Hàng Phố

Tôi tần ngần đứng trước ngôi nhà cao ba tầng, cách một khoảng sân là cái cổng sắt cao độ gần ba mét, dù phía trên là một cái vòm hình vòng cung, đang rủ xuống một dàn hoa tigon, những cánh hoa đỏ rịm cũng không làm bớt đi vẻ khô khẳn, lành lạnh của ngôi nhà. Nhìn lại địa chỉ của ngôi nhà đồ sộ lần nữa, tôi vẫn dè dặt không dám lên tiếng gọi. Liệu đây có đúng là nhà chú tôi hay không? Lúc lên xe đi thành phố tôi hăm hở thế nào thì giờ lại đắn đo thế ấy. Trong hình dung của tôi lúc đó , nhà chú tôi chắc cũng chẳng khác gì nhà tôi, nghĩa là cũng có mảnh vườn nho nhỏ đủ để trồng vài thứ bông hoa và một số rau gia vị thập cẩm, để có thể tiện cho những bữa ăn hàng ngày, và cả một cái ao không bao lớn nhưng cũng đủ phát mê khi vó lên những con cá trắm chép trôi mè bóng mượt. Nhưng giờ thì những gì trước mắt tôi hoàn toàn khác hẳn, một quang cảnh sừng sững mà tôi chỉ mới nhìn thấy qua ti vi vài lần. Có một cái gì như khoảng cách chận tôi lại, trở tôi thành lại đúng một con bé nhà quê nhút nhát, dù ở xóm tôi cũng thuộc loại đáo để, theo nhận xét từ những người chung quanh. Chẳng thế mà trong chuyến đi này, ngoài lý do đi chơi cho biết thị thành, má tôi còn có một mục đích khác, đó là muốn gửi gắm tôi tập tành theo sự làm ăn buôn bán của chú thím. Nghe nói ra thành phố dễ làm ăn, khối người đi một thời gian về phất lên trông thấy, tôi cũng khấp khởi, may ra thì nhúc nhắc được cái gánh ruộng đồng, cho ba má đỡ còng lưng mưa nắng. Nhưng cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân đến chốn tấp nập, xôn xao, và trước ngôi nhà tráng lệ này là một sự hoang mang và mất tự tin ghê gớm. Không biết tôi sẽ còn xớ rớ đến bao lâu nếu không nghe tiếng bác xích lô nhắc nhở :

_ Cháu ơi, cháu bấm vào cái nút đỏ ở góc cổng kia kià, chứ cổng cao thế làm sao gọi được, cứ đứng chờ thì đến bao giờ.

Nhìn theo tay bác chỉ, tôi thấy đúng là có cái nút đỏ ở phía trên, tôi nói lời cảm ơn bác xích lô chu đáo tốt bụng, rồi hít một hơi dài trước khi bấm vào cái nút đỏ ấy. Má tôi thật có ly khi dặn tôi, xuống xe thì tìm xích lô mà đi, đừng đi xe ôm, vì xích lô vừa rẻ vừa an toàn, ngồi trên xích lô còn có thể thong dong tầm mắt với bao cảnh lạ của phố phường. Ba tôi thì dặn thêm là tìm mấy bác già già mà đi, họ là “bản đồ thành phố” đấy , đi xe của mấy anh tre tre , nhỡ gặp sinh viên làm thêm, không rành đường cứ lòng vòng mãi thì khổ. Bác xích lô thấy có người từ trong nhà ra rồi thì mới đạp xe đi. Cánh cổng nhìn có vẻ nặng nề là thế, nhưng lại rất nhẹ và êm như ru khi được di chuyển trên những chiếc bánh xe, để ló ra một khuôn mặt một người đàn bà độ hơn bốn mươi tuổi, mặc một bộ bà ba màu xanh sậm. Tôi ngờ ngợ, hình như đây không phải thím tôi, tôi không nhớ rõ gương mặt thím lắm, vì khi chú thím tôi rơi quê thì tôi còn rất nhỏ, nhưng trong những tấm hình mà ba mà tôi còn giữ thì trong rất khác người này. Thoáng lo lắng khi tôi nghĩ mình lầm địa chỉ, nhưng người trong cổng đã lên tiếng hỏi với âm sắc nằng nặng của miền trung :

_ Cô tìm ai rứa ?
_ Dạ, cháu muốn hỏi : đây có phải nhà chú Chân không ạ ?
_ Phải đó , nhưng ổng không có nhà mô.
_ Vậy có thím không ạ ?
_ Bà đi bán ngoài chơ, chiều túi mới dzìa. Cô ở xa mới lên hỉ ?

