All posts by tanai

teacher - poet

Khúc Thu Bồn

Cảm ơn ngươi, Thu Bồn ạ!
Dòng tĩnh lặng đã tải đầy kí ức
Và trong ăm ắp tình yêu
Ta đã kịp gửi trao một tâm tình.

Người sẽ sống cùng vĩnh viễn thời gian
Vĩnh viễn thời gian mượn ngươi để tạo dáng mình
Người lặng im. Vô ngôn của dòng chảy
Sự sống không lập ngôn.

Cảm ơn ngươi, Thu Bồn!
Sổ đinh trong tay người triệu triệu công dân có lẽ?
Và không quan liêu phù thế
Người lưu giữ từng dấu vân tay!

Rát mặt một ngày với nắng và gió
Cạn lòng một ngày với yêu thương
Sông nước vẫn lặng im
Chỉ ngô khoai bên đôi bờ mở mắt.

Tải bao nhiêu linh hồn trong cuộc đời mình
Là bấy cuộc chia li
Ủa lạ mà đời vẫn xanh
Hay từ biệt chỉ là lời bến bãi
Mà người mãi mãi là sông?

Ờ thì đã cùng suối cùng sông
Thì dại dại câu phù chú chẳng hai lần.
Riêng ta mong còn có thì
Lại tắm lần nữa với dòng Thu!
Cảm ơn ngươi, Thu Bồn !

Thu Bồn mùa đầu hạ.

Nguyễn Tấn Ái

Cảm Thức Thời Gian


Mọi năm mọi kì thơ đem tết về
Thơ cứ thung thăng quanh cành mai,
Cứ chấp chới tìm cánh én
Cứ nồng nàn như rượu, như em!
Như một lẽ thường ta và xuân và rượu và thơ
Bọn ta là tết
Mọi nỗi niềm ân oán vui buồn áo cơm gom hết
Quyết toán thời khắc giao thừa.
Nhẹ tênh tênh là xuân.
Bằng hữu chào nhau : Đâu xuân khai bút ?
Nhỏ to rỉ rả thơ phú
Rỉ rả rượu nồng
Được mất bại thành cũng chỉ là không!
Ô hay niết bàn đương thế.
Xuân nay không đậu trên cành mai cành đào
Cũng vắng bạn đón xuân
Hiếm hoi câu nghinh tân tống cựu
Chẳng lẽ bạn thành du thủ
Quên lối xưa?
Chẳng lẽ ta quên lối mùa?
Bạn chúc câu xuân muộn: Khỏe nha, xuân không về.
Em hỏi câu: Vui không, tết mà, bận lắm.
Ta soi gương biết thời gian riết róng
Như rối bời mớ tóc trên đầu!

Chợt đã giêng hai. Chợt đã tri thiên mệnh
Chợt biết thời gian không là vô tận
Đành vắng nhau, đã yên lòng đâu.
Chẳng dám dành cho ai mùa xuân
Chẳng chỉ để cho mình
Ta hiểu trong mênh mông ngóng trông lặng thinh
Phát ngôn thời gian đời người
Còn bao nữa tôi ơi!

Bận sắp xếp lại đời mình chẳng kịp rước mùa vui.
Xuân gõ cửa mà ta thì phong bế
Mười lăm trẻ,năm mươi già không kể
Đã kịp gì đâu cho ta, cho bạn, cho đời
Còn bao nữa xuân ơi!

Tháng giêng 2010

Nguyễn Tấn Ái

Màu Xuân

Như cành mai vàng rã cánh giêng hai
Người lặng thầm tha hương cầu thực
Bỏ một miền quê rưng rức
Chỉ còn mênh mông đồng xanh.

Rồi cũng như mai tích giọt nhựa lành
Mùa chạp về nở bung năm cánh tết
Múc gàu nước giếng làng uống trôi bao nhọc mệt
Múc gàu nước giếng làng rửa mặt đợi xuân sang.

Ngày tết quê tôi cũng lộng lẫy cúc vàng
Cũng lịch sự hồng, cũng thanh xuân thược dược.
Môi thiếu nữ lại nồng, tình lại mềm như nước
Xuân mà, cứ mở lòng vui.

