All posts by hangnhu

Lễ Hội Deepavali

Deepavali, còn gọi là Diwali là một lễ hội chính ở Ấn Độ và là lễ hội quan trọng nhất với người theo đạo Hindu.
Deepavali_Wishes-Diwali
Lễ hội Diwali được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Kartika theo lịch Ấn Độ vốn tính theo quỹ đạo của mặt trăng (âm lịch), thường nhằm vào tháng 10 hoặc tháng 11. Năm 2009 này, lễ Diwali nhằm vào ngày 17 tháng 10 (mồng Một tháng 9 âm lịch) và lễ cầu nguyện chính được mọi gia đình tổ chức vào đêm trước đó.

Lễ hội Diwali, với người theo đạo Hindu, là lễ hội lớn nhất trong năm. Người theo đạo Jain và đạo Sikh cũng tổ chức lễ hội này với ý nghĩa riêng của tôn giáo họ. Các lễ hội ở Ấn Độ đều gắn liền với các truyển thuyết và lễ hội Diwali cũng không là ngoại lệ. Ngày nay, tín đồ các tôn giáo Hindu, Jain và Sikh trên khắp toàn cầu coi đây là “lễ hội ánh sáng” với ý nghĩa đốt ánh sáng trí tuệ và thiện lành để xua tan bóng tối ngu muội và xấu ác nơi mỗi con người chúng ta.

Lễ hội Diwali có nguồn gốc từ việc kết thúc vụ mùa thu hoạch trong năm. Lễ hội này đánh dấu thời điểm khép lại một năm trước khi bước vào mùa đông. Nông dân không ra đồng, người buôn bán không mở cửa tiệm trong suốt thời gian lễ hội diễn ra và sau lễ là bắt đầu một năm với mùa vụ mới và khởi điểm một năm cho công việc kinh doanh. Thần may mắn và hộ trì về tài lộc theo đạo Hindu là nữ thần Lakshmi được thờ kính trong ngày này như là biểu hiện của sự biết ơn chư vị thần linh. Vào ngày lễ chính, tượng nữ thần Lakshmi được tôn trí nơi thờ phượng và mọi người cầu nguyện vị thần này hộ trì cho họ được mọi điều hanh thông trong năm tới.
INDIA
Ở nhiều vùng khác nhau trên khắp đất nước Ấn Độ, lễ hội Diwali có ý nghĩa kỷ niệm lễ đón rước vua Rama của thành Ayadhya sau 14 năm lưu đày trên rừng trở về. Khi ấy, người ở thành Ayodhya (thủ phủ của kinh đô vua Rama) chào đón quốc vương của họ bằng cách đốt đèn thành dãy trên các lối đi. Dãy ánh sáng là ‘avali’ và đèn là ‘deepa’ nên lễ hội này có tên là ‘Deepavali’. Từ gốc ‘Deepavali’này, sau một thời gian, biến thành từ ‘Diwali’ trong tiếng Hindi. Từ gốc trong các ngôn ngữ khác ở miền Nam Ấn không có sự thay đổi, do đó, họ vẫn giữ nguyên từ ‘Deepavali’ để gọi tên lễ hội này. Về sử tích thì có một chút khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam. Người miền Nam tổ chức lễ hội này để ghi dấu ngày thần Krishna đánh bại quỷ thần Narakasura.

Người theo đạo Jain tổ chức Diwali để ghi dấu ngày vị giáo chủ Mahavira nhập Niết Bàn vào ngày 15 tháng 10 năm 527 trước dương lịch. Người theo đạo Sikh tổ chức lễ hội này với một lý do khác. Vào ngày này, vị đạo sư thứ 6 của tôn giáo này, đạo sư Hargobind vượt ngục thành công cùng với 52 vị vua đạo Hindu (tù chính trị). Sau khi được tự do, vị đạo sư này đến ngôi đền Darbar Sahib (đền vàng) ở thành phố Amritsar linh thiêng. Ở đó, các tín đồ đạo Sikh và dân làng vui mừng chào đón vị đạo sư này trở về bình yên. Trong niềm hân hoan ấy, mọi người đốt đèn để tiếp rước. Ở Ấn Độ, ngày nay, Diwali trở thành lễ hội quốc gia, mọi người, không luận là tôn giáo nào, vui mừng tổ chức lễ hội ánh sáng này.
diwali
Ý nghĩa tâm linh

Trong khi lễ Diwali được biết đến là “lễ hội ánh sáng”, ý nghĩa tâm linh quan trọng nhất là mong cầu một năm may mắn và thịnh vượng đến với mọi người và mọi nhà.

Triết lý căn bản của đạo Hindu là ngoài thân thể vật lý, con người có cái tâm thuần tịnh, không giới hạn, trường tồn gọi là ‘tiểu ngã’ (Atman). Như thể chúng ta tổ chức sinh nhật cho cơ thể vật lý, Diwali, cũng như nhiều lễ hội khác, là lễ hội cho tâm linh, để khơi dậy ánh sáng bên trong, ánh sáng có công năng tỏa sáng và chiếu soi mọi tăm tối (loại trừ những chướng ngại và xua đuổi vô minh), đánh thức con người trở về với bản tánh của mình, thuần tịnh, không giới hạn, bao trùm hết thảy và siêu việt. Khi tiểu ngã được nhận thức rõ ràng, tiểu ngã này hòa nhập vào tình thương yêu rộng lớn và nhận thức được tất cả là một thể nhất như (Brahman). Điều này đem lại cho họ một niềm vui lớn trong nội tâm.

Chuẩn bị tổ chức lễ hội

Dấu hiệu Diwali đến trên đất Ấn trước ngày lễ chính thức chừng một tháng. Không khí lễ hội ngày càng đậm nét, nhộn nhịp nhất là một tuần trước Diwali, chợ quán bắt đầu mang tấp nập người mua kẻ bán để chuẩn bị lễ hội. Tất cả các mặt hàng đều được bày bán rất nhiều và giảm giá đáng kể. Trẻ con, và cả người lớn nữa, đều mua quần áo mới trong dịp lễ này. Trẻ con thích nhất là sở hữu pháo một vài chùm pháo và đợi đến ngày lễ chính, đốt ngay sau khi gia đình làm lễ cầu nguyện xong.

Chung nho nhỏ bằng đất nung gọi là diya, tim bấc và dầu, những thứ chính yếu làm nên ý nghĩa trong ngày lễ ‘ánh sáng’ này, được bày bán khắp nơi từ nhiều ngày trước. Bên cạnh đó, bánh ngọt các loại cùng trái cây là những món không thể thiếu để bày cúng trong ngày lễ trọng đại này. Nhà cửa được quét vôi mới, dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất từ trong ra ngoài để để chuẩn bị đón rước thần linh. Cách người ta chuẩn bị lễ hội chu đáo như những ngày lễ Tết cổ truyền ở các làng quê Việt Nam. Dùng bột nhuộm tạo những hoa văn có nội dung phản ánh lễ hội bằng đủ các màu sắc gọi là rangoli là cách trang trí trong nhà và thềm cửa không thể thiếu trong những dịp lễ trọng đại này. Giới thương gia, bên cạnh những bận rộn phục vụ hàng tiêu dùng cho lễ hội, tặng quà đối tác và khách hàng như là một nghi lễ không thể thiếu trong dịp này.
deepavali1
Thờ cúng nữ thần Lakshmi

Diwali đánh dấu cuối mùa thu hoạch của một năm ở hầu hết các nơi trên lãnh thổ Ấn Độ. Người nông dân bày tỏ lòng biết ơn đến các thần linh về những gì người ta thu hoạch được trong năm và cầu mong cho mùa màng bội thu vào năm tới. Nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sự may mắn, giàu có thịnh vượng được tôn trí nghiêm trang trong lễ hội này. Ai cũng mong sự hộ trì của nữ thần này sẽ đem lại nhiều vận may cho năm tới.

Ngày nay, trong lễ hội Diwali, bên cạnh thờ cúng thần Lakshmi, người ta cũng thờ cúng thần Ganesha (thần đầu voi) tượng trưng cho trí tuệ và giàu sang để thể hiện mong ước có được một cuộc sống viên mãn hơn.

Lễ hội

Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày chính của lễ hội Diwali đến vào ngày đầu tháng Kartika (thường là ngày Mồng Một tháng 9 âm lịch) trong sự nô nức, vui mừng và bận rộn của tất cả mọi người. Ngay tối trước (đêm cuối cùng của tháng Ashwina, tương đương đêm Trừ tịch của Tết Việt Nam), không khí trong nhà bao trùm một màu linh thiêng và huyền bí. Xung quanh nhà, những diya bằng đất nung chứa dầu và tim bấc sắp xếp ngay ngắn thành từng dãy quanh nhà, được đốt lên sáng rực khắp nơi khi trời vừa kịp tối.
deepavali2
Khoảng sau 8 giờ, tất cả mọi thành viên trong gia đình chí tâm chí thành làm lễ cầu nguyện chung. Ở càng làng quê, khung cảnh lễ hội càng có vẻ thâm trầm hơn. Ánh sáng lung linh của vô vàn ngọn lửa nhỏ trong màn đêm cô tịch càng tạo nên vẻ linh thiêng và huyền bí trong khói nhang quyện tỏa và lời cầu nguyện may mắn vang lên ở mỗi nhà.

Sau lễ cầu nguyện, các loại bánh ngọt và trái cây đã cúng được soạn vào trong các khay và phủ lên trên một chiếc khăn màu trắng rồi vài thành viên trong gia đình chia nhau mang đến từng nhà quyến thuộc ở gần nhà và hàng xóm để tặng quà và trao nhau những lời chúc mừng và cầu nguyện. Nhà nào cũng có người đem đồ cúng đi biếu và nhận lại đồ cúng từ nhà người khác dường như trong cùng một thời điểm. Ngoài đường, khói pháo quyện trong không khí một màu trắng đục bao phủ khắp nơi. Pháo nổ đì đoành hầu như suốt đêm. Chẳng ai ngại bầu không khí nồng nặc mùi thuốc pháo, người người mang quà biếu tới lui, qua lại gặp nhau chào hỏi trông thật vui và ấm cúng, nhất là ở các miền quê. Họ đến nhà nhau, trao quà, chúc mừng, lưu lại đôi phút để dùng chén trà nóng giữa đêm khuya hay ăn tí bánh ngọt rồi quay về nhà, tiếp tục mang bánh trái đến các nhà hàng xóm khác.

Trong lễ hội này, trẻ con có vẻ rất hạnh phúc. Tối mới đến giờ làm lễ chính mà chúng đã tụ tập nhau từ chiều, xúng xính quần áo mới, thưởng thức thức ăn ngon và nhất là em nào cũng có pháo trong tay, nôn nóng đợi cho gia đình làm lễ cầu nguyện xong là đốt ngay.

