Chào các bạn,

Tết đến, chúng ta có bánh chưng, bánh tét. Đây là tập tục đẹp của dân ta, bánh vừa ngon, lại vừa là biểu trưng cho tập tục đề cao lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đầu năm, xin tìm lại câu chuyện Bánh Chưng và các câu chuyện khác liên quan đến văn hóa, phonng tục và lịch sử của dân mình, còn ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái.
Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Cho đến nay sách Việt dịch của Lĩnh Nam Chích Quái không nhiều, thế nên, thiết nghĩ việc chuyển dịch từ chữ Hán sang chữ Việt, giới thiệu các nhân vật, các câu chuyện trong “Lĩnh Nam Chích Quái” cho mọi người – đặc biệt cho lớp trẻ – là điều rất cần thiết và quan trọng vậy.
Chúc các bạn một mùa xuân an hòa!
Nguyễn Hữu Vinh

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI
Nguyễn Hữu Vinh
Lĩnh Nam Chích Quái (1) là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Chưa biết rõ tác giả là ai, có thể do Trần Thế Pháp (2) soạn vào khoảng cuối thế kỷ XIV, sau được Vũ Quỳnh (3) và Kiều Phú (4) ở cuối thế kỷ XV hiệu chính. Đoàn Vĩnh Phúc (5) , thời Mạc trích từ “Việt Điện U Linh” chép thêm nhiều truyện mới trong quyển 3 (tục biên). Đoàn Vĩnh Phúc khi viết tiếp quyển 3, có ghi trong phần Bạt một dữ kiện quan trọng là Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chính, bổ sung gồm 2 quyển, tất cả có 22 truyện, bắt đầu từ truyện Hồng Bàng và chấm dứt ở truyện Dạ Xoa. Cuối thế kỷ 18 lại có Vũ Khâm Lân bổ sung thêm. Trải qua nhiều thế kỷ, Lĩnh Nam Chích Quái được nhiều người hiệu chính và tu bổ, hiện nay được biết có 11 truyền bản còn lưu lại. Những truyền bản này có số truyện khác nhau cũng như tên gọi cũng khác nhau, có bản có 22 truyện, có bản có tới 43 truyện. Các bản có nhiều tên gọi khác nhau như là Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, Lĩnh Nam Chích Quái, Lĩnh Nam Chích Quái Ngoại Truyện, Lĩnh Nam Chích Quái Khảo Chánh… May có lời Bạt của Đoàn Vĩnh Phúc đã giúp các học giả sau này có được một ít chứng cứ để nghiên cứu và tìm tòi truyền bản nào trong tất cả 11 truyền bản còn lại là gần nhất với nguyên tác.
Nói chung, Lĩnh Nam Chích Quái làm một tập truyện cổ quan trọng, tập hợp nhiều truyện thần thoại, truyền thuyết với nội dung rất rộng, đề cập đến lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Việt Nam, ghi lại những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn về nhiều loại nhân vật, nhiều lĩnh vực và phạm vi của cuộc sống, hoặc giải thích nguồn gốc dân tộc (Truyện Hồng Bàng, Truyện Mộc Tinh…), hoặc kể sự tích các bậc anh hùng, các nhân vật tài giỏi (Truyện Phù Đổng Thiên Vương, Truyện Hai Bà Trưng…), hoặc giải thích phong tục tập quán (Truyện bánh chưng, Truyện trầu cau…), hoặc có liên quan đến các di tích văn hoá, lịch sử (Truyện Từ Đạo Hạnh, Truyện Thần Như Nguyệt…)… Lĩnh Nam Chích Quái về cơ bản là những ghi chép khá đơn giản về chân dung các nhân vật “phi thường”, “toàn vẹn”. Dù chứa đầy những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng nó vẫn được xem là những chuyện “có thực”, là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam.
Lĩnh Nam Chích Quái cũng như các bộ sách viết chữ Hán khác của Việt Nam, phần lớn còn nằm trong các thư viện chưa được xuất bản, hoặc là xuất bản lẻ tẻ. Nhà sách Khai Trí ở Sài gòn cũng như nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội, vào đầu năm 1960 cũng đã xuất bản bản dịch Việt của Lĩnh Nam Chích Quái. Hai cuốn sách này chỉ là hai cuốn sách dịch ra chữ Việt dựa trên một trong những truyền bản, chưa có sự hiệu đính, đối chiếu và tổng hợp với các truyền bản tương tự khác.
