Category Archives: Luận lý học

Học lý luận

Chào các bạn,

Mình gặp nhiều người lý luận rất dở và không thích lý luận. Điều đó cũng dễ hiểu – Trời sinh ra có người IQ (thông minh lý luận) cao và có người EQ (thông minh tình cảm) cao. Nhưng lý luận là một phần lớn của tư duy, lớn đến mức nhiều người cho đó là toàn thể tư duy và gạt phăng tình cảm ra ngoài.

Mình cho rằng tình cảm quan trọng cho tư duy của chúng ta hơn lý luận và lý luận thường là lính của tình cảm – tình cảm muốn điều gì, lý luận tìm cách lý giải để chứng minh rằng ý muốn đó là đúng. Continue reading Học lý luận

Fact and Opinion – Sự kiện và Ý kiến

 

Chào các bạn,

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta luôn phải giao tiếp và truyền tải thông tin với mọi người xung quanh, nhiều nhất là đồng nghiệp vì chúng ta có 8 tiếng một ngày với đồng nghiệp của mình, nhưng điều đáng nói là chúng ta có nghe được thông tin chính xác hay không và có truyền tải thông tin chính xác không. Nếu ai tự nói rằng: có, tôi luôn truyền tải thông tin và nghe thông tin chính xác 100% thì mình sợ là…các bạn chưa dám nói thật rồi.

Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn về Fact và Opinion dịch ra là Sự Kiện và Ý Kiến. Vậy Fact là gì? Opinion là gì? Tại sao chúng ta phải phân biệt Fact và Opinion? Ta sử dụng chúng trong cuộc sống như thế nào?

Continue reading Fact and Opinion – Sự kiện và Ý kiến

Bẫy luận lý học

Chào các bạn,

Chúng ta đã được huấn luyện về luận lý từ hồi còn bé xíu. Đúng là đúng, sai là sai. 2 cộng 2 là 4. Nếu 2 cộng 2 mà là 5 hay 6 thì đương nhiên là sai. Mặt trời mọc ở phương Đông. Nói mặt trời mọc ở phương Tây thì sai, và cái gì đó mọc ở phương Tây nhất định không phải là mặt trời.

Nếu A là đúng, thì –A phải là sai.

Nếu tôi có 5 đồng trong túi, thì tôi không thể có -5 đồng trong túi.

Continue reading Bẫy luận lý học

Nghệ thuật tư duy: Zoom in

Chào các bạn,

Rất thường khi, đọc một bài viết của ai đó ta có thể thấy tác giả viết lung tung, loạn cào cào, trước sau không đồng nhất, đọc xong người đọc chẳng nhớ được tác giả viết gì và muốn gì. Lý do không chỉ là tác giả không biết viết, mà là không biết kỹ luật suy nghĩ. Bài này đặc biệt dành riêng có các bạn tư duy kiểu cào cào—nhảy từ điều này sang điều kia liên tục, không ngừng, như con cào cào.

“Zoomi in” là từ của máy ảnh—kéo ảnh gần lại để tập trung vào một điểm cho rõ, để thấy rõ các nét trong ảnh. Muốn suy nghĩ tốt về một việc nào đó, chúng ta cần biết zoom in vấn đề đó trong đầu mình. Danh từ truyền thống gọi là tập trung tư tưởng vào điểm đó.

Continue reading Nghệ thuật tư duy: Zoom in

Đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả?

Chào các bạn,

Một trong những lỗi lầm lớn nhất trong lý luận của đa số mọi người, trong đời sống cá nhân cũng như trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, triết lý, xã hội…, là lẫn lộn liên hệ nhân quả giữa các sự vật.

Liên hệ nhân quả là liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả: Như là “trời mưa ướt áo”. Trời mưa là nguyên nhân, ướt áo là hậu quả.

Ba lỗi lầm thường xuyên nhất trong liên hệ nhân quả mà mọi người thường vấp phải là: (1) lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả, (2) tưởng là có liên hệ nhân quả, trong khi chẳng có liên hệ gì cả, và (3) tính sai “trọng lượng” của liên hệ nhân quả.

Continue reading Đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả?

Viết hay nói trước đám đông – suy nghĩ hai chiều

Chào các bạn,

Khi ta viết trên báo chí hay diễn đàn hay nói trước đám đông, tức là ta đang giao lưu với cả thế giới, ai ở đâu cũng có thể đọc được, nghe được. Có nghĩa là đọc giả và thính giả của ta rất rộng rãi. Vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được những người có thể bất đồng ý kiến với ta mà ta chẳng bao giờ có dịp giao lưu với họ.

Điều này có nghĩa là bạn chỉ có “một phát” (one-shot deal). Bắn một phát là phải trúng mục tiêu, hụt là coi như hụt luôn, không có cơ hội thứ hai.

Sau đây là một vài điểm các bạn nên lưu ý‎ trong các trường hợp đó:

Continue reading Viết hay nói trước đám đông – suy nghĩ hai chiều

Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể

Chào các bạn,

Suy nghĩ trong một khung cảnh cụ thể (thinking within a context) là một kỹ năng phân tích (analytical thinking) mà chỉ một ít người thuần thục, một số nhỏ khác thì làng nhàng, và rất đông có vẻ như không hề biết đến. Nhưng đây là kỹ năng quan trọng nhất cho suy tư chính xác và sắn bén. Suy tư trong một khung cảnh cụ thể không những giúp ta thấy vấn đề chính xác và rõ ràng, mà còn giữ tâm trí kỹ luật trong vấn đề đang được khảo sát, không bị “scattered brain” (bộ óc rời rã, chạy lung tung từ quả cam, đến bom nguyên tử, đến Thái Bình Dương, đến sa mạc Sahara… chẳng đâu vào đâu cả).

Dùng một tai nạn đụng xe giản dị làm thí dụ. Xe vận tải cán chết một nữ sinh đi xe đạp. Khách bàng quan thẩm bình:

1. “Mấy thằng tài xế xe vận tải chạy ẩu lắm.” Đây là “suy nghĩ theo nhãn hiệu” (labelism), chẳng ăn nhập gì tới khung cảnh cụ thể hiện tại. Đại đa số người trên thế giới suy nghĩ kiểu này. Đại đa số dân Việt, kể cả “trí thức” Việt, suy nghĩ kiểu này.

Cứ đọc các tài liệu có mùi chính trị do dân Việt ta, kể cả người “trí thức”, chuyển đến inbox của bạn hàng ngày thì biết ngay. Các thông tin mạ lị Trung quốc vừa vô lý vừa dốt, các thông tin chống nhà nước vừa giả vừa dốt… cứ được các “trí thức” chuyền tay nhau hàng ngày, không cả chớp mắt trước khi ấn nút forward. (Mình không nói về các thông tin chính xác và hợp l‎ý về các vấn đề này. Hiện tại ta đang nói đến thông tin rác mà thôi. Và lấy thí dụ liên hệ đến chính trị vì nó nhiều nhất và rõ nhất mỗi ngày, dễ thấy nhất. Thật ra ta có đủ loại rác, chứ không chỉ là rác chính trị.).

2. “Lái xe lớn tới chỗ đông người thì phải cẩn thận chớ!” Câu này bắt đầu sờ nhẹ đến khung cảnh một tí, nhưng chẳng ăn nhập gì vào chi tiết của vụ việc cả.

3. “Trời, con người ta còn nhỏ đẹp như vầy mà nó giết!” Chẳng ăn nhập đâu vào đâu hết.

4. “Tuần trước ở Ngã Bãy cũng một thằng tài xế vận tải y chang loại vận tải này cán chết một ông già đi xe ôm!” Chẳng ăn nhập gì tới chuyện này hết.

5. “Thằng tài xế có lỗi 100%. Tui thấy nó quỳ xuống bên cạnh con nhỏ lảm nhảm ‘Cho anh xin lỗi, cho anh xin lỗi.’”

Nói như vậy là “lấy câu này ra khỏi khung cảnh cụ thể” (taking the statement out of context). “Cho anh xin lỗi” chưa chắc vì người ta có lỗi, mà có thể chỉ vì người ta buồn.

Suy nghĩ trong khung cảnh cụ thể là phải biết xe vận tải đang đi thế nào, từ hướng nào về hướng nào, vận tốc bao nhiêu, có vượt đèn đỏ không, tài xế có say không… một lô câu hỏi tương tự cũng có cho người xe đạp… rồi hai xe làm sao mà va nhau, phản ứng của tài xế lúc đó thế nào… sau tai nạn anh ta làm gì, nói gì…. Tất cả những chi tiết của khung cảnh cụ thể phải được nắm vững, rồi các câu nói như câu xin lỗi của người tài xế, phải được hiểu trong khung cảnh đó, mới có thể đến kết luận cuối cùng là ai phải ai trái ra sao.

Vấn đề chỉ giản dị thế thôi, nhưng ít ra là 80 phần trăm số người trên thế giới không nắm được. Đọc các tranh luận trên Internet hay báo chí thì thấy, một người viết về một vấn đề, người kia tranh cãi bằng cách lấy một câu nói ra khỏi bài, để diễn giải nó “bên ngoài khung cảnh” (hoặc “bên ngoài ngữ cảnh” vì đây là từ ngữ), cho nên ông nói gà bà hiểu vịt, tất cả mọi bàn luận đều chết cứng và trở thành hỗn độn ngay lập tức. Và đương nhiên những người tranh luận thường xuyên trên Internet, đa số là “trí thức”.

Ta phải dùng từ “trí thức” trong ngoặc ở đây, không phải là châm biếm, mà là nhắc nhở rằng “Đã là trí thức thì ta cần học cách suy nghĩ nói năng chính xác một tí. Nếu các kỹ năng suy tư căn bản mà ta còn không nắm vững được, thì làm sao có thể là trí thức được? Võ sư mà không biết đấm, sao gọi là võ sư?”

Nếu chúng ta tập giữ kỹ luật suy nghĩ trong khung cảnh thực tế thì đương nhiên là ta sẽ:

1. Nhìn mỗi vấn đề rất rõ ràng (không bị thành kiến chi phối),

2. Không suy tư theo kiểu nhãn hiệu “Công giáo là tồi, Phật giáo là dốt, Trung quốc là tồi, Đảng ta là đúng, phản động là sai, Hàn thì tốt, Nhật thì kiêu….” Suy tư theo kiểu nhãn hiệu thì không cần phải đi học. Cứ lấy một câu như câu trong ngoặc kép trên, cho mấy đứa con nít học thuộc lòng, chúng nó sẽ áp dụng tư duy nhãn hiệu không thua gì các tiến sĩ mà tư duy kiểu nhãn hiệu. (Đó là tại sao trẻ em là thành phần chủ lực trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông, và Cách Mạng Đỏ của Polpot và Khmer Rouge. Các đại đồ tể của thế giới thích mọi người tư duy theo kiểu nhãn hiệu).

