Học các tinh yếu của nghệ thuật

Chào các bạn,

Lý Tiểu Long (Bruce Lee) tài tử kiếm hiệp số 1 của thế giới, và là tổ sư của môn phái Jeet Kune Do, kể lại về lúc mới học võ Vịnh Xuân ở Hồng Kông rằng trong 3 năm đầu tiên có vẻ như là vào lớp để chơi, vì rất ít khi thấy thầy, mà chỉ học mấy thế đấm và mấy thế đá với mấy người đàn anh trong lớp. Các học trò coi như đó là các giờ đến chơi vui với nhau, chứ không thật học võ. Ngày nào cũng vào đấm đá vài ba thế quen thuộc đó và nói chuyện tiếu lâm với nhau. Sau 3 năm rồi mới được thầy cho vào lớp của thầy để học.

Nhưng Lý Tiểu Long quên nói, các giờ “chơi” của 3 năm đầu mới quan trọng. Bất kì môn võ nào cũng chỉ có vài cái đấm và vài cái đá. Cơ thể con người chỉ có 2 tay 2 chân, và các đòn phép thì thường là trái phải như nhau, cho nên coi như chỉ là 1 tay 1 chân. Bao nhiêu cái đấm 1 tay có thể làm, bao nhiêu cái đá 1 chân có thể làm (thấp, giữa, cao, ngang, dọc..)? Chẳng bao nhiêu cả.

Nền tảng công phu của một võ gia là mấy cái đấm và mấy cái đá đó phải nhuần nhuyễn. Khi đụng chuyện là có thể vung tay vung chân vùn vụn, nhanh như chớp, kình lực rất mạnh, đụng vào ai thì người đó có thể nằm dài. Có là điều quan trọng. Và đó là điều các học trò nhập môn làm trong 3 năm.

Còn 3 năm sau, khi đã vững các căn bản đó, thì được thầy dạy cho các chiêu thức ứng phó khi chiến đấu, tức là sử dụng căn bản mình đã có vào chiến đấu. Nhưng đó là chuyện phụ. Vì sao? Vì (1) nếu không có căn bản 3 năm đầu thì, thầy không dạy được cách sử dụng căn bản của mình vào chiến đấu, và (2) thực ra là, dù có thầy thì hay thêm một chút, nhưng sau 3 năm nếu không có thầy thì trò cũng có thể tự nhiên ra đòn vùn vụt và có hiệu quả khi bị tấn công.

Các môn học đều vậy. Các bạn có thấy trẻ em học toán—cộng, trừ, nhân, chia, phân số–mấy năm liền cứ làm bao nhiêu đó. Và sau này sẽ từ căn bản đó mà phát triển.

Học cách tự ứng xử với mình và với người trong môn Tư duy tích cực cũng vậy. Căn bản chỉ có 3 chiêu thức-“khiêm tốn, thành thật, và yêu người, vô điều kiện”. Cứ tạm cho là 3 năm để dựng một căn bản khá vững mạnh. Nếu bạn thực tập thường xuyên chưa đến 3 năm, thì có yếu một chút cũng chấp nhận được.

Đây là căn bản ứng xử con người, từ căn bản này các bạn sẽ sử dụng với chính mình, và với người khác trong thương mãi, trong chính trị, trong teamwork, trong lãnh đạo… Nói chung là tất cả mọi liên hệ của con người. Từ căn bản này, chúng ta chỉ cần biến hóa một chút cho mỗi tình huống, để có thể ứng dụng cho mọi tình huống.

Đây là cách học rất dễ nhớ, chỉ khó thực hành, vì phải kiên tâm luyện tập thường xuyên. Các môn học khác bạn học ở các nơi khác—interview, teamwork, quản lý‎ nhân viên, điều đình thương mãi…–có chừng 30 môn như thế, và mỗi môn dạy bạn chừng 15 điều để ghi nhớ. Cố nhớ (30 x 15 =) 450 điều nhé. Và dù có nhớ hết bạn cũng chỉ là rôbô, thiếu sáng tạo, vì học các công thức thế thì không thể sáng tạo. Sáng tạo thật sự có hiệu quả phải đến từ trái tim sâu thẳm, hiểu được trái tim và làm chủ được trái tim của mình.

Các bạn chỉ có 3 điều để luyện tập: “Khiêm tốn, thành thật và yêu người, vô điều kiện.”