Dù những câu chuyện nằm đằng sau lễ hội Diwali khác nhau tùy theo từng vùng và các cộng đồng khác nhau ở Ấn Độ, ý nghĩa của nó không thay đổi – thể hiện sự vui mừng khi đốt lên những ngọn đèn soi sáng nội tâm mỗi người và mong cầu ánh sáng soi đường cho con người hướng về nẻo lành và cầu mong nhiều thần thánh hộ trì, đem lại may mắn và bình an hơn trong cuộc sống.

Hằng Như

Bệnh và Tư Duy Tích Cực

benh-embe
Bệnh là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời. Có mang thân người là có bệnh. Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần bệnh, không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Nếu người nào, đến giây phút này vẫn chưa một lần bệnh thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhưng ít ra, người đó cũng chứng kiến người thân của mình bị bệnh và biết chắc rằng, đến một lúc nào đó, mình có thể bị bệnh. Do đó, bệnh là một hiện tượng rất gần gũi với con người mà chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nói đến bệnh, ai cũng có thể nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ hãi và vô số những tâm lý tiêu cực khác. Hễ bệnh là đau. Điều này không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có khổ (về tâm). Bạn có thể thắc mắc đến ngạc nhiên rằng bệnh làm sao mà không buồn không khổ? Tôi đã từng thắc mắc như vậy sau vài lần bệnh, nhưng sau đó, thay vào các thắc mắc là các bài học tự nghiệm ra được. Ở đây, tôi xin chia sẻ với các bạn một vài phương diện tích cực khi đang bệnh hoặc phải sống chung với bệnh.

1. Bệnh là cơ hội để nhận biết tín hiệu cơ thể. Khi chúng ta bị một chứng bệnh nào đó, chúng ta đừng vội buồn phiền, suy sụp tinh thần, thấy sao mình bất hạnh so với nhiều người khác. Bệnh là một điều tất yếu một khi chúng ta mang thân làm người, nên việc nó đến với người này, chưa đến với người khác, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Không có gì bất công đâu.

Hãy coi bệnh là cơ hội để mình nhận được tín hiệu của cơ thể báo cho mình biết có gì đó không ổn trong cơ thể của mình. Ví dụ, khi nghe tức ngực, bạn biết rằng điều này nhắc bạn cần đến bác sĩ để khám, và như thế, rất có thể bạn sẽ biết và tránh được hoặc trì hoãn chứng bệnh mạch vành của tim trước khi mọi việc trở nên quá trễ. Hầu hết các chứng bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có những triệu chứng đi kèm.

Nếu chúng ta biết cách lắng nghe cơ thể để kịp thời nhận được tín hiệu thay đổi và có phương pháp xử lý phù hợp, chúng ta đã phần nào biết giữ gìn sức khỏe tốt và đem lại hạnh phúc cho bản thân mình, cho người thân và cho xã hội. Một số bệnh hiểm nghèo, như ung thư, vẫn có khả năng chữa trị nếu được phát hiện ở thời kỳ đầu. Các bệnh khác cũng vậy. Do đó, sẽ không có gì đáng buồn khi chúng ta ‘nghe’ cơ thể không ổn. Thay vào đó, chúng ta nên vui, nếu không vui nổi thì cũng bình tâm, vì ít ra, mình nhận được tín hiệu mà cơ thể gửi cho mình. Hơn nữa, qua một lần nhận tín hiệu như thế, chúng ta phát triển khả năng lắng nghe cơ thể thường xuyên hơn. Nhờ đó, chúng ta biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp hơn với cơ địa của mình.
benhnhungvui
2. Bệnh là dấu hiệu cho bạn biết rằng bạn cần điều chỉnh cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn. Thông thường, khi biết mình bệnh, chúng ta thường để tâm lý tiêu cực phát sinh. Bản năng sinh tồn thôi thúc con người muốn sống, nên không bằng lòng khi bệnh đến với mình, thế là tinh thần suy sụp, sợ hãi nảy sinh. Người nào có tâm lý như thế có nghĩa là đang góp phần đáng kể vào việc hủy hoại thân thể mình và làm cho bệnh càng trầm trọng mặc dù có sự can thiệp của các phương pháp trị liệu.

Rất nhiều chứng bệnh và cơn đau phát sinh do tâm lý căng thẳng. Các bệnh về tim mạch, huyết áp, dạ dày đều có liên quan đến tình trạng rối loạn tâm lý. Tâm lý không ổn định và mất thăng bằng là một trong những nguyên nhân rất dễ đưa đến rối loạn các quá trình trao đổi chất trong cơ thể và gây nên bệnh. Do vậy, khi chúng ta bệnh, chúng ta cần nhận ra rằng đây là cách mà cơ thể báo cho mình biết rằng tâm trí cần nghỉ ngơi nhiều hơn và học cách chuyển hóa những căng thẳng hiệu quả hơn. Làm như vậy là giúp cơ thể nhanh lành bệnh và phòng bệnh về sau một cách hiệu quả.

3. Khi bệnh, chúng ta thấy nhu cầu chăm sóc tâm thức và đời sống tinh thần trở nên cần thiết hơn. Lúc đang mạnh khỏe, chúng ta những tưởng mình là bất tử, nên việc chăm sóc đời sống nội tâm chưa phải là vấn đề cần thiết lắm. Khi bệnh, chúng ta mới cảm nhận được cảm giác chơi vơi, trống vắng và sợ hãi. Khi ấy, chúng ta mới nhận ra rằng cái mình thật sự thiếu là một tinh thần vững chãi, một nội tâm kiên định để có thể vững vàng trong những tình huống như vậy. Từ đó, chúng ta học được cách chăm sóc tâm mình.

Thật ra, nhu cầu chăm sóc tâm thức cần được thực hiện thường xuyên chứ không đợi đến khi bệnh, vì nó cần thiết hơn cả việc chăm sóc thân thể. Thế nhưng, thông thường, chúng ta ít để ý đến nhu cầu này nên chưa nhận ra. Do vậy, nhiều người sau khi bị bệnh, thường quay về với đời sống tâm linh nhiều hơn. Đối với bản thân tôi cũng vậy, bệnh lần đầu tiên, buồn và nản lắm. Sau đó, thấy tinh thần mình bạc nhược. Như vậy là không được. Khi bệnh mình bất an thì những người thân thêm lo lắng chứ chẳng được gì. Rồi bệnh lần sau, tôi biết cách làm cho mình cảm thấy khá hơn và bây giờ, khi mang trong người căn bệnh mãn tính, tôi học được cách sống chung với bệnh và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình ‘chung sống’ này để cuộc sống dễ chịu hơn.

Một điều có tính quy luật tôi rút ra được là lúc nào tâm tôi bình an và ít dao động, tôi có cảm giác ít đau đớn hơn. Nghĩa là, thân bệnh thì thân ‘đau’, nhưng không vì thân đau mà tâm phải ‘khổ’. Thật ra, khi thân đau, cũng chỉ có một vài bộ phận ở một vài khu vực đau mà thôi. Sự thổi phồng nỗi đau ra toàn thân và lan đến cả tâm là một căn ‘bệnh’ khác nan giải hơn cả bệnh lâm sàng mình đang mắc phải. Khi nào chúng ta để cái khổ của tâm gắn với cái đau của thân, cái đau khổ ấy thống thiết và nhức nhối vô cùng.
benh
4. Bệnh dạy cho chúng ta về vô thường. Già, bệnh, rồi đến cuối chặng đường của một kiếp người là chết. Tất cả những hiện tượng tự nhiên này diễn ra không ngừng trong con người và mọi loài mọi vật. Các giai đoạn (ta tạm gọi như thế, chứ thật ra không có ranh giới nào) sinh ra, trưởng thành, già cỗi và hư hoại đan xen nhau trải dài trên một chiếc trục gọi là ‘cuộc sống’ mà một cực là sự sanh ra trên cuộc đời và cực kia là cái chết. Ở mức độ vi tế hơn, chúng ta cần hiểu rằng trong mỗi tích tắc, bao nhiêu tế bào trong cơ thể chết đi và bao nhiêu tế bào mới được sinh ra. Thế nhưng, để ‘thấy’ được sự thay đổi thì cần phải có những biến chuyển cụ thể, rõ ràng và lớn hơn. Một khi bệnh, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng mình đang ‘chuyển giai đoạn’.

Ý thức được vô thường giúp chúng ta ý thức hơn về cách sử dụng và quản lý thời gian của bản thân cũng như điều chỉnh các mối quan hệ với những người xung quanh để có một cuộc sống ý nghĩa hơn. Chỉ có những người trải qua cơn bạo bệnh mới hiểu được trọn vẹn sức khỏe tốt là một thứ tài sản vô giá, để rồi sau đó, họ không phung phí tài sản ấy.

5. Bệnh làm cho chúng ta tăng trưởng tâm từ bi. Khi ta bệnh, ta thấu hiểu nỗi đau của người khác nhiều hơn, nhất là những người mắc bệnh giống mình hoặc bệnh nặng hơn mình. Người xưa nói ‘đồng bệnh tương lân’ quả không sai. Trong đau đớn, chúng ta cảm thấy mình không đơn độc chống chọi với căn bệnh này. Nghĩ đến những người cùng chịu nỗi đau giống mình hoặc hơn mình nữa, chúng ta có thể dễ dàng trải lòng thương yêu đến cả những người không quen.

Tâm đồng cảm, thấu cảm và chia sẻ với những người cùng bệnh rất lớn. Nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng tâm lành này, tức là chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ bi của mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ có những động thái tích cực và thiết thực góp phần giúp người bệnh vơi nhẹ nỗi đau bằng kinh nghiệm bản thân. Thực tế, khi chứng kiến bệnh tật, thân nhân người bệnh cũng mở rộng tấm lòng và sự đồng cảm đối với những người bệnh. Các chương trình ‘Ước mơ của Thúy’, “Nụ cười của Ben’ là những ví dụ sinh động về sự chia sẻ đồng cảm của những người có người thân từng là bệnh nhân nhi ung thư đối với những em bé có cùng số phận.
benhnhungvui1
6. Bệnh giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm khiêm hạ và biết đủ. Khi bệnh, chúng ta mới sực nhớ ra rằng cuộc đời mình không phải là không có giới hạn. Giới hạn của con người là lẽ thường xưa nay, nhưng bình thường chúng ta không ý thức đầy đủ về những giới hạn của mình. Nếu thấy người khác bệnh, chúng ta cứ tưởng bệnh chỉ đến với người đó mà không đến với mình. Cho đến khi chính bản thân mình hay người thân bị bệnh như bao người khác, chúng ta mới kịp nhận ra, ai cũng chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên: đau, già, bệnh và chết.

Ý thức rằng mình không hơn gì người khác, ít nhất là trong quy luật tự nhiên này, giúp chúng ta bớt đi lòng kiêu hãnh và trở nên khiêm tốn hơn trong cuộc sống. Qua một lần bệnh, chúng ta có thể bớt đi lòng tham cầu một cách đáng kể. Qua một lần bệnh, chúng ta có thể biết cách tổ chức cuộc sống mình hiệu quả hơn và tốt hơn.