3. Không có nhãn hiệu cho chính mình. Ví dụ: Hôm qua anh nói nhà nước quản lý thành công tốt, hôm nay anh chê nhà nước quản l‎ý tồi, vậy anh chống nhà nước hay ủng hộ nhà nước? Anh ba phải hay bốn phải?

À…à… hôm qua tôi nói chuyện nhà nước giữ được kinh tế phát triển với tỉ số cao liên tục trong hơn một thập niên, đó là quản l‎ý tốt. Hôm nay tôi nói nhà nước không làm giảm tham nhũng “một cách thấy được” trong hơn một thập niên, đó là quản l‎ý tồi. Tôi chẳng chống nhà nước, chẳng ủng hộ nhà nước. Tùy chuyện mà nói tốt hay xấu, đúng hay sai, mà thôi. Và như vậy thì chắc là “trăm nghìn phải” chứ chẳng là ba bốn phải.

Các bạn ạ, suy tư trong một khung cảnh cụ thể (thinking within the context) là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, nếu không là kỹ năng duy nhất, của tư duy phân tích (analytical thinking). Và dân Annamít ta cực kỳ, cực kỳ, cực kỳ yếu môn này. Cũng chính vì đó mà kỹ năng phân tích của sinh viên và trí thức Việt rất yếu. Điều này hệ trọng đến tương lai đất nước. Trí thức mà yếu khả năng tư duy thì lấy ai hướng dẫn nước nhà?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,
Hoành

Bài liên hệ: Chủ nghĩa nhãn hiệu, “Thuộc về” nhóm nào?

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Phê phán xây dựng hay lải nhải tiêu cực?

Chào các bạn,

Chúng ta ai cũng muốn đóng góp vào việc giúp người khác tốt hơn, làm cho thế giới ta sống đẹp hơn, với những phê phán xây dựng. Tuy nhiên, rất thông thường ta có thể thấy được, nhiều người lải nhải tiêu cực hơn là phê phán xây dựng. Phê phán xây dựng, luôn luôn có tư duy tích cực tiềm ẩn trong đó, làm môi trường ta sống tích cực hơn. Lải nhải tiêu cực mang gió tiêu cực đi khắp nơi, chỉ làm cho không khí thêm tối tăm u ám bứt rứt khó thở mà chẳng đem lại lợi ích nào hết. Một đằng là ánh sáng, một đằng là bóng tối. Vậy thì làm thế nào phân biệt sáng tối, biết đâu là phê phán xây dựng và đâu là lải nhải tiêu cực, để hành động cho đúng?

Đôi khi phân biệt phê phán tích cực và lải nhải tiêu cực cũng hơi khó. Tuy nhiên trong đa số các trường hơp, các tiêu chuẩn phân biệt sau đây sẽ giúp chúng ta nhận diện sáng tối:

1. Phàn nàn chung chung mà không có việc gì cụ thể, không liên hệ đến người nào cụ thể, là lải nhải tiêu cực. Ví dụ: Chính quyền toàn là một lũ tham ô; doanh nhân toàn là một lũ xảo trá; thời thế loạn lạc sâu bộ cai trị người; công giáo toàn là một lũ bán nước; Phật giáo toàn là một lũ dốt; Trung quốc là lưu manh không tin được; Hồi giáo là cực đoan khủng bố; Mỹ là lũng đoạn chính trị các nước khác …

2. Khi nói đến người hay việc cụ thể, cũng chỉ phê phán chung chung mà chẳng đưa ra được điều gì cụ thể, đó là lải phải tiêu cực. Ví dụ: Ôi anh chàng dốt đó mà giám đôc giám điếc gì; xây cái cầu chỗ này là ngu; lại một dự án dốt nữa của nhà nước…

Nếu đã đưa ra các kết luận chung thế, thì phải đưa ra các sự kiện cụ thể chứng minh được kết luận của mình. Không có sự kiện cụ thể mà kết luận phê phán, là lải nhải tiêu cực.

3. Khi đưa ra các l‎ý lẽ để phê phán, thì các l‎ý lẽ phải liên hệ đến sự việc; nói lăng nhăng các sự việc không liên hệ là lải nhải tiêu cực. Ví dụ: Năm năm trước cũng UBND của thành phố này quyết định xây cầu Bến Thủy, 2 năm sau cầu sập một góc. Năm ngoái UBND lại cho xây công viên Xuân Hồng, xây xong lụt nước cây chết hết. Bây giờ dự án xây trường học này cũng sụp thôi.

4. Không nói đến các vấn đề liên hệ mà “tấn công cá nhân” là lải nhải tiêu cực. Ví dụ: Ôi, thằng đó tiếng tăm bồ bịch lung tung mà cho làm kiến trúc sư trưởng dự án này là xập cầu. Ôi, mấy thằng từ Nam Định vào đây mà cho lãnh thầu dự án này là tiêu tán.

Nói chung, khi phê phán một vấn đề gì, chủ đề phê phán phải cụ thể, và các lý lẽ phê phán phải cụ thể và liên hệ trực tiếp đến chủ đề.

Nhưng như vậy cũng chỉ mới là phê phán nửa chuyên nghiệp, chưa có phần “xây dựng” nào trong đó. Muốn được gọi là phê phán xây dựng, thì người phê phán cần đề nghị một biện pháp mới, khác với biện pháp mình đang phê phán. Hay ít ra thì cũng đề nghị một vài sửa đổi trong biện pháp có sẵn. Chỉ phê phán mà không đề nghi giải pháp thì đa phần là lải nhải tiêu cực–có lẽ giải pháp đang có là giải pháp tối ưu rồi, cho nên người phê phán cũng chẳng nghĩ ra được thay đổi nào mới.

Ngoài ra, người có tư duy tích cực thì khi phê phán vấn đề gì đó thì cũng cần lên tiếng khen các điều hay trong đó. Không nên chỉ phê phán cái dở trong khi có cả trăm điều hay mà lại không nói đến. Ít ra cũng là một câu “Các điểm khác trong dự án này tôi chẳng thấy có vấn đề gì cả, duy chỉ có điều này là tôi thấy cần phải xét lại…”

Chúng ta cần phân biệt rất rõ thế nào là phê phán tích cực và thế nào là lải nhải tiêu cực, để tự mình tránh lải nhải, đồng thời giúp chặn đứng rác rến trong dòng thông tin của chúng ta. Các bạn có để ý đến từ “DÒNG thông tin” không? “Dòng” là một dòng sông. Nếu chúng ta cứ đổ rác vào nhiều quá, dòng sông đương nhiên sẽ đen kịt và hôi thối, không những không còn giúp ích gì cho ai được mà lại trở thành một hiểm nguy đe dọa sức khỏe mọi người.

Dòng thông tin trên Internet hiện nay có quá nhiều rác rến. Mọi người nhận rác, không thèm biết đó là rác hay không, tự động ấn nút chuyển tiếp đống rác đến 20 người khác, 20 người này lại tự động chuyển tiếp, mỗi người đến 20 người khác. Đầu ngày là một đống rác, đến cuối ngày ta đã có hơn 2000 đống rác nhập vào dòng sông! Thế thì dòng sông nào mà chịu nổi.

Trong kỷ nguyên thông tin, thông tin có tính cách quyết định thắng bại. Cho nên chúng ta hãy cùng tâm niệm bảo vệ dòng thông tin của chúng ta càng trong xanh càng tốt. Đừng làm ô uế môi trường.

Hãy giúp cho môi trường chúng ta sống trong sạch và hữu ích. Mỗi người hãy làm công việc vệ sinh của mình—nói năng tử tế chính xác, và không chuyển rác và tăng rác.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bài liên hệ: Làm thế nào để phê phán tích cực

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Phản biện như thế nào ?

Chào các bạn,

Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý ‎rằng phản biện là nhu cần lớn trong tư duy và trong hành động, của cá nhân và của xã hội, của tư nhân hay của nhà nước. Thiếu phản biện đương nhiên là chúng ta mù một phần.
PB
Các luật sư chuyên về tranh tụng hàng ngày sử dụng phương pháp chiến đấu lý luận gọi là Devil’s Advocate (biện hộ cho Chúa Quỷ). Người devil’s advocate đóng vai phe địch, tấn công phe ta, để phe ta tập đở đòn và phản công. Không có devil’s advocate thì trăm trận trăm thua, vì khi lâm trận ta sẽ đụng quá nhiều bất ngờ bí hiểm.

Phản biện là tiến trình tự nhiên của sáng tạo. Không thể sáng tạo được, nếu ta không phản biện.

Phản biện là hai võ sinh tập đấu trên sân đấu. Học võ mà không tập đấu thì chỉ có võ mồm. Nhưng, nếu học võ mồm chính thống, thì vẫn phải học phản biện là chính.

Tuy nhiên, để phản biện có thể làm tròn được vai trò tích cực sáng tạo của mình, nó đòi hỏi một số điều kiện khách quan:

1. Người ta phản biện với nhau để tìm một giải pháp chung. Vì phản biện mà không cần giải pháp là lải nhải tốn thời giờ. Hoặc tệ hơn nữa, chỉ là chửi nhau. Hoặc tệ hơn nữa, chỉ là để triệt hạ và thanh toán nhau, ngay cả dùng ngôn ngữ để hỗ trợ cho chiến tranh bạo động.

2. Giải pháp chung đòi hỏi tình anh em, vì nếu không là anh em bằng hữu thì chắc là không có và không cần giải pháp chung. Vì vậy, phản biện đòi hỏi tình anh em, tình bằng hữu.

3. Tình anh em đòi hỏi tương kính lẫn nhau. Vì nếu đã là anh em thì tương kính. Không tương kính thì thường là thù địch; mà thù địch thì không thể có phản biện, vì thù địch thì chỉ dùng ngôn ngữ cho chiến tranh. Vì vậy, phản biện đòi tương kính.

4. Tương kính đòi hỏi cẩn trọng trong ngôn ngữ, đặc biệt là trong ngôn ngữ rất trọng lễ nghĩa của Việt Nam. Ví dụ: Nếu hai người thương gia Việt đang cãi nhau sôi nổi, và một người bỗng nhiên đổi từ “anh và tôi” sang “Mày ngu như lợn” thì có thể đó là khởi đầu của chiến tranh và chấm dứt tình đồng nghiệp đối tác, dù là dịch sang tiếng Anh thì “You are stupid as a pig” chẳng có gì là nặng nề cả. Chỉ một chữ “mày và tao” có thể biến hai người bạn thành hai kẻ thù. Ngôn ngữ Việt chất chứa rất nhiều lễ nghĩa, vượt bỏ lễ nghĩa là có thể vượt biên giới từ bạn sang thù.
PB1
Nhiều người dùng ngôn ngữ thô tục và ác tâm trong ngôn ngữ Việt để chửi nhau, nhưng khi giải thích với người ngoại quốc cứ dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp, mất hết tất cả mọi ‎ý nghĩa thô tục bạo động của ngôn ngữ Việt, và giải thích rằng đó là tự do ăn nói.