Tập ngay bây giờ, mỗi ngày, mỗi phút sống trong ngày. Và cho bạn 3 năm trung bình để có được căn bản vững chắc. Nhưng nếu bạn có căn cơ thì có thể chỉ là 1 năm. Hay 1 phút, như Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng.

Chúc các bạn một thành luyện tập chăm chỉ.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Học các tinh yếu của nghệ thuật”

  1. Đem 3 điều “căn bản” của Tư duy Tích cực trên ứng dụng vào các kỹ năng giao tiếp, làm việc của các môn, các lĩnh vực khác nhau trên, thì cũng như là “Đem Đạo vào Đời” rồi. Dù chưa thành công trong mục đích công việc thì “Tâm vẫn an, lòng vẫn vui” rồi. ^!^

    Thân chào,
    Q.Dung

    Like

  2. Em chào anh Hoành,em có đọc qua cuốn sách của anh và thực hành,em cảm thấy tâm mình thay đổi tốt hơn,các mối quan hệ tốt hơn,em ít bị stress và cảm thấy mình trưởng thành hơn,em rất cảm ơn anh…Em chúc anh một ngày valentine vui vẻ và hạnh phúc.

    Anh cho em hỏi 1 điều 😀 ,hồi sáng em tập thể dục,bên cạnh em là một số người tập chung,có một bác thấy lác đác vài người malayxia theo đạo hồi đi bộ trong công viên,bác ấy nhìn thấy họ bịt tóc,chỉ để lộ mặt,thế là bác liền tám với mọi người xung quanh,phê phán chê họ là khùng,rãnh ….em nghe thấy chói tai quá,trong lòng em luôn thúc giục phải lên tiếng để bác ấy hiểu sự thật và muốn bác ấy không nên chỉ trích như vậy.Nhưng không hiểu sao em kiềm lại và chỉ nhìn với ánh mắt buồn buồn từ bác ấy.Sau đó một lúc tập xong em đi về,em băn khoăn không biết mình xử sự như vậy có đúng không,liệu mình có nên khuyên một ai đó,khi họ đang mắc phải sai lầm,đôi lúc em gặp nhiều anh thanh niên nói chuyện dâm dục,nói về những tật hư thói xấu,em muốn khuyên nhủ lắm,nhưng tuổi đời nhỏ hơn,họ thì đám đông,e muốn nói lắm nhưng sợ họ chê là mình giáo lý,lắm điều,nếu gặp những trường hợp tương tự,theo anh em nên làm gì là hợp tình hợp lí ạ,em cảm ơn anh,chúc anh sức khỏe nhé 😉

    Like

  3. Hi Tường,

    Cảm ơn em đã chia sẻ. Nếu em có thể đến bài về cuốn sách (link đầu tiên cột bên trai ĐCN) để chia sẻ kỹ hơn ở phản hồi để khuyến khích các bạn thì rất tốt.

    Về chuyện các các tám không tốt về những người Hồi, em nin thing là đúng, vì nếu mình chưa biết chắc là mình nên làm gì nói gì trong trường hợp đó thì nin thing là thượng sách, thay vì nói ra mà chẳng giúp gì lại chỉ thêm gây lộn.

    Nếu là anh thì anh KHÔNG bình phẩm gì với các bác về các lời tám không hay của các bác, nhưng anh sẽ THÊM một nhận xét của anh chỉ bằng một câu: “Mấy người đó có phong tục lạ vậy, nhưng họ sùng đạo và hiền lắm, mình biết một số người như thế khi mình gặp ở Malaysia.”

    Thêm một chút như thế chẳng động chạm ai cả, và đồng ý vói mọi người phần nào–phong tục lạ–nhưng thông tin tốt sẽ hóa giải các thông tin không tốt trước đó.

    Ở trên anh nói “Nếu là anh”, vì câu trả lời của anh là sự thật–anh có gặp một số người Hồi dễ thương ở Malaysia.

    Nhưng nếu em chưa có kinh nghiệm gì về người Hồi để nói gì, thì có thể nín thing là hơn, vì mình chẳng nói gì có thể thuyết phục được ai cả.

    Về nhà research xem có gì thuyết phục được để hôm sau nói một câu không. Như là “Mấy người Hồi giáo này có một quỹ từ thiện, trường cháu có mấy học sinh được học bổng của họ đấy”… Đại khái là vậy.

    Nói chung nếu em suy nghĩ và thấy lời nói của mình sẽ có tính thuyết phục rất cao, thì nói. Không được như vậy thì yên lặng và thượng sách.

    Like

Leave a comment