7. Bệnh giúp chúng ta có ý chí và nghị lực hơn. Ý chí và nghị lực là kỹ năng sống cần được rèn luyện trong nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống. Thế thì tại sao mình bỏ qua cơ hội bệnh để rèn luyện kỹ năng này? Tôi bệnh nhiều lần và tôi nghiệm ra một điều, sau mỗi lẫn bệnh, tôi trở nên mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn và rồi các lần bệnh đến và đi cũng nhẹ nhàng hơn.

Thật ra, tôi làm được điều này cũng nhờ nghĩ đến cha tôi, một người trở về từ chiến trường chỉ còn một cánh tay và một chân không bao giờ gấp lại được vì một vết mổ, dù những năm tháng ở chiến trường, cha tôi chỉ biết cầm kim, dao mổ và ống chích chứ chưa bao giờ biết cầm súng. Với cánh tay đã mất, cha phải chịu đau đến ba lần cắt (lần đầu cắt bàn tay, lần thứ hai tháo khớp khủy tay vì nhiễm trùng, lần thứ ba lại cắt tiếp vì nhiễm trùng nữa). Thế mà cha tôi vẫn vui sống, luôn tích cực trong suy nghĩ và hành động, truyền nghị lực và sức sống còn lại cho những đứa con.

Thế nên mỗi lần đau bệnh, có khi nằm cả tháng trời, có khi đau răng nhức nhối khó chịu, lúc trật khớp chân mất cả tuần mới đi lại được và hiện tại là cơn đau dai dẳng đeo đẳng theo tôi từ mấy năm qua, tôi vẫn thấy không thấm vào đâu so với nỗi đau của cha mình. Nghĩ như thế, tôi vượt qua cơn đau dễ hơn mình tưởng. Cách nghĩ như vậy là liều thuốc giảm đau hiệu nghiệm nhất đối với bản thân mình.

Trên đây, tôi chia sẻ những ‘lợi ích’ khi mình bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn bản thân mình hay các bạn, hoặc ai đó bị bệnh. Bệnh là một hiện tượng nằm ngoài ý muốn của con người. Những điều trên, đơn giản là vài phương pháp mà tôi dùng đến mỗi khi bệnh. Đó là những phương pháp hỗ trợ các phương tiện trị liệu y khoa, làm cho bệnh mau lành và giúp người bịnh không hao tổn quá nhiều năng lượng để ‘chống chỏi’ với bệnh. Nếu thấy điều nào phù hợp với mình, các bạn cứ thử áp dụng, tôi tin là sẽ có hiệu quả. Nguyên tắc chung để chịu đựng và sống chung với bệnh (đối với các bệnh mãn tính và những thương tật vĩnh viễn do tai nạn) là khi thân đau, đừng để tâm khổ vì cái đau của thân. Hãy xem bệnh là một ‘vị khách không mời’ và đối xử lịch sự với ‘nó’. Đừng xua đuổi vì một khi bị xua đuổi, nó sẽ kháng cự. Việc chúng ta cần làm là tạo một môi trường thích hợp nhất để ‘nó’ tự ra đi. Hãy buông bỏ, nó sẽ tự ra đi không một lời từ biệt đó các bạn ạ.

Hằng Như

Cuộc sống và những va đập

whitepebble
Có một lần, lâu lắm rồi, tôi đọc được một câu chuyện đơn giản mà giàu triết lý sống, đó là câu chuyện về hòn sỏi. Tôi xin kể lại đây lời tự thuật của hòn sỏi với các chi tiết tôi còn nhớ được. Hòn sỏi kể về chuyến đi đầy cam go của mình như sau:

“Tôi vốn xuất thân từ một tảng đá khổng lồ trên núi cao. Tôi nằm đó, trải qua sương gió, nắng mưa trong bao năm tháng dài đăng đẳng. Sau một thời gian, nắng, nóng, mưa và lạnh làm cho người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra thành từng mảnh nhỏ, góc cạnh lởm chởm và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi qua các dòng sông suối rồi xuôi về biển. Do liên tục bị va đập, lăn lộn trên đường ra biển, tôi bị thương tích đầy mình. Mỗi lần bị va đập, những góc cạnh của tôi đau đớn vô cùng nhưng rồi chúng cũng bớt xù xì lởm chởm mà tròn dần trên chặng đường tôi đi. Và chính những dòng nước cuốn tôi đã xoa dịu và làm lành những vết thương của tôi. Cùng với đớn đau, tôi học được nhiều bài học quý báu và cuối cùng, tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ.”

Lời trần thuật của người nào đó gán cho hòn sỏi làm tôi liên tưởng đến quá trình hình thành ngọc trai tự nhiên. Thành phần ngọc trai tự nhiên chủ yếu là xà cừ. Người ta cho rằng ngọc trai được tạo ra khi có một vật lạ nhỏ hoặc hạt cát chui vào bên trong con trai biển và nằm luôn trong đó. Bị kích thích bởi vật lạ này, con trai tiết ra một chất dịch bao bọc dị vật. Đây là cách phản ứng để tự chữa lành các vết thương của loài nhuyễn thể này. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều năm và chất tiết ra đó tạo nên một lớp xà cừ bao bọc lấy hạt cát hay dị vật xâm nhập mà tạo thành viên ngọc đẹp, quý và có giá trị.

Bạn nghĩ gì về những chi tiết trong câu chuyện hòn sỏi và ngọc trai? Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những những va đập đầy biến động. Liệu chúng ta có sẵn lòng ôm ấp những đớn đau và học cách vươn lên trên nỗi đau, để rồi một ngày nào đó chúng ta cũng có thể tạo ra những “hòn sỏi mịn màng hay “viên ngọc trai lấp lánh”? Là con người, không ai được ban tặng một cuộc đời như ý với mọi thứ đều hoàn hảo. Cuộc sống là một quá trình tự mình làm nên với nhiều thử thách cam go. Chúng ta có đủ can đảm để trải qua cuộc hành trình gian khó như hòn sỏi đã trải qua? Liệu chúng ta có đủ bản lĩnh như con trai biển, trong dòng lệ đớn đau với dị vật xâm nhập, tạo nên được những viên ngọc trai lung linh màu sắc?

pearlsinoyster

Đau đấy các bạn ạ, nhưng đủ sức chịu đựng và biết cách chuyển hóa nỗi khổ niềm đau là một nghệ thuật. Nếu như tảng đá vỡ không kiên trì chịu đựng đau thương để lăn tròn góc cạnh, sẽ không có những hòn sỏi tròn láng. Nếu những con trai không chịu đựng nổi sự đớn đau của hạt cát hay dị vật nào đó chui vào bên trong vỏ của mình và có cách phản ứng tự vệ, loài nhuyễn thể có tên gọi là ‘trai’ ấy sẽ không tạo được những viên ngọc lung linh sắc màu. Đã bao giờ bạn thấy được rằng chính những chông gai mới mang lại những bài học quý và để lại những ấn tượng đẹp, dù rằng trong quá trình này, cần nhiều nỗ lực để ôm ấp và chuyển hóa? Đã bao giờ bạn sử dụng chất liệu đau thương để tạo cho mình những hạt ngọc trai kỳ diệu chưa?

Cuộc sống vốn có chu kỳ vận hành riêng mà chúng ta quen ví như là quy luật hình ‘sin’, hết thăng đến trầm, hết trầm lại thăng như sóng biển nhấp nhô. Ta không thể nào thay đổi cuộc sống; việc chúng ta có thể và nên làm là thay đổi thái độ về cuộc sống. Có thể là bạn, có thể là tôi, cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến toàn là hạnh phúc. Cuộc sống cũng không bất công đến nỗi chỉ đem đến cho ai toàn niềm đau. Đừng bao giờ nghĩ rằng con đường ta đi chỉ có cỏ gai rác rưởi hay đầy hoa thơm trái ngọt. Nhìn bầu trời, bạn sẽ thấy, trời lúc nào cũng có mây. Áng mây bay qua, cứ để nó bay qua, trời xanh vẫn cứ trong sáng đó thôi. Cuộc đời không quá giản đơn là một mặt phẳng hoặc trắng hoặc đen. Điều quan trọng là biết cách phát huy nội lực mình có được để tự nâng mình vượt lên những nỗi đau, những va đập của cuộc sống để tự hoàn thiện bản thân. Đây là một kỹ năng sống. Trong mọi hoàn cảnh, sống hết mình trong hiện tại với niềm tin trọn vẹn vào chính bản thân mình, hướng về tương lai, tin vào ngày mai tươi đẹp, chúng ta sẽ có một cuộc sống ý nghĩa.

Cuộc sống là tập hợp của vô vàn những điều biến động. Vì vậy, trong mọi cảnh ngộ, chúng ta cần nhớ cuộc hành trình của hòn sỏi và sự hình thành hạt ngọc trai để sống tự tin hơn, để học cách xoa dịu và làm lành những vết thương, thăng hoa trong cuộc sống. Sự va đập của cuộc sống chẳng có gì đáng sợ đâu bạn ạ. Đừng bao giờ nghĩ mình quỵ ngã. Dù có lúc tưởng chừng mất tất cả, ta vẫn còn có niềm tin, nghị lực và cả bài học quý giá từ cái ‘mất tất cả’ đó mà. Nếu biết cách, chính những lúc chưa thành công hay thiếu may mắn ấy là những ‘thành phần’ của liều thuốc chủng ngừa cho cuộc sống mỗi người. Sự trải nghiệm bản thân là bài học sinh động nhất. Một khi chúng ta học được cách chấp nhận đớn đau trong quá trình chuyển hóa những góc cạnh xù xì, chúng ta sẽ trở thành những hòn sỏi láng mịn. Khi nào chúng ta có đủ sức ôm ấp và chuyển hóa những đau thương trong nước mắt, chúng ta có thể tạo nên những hạt ngọc trai quý giá cho đời.

Hằng Như

Phật đản và Tư duy tích cực

buddha1
Hôm nay, ngày trăng tròn tháng Vesak (ngày Rằm tháng Tư) ngày Phật Đản. Mọi người thường xem ngày Phật Đản là ngày sinh nhật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, theo truyền thống, đây là ngày tưởng niệm ba sự kiện–sinh nhật, giác ngộ và nhập Niết bàn–của Đức Phật.

Ngày này hằng năm, khắp nơi trên thế giới, nhiều người nhớ về và làm lễ tưởng niệm, không ít người coi đây là một lễ hội tôn giáo và văn hóa của cộng đồng mình. Trong bất cứ hình thức tưởng niệm nào, dù là tập thể hay cá nhân, mình tin rằng mỗi người có một cách tưởng niệm riêng và hôm nay, mình chia sẻ với các bạn vài ý tưởng nhân ngày sinh Đức Phật qua kinh nghiệm bản thân.

