All posts by dunguyen0803

Trải nghiệm về tình bạn của tôi

Mấy hôm nay tôi ốm, nên không lên ĐCN chia sẻ kinh nghiệm với anh chị em được. Tôi thường thích viết về chủ đề tình yêu, tình bạn, thất bại và thành công; hay sự  nghiệp và hạnh phúc, vv. Nhưng có lẽ, tình bạn, là thứ tình cảm mà con người cảm nhận được nhiều nhất.

Nhớ câu hát:

“Lovers comes, lovers go”.

Khi bạn tôi chia tay bạn trai, tôi có gửi câu này, nhưng thêm vào một ý  nữa : “friends remain”.

Vì yêu thì có  lẽ chỉ yêu 1 người tại một thời điểm (hầu hết là thế), nên có mấy ai có nhiều nhân tình trong cuộc đời. Nếu có thì cũng không thể bằng số lượng bạn bè được.

Thế nên, tôi muốn chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của tôi về  tình bạn.

Trước hết, tôi sẽ  viết về tiêu chí chọn bạn của tôi. Ông bà  thường nói “chọn bạn mà chơi”, “nhìn bạn biết mình”, nên việc này rất mất công sức và thời gian lẫn tiền bạc. Sau đó, tôi sẽ đề cập đến các vấn đề khác.

Chọn bạn… khó  nhỉ? Bạn thì nhiều, chọn ai chơi cùng bây giờ? Với lại, mình chọn họ, biết họ có chọn mình làm bạn không?

Nên, khi tôi chọn ai đó làm bạn, tiêu chí đầu tiên là:

– Người đó đối xử tốt với mình

Cái này hơi phức tạp  đây… Vì nhiều lúc, bạn ấy chưa quen mình, nên sao mà đối xử tốt với mình được? Tôi ngày xưa, hồi đi học cũng quen nhiều đại ca. Bề ngoài họ rất dễ sợ, nhưng thực ra khi là bạn bè, thì lại quý trọng mình và không ngại giúp đỡ, rất vô tư. Thế nên, cảm xúc đầu tiên cũng quan trọng. Thấy họ thân thiện là được 30% rồi.

– Có suy nghĩ gần giống mình

Vì tôi thích “tôn trọng sự khác biệt” và “học từ những điều mình chưa biết” nên, chọn bạn, tôi hay chọn người có tài ở lãnh vực khác với bản thân. Tuy vậy, bạn mình cũng nên suy nghĩ giống mình chút. Có nghĩa là mình có 10 ý tưởng, bạn ấy ủng hộ 3 là ổn rồi. Phần này quyết đinh 20% thành công của tình bạn.

– Sẵn sàng chia sẻ

Không mấy người sãn sàng chia sẻ tiền bạc, của cải, thời gian với bạn đâu. Chỉ có bạn thân mới làm vậy. Tuy nhiên, chia sẻ kiến thức, sách vở thì là điều tối thiểu mà tôi yêu cầu ở bạn tôi, vì mấy cái đó chia ra mà không mất phải không các bạn?

“Share to be shared” ~ Unknown.

Tôi có một câu chuyện thế này. Hồi tôi học cấp 3, quen hai người bạn. Hai bạn này thường đi cùng tôi đến lớp, vì  bọn tôi ở cách trường 15 km. Mỗi này đi 2 lần, có lúc 4 lần.

Hai bạn này thì  tốt bụng lắm, nhưng với yêu cầu tối thiểu của  tôi, thì chưa đạt được.

Lần 1: Tôi gọi một người là A, người bạn kia là B. A và B ở  gần nhà nhau, là bạn với nhau từ nhỏ. Bố  mẹ A và B đều là giáo viên, nên biết nhau.

Lần ấy, tôi thích tập guitar lắm. Tôi bỏ ra 250k (tiền học bổng hàng tháng ở ĐH Vinh) để mua 1 cái.

Tôi mua về, không có  ai bày cho. Khi ấy, A và B cũng có đàn, tập lâu rồi, nên đánh khá hay (chủ yếu là tỉa  đàn – chứ chưa đánh điệu được). Tôi mới cầm đàn xuống nhờ hai bạn chỉ  cho. Thật bất ngờ, hai người ấy không muốn bày cho tôi (không tỏ ra – nhưng tôi hiểu). Thế là tôi không học được đàn, giờ trình độ vẫn trung bình yếu.

Lần 2: Bạn B rất giỏi về Visual Basic – một ngôn ngữ lập trình. Tôi thì là người học lập trình giỏi nhất lớp chuyên tin ĐH G khóa Y. Nhưng tôi không biết gì về lập trình API, hay Visual languages. Nên tôi muốn làm mấy chương trình nghe nhạc chẳng hạn, không biết làm.