Mẹ già gội đầu bằng nước lá chanh
Vòng tay nào ôm con còn thơm mùi tết
Ba tiếp bạn bằng củ hành củ kiệu
Chén rượu năm nao chừ vọng lại tiếng cười.

Thôi một năm cùng nước mắt mồ hôi
Người quê chừ thả lòng xuân mới
Ta đi giữa quê lòng như có đợi
Có chờ ai về nhắc chuyện xuân xưa!

Cuối năm Kỷ Sửu

Nguyễn Tấn Ái

Lời Phố Cũ


Tôi người tình phố Hội
Một tiễn đưa đã hóa thành xưa cũ
Lang thang lỗi nhịp tình đầu
Đêm mù sương
Nét phố không màu
Chợt biết mình đắm đuối
Phố mịt mù như cụ già trăm tuổi
Ta già nua với trăm tuổi mộng vàng
Chao ôi!Thèm được gặp cố nhân
Ngồi mơ đèn lồng cổ tích
Bạn cười khan trong chiều tịch mịch
Đêm Cẩm Hà ta đối thoại cùng trăng.

Những con đường cát lầm in vết lang thang
Thương mái ngói rêu phong buồn như nét cười tình phụ.
Phố xưa!
Những con đường chậm chạp chạy vào đêm
Đêm mưa ta lần dò thăm phố
Xóa lớp phấn son về hoang tàn mấy độ
Mưa phủ mặt người thật là phố trong ta.
Những trầm tích xưa lắng lại góc phố già!

Ngày chưa xuân ta hát lời phố cũ
Lâu chưa mưa nắng cuộc đời
Như cội mai già kham khổ phố ơi!

Ngày chưa xuân ta nghe lời phố hát
Khúc li hương, người xưa chưa về
Phố dùng dằng cơ nhỡ một đời quê
Ngày chưa xuân ta nghe lời phố hát
Khúc tương tư
Lòng ta chạnh buồn
Ừ rồi người về mai mốt có còn không ?
Ta múc nước sông Hoài
Rửa trôi bụi đường lữ thứ
Nhìn nhau thật mặt mà cười
Ừ nhé vẹn lành xưa tuổi đôi mươi!

Cuối năm Kỉ Sửu

~ Nguyễn Tấn Ái

.

Cho hay là giống hữu tình

Ca dao là bằng chứng thuyết phục về đời sống tình cảm phong phú của người bình dân. Có thể điểm danh điểm diện một số phương diện tình cảm đó.
Là nhân hậu ân tình.
Là thương cảm sẻ chia
Là nặng tình nặng nghĩa.
Và được xem như là thống soái trong ứng xử tình cảm bình dân là rất mực thủy chung.

Như cây đa chờ mãi khách bộ hành.
Như bến vắng chờ con thuyền rong ruổi

Và trong ta dậy lên một cảm thương trân quí cho những vẻ đẹp truyền thống.

Và như một phản xạ có điều kiện, người ta thường khước từ những vỉa tình cảm trái
ngược. Người ta thế, và tôi cũng thế.

Ấy vậy mà có một ngày tâm trí tôi cứ tưng tửng, tưng tửng, ấy là khi tư tưởng mô phạm vững chãi trong tôi chạm nảy lửa vào một câu ca dao dị dạng:

Đa tình thì vướng nợ tình
Trách người đã vậy, trách mình sao đang

Ô hay! Cái môi trường đã giáo dục chọn lọc cái tình thủy chung, đã tỉa sửa bằng hết những gì tà vạy lại ngang nhiên nảy nòi ông ổng một câu hát đa tình. Mà hấp dẫn và cám dỗ đáo để. Mà cam đoan rằng bất cứ cái người hiện đại nào cũng gặp mình trong cái tình ca dao ngót chừng vài trăm niên kỉ ấy.

Tôi cũng nghênh ngang nhận mình là giống đa tình (!) nên lại càng đồng cảm mà trân trọng lắm. Rồi băn khoăn dò tìm xem cái giống tình đi lạc đi loài ấy có kịp mọc lên thành vườn thành vỉa trong vườn ca dao xưa không.