Đức Phật, một nhân vật lịch sử, được xác nhận là Đản sinh năm 484 và nhập Niết-bàn năm 404 trước tây lịch (theo R. Gombrich) tại Bắc Ấn. Ngài vốn xuất thân từ một hoàng tử của dòng họ Sakya. Lớn lên, Ngài xuất gia, dốc tâm và bền chí trên con đường chuyển hóa những tâm tưởng tiêu cực, phát huy những tư duy tích cực, hoàn thiện bản thân đến mức toàn thiện.

Bằng con đường chuyển hóa đó, Ngài chứng ngộ Chân lý và đem kinh nghiệm trau sửa của mình để truyền dạy lại cho những ai có cơ duyên với Ngài. Sau 45 năm miệt mài thực hiện hạnh nguyện giúp người của mình, Đức Phật, giống như bao con người khác, đã gửi xác thân về với cát bụi lúc Ngài tròn 80 tuổi.

Sau khi Đức Phật không còn nữa, những lời dạy của Ngài tiếp tục được truyền dạy, nhiều người hưởng ứng, tiếp thu và thực hành đều có được lợi ích. Mãi đến ngày nay và có thể còn lâu dài trong tương lai, những lời dạy vượt cả không gian và thời gian của Đức Phật luôn có giá trị thiết thực trong cuộc sống của chúng ta.

Với nhiều người, Đức Phật là giáo chủ của một tôn giáo có tên là ‘Phật giáo’, có người ngưỡng mộ Đức Phật như một triết gia, và không ít người tiếp cận Đức Phật như một vị Thầy vĩ đại. Với bản thân mình, Đức Phật lúc nào cũng là một vị Thầy lớn, chỉ dạy con đường sáng để mình từng bước học theo và thực hành những điều Ngài đã làm nhằm có được cuộc sống an vui hơn, nhẹ nhàng hơn. Trong phạm vi bài viết này, mình chỉ chia sẻ một vài điều mình học được từ trong những lời dạy của Đức Phật mà mình tiếp cận được.

bsdharmawheel
Điều đầu tiên mà mình nghĩ là rất thiết thực trong lời dạy Đức Phật là hãy sống với hiện tại. Đức Phật dạy rằng, quá khứ thì đã qua rồi. Dù đó là việc gì đi nữa, nó cũng đã xảy ra rồi và trôi vào quá khứ. Đừng để tâm tiếc nuối, buồn phiền, khổ đau về việc đã xảy ra, vì chúng ta không thể nào quay ngược thời gian để có thể thay đổi quá khứ.

Ngài cũng khuyên chúng ta không chạy theo những mơ tưởng ở tương lai, vì tương lai vẫn chưa đến. Chỉ có hiện tại là nhiệm mầu và chúng ta hãy sống với giây phút nhiệm mầu này để tự mình cảm nhận trọn vẹn nghĩa ‘sống’. Nói như vậy không có nghĩa là không có hoạch định chương trình gì cho tương lai. Mình có thể lên kế hoạch cho hôm nay, cho ngày mai hoặc xa hơn nữa trên cơ sở thực tế của hiện tại, thì hành động ‘lên kế hoạch’ là hiện tại đó chứ.

Hãy dành trọn vẹn tâm trí, chuyên chú vào việc chúng ta đang làm ấy gọi là sống trong hiện tại. Nói một cách dễ hiểu, khi nào chúng ta làm việc gì mà giữ được ‘thân đâu, tâm đó’ nghĩa là chúng ta đang sống trong hiện tại vậy. Thế nhưng, thường thì con người mình thiếu khả năng này hoặc có nhưng không thường xuyên. Ví dụ đang chạy xe trên đường mà trong đầu lo nghĩ, trước khi ra khỏi nhà, mình tắt đèn nhà bếp chưa nhỉ? Tâm bị chi phối bởi một việc khác khi ta đang tham gia giao thông sẽ tăng nguy cơ gây nên tai nạn hơn là chú tâm vào một việc duy nhất là điều khiển phương tiện giao thông mình đang sử dụng trong điều kiện cụ thể hiện tại.

Trong cuộc sống, bản thân mình tập áp dụng điều này, có khi thành công, có khi không; nghĩa là có khi nhớ đem tâm về với thân, có khi quên thì tâm dong ruổi cùng nơi khắp chốn. Mình nhận thấy rằng khi nào mình duy trì được tâm trong thân, thì hiệu quả công việc tốt hơn nhiều lắm. Một điều quan trọng hơn là khi đem tâm về với thân, mình có thể nhận biết, theo dõi, kiểm soát và làm chủ tâm ý của mình một cách hiệu quả hơn và điều này giúp mình tránh được nhiều sai lầm và những điều đáng tiếc trong cuộc sống. Mình thấy cuộc sống vui hơn và ý nghĩa hơn khi biết sống với hiện tại vì hiện tại đã hàm chứa cả quá khứ và tương lai.
bsendlessknot
Điều thứ hai, Đức Phật dạy chúng ta cách nhìn vấn đề xuyên suốt một cách biện chứng và khoa học theo bốn bước.

Bước thứ nhất : Theo lời dạy của Đức Phật, khi gặp một vấn đề gì trong cuộc sống, bất cứ đó là vấn đề gì, không nhất thiết phải là rắc rối khó khăn, ta hãy định hình vấn đề, xác định tính chất của nó.

Bước thứ hai : chúng ta cần xác định cho được những mối quan hệ nhân quả liên quan đến vấn đề này. Đức Phật dạy, việc tìm hiểu nguyên nhân ‘tại sao’ cho một vấn đề giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Một khi xác định được nguyên nhân đưa đến tình trạng hiện tại, việc duy trì hay chấm dứt hiện trạng ấy là điều chúng ta có thể làm được nếu chúng ta nỗ lực và quyết tâm. Nếu vấn đề mình đang gặp ấy là vui, là hạnh phúc thật sự, chúng ta sẽ nỗ lực nuôi dưỡng niềm vui ấy. Ngược lại, nếu đó là nỗi đau và điều bất như ý, chúng ta cũng có thể nỗ lực chấm dứt tình trạng này.

Bước thứ ba : Sau khi tìm hiểu và xác định được nguyên nhân, Đức Phật dạy bước thứ ba là chúng ta phải biết nhìn để thấy được viễn cảnh nếu như tình trạng (đau khổ) này được chấm dứt hay tình trạng (an lạc) này kéo dài như là một cái đích để ta hướng đến.

Bước cuối cùng : Đức Phật khuyên chúng ta tìm ra giải pháp cụ thể thích hợp nhất để thành tựu mục đích của mình là chấm dứt vấn đề (khổ đau) hay duy trì trạng huống (an lạc) này.

Cách nhìn vấn đề xuyên suốt từ việc xác định nó đến khi áp dụng phương pháp để giải quyết thành công vấn đề này dựa trên các nguyên tắc căn bản của triết lý nền tảng mà Đức Phật dạy gọi là ‘Tứ đế’ (bốn chân lý ở đời). Cuộc đời sẽ thong dong và đỡ rối hơn rất nhiều nếu chúng ta tập nhìn và phân tích vấn đề theo lăng kính này của Đức Phật. Chỉ dừng lại ở bước thứ nhất là thấy vấn đề và bước thứ hai là thấy nguyên nhân của vấn đề mà vội kết luận Đạo Phật là bi quan yếm thế là thiếu công bằng và không chính xác vậy.

bssrilanka
Điều thứ ba, Đức Phật dạy chúng ta cần luôn luôn quán sát nội tâm để nuôi dưỡng hạt giống tích cực. Theo lời Phật dạy, tâm chúng ta thay đổi liên tục, do đó muốn hiểu được mình chúng ta cần chăm sóc tâm mình luôn luôn. Chỉ cần theo dõi tâm mình mỗi khi có một tâm niệm nào đó khởi lên. Đừng đè nén, không triệt tiêu, cũng chẳng cần tác động phản ứng gì cả, thuần túy là theo dõi, quán sát tâm một cách có ý thức. Một niệm lành khởi lên, chúng ta cần biết, ta đang có một niệm lành. Khi một niệm xấu ác sinh khởi, ta liền nhận biết, ta đang có một niệm ác đây.

Chắc có bạn thắc mắc, tại sao chỉ cần ý thức về các tâm niệm mình thôi mà các hạt giống tích cực được nuôi dưỡng? Thật ra, khi các tâm niệm xấu ác và tiêu cực vừa sinh khởi, chỉ cần ý thức được về nó, nó liền tự mất. Tâm niệm tiêu cực không thể sống trong môi trường ý thức. Điều này chỉ có thể cảm nhận đầy đủ khi thực hành. Bản thân mình thấy có kết quả rất nhiều khi áp dụng cách này.

Thế nhưng vấn đề giữ cho sự chú tâm liên tục là một điều cực kỳ khó nên chúng ta cần luyện tập dần dần. Có điều mình vững niềm tin trong quá trình thực hành vì mức độ lợi ích mình đạt được luôn tương ứng với nỗ lực của bản thân mình.

bsdharmachakra
Điều thứ tư mình học được từ Đức Phật, vị thầy vĩ đại, là hãy chịu trách nhiệm với bản thân. Đức Phật dạy mình hãy làm chủ bản thân mình, quyết định vận mệnh của bản thân chứ đừng giao phó trông chờ vào ai cả. Mỗi người là một hải đảo tự thân.

Ý niệm cầu xin Đức Phật hộ trì che chở như một thần linh hoàn toàn xa lạ với người học Phật chân chánh. Ta là kẻ thừa tự của nghiệp, là chủ nhân của nghiệp (nên hiểu nghiệp là hành động có chủ tâm) thì việc thay đổi mình hoàn toàn là chuyện của cá nhân. Đức Phật chỉ là người vạch ra con đường, còn bước đi trên con đường đó hay không là chuyện của mỗi cá nhân.

Đức Phật dạy chúng ta tiếp nhận những lời Ngài dạy một cách sáng suốt, có chọn lọc và bằng kinh nghiệm tự thân, thấy điều gì đúng thì hãy chấp nhận. Không chấp nhận điều gì chỉ vì lời ấy của người xưa truyền lại, hay số đông người nghe theo, mà chỉ chấp nhận điều gì bản thân mình thấy đúng sau khi xem xét kỹ lưỡng, như người thợ vàng dùng nhiều cách để thử vàng vậy. Ngài thường dạy trong các bài kinh rằng, giá trị của những lời Ngài dạy là đến để thấy, chứ không phải đến để tin.

Niềm tin mù quáng không có chỗ trong giáo lý của Đức Phật. Nói về niềm tin, Ngài chỉ nói đến niềm tin vào tự thân. Trên cơ sở này, chúng ta cần thấy trách nhiệm của mình đối với bản thân, để không quy kết, đổ tội cho các yếu tố bên ngoài hoặc tin vào hên xui may rủi với những việc xảy ra trong cuộc sống. Bản thân mình thấy mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn khi áp dụng lời dạy này của Đức Phật.

