Category Archives: Mây Trắng Dinh Phoan

Tuy Hòa thức giấc

 
Có thể nói cả Tuy Hòa đã thức dậy trong lúc cả Tuy Hòa còn đang ngon giấc. Cổ văn bảo rằng Dương quý phi càng đẹp bội phần lúc ngái ngủ. Tuy Hòa cũng vậy. Đáng yêu biết bao cái thành phố nhỏ này lúc nửa tỉnh nửa mơ.

Một góc nào đó của Tuy Hòa quả là không ngủ suốt đêm, nhưng lúc này, hầu hết phố phường nội thị đến xóm làng điền dã còn đang say sưa hồn mộng. Vài ba tiếng gà gáy lưa thưa. Khung trời đầy sao. Nhẹ nhàng cơn gió chuyển sang ngày. Từ các làng vùng ven, Ngọc Lãng, Phú Lễ, Phú Lâm, Phước Hậu, Ninh Tịnh, Liên Trì… rau và hoa khắp ngả đổ về. Không có một tiếng nói lớn. Bởi trong lúc tinh sương tĩnh túc này những lời nho nhỏ đã đủ nghe. Hay là do trân trọng thiên nhiên, chẳng ai nỡ phá vỡ cái không khí bình yên đạt đạo? Cả tiếng móng ngựa kéo xe gõ trên đường dường như cũng không gõ mạnh. Lóc cóc, lóc cóc… đều đều, trầm trầm điệu nhạc.

Continue reading Tuy Hòa thức giấc

Nghĩ về những thành xưa

 

Trần Huiền Ân

Từ 1471 đến 1597, đâu có gì là lâu lắc, thế nhưng lịch sử vùng đất quê tôi đầy những dấu tồn nghi. Nội cái tên tiểu vùng đã làm nhiều nhà khảo sử phân vân. Theo TS Nguyễn văn Huy, một nhà dân tộc học có nhiều công trình nghiên cứu về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì Phú Yên là đất Aryaru cũ. Vậy thì thành ấy là cái thành gì chứ. Sao lại Thành Hồ. Chúng ta gọi theo Đại Nam nhất thống chí. Rõ ràng là các vị sử quan nhà Nguyễn đã áp đặt tên Việt cho thành Chăm, bảo rằng: “Tương truyền thành này do người Chiêm xây đắp, tục danh là Thành Hồ. Thuở đầu khai quốc, triều chúa Nguyễn, Lương văn Chánh bạt phá thành này, nay nền cũ vẫn còn”.

Continue reading Nghĩ về những thành xưa

Xuôi Dòng Đà Rằng


Về tới Phú Yên, sông Ba chảy song song với quốc lộ 25. Nhưng từ ranh giới tỉnh Gia Lai hai bên còn cách nhau khá xa. Tuy vậy, đi giữa những đồi tranh, giồng đế bát ngát, những rừng mằng lăng đến mùa lột vỏ để lộ lớp da non xanh xám, những đám vừng đến mùa khoe lá đỏ rực…mặc dù không thấy, chúng ta vẫn biết, đâu đó…ở phía nam dòng sông Ba đang hăm hở về xuôi.

Continue reading Xuôi Dòng Đà Rằng

Mây Trắng Dinh Phoan

Hầu hết sông ở Phú Yên có chung đặc điểm, nhập dòng lại và chảy ra biển bằng một cửa. Biệt lệ chỉ có sông Cái. Là hợp lưu của sông La Hiên, sông Kỳ Lộ, sông Trà Bương, sông Cô và mấy nguồn suối nhỏ nữa, về tới hạ lưu nó lại chia ra nhiều nhánh, chảy ra hai nơi: vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan. Những nhánh sông như những ngón tay trong bàn tay châu thổ xòe rộng níu giữ phù sa, mỗi mùa mưa lụt lại bồi đắp cho thêm màu mỡ. Nơi đây là vùng đất xưa, từ thuở Lưu thủ Văn Phong vâng lệnh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập phủ Phú Yên, coi như hoàn thành cái ước vọng xây dựng cõi Nam Hà từ sông Linh Giang đến núi Thạch Bi, để Trấn thủ Nguyễn Phước Vinh tiếp tục củng cố sự ổn định vững bền cơ nghiệp. Nơi đây là đất lành, trên bước đường thiên di tìm nắng ấm đàn chim Việt dừng lại khá lâu để xây tổ vầy đàn. Và từ nơi đây hơn bốn mươi năm sau Hùng Lộc hầu đem quân vượt qua đèo Hổ Dương mở mang dinh Thái Khang.

Continue reading Mây Trắng Dinh Phoan

Một Thoáng Cù Mông


Cù Mông là dãy núi chạy theo hướng tây-đông làm ranh giới cho hai tỉnh Bình Định – Phú Yên ở Nam Trung Bộ, nơi núi gặp Biển Đông là mũi Cù Mông, giữa đường thiên lý trên núi là đèo Cù Mông và phía nam dưới chân núi là vịnh Cù Mông.

Ngày xưa, cả vùng bắc Phú Yên gọi chung tên Cù Mông. Đây là điểm đầu tiên trong bốn điểm năm 1597 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đem lưu dân người Việt vào định cư: Cù Mông (châu thổ sông Tam Giang), Bà Đài (châu thổ sông Cái), Bà Diễn (châu thổ sông Đà Rằng) và Bà Niễu (châu thổ sông Bàn Thạch).

Continue reading Một Thoáng Cù Mông

Hột muối bỏ biển


* Một tài nguyên quý trời ban.

Lúc sắp lâm chung, chúa Tiên có dặn dò chúa Sãi rằng: “Đất Thuận Quảng này phía bắc có Hoành sơn và Linh giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân sơn và Thạch Bi sơn vững bền.. Núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối, thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ…”.