Đầu năm 1991, Nhà xuất bản Trung Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã xuất bản cuốn “Lĩnh Nam Chích Quái Đẳng Sử Liệu Tam Chủng” bằng chữ Hán do Đới Khả Lai ở khoa Lịch sử, trường Đại học Trịnh Châu chủ biên. Song đây cũng chỉ sử dụng một truyền bản sưu tầm được từ Thư Viện Société Asiatique, Paris.
Cuối năm 1992, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, hợp tác với Viện Viện Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extreme Orient), Paris và Đại Học Chung Cheng, Taiwan, do Trần Khánh Hạo chủ biên và nhà sách Học Sinh Thư Cục ở Taipei ấn hành một bộ sách đồ sộ: “Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san”, gồm hơn 40 bộ sách cổ xưa của Việt Nam. Điều đáng tiếc là bản in chữ Hán Lĩnh Nam Chích Quái trong bộ tùng san này vẫn còn có nhiều thiếu sót trong phần hiệu đính. Tuy nhiên, cho đến lúc này, nó vẫn là bản chữ Hán tương đối phổ biến và đầy đủ nhất trong các bản in về Lĩnh Nam Chích Quái ra đời từ trước cho tới nay. Trong lần xuất bản này Lĩnh Nam Chích Quái được chọn lựa cẩn thận giữa các truyền bản, chọn ra một truyền bản thích hợp nhất, hiệu đính và cho ấn hành. Các học giả đã chọn truyền bản HV 486 của viện Sử Học làm bản chính và với 2 bản phụ khác, VHV 1473 và VHV 2914, của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiệu đính, so sánh và in thành sách xuất bản. Sách gồm 42 truyện chia thành 3 quyển:
Quyển 1 gồm các truyện:
Hồng Bàng thị truyện: Truyện họ Hồng Bàng kể về nguồn gốc dân tộc Việt Nam
Ngư tinh truyện: Truyện Tinh Cá kể truyền thuyết Lạc Long Quân diệt Ngư tinh ở Biển Đông.
Hồ Tinh truyện: Truyện Tinh con hồ ly và sự tích Hồ Tây.
Mộc Tinh truyện: Truyện Tinh cây kể cây thành tinh và tục trừ tà của người Việt xưa
Tân Lang truyện: Truyen trầu cau kể sự tích trầu cau và tục dùng cau trầu trong việc cưới hỏi
Nhất Dạ Trạch truyện: Truyen Đầm Dạ Trạch, kể về sự tích Triệu Quang Phục và truyền thuyết Tiên Dung và Chử Đồng Tử
Đổng Thiên Vương truyện: Truyền thuyết về Thánh Dóng
Chưng Bính truyện: Truyện Bánh Chưng về truyền thuyết bánh chưng, bánh dày và con hiếu được truyền ngôi.
Tây qua truyện: Truyện Dưa Hấu kể về tích Dưa hấu truyền vào Việt Nam.
Bạch Trĩ truyện: Truyện chim Trĩ trắng và truyền thuyết về nước Việt Thường xưa.
Quyển 2 gồm các truyện:
Lý Ông Trọng truyện: Truyện kể sự tích Lý Ông Trọng thời Tần Thuỷ Hoàng
Việt Tỉnh truyện: Truyện Giếng Việt, truyện kể Thôi Vy gặp tiên.
Kim Quy truyện: Truyện Rùa Vàng kể về Loa thành và chuyện tình nghĩa, trung hiếu Trọng Thủy Mỵ Châu.
Man Nương truyện: sự tích về Phật Mẫu Man nương .
Tản Viên sơn truyện: Truyện thần núi Tản và chuyện Sơn tinh, Thủy tinh tranh giành nhau lấy Mỵ Nương.
Long Nhãn Như Nguyệt nhị thần truyện: Truyện kể hai vị thần họ Trương giúp Lê Đại Hành đại phá quân Tống.
Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không truyện: Truyện kể về cao tăng phò vua giúp nước là sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không thời triều vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông.
Nam Chiếu truyện: Truyện Nam Chiếu kể sự tích con cháu của Triệu Đà chống chọi với quân phương Bắc.
Tô Lịch giang truyện: Truyện sông Tô Lịch kể chuyện Cao Biền bị giết vì xúc phạm thần sông.
Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải truyện: Truyện kể về thiền sư Không Lộ và Giác Hải thời Lý Thần Tông.
Hà Ô Lôi truyện: Truyện kể Hà Ô Lôi vì tính háo sắc mà bị chết thảm
Dạ Thoa vương truyện: Truyện kể vua Dạ Thoa háo sắc, đánh nước người để cướp vợ người khác. Vì thế bị giết và mất nước.