Mình nói vậy chắc có người hỏi, vậy mình có lạy Phật không? Mình lạy chứ, nhưng không để cầu xin Ngài điều gì, đơn giản là trước một nhân cách vĩ đại, mình ngưỡng mộ cúi đầu. Ai hỏi ‘vậy có tin Phật không?’, mình tin chứ! Mình tin Ngài là một con người bằng xương bằng thịt mà có thể làm được điều phi thường thì chúng ta, những con người bằng thịt bằng xương cũng có thể tập dần dần để bước theo con đường mà Ngài đã đi qua và vẽ lại bản đồ hướng dẫn cho bao thế hệ sau.

bsdetaildharmachakra
Một điều nữa mình học được từ những lời dạy của Đức Phật là quan niệm thiện ác. Theo chỗ mình hiểu, Đức Phật dạy rằng không có người thiện, kẻ ác mà chỉ có hành vi thiện ác. Người làm ác, đơn giản là lúc đó người ấy chưa đủ sáng suốt (mà trong kinh quen dùng từ ‘trí tuệ’) để có khả năng kiểm soát và làm chủ tư suy cũng như hành động của bản thân. Chính chúng ta cũng vậy, có khi mình có ý tưởng thiện lành, có lúc nảy sinh ý tưởng bất thiện. Hiểu được theo cách này, chúng ta có thái độ tích cực và dễ dàng trải lòng bao dung thấu cảm sâu sắc với người làm ác.

Cần công bằng với người khác như đối với chính bản thân mình trong những lúc mình thiếu sáng suốt như vậy. Bản thân ta cũng như những người khác, một khi mắc phải sai lầm cần được quan tâm, được thương yêu và giúp đỡ để chuyển hóa, để thăng hoa trong cuộc sống. Ai đang ở trong trạng thái chao đảo, bất an do tâm xấu ác hoành hành đều đau khổ và đáng thương như nhau và ai cũng cần được trau sửa và thanh lọc nội tâm.

Chính vì vậy, không có ai là thù cả. Đức Phật chủ trương rằng, lấy ân trừ oán, oán liền tiêu; lấy oán báo oán, oán chập chồng. Đây là cách giải quyết vấn đề rất tích cực và ôn hòa trong cuộc sống chứ không hề tiêu cực và nhu nhược như nhiều người lầm tưởng. Một khi có quan niệm thiện ác là những hành vi và ý tưởng tồn tại nơi mỗi một con người, chúng ta không nên định danh người này thiện, người kia ác. Ranh giới giữa thiện và ác không rạch ròi như trắng với đen và tính chất của nó không ổn định để có thể định hình định danh một cách dễ dàng. Điều này tạo niềm tin và thái độ lạc quan nơi người từng cho mình là xấu ác để có cơ hội thay đổi theo hướng tích cực, đồng thời nhắc nhở mỗi người luôn phòng hộ tâm ý mình mà không nên chủ quan, vì hôm nay chúng ta có thể tốt, ngày mai có thể khác đi nếu tâm mình trượt dốc.

buddhacompassion
Một ý nữa cần chia sẻ là Đức Phật là người Thầy dạy chúng ta cần trân trọng những mối quan hệ trong cuộc sống. Ngài từng nói nhiều lần rằng, trong nhiều kiếp sống chúng ta đã trải qua, trên đời này, khó có thể tìm được một người nào chưa từng là cha, mẹ hay bà con thân thuộc của mình. Đức Phật nói về luân hồi, về nhiều kiếp sống trước để nhắc chúng ta rằng tất cả mọi người là thân bằng quyến thuộc của ta, là những người ta cần được cư xử đầy tình thương yêu và trân trọng.

Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta tồn tại đây không hề độc lập mà sự tồn tại của mình là một mắc xích trong các mối quan hệ với nhiều người và nhiều yếu tố khác nhau. Trân trọng người khác và môi trường sống là trân trọng chính bản thân mình. Sống quan tâm lẫn nhau và tôn trọng quyền được sống, được tồn tại của con người, các sinh vật khác và môi trường mình sống là quan tâm đến chính mình vậy.

Mỗi người chúng ta, nếu chịu khó nhìn lại một tí, ai cũng có thể cảm nhận mối tương quan dây chuyền này. Một khi hiểu và chấp nhận được nguyên tắc này, chúng ta biết quý trọng các mối quan hệ mình có, biết trân trọng môi trường ta sống và tự thấy mình có trách nhiệm nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội và bảo vệ môi trường xanh sạch vì bản thân mình là một bộ phận trong cả một hệ thống chung này.

Không làm tổn thương người khác, trước và trên hết, ta đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân mình. Nếu nhìn sâu vào mối quan hệ tương duyên giữa mình với mọi người và với môi trường, chúng ta có thể ‘sống’ thuận với nguyên tắc tự nhiên “cái này có, cái kia có; cái này sinh, cái kia sinh và cái này diệt, cái kia diệt”. Tinh thần bất bạo động và tình thương yêu muôn loài vạn vật của Đạo Phật bắt nguồn từ hiểu biết nguyên tắc tương duyên này.

bslotus
Một bài học bản thân mình học và ôn hoài mà vẫn không nhớ là Đức Phật dạy rằng, cuộc sống này luôn thay đổi, mong manh lắm. Đây là đặc tính của cuộc sống mà chúng ta không dễ chấp nhận hoặc chỉ chấp nhận trên lý thuyết mà chưa thật sự sống với nguyên lý tự nhiên này. Khi Đức Phật nói đến cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ, phù du, chúng ta đừng vội gắn vào đó nhãn hiệu bi quan. Cuộc sống có những giới hạn nhất định và đây là một thực tế, không bi quan cũng chẳng lạc quan. Bi quan hay lạc quan tùy thuộc vào thái độ của chúng ta đối với sự đổi thay, với bản chất ngắn ngủi của sự sống.

Nếu biết cuộc sống này không ổn định và ngắn ngủi, chúng ta ý thức được rằng, quỹ thời gian mình có hạn và có thể chấm dứt không kỳ hạn, để từ đó mình thấy cần làm gì, và không cần làm gì. Chúng ta không thể trường sanh bất tử để rồi sử dụng thời gian thế nào cũng được. Biết bản chất mong manh của cuộc sống, chúng ta sẽ có ý thức trân quý những gì mình đang có và khéo nuôi dưỡng các mối quan hệ với người thân hơn. Chính cuộc sống mong manh, chúng ta cần thận trọng hơn để không làm tổn thương những người xung quanh. Có khi một lời xin lỗi chưa kịp nói, một nụ cười chưa kịp mở và một ý niệm tha thứ chưa kịp thực hiện cũng làm ta áy náy.

Chính cái mong manh này mà ta không chủ quan ỷ lại, ví như cầm trong tay chiếc bát thủy tinh, ta có ý thức gìn giữ cẩn trọng hơn là cầm chiếc bát nhôm trên tay. Ý thức những giới hạn nhất định của thân phận con người trong kiếp sống này, chúng ta sẽ cẩn trọng hơn trong suy nghĩ và hành động để tránh được nhiều sai lầm và lãng phí.

Còn rất nhiều điều hay trong những lời Phật dạy, còn vô số hạnh lành Đức Phật đã làm để thành công trên con đường chuyển hóa nội tâm và chỉ dạy lại con đường sáng đó cho người khác mà cả đời chúng ta học vẫn không hết. Trên đây chỉ là một số điều bản thân mình đang nỗ lực áp dụng hằng ngày trên cơ sở những lời Phật dạy. Mình tin rằng đây là những nguyên tắc mà ai cũng có thể áp dụng được. Với quan điểm về con người và cuộc sống như vậy, mình tin rằng, nỗ lực áp dụng như vậy sẽ mang lại cho chúng ta sự chuyển biến tích cực hơn và có nhiều niềm vui hơn cho đời mình. Và quan trọng hơn, áp dụng những nguyên tắc này, chúng ta sẽ dần dần nhận ra ý nghĩa cuộc sống qua mối tương quan tương duyên giữa mỗi chúng ta với những người xung quanh cũng như với môi trường mình đang sống.

Hằng Như

Trụ đá Asoka (Ấn độ) — Xuất xứ và ý nghĩa

asoka
Vua Asoka (304-232 trước tây lịch), một vị vua Ấn Độ, vốn hung tàn bạo ngược thống lãnh một vùng lãnh thổ lớn nhờ vào các cuộc chinh phạt mở mang bờ cõi liên tiếp thành công. Sau khi lên ngôi được 8 năm, vua Asoka mở cuộc chiến ở Kalinga (nay thuộc bang Orissa, Ấn Độ). Sau trận chiến Kalinga, phần thắng thuộc về vua Asoka, nhưng con số 100 000 người bị giết và 150 000 người bị bắt làm tù binh đã đánh thức vị vua này về sự tàn bạo và vô lý của chiến tranh. Mốc lịch sử này đánh dấu sự quay về với Đạo Phật của vua Asoka.

Từ khi quy y Tam Bảo, nhà vua trở nên người nhân từ, hiền lành và đem tâm ôn hòa nhân từ cai trị quần dân, dùng chính sách hòa bình và thành tín trong bang giao với các nước láng giềng theo tinh thần Phật pháp. Nhà vua thay tiếng trống trận bằng tiếng trống Pháp, coi việc chinh phục lòng dân bằng đạo đức là chiến thắng tối hậu. Nhờ thực hành chánh pháp, từ một bạo chúa, vua Asoka từ bỏ chính sách đàn áp xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình đức trị. Nhà vua cho lập các bia đá và ghi vào đó những chủ trương của nhà vua, cùng những lời hay ý đẹp nhắc nhở về lối sống đạo đức, làm thiện, tránh ác cho dân chúng rồi cho đặt ở các nơi công cộng dễ thấy. Ví dụ ở bia ký số VI ghi rằng:

“Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Trong quá khứ, những việc khẩn trương hoặc các chứng từ không hề được đệ trình hoàng thượng thường xuyên. Nhưng nay trẫm ra lệnh này, với các việc như vậy, các quan có thể đến gặp trẫm bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, dù trẫm đang ăn, đang ở trong hậu cung, trong cấm cung, trên long xa, trong ngự giá, trong thượng uyển hay đang cầu nguyện. Và khi một ban bố hay tuyên dương bằng khẩu lệnh, hoặc vì quốc sự khẩn cấp trẫm ủy quyền cho các quan đại thần, mà gây nên sự bất đồng hay bàn cãi trong triều thì phải báo cho trẫm biết ngay, dù đang ở nơi đâu. Đó là mệnh lệnh của trẫm.