Trong lời di huấn trên, nhìn nhận theo địa thế thì hiểm trở là để bảo vệ lãnh thổ, vững bền là để xây dựng quốc gia, xét về tài nguyên thiên nhiên thì vàng sắt trong lòng đất cần yếu cho công cuộc kiến thiết, phát triển, cá muối nơi biển khơi đáp ứng nhu cầu nuôi sống muôn dân.

Continue reading Hột muối bỏ biển

Theo dòng Thuận Quảng


Tiên kiết nhân tâm thuận.
Hậu thị đức hóa chiêu.

Đó là hai câu đầu trong một bài ngũ ngôn của một vị tham mưu trình chúa Sãi khi đề cử hai hổ tướng Thuận Nghĩa hầu và Chiêu Võ hầu cầm đầu một chiến dịch an dân. Khởi nghiệp từ Thuận Hóa, sách lược của chúa Tiên ban đầu là Thuận và Hóa, từ đó củng cố thế lực trên nền tảng Quảng Đức và phát triển theo chiều hướng Quảng Nam.

Continue reading Theo dòng Thuận Quảng

Nhặt lá bàng

Ở nơi nào nhỉ của Hà Nội, tác giả Đôi bạn đã nhìn xuống để chăm chú quan sát những đứa trẻ nhặt lá bàng vào một tối mùa đông?

Bây giờ là mùa hè nhưng Hà Nội chợt dịu lại. Mặt trời lặn bên kia Hồ Tây một khối hồng xinh xắn. Rồi cơn mưa nhỏ làm cho chân trời bàng bạc màu sương khói.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ

Continue reading Nhặt lá bàng

Thác Bản Giốc – Động Ngườm Ngao


Về Cao Bằng, khi ngỏ ý muốn đi xem một thắng cảnh sẽ được giới thiệu ngay: thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Hai nơi này gần nhau và cùng trong huyện Trùng Khánh.

Thác Bản Giốc cách thị xã Cao Bằng 91km, muốn đến đây phải theo ĐT 206 qua huyện Hòa An (thị xã Cao Bằng nằm giữa lòng huyện này), một đoạn ngắn của huyện Trà Lĩnh  rồi huyện Quảng Uyên.

Continue reading Thác Bản Giốc – Động Ngườm Ngao

Rượu Uống Thìa

Có những câu ca dao thoáng nghe như tự đối nghịch.

Cao Bằng gạo trắng nước trong
Ai lên đến đó không mong ngày về

Không mong khác với không muốn. Không mong ngày về là không được về, không có ngày về. Sao lại thế – trong khi nơi này gạo trắng nước trong?
Continue reading Rượu Uống Thìa

Về Phát Diệm

Hôm đến di tích Lam Kinh, khi đi qua một chiếc cầu, người hướng dẫn cho biết: cầu này thời xưa xây dựng theo kiểu “thượng gia hạ kiều”, bên trên có mái lợp như mái nhà, bên dưới là cầu, ngày nay mái lợp không còn.

Loại cầu này đã gặp ở Hội An với Chùa Cầu. Gọi là Chùa Cầu vì chùa đồng thời là một chiếc cầu bắc ngang qua một con lạch. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cây cầu dài 12m. Công trình này được người Nhật xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII. Một bên đầu cầu có tượng con chó, đầu bên kia là tượng con khỉ.

Cầu ngói Ninh Bình

Đến Thừa Thiên nghe câu ca dao:

Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui

Hay

Ai về cầu ngói Giạ Lê
Cho tôi theo với thăm quê bên chồng

Cầu ngói Thanh Toàn ở thôn Vân Khê huyện Hương Thủy, cũng là cầu có mái che bên trên lợp ngói âm dương. Người dân ở đây cho biết cầu do một cung phi thời nhà Nguyễn bỏ tiền ra làm để tỏ lòng yêu quý quê hương, nơi bà đã được sinh trưởng. Còn một Giạ Lê nữa là Giạ Lê Gót, chuyên làm bồ cót, tiếng địa phương là gót.

Ở Cao Bằng cũng có cầu ngói mới làm, trên đường vào mộ Kim Đồng.

Chúng tôi chợt nhớ đến những chiếc cầu này khi về Phát Diệm. Huyện Kim Sơn đang trong tầm mắt mọi người, gần và xa rất nhiều nhà thờ. Những thánh giá màu trắng bạc nổi lên khắp cả  bầu trời, trông cao vút. Đoạn đường dài khoảng 4km dọc theo sông đào. Dưới sông có những chiếc thuyền với hình dáng khá dài. Nhiều cây cầu bắc qua sông, có một cây cầu bên trên lợp mái ngói, nằm giữa khoảng đồng không. Cầu có hai nhịp, hai bên thành là lan can, hai bên đầu cầu là lối đi xi măng nối với gờ xi măng của con đường có bậc cấp bước xuống sông. Một cây phượng không cao lắm đang nở hoa đỏ rực. Gặp chiếc cầu chúng tôi cảm thấy thêm niềm vui như gặp lại người bạn cũ trước khi bước vào một trung tâm lớn của Thiên Chúa giáo nước nhà: Phát Diệm.

Vào năm 1862, Phát Diệm chỉ có một ngôi nhà thờ lợp bằng tranh. Năm 1871, được một ngôi nhà thờ khác rộng rãi hơn. Năm 1891 thì có nhà thờ nguy nga tráng lệ. Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo, khi đường nét Đông phương với lối mái uốn cong của các điện, các chùa phối hợp hài hòa vào một cơ sở tôn giáo xuất phát từ Tây phương. Toàn thể nhà thờ rộng 22 mẫu, chia làm hai khu vực chính: khu nhà thờ và khu nhà chung.