Tôi cầm sách đến nhờ B, bảo B dạy cho tôi cách lập trình chương trình nghe nhạc. Nếu mà có GOOGLE hay internet như bây giờ, chắc tôi chẳng phải làm vậy.

Khi đến nhà B, B mỉm cười. Hắn bảo đó là bí quyết của hắn. Thế là, đến giờ, tôi cũng không biết Visual Basic, chỉ biết C, C#, hay Matlab.

– Sẵn sàng giúp đỡ lúc khó khăn

Cái này thì rất quan trọng, nhưng tôi liệt vào cuối, vì thực ra, cái này tốn thời gian và công sức của bạn bè, mà tôi thì thích sống độc lập, chỉ nhờ cậy lúc cần thiết.

Bản thân tôi thì  có nhiều chuyện buồn, nên việc khó khăn là  rất hay xẩy ra. Nếu không có bạn tốt, có lẽ  tôi không có ngày hôm nay.

Chuyện 1: Tôi có một bạn học BKHN tên là T – là bạn thân cấp 3 của tôi. Một bạn khác tên K, bạn thân đại học. Trong lúc ôn thi học bổng X 200x, tôi ở nhà trọ (cùng với nhà chủ). Luật lệ ở đó là: Không vào, không ra sau 10 giờ tối. Nhưng vì tôi không có bạn gái, nên việc đó là bình thường. Một hôm, bà chủ lên bảo, nhà sắp xây, nên tôi phải chuyển đi. Tôi cũng hơi bực mình với gia chủ, vì ba lần 7 lượt tăng giá nhà theo xăng. Xăng tăng 500 VND thì bà chủ tăng 100k – 200k VND.

Tôi không biết đi  đâu, mà lại đang lúc ôn thi GRE/TOEFL/X?

Tôi gọi cho bạn tôi, sau kỳ nghỉ Tết. Bạn T bảo nhà trọ bạn ấy còn chỗ, cho tôi đến ở nhờ. Tôi chuyển đồ đi vào trước Tết, còn các đồ khác thì còn gửi lại. Mạng Internet thì tôi cũng chưa cắt.

Đến ra Tết, khi tôi và T thuê xe đến chở đồ đi, con bác chủ nhà chặn lại. Lý do: Tôi chưa thanh lý hợp đồng Internet với FPT. Thực ra thì do những người dùng chung đường truyền không đóng tiền phí, nên tôi chưa thanh toán cho họ. Việc thanh lý thì đơn giản. Thứ hai, con bác chủ nhà muốn làm hàng Nét (họ có nhưng cách xa nhà), để bắt tất cả các phòng dùng dịch vụ của họ để kiếm tiền, nên mới gây sự cho tôi đi.

Tôi bảo, thế thì  để tôi đi thanh toán tiền với FPT. Hắn không cho, cầm kéo nhảy vào đâm tôi. Bạn tôi giúp tôi tránh nhát kéo, và bảo vệ tôi. Vì vậy, hắn không làm càn. (Thực ra anh ấy bị nghiện, nhưng sau đó 1 ngày, lại goi điện xin lỗi tôi).  Mấy lần tôi cho anh ấy tiền mua thuốc.

Lần đó, bạn tôi  đã giúp tôi rất nhiều.

Chuyện 2: Ở với T được vài tháng, đang cơm lành canh ngọt, thì chiến sự xẩy ra. Tôi và T bất đồng ý kiến về cái gì đó trên báo (chuyện học TOEFL). Thế là tôi dùng bad-word. T thì ghét bad words. Hắn chưa bao giờ chửi thề 1 câu từ lúc sinh ra. Vậy là T bỏ đi. Tôi cũng tức tối, gọi cho K. K thì có phòng, nhưng chật lắm. K cho tôi ở nhờ để rảnh đầu óc còn ôn thi, ở với T hơi stress.

K cho tôi ở 1 tháng.

Sau đó, em gái K ra HN học nên tôi phải chuyển đi. Tôi nhớ đến Q, bạn  đồng hương thời đại học, có lần xin số. Tôi gọi cho Q, Q bảo có thể đến ở nhờ  được. Lúc đó tôi cũng thi xong VEF rồi, nên đến cho Q để chuẩn bị hồ sơ. Q vui tính, lại tốt, nên tôi ở rất vui vẻ.