Câu hỏi vì túi hành lý tôi để dưới chân, tôi gật đầu :

_ Dạ, cháu ở dưới quê mới lên, cháu là cháu gọi chú Chân là chú đó.

Dường như lời giải thích của tôi không đủ gây sự tin tưởng cho người đàn bà ấy, bà ta nhìn tôi từ đầu đến chân với cái nhìn hoài nghi, do dự, đoạn nói :

_ Cô đợi tui chút hỉ.

Không đợt tôi trả lời, bà quay vào ngay và không quên khép cổng. Tôi lo lắng, cộng với chút tủi thân, vầy là sao ? Phút đầu tiên tôi được đón tiếp đáng buồn thế á. Hốt nhiên tôi muốn quay ra xe trở về ngay lập tức, nhìn cánh cổng sừng sững như thách đố, tôi muốn bật khóc, nhưng người đàn bà nọ đã quay ra, lần này thì cánh cổng mở rộng, với nụ cười trên môi, bà nói như phân trần khi vói tay xách giùm tôi cái túi hành lý :

_ Cô thông cảm nghe, tui phải gọi điện thoại ra hỏi bà chủ đã. Cô vô nhà đi, choa, cái chi trong ni mà nặng dữ ri ?
_ Dạ, có ít quà quê ba má chau biểu đem lên cho chú thím.

Tôi trả lời, lòng nhẹ hẳn khi theo chân bà đi vô nhà, giờ thì tôi đã hiểu bà có vai trò gì trong nhà chú thím tôi, và việc bà phải cẩn thận cũng là lẽ đương nhiên vậy.Bà đưa tôi ra nhà sau chỉ nơi tắm rửa, quả đúng là điều tôi đang muốn nhất, cái nóng oi bức của của thành phố thật khó chịu, phòng tắm chỉ hơn một mét vuông khiến tôi có cảm giác tù túng, vì quen với cái nhà tắm rộng rãi thoải mái ở nhà tôi, nhưng dẫu sao những tia nước mát từ cái vòi hoa sen đa làm tôi dễ chịu hơn nhiều.

Đến gần trưa thì chú tôi về, tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông bụng phệ, mập mạp, dáng vẻ của sự no đủ, sung túc, chú khác quá so với những bức hình ngày trước, nếu gặp ở đâu đó ngoài đường chac tôi không dám nhận quá. Thay vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chú cười :

_ Sao ? Không nhận ra chú mày nữa hả ?

Tôi cười thú nhận, chú tiếp :

_ Cháu cũng lớn quá rôì, ra dáng thiếu nữ ghê à, ba má có khoẻ không, tụi nhỏ sao rồi ?

Tôi bớt e ngại, trả lời những câu hỏi của chú, nói chuyện một hồi chú chép miệng :

_ Ba mày thủ cựu quá, tao biểu bán hết ruộng vườn ở dưới đi, lên đây sống cho khoẻ, hổng chịu nghe, cả đơi cứ cắm mặt xuống đất, cất đầu sao nổi, con thì đông.

