thì thành quả thấp đi.

Nhưng “kết nối với người nghe” là gì?
talkingtofarmers
“Kết nối với người nghe” là một hiện tượng tâm ly’ lạ thường, cũng gần như “ma lực sân khấu” mà các nghệ sĩ hay nhắc đến. Người nói kết nối được với người nghe khi người nói và người nghe trở thành một thực thể tâm l‎y.’ Người nghe có thể thấm từng từ của người nói rất sâu, có thể cảm được từng cảm xúc của người nói, buồn khi nguời nói buồn, vui khi người nói vui, cười khi người nói cười, ngậm ngùi khi người nói khóc. Và ngược lại, người nói cũng cảm nhận được từng ưu tư khắc khoải, vui sướng, lo lắng của người nghe, và mỗi câu mỗi lời nói ra nghe như là nói hộ người nghe, như là thay mặt người nghe để giải bày tâm sự của họ. Nói chung là người nói và người nghe như là hòa quyện vào nhau thành một.

Ma lực kết nối này không tự nhiên mà có, nhưng là hậu quả sinh ra bởi nhiều điều kiện họp lại:

1. Người nói hiểu người nghe rất sâu. Ví dụ: Anh Hưng, một quan chức giáo dục nói chuyện trước một nhóm nông dân vùng Ngọc Xuân. Anh Hưng, biết từng chi tiết về đời sống nông dân Ngọc Xuân, tháng nào hay bị hạn hán, tháng nào hay bị lụt, tháng nào lo việc gì nhiều nhất, thường xuyên ưu tư việc gì nhiều nhất, thích điều gì nhất, tin tưởng vào ai nhất, tin tưởng vào điều gì nhất… Dĩ nhiên, nếu anh Hưng xuất thân từ một gia đình nông dân Ngọc Xuân, thì đó là điều kiện ly’ tưởng nhất để có thê “kêt nối.” Nếu không thì anh Hưng phải học hỏi nghiên cứu rất nhiều. Cách học hay nhất là thường xuyên nói chuyện với một hai nông dân Ngọc Xuân.

2. Người nói phải thực sự đồng cảm với người nghe. Trong ví dụ của ta, anh Hưng phải thực sự quan tâm trong lòng về những điều nông dân Ngọc xuân lo lắng, nhức nhối với những đau đớn của nông dân Ngọc Xuân, buồn cái buồn của người Ngọc Xuân, vui cái vui của người Ngọc Xuân. Muốn làm được điều nay thì anh Hưng phải thực sự yêu người Ngọc Xuân trong lòng.

3. Người nói phải nói được ngôn ngữ của người nghe. Anh Hưng phải nói được ngôn ngữ Ngọc Xuân, phải biết dùng các từ đặc biệt của người Ngọc Xuân, nhất là các từ mang cảm tính mạnh. Hưng phải biết cách nói của người Ngọc Xuân, như là xin lỗi trước khi tấn công, hay nói tiếu lâm ngay sau khi nói chuyện buồn, v.v… Dân mỗi vùng có một cá tính và ngôn ngữ truyền thông khác nhau, nguời giỏi truyền thông có thể sử dụng ngôn ngữ đó.
nôngdan
4. Người nói phải rất nhậy cảm với người nghe. Biết khi nào người nghe đang kết nối chặt chẻ với mình, khi nào họ chưa thấm hết ‎‎y’ mình nói, khi nào họ không đồng ý, khi nào mình sắp vuột mất họ… và điều chỉnh lời nói để kết nối họ lại với mình. Điều này đòi hỏi người nói phải quan sát người nghe, phải nhìn chung mọi người nghe thường xuyên, phải nhìn thẳng vào mắt họ, và phải biết họ đang cảm xúc thế nào, đang phản ứng thế nào với lời nói của mình. (Vì vậy, cầm tờ giấy đọc bài là hỏng).

5. Người nói phải cảm tưởng là mình là anh chị em, bạn bè, thân nhân, của người nghe, chia sẻ với người thân trong gia đình về một quan tâm chung, thực tâm lo lắng cho người nghe. Và người nghe phải cảm nhận được tình thân tộc đó. Điều này chỉ có thể có được nếu trong lòng người nói thực sự có một tình cảm như vậy rất mạnh.