Tôi ở với Q đến ngày sang Mỹ. Và Q, theo như quan điểm của tôi, là mẫu bạn tốt của tôi. Tuy nhiên, K và  T đều là bạn tốt cho đến tận hôm nay. A và B dù tôi có ăn cơm ở nhà họ cho mòn bát đĩa, nhưng dĩ nhiên, là không phải nằm cùng danh sách với Q, K, T.

Hết kỳ 1, hẹn các bạn ở kỳ 2.

Thân mến,

Nguyễn Văn Dzu

Ánh sáng và hơi ấm gia đình

Thân chào các bạn,

Con người từ khi phát minh ra cách tạo ra lửa, hay nói rộng hơn là cách tạo ra ánh sáng, đã làm chủ được bóng đêm. Họ không còn phải sợ bóng tối nữa. Chính lửa là một công cụ rất quan trọng trong công cuộc chinh phục thiên nhiên của loài người.

Có lửa, một ngày của con người không phải là 12 giờ mà là 24 giờ.

Có lửa, con người biết tìm được đường về.

Có lửa, con người biết chế biến thức ăn, diệt được vi trùng gây bệnh.

Có lửa, con người có thể sưởi ấm trông thời tiết lạnh giá.

Có lửa, con người biết phát quang cả cánh rừng trong chốc lát…

Và cũng nhờ có lửa, con người mới tiến lên được thời ky đồ Đồng, đồ Sắt, tạo ra công cụ làm việc, săn bắn, đi lại. Sau này, khi con người ở một đẳng cấp cao hơn, thay thế lửa là điện, là khí đốt, dầu mỏ, năng lượng nguyên tử…

Vì tính quan trong của lửa hay ánh sáng, tôi muốn dịch một số câu danh ngôn về chủ đề này. Hôm nay xin giới thiệu với các bạn câu danh ngôn về hơi ấm gia đình và một vài suy nghĩ quanh câu này.

Ánh sáng là thứ dẫn bạn về nhà, hơi ấm là thứ giữ bạn ở lại.

“The light is what guides you home, the warmth is what keeps you there”
Ellie Rodriguez


Đây là câu danh ngôn đạt giải nhất cuộc thi viết danh ngôn trên trang www.quotegarden.com về chủ đề ánh sáng vào tháng 12 năm 2009 của Ellie. Tôi nghĩ, phải có ít nhất một câu tương tự thế này, nhưng không nhớ là câu nào, vì chủ đề về tình yêu và gia đinh luôn chiếm một lượng lớn trong các câu danh ngôn, tục ngữ.

Nếu các bạn để ý, trong mỗi gia đình chúng ta, ánh sáng chính là những người ở nhà, còn hơi ấm chính là tình cảm bên trong ngôi nhà mà chúng ta tạo ra.

Một người thân đi xa, bao giờ cũng muốn quay về nhà. “Không đâu bằng nhà mình” là câu nói của cô gái hoạt hình trong bộ phim kể về một cô gái bỏ nhà ra đi rồi lạc vào thế giới người tí hon và sau đó là người khổng lồ. Cô ấy cuối cùng nhận ra rằng, ở đâu, cô ấy cũng không cảm thấy hạnh phúc, được quan tâm như ở nhà.

Chính vì những tình cảm tốt đẹp mà người thân mang lại, hầu như, ai cũng muốn trở về nhà, nhất là dịp Tết đến, Xuân sang.

Nhưng, cũng có những gia đình, những con người không có niềm vui tương tự. Họ không thấy ánh sáng nơi ngôi nhà của mình. Đó có thể là những cô bé, cậu bé hay bị bố mẹ đánh đập và mắng mỏ. Có thể là đứa trẻ phải bỏ nhà đi lang thang vì không chịu đựng được cảnh bố mẹ cãi nhau. Và cũng có thể là người chồng hay người vợ không còn muốn nhìn mặt người hôn phối . Vậy là, rất nhiều và rất nhiều cảnh đời, không còn nhìn thấy ánh sáng phía gia đình. Những người đọc câu này, hiểu được ý nghĩa, thì tôi nghĩ, luôn mong muốn tạo ra những thứ ánh sáng diệu kỳ trong căn nhà họ để dẫn đường cho người thân trở về. Thứ ánh sáng mà, nếu tồn tại, con người sẽ không còn nghĩ đến thiên đường – nơi có cuộc sống an nhàn và thanh thản. Thế nhưng, điều đáng buồn là, không ai chắc thiên đường có thật.

Bên cạnh đó, hơi ấm cũng có phần quan trọng như ngọn lửa vậy. Nếu có lửa, có ánh sáng mà không có hơi ấm, thì người ta có còn ngồi bên bếp lửa lúc đông về không?