Nhà thờ Phát Diệm

Nhà thờ chánh tòa dài 80m, rộng 24m, cao 18m, bao gồm 48 cột lim, mỗi cột chu vi 2,40m. Bàn thờ là một khối đá liền dài 3,10m, rộng 0,80m. Thánh đường phân làm 9 gian với ngũ môn (5 lối ra vào). Có những phù điêu bằng đá mô tả cuộc đời của Chúa Giê-su. Trong Phương đình treo một quả chuông nặng 150kg, cao 1,90m. Nhà nguyện Trái tim Đức Mẹ bốn mái cong, có lầu gác, từ nền đến cột tất cả đều bằng đá, chung quanh lối đi lót đá. Bốn ngôi nhà thờ nhỏ thờ: Trái tim Chúa Giê-su, Thánh Gioan, Thánh Giu-se và Thánh Phê-rô. Trước mặt nhà thờ là một hồ nước rộng 4 mẫu, trên đảo nhỏ giữa hồ có tượng Chúa cao 3m.

Điều đặc biệt nữa ở đây là có những câu đối chữ Hán, bởi linh mục chủ trương xây dựng nhà thờ Phát Diệm là một bậc uyên thâm Nho học. Đó là một người trải bao gian khổ vẫn nguyện dâng hiến trọn đời cho Đức Tin: Linh mục Phê-rô Trần Lục, tục gọi là Cụ Sáu, từng có tên là Hữu, Triêm, sinh năm 1825 tại Mỹ Quan huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, tức xứ Kẻ Dừa, được thụ phong linh mục năm 1860, được bổ nhiệm Chánh xứ Phát Diệm năm 1865, tạ thế 1899, thọ 75 tuổi.Tên Trần Lục là do vua Tự Đức đổi khi phong cho ngài chức Trấp an và ban kim khánh, kim tiền. Vua Đồng Khánh phong ngài là Tham tri bộ Lễ sung Khâm sai Tuyên phủ sứ, vua Thành Thái gia phong Thượng thư bộ Lễ, vua Khải Định truy tặng Phát Diệm Nam tước.

Về Phát Diệm không thể không nhắc đến Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, một người văn võ song toàn, kinh bang tế thế, luôn luôn theo đúng đường lối Nho giáo là nhập thế, hành động, khuyến khích nam nhi cố gắng tạo nên công danh, sự nghiệp, nhưng về mặt lãng mạn, trữ tình thì chẳng những không kém thua ai mà còn hơn hẳn thiên hạ bao nhiêu bậc. Đậu giải nguyên, từng phục vụ ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, với công cuộc dinh điền ông đã lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).

Ngẫm lại đời ông biết bao nỗi thăng trầm, từng làm đến Thượng thư bộ Binh cũng từng bị hạ xuống đi tiền quân hiệu lực như một binh nhì, vẫn giữ tròn tiết tháo. Bản chất kẻ sĩ của ông là:

Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương

Cho dẫu có pha một chút ngậm ngùi khi trách ông xanh:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Cũng chất ngất nét hào sảng và tràn đầy sự tự tại.

Trong chúng ta, khi cảm thấy bất phùng thời, ai chẳng muốn làm một cây thông như vậy.

Trần Huiền Ân

Thành nhà Mạc – Đền vua Lê

Trong ca dao thời trước, xứ Lạng cũng là nơi đáng sợ. Người phụ nữ sợ cho mình không thích ứng với môi trường mới, bị tàn phai nhan sắc:

Cổng phía Tây thành nhà Mạc ở Tuyên Quang

    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Má hồng đổi lấy mặt xanh đem về

Còn sợ cho đức ông chồng, ý trung nhân thay lòng đổi dạ, vì ở đây chẳng những cảnh đẹp, còn có người đẹp:

    Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
    Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em
    Tay cầm bầu rượu nắm nem
    Mảng vui quên hết lời em dặn dò…

Bây giờ thành phố Lạng Sơn là thủ phủ của tỉnh Lạng Sơn, Đồng Đăng là thị trấn. Chợ Kỳ Lừa ở giữa thành phố, người mua kẻ bán đông đảo tấp nập vì Lạng Sơn có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu nội địa, còn các cặp chợ nữa. Cặp chợ là chợ biên giới, bên này chợ, bên kia cũng chợ. Nàng Tô Thị không còn, chỉ là bức tượng phục chế, chùa Tam Thanh trước động Tam Thanh cũng đổi mới nhiều quá! Vậy thì nên đi thăm thành nhà Mạc, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng dầu sao vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa…

Năm 1592 nhà Mạc rút lên mạn ngược, đặt thủ phủ tại Cao Bằng, xây đắp nhiều thành lũy kiên cố, ở Cao Bằng, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Phải chăng những thành lũy này đã góp phần không nhỏ trong việc phòng thủ, chống lại các cuộc tấn công của quân đội vua Lê chúa Trịnh để giữ được phần lãnh thổ Bắc triều tồn tại đến năm 1677?

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn

Thành ở Tuyên Quang ngay tại trung tâm thị xã, bên tả soi bóng xuống dòng sông Lô uốn lượn, bên hữu đối diện dãy núi Là hùng vĩ. Ngày xưa thành hình tứ diện, trổ ba cửa ở ba mặt, mặt bắc không có cửa, bên trong có quả đồi cao khoảng 40 thước, đặt kho chứa gạo, muốn lên phải qua 197 bậc đá và cua một đường vòng. Chung quanh thành là hào sâu 1,5m, phía bờ sông không có. Di tích hiện tại gồm hai cổng thành ở phía tây, phía nam và đoạn tường dài 140m. Gạch xây thành nung bằng thứ đất có quặng sắt rất cứng, trên mặt đổ đất.

Thành ở Lạng Sơn (nay thuộc phường Tam Thanh) số phận cũng không hơn. Hiện còn một cổng thành và hai đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn nằm giữa hai đỉnh đồi. Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại. Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng, hai đỉnh đồi bén nhọn trẻ trung, linh hoạt. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp. Những đoạn thành đứt quãng không đều nhau, cao thấp không bằng nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha một chút xám. Đất bên dưới thì màu đỏ sậm lẫn một ít sạn sỏi nhỏ.