Tôi định biện hộ cho ba tôi rằng, ông không có cái lanh lợi như chú, rằng trời sinh ra ông chỉ để làm một người nông dân hiền lành, nếu ném ông vào cái chốn đua chen này, chắc gì ông sống nổi, ở quê dẫu có vất vả sớm hôm, nhưng ông vẫn đắp đổi được miếng cơm manh áo cho vợ con. Nhưng nghĩ sao, tôi lại thôi, hình như chỉ bộ quần áo trên người chú cũng đủ chặn lại những gì tôi muốn nói. Bữa cơm trưa chỉ có hai chú cháu, cô Di ( người đã mở cổng cho tôi ) ăn sau ở dưới bếp, điều này làm tôi thật sự áy náy, nhưng chẳng thể làm gì, có lẽ đó cũng là nếp sống của người thị thành chăng? Sau bữa cơm. cô Di chỉ tôi lên một căn phòng nhỏ trên tầng hai, hành lý của tôi cũng đã được chuyển lên đấy, đã thấm mệt tôi ngã lưng khoan khoái trên chiếc giường nệm êm, mát mẻ với cái quạt trần, tôi nhớ đến bộ ván ngựa cứng còng, chất cả mấy chị em mỗi trưa hè thi nhau múa quạt nan, lan man tâm tưởng, tôi thiếp đi lúc nào không biết

Cũng như chú, thím tôi trông to béo, đẫy đà, trong những sắc màu của các loại mỹ phẩm, thím tôi không còn vương vất chút gì của một cô gái miệt vườn ngày xưa. Tôi thường nghe ba má tôi kể lại, ngày ấy thím tôi là một cô gái thương hồ, thường qua lại buôn bán trên sông, chú tôi là một tài công, ngược xuôi trên con đò dọc. Quê tôi phần lớn diện tich dành cho sông nước, nên phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe thuyền, lênh đênh sông nước, hồn ngươi dễ man mác thích ngâm nga, vì thế mà sinh ra rất nhiều điệu hò. Những đêm trăng thơ mộng luôn là hậu cảnh thú vị cho những tâm hồn lãng mạn, những câu hò đối đáp của hai bên trai gái là một đề tài rất thu hút, hấp dẫn. Thím tôi lại là người có giọng hò mượt nhất, trong ấm và vang xa, ngọt như mùi hương sữa đòng đòng. Họ gặp nhau qua những câu hò đưa duyên ấy. Những tưởng cưới nhau rồi, họ sẽ dựng tổ ấm của mình trên đỏ lự phù sa, bên mơn mởn lúa dậy thì, trong vàng ươm mùa gặt. Nhưng không, họ có cùng ước mơ, ánh sáng đô thành là nơi vẫy gọi, hứa hẹn một cuộc sống huy hoàng, sáng lạn. Và không biết họ đã làm những gì để biến ước mơ của mình thành hiện thực, chỉ biết bằng vào hiện thực đó mà má tôi khao khát muốn làm cuộc đổi đời, và tôi trở thành niềm hy vọng của má. Nói một cách công bằng và chính xác, thì một cuộc sống giàu sang sung sướng, no đủ, thanh nhàn luôn là cái đích của mỗi người, bởi chẳng ai vui lòng chọn lựa sự khổ cực, thiếu thốn cả, vấn đề là người ta có được nó bằng cách nào thôi.

Tôi thực sự lúng túng trước con mắt sắc sảo của thím, ánh mắt biểu thị sự lọc lõi, khôn ngoan. Thím nói chuyện bằng một thứ thanh âm đều đều, lành lạnh, có cảm giác đó lá thứ âm sắc của một người luôn thủ thế và hờm sẵn một ý đồ. Có lẽ giọng hò êm mượt ngày xưa đã trở thành huyền thọai. Loanh quanh những câu chuyện thăm hỏi xóm làng, thím xoay qua chuyện tôi với mục đích chính, thím nói nửa như cảnh báo, nửa như phủ đầu :

_ Muốn lên đây học làm ăn buôn bán thì phải khôn ngoan, lanh lẹ. Giờ cháu lên đây còn có thím, chứ khi xưa thím có ai đâu, cũng chằn ăn trăn quấn lắm mới trụ nơi ở cái đất này chứ dễ a. Có biết mất thì mới biết giữ, có bị người ta lừa mới biết đi lừa người ta. Phải đổ hàng thúng dại mới nhặt được một sảo khôn. Lơ mơ chỉ có nước chết.

Tôi im lặng thụ giáo bài học đầu tiên, tự biết mình sẽ con gặp nhiều thử thách nữa.