Các bạn, ngôn ngữ thô tục là một loại bạo hành, một loại bạo động bằng ngôn ngữ. Đó không phải là phản biện, và cũng không phải là tự do ngôn luận. Đó là vô lễ và gây rối loạn. Nó chẳng khác gì các quí vị neo-nazi trương cờ swastika của Nazi và hô hào chửi bới người Do thái, và nói đó là tự do ngôn luận. Ngày nay nhiều quốc gia trên thế giới có “hate law” (luật chống gây căm thù) để giải quyết các “tự do ngôn luận” kiểu đó.

• Ngoài 4 qui luật phản biên trên, đương nhiên là các luật lệ khác ràng buộc ngôn ngữ đều áp dụng trong phản biện. Ví dụ: Luật chống mạ lỵ công khai, luật bảo vệ quyển tự do riêng tư, luật bảo vệ bí mật thương mãi, luật bảo vệ bí mật quốc phòng, v.v…

• Nếu chúng ta tuân theo 4 qui luật phản biện bên trên (và các luật lê khác về ngôn ngữ) thì đương nhiên là phản biện chỉ có thể tích cực và sáng tạo, và không thể có vấn đề gì.

Qui luật rất căn bản trong khoa học quản lý cũng như trong các khóa học ở nhà do mẹ dạy lúc còn bé là “Điều ta nói không quan trọng bằng cách ta nói.” Tuy nhiên ngày nay nhiều người có thói quen rằng, “Chúa, Phật, Allah, công bình, bác ái… là tốt. Cho nên tôi có thể nhân danh các tên đó để chửi bới cả thiên hạ mà tôi không ưa.” Và họ nói rằng đó là phản biện.

Nếu chúng ta cho rằng những lời lẽ thô tục, thù hận và bạo động cũng có giá trị ngang hàng những lời lẽ yêu thương thân ái, thì chúng ta thực sự không hiểu được vai trò của ngôn ngữ trong việc xây dựng hòa bình hay khởi động chiến tranh. Và chúng ta cũng không thể hiểu được tại sao khi hai quốc gia đánh nhau thì bên này cứ chửi bên kia ra rả cả ngày trên radio, TV, Internet và bất cứ nơi nào mà con người có thể nói và có thể nghe. Và chúng ta cũng không thể hiểu được tại sao các quốc gia trên thế giới lại có luật chống gây căm thù.

Điều ta nói không quan trọng bằng cách ta nói.

Chúc các bạn một ngày hòa ái.

Mến

Hoành

Nguồn: Phanbien.com

Làm thế nào để phê phán tích cực ?

criticism

Chào các bạn,

Phê phán hầu như luôn luôn có vẻ tiêu cực, dù là người phê phán có thái độ tích cực thì người “được” phê phán cũng vẫn cảm thấy tiêu cực, không ít thì nhiều. Đó là chưa nói đến, rất thông thường, chúng ta phê phán với thái độ tiêu cực. Nhưng không thể không phê phán được, phải không các bạn. Tư duy phê phán (critical thinking) là một phần quan trọng của tư duy, mà chúng ta đã đề cập trước đây trong bài Tư duy tích cực là gì? Nhưng làm thế nào để ta phê phán mà không có tư duy tiêu cực trong lòng, và người nghe cũng không cảm thấy tiêu cực?

Thái độ luôn luôn đi từ trong tâm ta đi ra, cho nên trong phần dưới đây ta sẽ khảo sát vấn đề từ trong tâm ra đến hành động bên ngoài.

I. Tâm tích cực khi phê phán

Điều quan trọng nhất là làm thế nào để ta tích cực ngay trong tâm ta khi phê phán, và ta biết rõ là ta phê phán tích cực, chứ không bị chỉ huy mù quáng bởi một tâm tiêu cực? Câu hỏi này nghe như thừa, vì ai trên thế giới cũng nói tôi phê phán tích cực. Vâng, có thể là ta muốn tích cực thật, nhưng không hẳn là tâm ta đang tích cực khi phê phán, phải không các bạn? Nếu tâm mình không sáng suốt thì chính nó lừa mình, mình cũng không biết đâu. Bị người khác lừa thì dễ thấy, chứ bị chính cái đầu của mình đánh lừa mình thì mù luôn. Chỉ có tự quán sát tâm mình chặt chẻ lâu ngày mình mới thắng được chuyện lừa lọc đó thôi.

Vậy thì ta phải quán sát tâm mình kỹ càng trước, trong khi, và sau khi phê phán.
criticism1
1. Trước khi phê phán. Nếu mình sắp mở miệng phê phán tự xét lại tâm mình là mình có tích cực không. Đây là chuyện trong lòng ta. Lòng ta chỉ ta biết. Cho nên mình phải thật là thành thật với chính mình thôi. Người tích cực có những dấu hiệu sau đây:

a. Phê phán việc làm của người nào đó, chứ không phê phán vể chính bản thân người đó.

b. Dù việc làm và bản thân có liên hệ mật thiết với nhau (như tham nhũng), thì cái ta quan tâm vẫn là việc làm.

c. Đối với cá nhân người bị ta phê phán, dù là bên ngoài ta có thể yêu cầu người đó phải bị trừng phạt, thì bên trong ta vẫn suy nghĩ như là một người bạn rất hiểu yếu kém rất con người của người đó: “Tội nghiệp, tội nghiệp. Cả đời lập nghiệp, chỉ vì một phút yếu lòng mà gây nên khổ.”

d. Nếu tâm bạn chỉ có hừng hực một lòng: “Đồ vô loại, đồ khốn nạn. Mày phải đổ xuống sông cho cá mập ăn mới được”, thì chính là bạn đang rất tiêu cực, đang bị chi phối bởi sân hận và kiêu căng (như là mình không làm quấy bao giờ), và phê phán của bạn có nền tảng tiêu cực.

e. Bạn có suy nghĩ theo kiểu lợi lộc: “Thằng này mà xuống, tôi (hay chúng tôi) lên thay, thì mới khá được”? Tự tin là một việc tốt. Nhưng, rất thông thường, ta thường hay lầm lẫn tự tin với tự kiêu hay tham lam trong lòng ta đó. Khi đã có ước mong quyền lợi trong đó, thì rất khó để mà không tham lam. Đó là chưa kể làm khán giả phê phán cầu thủ thì dễ, làm cầu thủ trên sân cỏ thì lại là một chuyện khác. Hãy suy xét tâm mình thật kỹ.
criticism4
2. Trong khi phê phán. Khi phê phán một người nào đó, bạn có kể ra cái tốt mà họ đã làm không, hay chỉ kể ra cái xấu mà thôi? Phê phán một chiều luôn luôn tiêu cực, vì đó là bất công và thiên vị. Lời phê phán của người thiên vị luôn luôn phải được đánh dấu hỏi.

3. Sau khi phê phán. Sau khi đã phê phán xong, dù là bạn có cảm xúc như thế nào, bạn có thấy, tận đáy tim bạn, một tí buồn, một tí xót xa, là bạn đã phải làm đau người kia không? Hay là bạn hả hê như vừa trúng số?

II. Hành động tích cực khi phê phán.

Đó là nói đến cái tâm của ta, chí có ta biết. Ngoài ra, trong khi ta hành động bên ngoài, có một vài phương thức để làm cách trình bày của ta tích cực hơn.

a. Khen trước, phê bình sau. Vi dụ: Em làm việc rất siêng năng chăm chỉ, và em làm việc một mình rất hay, nhưng em một mình hơi nhiều nên cả nhóm không có đủ thông tin từ em và không điều hợp tốt với em. Nếu em bỏ ra tí thời gian mỗi ngày, hàn huyên nói chuyện với các bạn thường hơn, thì cả nhóm sẽ làm việc hiệu quả hơn.

b. Thay vì chê “Em yếu, cần mạnh hơn” thì ta nên khen “Em tốt, và vẫn có thể tốt hơn.” Em làm việc này thật là hay, rất giỏi so với nhiều người,. Nhưng nhóm mình phải luôn luôn là số 1 và luôn luôn khá hơn mỗi ngày. Em rán trau chuốt thêm mỗi ngày một tí thì rất hay.

Nếu phê phán mà không khen, và phê phán với luận điệu xỉ vả, thì nhất định là tiêu cực. Ta phê phán môt người vì ta muốn người đó tốt hơn. Phê phán để hạ bệ là phê phán tiêu cực.
criticism5
c. Cách sử dụng ngôn ngữ. Cách này thì rất khoa học. Nhờ một người bạn của mình thâu băng lén khi mình đang mạnh miệng phê phán ai đó, rồi ngồi nghe lại một mình giữa đêm vắng lặng. Ngôn ngữ mình dùng nói đến yêu thương nhiều (không cần biết yêu thương ai) hay là ngôn ngữ thù hận, kiêu căng, tục tằn. Người tích cực luôn dùng ngôn ngữ yêu thương. Người tiêu cực dùng ngôn ngữ thù hận. Loại ngôn ngữ nào có nhiều trong cách phê phán của bạn?

Nếu đọc nhật k‎‎ý Đặng Thùy Trâm, các bạn sẽ thấy cuốn nhật ký toàn là ngôn ngữ yêu thương. Năm thì mười họa mới có môt vài chữ có vẻ căm phẫn Mỹ, đương nhiên là do đau khổ mà ra. Người tích cực là như thế, luôn luôn có tình yêu và dùng ngôn ngữ tình yêu, và tâm trí hướng về tình yêu, dù là đang xung trận một mất một còn. Họ không có thời giờ để suy tư thù hận.

* Và dù là ta nói đến hành động bên ngoài hay thái độ bên trong của tâm trí, chúng ta cần nhớ thường xuyên là tư duy tích cực là một thái độ của con tim. Và thái độ của con tim của ta thì chỉ có ta biết, cho nên ta phải rất thành thật với chính mình để có thể thấy con tim của mình, và phải rất tự kỹ luật để tự huấn luyện con tim của mình. Chẳng ai làm được các việc này cho mình cả.