Di tích đền vua Lê trong thành nhà Mạc ở Cao Bằng

Thành ở Cao Bằng càng không may, vì nó là hoàng cung, nên phải mất tên từ lâu, nay gọi là đền vua Lê, có diện tích 37,5 ha, cách thị xã 11km về phía tây bắc, thuộc làng Đền xã Hoàng Tung huyện Hòa An.

Nguyên hồi năm 1038 Nông Tồn Phúc cát cứ vùng này, xưng đế hiệu, đặt tên nước là Trường Sinh. Năm sau, vua Lý Thái Tông thân chinh dẹp yên, nhưng đến năm 1041 con Nông Tồn Phúc là Nông Trí Cao lại dấy binh, đặt tên nước là Đại Lịch, vua Lý Thái Tông sai tướng lên đánh bắt được đem về Thăng Long, rồi dùng chính sách chiêu an tha cho về phong làm Quảng Nguyên mục, sau gia phong tước Thái Bảo. Năm 1048 Nông Trí Cao xưng là Nhân Huệ hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Nam, đem quân sang đánh nước Tàu, chiếm 8 châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, nhà Tống phải cử tướng Địch Thanh thảo phạt. Bị thất bại, Nông Trí Cao chạy trốn sang nước Đại Lý và bị bắt giết. Về sau rút lên đây, nhà Mạc lập cung điện tại Gò Long trong thành Nà Lữ của Nông Trí Cao. Vậy thành nhà Mạc Cao Bằng đã có từ thời Lý.

Khi nhà Lê dứt được họ Mạc, năm 1862 Trấn thủ Cao Bằng Lê Văn Hản đổi làm đền thờ vua Lê Thái Tổ. Ngày nay, dấu vết chỉ là hai con đường phía đông và nam cao hơn mặt đất một ít, vài ba phiến đá khối chữ nhật, dài khoảng 1m, rộng từ 50 đến 80 phân, dày 20 đến 30 phân. Chỗ như hào sâu là cổng thành, bên ngoài mỗi cổng có một ụ đất, có lẽ là điếm canh hay trạm quan sát để kịp thời báo động chăng?

Đền vua Lê cũng đổ nát hết rồi, bậc đá đi lên đầy cỏ rác, tường sập từng mảng, để lộ chỗ vá víu. Trong đền một lư hương lớn đặt trên bệ. Bên ngoài một cây ngọc lan cao, những cây đa cây si thấp hơn.

Tại Cao Bằng còn có đền Kỳ Sầm thờ Nông Trí Cao. Hội đền vào ngày mười tháng giêng. Câu đối ở cửa gian chính bên trong chứng tỏ người dân ở đây rất tôn sùng Nông Trí Cao, coi như vị vua có cao vọng nhưng chưa thực hiện được hoài bão:

    Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão
    Vương phong giáp tích quốc đồng hưu.

Các đền miếu ở Cao Bằng còn thờ Hưng Đạo đại vương, các vị nhân thần địa phương, các tướng lãnh nhà Lê bỏ mình nơi chiến địa, các công nương nhà Mạc bị thảm sát và Quan Công (Quan Vân Trường). Nói chung dân chúng kính trọng lòng dũng cảm, đức trung hậu và thương xót những thân phận không may. Trong đền Phúc Tăng ở Bản Nưa xã Hồng Việt huyện Hòa An đặt bốn bát hương, thờ hai vị lão nông họ Hoàng và họ Lê có công trị thủy giúp dân, cùng hai vị tướng đối lập nhau, một người là Hoàng Triều Hoa tướng nhà Lê lên dẹp nhà Mạc, một người là tướng nhà Mạc tử trận ở Lũng Pản. Sự kiện này do Tri phủ Hoàng Đức Mỹ (Cử nhân sung Hàn lâm viện biên tu) chủ trương từ đầu thế kỷ XX và được dân chúng tán đồng, nêu cao tinh thần hòa hợp dân tộc sau một thời gian chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hội đền Phúc Tăng vào ngày mồng 2 tháng 3.

Ngày nay, những người vãn cảnh có ý thức không khỏi ngậm ngùi trước biến cuộc tang thương, sẽ lắng hồn tìm trong lịch sử biết bao bài học quý giá.

Trần Huiền Ân

Về Tây Giai

Băng nhạc trong xe đang phát một bản tình ca về một mối tình dang dở. Nay anh về chốn xưa…ngỡ ngàng, nuối tiếc.  Điệp khúc ấy nhắc đi nhắc lại khiến tôi có cảm tưởng như là chuyện lòng của tôi. Đây là quê tôi và nay tôi về chốn xưa…ngổn ngang bao nhiêu hoài niệm.

Đường đi Vĩnh Lộc đất sỏi rộng rãi, có đoạn trải dài một màu đỏ khá tươi. Hai bên đường nhìn tận xa xa những ngọn đồi thấp, phẳng nhấp nhô nối tiếp nhau, thỉnh thoảng xen vào một mặt hồ, một vũng đầm. Gần sát là mía và sắn. Mía xanh mượt lá, sắn cao hơn đầu người. Buổi sáng trời âm u, gió se se khô, thoáng lạnh. Đứng ở Cầu Kiểu nhìn xuống dòng Sông Mã thuyền đậu san sát. Nơi chân trời dãy núi màu lam với những đỉnh nhọn kỳ vĩ.