_ Chợ Nổi chắc vẫn họp chỗ mé cầu đó phải không Thơ ?

Chú tôi hỏi như muốn giảm bớt sự căng thẳng cho tôi.

_ Dạ, thì hồi giờ vẫn ở đó thôi chú, thỉnh thoảng nhà có thứ gì, má cháu vẫn đem ra đó bán.
_ Phước nhà mình sớm kiếm đường kiếm nẻo, ở đó tới giờ cũng hổng khác gì ảnh chị, anh hén.
_ Ờ thì…mà cũng có gì khác hơn là sông nước kênh rạch, ruộng vườn đâu. Có muốn làm gì hơn cũng không được. Hôm bữa được thư ba mày, chú thím cũng đã tinh rồi, giờ cháu cứ ở chơi ít bữa cho thong thả đi đã, rồi ra chợ phụ thím bán hàng cho quen. Ráng để ý công chuyện mà làm, thời gian coi khả năng sao rồi tính sau. Ngó bộ con nhỏ này cũng lanh đó, chứ đờ đờ dại dại thì chú cũng thua sớm thôi.
_ Anh lo chi, chứ hồi đó em hổng khờ a, cứ sống với thực tế, với va chạm khắc biết khôn, con người do môi trường nhào nặn mà.

Không biết môi trường rồi sẽ nhào nặn tôi như thế nào, xong những gì xung quanh tôi thì không dễ làm quen một cách nhanh chóng được. Từ sớm tinh mơ cho đến tối, lúc nào cũng ì ầm tiếng động cơ lớn nhỏ, rồi khói bụi, mùi xăng, mùi khí đốt từ mấy cơ sở sản xuất nhỏ, khí hậu oi bức ngột ngạt, tuy thời tiết không khác quê tôi là mấy, nhưng có lẽ do sự chật chội của sinh hoạt hàng ngày nên có vẻ khắc nghiệt hơn. Nhan nhản sự lừa gạt, ngay cả đứa trẻ đi bán vé số cũng biết lừa phỉnh, khiến kẻ ngờ nghệch như tôi cứ nơm nớp lo sợ, nhìn ai cũng đầy cảnh giác. Khu chợ nơi thím tôi buôn bán thường xuyên xảy ra sự cãi vã, đánh chửi nhau, đôi khi lý do không có gì là quan trọng cả. Kể cả thím tôi, cũng đã vài lần tôi chứng kiến thím quai mồm nhảy đỏng, sấn sổ với mấy chủ hàng bên cạnh chỉ vì tranh khách mà tôi thật ngán ngẩm. Tôi cảm thấy sợ cái gọi là “môi trường nhào nặn”, để tồn tại, để có những món lợi dù lớn nhỏ, người ta không ngại ngần dở mọi thủ đoạn mánh khóe để chen cạnh, và sẵn sàng ăn thua đủ. Về nhà, khuất sau cánh cổng là thôi, ngay nhà hàng xóm sát bên có bao nhiêu người, làm những công việc gì cũng không hay biết, chỉ khi nào có chuyện gì to tát thì mới qua lại một chút gọi là. Một lần do quá tay, tôi làm đổ thau nước tưới cây cạnh từ lầu ba xuống sân nhà bên cạnh, trúng vào một người đàn ông vừa lùn vừa béo, thế là ông ta hầm hầm qua nhà tôi, lời qua tiếng lại, hai bên đến suýt cả đánh nhau, tôi sợ quá, đến hôm sau cũng không dám ló mặt ra đường, tưởng tượng gã đàn ông đó chỉ chực tôi ra là tóm cổ nện cho một trận. Hình như ở đây không có cái dành cho tình làng nghĩa xóm. Tính quyền lợi được đặt lên ngôi cao nhất, có lẽ vì thế ma người ta dễ dàng giàu có. Khi đồng tiền kiếm được bằng nhiều cách, thì người ta cũng có nhiều cách để sát phạt nhau.