Còn các hành động bên ngoài? Đương nhiên chúng phản ánh phần lớn con tim của mình. Phần nhỏ còn lại, có thể là người ngoài không thể nào hiểu hết con tim mình được; hiểu lầm là chuyện đương nhiên ở đời. Hoặc là chính mình đôi khi làm vài chuyện ngu si mà chính mình cũng không muốn làm. Đây lại cũng là chuyện đương nhiên ở đời. Cứ phải cố lên thôi.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

Tam đoạn luận và giới hạn của luận lý

meeting

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta sẽ khảo sát hai lý luận căn bản nhất trong luận lý học, mà ta dùng hằng ngày, để hiểu rõ và nắm vững chúng trong đời sống và công việc hằng ngày. Đó là tam đoạn luận suy diễn và tam đoạn luận quy nạp. Đồng thời ta sẽ cảnh báo về các giới hạn tự nhiên của ngôn ngữ và lý luận.

• Tam đoạn luận hầu như là nền tảng của phần lớn, nếu không nói là tất cả, suy tư của con người. Tam đoạn luận là lý luận ba câu. Ví dụ: (1) Mọi người đều chết. (2) Ông Xuân là người. (3) Vì vậy, ông Xuân sẽ chết. Hai câu đầu (1) và (2) của tam đoạn luận nầy là 2 tiền đề–tiền đề 1 và tiền đề 2. “Tiền” là trước (không phải là “money”, nhưng nếu bạn hiểu là money cho dễ nhớ thì cũng tốt, vì money thường đi trước mọi sự :-)), tiền đề là mệnh đề đi trước; câu (3) là kết đề, tức là kết luận rút ra từ hai tiền đề.
Tam đoạn luận trên đây là tam đoạn luận suy diễn, nó vì nó “suy” từ cái chung (mọi người) đến cái riêng (ông Xuân).

• Lý luận theo chiều ngược lại, từ VÀI cái riêng đến cái chung, goi là quy nạp. Và quy nạp thì dựa vào quan sát các trường hợp cá nhân, mà “quy” về một định luật chung cho tất cả. Ví dụ: (1) Hùng Vương chết, Hai Bà Trưng chết, Trần Hưng Đạo chết, Quang Trung chết, ông tôi chết, bà tôi chết, v.v.. (2) Các vị đó là người. (3) Vì vậy, mọi người đều phải chết.

• Hai tam đoạn luận này ta dùng rất thường xuyên trong ngày, nhưng gọn gàng hơn. Ví dụ, suy diễn kiểu các bà :-): “Ông này làm gì mà ôm điện thoại đi ra xa, nói nhỏ xíu. Chắc là liên hệ bất chính với cô nào rồi.” Đây là rút ngắn của môt tam đoạn luận: (1) Đàn ông nói điện thoại cách bí mật là có liên hệ bất chính với đàn bà. (2) Ông này đang bí mật. (3) Vì vậy, ông này có liên hệ bất chính.

argument1

• Lỗi lầm thường thấy nhất trong tam đoạn luận suy diễn là tiền đề đầu tiên thường quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Trong ví dụ trên, ở tiền đề 1, ta thấy ngay là nói chuyện bí mật đâu nhất thiết có nghĩa là có liên hệ bất chính, giả sử đó là bí mật quốc phòng hay bí mật nghề nghiệp thì sao?

Muốn cho chính xác hơn thì ta phải “thu nhỏ” lại một tí,và nói theo kiểu xác suất. Ví dụ: (1) Đàn ông, không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp, mà nói chuyện bí mật thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính. (2) Ông này không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp mà cứ nói chuyện kiểu bí mật trước mặt mình, (3) thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính.

“Khả năng cao” thì khá chính xác trên phương diện lý luận, nhưng không mạnh như trăm-phần-trăm. Vì vậy, các quí vị thiếu kinh nghiệm thuyết phục thường cứ cố ăn nói viết lách kiểu trăm-phần-trăm cho mạnh mẽ, nhưng làm người nghe và người đọc nhận ra ngay là mình lớ ngớ và không thành thật.

• Điểm yếu của tiền đề 1 của tam đoạn luận suy diễn cũng chính là điểm yếu của kết đề của tam đoạn luận quy nạp. (1) Tôi thấy ông A nói điện thoại bí mật và có liên hệ bất chính. (2) Tôi cũng thấy ông B cũng vây; ông C cũng vậy.… (3) Vì vậy, hễ đàn ông nói chuyện điện thoại bí mật là có liên hệ bất chính.

Kết luận này quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm, cho nên không tin được. Nếu giảm lại một tí theo cách nói xác suất thì dễ tin hơn: “Vì vậy, hễ đàn ông nói điện thoại bí mật là có khả năng có liên hệ bất chính.”

• Cả suy diễn và quy nạp (cũng như mọi luận lý khác của con người) đều có môt điểm rất yếu nữa, đó là các từ ngữ của con người luôn luôn có tính cách mù mờ, dùng tạm qua ngày thôi, chứ không giải quyết điều gì rốt ráo được. Ví du: (1) Hồng nhan thì đa truân. (2) Cô ấy đẹp quá. (3) Thành ra đời cô ấy khổ.

Phản biện: “Trời, con nhỏ đó, cái mặt mẹt như vậy mà chị nói là đẹp. Nó cực vì chuyên môn nói xạo, chớ hồng nhan cái gì!”

Ở đây ta thấy, từ “đẹp” rất mù mờ. Đẹp xấu tùy người đối diện, tùy say hay tĩnh. Bất cứ từ nào trong ngôn ngữ con người cũng đều mù mờ như thế. Cho nên, những người tin rằng có thể dùng ngôn ngữ và lý luận để giải quyết mọi thắc mắc ở đời, tìm ra mọi chân lý ở đời, là những người rất thiếu kinh nghiệm về lý luận.

argument

• Một điểm yếu rất lớn khác nữa là tất cả mọi phương thức lý luận (kể cả tam đoạn luận) chỉ do con người tìm ra được trong cuộc sống mắt thấy tai nghe. Ví dụ: Tiền đề “Mọi người đều chết”. Ta biết được điều này là do thấy trong lịch sử (qua sách vở) và chung quanh ta ai cũng có lúc chết, cho nên ta “qui nạp” thành kết luận “Mọi người đều chết.” Rồi ta lại mang kết luận quy nạp này làm tiền đề cho một suy diễn mới, “Mọi người đều chết, hắn là người, cho hắn tha hồ ba hoa chích chòe đi rồi cũng có lúc phải chầu chúa thôi!”

Tức là quy nạp, suy diễn, hay bất kỳ lý luận nào ta sẽ học sau này, cũng chỉ là do kinh nghiệm quan sát của con người mà ra. Cho nên, các lý luận này khi gặp điều gì vượt quá vòng kinh nghiệm thường ngày của con người thì hoàn toàn không sử dụng được. Ví dụ: Tự nhiên có một cô gái rất trẻ, nhìn mới hai mươi mấy, đến gặp bạn và nói: “Tôi nói cho cậu bé hay nhé, cậu năm nay cở bốn mấy, thế thì cậu phải gọi tôi là ‘bà tiên tổ’ mới đúng, vì tôi năm nay 3.125 tuổi rồi.” Nếu cô bé này cứ nhất định như thế, và nếu chúng ta không thể chứng minh được tông tích cô này, toàn hệ thống công an cảnh sát của thế giới không có cách nào chứng minh được cô này từ đâu mà có, thì lúc đó ta có thể thấy lời cô ta nói có một cái gì đó có thể có giá trị, chứ chưa chắc là cô ta điên, và qui luật “Mọi người đều phải chết” có thể không dùng được, tối thiểu là trong trường hợp cô bé này.

• Nhận xét trên đây có hậu quả rất lớn cho đời sống con người trên thế giới ngày nay: Trong những lãnh vực xa hơn kinh nghiệm mắt thấy tai nghe (cộng thêm các máy móc phụ mắt và phụ tai), thì toàn hệ thống suy luận của con người không sử dụng được, và đó là lý do tại sao mà tôn giáo và các truyền thông tâm linh luôn luôn sống mạnh cho đến ngày nay, dù là tôn giáo và các truyền thống tâm kinh nói nhiều điều rất khác với kinh nghiệm hằng ngày và lý luận hằng ngày của ta. Các tôn giáo và truyền thống tâm tinh thường nhấn mạnh đến những kinh nghiệm vượt xa kinh nghiệm hằng ngày—Ví dụ: Nói chuyện với Chúa hiện ra trước mặt, nói chuyện với Quan âm Bồ tát hiện ra trước mặt… Ở đây ta không bàn đúng sai, ta chỉ cần hiểu rằng các kinh nghiệm cá nhân siêu hình, dù thật hay không thật, là các kinh nghiệm không thuộc trong lĩnh vực hoạt dộng của ngôn ngữ và lý luận thông thường. Cho nên nếu ta cố gắng tranh biện về các vấn đề này tức là ta rất thiếu kinh nghiệm về ngôn ngữ và lý luận.

• Một điểm quan trọng khác trong việc sử dụng và hiểu biết ngôn ngữ là: Ngôn ngữ, vì giới hạn rất lớn của nó, thường được sử dụng như là “hé cánh cửa” để mời ta vào bên trong và thấy rõ hơn. Nếu ta không chịu mở cửa bước vào, thì không thể thấy bên trong. Ví dụ: Bạn thường ngày về nhà 6 giờ chiều. Hôm nay không hẹn nhưng lại về 11 giờ đêm, vào nhà thấy nàng còn ngồi đó bên mâm cơm và nói “Em đợi anh từ chiều đến giờ.” Bạn thực sự thấy được gì, thấy được bao nhiêu, trong câu nói đơn sơ nhẹ nhàng đó, hay là chỉ lý luận: “Đến giờ thì đi ngủ đi chứ, tại sao đợi làm gì?”

• Luận lý học là khoa học về sử dụng ngôn ngữ và lý luận chính xác. Nó rất cần cho chúng ta trong công việc và đời sống hằng ngày. Cho nên ta phải nắm vững. Và khi đã nắm vững, ta cũng phải biết ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Khi đọc hay nghe một câu nói, có nghĩa là chúng ta nhận được cái bánh ít bọc lá chuối. Ngôn ngữ lý luận là lớp lá bọc, tư tưởng tâm tình là bánh bên trong. Ta ăn bánh bỏ vỏ, hay ăn vỏ bỏ bánh?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Tranh luận là gì?

tranh luận Chào các bạn,

Trong thời đại @ có lẽ sinh hoạt tri thức nổi bật nhất là tranh luận trên Internet. Ngày trước, muốn tranh luận thì ta phải gặp nhau trong quán cà phê, và tranh luận cũng có giới hạn, vì còn phải vui vẻ uống cà phê với nhau. Ngày nay ta có thể tranh luận bất kỳ giờ nào trên mạng, và nhiều khi cũng bạo miệng (à không, bạo ngón tay) hơn, vì không có nhu cầu phải tĩnh lặng uống cà phê với người đang tranh luận. Điều này có nhiều hậu quả sâu xa. Các trao đổi thường xuyên trên Internet giúp cho kiến thức của ta gia tăng với vận tốc kỷ lục, và kiến thức mới mở thêm những chân trời mới cho mỗi người chúng ta cũng như cho đất nước. Trong bài này chúng ta sẽ lược qua vài điểm chính trong nghệ thuật tranh luận.