Thật bất ngờ, cái mà tôi gặp được nếu không là phổ biến thì cũng đã không chịu dấu mình đơn lẻ.

Này là lời trách cứ người bắt cá hai tay:

Đa tình chi rứa hở trăng
Nửa treo núi nọ, nửa giằng sông kia.

Đích thị là mày đa tình rồi nhé!

Rồi sau hai đơn vị đại diện chính danh đầy can đảm ấy là đôi nét đồng dạng, tuy chưa kịp chính danh, tuy còn núp bóng dấu mình.

Là cái đèo bòng:

Anh đà có vợ thời thôi
Đèo bòng chi lắm tội trời ai mang!

Lời trách không khỏi giấu một chút nao nao. Và lời đáp cũng táo tợn nghệ sĩ:
Vì cam cho quýt đèo bòng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.
Đáng chú ý là đôi ba lời hát ghẹo, khó có thể khen ở cái tình chung thủy, vậy mà đâu chỉ một hai lần đôi ba người ngâm nga thích thú.

Chanh chua quýt ngọt bòng the
Thấy em còn nhỏ anh ve để dành.

*
Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc anh ngồi anh ru.

Có lẽ cái chuyện những câu hát đa tình này manh nha từ hồi người viết phải trao đổi với học trò về một ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân
Đất nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi
Biết quí công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre mà đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

( Trích trường ca “ Mặt đường khát vọng”)

Và kết luận bắt buộc cho các lời giảng của các nhà giáo rằng đó là nhân dân thủy chung ( Yêu em từ thuở trong nôi ), quí trọng tình nghĩa ( quí công cầm vàng ), và quyết liệt dữ dội với kẻ thù ( đi trả thù mà không sợ dài lâu ).

Tôi băn khoăn mãi. Chao ôi, yêu em từ thuở trong nôi là thủy chung ư? Một thủy chung thật tội lỗi, đáng bỏ tù từ sáu tháng đến ba năm! Có chăng là cái đa mang được nói quá lên một chút. Vậy sao lại cứ cố tình gán ghép cái đa tình thành cái chung tình?

Phải chăng vì trong thẩm định đạo đức thì cái đa tình là cái phi chuẩn mực cần phê phán mà cái chung tình là phẩm chất đáng tuyên dương? Và vì vậy nên lộng giả thành chơn, và cái câu ca kia nghiễm nhiên được phong tặng cho cái phẩm chất mình không có, và bù lại bị tước đi cái mình vốn có.

Đành rằng thủy chung là phẩm chất , nhưng sự lên án thái quá với những đa mang là có nên chăng?

Hãy xem thái độ của người bình dân, với cái đa tình, họ ít nhiều trách móc, mà chưa có lời kết tội! Thì trách người đã vậy trách mình sao đang ( sao đành ) mà!

Nghe cứ như một khoan dung tòng phạm!

Và tôi âm thầm xem cái ý táo bạo kia cũng là phẩm chất của những người làm ra ca dao.
Chung tình là phẩm chất của nhân dân.
Mà đa tình là phẩm chất của nhân dân nghệ sĩ!
Nói thế tôi đâm lo quá! Khéo không khách quan, khéo lại bào hao bào chữa cho mình!
Mà may thay, lúc bí đàng bí lối, sắp đánh nước bài liều, lại vớ đâu được một tứ khá hay của một nhà thơ có tên tuổi:

Xem qua truyện cổ nước mình
Rất nhân hậu, lại đa tình đa mang.

Đó là kết luận của Phan Thị Thanh Nhàn. Thôi thì mời chị Nhàn đi trước gánh búa rìu dư luận, ai bảo chị liều lĩnh dám bảo dân ta đa tình đa mang trước!