Quyển 3 (tục biên) gồm các truyện: Sĩ Vương tiên truyện, Sóc Thiên Vương truyện, Kiền Hải môn tam vị phu nhân truyện, Long Độ vương khí truyện, Minh chủ Đồng Cổ truyện, Ứng thiên hóa dục hậu thổ thần truyện, Long trảo Khước lỗ truyện, Phùng Bố Cái Đại vương truyện, Trinh linh nhị Trưng truyện, Mỵ Ê trinh liệt truyện, Hồng Thánh đại thần vương truyện, Minh ứng An sở truyện, Đại Than Đô lỗ thạch thần truyện, Xung Thiên Chiêu ứng thần vương truyện, Khai thiên trấn quốc Đằng châu phúc thần truyện, Uy linh bạch hạc thần từ truyện, Thần Chu Long vương truyện, Ni sư Đức Hạnh truyện, Phạm Tử Hư truyện.
Có thể nói sách “Lĩnh Nam Chích Quái” trong bộ “Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san” là bộ sách khá hoàn hảo được chọn lọc công phu góp phần giúp chúng ta có thêm điều kiện để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam ban đầu về mọi mặt.
—————————
Chú thích
1. Chích “摭” nghĩa là “chọn”, “lựa chọn”, “nhặt lấy”. Lĩnh Nam Chích Quái (嶺南摭怪) là “Lựa chọn những chuyện quái dị ở Lĩnh Nam” (嶺南). Lĩnh Nam là vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, đất các dân tộc Việt cư ngụ, trong truyền thuyết xưa ở Việt Nam và Trung Quốc.
2. Trần Thế Pháp: Không rõ năm sinh, năm mất, hiệu là Thức Chi, người làng Thạch Thất, nay thuộc tỉnh Sơn Tây.
3. Vũ Quỳnh (1452-1516) tự Thủ Bộc, hiệu Trạch Ổ, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An. Làm quan tới chức Thượng Thư ở các bộ Công, bộ Lại và bộ Binh, kiêm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám, Sử Quán Tổng tài. Ngoài việc hiệu đính và tu sửa Lĩnh Nam Chích Quái, còn biên soạn Việt Giám Thông Khảo, Hỏa Thành Toán Pháp.
4. Kiều Phú (1446- ?), tự Hiếu Lễ, hiệu Ninh Sơn, người làng Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn sau đổi là Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Năm Ất Mùi 1475, ông đỗ nhị giáp tiến sĩ, lúc 29 tuổi làm đến Tham chính, nổi tiếng văn thơ đương thời.
5. Đoàn Vĩnh Phúc: Không rõ năm sinh, năm mất. Theo bài Hậu bạt đề năm Quang Bảo sơ niên (1554) ở một số bản Lĩnh Nam Chích Quái, ông làm việc ở cục Tú lâm thuộc Viện Hàn lâm đời nhà Mạc.
Tham khảo:
- “Lĩnh Nam Chích Quái”, Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, Pháp Quốc Viễn Đông Học Viện xuất bản, Học Sinh Thư Cục ấn hành, Taipei, Taiwan, 1992
- “Lĩnh Nam Chích Quái Đẳng Sử Liệu Tam Chủng”, Nhà xuất bản Trung Châu, Hà Nam, Trung Quốc, 1991
- “Lĩnh Nam Chích Quái”, Đinh Gia Khánh, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1960
4. “Lĩnh Nam Chích Quái”, Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, Sàigòn, 1960
5. “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, Chen Chinh Ho, Tokyo University, 1984
Lời tựa – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh
Quế Hải (1) tuy ở cõi Lĩnh Ngoại, nhưng núi non kỳ vỹ, địa linh, nhân kiệt, vật lạ thường thường vẫn có. Từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, cách thời thái cổ không xa, phong tục nước Nam còn đơn sơ, chưa có sử sách để ghi chép, nên nhiều chuyện bị lãng quên, mất mát. Riêng còn truyện nào không bị thất lạc thì may được dân gian truyền miệng. Đến các đời Tây Hán, Đông Hán, Đông Tây Tấn, Nam Bắc triều, rồi đến Đường, Tống, Nguyên mới có sử ghi chép các truyện như Lĩnh Nam Chí, Giao Quảng Chí, An Nam Chí Lược, Giao Chỉ Chí Lược v.v… mới có thể tham khảo rõ ràng được. Nhưng nước Việt ta từ xưa vốn là nơi hoang dã cho nên việc ghi chép còn sơ lược.