• Tranh luận là gì? Không nhất thiết cứ cãi nhau là có tranh luận. Tranh luận (argument) là (1) một chuỗi những câu nói (statements) liên hệ chặt chẽ nhau, (2) câu sau liên hệ lý luận chặt chẽ với câu trước, và (3) cả chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minh kết luận cuối cùng là đúng.

Cứ tung những câu nói bừa bãi qua lại, mà không cần đúng sai, đó không phải là tranh luận, mà là cãi nhau như con nít. Ví dụ: Reagan là tổng thống tồi. Không, ông ta là tổng thống hay nhất trong lịch sử Mỹ. Thôi đi, ông ấy chỉ là tài tử đóng phim hạng ba…

Điều quan trọng nhất cho người tranh luận là kết luận cuối cùng—tức là, quan điểm. Người đó phải có một quan điểm rõ ràng và tranh luận để bảo vệ quan điểm đó. Ví dụ: Cần phải tăng thuế VAT. Hay, cần đặt việc nâng cấp giáo chức như là ưu tiên một trong chính sách giáo dục. Người tranh luận đứng đắn luôn luôn có quan điểm và thường báo cho độc giả (hay khán giả) biết rõ lập trường của mình ngay từ lúc mình mới bắt đầu tranh luận. Ví dụ: “Tôi ủng hộ việc tăng thuế VAT vì những lý do sau đây.” Đây là “kết luận” hay “quan điểm”được đưa ra ngay từ đầu cuộc tranh luận, và các lý lẽ trình bày là những lý luận nhằm ủng hộ kết luận (quan điểm) đó.

Tại sao ta lại nói kết luận ngay từ đầu, mà lại không đợi đến kết cuộc mới kết luận. Thưa, vì lý do ta đã nói trong vài bài trước đây: Một tư tưởng hay một câu nói tự nó không có nghĩa lý gì cả; nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được dùng để phục vụ một mục đích, một kết luận, nào đó. Ví dụ: “Thống kê cho thấy các công ty của ta có mức lợi tức cao hơn các công ty tại các quốc gia lân cận.” Câu này tự nó chẳng có nghĩa lý gì hết (cho nên người nghe hay hỏi “Rồi sao?” hay “So what?”). Tuy nhiên, nếu người nghe đã biết trước là “anh này chủ trương tăng thuế lợi tức công ty,” thì người nghe hiểu ngay được sự quan trọng của câu nói này. Vì vậy, nếu ta không muốn bị “mất” khán/độc giả, và không muốn để họ “bị lạc” một giây đồng hồ nào, ta phải nêu rõ kết luận (quan điểm) ngay từ đầu, để họ hiểu rõ được từng lời mình nói. Đó gọi là “tập trung tư tưởng khán/độc giả.”

• Những người có tiếng nói trong một cuộc tranh luận nhưng không có lập trường rõ ràng, thường thuộc 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm khán giả. Đôi khi một vài người nghe cần mình giải thích thêm một tí, họ có thể hỏi mình giải thích rõ thêm. Nhóm thứ hai là nhóm phá đám. Họ chỉ muốn tấn công người nói bằng đủ loại câu hỏi, chỉ để làm cho người nói mệt mỏi và người nghe lạc đường, hoặc chỉ để lòe người khác là họ “thông thái”, chứ không có lập trường nào khác. Nếu bạn gặp một người cứ ném vào bạn thường xuyên các câu tấn công như “Anh định nghĩa chữ này dùm”, “anh làm ơn cho thống kê chứng minh câu anh vừa nói”, “tại sao?” … đó là dấu hiệu anh ta là người phá đám. Dĩ nhiên, đây có thể là các câu hỏi rất hay, nếu chúng không bị lạm dụng. Nhưng chúng rất dễ bị lạm dụng để phá đám.

tranh luận Khi có cảm tưởng bị phá đám, ta có 3 cách để đối phó. Cách thứ nhất, ta chỉ cần hỏi lại: “Tôi thấy anh hỏi đã nhiều rồi. Trước khi tôi trả lời tiếp, anh làm ơn cho biết lập trường của anh là gì để chúng ta có thể bàn luận dễ dàng hơn? Anh ủng hộ tăng thuế hay giảm thuế?” Nếu người kia trả lời rõ lập trường, ví dụ “tôi chủ trương giảm thuế,” ta có thể tiếp theo ngay, “Vậy anh làm ơn cho biết những lý lẽ anh có để ủng hộ lập trường của anh.” Như vậy anh ta sẽ bận rộn bảo vệ lập trường của anh ta và không còn thời giờ để phá đám.

Thứ hai, đôi khi có người có lập trường và thích tranh luận, nhưng lập trường của họ hoàn toàn khác với lập trường của mình, và họ chỉ tranh luận để mình không yên ổn làm việc được. Ví dụ, một nhóm bạn thơ chỉ muốn uống cà phê thưởng thức thơ văn êm đềm, nhưng có một bạn nhất định phải đưa các vấn đề chính trị vào thơ và biến thơ thành tranh cãi chính trị. Ta nên nhắc nhẹ bạn ấy vài câu, nêu bạn ấy còn tiếp tục thì mời bạn ấy ra khỏi nhóm.

Thứ ba, đối với người chuyên môn phá mà không bao giờ muốn tranh luận với một lập trường rõ rệt, (thông thường là vì muốn chứng tỏ cái “thông thái” của mình), ta cứ lờ họ đi. Và nếu họ cứ nhất định lải nhải, ta đành mời họ ra ngoài.

• Một trong những quy luật căn bản nhất để tranh luận có hiệu quả tốt, là tranh luận phải nằm trong khung cảnh tương kính lẫn nhau. Cũng như lớp học phải có trật tự và yên lặng, nếu khung cảnh tương kính không có trong tranh luận, tranh luận sẽ trở thành những lạm dụng rẽ tiền, chẳng lợi gì cho ai cả, nếu không nói là có hại.

• Về phương diện kỹ thuật, dĩ nhiên là mỗi câu chúng ta nói ra phải hợp luận lý và tuân thủ các công thức lý luận cổ điển. Ta sẽ đi vào các công thức luận lý trong một dịp khác. Hôm nay ta chỉ nói đến công thức thông dụng nhất mà ai trong chúng ta cũng sữ dụng hằng ngày. Đó là tam đoạn luận, gồm 3 mệnh đề, như thí dụ sau. (1) Mọi người đều chết; (2) ông X là người; (3) vì vậy ông X sẽ chết. Đây là một tam đoạn luận suy diễn, tức là suy từ chuyện chung (“mọi người”) đến chuyện riêng (“ông X”). Hai câu đầu là 2 tiền đề , câu thứ ba là kết luận.

Mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng dùng tam đoạn luận suy diễn rất nhiều, dù là ta nói gọn hơn và ta cũng không để ý đến. Ví dụ: “Dĩ nhiên là bà mít ướt rồi.” Câu này thực ra là cả một tam đoạn luận rút gọn lại chỉ còn một câu. Nếu bị hỏi ngược lại, “Tại sao anh nói tui mít ướt?” thì đương nhiên là ta phải trình bày rõ ràng thành ba câu, “(1) Đàn bà ai cũng mít ướt; (2) chị là đàn bà, (3) đương nhiên chị cũng mít ướt.” Dĩ nhiên, ai cũng thấy lý luận này sai vì tiền đề đầu tiên (“đàn bà ai cũng mít ướt”) không đúng. Vì vậy, thường là ta sẽ bị hỏi lại, “Ai nói với anh đàn bà ai cũng mít ướt?” Tới lúc này, nếu bạn là người thông thái, thì nên “Xin lỗi chị. Tui đùa hơi lỡ lời. Mai mốt sẽ không làm vậy nữa,” và không nên giải thích gì thêm nữa, vì càng giải thích thì bạn càng tự đào sâu cái hố cho chính mình. (Ở Mỹ, lầm lỗi về kỳ thị giới tính kiểu này là lầm lỗi cực lớn. Bạn sẽ bị đánh giá là rất thiếu giáo dục. Chỉ có xin lỗi thành khẩn ngay lập tức mới chứng tỏ được là mình người đứng đắn và trí tuệ).

tranh luận • Thí dụ trên cho thấy lầm lỗi thông thường nhất trong sữ dụng ngôn ngữ và lý luận là tổng quát hóa quá đáng—tức là dùng các từ có tính cách tuyệt đối. Người Việt ta gọi là “vơ đũa cả nắm.” Những từ nói đến “tất cả”, “mọi”, “toàn thể” thường là sai, không đáng tin. Các từ này làm cho người ta nghĩ rằng người nói rất ngớ ngẩn và không thể tin cẩn. Ví dụ: Hãy tưởng tượng một vị tổng thống nói trước 10 ngàn dân, “Tất cả công dân đều ủng hộ chính sách của tôi.” Chỉ cần một người la lớn lên, “Tôi không ủng hộ,” thì câu nói của ngài tổng thống trở thành ngớ ngẩn ngay. Vì vậy, ta nên đổi các từ này thành các từ có số lượng nhỏ hơn một tí như “đa số”, “phần đông”, “phần nhiều.” Như vậy vừa an toàn hơn, vừa đáng tin hơn.

Các từ liên hệ đến chữ “nhất” cũng thế. Ví dụ: Đây là người nổi tiếng nhất, quyển sách hay nhất, người đẹp nhất, hành động anh hùng nhất, v.v… Đây cũng là các từ tuyệt đối. Ngoại trừ quảng cáo thương mại thì không ai thèm bắt bẻ, người dùng từ các này thường được xem là ngớ ngẩn và không đáng tin. Hãy đổi lại thành “một trong những quyển sách được xem là hay nhất”, “một trong những người nổi tiếng nhất” v.v…

• Trong môn luận lý học, các giáo sư sẽ nói với bạn rằng những câu nói nhằm khích động cảm tính con người là những câu “sai luận lý” (fallacy), vì thường chúng chẳng liên hệ đến chuỗi luận lý tí nào cả (irrelevancy). Ví dụ: “Chúng ta không thể có những loại người gian ác ức hiếp người nghèo như thế. Phải kết tội hắn tối đa.” “À … à… ông công tố viên à. Câu hỏi ở đây là thân chủ tôi có vi phạm luật giao thông hay lái xe bất cẩn gây tai nạn không, chứ ăn nhập gì đến chuyện giàu nghèo?”

