Vài nguyên tắc tâm linh để nhớ

Chào các bạn,

Mình sẽ tóm tắt ở đây vài nguyên tắc sống tâm linh – tức là sống bằng trái tim linh thiêng của chính ta – mà mình đã lập đi lập rất nhiều lần trong các bài trà đàm, để các bạn tiện phân biệt đâu là tâm linh, đâu không là tâm linh.

1. Trước hết, một nguyên tắc chung cho các nguyên tắc tâm linh là mọi quy luật tâm linh, mọi cách sống tâm linh, đều không hợp lý, nếu nói theo lý lẽ thông thường.

Thông thường: Hợp lý là hợp với lý luận của con người, như anh đánh tôi thì tôi đánh lại. Sống thì phải làm nên sự nghiệp lớn. Đó là hợp lý, hợp luật, hợp đạo đức của con người.

Tâm linh: Đời sống tâm linh thì anh đánh tôi, tôi không đánh lại, mà lại yêu anh. Đó là phi lý đối với lý lẽ thông thường. Hay, không ham sự nghiệp, không muốn lợi danh, đó là phi lý.

Nhưng trái tim linh thiêng có phương cách và quy luật của nó, sâu sắc và hiệu quả hơn lý luận rất nhiều.

2. Thông thường: Người ta sống hai chiều (đối đãi, có qua có lại) – yêu ai yêu tôi, ghét ai ghét tôi; đánh tôi thì tôi đánh lại.

Tâm linh: Các quy tắc tâm linh thường một chiều và vô điều kiện. Yêu tất cả mọi người, vô điều kiện, kể cả kẻ ghét ta, thù ta, hãm hại ta, kẻ phạm tội tày trời, kẻ chống Chúa chống Phật, kẻ giết người, kẻ bất lương, kẻ áp bức, kẻ bất công… Nhẫn nhục với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh… Khiêm tốn với mọi người cũng vậy…

3. Các quy tắc tâm linh thường ngược với quy tắc thông thường.

Thông thường: Yêu người yêu mình, ghét người ghét mình.
Tâm linh: Yêu cả người yêu mình lẫn người ghét mình.

Thông thường: Làm tốt thì vinh danh.
Tâm linh: Làm tốt thì kín đáo.

Thông thường: Tạo danh tiếng tốt.
Tâm linh: Không chăm chú vào danh tiếng.

Thông thường: Đòi công bình.
Tâm linh: Không đòi công bình cho mình.

Thông thường: Phải giữ danh dự.
Tâm linh: Làm điều gì cần làm, không cần danh dự.

Thông thường : Phải thông minh lanh lợi.
Tâm linh: Muốn vào nước thiên đàng phải như trẻ thơ.

Thông thường: Tập trung vào cao quý (kiêu kỳ).
Tâm linh: Tập trung vào hèn mọn (khiêm tốn).

4. Thông thường: Có nguyên tắc phải theo đúng sai, tốt xấu, thiện ác, trắng đen, sang hèn, giỏi dở, quan dân…

Tâm linh: Tâm không phân biệt, vượt lên trên mọi phân biệt. Làm điều gì cần làm, nhưng không dính cứng vào nguyên tắc nào. Vô chấp.

5. Thông thường: Mọi người khác nhau: thiện – ác, tốt – xấu, hữu dụng – vô dụng, xây – phá, chân – ngụy, thánh – ma.

Tâm linh: Phật tính mọi người như nhau. Mọi người đều là con Chúa như nhau.

6. Thông thường: Đời sống tập trung vào ta. Tạo sự nghiệp đời ta.

Tâm linh: Đời sống tập trung vào độ người, phục vụ tha nhân. Vô ngã.

Đây chỉ là một số điểm căn bản để ta hiểu căn bản của các quy luật tâm linh. Nếu các quy luật của bạn tuyền giống quy luật thông thường thì đó có thể là quy luật đạo đức, luân lý, hay gì đó, nhưng không là tâm linh. Tâm linh có mọi thứ, kể cả đạo đức và luân lý trong đó; nhưng đạo đức luân lý không hẳn là tâm linh.

Và dù gọi là “quy luật tâm linh” thì tâm linh thực sự không có quy luật. Quy luật duy nhất là: “Không chấp vào quy luật nào, kể cả quy luật này”.

Chúc các bạn luôn tinh tấn.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

11 thoughts on “Vài nguyên tắc tâm linh để nhớ”

  1. Tập trung vào Tâm linh.

    Muốn vượt qua được sự tập trung vào tâm linh tức là phải khám phá qua sự huyền ảo, một trở ngại lớn lao đến yêu thương.
    Thiên Chúa chỉ dạy chúng ta có hai điều răn, mến Chúa và Yêu người .
    Chỉ khi chúng ta nhìn thấy người khác như họ, chứ không phải như chúng ta suy nghĩ qua mắt của chúng ta. Thì lúc ấy sự yêu thương từ tâm linh chớm nở.

    Cám ơn anh Hoành chỉ dẩn hướng về Tâm linh.

    Chúc anh an lành trong tuần lễ Tạ ơn.

    Thuy Pham

    Like

  2. Thưa anh Hoành,

    Đã rất nhiều lần em muốn viết thư cho anh, mà bận bịu và ngại nên em chưa có viết. Hôm nay, em viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn tới anh, người anh – người thầy tâm linh ở bên kia vòng Trái Đất mỗi ngày kiên nhẫn post bài chia sẻ truyền năng lượng giúp em sống tích cực hơn.