Ngọn lửa muốn tồn tại thì phải được đốt cháy liên tục. Gỗ dùng để tạo ra lửa, có thể được hiểu là những cố gắng không mệt mỏi của mẹ, của bố, của chị, của anh… ngày ngày vun đắp. Gỗ có thể dùng để hàn gắn những vết thương nhỏ, có thể là những ngày lao động mệt nhọc để kiếm tiền lo cho những người khác. Có thể là những đêm không ngủ chăm người thân bị ốm, hay giọt nước mắt vui sướng khi có ai đó thành công…hay đôi khi chỉ là lời khuyên, lời an ủi, động viên dù nhỏ, nhưng củng đủ để nhen lên ngọn lửa trong ngôi nhà, truyền hơi ấm cho những người xung quanh.

Vì vậy, những gia đình luôn cố gắng tạo nên hơi ấm bằng cách nhen nhóm ngọn lửa tình yêu, sẽ có được hạnh phúc.

Tuy vậy, có nhiều người, dù vô tình hay cố ý, đã không biết cách tạo nên hơi ấm dưới mái nhà. Nguyên nhân thì nhiều. Có người, chưa có kinh nghiệm sống, nên không biết cách làm mọi người xung quanh thoải mái. Đó có thể là đứa trẻ không vâng lời, cậu bé cấp hai lười học, cậu sinh viên đại học ham chơi… và nhiều người không biết đến công ơn sinh thành của cha mẹ. Cũng có thể là, những người vợ, người chồng, đã biết là của nhau, nên lơ là duy trì ngọn lửa tình yêu, chỉ lo đến công ăn việc làm, chăm sóc con cái. Để rồi, một lúc nào đó, lại nghe những câu chuyện buồn trên mục tâm sự Vnexpress. “chị TT kính mến,..”.

Và vì, tình yêu không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, mà chỉ có thể chuyển từ người này sang người khác (phỏng theo định luật bảo toàn năng lượng). Nên các bạn đang yêu, đừng để tình yêu của người mình yêu chuyển sang cho người khác nhé.

Vài suy nghi mông lung,

Chúc các bạn vui

Dzu

Đơn giản

Mọi thứ nên được làm càng đơn giản càng tốt, nhưng không đơn giản hơn.

“Everything should be made as simple as possible, but not simpler.” ~
Albert Einstein

Chuyện ngoài lề: Câu này là câu mà giáo sư hướng đẫn hồi đại học của tôi nhắc đi nhắc lại khi bày cho tôi viết tiếng báo khoa học. Suy rộng ra, có thể áp dụng cho tất cả các loại viết khác nhau hay cho công việc. Người nào cũng thích đơn giản vì nó tiết kiệm cho bạn thời gian
và của cải.

Thời đại ngày nay, người ta thường chi tiêu hay tạo ra những cái không cần thiết cho cuộc sống, trong khi đó, phần lớn đân số trên trái đất này, sống trong thiếu thốn và cơ cực, trong ô nhiễm và đói rách, trong mù lòa về thông tin và văn hóa. Thực hiện được điều này, chính là để dành tài nguyên cho thế hệ mai sau. Xã hội phương Tây thì họ không đồng tình, vì nhà tư bản muốn sức mua cao, để thu về lợi nhuân cao. Người lao động muốn cầu nhiều, để có nhiều việc làm, tăng thu nhập. Nhưng dù sao, một giải pháp toàn thể cho kinh tế – môi
trường – văn hóa – tài nguyên vẫn là cần thiết để có một cuộc sống bền vững.

Nguyễn Văn Du

Danh ngôn – Steve Jobs

Các bạn thân mến,

Có lẽ trong giới trẻ chúng ta, ai cũng mê công nghệ phải không? Mà đã là dân mê công nghệ, thì chắc bạn nào cũng biết đến Apple. Nói đến họ, cũng là nói đến giám đốc điều hành Steven Jobs. Ông ấy nổi tiếng tới mức có một khảo sát cho rằng, nếu hỏi các bạn trẻ trên nước Mỹ ai là người được ngưỡng mộ nhất, ngoài tổng thống Obama, cái tên thứ hai là Steven Jobs.