Sử ký Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng có hình vẽ thành nhà Hồ. Nhớ lại, trong trí tưởng thấy nó nhỏ nhoi. Nhưng giờ này tôi thật sự ngạc nhiên, bởi không có một sự chuẩn bị trước cho tâm lý, chẳng hạn một cánh đồng rộng để nhìn thấy từ xa. Vừa mới hết xóm nhà thành xưa đã sừng sững trước mặt. Màu rêu phong đen sẫm phủ lên mặt đá khiến cho phế tích vừa uy nghi,  đường bệ vừa lạnh lùng, hoang vắng.

Sử gia Lệ Thần viết: “Quý Ly định dời kinh đô vào Thanh Hóa cho dễ đường thoán đoạt, bèn sai quan vào xây thành Tây Đô ở động Yên Tôn, xã Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, tục gọi là Tây Giai. Đến năm Bính Tí (1396) Quý Ly bắt Thuận Tông phải dời kinh về Tây Đô…”

Chúng tôi bước vào Cửa Nam, có ba cổng. Hai cổng hai bên chỉ thấp nhỏ hơn cổng giữa một ít, độ chín với mười. Cổng thành xây cuốn, xếp đá theo hình múi cam. Từ  Cửa Nam  một con đường chạy thẳng ra Cửa Bắc. Người đi honda, người đi xe đạp, có tốp phụ nữ gánh gồng, có tốp học sinh đồng phục. Giữa đường, hai con rồng đá không còn nguyên vẹn. Chỗ ấy là bậc thềm cung điện xưa…

Cửa Bắc chỉ có một cổng. Chúng tôi trèo lên mặt thành quan sát. Tường thành xây bằng đá, cao chừng 5 mét, rộng chừng 3 mét, một phần đã bị sụt lở. Mỗi tảng đá xây có kích thước một bề độ 0,8 m đến 1m, một bề độ 1,5m. Kích thước ấy dễ làm ta choáng ngợp. Trong các cổ thành Việt Nam như Cổ Loa, Hoa Lư đều xây bằng đất, chỉ có Tây Giai là xây bằng đá. Chúng tôi thong thả đi trên mặt thành từ Cửa Bắc sang Cửa Tây. Mặt thành kín cỏ, có những lối mòn. Hiện tại nó là một con đường.

Tôi lại nhớ trên Giáo Dục tạp chí, chuyên san của Nha Học chính Đông Dương có truyện Thành Tây Giai với Bình Khương nương kể rằng: “Lúc Hồ Quý Ly cho xây thành thì có một Cống sinh được cử vào chỉ huy công việc. Vợ của Cống sinh, bà Bình Khương theo chồng vào đây, ngày đêm nhỏ nhẹ khuyên chồng: ‘Ta là người của nhà Trần, không nên tận lực phò tá nhà Hồ?’. Từ đó Cống sinh xao lãng công vụ và bị kết án tử hình để làm gương. Bình Khương nương chạy đến bên thành than khóc, phản đối, hai bàn tay bà lún sâu vào mặt thành đang xây. Để tránh những tác động vào dân phu bất lợi cho công việc, vua nhà Hồ hạ lệnh chôn sống bà vào thành”. Truyện dẫn thêm câu ca dao :

Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ.
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây

và chú thích “Hồ Hán: trỏ Hồ Hán Thương, Hồ Tây: trỏ (kinh đô) nhà Trần”.

Chúng tôi đến Cửa Tây. Phần mặt bằng ngay trên cửa không còn, chỉ còn phần vòm cong. Bên ngoài thành là đồng ruộng khá màu mỡ, những mái nhà xa xa màu ngói mới. Sát chân thành nhiều khối đá ngổn ngang, hai cây cau vươn cao. Phía trong vòm cong có hai đường rãnh, có lẽ dùng lắp các cánh cửa. Từ Cửa Tây chúng tôi đi qua Cửa Đông bằng con đường thẳng góc với trục  Nam-Bắc lúc nãy thành chữ thập. Trong vòng thành ruộng xen lẫn với nhưng ao nước tưới. Những luống cao trồng bắp, giữa các luống là rãnh sâu xuống, trồng đủ loại rau. Tất cả một màu xanh hiền lành, dễ thương…

Cửa Đông cũng chỉ có một cổng và chỉ còn phần vòm cong như Cửa Tây. Có chỗ sườn đất thoai thoải do mặt thành đổ xuống, dưới chân thành một đàn gà con bươi tung tóe mớ rơm mới. Vài cậu bé chăn bò, vài phụ nữ quang gánh…họ chỉ cho tôi đền thờ Bình Khương nương.

Đền thờ, hoặc là ngôi miếu nhỏ, dưới tàn cây không cao lắm. Mái ngói cũ đầy xác lá, tường loang lổ, cửa khóa, hai cột trước giả làm trụ biểu thấp…Có một điều gì đó rất lạ trong niềm xúc động. Không ngờ hôm nay được đứng trước nơi hồi tám tuổi đọc thấy trong sách, xa lắc xa lơ, một tuần lễ trước chưa hề nghĩ là mình sẽ đến đây. Tôi đang ngơ ngác thì thấy sát trên mặt thành sau đền có tấm bia, rộng độ ba tấc, cao độ năm tấc, mặt đá đã rạn, phần nhô lên có dòng chữ  “Trần triều cống sinh Bình Khương nương đại quân chi…” , chữ cuối cùng bị đất lấp, chắc chắn là chữ “mộ”. Chúng tôi phân vân: Tại sao nươngđại quân ?

Phải nhờ đến sách của cụ Vệ Thạch. Trong Hán Việt từ điển cụ giảng chữ  “quân” ấy là: “Vua – Làm chủ – Người đồng bối gọi nhau là quân – Vợ gọi chồng – Thiếp gọi thê”. Phải chăng sau khi  nhà Hồ thua trận, rồi nhà Lê lấy lại giang sơn, một người thiếp của Cống sinh đến dựng bia nơi Bình Khương nương bị chôn sống vào thành, gọi bà là “đại quân”?