Nước ta lập quốc từ thời Hùng Vương, dần dần khai hóa, văn minh mới có từ các đời Triệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay đã lan đến khắp nơi, cho nên việc ghi chép quốc sử được tường tận hơn. Những truyện chép ở đây là sử ở trong truyện chăng? Bắt đầu có từ thời nào? Tên họ người viết là ai đều không thấy ghi rõ. Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng ở đời Lý, Trần. Còn những người hiệu đính, tu bổ các bậc quân tử uyên bác, hiếu cổ ngày nay.
Kẻ ngu này xin đem ngọn nguồn ra mà suy xét lại cho sáng tỏ ý người viết truyện. Như truyện họ Hồng Bàng thì nói rõ việc khai sinh ra nước Việt ta. Truyện Dạ Thoa lược thuật về thời manh nha của nước Chiêm Thành. Truyện Bạch trĩ thì chép chuyện về nước Việt Thường. Còn truyện Rùa Vàng chép sử An Dương Vương. Về phong tục Đồ sính lễ thì không có gì quý bằng trầu cau, lấy đó mà biểu dương nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ. Về mùa hạ nước Việt ta không có gì quý bằng quả dưa hấu, cũng dùng để kể truyện cậy vật báu của mình, quên cả ơn chủ. Truyện Bánh Chưng khen lòng hiếu với cha mẹ. Truyện Hà Ô Lôi răn thói dâm ô. Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, Lý Ông Trọng diệt Hung Nô, đủ biết nước Nam ta có người tài giỏi. Chử Đồng Tử kết duyên cùng Tiên Dung. Thôi Vỹ tao gặp gỡ bạn tiên, đủ biết làm việc nghĩa thì âm đức có thể thấy vậy. Những truyện Đạo Hạnh, Không Lộ khen việc báo được thù cha, các vị thần tăng ấy há có thể mai một hay sao? Những truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh nêu rõ diệt trừ yêu quái mà ơn đức Long Quân không thể quên được vậy!
Hai linh thần họ Trương chết thành thần minh, treo cờ mà biểu dương, ai dám nói không được? Anh linh thần núi Tản Viên trừ được loài thuỷ tộc, nêu lên cho hiển hách, ai lại bảo không phải? Than ôi! Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế, nước mất lại biết phục thù; Man Nương là mẹ Mộc Phật, năm hạn làm được mưa dầm; Tô Lịch là thần đất Long Đỗ, Xương Cuồng là thân cây chiên đàn, một đằng thì lập đàn tế lễ, dân được hưởng phúc, một đằng thì dùng kỳ thuật mà trừ cho dân được thoát hoạ.Việc tuy kỳ lạ mà không quái đản, người thì hơi kỳ dị nhưng không đến nỗi là yêu quái. Truyện kể tuy có phần hoang đường mà tông tích vẫn có phần là bằng cứ, há chẳng phải chỉ cốt khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà thôi ư? So với sách “Sưu Thần Ký” đời Tấn, sách “Địa Quái Lục” đời Đường thì cũng giống nhau vậy.
Ôi! Truyện lạ đất Lĩnh Nam thật là nhiều, không đợi khắc vào đá, viết vào tre mà đã khắc sâu vào bia miệng, vào lòng người? Từ đứa bé hôi sữa đến cụ già tóc bạc đều làu thông, đều yêu thích, lấy đó để noi gương thì tất là phải có liên quan đến cương thường, phong tục tập quán. Đâu có phải là những chuyện nhỏ bé tầm thường được.
Mùa xuân năm Nhâm Tý, niên hiệu Hồng Đức, kẻ ngu này mới biết được sách này, ôm lấy mà đọc, không tránh khỏi chữ nọ nhầm chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển, đặt tên là “Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện”, cất ở trong nhà để tiện việc thưởng lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận sắc, làm cho văn hay, lời đẹp, ý sâu thì chư vị quân tử hiếu cổ sau này há không có ai hay sao?
Cho nên viết bài tựa này.
Giữa mùa thu năm thứ 23, đời Hồng Đức (2)
Vũ Quỳnh
Giám Sát Ngự Sử đạo Kinh Bắc, Tiến Sĩ khoa Mậu Tuất, hiệu Trạch Ổ, Yến Ôn, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hồng châu.
—————————
Chú thích
1. Quế là tên tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Quế Hải theo nghĩa rộng là vùng đất bao gồm Quảng tây, tức chỉ gồm cả nước ta.