Lại còn có một nhà thơ nữa, còn liều hơn cả chị Nhàn, khi dám tự nhận mình đích thị đa tình:

Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
Xấu hổ gì đâu mà anh dấu diếm
Em muốn làm dâu thì em ở lại…

Phạm Ngọc Cảnh

Yên chí về quan điểm rồi tôi nhé!
Quả là người không biết điều khi thân mình còn chạy tội chưa xong lại lăm le đi nài nỉ gỡ tội cho người khác. Song quả thật tôi có ý đó.Rằng:

Những người làm ra những câu ca dao mộc mạc ấy họ thật nhiều phẩm chất.
Bậy một cái là họ cũng rất đa tình.

Thôi thì vì những cái được kia mà thể tất cho họ cái phần còn khuất tất!


NGUYỄN TẤN ÁI

Hoài Xuân

Mềm mại và tươi non
Dịu dàng và lá cỏ
Chẳng thể mượn mây trời xua đi dáng hình ai đó
Nên trong ta còn vần vũ một tình yêu.
Lãng đãng đâu đây một sắc mây chiều
Vào lặng lẽ giữa bồng bềnh mây khói
Hóa câm lặng trăm điều không thể nói
Thành cơn mơ vĩnh viễn nụ hôn nồng.
Em cứ là hư không
Ta cứ tìm ảo ảnh
Đem hoàng hôn vào giữa đêm trừ tịch
Nối dài nét ngày cô lẻ hoài xuân.

Nguyễn Tấn Ái

Nhớ Xuân


Tặng tuổi tím

Sắp xuân rồi đó nắng vàng hanh
Lá trở màu thương nhớ trên cành
Sắp xuân rồi đó ai có biết
Giữa lưng trời áo trắng trôi nhanh.

Sắp xuân rồi đó, cúc vàng tươi
Môi mím duyên duyên bé vẫn cười
Hiên trường ta vẫn thầm van vái
Xuân sắp về rồi đó bé ơi!

Nắng xuân rồi áo trắng vàng ươm
Lặng lẽ trôi theo tiếng trống trường
Hết mưa hạt nắng buồn như cát
Lặng lẽ gom tròn một chút thương.

Ta vẫn lang thang khắp sân trường
Để nghe buồn lẫn với yêu thương
Để nghe chiếc lá run nhè nhẹ
Rơi xuống lòng ta vương chút sương

Để mong bé bước đến hàng hiên
Cho ta cười mỉm rất vô duyên
Để nghe bé hỏi dù rất vội
Răng buồn, răng cứ thích đi riêng?

Anh đem tặng bé một bài thơ
Một chút yêu trong ánh mắt hờ
Mai mốt bé về bên gối mẹ
Còn rối trong lòng bao tiếng tơ?


Nguyễn Tấn Ái

Mơ Xưa

Mệt mỏi với những ngày áp thấp
Ta lãng quên ta trong bận bịu giả vờ
Thoảng hoặc tim mình lên tiếng gọi
Ta úp mặt vào chiều lơ ngơ, lơ ngơ…

Xa lăng lắc những buổi chiều dấu ái
Đôi môi nào hồng, mái tóc nào xanh
Để run rẩy một dòng tin ái ngại
“ Bé đây mà! Lạ hoắc phải không anh?”

Rạng vỡ một con đường, rụng vỡ một mùa trăng
Dòng suối nhỏ khóc lời xưa róc rách
Chạy trốn đến mệt nhoài những lời thóc mách
Hạnh phúc nào hao khuyết phía bên kia!

Con chim lìa nguồn mải miết ăn xa
Mùa trốn rét cánh tìm về chấp chới
Ta hát mãi lời cây đa mong đợi
À ơ ru người! À ơ ru ta!

À ơ!
Đêm qua ta nằm mơ
Ta theo ta về mùa trăng xưa con đường cũ
Con đường dài như chữ y… Qua rồi giấc ngủ
Hồn như ai vá khâu!

Nguyễn Tấn Ái

Đêm Thánh


Noel về chẳng được bước bên em

Mùa thi đến, đắng lòng không cô bé?

Lời nhắn gửi còn bên anh nhỏ nhẻ

Đêm thánh về nhớ cầu nguyện cho em.