Trẫm không bao giờ bằng lòng với mình về những việc Trẫm làm. Trẫm cho rằng việc làm cho thần dân sống an ổn là nhiệm vụ cao cả nhất của trẫm, và cốt lõi của việc này là phải chính mình tận lực. Đối với trẫm, không có điều gì quan trọng hơn là đời sống an ổn của thần dân, và tất cả những nỗ lực của trẫm chỉ là trả nợ chúng sinh để mưu cầu hạnh phúc cho họ trong đời này và đạt đến thiên giới trong kiếp sau.

Vì vậy trẫm lệnh cho Pháp Dụ này được khắc ra. Mong pháp dụ này trường tồn và các con, cháu và chắt của trẫm noi theo vì sự an sinh cho mọi người. Tuy nhiên đây là một việc khó nếu không nhiệt tâm và tận lực.”

King Asoka's rock edict
King Asoka's rock edict

(Thus speaks the Beloved of the Gods, the king Piyadassi. In the past the quick dispatch of business and the receipt of reports did not take place at all times. But 1 have now arranged it thus. At all times, whether I am eating, or am in the women’s apartments, or in my inner apartments, or at the cattle-shed, or in my carriage, or in my gardens – wherever I may be, my informants should keep me in touch with public business. Thus everywhere I transact public business. And whatever I may order by word of mouth, whether it concerns a donation or a proclamation or whatever urgent matter is entrusted to my officers, if there is any dispute or deliberation about it in the Council, it is to be reported to me immediately, at all places and at all times.
This I have commanded. In hard work and the dispatch of business alone, I find no satisfaction. For I consider that I must promote the welfare of the whole world, and hard work and the dispatch of business are the means of doing so. Indeed there is no better work than promoting the welfare of the whole world. And whatever may be my great deeds, I have done them in order to discharge my debt to all beings. I work for their happiness in this life, that in the next they may gain heaven. For this purpose has this inscription of Dhamma been engraved. May it endure long. May my sons, grandsons, and great grandsons strive for the welfare of the whole world. But this is difficult without great effort.)

Hầu như tất cả 33 pháp dụ hiện có của vua Asoka đều có nội dung tích cực như vậy. Ngoài việc lập các pháp dụ ở nhiều nơi trên khắp lãnh thổ, một điều đặc biệt nữa là, sau khi quy y Phật giáo, vua Asoka đến chiêm bái Tứ Động Tâm – bốn di tích lịch sử gắn liền với các sự kiện chính trong cuộc đời Đức Phật. Đến đâu, nhà vua ra lệnh khắc bia đá để làm tưởng niệm đến đó. Các trụ đá, bia ký và pháp dụ Asoka còn lưu giữ tại các viện bảo tàng ngày nay là những dấu ấn ghi lại sự tôn kính, ngưỡng mộ Đức Phật và Đạo Phật của một vị vua thuần thành, một vị vua chủ trương cai quản quốc gia bằng tinh thần từ bi và hài hòa của Phật pháp.

Trị vì một lãnh thổ rộng hơn diện tích Ấn Độ bây giờ, đảm bảo đời sống thái bình thịnh vượng cho người dân, cai trị đất nước bằng đạo đức có thể nói là thành công vĩ đại nhất của vị vua Phật tử anh minh này. Hình ảnh vua Asoka trở thành biểu tượng lý tưởng cho những nhà lãnh đạo chân chính.

Trụ đá Asoka
Trụ đá Asoka
Chính vì chính sách quản lý và điều hành quốc gia của vua Asoka quá lý tưởng như vậy, ngay sau khi độc lập, biểu tượng đầu trụ đá bốn sư tử do vua Asoka dựng ở Sarnath được chọn làm quốc huy của Ấn Độ và một phần biểu tượng này được chọn làm một phần của lá cờ tổ quốc như một sự tri ân người xưa và khuyến khích người nay.

Trụ đá bốn đầu sư tử của vua Asoka

Trụ đá có bốn đầu sư tử được vua Asoka cho khắc dựng tại thánh địa ở Sarnath, khi nhà vua đến chiêm bái thánh tích này. Nơi đây, Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên và chính nơi đây, tăng đoàn đầu tiên được thành lập, Trụ đá này cao 50 feet (15.24 mét). Trên trụ đá có khắc chỉ dụ của vua Asoka rằng “không ai được gây chia rẽ trong tăng đoàn”. Nét đặc biệt của trụ đá Asoka ở Sarnath là đầu trụ được khắc bốn sư tử (các trụ đá ở nơi khác chỉ có một sư tử hoặc một con vật khác), dựa lưng vào nhau, đặt trên một trụ ngắn tròn. Trên bề mặt của trụ ngắn này có bốn bánh xe Pháp gồm 24 căm xen kẽ với bốn con vật xung quanh: một con voi, một con bò đực, một con ngựa và một con sư tử. Tiếp nối với đoạn hình trụ là đế bán cầu hình hoa sen dốc ngược.

banhxe Bốn đầu sư tử quay về bốn hướng chỉ cho chánh pháp của Đức Phật, từ vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên và là nơi tạo dựng trụ đá này, được truyền bá khắp bốn phương. Bánh xe tượng trưng cho Phật pháp luân chuyển khắp mọi nơi mọi chốn. Sau này, các tổ chức Phật giáo chọn hình ảnh bánh xe pháp để trang trí, làm logo và biểu tượng cho tổ chức mình với ý nghĩa tương tự.

Bốn con vật trên trụ đá bốn đầu sư tử ở Sarnath được các nhà nghiên cứu giải thích là tượng trưng cho bốn giai đoạn trong cuộc đời của Đức Phật. Voi tượng trưng cho ý niệm về giấc mơ của hoàng hậu Maya, mẹ của thái tử Sĩ Đạt Ta (sau này là Đức Phật), Bà nằm mộng thấy coi voi trắng chui vào bên hông phải, rồi Bà thọ thai thái tử.

4 con vật và 4 bánh xe
4 con vật và 4 bánh xe
Con bò đực là tượng trưng cho sự sung mãn hạnh phúc trần gian khi Đức Phật còn là một thái tử sống trong hoàng cung. Con ngựa tượng trưng cho sự ra đi tìm đường giải thoát khỏi khổ đau cho nhân loại. Đêm vượt thành xuất gia, thái tử ra đi trên một con ngựa. Con sư tử tượng trưng cho cuộc đời hành đạo viên mãn của Đức Phật. Pháp Ngài truyền giảng như tiếng rống của sư tử đánh thức bao con người lìa bến mê sang bờ giác. Bốn đầu sư tử là biểu tượng cho những nền tảng căn bản của Phật pháp là chân lý, hoà bình, lòng khoan dung và lòng từ bi.

Bên cạnh cách giải thích có tính tôn giáo, một số người giải thích trụ đá bốn đầu sư tử của Asoka tại Sarnath theo cách phi tôn giáo. Theo cách giải thích này thì bốn đầu sư tử tượng trưng cho sự thống lãnh khắp bốn phương của vua Asoka. Bánh xe pháp tượng trưng cho cho sự lãnh đạo sáng suốt của vua Asoka và bốn con vật tượng trưng cho các lãnh địa của Ấn Độ thời bấy giờ dưới sự thống lãnh của vua Asoka. Dù giải thích bằng cách nào đi nữa, không ai phủ nhận một sự thật là vua Asoka, sau khi quay về quy y Tam Bảo và thực hành Phật pháp, đã áp dụng tinh thần Phật pháp để trị quốc an dân.

Hình ảnh trụ đá bốn đầu sư tử của Asoka tại Sarnath ngày nay được tìm thấy ở đâu?

Trụ đá nguyên thủy ở Sarnath và viện bảo tàng Sarnath

Trụ đá nguyên thủy
Trụ đá nguyên thủy

Trụ đá vua Asoka cho khắc dựng tại Sarnath được xác định là khoảng năm 250 trước tây lịch. Trụ đá ấy, qua năm tháng thời gian, đã bị gãy đổ. Phần thân trụ, còn bốn đoạn gãy và các mảnh vỡ, được lưu giữ ngay trên thánh địa nơi đánh dấu Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, bắt đầu vận chuyển bánh xe chánh pháp. Các đoạn trụ này được bao bọc trong một rào chắn, có mái che, cùng trong khuôn viên thánh tích, cách tháp Dhamek (tháp do vua Asoka xây đồng thời với trụ đá) không xa. Đầu trụ là bốn đầu sư tử như đã mô tả ở trên, được lưu giữ tại viện bảo tàng Sarnath ngay gần khu thánh tích.

Quốc huy Ấn độ
Trên quốc huy Ấn Độ

Biểu tượng bốn đầu sư tử của trụ đá Asoka tại Sarnath được chọn làm quốc huy của đất nước Ấn Độ vào ngày Ấn Độ tuyên bố dân chủ, ngày 26 tháng 1 năm 1950. Phần đế nửa hoa sen dốc xuống được cắt đi, thay vào đó là hàng chữ văn tự Devanagari “Satyameva Jayate” nghĩa là “chỉ có chân lý là chiến thắng” (Truth Alone Triumphs). Trên quốc huy, hình chụp trụ đá thấy được ba đầu sư tử dựa vào nhau, đầu sư tử thứ tư bị khuất. Ba trong bốn bánh xe được nhìn thấy, một bánh xe ngay chính giữa và hai bánh xe hai bên. Bốn con vật trên trụ đá chỉ thấy được con ngựa bên trái và con bò đực bên phải. Voi và sư tử khuất đằng sau.

.

Trên tiền: Vì được chọn làm quốc huy, nên hình ảnh trụ đá sư tử Asoka bốn đầu này xuất hiện trên tiền giấy cũng như tiền cắc Ấn Độ. Ở tiền giấy, biểu tượng quốc huy xuất hiện ở góc dưới bên trái. Ở tiền cắc, biểu tượng này lớn hơn, nằm trên một mặt của đồng tiền.

Tiền Ấn độ
Tiền Ấn độ
Tiền cắc Ấn độ
Tiền cắc Ấn độ

Trên tem: biểu tượng quốc huy này cũng được chọn in trên tem thư.

Tem Ấn độ
Tem Ấn độ

Trên đầu giấy viết thư của các cơ quan nhà nước: Biểu tượng quốc huy xuất hiện trên tựa đề các đơn, thư của các cơ quan nhà nước.

Đầu thư chính phủ
Đầu thư chính phủ

Trên cơ sở của tổ chức chính quyền và các cơ sở ngoại giao của Ấn Độ ở nước ngoài

IndiaNationallogo

Trên hộ chiếu: như hộ chiếu của bao quốc gia khác, trang bìa hộ chiếu công dân Ấn Độ có biểu tượng quốc huy.

Hộ chiếu Ấn độ
Hộ chiếu Ấn độ

India flag
Trên cờ tổ quốc: Bánh xe Pháp Asoka trên đế trụ đá Sarnath được chọn đặt vào vị trí trung tâm của lá cờ tổ quốc từ năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập. Cờ Ấn Độ có ba sọc ngang với ba màu vàng sậm, trắng và xanh biển, ở giữa là bánh xe 24 căm. Bánh xe Pháp này được đặt ở vị trí trung tâm lá cờ, chiếm ba phần tư (3/4) chiều cao phần màu trắng.