2. Tức năm 1492 đời vua Lê Thánh Tông
Lời Bạt (tựa cuối sách) – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Kiều Phú
Ngu ý cho rằng việc thường thấy thì chép trong Kinh, Sử để lưu lại ở đời, việc kỳ quái thì chép thành Truyện, Ký để rõ chuyện lạ. Cho nên việc các đời Ngu, Hạ, Thương, Chu thì chép vào Kinh, việc các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên thì ghi rõ ở Sử. Còn các chuyện như “Ông già bơi sông”, “Đuôi rồng vạch đất”, “Gõ hát trong làng”, “Chim sẻ ngậm sách đỏ” thì có Truyện để bù vào chỗ thiếu. Các sách Vũ Đế nội truyện đời Hán, Thiên Bảo dật sự đời Đường, Triều dã thiêm tái đời Tống cũng không gì khác hơn là góp nhặt chuyện lạ các đời để tiện xem đó chăng.
Nước Việt ta từ thời loạn Mười hai Sứ quân về trước, tuy sử liệu không đủ rõ để khảo chứng, nhưng sự tích của nước nhà vẫn có thể xem ở Thốc Thủy Thông giám và sử sách thuộc các triều. Còn như sông núi linh thiêng, nhân vật lạ kỳ thì tuy sử bút không chép, nhưng bia miệng không ngoa. Người bậc học rộng đời sau gom góp lại, biên thành truyện được bấy nhiêu thiên, thu thập những mẫu chuyện vụn vặt, linh tinh để bổ sung vào những chưa đầy đủ. Trong những việc kỳ quái đó, vẫn có những điều hệ trọng.
Ôi ! Đã có chuyện trời sai huyền điểu xuống thế mà sinh ra nhà Thương, thì chuyện trăm trứng nở ra trăm con để chia trị nước Nam, chuyện Hồng Bàng không thể mất được. Thà làm đầu gà còn hơn đuôi trâu, cho nên chuyện con cháu họ Triệu chống cự với Bắc triều thì chuyện Nam Chiếu không thể bỏ sót. Sông nước vây quanh mà rồng xanh hội tụ, chép lại chuyện sông Tô Lịch há chẳng phải làm đẹp cho phong cảnh kinh đô ư? Chiến thắng xong mà lơ là lẫy nỏ, ghi chép về thần Kim Quy chẳng phải là để chê trách An Dương Vương quên lãng mối nguy sao? Trừ hại cho dân thì những chuyện Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh đã ghi rõ sự việc. Trọn bề tôi thì các chuyện Bánh chưng, Long nhãn, Bạch trĩ đã chép tỏ tường. Phù Đổng Thiên Vương, Lý Ông Trọng nổi danh đánh giặc giữ nước mà được hiển thần. Dưa hấu, Cây cau được biết vì thêm vật lợi dân. Đầm Dạ trạch, Việt Tỉnh cương, làm điều thiện thì dương làm âm báo, cốt để răn đời. Hà Ô Lôi, Dạ Xoa Vương hiếu dâm, hại thân, mất nước là để khuyên răn. Còn như các chuyện Thánh núi Tản Viên ngăn tai ngừa họa, bà Man Nương cầu mưa ứng nghiệm. Từ Đạo Hạnh phục thù cho cha, Nguyễn Minh Không trị bệnh cho vua, Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải có phép bắt rồng xuống đất, bắt tắc kè phải rơi, ai cũng khâm phục phép thuật diệu kỳ. Sự việc tuy không bình thường, nhưng truyền thuyết thì gắn liền với di tích, nêu lên há chẳng phải hay sao. Nhưng nói Thần Tản Viên là con trai của Âu Cơ, Đổng Thiên Vương là Long Quân tái thế, Lý Ông Trọng giả vờ đi tả mà chết, trộm nghĩ không phải là như vậy. Truyện xưa cho là Y Doãn do việc bếp núc giỏi mà gặp vua Thang, Bách Lý Hề chăn trâu mà cầu gặp Tần Mục Công. Nếu không nhờ Mạnh Tử ra sức biện minh, thì hai ông này cuối cùng vẫn chịu tiếng nhơ đó sao? Tản Viên là thần hạo khí, Đổng Thiên Vương là tướng trời sai xuống, Lý Ông Trọng là bậc hào kiệt một thời, đâu có như việc ghi trong truyện được.