6. Người nói phải thực sự đặt người nghe vào trọng tâm duy nhất của suy tưởng của mình và “cái tôi” của người nói hoàn toàn biến mất trong tư tưởng, cho đến mức người nghe cảm nhận được điều đó và thầm chấp nhận—trong y’ thức hay trong tiềm thức—là “Anh là người của tôi.”
nongdan
Ma lực kết nối này nói ra nghe thì khó, nhưng thực ra không khó. Nếu nói chuyện như quan chức đọc diễn văn, bằng các cụm từ chính trị học sẵn, mọi người cứ vậy mà lập lại như vẹt, trăm người như một, thì nói chuyện như thế chỉ tội nghiệp cho đám người nghe bị tra tấn. Nhưng nếu ta có thể nhìn một nhóm người nghe và cảm nhận được rất mạnh trong lòng rằng đây là những người anh em chú bác cô dì của chính tôi, tôi thực sự yêu họ, thực sự hiểu được lo lắng của họ, thực sự muốn cùng họ giải quyết các lắng lo đó… thì ma lực đó tự nhiên sẽ có mặt. Tức là nếu ta có lửa rất mạnh trong lòng, ngọn lửa của tình yêu chân thật, thì nó sẽ có ma lực đốt cháy những con tim khác kết nối thành một rừng lửa cộng đồng.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Nói chuyện trước đám đông (Public speaking)

publicspeaking1
Chào các bạn,

Nói chuyện trước đám đông (public speaking) là một kỹ năng rất tốt để có. Nó có thể giúp ta rất nhiều trong những công việc liên hệ đến nhiều người, và trong một số công việc thì đó là kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, nếu ta chưa từng nói trước đám đông, thì cũng thực là khó, phải không các bạn? Hôm nay mình sẽ nói về kỹ năng này một tí, đặc biệt là cho các bạn chưa quen việc này.

Nếu bạn phải nói chuyện trước một đám người là run lẩy bẩy, và quên hết ngôn ngữ, nói không ra tiếng, thì cũng không sao. Đó chỉ là phản ứng tự nhiên thôi. Khi ta sợ, adrenaline bơm vào máu rất mạnh và sinh ra đủ loại phản ứng tâm sinh l‎y’, cũng như nhiều người thấy trộm vào nhà thì đơ lưỡi. Chỉ cần luyện tập một thời gian thì quen thôi.

Trước hết, hãy ghi nhớ một vài qui luật căn bản này nhé:

1. Càng quen thì càng dễ nói. Nếu mình biết và hiểu đa số khán giả, thì dễ hơn là nói với một nhóm khán giả lạ hoắc. Nếu mình quen thuộc với chỗ mình nói (hội trường, phòng họp, v.v…) thì càng dễ nói.

2. Càng nắm vững vấn đề thì càng dễ nói. Nếu mình đã làm khoảng vài ngàn cái bánh xèo rồi, thì nói về bánh xèo dễ hơn là mới làm chỉ 2 cái trong đời và phần còn lại là chỉ đọc trên Internet 🙂

3. Môi trường càng thoải mái thì càng dễ nói. Nếu căn phòng nóng quá, lạnh quá, ồn quá, hay ánh sáng của đèn quay phim cứ rọi thẳng vào mắt mình, thì làm cho công việc mình khó khăn hơn nhiều.

4. “Nói trước công chúng” không phải là “đọc trước công chúng.”

publicspeaking
Bây giờ bạn bắt đầu thực tập nhé.

Thực tập hiệu quả là phải có một nhóm bạn tập chung với mình, như vậy thì mới có “đám đông” để thực tập. Cho nên nếu vài bạn thành lập một Public Speaking Club cũng là việc nên khởi đầu.

• Các buổi đầu tiên nên rất dễ dàng, và chỉ nên nói về những gì có sẵn trong đầu thôi. Ví dụ: Mọi người ngồi vòng tròn, rồi thay phiên nhau mỗi người nói về những việc đã làm trong ngày chủ nhật vừa qua.

• Đến mức cao hơn, thì đứng cao hơn khán giả, và xa khán giả, nhưng sau một cái bục, hay cái bàn nhỏ, để mình không bị thừa thải tay chân. Nói về vấn đề nào đó đòi hỏi một tí chuẩn bị và sắp xếp, như dạy mọi người làm bánh xèo, hay trình bày trận Điện Biên Phủ.

Lúc này bạn sẽ cần một vài “ghi chú” để nhớ mọi chi tiết phải nói. Các ghi chú này chỉ nên viết rất sơ sài, như một dàn bài nhỏ. Lúc nói mang theo cây bút và dàn bài, nói xong mục nào dùng cây bút đánh dấu mục đó.

• Một cách thực tập khác cũng dễ và hay là nói về những tấm hình bạn chụp. Nếu có máy projector rọi hình lên tường, bạn cầm cây thước chỉ và giải thích về các tấm hình cho mọi người.

• Tập “phát âm với hùng lực”: Viết một câu ngắn, đứng xa khán giả khoảng mười mấy hai chục thước, và đọc câu đó rất to để mọi người đều có thể nghe rõ được.

Cứ tập như vậy thì cũng phải tốn một mớ thời gian rồi. Còn nhiều kỹ thuật và nghệ thuật khác, chúng ta sẽ nói từ từ. Các bạn có thắc mắc thì cứ hỏi nhé.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use