Quay lại nơi đôi rồng đá nghỉ chân trò chuyện về Hồ Quý Ly, nhân vật xuất chúng trong lịch sử, nhưng đương thời không được toàn dân quý trọng, yêu mến. Có lần ông đã bỏ chạy khi vua Trần Duệ Tông tử trận ở Đồ Bàn, có lần ông đã giả dối khóc lóc vớí vua Trần Nghệ Tông để che  đậy chủ tâm và loại trừ Đế Hiển…Trên bình diện chung thì ông đã có những sách lược lớn, cải cách lớn về hành chánh, kinh tế, quân sự…để mong đưa đất nước tiến lên. Tiếc rằng “Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà, trí sử nhân tâm chi oán bạn”(Bình Ngô đại cáo) nên nhà Hồ đã thất bại. Đến giờ phút cuối Quý Ly còn giết Ngụy Thức. Cho nên khi vua tôi bị giặc bắt ở núi Cao Vọng có tương truyền là do một con cáo trắng chỉ đường. Sau đó khi Bình Định vương bị vây khốn thì có tương truyền nhờ một con cáo trắng đánh lạc hướng giặc Vương mới thoát được. Ngày nay trong đền thờ vua Lê ở Lam Kinh có bàn thờ “Bạch y thần nhân”. Dân gian đã đưa quan niệm “ơn đền oán trả” vào dã sử và bổ sung cho chính sử.

Bây giờ trời bỗng nắng, nắng vàng đậm, đẹp và ấm. Những chiếc bóng của chúng tôi hiện ra, đổ dài trên đường đi, trên mặt ruộng cùng với bóng những người qua lại. Chợt ai đó đọc lên câu đố :

Nắng ba năm ta không bỏ bạn
Mới mưa một ngày bạn vội bỏ ta

Và giảng là : Cái bóng của ta.

Tôi hiểu…Hơn một tuần trong chuyến du khảo này chúng tôi chỉ gặp mưa và thời tiết âm u…Làm sao không mừng được. Hôm nay giữa lòng Tây Giai, được nhìn thấy tận mắt…thành lũy của một triều đại qua bao lớp lớp phế hưng, đền mộ của một bậc liệt nữ tuy ngày thơ ấu chỉ được xem qua trên sách báo còn đọng lại ấn tượng sâu xa trong ký ức…và trong buổi chiều mùa đông bỗng nhiên hửng nắng, chúng tôi gặp lại bóng mình như gặp lại cố nhân…Thật thú vị biết bao. Tôi muốn nói vậy với đôi rồng đá xương cốt thịt da đang rạn nứt theo thời gian vẫn cố gắng tồn tại…

Trần Huiền Ân

Dấu đá chưa mờ

Hơn sáu mươi năm trước, Nguyễn văn Cổn có bài thơ Nước tôi, thể song thất lục bát, trừ hai khổ mở đầu và kết luận, còn lại mỗi khổ bốn câu nói về một nhân vật quan trọng trong lịch sử hay một di tích, thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào văn học nghệ thuật nước nhà. Đoạn ca ngợi Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành như sau:

Ngọn cờ lau mở thời vương bá
Động Hoa Lư dấu đá chưa mờ
Nước non có tự bao giờ?
Đinh Tiên Hoàng dựng cõi bờ mấy phương?
Quân nhà Tống tìm đường chiếm cứ
Lê Đại Hành chống giữ giang sơn
Tranh phong những trận mê hồn
Quân thù khiếp sợ dám còn vãng lai…

Hôm ấy, chúng tôi từ Ngọc Lặc, Lam Kinh xuống Hoa Lư. May mắn là thời tiết đổi thay, trời mùa đông đang se lạnh bỗng nhiên ấm áp. Trong khi tâm trí tôi nhẩm lại mấy câu thơ trên thì mơ hồ văng vẳng như có tiếng ai hát:“Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu. Dấy binh lấy lau làm cờ…”. Thế hệ chúng tôi là học trò và thế hệ học trò của chúng tôi bài hát này được phổ biến rộng rãi, thường là bài hát chính thức của các Liên đội mang tên Đinh Bộ Lĩnh, đứng nghiêm hát khi vừa vào lớp, sau đó là hiệu lịnh “Học sinh ngồi!”. Chúng-tôi-học-trò và học-trò-chúng-tôi thường thích thú khi đóng vai Đinh Bộ Lĩnh:

Khác thường từ thuở còn thơ.
Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau

để rồi:

Hiệu xưng Vạn Thắng anh hùng ai qua.
Bốn phương thu lại một nhà.
Mười hai sứ tướng đều là quét thanh”

    (Đại Nam quốc sử diễn ca).

Cái đẹp của vị anh hùng niên thiếu này là cái đẹp đơn giản trong không gian hoành tráng và tinh thần tự tại, lồng lộng nắng gió…trên đồi rộng, dưới trời cao…dễ khiến lòng ta say sưa. Ai lúc tuổi thơ chưa có một lần say sưa cùng Đinh Bộ Lĩnh hãy thử xem lại: Có phải là thiếu sót không?

Trên đường rẽ vào đền hai vua Đinh – Lê bên trái là núi Yên Ngựa. Mộ vua Đinh trên đó. Chúng tôi rất tiếc là không trèo lên được, đành đứng ngước nhìn, cũng như lúc ở Thanh Hóa đứng bên quốc lộ nhìn mộ Bà Triệu tận lưng chừng ngọn núi cao. Khung cảnh Hoa Lư trông thật rực rỡ. Từ những ngọn cỏ dưới chân đến những tàn cây trên đỉnh đồi tròn đều cùng màu xanh và điểm thêm chút vàng để giống như màu lá mạ, chỗ này mạ non, chỗ kia mạ già. Hoa Lư có cái thế đắc địa xứng đáng với 42 năm là kinh đô nước Đại Cồ Việt trẻ trung, tiếp nối và xây dựng căn bản vững chắc cho thời đại tự chủ do Ngô Quyền mở đầu (chỉ có sáu năm, còn lại là cát cứ tao loạn). Hoa Lư xinh xinh như “mộng ban đầu”, như “tuổi đôi mươi”… để khi đất nước vào độ trưởng thành già dặn dưới thời vua Lý Thái Tổ có một Thăng Long ngàn năm văn vật.