Cho nên ngu tôi dựa vào sách khác, ghi thêm ý mình, sửa lại cho đúng, biện chính những lầm lẫn thuở trước để khỏi bị đời sau chê cười, lại bớt chỗ rườm rà, theo chỗ ngắn gọn cốt để tiện xem. Mong các bậc bác nhã quân tử hãy lượng thứ cho.
Năm Quí Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1).
Ninh Sơn Kiều Phú, tự Hiếu Lễ, Tiến sĩ Khoa Ất Mùi, nguyên Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc kính chép.
—————————
Chú thích
1. Tức năm 1493 đời vua Lê Thánh Tông
Lời Hậu Bạt (bạt cuối sách) – Lĩnh Nam chích quái liệt truyện quyển 3 (tục loại) của Đoàn Vĩnh Phúc
Các sách xưa như Nam Truyện Ký, Thế Thuyết, Dã Lục, Chí Dị, Tạp Biên… được yêu chuộng cũng bởi vì ghi lại các chuyện quái dị xa gần, xưa nay, để làm vui cho thiên hạ.
Nước Đại Việt ta, non sông gấm vóc, thường xưng là nước có văn hiến. Vậy thì sự tích của các anh hùng hào kiệt, các chuyện kỳ bí lạ lùng của sự việc xảy ra, há chẳng có sách truyện ghi chép lại hay sao?
Nay xem sách Lĩnh Nam liệt truyện không thấy ghi tên tác giả, không biết do nho sinh thời nào khởi thảo. Bản hiện hành là của ông Trạch Ổ họ Vũ, là người làng Mộ Trạch, một kẻ sĩ thời Hồng Đức vang danh khoa hoạn, bác học hiếu cổ. Sách gồm 2 quyển, tất cả có 22 truyện, xếp theo thứ tự bắt đầu từ truyện Hồng Bàng và chấm dứt ở truyện Dạ Xoa. Đúng là sách hay, đáng được liệt vào hạng nhất nhì trong loại Truyện Ký. Đáng tiếc là vì còn thiếu sót các truyện như Sĩ Nhiếp, Rồng đá, thần Bạch Hạc v.v chưa được biên soạn thêm vào. Ngu sinh xong việc công, rỗi rảnh đem sách ra đọc thấy được cái đẹp của thánh hiền, cái gấm vóc của non sông, chuyện anh hùng, trinh liệt của hai Bà Trưng, sự linh ứng của thần Kiền Hải, cùng với các chuyện khuyên người, dạy đời khác nữa. Vì thế, ngu sinh mới xét lại sách “Triệu Công Sử Ký”, tham khảo “Việt Điện U Linh”, biên soạn bổ sung, bỏ bớt chỗ rườm rà, làm cho ngắn gọn, viết thành quyển mới, cho vào phần gọi là Tục biên, để tiện bề thưởng lãm. Còn việc khảo sát, hiệu chính thì chờ mong ở các bậc tài cao học rộng vậy.
Thuốc trường sinh luyện một mạch, dưới đất thì non tiên, đầm sâu, trên trời thì sao phúc, mây lành, há chẳng phải là động tiên còn đó hay sao. Huống chi người là vạn vật chi linh, không tin những chuyện thần bí sao được, như chuyện Bùi Hàng, Biệt Dị thời Tống thì cũng giống như vậy mà thôi. Đừng vì Khổng Tử không dạy mà cười chê.
Xưa, họ Hồ bận việc vua mà còn viết nên Dịch Truyện, sắp xếp thành sách, khỏi để lãng phí thời giờ. Ngu tôi học theo như vậy mà soạn tập “Tục Biên” này, viết nên lời Bạt để tóm tắt nội dung.
Nho sinh Đoàn Vĩnh Phúc
Ngày 20, tháng 8, đầu năm Quang Bảo (1) ở Cục Tú Lâm thuộc Viện Hàm Lâm
—————————
Chú thích:
1. Quang Bảo là niên hiệu của Mạc Phúc Nguyên
Truyện Bánh chưng
Hùng Vua sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.
Các công tử đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ mười tám tên là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị bệnh qua đời rồi, trong nhà lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên. Chợt nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.
Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, vui mừng nghĩ rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”. Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày.
Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại trưng bày phẩm vật. Các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh hình tròn, bánh hình vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không làm sao hơn được. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu, gọi là Tết Liệu. Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em kia đều chia nhau giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở.
Về sau, anh em tranh giành lẫn nhau, mỗi người dựng “mộc sách” (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phưòng bắt đầu có từ đây vậy.
—————————
Còn tiếp…