• Trên bình diện xã hội, khác với luận lý học thuần túy, ai trong chúng ta cũng biết là cảm tính của con người thường có tính cách quyết định. Nếu bạn nói mà nhiều người thương, thì nhiều người sẽ đồng ý với bạn. Nếu bạn nói, dù là hợp luận lý cách mấy, mà đa số không ưa bạn thì mọi người sẽ bất đồng ý.

Vì vậy, yêu người và người yêu mình rất quan trọng trong công tác biện luận. Nói đúng luận lý chỉ là bước sơ đẳng. Trình bày luận lý đó trong ngôn ngữ gần gũi với người nghe, với một cung cách gần gũi với người nghe, và có thể làm người nghe cùng cảm xúc với mình, đó mới thực sự là công việc thuyết phục.

• Tóm lại, hôm nay ta nói đến 4 điểm quan trọng nhất trong tranh luận. Thứ nhất, người tranh luận phải có một quan điểm rõ ràng, và nên cho mọi người (người tranh biện với mình và khán/độc giả) hiểu rõ quan điểm của mình ngay từ đầu. Thứ hai, tranh luận cần một khung cảnh tương kính lẫn nhau. Thứ ba, tránh các từ có tính cách tuyệt đối. Thứ tư, cần mọi người cùng xúc cảm với mình.

Một điều quan trọng nữa là, ta không chỉ tranh luận với người bất đồng ý kiến, mà thực ra ta tranh luận với người cùng ý kiến với mình thường xuyên hơn. Đó là chính là phản biện (counter-arguing). Muốn thực sự hiểu rõ một vấn đề, ta cần phải lý luận từ mọi hướng—hướng của ta và hướng đối nghịch. Trong một vụ kiện, hai luật sư của một bên thường tranh luận nhau, một người phe ta, một người đóng vai phe địch, chẳng khác gì võ sĩ tập trận. Nếu không tập đấu tranh như thế thì không thể nào thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu. Hiện nay chúng ta thường nghe than vãn là vấn đề phản biện chính sách ở nước ta còn rất yếu. Đó cũng chính là lý do mà chính sách thường có khuyết điểm. Vậy thì, bạn có giúp được gì không? Dĩ nhiên là được. Hãy bắt đầu tích cực hơn trong các thảo luận về các vấn đề xã hội. Bắt đầu rất dễ dàng–chỉ cần lâu lâu ta nói một câu “cám ơn” và một chữ “tại sao.” Dễ quá, phải không các bạn?

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Lý luận phân tích: Tổng hợp

Nhà lego
Nhà lego
Chào các bạn,

Ta đã lược qua phân tích, hôm nay ta nói đến gian đoạn cuối của tiến tình phân tích, tức là tổng hợp. Tổng hợp có thể tạm gọi là “kết luận.” Đó là câu nói mà người ta hay nói trong cuối mỗi buổi hội thảo: “Tóm lại…”

Nhiều người thường tưởng lầm rằng tổng hợp là một loại suy luận khác với phân tích, nhưng thực ra nó là một phần của tiến trình phân tích vì, cũng như sau khi rã máy thì người kỹ sư phải ráp máy lại, người làm công việc suy tưởng phải tổng hợp tư tưởng sau khi đã phân tích. Nếu phân tích mà không tổng hợp, thì nó thường là nói nhăng nói cuội, mà ta hay thấy trong nhiều cuộc tranh luận.

• Tư tưởng hoạt động giống như các khối Lego mà trẻ em hay dùng để chơi trò chơi xây dựng—ráp các khối lego lớn nhỏ đủ màu thành nhà, xe, máy bay, tàu ngầm, và tất cả hình thù gì các em có thể tưởng tượng ra. Tổng hợp chính là mang những tư tưởng rời rạc mà ta có trong giai đoạn phân tích và ráp nó thành một sản phẩm. Sản phẩm đó có thể là một một kết luận về một sự thực, như ai có lỗi trong vụ này và lỗi nhiều hay ít ra sao, hay các nguyên do gây ra một cơn bệnh. Sản phẩm đó có thể có thêm đề nghị về các phương thức giải quyết vấn đề. Sản phẩm đó cũng cũng có thể là một mô hình hoàn toàn mới cho một dự án hoàn toàn mới.

Vấn đề rất nhiều người gặp phải là trong tiến trình phân tích họ đã đi qua hằng chục cây số đường quanh co, thu nhặt hằng ngàn mảnh vụn tư tưởng lớn nhỏ, và giờ đây trong đầu họ chỉ là một đống tư tưởng hỗn độn vĩ đại, không biết phải làm gì với những mảnh vụn đó. Và đây cũng là vấn đề ta thường gặp trên Internet, khi vài vị tranh luận từ Bangkok qua Paris, Moscow, Dubai, vô đến các rừng rậm Amazon, rồi ngưng ngang, sau khu đã đủ mệt và đã làm cho rất nhiều người khó chịu, và chẳng ai, kể cả người viết, có được kết luận gì hết, hay hiểu được gì hết.

• Nói thế để chúng ta thấy, tổng hợp, giai đoạn cuối cùng của phân tích, mới thực sự là sáng tạo. Các phân tích trước đó chỉ là khám phá và lượm nhặt. Tổng hợp là dùng những gì mình nhặt được để làm ra một sản phẩm mới. Vậy thì, điều quan trọng nhất của tổng hợp là ta muốn có sản phẩm gì. Ta muốn dùng các khối lego để xây cái gì—nhà, xe, hay máy bay? Ý muốn về một sản phẩm là chính là yếu tố quyết định tổng hợp. Nếu ta không biết ta muốn cái gì—theo kiểu lâu lâu thẩy một câu hỏi ra để có chuyện cãi nhau với thiên hạ–thì mọi phân tích đều chỉ tốn thời giờ vô ích.

Lâu đài Excalibur bằng lego
Lâu đài Excalibur bằng lego
Ví dụ về tệ nan mãi dâm, ta muốn gì trong tiến tình phân tích? Ta muốn viết một tờ trình lên thủ tướng về các nguyên nhân mãi dâm? Môt tờ tình vừa kể nguyên nhân vừa đề nghị giải pháp? Hay ta muốn viết một bài tấn công các quí vị đàn ông mua hoa? Hay một bài phê bình thái độ không công bình của xã hội về việc khắt khe với nữ giới và rộng rãi với nam giới về các vấn đề tình dục? Hay một bài kể tội công an? Hay kể tội chính quyền địa phương? Hay viết bài ủng hộ việc hợp pháp hóa kỹ nghệ mãi dâm? Hay đề nghị dự án hướng nghiệp cho chị em ta? Hay sửa đổi hình luật để chú trọng vào khách mua hoa hơn? Nói chung, ta có thể có cả hằng trăm mục đích khác nhau. Và dù là mục đích nào đi nữa, thì ta cũng chỉ dùng một nguồn nguyên liệu, đó là đống tư tưởng ta đã thu lượm được trong tiến trình phân tích.

• Vậy thì, các mảnh vụn tư tưởng mà ta tìm được trong tiến trình phân tích tự chúng không có ý nghĩa gì cả. Chúng chỉ có ý nghĩa khi được sắp xếp để phục vụ mục đích của tổng hợp. Ví dụ: Cùng một dữ kiện “mãi dâm càng ngày càng gia tăng”, người thì dùng nó để cổ vũ việc gia tăng ngăn chận mãi dâm, người lại dùng nó để cổ vũ việc hợp pháp hóa mãi dâm. Cả hai người này có mục đích gần chỏi nhau 100%, nhưng lại dùng cùng một dữ kiện để lý luận. Một khối lego tự nó chẳng có ý nghĩa gì cả–nếu dùng xây nhà thì nó là lego xây nhà, nếu dùng để xây cầu thì nó thành lego xây cầu.

• Bởi vì vậy, ta phải có mục đích trước, sau đó ta mới thực sự hiểu được nghĩa lý của tư tưởng. Ví dụ: Kho lưu trữ thống kê của nhà nước chẳng có nghĩa lý gì hết. Nếu ta dự định đọc tài liệu thống kê để tìm ra biện pháp gia tăng phát triển kinh tế, thì các thống kê sẽ sống dậy như một đoàn quân giúp ta phát triển. Ngược lại, nếu ta có chủ đích tìm thống khê để phê phán nhà nước bất tài, thì thống kê cũng sẽ đứng dậy giúp ta làm việc này.

• Hơn thế nữa, không phải là đợi đến khi phân tích xong, mà trong nhiều trường hợp, ta phải có mục đích của tổng hợp ngay cả trước khi phân tích. Ví dụ: Ta mở một cuộc họp cho một số viên chức các bộ để tìm phương thức ngăn chặn mãi dâm. Trong cuộc họp này, mọi người phân tích vấn đề với chủ đích ngăn chận mãi dâm, cho nên các phân tích về hướng khuyến khích mãi dâm, hay xa đề quá như vai trò mãi dâm trong các tôn giáo thời cổ sử, sẽ xem như nằm ngoài chương trình thảo luận (để khỏi tốn thời gian). Một cuộc họp như vậy sẽ không bị tốn thời gian nói lòng vòng quá nhiều, ngược lại nó cũng có thể giới hạn óc sáng tạo phần nào, vì nó giới hạn tự do “lang thang” của phân tích. Đây là quyết định quản lý, muốn dành thời giờ bao lâu cho phân tích “lang thang.”

Cá mập lego
Cá mập lego

• Dĩ nhiên ngưởi ta có thể để tư tưởng đi lang thang trong một tiến trình phân tích vô chủ đề và vô giới hạn về thời gian, và chẳng quan tâm đến tổng hợp hay không—khi nào nó đến thì đến. Cách suy tư này thường gặp trong các triết gia và thi sĩ (là các quí vị không biết quí thời gian :-)). Nhưng trong các vấn đề xã hội hằng ngày, ta cần một muc đích để tập trung tư tưởng và để quản lý thời gian. Vì vậy, mục đích của toàn tiến trình tư tưởng phân tích và tổng hợp thường được đặt ra ngay từ đầu.