Đền thờ vua Đinh ở làng Trường Yên Thượng.

Trường Yên đầu dựng đô thành.
Cải nguyên là hiệu Thái Bình từ đây

(Đại Nam quốc sử diễn ca).

Cổng ngoài (Ngọ môn quan) có ba gian lợp ngói, mặt trong cổng ghi bốn chữ “Tiền triều phụng khuyết”. Qua một sân ngắn vào đến cổng trong (Nghi môn) với bốn trụ biểu, hai trụ bên ngoài cao hơn hai trụ bên trong, hai bên là cây cao bóng mát, là hồ sen. Hết chính đạo đến sân rồng, giữa sân có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi. Nhưng tôi thích nhất là hai con nghê bằng đá xanh nguyên khối, tác giả đã tạo cho nó bộ mặt rất vui, không trịnh trọng như rồng, không đài các như phụng, nó có vẻ thật hồn nhiên, thật dễ thương, như tuổi thơ của chúng ta, của mọi người – trong đó có cả Đinh Tiên Hoàng đế.

Bái đường năm gian, bàn giữa thờ vua Đinh. Một bên là tượng Đinh Liễn quay mặt về nam, một bên là Đinh Toàn và Hạng Lang quay mặt về bắc. Tượng đồng vua Đinh với chòm râu dài và thưa. Tôi mong tìm thấy ở một bên tường hay đâu đó…nếu có bức tranh hay cụm tượng cờ lau tập trận thì sẽ hay hơn biết bao!

Đền thờ vua Lê cách đây khoảng nửa cây số, thuộc làng Trường Yên Hạ, nhìn xuống sông Hoàng Long, có núi Đèn trước mặt, núi Đìa sau lưng. Kiến trúc cũng tương tự: gian nhà dài, trụ biểu, vườn hoa, cây cỏ, hai dãy nhà vọng, non bộ “Phượng ấp” và non bộ “Long mã”. Cổng vào đề chữ Trường Xuân linh tích. Ở sân rồng gần gian giữa của bái đường cũng có long sàng bằng đá. Tượng Thái hậu Dương Vân Nga bên trái tượng vua Lê, bên phải là tượng Lê Long Đĩnh. Đệ nhất công thần Phạm Cự Lượng thờ ở tòa Thiêu hương.

Nhớ lại lời các tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca nói về vua Đinh:

Nội đình năm vị nữ quân.
Nặng tình kiêm ái quên phần di mưu

mới thấy rằng Dương Vân Nga thật có phúc. Bốn vị nữ quân kia tên tuổi, số phận thế nào…chắc không ai biết. Để qua một bên những lời xưa nay khen chê phần nhiều đánh giá Dương Thái hậu qua địa vị,  để qua một bên chuyện chính sự và chuyện miệng đời, cái hơn người của bà là đã yêu và được yêu bởi hai bậc anh hùng vĩ đại. Trong lịch sử nước ta bà là người duy nhất có hai đời chồng làm vua. Hai ông vua đều sáng danh. (Chuyện bà Ngọc Bình chỉ là chuyện kể, hơn nữa bà Ngọc Bình không thấy sử sách ghi “danh phận”).

Điều khác nhau giữa hai đền thờ là đền vua Đinh có tượng đôi rồng chầu trên nóc, đền vua Lê thì không. Người chủ trương việc này suy nghĩ thế nào mà cho xây dựng như vậy? Lê Đại Hành Hoàng đế cũng là một vị vua, tuy rằng nối nghiệp Đinh Tiên Hoàng đế nhưng vẫn có chiến tích lẫy lừng, công lao chống ngoại xâm phương Bắc và tạo dựng uy thế với lân quốc phương Nam, đâu kém công lao trừ nội loạn? Lời Phạm Ngự Lượng khi tôn phò (theo sử chép) thiết tưởng đã đánh giá đúng về con người Đại Hành.

Rời Hoa Lư, một lần nữa ngẩng trông núi Yên Ngựa, riêng tôi một lần nữa nhớ đến bài hát  Anh hùng xưa, thêm vào đó “Với tiếng gió Hoa Lư ơi, với tiếng gió Hoa Lư ơi…”. Quả thật trời Hoa Lư đang đầy ắp mênh mang nắng và gió…

Trần Huiền Ân

Ngọc Lặc: Rượu ngon và canh lá đắng

Văn thư, sách vở, bản đồ ghi là Ngọc Lạc, nhưng đến nơi nghe gọi và thấy các bảng hiệu ghi là Ngọc Lặc. Cả hai tên cùng tồn tại.

Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai

Các xã trong huyện Ngọc Lặc đều có tên hai chữ Hán: Thạch Lập, Phúc Thịnh, Mỹ Tâm, Ngọc Sơn, Ngọc Khê vv…Các làng thì một số có tên hai chữ Hán như Lập Thắng, Điền Sơn…còn hầu hết là tên một chữ: Làng Ngán, làng Chạy, làng Nhớ, làng Quên, làng Thi, làng Mới, làng Mỏ, làng Móng, làng Chả, làng Thượng, làng Hạ, làng Vải, làng Mốc, làng Mí, làng Beo vv…Nghe rất vui nhưng tìm hỏi xuất xứ không ai biết rõ. Cũng như mọi người nói về vua Lê một cách kính cẩn, gọi là “cố Lê Lợi”, nhưng những chuyện xưa”năm tê năm tặc” chỉ còn truyền khẩu một cách mơ hồ. Những khe Sống, đồng Chó…người nói thế này, người nói thế nọ, rất khác nhau.