Đêm thánh, đêm buồn, ơi đêm Noel

Ta là con chiên lạc loài tội lỗi

Tìm bóng dáng người xin ơn cứu rỗi

Đêm thánh, đêm buồn, ơi đêm Noel!
.

Nguyễn Tấn Ái

Thư cho bạn

    Gửi Cường của tôi


Lại một mùa giáng sinh nữa lại về. Bao nhiêu mùa đông rồi đi qua đời ta. Mưa rơi và gió lạnh. Song lòng ta vẫn là một mùa ấm áp, mùa Thiên Chúa vào đời, Chúa giáng sinh đêm nay mừng vui tiếng hát vang nơi nơi…

Đất nước bao cuộc thăng trầm, đời người mấy lần dâu bể. Duy một trông chờ không chịu thăng trầm, không chịu bể dâu, chờ một mùa đông cho lòng ấm lại. Ấy cái niềm tin đơn sơ để lòng an bình mừng đón Chúa:

Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao
Bình an dưới thế ân trạch cho loài người.

Bạn dấu yêu! Giờ ở đất Sài thành xa xôi, mệt phờ long đong thân cầu thực, ngày 24 tháng 12 bạn có khép nép mừng Chúa giáng sinh ở một góc giáo đường lộng lẫy?

Mùa Noel cũng là mùa của ta, của bạn, của những kỉ niệm tuổi thơ. Đôi ta như hai cây thông non trồng bên máng cỏ.. Ta rất yêu giọng bạn đọc thi ca trong trẻo, trong như lòng thành con trẻ kính dâng:

Chúng con muốn tình yêu không vị kỉ
Tình yêu không gò bó bởi hư danh
Tình yêu không bị vật chất dỗ dành
Con nhận lãnh từ tình yêu cứu Chúa.

Giáng sinh năm nào ta bạn tung tăng, giáo đường chật không chứa nổi tâm tình con trẻ. Bữa cơm chung những tháng năm còn nghèo còn đói, mình nhường cho nhau một lát thịt quay với một mẩu bánh mì. Ôi giáo đường ấm áp hoang sơ.

Từ bao giờ ta đã đi qua mấy mươi mùa đông, giáo đường chừ khang trang bề thế, đêm Noel đèn điện khoe màu sang trọng mà nhớ hoài ổ rơm ngày xưa. Chờ đêm giáng sinh, mình đi chặt lá đùng đình kết vòng trang trí, những chiếc bong bóng thổi to thổi nhỏ làm những quả thông màu, đơn sơ như máng cỏ. Mình vừa mải mê việc làm vừa rộn ràng ca hát “ nơi hang Bê Lem con quỳ thiết tha, xin Chúa nhân hiền xuống ơn chan hòa”.

Bạn ơi! Ta đã lớn lên bằng niềm tin đơn sơ như thế đó, và bằng niềm tin, ta làm người thành thật, thanh thản chấp nhận những thua thiệt ở đời như một chợp mắt trần thế, mà có hề chi, Thiên Chúa từng rời bỏ nước Trời!

Bạn ơi! Giáng sinh này nữa đã là bốn mươi bốn mùa đông. Lòng ta se một chút giá băng khi nhớ người bạn cũ. Nhớ một mùa đông xa bạn ốm đau, ta đã đọc thư bạn trong chan hòa nước mắt: Ái ơi, giá mà có Ái ở bên mình!

Rồi từ đó trong mùa ấm áp lòng khôn nguôi trống vắng là từ buổi hai ta lớn khôn vào đời. Giã từ ấu thơ, giã từ niềm vui tuổi nhỏ. Mỗi một tháng ngày là một dần xa ngày xưa dấu ái.

Ngày tập tễnh làm người lớn, cô bé nào dắt ta xa bạn.
Ngày tập tễnh làm người lớn, cô bé nào dấu bạn khỏi mắt ta.
Chao ôi! Mỗi một kiếm tìm là mỗi một đánh rơi!

Yêu dấu! Giờ mình đã là cha của những đứa con. Hãy nhớ và truyền cho con trẻ niềm tin và tình yêu thuở nhỏ. Trong vườn hồn ngút ngái của ta có một thửa đất mang tên bạn. Mong sao con ta cũng tìm được trong đức tin mình một tình bạn như ta.