Đó là chuyện ở ngoài, còn đây là chuyện trong nhà. Chú tôi thì khỏi noó rồi, vì chú cũng như cha, cả tình cảm lẫn trách nhiệm không có gì đáng phàn nàn, thím tôi thì đôi khi cau mặt gắt mày, nhưng phận là con cháu, tôi coi đó cũng là mot cách dạy bảo, rèn giũa, thực tế thì nhiều khi sự nghiêm khắc và khuôn khổ lại làm cho con người ta sơm trưởng thành hơn. Điều mà tôi khá bức xúc là ở hai cô em họ. Suýt soát tuổi nhau Thuỳ Trang và Thuỳ Như đều xưng hô với tôi bằng cách nói trống, không sao, vì danh xưng chỉ là một cách đối đáp thôi mà, nhưng đáng nói là ở chỗ, gần như hai chị em coi thường tôi ra mặt, một phần là cái nhìn phân cấp, phần nữa là tôi đang ăn nhờ ở đậu cha mẹ chúng, không những ăn nói chỏng lỏn, có khi còn sai đổng tôi khi cô Di không có mặt, tôi nhủ mình nhẫn nhịn, mỗi người mỗi suy nghĩ, người ta đã không sẵn lòng vui vẻ với mình thì thôi, mình tự lo liệu phận mình cho êm. Thấy tôi nhẫn nhịn cả hai được thể làm tới, nào là chửi chó mắng mèo, nào là nói cạnh nói khóe, chủ ý không muốn tôi có mặt trong ngôi nhà này. Mà thời gian gặp mặt nhau có nhiều nhặn gì đâu chứ. Sáng ra thì ai đi đường nấy, tối về mới phải đụng mặt nhau, cũng đôi lần, chú thím tôi nạt nộ hai cô, nhưng điều đó lại làm tăng sự khó chịu cho chúng nhiều hơn, nhiều lúc tủi phận, tôi chỉ muốn bỏ về ngay lập tức, nhưng rồi nghĩ cảnh nhà chật vật, lại thêm tôi cũng dần quen công việc buôn bán, thím tôi có vẻ hài lòng vì tôi đỡ đần thím được khá việc, tôi cũng hy vọng sẽ có một ngày mai khác hơn. Chẳng ngờ khi người ta đã có tâm địa, thì sớm muộn gì cũng trở thành hành động. Một buổi tôi, tôi phải chờ mãi cái phòng tam mới đến lượt mình, khi trở ra tôi không để ý đến cái nháy mắt của hai chị em Trang, Như, và một tiếng la hoảng vang lên:

_ Má ơi ! Cái đồng hồ của con mất đâu rồi á.
_ Coi để đâu đó chứ mất gì, trong nhà chứ có phải ngoài đường đâu.
_ Ở trong nhà mà mất mới hay chớ, con tìm hết rồi, đúng là kẻ cắp, lanh thiệt.

Tôi đã biết Thuỳ Trang muốn ám chỉ ai, nhưng tôi vẫn im lặng, vì nghĩ mình không có thì chẳng việc gì phải lo. Thuỳ Như nói :

_ Phải tìm cho ra má à, coi chừng nuôi ong tay áo đó.

Tôi uất cứng cổ, vẫn cố gìm mình xem sự thể ra sao, thím tôi gọi cô Di lên chất vấn. Thuỳ Trang dài giọng :

_ Má ơi, cô Di ở nhà mình hồi nào tới giờ có chuyện đó đâu, má có hỏi thì hỏi người khác kìa.

Thím tôi chưa kịp lên tiếng thì Thuỳ Như tiếp luôn :

_ Hồi giờ hổng có mà, nên thấy của người ta là tối mắt lại.

Đến nước này thì tôi không thể im lặng được nữa, cố nén cục uất, tôi đanh giọng :

_ Muốn nói gì thì mấy em cứ nói thẳng ra đi, tôi nghèo thiệt, nhưng không thèm lam cái trò đốn mạt đó đâu.

Thím tôi vội dàn hòa :

_ Thôi thôi, tụi bây ồn ào quá, bỏ đi, mai má cho tiền mua cái khác. Có bao nhiêu đâu mà.