• Thông thường trong thế giới thương mại, phân tích và tổng hợp thường được sử dụng như sau: (1) Trưởng nhóm gọi một cuộc họp để mọi người động não (brainstorm) về, chẳng hạn, sáng tạo một đồ chơi mới cho trẻ em 6 tuổi cho mùa giáng sinh tới. Trong cuộc động não này, chỉ có phân tích và không có tổng hợp. Thành viên tha hồ nói ra bất kỳ ý tưởng nào đến trong đầu, không cần biết đúng sai, tốt xấu. Hoàn toàn không có vấn đề định giá. Cứ nghĩ đến điều gì là nói ra, và ai nói ra điều gì mọi người khác ghi lại điều đó. Động não như thế có thể kéo dài nhiều buổi họp. (2) Bắt đầu làm tổng hợp đầu tiên, lấy ra giữa hàng chục đề nghị vài ba đề nghị có vẻ hay nhất, rồi tiếp tục động não (phân tích), tập trung vào các đề nghị đó. (3) Tổng hợp một lần nữa bằng cách định giá vài đề nghị còn lại để lựa ra đề nghị xem là tốt nhất. Rồi tiếp tục động não (phân tích) về đề nghị cuối cùng này. (4) Tổng hợp để viết lên một chương trình làm việc cụ thể để tạo ra sản phẩm mẫu đầu tiên.

• Nói chung là phân tích và tổng hợp nối tiếp nhau trong một tiến trình suy tư sáng tạo. Và tiến trình này thường được hướng dẫn bằng một mục tiêu đầu tiên. Tiến trình phân tích tổng hợp càng tiến xa thì mục tiêu đầu tiên càng được cụ thể hóa. Cho đến cuối tiến trình thì mục tiêu—là ngôi sao hướng dẫn tiến trình—lại được tiến trình làm cho cụ thể hơn và sáng sủa hơn. Có nghĩa là mục tiêu hướng dẫn tiến trình, nhưng tiến trình cũng hướng dẫn mục tiêu. Cả hai đều rất uyển chuyển trong suốt tiến trình sáng tạo.

Chúc anh chị một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Lý luận phân tích: Tại sao?

Why?
Why?

Chào các bạn,

Hôm qua chúng ta nói đến 6 câu hỏi căn bản của tiến trình phân tích lý luận: 5W1H—what, where, when, who, why và how. Hôm nay chúng ta sẽ bàn đến câu hỏi quan trọng nhất trong 6 câu này—Why? Tại sao?

Nhiều năm về trước, ngày nào cũng có một cô bé láng giềng bốn tuổi, tên là Jenny, vào nhà mình chơi. Cô bé này chỉ nói có một chữ “why”, cho nên mỗi lần nói chuyện với cô bé là một thử thách trí tuệ cực kỳ lớn. Chào Jenny. Why? À tôi muốn hỏi em hôm nay thế nào. Why? Vì tôi quan tâm đến em. Why? Vì em dễ thương. Why? Vì trời làm em dễ thương. Why? Vì trời thích làm như thế. Why? Hmm… hmm… cũng chẳng biết tại sao trời thích thế. Why? Hmm… vì chẳng nghe ông ấy nói gì. Why? Hmm… vì có gặp ông ấy đâu. Why? Chẳng biết cách gặp. Why? Chưa tìm ra cách gặp. Why? ….

Đại khái là các cuộc đàm thoại thường xảy ra như thế. Mình hay nói đùa lúc đó: “Cô bé này là Socrates tái sinh, hằng ngày vào nhà thử thách mình đây.” Ai đó đã định nghĩa triết gia là người nhìn cuộc đời với đôi mắt bỡ ngỡ của một bé thơ. Thật là chính xác! Bao nhiêu nghìn năm tư tưởng triết lý và khoa học của con người chung quy cũng bắt đầu bằng một câu hỏi—Tại sao? Tại sao tôi ở đây? Tại sao có trời? Tại sao có đất? Tại sao bệnh? Tại sao gầy? Tại sao béo? Tại sao em học giỏi? Tại sao em học dốt? Tại sao nước ấy giàu? Tại sao nước ta nghèo? Tại sao thế giới nhiều chinh chiến?

“Tại sao” là câu hỏi cốt lõi nhất của tư duy con người, vì nó là mặt trái của một đồng tiền cắc, mà mặt kia là định luật căn bản chi phối tất cả các hiện tượng khoa học, kinh tế, xã hôi, triết lý, tâm lý… của con người—liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả (the causal relationship, the relationship between cause and effect): Bất kỳ điều gì trên đời cũng có nguyên nhân của nó. Muốn sửa chữa hay thay đổỉ một tình trạng hay một vấn đề nào đó, ta phải biết rõ nguyên nhân đã sinh ra nó. Nếu không thì cũng như người bị mặt mụn vì gan yếu nhưng cứ mua calcium uống hằng ngày (cho khỏe xương).

Why!
Why?!!

Biết được cái gì là nguyên nhân của cái gì, không phải là một việc dễ. Hỏi các thầy thuốc thì biết ngay. Vì thế mà có thầy thuốc hay và thầy thuốc dở. Có 2 loại khó khăn trong việc tìm liên hệ nhân quả. (1) Thứ nhất là không thấy được nhuyên nhân. Rất nhiều khi ta nghe các bác sĩ nói, “Bệnh này thì chúng tôi đành bó tay vì không biết cái gì sinh ra nó.” (2) Thứ hai là lẫn lộn giữa nguyên nhân và hậu quả. Con gà có trước cái trứng, hay cái trứng có trước con gà? Giáo chức làm hỏng chính sách giáo dục, hay chính sách giáo dục làm hỏng giáo chức? Vấn đề lại càng phức tạp hơn khi nguyên nhân và hậu quả có thể ảnh hưởng hỗ tương trong một vòng tròn, như thường xảy ra trong các hiện tượng xã hội: Chính sánh có chỗ hơi yếu vì thế làm yếu giáo chức, giáo chức yếu làm chính sách càng tồi thêm, chính sách tồi tệ lại làm cho giáo chức càng thêm xuống dốc, giáo chức càng xuống dốc lại càng phá hoại chính sách. Cái vòng lẩn quẫn cay nghiệt này cứ xoay quanh người ta như một vòng tù và người ta không thể nào thoát ra được.

Rất thường khi ta lại bị choáng ngợp vì thấy có quá nhiều nguyên nhân cho một vấn đề, cho đến nỗi không biết giải quyết cách nào. Ví dụ, tệ nạn mãi dâm sinh ra vì các cô ít học vô nghề, các cô bị dẫn dụ, các cô bị bắt cóc bán, dễ làm ra tiền, khách mua dâm nhiều, khách mua dâm không bị trừng phạt, văn hóa kết án người bán nhưng không kết án người mua, đạo đức sinh lý của các ông thấp, công an bị các mạng mãi dâm mua, không có nơi thuê các cô làm việc lương thiện với mức lương sống được, v.v… Tìm ra được tất cả nguyên nhân, biết được nguyên nhân nào mạnh nhất, nguyên nhân nào yếu nhất, nguyên nhân nào xa, nguyên nhân nào gần, nguyên nhân nào cần gì để giải quyết… không phải là một việc dễ.

Tất cả mọi hiện tượng của con người—chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, tâm lý, triết lý, văn hóa, nghệ thuật—đều có thể sửa đổi được theo hướng ta muốn nếu ta tìm ra đúng nguyên nhân, hay nói đúng hơn là tìm ra đúng liên hệ nhân quả. Và thực ra, mọi bất đồng của con người, thường thì cũng chỉ là những bất đồng về giải pháp—người này đảng này thì cho là giải pháp này đúng, người kia đảng kia thì cho là giải pháp kia đúng. Và các bất đồng về giải pháp thực ra cũng chỉ là bất đồng về phân tích liên hệ nhân quả–cái gì mới thực là nguyên nhân, và cái gì mới là nguyên nhân mạnh nhất.

Why huh?
Why huh?

Tất cả mọi điều này đến chỉ từ một chữ “tại sao?” Và tất cả các câu hỏi khác (chuyện gi? ở đâu? lúc nào? ai? thế nào?) thực ra là cũng chỉ hỗ trợ cho “tại sao?”. Ví dụ: Anh nói với tôi lúc 5 giờ chiều (when) anh đang chơi bi da ở Bình Minh (where) với một ngưởi bạn tên Bằng (who), TẠI SAO bà Bình Minh (who) không có trong sổ sách là anh chơi ở đó, anh cũng không biết tên Bằng giờ ở đâu, và cô chủ tạp hóa Hồng (who) cách nơi bị trộm 5 căn nhà (where) [cách bida Bình Minh 5 km] nói là anh có vào mua gói 555 lúc 5 giờ 5 phút (when)? Ta thấy, trong câu hỏi này “tại sao” là móc nối giữ hai hiện tượng khác nhau để cho ta thấy chúng có thể ăn khớp nhau (nhân quả) một cách hợp lý, hay là phản nhau một cách phi lý. Và nhờ đó ta biết được thật giả, đúng sai.

Vì vậy tât cả lý luận phân tích có thể dồn vào một câu hỏi “tại sao ?” “Tại sao” là con đường khám phá sự thật, là giềng mối của sáng tạo. Chỉ một chữ “tại sao” có thể cho ta khám phá biết bao vấn đề và biết bao giải pháp. Tại sao sinh viên học sinh thiếu sáng tạo? Tại sao giáo chức thiếu năng động? Tại sao quan chức hay lạm quyền? Tại sao báo chí thiếu sức mạnh? Tại sao trong chiến tranh ta đánh đâu cũng thắng? Tại sao ta không sợ chết? Nhưng ta hay sợ bị cười?

“Tại sao” là cánh cửa mở vào chân lý và sáng tạo. Cho nên ta cần khuyến khích sinh viên, học sinh, nhân viên, thuộc cấp, con cái dùng nó hằng ngày. Không hỏi tại sao, không thấy được chân lý, không thấy được vấn đề, không thấy được giải pháp, không có cả được ánh lửa sáng tạo của chỉ một que diêm.

Tuy nhiên, như câu chuyện về bé Jenny từ đầu, “tại sao” có sức mạnh đẩy người ta đến tận cùng của lý luận, phải đối diện với giới hạn của chính mình. Cho nên những người có quyền nhưng thiếu tự tin thường không muốn nghe câu này. Trong truyền thống “không khuyến khích hỏi” của nước ta, “tại sao” hầu như là từ cấm kỵ. Bố mẹ, thầy cô, quan chức, quản lý, không muốn nghe chữ “tại sao” từ miệng người cấp dưới. Ta thường nói đến “tự do ngôn luận”. Nếu cần giản dị hóa, ta chỉ cần tự do hỏi “tại sao?” Đó là ngưỡng của của trí tuệ, của tiến hóa, của thịnh vượng, của phát triển. Công ty nào mà nhân viên hay hỏi tại sao, công ty đó sẽ chiến thắng. Quốc gia nào mà người dân hay hỏi tại sao, quốc gia đó sẽ cường thịnh.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Lý luận phân tích

Phân tích
Phân tích

Chào các bạn,

Trong các kỹ năng suy nghĩ và lý luận thì có lẽ kỹ năng phân tích (analytical skill) được xem là quan trọng hơn cả. Hầu như bất cứ quảng cáo tìm chuyên gia hay quản lý nào ở Mỹ cũng ghi điều kiện “good analytical skill.” Vậy , kỹ năng phân tích là gì? Và tại sao nó quan trong đến thế?