Bạn yêu, ta gửi tặng bạn tấm thiệp giáng sinh thật đẹp, những chú mục đồng nơi hang Bết Lê Hem. Bạn tìm thử xem gương mặt nào là của ta, của bạn?

Nguyễn Tấn Ái

Nhớ Xưa

Tóc em một thời che kín hoàng hôn
Trăng mờ ảo cho đường làng nghiêng ngả
Dáng em đi trên lối về sỏi đá
Nghe tim đau như lá trở mình!
Dáng em ngày xưa như kẻ phụ tình
Sau lần áo dấu bao nhiêu tội lỗi
Dáng tôi ngày xưa như hờn như dỗi
Xa lánh bạn bè tìm khoảng trời riêng!

Nguyễn Tấn Ái

Chuyện Với Dòng Sông


Ai hát câu à ơi
Để giữa lòng ta mênh mang chiều xuống
Chiều Trung Phước, chao ôi! Chiều quá muộn
Bắt tội dòng Thu tương tư.
Đã đôi lần xuôi ngược bến sông Thu
Ta mới hiểu Đại Bình đa mang đến thế
Em xõa tóc quấn đời dâu bể
Ta ngây ngô say trọn đêm rằm.
Đã lỗi với người vạn cuộc trăm năm
Sá gì không say cốc nữa

Chếnh choáng li tràn cụng ráng chiều rực lửa
Tân hôn chi, cuộc tình đầu.
Đã đọc nát nhiều nghĩa lí bể dâu
Lại ngu ngơ chi lời hẹn ước
Bạc tóc còn vương câu hò đò ngược
Ta lội về uống ngụm nước nguồn xanh
Trăm năm thôi đã… thôi đành!


Nguyễn Tấn Ái

Chuyện Nàng Thuý Vân

Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa thế giới.
Bậc danh nhân sinh hạ được một cặp sinh đôi tuyệt thế: Thúy Kiều và Thúy Vân.
Cụ cũng gật gù đắc ý:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.


Ấy vậy mà số phận hai nàng lại quá khác nhau.

Kiều tiền hung hậu kiết. Kể từ độ bán mình chuộc cha, tính trung bình 20 lạng vàng định giá một năm son phấn kể cũng thua thiệt cho đời hoa ghen thua thắm. Tôi cũng tội thân Kiều. Mà qua cái tao đoạn ấy, đời Kiều kể lên hương. Hai thế kỉ rưỡi trôi qua, Kiều không thôi được các thi nhân xưng tụng, dẫu đôi lúc cũng bị đời mắng mỏ, song cái roi đe nẹt dẫu đau cũng chả bù những lúc được tôn vinh, nhất là khi một nhà thơ lạm quyền chủ tịch tôn Kiều là cái tiết trinh của đời dân tộc:

Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường!

Chế Lan Viên
Ngẫm lại thấy tội nàng Vân.
Một đời thanh xuân hơ hớ, so cô chị dẫu có tủi phấn thẹn hương đôi chút , song cũng hàng quốc sắc thiên hương, mà chẳng được đời chiều. Từ cái đêm trao duyên chẳng đặng chối từ, Vân cứ mất hút vào cõi vô danh, đến cuối hồi soát sổ, Vân mới có cơ hội trình diện một lần nữa, cũng chỉ để làm xong cái phận sự: Mang khối tình cất dùm mà nguyên chủ phát hoàn!

Nguyễn Du kể cũng hay tâm nên giành cho Vân tàng tàng chén cúc dở say ý hẳn để nàng quên đi hờn tủi!