Rõ ràng, khi chọn đầu trụ đá bốn sư tử của Asoka, một vị vua Phật tử làm quốc huy của đất nước, các nhà lãnh đạo Ấn Độ muốn biểu dương và noi gương tinh thần trị quốc an dân bằng đạo đức của vị vua anh minh này nhằm hướng đến một xã hội thái bình, thịnh vượng. Ngày nay, trên bề mặt, Đạo Phật không còn hưng thịnh trên đất Ấn. Thế nhưng sâu thẳm trong triết lý sống, văn hóa, sinh hoạt và thơ nhạc, người Ấn thể hiện tinh thần, tính chất và nội hàm của Đạo Phật rất nhiều. Biểu tượng trụ đá bốn đầu sư tử của Asoka tại Sarnath và ảnh hưởng của biểu tượng này đến đất nước và con người Ấn Độ cho đến ngày nay là một điển hình.

Hằng Như

Chuyển chất độc thành thuốc hay

rainandlightning

Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin.

Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình. Cách đây mười năm, cá nhân tôi và gia đình đã lâm vào tình cảnh như thế. Đó là thời điểm chị gái tôi đổ vỡ trong hôn nhân. Chị ấy cũng gặp khủng hoảng về tài chính do tình hình công việc không được như ý. Đồng thời lúc đó, cha tôi nhập viện, bác sĩ chấn đoán là tim có vấn đề và cần phải mổ cấp cứu tạo đường tắt (bypass surgery). [1] Còn bản thân tôi, cũng trong cùng thời điểm đó, đang có công ăn việc làm, đùng một cái, tôi bị chứng bệnh mà tâm lý học gọi là ‘khủng hoảng nhân thân’ (identity crisis) [2], vậy là mất việc và mất cả một thời gian dài, tôi mới bình phục hẳn. Thế rồi gia đình tôi vỡ ra thành từng mảnh. Chỉ còn một người duy nhất trong gia đình tôi, vào thời điểm ấy, không bị ảnh hưởng trực tiếp, đó là mẹ tôi. Ông trời đã ưu ái mẹ tôi để Người có một trái tim tràn ngập yêu thương.

Một khi thế giới vỡ vụn, dường như mọi nơi mọi chốn đều bao phủ một màu đen ngòm. Làm sao có thể thấy được tương lai vào thời điểm mà trong một gia đình bốn người, có đến ba thành viên ở trong tình thế như vậy. Trong tình cảnh đó, liệu chúng tôi có còn đủ sức để sống cho đến ngày mai không nữa. Trong u ám của chán chường, mẹ tôi tình cờ gặp được triết lý Phật giáo, một triết lý chắn chắn có khả năng giúp cho những người đau khổ tột cùng, nhất là các gia đình gặp nạn, vượt qua. Triết lý của Hội Sáng Giá (Soka Gakkai) [3] đặt nền tảng trên một thế giới hòa bình trong đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau để sống một đời ý nghĩa, sống năng động và nơi ấy, mọi hoạt động đều chú trọng vào giáo dục và văn hóa. Đây là một tia sáng xuyên qua cuộc sống đầy những cạnh tranh khốc liệt, nơi mà bóng tối của nghi ngờ và thiếu tin tưởng nhau lấn át đến mức lắm khi chỉ thấy toàn một bầu trời xám xịt. Tuy nhiên, khi có dịp gặp nhiều thành viên của Hội Sáng Giá rồi chúng tôi thấy, có rất nhiều người sống hạnh phúc, họ thành thật cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp, vì giúp đỡ lẫn nhau là triết lý Phật giáo cốt lõi của Hội Sáng Giá. Mặc dù chúng tôi có nhiều bà con và bè bạn xung quanh, chính triết lý sống của Hội Sáng Giá thật sự đem lại niềm an ủi cho những tâm hồn đang khổ đau.

changing-miracle

Dần dần, khi gia nhập Hội Sáng Giá, chúng tôi bắt đầu nhận ra những thay đổi tích cực trong môi trường xung quanh. Ca mổ tim ‘tạo đường tắt’ của cha tôi thành công, chỉ có biến chứng một tí thôi. Chị tôi cũng tìm được ‘một nửa’ của mình, một người làm kinh doanh đã đem đến cho chị tôi một tài sản lớn. Còn tôi, tôi cũng đã bắt đầu lại công việc một cách tuyệt vời nhất, trong điều kiện có thể, với sự cố vấn của một người biên tập nổi tiếng. Hai năm sau, kinh tế của chúng tôi, từ chỗ khánh kiệt, đã phục hồi trở lại và lắm khi còn có nhiều tiền nữa. Tôi còn nhớ, năm 2000, coi đây như là một mốc thời gian đặc biệt để nhớ, khi nền kinh tế phát lên, chúng tôi cũng khá lên trong đà phát triển chung ấy. Với số tiền đổ vào đầu tư trong kinh doanh của chị tôi, cha tôi lại bắt đầu phất lên với một khoản thu nhập lớn, tôi thì với đồng lương của một nhà báo cũng tạm đủ sống. Ba người từng bị bóng đen bao phủ, giờ đây, đã hòa nhập vào xã hội, chủ yếu là nhờ vào niềm tin Phật Pháp!

Đã tám năm trôi qua kể từ ngày tôi biết đến Phật Pháp, tôi đã viết được một cuốn sách về các phương pháp làm thay đổi một con người và những lợi ích do sự thay đổi kia đem đến. Qua triết lý sống nhấn mạnh tinh thần không bạo động, thuần thiện trong cuộc sống, cảnh giác không để cho những cảm xúc tiêu cực như sận giận khởi lên, tôi đã trở thành một con người bình an hơn nhiều, một con người hoàn toàn khác với chính con người tôi trước đó.

Lợi ích lớn nhất trong sự thay đổi này được phản ánh qua mối quan hệ giữa tôi với gia đình. Trước đây, tôi cũng yêu thương cha mẹ nhưng không thể nào gắn kết với hai đấng sanh thành được, bởi vì bản thân tôi khi vừa lớn lên gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống và những rối loạn làm cho tôi có cảm giác gần như bị đẩy ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ. Bây giờ, tôi đã cảm nhận được về tình cảm cha mẹ dành cho mình rồi. Chúng tôi yêu thương nhau nhiều hơn và để tâm chăm sóc nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình hơn bao giờ hết. Tất cả đều nhờ vào niềm tin Phật pháp!

Đạo Phật dạy rằng, nguyên nhân của những rắc rối cũng như lợi ích của mình không nằm ở bên ngoài mà ở bên trong chính con người mình. Do đó, thay vì chống đối và căm ghét môi trường sống, chúng ta thay đổi mình ngày càng tốt hơn, môi trường quanh ta sẽ bắt đầu phản ánh sự thay đổi ấy và trở thành nguồn sống có giá trị và lợi ích. Vấn đề này không dễ dàng chấp nhận trên lý thuyết mà cần phải thực hành thì mới nhận ra được. Với việc cầu nguyện và tự quán sát nội tâm, tôi đã bắt đầu nhận ra những lỗi lầm của mình, ít ra cũng thấy được một số lỗi, và đấu tranh kịch liệt với chính mình để thay đổi thành một con người cho ra ‘người’. Lợi ích đạt được, rõ ràng là kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài, đôi khi cũng chịu đựng đớn đau. Đây là cái mà Hội Sáng Giá gọi là ‘cách mạng con người’ và tôi đang trên đà cách mạng con người của chính bản thân tôi.
aftertherain

Tôi có được nhiều lợi ích trên các phương diện khác nữa như là một kết quả tất yếu trong quá trình thay đổi này. Khi tôi nỗ lực để tự hoàn thiện mình và trưởng thành hơn theo hướng niềm tin tôi vừa tìm được, sau nhiều năm tháng, tôi nhận ra rằng có sự thay đổi dần dần cách môi trường xung quanh phản ứng với tôi. Mối quan hệ giữa tôi với sếp được cải thiện. Trong chín năm qua, tôi có ba người sếp, người sau tốt hơn người trước! Thật ra, tôi có thể nói được như vậy khi gia đình tôi và những người sếp của tôi đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của mình. Điều này cũng cho bạn một ý niệm rằng những người này đã có vai trò tích cực thế nào đối với tôi rồi. Tất cả những điều này đều diễn ra trong một con người, trước đây hiếm khi hòa đồng được với các sếp của mình, một gã lười nhác, bê trễ cho đến khi cuộc đời anh ta gặp phải một khúc quanh vào năm 1997!

Vẫn biết không phải mọi thứ đều dễ dàng. Một điều tôi thường xuyên cầu nguyện trong cuộc sống là hãy cho tôi tìm được một ‘ý trung nhân’ là người bạn đồng hành tốt nhất mà một người đàn ông như tôi có thể có. Và người ấy đến với tôi là để sống đời chứ không phải để có mối quan hệ chóng vánh ‘vào tháng năm ra tháng chín’ bởi vì hôn nhân ngày nay thấy sao mà bấp bênh quá. Hẳn có người nói, nghĩ đến điều đó thì đã quá muộn màng rồi, nhưng tôi lại cho rằng, thà trễ còn hơn không. Và tôi tin chắc rằng, nhờ vào sự chuyển hóa đáng kể từ nội tâm, một người bạn đời như ý cũng sẽ gặp trong thời gian không xa.

Hôm nay, khi nhìn lại những khủng hoảng kinh hoàng của kiếp sống con người từng đe dọa gia đình tôi, tôi cảm thấy biết ơn khi mình đã được đưa ra khỏi bờ vực thẳm nhờ gặp được Phật Pháp. Thật ra, tôi nhận thấy rằng chính những khó khăn trong cuộc sống đã đánh thức tôi trong Pháp Phật và từ đó, tôi cảm nhận được niềm an lạc vô biên. Trong Phật pháp, quá trình này được gọi là chuyển chất độc thành thuốc hay.

Tác giả: Ashok Gollerkeri
Hằng Như dịch

Tác giả Ashok Gollerkeri là một nhà báo, và là thành viên của Hội Sáng Giá, một tổ chức Phật giáo dưới sự lãnh đạo tinh thần của Ngài Daisaku Ikeda.

Chú thích của người dịch:

(1) Khi có đoạn động mạch vành nuôi tim bị tắc nghẽn nhiều, người ta có thể mổ để tạo một đường cho máu đi tắt tới nuôi tim mà không phải qua cái khúc bị nghẹt đó. Phẫu thuật này gọi là mổ tạo đường tắt.

(2) Còn gọi là ‘khủng hoảng bản sắc’. Nhà phân tâm học Erik Erikson là người đầu tiên đặt tên gọi cho bệnh này. Đây là một loại khủng hoảng tâm thần, triệu chứng là người bệnh không biết mình là ai. Bệnh này thường xuất hiện trong quá trình chuyển tiếp qua các giai đoạn phát triển (theo ông thì đời người có 8 giai đoạn phát triển).