Phân tích có nghĩa là chẻ vấn đề ra thành từng mảnh nhỏ, để hiểu từng chi tiết, từng khía cạnh nhỏ, hiểu được vấn đề từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, cũng như người thợ máy rã cái máy khổng lồ thành trăm mảnh vụn để tìm và chữa bệnh bên trong lòng máy. Người ta thường dùng chỉ một từ phân tích, nhưng trong thực tế, phân tích còn bao hàm ý tổng hợp. Tổng hợp là ngược lại của phân tích, là ráp trăm mảnh phụ tùng lặt vặt lại thành chiếc máy. Nếu rã máy mà không lắp lại được, thì đó là phá máy chứ không phải là phân tích, phải không? Tuy nhiên, người ta ít chú tâm và ít nói đến tổng hợp, vì người giỏi phân tích tự nhiên là giỏi tổng hợp, cũng như người rã máy thường xuyên thì đương nhiên là sẽ biết ráp trở lại.

Trên phương diện lý luận, kỹ năng phân tích có thể gom vào một chữ–“hỏi.” Người phân tích là người biết đặt câu hỏi, như chuyên viên điều tra. Nghe bất cứ điều gì cũng có thể đặt câu hỏi. Nói tóm tắt là “Hỏi cho ra lẽ.” Trong các chương trình giảng dạy về điều tra cho nhân viên an ninh, ký giả, luật sư, v.v… người ta dạy một công thức hỏi giản dị–5W1H–what, where, when, who, why và how. Chuyện gì xảy ra, ở đâu, lúc nào, xảy ra với ai, tại sao xảy ra, xảy ra cách nào. Ví dụ:

“Trời ơi, ngoài đường Lê Văn Sỹ cháy dữ lắm!”
1. “Vậy hả? Cái gì cháy.” (what)
“Xe hơi.”
2. “Chỗ nào” (where)
“Cổng số sáu?”
3. “Đang cháy hả?” (when)
“Ừ, đang cháy. Tui mới ở đó về.”
4. “Cháy sao?” (how)
“Thấy cháy đầu máy, lan ra giữa xe rồi. Chắc nổ thùng xăng quá.”
5. “Tại sao cháy vậy?” (Why)
“Không biết. Chắc hết dầu máy, xe nóng quá. Hay là gì đó.”
6. “Có ai bị thương không?” (who)
“Thấy có ông tài xế với một bà đứng đó. Không thấy ai trong xe. Không thấy ai bị thương.”

Trong nghề ký giả, một bản tin vắn tắt cũng phải có tối thiểu là 6 yếu tố này mới được xem như hội đủ tiêu chuẩn. Dĩ nhiên, mỗi câu trả lời trong này lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi khác, và mỗi câu trả lời mới lại có thể đẻ ra 6 câu hỏi mới. Chỉ trong một lúc thôi, là 6 câu hỏi đầu tiên có thể đẻ ra hằng trăm câu hỏi mới, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi người điều tra thấy không cần phải hỏi thêm nữa. (Vì vậy các luật sư luôn luôn khuyên các thân chủ trong các vụ kiện là “không nói gì với ai hết.” Nói môt câu là trả lời một năm chưa xong).

Động não
Động não

Trong nghệ thuật lý luận và hùng biện, phương pháp này còn gọi là phương pháp Socrates, vì triết gia Socrates của Hy Lạp thường biện luận bằng cách dựa vào câu nói của đối thủ rồi bắt đầu hỏi ông ta, cho đến khi ông ta phải công nhận là điều ông ta nói không đúng. Ví dụ:

“Đàn ông xấu.”
“Chị nói sao?”
“Tui nói đàn ông xấu.”
“Vậy tui xấu sao?”
“Anh ngoại lệ. Anh là bạn tốt của tui.”
“Vậy ba của chị thì sao?”
“Ba tui ngoại lệ.”
“Ông nội cũng ngoại lệ?”
“Ừ.”
“Vậy chị còn nói đàn ông xấu nữa không?”
“Thôi. Tui nói, đàn ông xấu, ngoại trừ một thiểu số.”
“Thiểu số đó là những ai vậy?”

Và cứ thế mà tiếp tục.

Trong đời sống tri thức, cái nhìn phân tích là cái nhìn đánh dấu hỏi trên mọi giả thuyết, mọi định đề, mọi câu nói, mọi từ ngữ, cho đến khi người hỏi thỏa mãn với mọi câu trả lời. Vì vậy, khả năng phân tích (analytical skill) chính là cốt lõi của tư duy phê phán (cirital thinking) mà ta đã nhắc qua trước đây trong bài “Tư duy tích cực.” Tư duy phê phán có nghĩa là không chấp nhận điều gì là đúng cho đến khi ta đã nghiên cứu mọi khía cạnh lớn nhỏ của vấn đề, để kết luận và phê phán cái gì đúng cái gì sai. Và trong tiến tình nghiên cứu đó, kỹ năng phân tích là kỹ năng số một, nếu không phải là kỹ năng duy nhất.

Ta có thể thấy ngay là trong một cuộc biện luận dùng phân tích, người ta có thể đi hoài đến vô tận, không bao giờ ngừng, Một cuộc nói chuyện có thể bắt đầu từ trung tâm thành phố Nha Trang và chỉ một lúc sau đã có thể lang thang trên những đỉnh tuyết trắng trên dãy Alps của Âu châu hay những thảo nguyên hừng hực nóng ở Châu Phi. Vì vậy, kỹ năng phân tích rất hữu ích trong những buổi động não (brainstorm) tìm ánh sáng sáng tạo.

Lý sự cùn
Này, này, ông lý sự cái này này!

Và dĩ nhiên là trong nhiều cuộc tranh luận ta hay thấy trên Internet, nó có thể làm cho tất cả mọi người, từ người tranh luận cho đến người đọc, lạc sâu trong những cánh rừng rậm hoang vu. Cho nên, trong thực tế ta phải biết khi nào thì ngưng, hay tạm ngưng, phân tích vì những lý do thực tiễn—không thể cứ ngồi đó phân tích hoài, hoặc phân tích quá xa so với chủ đề ban đầu.

Hơn nữa, chúng ta phải biết giới hạn của ngôn ngữ và lý luận. Ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Ta không thể cứ tin vào ngôn ngữ 100% để giải quyết mọi vấn đề. Ví dụ: Cái bàn là gì? Một mặt phẳng và bốn cái chân. Thế cái gường cũng là cái bàn sao? Không, cái bàn để ngồi và ăn uống. Vậy cái sập gụ các ông đồ ngồi dạy học có phải là cái bàn không? Không, người ta không ngồi trên bàn. Vậy nhà tôi có ông Phật ngồi trên bàn, nó là cái gì? Cứ như thế, nếu ta lấy ra bất kỳ một từ nào trong tự điển và bắt đầu phân tích, thì từ đó cũng đều không hoàn toàn chính xác. Vì vậy, ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều hạn chế. Ta phải biết các hạn chế đó.

Ngoài ra, đa số vấn đề trong đời sống, không thể cứ mang lời nói và lý luận ra mà giải quyết. Ví dụ: Một nhóm dân quê có thể nói với nhà nước như thế này: “Đây toàn là đất hương hỏa ông cha chúng tôi đã cả trăm năm để lại. Mấy ông đừng mang luật lệ, lý sự cùn, hay súng ống ra dọa. Chúng tôi không dời đi đâu hết. Chúng tôi sẵn sàng chết trên mảnh đất của chúng tôi.” Những trường hợp đó phải được giải quyết từ từ bằng đối thoại, cảm thông, và thuyết phục bằng tình cảm.

Kỹ năng phân tích, cũng như, mọi kỹ năng khác, được phát triển nhờ thực tập hằng ngày. Hiện nay, không có cách nào thực tập hay hơn là tranh luận trên các diễn đàn Internet. Cho nên nếu các bạn siêng tranh luận trên Net, trong những diễn đàn có quản lý tốt để các tranh luận được diễn ra lễ độ, thì đó là cách rất hay để phát triển.

Tuy nhiên có hai điều quan trong nhất trong việc phát triển kiến thức, các bạn cần ghi nhớ–đó là sự can đảm và tính thành thật trí thức (intellectual honesty).

1. Can đảm: Nếu ta sợ người ta cười tư tưởng của ta, ta sẽ không dám nói gì, và ta sẽ không bao giờ biết được chỗ yếu và chỗ mạnh của tư tưởng mình. Đó là chưa kể còn khối chuyện khác có thể làm ta sợ — sợ nói thì mất việc, mất tiền, mất sở.

2. Tính thành thật trí thức. Nếu chúng ta sợ chuyện gì đó—như sợ ông giám đốc—hay tham chuyện gì đó—như tham được lên chức—tiềm thức của ta sẽ điều khiển ta lúc nào cũng nghĩ hay và nói tốt về ông giám đốc, và không thấy được cả những quyết dịnh rất tồi của ông ta. Điều này ta gọi là “thiếu thành thật trí thức,” vì có thể là trong lòng chúng ta rất thành thật, nhưng tri thức của chúng ta đã thiếu thành thật vì bị quyền lợi cá nhân che mờ.

Dĩ nhiên, người tư duy tích cực luôn luôn chú trọng vào cái hay, cái tốt của người, và luôn luôn sống hòa ái. Điều cần nói ở đây là, trong khi chú trọng vào điều tốt, ta vẫn phải đủ sáng suốt để thấy mọi vấn đề, và khi thấy vấn đề nào cần giải quyết thì tìm cách giải quyết một cách tích cực và hòa ái. Người thiếu thành thật trí thức, không thấy được cả vấn đề.

Vấn đề lớn trong giáo dục đại học trên thế giới ngày nay là người ta dạy kỹ năng, nhưng không dạy đức hạnh. Cũng như thầy dạy kiếm thuật nhưng không cần biết học trò sẽ dùng kiếm để cứu người hay giết người. Kỹ năng, như là kỹ năng phân tích, chỉ là khí cụ như kiếm. Dùng kiếm thế nào trong cuộc đời mình là do mình có đủ can dảm và thành thật không.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use