Kể thì cũng tội, hồng nhan chẳng kịp đa truân, chẳng chịu đa tình, thành dở dang quá đỗi. Mười lăm mười sáu cập kê, chưa kịp biết yêu, đã phải vì chị mà mậu đường tình, khuân vác cái duyên hờ của chị. Mà mười lăm năm ấy, nào hạnh phúc cho cam, nuôi nấng cái đấng lang quân vừa kịp bảng vàng bia đá, ngài vội vứt ngang mà đăm đăm tìm kiếm tình xưa, thật đúng cái tình cái cảnh “ thân em bắt tép nuôi cò, cò ăn cò béo cò dò lên cây”. Nghĩ vậy mà khuyên thi nhân nay có mài bút khen cái chí tình của chàng Kim thì xin “ nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay” kẻo tội nàng Vân lăm lắm! Hãy ngẫm xem linh hồn Vân cười khóc thế nào khi nghe đời sau nhạo báng:

Thôi đừng nhắc khúc đàn xưa mờ tỏ
Mảnh vườn khuya em băng lối một mình
Ta không bẻ nhụy đào đêm xuân ấy
Để bây giờ buồn tiếc đến khôn nguôi!

Nguyễn Tiên Khôi

Thôi thì tập làm người nghĩa hiệp mà đi ngược lẽ đời, để chia sẻ cùng Vân đôi điều uẩn khúc.
Một lần đem nỗi băn khoăn này mà tỏ bày cùng một danh sĩ đất Hội An, danh sĩ cười ngạo mà phán bảo:
– Thương tiếc khéo là vô lí, lẽ đời đã dấn một nửa bước chân vào chốn tài hoa ai lại đi thương một cái giải nhì!
*
* *
Thôi đành vậy.

Người viết bài này chỉ là nhất thời cao hứng mà diễn xuôi ý tứ của một thi nhân, Trương Nam Hương, nên có lỗi nào trong bài luận văn vô phép rất mong quí bạn vui lòng tìm đến ông Trương Nam Hương mà cật vấn.

Sau đây là bằng chứng:

TÂM SỰ NÀNG THÚY VÂN

Trương Nam Hương

Lặng nghe lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị thương lệ khóc đã đành
Chứ em nước mắt đâu dành chàng Kim.

Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để nồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ mất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!
Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường.

Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim.
Em làm vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Đắp đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?

Ý kiến các bạn thế nào?

Nguyễn Tấn Ái

Cho Cả


CHO QUASIMÔĐÔ*

Hắn ôm trong lòng tình yêu mênh mông thẳm sâu như vực như trời

Hắn cũng biết khoảng cách giữa hắn và nàng cũng thẳm sâu mênh mông như trời như vực

Ngày nàng chết có lẽ là ngày hắn sung sướng nhất

Ngày hắn được ôm nàng đưa nàng vào vĩnh cửu tình yêu.
.

CHO RÉT**

Nàng theo đuổi những hào hoa tráng lệ cao vời

Bỏ lại hắn một mình với trái tim buốt nhức

Hắn đâm chém nàng bằng những lời chát chua cùng cực

Để rồi trước cả nàng hắn tan nát vì yêu.
.

CHO TÔI

Miên viễn một tình yêu

Nụ hoa mười giờ nở trên bục giảng

Ông giáo già nghễnh ngãng

Giảng lời tình ca ê a… Lũ nhỏ ngồi buồn.

*Nhân vật của “Nhà Thờ Đức Bà, tác giả VictorHugo”
**Nhân vật của “Cuốn Theo Chiều Gió, tác giả Margaret Mitchell

Nguyễn Tấn Ái

Về Quê Nghe Tiếng Chim Bắt Cô Trói Cột


Về quê nghe tiếng chim bắt cô trói cột
Ngỡ ai treo kí ức ở trên cành
Ta mòn gót đi cùng trời cuối đất
Tóc trên đầu hao hết nửa phần xanh
Ta xuống đồng, lúa mừng vui vẫy gọi
Cánh cò chao nghiêng ướm hỏi đôi điều
Ừ, nơi đây ta từng gieo kỉ niệm
Ai gặt hết rồi thuở tóc xanh yêu!?