Cả Như, Trang đều máy môi, nhưng tôi đã nhanh hơn :

_ Không được đâu thím, dù cái đồng hồ giá trị không lớn, nhưng danh dự con người không thể dễ dàng xúc phạm như vậy được. Cháu xin thím cứ làm cho ra lẽ.
_ Nói nghe ngon lắm, chứng minh đi.

Trang hất mặt nói, tôi không suy nghĩ gì thêm nữa, phăm phăm đi về phòng đem tất cả đồ đạc của mình ra, bỏ giữa nhà nói :

_ Đó, muốn xét thì cứ xét đi.

Không cần thêm một lời thúc giục nào, cả hai chị em Như,Trang đeu xà xuống giũ lật từng cái áo quần của tôi, thím tôi cũng để yên cho con mình thực hiện hành vi ấy, có vẻ chính thím tôi cũng muốn xem sự thật là gì. Tôi đang chực chờ cho đến cái áo cuối cùng được giũ lên, để có cơ hội minh oan cho mình, và cũng để hạn chế những khó chịu về sau. Bất chợt một tiếng reo chiến thắng:

_ Đây rồi.

Cái đồng hồ như có phép tàng hình đã lặn vào một túi quần tôi tự lúc nào, nhưng tôi vụt hiểu ngay sự thể, tâm trạng đầy phẫn nộ, uất ức, tôi run hết cả người trước những con mắt hả hê của hai cô em họ, thím tôi cũng có vẻ bất ngờ trước tình huống. Tôi không còn suy nghĩ nào khác hơn, nước mặt giàn giụa trên mặt, rơi lã chã xuống đống đồ đạc mà tôi ấn nhét một cách vội vã vào cái túi xách. Xong tôi đến trước mặt thím tôi nói rành rọt :

_ Thưa thím, cháu xin cảm ơn thím đã giúp đỡ cháu suốt thời gian qua, cháu lên đây để học làm ăn chứ không phải để học ăn cắp. Cháu không có gì để nói với sự việc vừa rôì, tuỳ thím nhận xét, thím cho cháu gưa lời chào chú, cháu xin phép thím cháu về.

Nói xong, tôi quay người chạy vụt ra cửa, mặc tiếng thím tôi rối rít gọi, vẫy một chiếc xe ôm, tôi bảo ra bến xe Miền Tây. Bao nhiêu nỗi niềm cứ trào theo dòng nước mắt, tôi không thể ngờ lại xảy ra một điều tồi tệ đến thế. Chỉ vì không ưa thích một người họ hàng, mà những cô gái chỉ mới 16, 18 tuổi lại có thể bày ra một trò bỉ ổi đến thế. Ra đến bến xe, tôi ngơ ngác nhìn quanh, buổi tối làm gì con chuyến xe nào về Cần Thơ, cảm giác bơ vơ và lo lắng khiến tôi ngồi xụp xuống sau một chiếc xe khóc nức nở. Hình như tôi khóc lâu lam, và bỗng giật bắn mình vì một bàn tay vỗ vai gọi tên tôi. Tôi vừa né người vừa ngẩng mặt lên thì gặp ngay tiếng kêu mừng rỡ của chú tôi:

_ Trời ơi, đúng rồi, may quá cháu chưa bị xảy ra chuyện gì.
_ Thím lo quá, may mà tìm đươc cháu, thôi về nhà.

Tôi xúc động vì sự lo lắng của chú thím, nhưng tôi không thể trở về nơi ấy nữa, tôi lau nước mắt và nói :

_ Cháu xin lỗi vì đã làm chú thím phải lo lắng, nhưng cháu xin chú thím cho cháu về nhà, cháu không thể quay lại đó đâu.
_ Bây giờ cứ về nhà đã rồi mai tính, cháu bỏ đi ngang chừng vầy, chú thím biết ăn nói sao với ba má cháu.
_ Chuyện đâu còn có đó, chỉ là sự hiểu lầm thôi mà.