(3) Hội Sáng giá là một phái của Phật giáo Nhật Liên tông, do ngài Tsunesaburo Makiguchi (1871 – 1944) sáng lập, với mục tiêu là vận động thực hiện một cuộc ‘cách mạng con người’ (Human Revolution), thay vì chỉ nghĩ đến mình thì nên nghĩ đến người khác, thay vì chỉ tạo hạnh phúc cho mình thì hãy làm cho những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Bắt đầu từ những người xung quanh, rồi truyền cảm hứng lan rộng hơn, dần dần tạo thành làn sóng lớn tác động lên toàn nhân loại.

Sống một đời an vui giữa thế giới bận rộn

nowandhere
“Mọi người sẽ cho bạn nhìn thấy mặt tích cực của họ. Hầu hết tất cả mọi người đều có mặt tích cực. Hãy đợi đi. Mặt tích cực sẽ hiển lộ.” R. Pausch

Có phải một ngày bình thường của bạn như thế này không?

Vừa mới thức dậy vào buổi sáng, bạn đã nổi cáu lên rồi, thế là bạn đã quyết định, hôm nay, một ngày ‘tồi tệ’ rồi đây. Bạn bắt đầu phàn nàn vì không hoàn thành hết những công việc đã dự định trong bảng liệt kê ‘những điều cần làm’ và không hài lòng vì không nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp như bạn mong đợi. Thôi thì, đằng nào bạn cũng có thể làm tốt hơn họ nhiều. Rồi bạn nghĩ đến chuỗi công việc con bạn sẽ làm trong ngày, rồi bạn suy tính, liệu chúng nó có hoàn thành hết ngần ấy công việc không và kết quả có như mình mong đợi không. Tất nhiên là bạn sẽ không có đủ thời gian để có một bữa điểm tâm ‘đầy đủ dinh dưỡng’, chỉ có bánh rán và cà phê rồi vội vã lao vào công việc. Nếu may mắn, bạn ăn trưa ngay bàn làm việc; không thể chuyển môi trường ấy sang môi trường ăn trưa thoải mái được trong khi bạn có cả núi việc cần làm. Thế là lòng bạn lại đầy bực bội và sân giận. Ngồi nhiều lại đau lưng nữa chứ.Với bất kỳ lý do gì, lúc nào bạn cũng có thể trở nên cáu gắt được cả. Thế rồi, khi trở về nhà, uống một, hai ly bia hay rượu, rồi đi đón con từ bãi tập thể thao, hoặc bạn có thể bạn đón con trên đường đi làm về. Sau đó bạn ăn vội vàng ba miếng hay kêu cơm phần, lại trở về văn phòng hay về nhà làm việc tiếp!

Động cơ nào làm cho bạn thay đổi?

Các nghiên cứu cho thấy rằng những tiêu cực trong bản thân mình thường diễn ra trong cuộc sống là động cơ thúc đẩy bạn thay đổi thái độ và hành vi. Có khi nào sau khi gặp một biến cố dễ sợ trong cuộc sống, bạn hiểu ra được điều gì thật sự quan trọng trong đời và làm thế nào để có cuộc sống cân bằng trong thế giới ‘bận rộn’ này với niềm an ổn, thỏa mãn, bình lặng và vui vẻ không? Sao ta lại không để cho những căng thẳng lên đến mức đỉnh điểm để rồi chính nó là động cơ thúc đẩy cho mình thích nghi cuộc sống bằng cách thay đổi những thói quen của mình?

Thay đổi những thói quen trong cuộc sống

Nhìn kỹ thói quen với tâm chánh niệm: chánh niệm là một trạng thái con người “chú tâm và ý thức điều gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại.” Bạn luôn có những lời thì thầm trong đầu về những gì bạn đã làm và chưa làm được hay những việc hoạch định cần phải làm mà không có thời gian để chú tâm vào BÂY GIỜ hay hiện tại. “Khi bạn chỉ tập trung vào ngay giây phút hiện tại hay chú tâm vào môi trường hiện tại, bạn có thể đạt được trạng thái an tịnh, tinh thần sảng khoái, và cảm giác toại nguyện.” (Kabat-Zinn, 2007).

No where -- Now here
No where -- Now here

Những giây phút thế này chưa từng xảy ra trước đó. Chúng ta có mối liên hệ gì với những giây phút này?

Về tư tưởng của bạn; hãy để tư tưởng trôi đi như chiếc lá vờn bay trong gió. Bạn chỉ có những giây phút này để chọn lựa mình nên chú tâm vào điều gì. Những gì xảy ra trước đây 10 phút, thì cũng đã xảy ra rồi. Bạn có thể chọn lựa tập trung tâm ý vào những gì đang diễn ra mà không phải những gì đã xảy ra rồi hay suy nghĩ những gì sẽ đến trong tương lai. Đừng bỏ lỡ những giây phút quý giá này, tất cả trong tầm tay của bạn. “Hãy đến với sự an tịnh và sử dụng phương pháp ‘tập trung vào vấn đề’ để xử lý tình huống” (Kabat-Zinn, 2008).

Hãy làm điều tốt nhất với những gì bạn đang làm ngay bây giờ. Hãy tập chấp nhận lòng tự ái, sống cởi mở, bao dung và tha thứ.

Hãy buông xả những phán xét về các việc bạn và người khác làm vì như thế,b ạn buông xả đi rất nhiều về tâm chấp mắc vào kết quả mình mong cầu.

Một nền tảng để quản lý và giảm trạng thái căng thẳng là CHẤP NHẬN cuộc sống như nó diễn ra mà không phán xét và ý thức đầy đủ về giây phút hiện tại (Kabat-Zinn, 1990). Hãy nhận thức rõ về luật vô thường rằng không có gì trên cuộc đời này là ổn định cả; cuộc sống là không chắc chắn. Bất cứ bạn đang ở nơi nào, giây phút hiện tại đang hàm chứa cả nhân lẫn quả. Chah (2005) gọi khái niệm này là “hiện tại là quả của quá khứ và là nhân của tương lai.” Bất cứ ở nơi đâu, mọi thứ đều có mặt đồng thời. Điều này không có nghĩa là chúng ta không hoạch định gì cho tương lai. “Chúng ta có thể để tâm đến tương lai bằng cách để tâm đến ngay trong giây phút hiện tại” (Kabat-Zinn, 2007). Một khi chúng ta có trách nhiệm về những hành động mình làm, chấp nhận hiện tại, buông xả không phán xét, và tin tưởng vào bản thân mình, bạn sẽ khám phá ra nhiều cơ hội mới để thành tựu những mục đích mới mà mình mong muốn để những gì mình làm đem lại kết quả tốt đẹp nhất.

Sau đây là những thói quen tôi thực hành để cuộc sống tốt hơn sau khi trải qua chuỗi ngày sống với bệnh ung thư tuyến tụy, giải phẫu túi tụy và tôi học được cách sống với bệnh tiểu đường loại I mà không buồn bực, sân hận hay sợ hãi:

– Tôi chú tâm để nhìn thấy cái đẹp, cái tốt của thế giới quanh mình một cách có chủ ý.
– Tôi nhìn và giải thích nhiều vấn đề theo hướng tích cực một cách có chủ ý.
– Tôi thực tập thiền chánh niệm mỗi ngày.
– Tôi đọc sách về tâm linh của các tác giả có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc.
– Tôi hạ chỉ số phán xét của tôi đến 75%.
– Tôi thật sự buông xả nhiều về sự để tâm vào những kết quả tôi mong đợi.
– Tôi sống với tâm cởi mở, nuôi dưỡng các tình cảm tâm linh như yêu thương, biết ơn, kính sợ và tinh thần vươn lên.

Tôi có cuộc sống an lạc, tràn ngập niềm vui, đầy ắp hân hoan, toại nguyện, yêu thương, làm việc mỗi ngày cũng như viết các bài đăng báo và nhiều cuốn sách về hạnh phúc dạng điện tử, vui chơi và sống trọn vẹn với giây phút hiện tại hoặc tham gia các buổi thuyết trình về đề tài làm thế nào để “Cuộc sống đầy ắp tiếng cười.”
nowandhere
À có một điều tôi quên đề cập đến, tôi không còn sợ chết vì căn bệnh ung thư nữa. Tôi chọn cách tôi sống khi còn đang được sống. Bạn cũng có thể làm như vậy. Bạn không cần tạo thêm một căng thẳng nào khác ngoài những căng thẳng bạn đã tạo ra cho bản thân mình. Các thói quen này chỉ có hiệu quả chỉ khi nào bạn hành động và duy trì thực hành.

Không có thần dược nào cả; chỉ có sự chấp nhận cuộc sống với tất cả những gì chúng ta đang đón nhận, hãy có tâm thế sẵn sàng để chú tâm và ý thức trong giây phút hiện tại. Hãy tập buông xả tâm gắn kết vào những ước mong kỳ vọng kết quả nào đó trong tương lai.

Nếu bạn cho phép mình biểu hiện tâm thiện lành thường xuyên hơn và buông xả những ý niệm bạn cho là đúng, đừng nghĩ đến việc cần một di chúc, không phàn nàn gì cả, thoải mái vui cười mà không cần e dè, bạn có thể sống một đời an lạc và chính đời sống như thế sẽ nuôi dưỡng những gì tinh túy và thâm thúy nhất trong con người bạn. Khi ấy, sẽ không đủ chỗ trên diễn đàn vòng tay bè bạn ở Facebook® để lưu vào đó những người muốn kết bạn với bạn đó thôi!

Một ngày của bạn có đầy ắp những điều làm cho bạn cảm thấy vui, hài lòng và bình an trong một thế giới cho là ‘bận rộn’ này không? Nếu không, những gì bạn cần làm để có được cảm giác hài lòng nhỉ? Tôi mời bạn ghé thăm trang http://www.cancerrocks.com để hiểu thêm mối liên hệ giữa thân thể, tinh thần và tâm linh để rồi thay đổi những thói quen nhằm có được cuộc sống vui vẻ, hân hoan và bình an và nếu bạn muốn, hãy chọn mục nhận thư chia sẻ về ‘những ý tưởng lành mạnh’ của tôi trên trang nhà.

Tác giả: Roz Trieber
Việt dịch: Hằng Như

Tài liệu tham khảo:

Chah, J. (2005). Everything rises, everything falls away. Boston; Shambhala Publishing.
Gordon, J.S. (2008) Unstuck. New York: Penguin Press.
Kabat-Zinn (2007), Arriving at your own door. New York; Hyperion.
Kabat-Zinn, J. (1990). Full catastrophe living. New York; Bantam Dell.
Pausch, R.(2008). The last lecture. New York; Hyperion.
Diener. D. (2008). Happiness:unlocking the mysteries of psychological wealth.
International Positive Psychology Association, Presentation July 22, 2008.