Ta cứ ngỡ quê nhà xưa vẫn vậy
Còn người thương gội bồ kết ướt lưng ong
Trăng vẫn cũ – con đường xưa lại mới
Hết đá vấp chân- sao lại nhói đau lòng!
Biết sao được chuyện của đời dâu bể
Sông có tự ngàn xưa chừ cũng xoay dòng
Núi sừng sững cũng trọc đầu mỏi mệt
Sá chi ta chỉ một kiếp long đong.
Chim chỉ gọi- chẳng bắt ai trói cột
Mà sao ta vùng vẫy đến rã rời
Đứng giữa vườn xưa buồn vui khôn nói được
Kêu chi hoài não nuột lắm chim ơi!

Trích từ tập TRƯỚC SÔNG THU.- Thơ Dương Quang Anh

Cảm nhận:

Một lần đêm quê, ngồi chơi cữ rượu độ gần tàn, người hàng xóm hứng chí ngâm lên:

Về quê nghe tiếng chim bắt cô trói cột
Ngỡ ai treo kí ức ở trên cành
Ta mòn gót đi cùng trời cuối đất
Tóc trên đầu hao hết nửa phần xanh

Cả bàn rượu lặng im. Còn tôi, câu thơ thứ nhì cứ treo lơ lửng trong đầu. Về sau, tôi đã tìm đọc trọn vẹn bài thơ ấy. Bài thơ tôi giới thiệu ở trên.

Bài thơ có cái duyên ngầm bởi bắt được một điệu quê. Với đa phần người, cái hồn quê thường thức dậy từ cánh diều mùa thu hay điệu lí mỗi chiều. Với Dương Quang Anh, thật đến bất ngờ là cái hồn quê lại dóng lên khắc khoải từ một loài chim chẳng mấy khi được chọn làm thi liệu: Chim bắt cô trói cột.

Và theo âm vang của nốt nhạc lạc loài ấy, khách tình quê đi về với cánh cò, đồng lúa, mùa trăng xưa và con đường cũ. Những bước lang thang mà định hướng cho cả một mùa kí ức.

Bắt được giai âm, tác giả như tình cờ được tặng luôn cả một giai điệu. Toàn bài thơ tuy có đôi chỗ phá cách nhưng chung qui vẫn nền nả mặn mà bằng điệu thơ tám chữ có phần xưa cũ. Ấy vậy mà giọng điệu rất quen thuộc ấy, tôi nghĩ, mới thật là một chọn lọc.

Có tình, có điệu. Chưa hết, tôi muốn bàn đến cái tứ của bài thơ. Phải nói thơ anh vừa xúc cảm vừa chắc trong cấu tứ. Ở mỗi khổ thơ, tác giả đã biết để lại một câu hay, một ý đắc để làm những chiếc đinh giữ vững bộ khung của thơ mình.

Ngang đồng lúa, người thơ tự hỏi:
Ai gặt hết rồi thuở tóc xanh yêu!?

Và trên quê xưa, đường nhựa phẳng lì thay cho những bậc đá ngày nào còn mấp mô trong kí ức, sao lòng lại xốn xang:

Hết đá vấp chân sao lại nhói đau lòng

Và đây là thái độ của người đã quá cái ngưỡng tri thiên mệnh trước mọi ngã đời dâu bể:

Núi sừng sững cũng trọc đầu mỏi mệt
Sá chi ta chỉ một kiếp long đong

Và bài thơ kết lại đúng nghĩa trữ tình. Kết mà không mở ra một cục diện mới nào, kết trong một thủy chung cảm xúc:

Chim vẫn gọi chẳng bắt ai trói buộc
Mà sao ta vùng vẫy đến rã rời
Đứng giữa đường làng buồn vui khôn nói được
Kêu chi hoài não nuột lắm chim ơi!

Tôi cũng thế, vùng vẫy mãi mà chẳng thể thoát ra khỏi những sợi tơ chăng mắc bằng ngôn ngữ trữ tình ấy. Bỡi tôi cũng là một người quê. Cũng đôi lần đi về quê xưa mà nghe thời gian còn phảng phất một màu kí ức. Và như để trả nợ cho một tình quê, tôi giải tỏa bằng một vài cảm nhận. Hẳn cũng quê kệch như tiếng “bắt cô trói cột” kia. Song lại là một điệu quê, có ai người đồng điệu?

Nguyễn Tấn Ái