Nghe thím nói vậy, tôi liền đáp :

_ Thưa thím, cháu không thể nào chấp nhận một kiểu hiểu lầm như vậy, nếu cháu quay lại đó, thì sẽ còn bao nhiêu sự hiểu lầm như thế nữa. Chú thím thương cháu thì để cho cháu về với ba má cháu, cháu sẽ không nói gì về chuyện này đâu, cháu chỉ nói là cháu không thích hợp với công việc là được mà.

Thấy tôi nói kiên quyết, chú tôi thở dài :

_ Con với cái, thiệt rầu hết sức, thôi muốn về thì mai chú cho về, còn bây giờ dù gì cũng phải về nhà đã, đêm hôm này mà đi đâu.

Biết không làm khác được, và để chú thím kho xử thì không hay chút nào, tôi đành nghe lời sau khi nhắc lại :

_ Mai chú cho cháu về, chú nha.
_ Ừ, đã muồn về thì chú có cố giữ cũng không được. Lên xe đi, đưa cái túi đây.

Tôi đưa túi xách cho chú và ngoan goãn trèo lên ngồi giữa, về đến nhà, cô Di ra mở cổng, tôi bước chân qua cổng một cách miễn cưỡng. Vào đến trong nhà, chú tôi lớn tiếng :

_ Con Trang, con Như đâu ? Xuống đây.

Tôi không kịp cản chú, chú tôi gằn giọng lần thứ hai thì hai cô em mới lò dò đi xuống, thím tôi im lặng ngồi xuống ghế. Chú tôi hất hàm hỏi:

_ Hai đứa nói lại cho tao nghe, chuyện xảy ra thế nào ? Nói mau
_ Thôi chú, cháu không sao đâu.
_ Cháu cứ yên đó, phải trái rõ ràng, không tầm bậy được.

Trang và Như cúi gằm mặt, tôi cảm thấy đã trút được nỗi ấm ức trong lòng. Chú tôi hỏi :

_ Tụi mày nghĩ xem việc tụi mày làm có được không ? Nói.
_ Dạ…không ạ.
_ Biết là không rồi thì giờ phải thế nào ?

Thím tôi xen vào mớm lời cho con :

_ Hai đứa xin lỗi chị đi, lần sau đưng có đùa bậy như vậy nữa.

Nghe mẹ gợi ý, cả hai cô lí nhí :

_ Xin lỗi chị.

Tôi cảm thấy rất buồn, khẽ thở ra rồi nói :

_ Tôi không trách hai cô đâu, dù sao thì ngày mai tôi cũng sẽ rời khỏi nơi đây, tôi biết tôi không thích hợp và đã gây phiền phức cho gia đình nhiều quá, tôi chỉ muốn nói thêm rằng: Những gì mình làm sẽ đem lại ảnh hưởng và hậu quả cho chính mình vậy.

Nói xong tôi xin phép chú thím về phòng ngủ. Sáng hôm sau, tôi vẫn sắp xếp hành lý, chú tôi biết không lay chuyển được tôi, chú tôi đành đưa tôi ra bến xe, thím tôi thì đưa cho tôi một số tiền. Tôi cảm ơn chú thím và chào cô Di, hai cô em họ tránh mặt tôi. Một lúc sau, tôi thích thú với cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái khi chiếc xe chạy qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, và những con sông với những dề lục bình quen thuộc, cả tiếng máy khùng khục của những con đò đa đưa tôi trở lại chính mình. Quả đúng là mỗi người khi sinh ra chỉ có thể thuộc về một nơi, nếu chọn sai chỗ, chẳng khác nào đi nhầm giày, chỉ tổ trẹo lên trẹo xuống và vấp ngã mà thôi. Chốn đồng quê tuy không đem lại cho con người nhiều giá trị vật chất, nhưng nó giúp cho con người có được một cuộc sống tốt đẹp và đúng nghĩa làm người hơn. Ba má ơi ! Con đang trở về đây, có thể ba má sẽ thất vọng một chút, nhưng con tin rồi con sẽ làm được nhưng việc hữu ích ở quê mình, và quan trọng là : Chúng ta sinh ra không phải để làm người hàng phố, má à.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s