Thị trấn Ngọc Lặc nằm giữa cánh đồng, bốn bên là những dãy núi đỉnh nhọn đâm lên trời cao dáng vẻ trông thật hùng vĩ, đường bệ hơn hết là núi Sắt. Trung tâm thị trấn là chợ Phố Cống. Từ chợ đi ra có phố Lê Lợi rồi phố Lê Lai. Gọi là phố nhưng đường không rộng lắm, hai bên đường nhựa vẫn là bùn đất, rơm rạ vương vãi. Tuy vậy cũng đủ các mặt hàng: tạp hóa, quần áo, giày dép, xe máy…Và có dịch vụ trang trí nội thất, trang điểm cô dâu, quán cà phê vang tiếng nhạc. Thức ăn bày bán khá nhiều trong chợ là những thúng nhộng tằm, con nhộng lớn, màu xanh nhạt.

Nhiều loại nhà cửa xen lẫn nhau: nhà gác, nhà ngói, nhà lợp lá cọ – là thứ lá gồi trong thơ Tú Xương “Nhà gỗ năm gian lợp lá gồi”. Lá cọ làm kỹ lợp đến 20 – 30 năm chưa hư, sơ sài thì cũng phải 10 năm. Khi các bác sĩ đang làm cho chương trình Y tế cộng đồng tại đây đề nghị đồng bào cho biết về ngôi nhà mà họ mơ ước thì câu trả lời là những “nhà ngói bằng” – tức là nhà đúc. Giới thiệu kiểu nhà ngói ở miền xuôi, họ cười cười bảo: “Nhà xây mà có mái, lợp ngói thì đâu có hơn gì lợp lá cọ?” Ra khỏi trung tâm thị trấn vào các bản đồng bào Mường là nhà sàn với những cột bằng cây luồng, một loại cây họ tre, lớn hơn, dài hơn, suôn hơn tre. Cửa lên nhà cũng ở phía chái nhưng không chính giữa như nhà sàn Tây Nguyên mà dịch qua bên trái.

Xã Mỹ Tâm - Ru Mường

Sau lưng phố là ruộng chia thành nhiều luống nhỏ, luống này chín vàng, luống kia tươi xanh, luống nọ đã gặt. Trong một cánh đồng có thể thấy nhiều giai đoạn thời vụ trên những mảng màu khác nhau, nổi bật bên nhau. Vài ba con trâu đi trên đường phố, chiếc mõ mang ở cổ kêu lóc cóc lóc cóc, đến đoạn trống chưa có nhà trâu rẽ xuống ruộng.

Buổi sáng mùa đông ấy dứt mưa đã mấy hôm, trời chợt có gió hong khô và nắng lên ấm áp. Đường vào bản đã ráo, bước trên mặt đất mềm thấy bàn chân êm êm. Mặt hồ Đầm Thi gợn từng nếp sóng lăn tăn. Bãi sỏi bờ suối màu vàng sậm, hoa pháo nở đỏ từng xâu dài. Không khí thoáng đãng, hít thở thật nhẹ nhàng. Phong cảnh có nét gì đó rất thoáng và rất lạ giống như những truyện đường rừng của Lan Khai. Thỉnh thoảng có tiếng còi xe cũng dịu dàng. Trẻ em sạch sẽ, xinh xắn và lễ phép, gặp chúng tôi chào hỏi vui vẻ. Chỉ còn một ít người già mặc y phục dân tộc Mường, nam nữ thanh niên đều mặc Âu phục. Phụ nữ bới tóc cao, con gái để tóc dài, xõa ra hoặc kẹp lại bỏ sau lưng.

Ở đây rượu rất ngon và hình như người nào cũng sành về rượu. Ngồi uống rượu bỗng nhớ chuyện xưa. Thời Lê Lợi khởi binh, lực lượng nòng cốt ban đầu hẳn là đồng bào vùng Ngọc Lặc, Thọ Xuân. Biết bao nhiêu là gian khổ, “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một lữ” đã cùng chia nhau chén rượu nghĩa tình. “Đầu giao hưởng sĩ phụ tử chi binh nhất tâm…”, nguyên bản Bình Ngô đại cáo như thế và các dịch giả đã diễn nôm thành “Gắn bó một lòng phụ tử rót rượu ngọt để khao quân” hoặc ”Mở tiệc khao quân chén rượu ngọt ngào, khắp chiến sĩ một lòng phụ tử”… Đầu giao hưởng sĩ…Đem rượu được biếu đổ xuống lòng suối để ba quân cùng nếm, rượu hòa nước lã bỗng hóa ra chén rượu ngọt ngào…

Buổi tối đến Ngọc Lặc chúng tôi được thưởng thức ngay món canh lá đắng. Hôm sau có dịp nhìn tận mắt loại cây ấy. Lá đắng là tên gọi đúng vị của nó, mọc từ thân ra, có hình dạng giống như lá sắn mì. Từ cuống chính tỏa thành chín cuống phụ, mỗi cuống phụ một lá, thân lá dài từ 5,6cm đến 20cm, rộng độ 4-5cm, chỗ gần cuống tròn hơn, thân lá nhọn, hai mặt lá đều màu xanh đậm. Lá đắng nấu với thịt nạc băm nhỏ. Mới ăn vào đắng lắm. So với canh lá đắng thì canh khổ qua (không luộc chần) chẳng thấm thía gì. Vậy mà khi đã nuốt xong, vị đắng tan hết, còn lại vị ngọt. Ăn lần thứ nhất có thể chưa cảm nhận được canh lá đắng ngon thế nào, sau lần thứ hai đã thấy nhớ, lần thứ ba và những lần tiếp theo sẽ không quên món canh độc đáo này của Ngọc Lặc…

Trần Huiền Ân