    Em không nhớ chính xác đã biết đến đotchuoibnon từ thời gian nào, em chỉ nhớ ngày đó cuộc sống của em có nhiều xáo trộn, em thường sống trong mệt mỏi, lo lắng, chán nản. Một lần tình cờ tìm kiếm thông tin về Sống tích cực em đã tìm thấy dotchuoinon, rồi được đọc cuốn Tư duy tích cực. Những bài viết giản dị và sâu sắc của anh, sự kiên trì mỗi ngày anh trao tặng đã trả lời cho em câu hỏi: làm thế nào để sống tốt hơn, trong thời thế nhiễu nhương này, làm thế nào để đóng góp vào sự phát triển của đất nước và thế giới: Hãy bắt đầu bằng việc sửa mình, sự tích cực từ mình có thể lan tỏa sang những người xung quanh, lãnh đạo chính mình để có thể lãnh đạo nhóm, và đóng góp vào cái chung.

    Những chia sẻ của anh về Tâm linh, chăm sóc cho trái tim linh thiêng của mình, hãy biết cho đi và yêu thương vô điều kiện, hãy tĩnh lặng, sống trong hiện tại, hãy khiêm tốn và thành thật, hãy giản dị và kiên trì, mỗi ngày là lời nhắc nhở với em. Thực sự là rất khó để thực hành anh ạ. Mỗi ngày em đã lên dotchuoinon để bồi dưỡng tâm hồn mình. Và sau mấy năm, đến ngày hôm nay em vui mừng và hạnh phúc chia sẻ với anh: em đã trở thành người tích cực. Em đã tìm ra mục đích cuộc đời mình là giúp đỡ mọi người về sức khỏe bằng cách thay đổi hành vi của mình (và em đang nỗ lực thay đổi chính hành vi sức khỏe của mình trước tiên). Em cũng đã thực hành sống với tình yêu và lòng biết ơn, thực hành Hoponopono cho sự tha thứ. Cuộc sống của em thay đổi diệu kỳ: Có những mối quan hệ đã được hàn gắn, những may mắn và cơ hội học tập, những người bạn và người thầy xuất hiện giúp em tin, yêu bản thân, và có trách nhiệm hơn với tất cả.

    Kiến thức là kho báu, thực hành là chìa khóa mở cửa kho báu đó. Em còn nhiều khiếm khuyết, nhiều lúc còn buông thả chưa kiểm soát được bản thân nhưng em tin, chỉ cần em tâm niệm cố gắng sửa mình, em sẽ làm được. Cảm ơn anh đã luôn nhắc nhở phải HÀNH TRÌ. Đức Phật là người thầy vĩ đại, ngài đã dùng Thân giáo. Anh cũng vậy, em biết ơn và trân trọng những bài học và cách mà anh chia sẻ.

    Em cũng vui mừng chia sẻ với anh, ở Việt Nam ta hiện có rất nhiều bạn trẻ và doanh nhân thực hành triết lý nhân quả, em cũng đang sinh hoạt trong một cộng đồng như vậy. Em tin vào tương lai của dân tộc này, và thế giới này.

    Em xin kính chúc anh chị cùng gia đình, và tất cả các anh chị em trong cộng đồng dotchuoinon một ngày bình an và tinh tấn.
    Cầu chúc cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, và sự an lành đến chúng sinh các cõi!

    Em Nguyễn Thị Nhạn – Giarng viên trường Cao đẳng Y tế Thái Bình.

    Liked by 4 people

  3. Cảm ơn Nhạn chia sẻ với anh và các bạn. Anh rất vui và cảm động. Những câu chuyện thế này giúp mọi người lên tinh thần và vững lòng tin.

    Câu này là mấu chốt: “Cuộc sống của em thay đổi diệu kỳ”. Chẳng có cách nào diễn tả chính xác hơn vậy. Khi mình lo lắng và cố gắng làm đủ mọi thứ thì rất nhiều điều không hay. Nhưng khi tích cực và tĩnh lặng, chẳng lo lắng và cũng chẳng lăng xăng thì mọi điều tốt cứ tự động thành hình cho mình. Nhiều người không hiểu nguyên lý này.

    Anh dùng từ năng lượng để mọi người có thể hiểu được. Năng lượng tích cực, năng lượng tĩnh lăng, năng lượng yêu thương, từ trong lòng mình tự làm việc cho minh.

    Em đang làm thầy thì lại càng tốt hon. Học trò trong lớp của em tự động học theo tư duy và thái độ của thầy mà thày chẳng phải nói gì nhiều.

    Chúc em luôn tinh tấn và an lạc.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  4. Em xin copy sơ lược nội dung bài của anh để sử dụng trong bài biết phi thương mại được không ạ

    Like

  5. Cám ơn anh. Bài viết rất dễ hiểu. Đọc bài này em hiểu hơn về Tôn giáo và Tâm linh.
    Em xin được chia sẻ bài này (và những bài khác trên trang) về trang web: gioitresaigon.net nha anh. Em có trích dẫn nguồn đầy đủ.
    Mong anh cho phép!

    Like

  6. Bài viết của anh dễ hiểu, dễ nhớ và là thước đo đơn giản để soi chiếu mình trong từng hành động cụ thể. Cám ơn anh rất nhiều.

    Like

Leave a comment