Bản thân tôi là người hâm mộ của Steven Jobs từ khi biết đến máy Mác. Rồi sau đó là máy nghe nhạc MP3 Ipod. Nhớ hồi đấy, tôi còn là sinh viên, nên đâu có tiền mua Ipod. Mỗi lần bạn bè cầm Ipod đến lớp, tôi đều lân la xem và thực sự cuốn hút. Nếu chỉ dùng một từ để mô tả sản phẩm của Apple thì đó là “sexy”. Sau này, Iphone ra đời đã chiếm trọn cảm tình của hầu hết người dùng. Tôi may mắn là người được sử dụng Iphone (chiếc Iphone 3G của tôi là đồ mua lại trên craiglist), và khi đã dùng rồi thì khó mà đổi sang được chiếc điện thoại khác. Gần đây là Mac Book Air siêu mỏng và nhẹ. Hi vọng trong thời gian tới, sẽ có Ibook – một sản phẩm giống với Amazon Kindle dành cho người dùng. Trong thành công của Apple, Steven Jobs đóng một vai trò rất quan trọng không thể thay thế. Ông ấy là kiến trúc sư trưởng cho những sản phẩm rất nổi tiếng của công ty này.

Sau đây tôi xin dịch một số câu nói của Steven Jobs về sáng tạo công nghệ.

1. Tôi luôn muốn sở hữu và điều khiển những công nghệ chính trong tất cả những gì chúng tôi làm.

“I’ve always wanted to own and control the primary technology in everything we do.”

— BusinessWeek Online, Oct. 12, 2004

2. Sáng tạo không liên quan gì đến số dollar bạn bỏ ra cho bộ phận Sáng tạo & Phát triển. Khi Apple bắt đầu làm Mác, IBM đã tiêu tốn ít nhất là 100 lần so với chúng tôi cho bộ phận này. Nó không chỉ là tiền. Sáng tạo phụ thuộc vào những con người bạn có, bạn được lãnh đạo thế nào, và bạn hiểu cốt tủy được bao nhiêu.

“Innovation has nothing to do with how many R&D dollars you have. When Apple came up with the Mac, IBM was spending at least 100 times more on R&D. It’s not about money. It’s about the people you have, how you’re led, and how much you get it.”
— Fortune, Nov. 9, 1998

3. Thật là khó để thiết kế sản phẩm dựa trên nhóm người thí nghiệm. Rất nhiều khi, người ta không biết họ cần gì cho đến khi bạn đưa cho họ xem.

“It’s really hard to design products by focus groups. A lot of times, people don’t know what they want until you show it to them.”
— BusinessWeek, May 25 1998

4. Thành công đến từ việc nói không với 1000 thứ để chắc rằng chúng ta không đi nhầm hướng hay cố gắng làm quá nhiều.

“It comes from saying no to 1,000 things to make sure we don’t get on the wrong track or try to do too much.”
— BusinessWeek Online, Oct. 12, 2004

Người yêu đọc sách không bao giờ phải ngủ một mình

Book lovers never go to bed alone. ~Unknown.Người yêu đọc sách không bao giờ phải ngủ một mình.

Câu chuyện của tôi:

Tôi là một người học về kỹ thuật, nhưng tôi cũng rất thích đọc sách về chủ đề xã hội. Nhưng thói quen đọc sách của tôi, không đến một cách tự nhiên và liên tục. Tôi sinh ra trong gia đình mà bố mẹ tôi không có thói quen đọc sách. Một phần vì bố mẹ tôi là công nhân, lại thêm công việc buôn bán tạp hóa bận rộn, nên không có thời gian. Thời bố mẹ tôi đi học, sách vở đâu có nhiều và dễ mua như bây giờ. Tôi hiểu và thông cảm cho bố mẹ tôi, nên cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng mình phải đọc thêm phần cho bố mẹ nữa

Ngày tôi học cấp 1 và 2, tôi cũng rất mê đọc truyện.  Bác ruột tôi là giáo viên dạy văn, nên tôi có thể mượn được những cuốn như “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky và “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Mẹ tôi thì lại không đồng ý vì không muốn tôi đọc truyện tiểu thuyết sớm. Còn tôi, càng thấy, đọc truyện, nhất là văn học, làm tôi hiểu hơn về con người và cuộc sống mà qua sách vở hay bài giảng trên nhà trường không đề cập đến. Tôi biết được đau khổ, chiến tranh,..để biết yêu hạnh phúc, hòa bình. Tôi biết được cuộc sống bình dị hiện tại của mình là ước mơ không có thật của những thế hệ trước.

Rồi thời gian đọc sách của tôi càng ngắn dần khi bước vào cấp 3 và đại học. Những kỳ thi, nhứng thú vui mới làm tôi bỏ bê thói quen đọc sách một cách dễ dàng. Bài vở ngày càng nhiều và kiến thức rộng lớn làm tôi đắm chìm trong bài thi, bài tập, hay những buổi lên phòng thí nghiệm. Ngoảnh lại, thời gian trôi thật nhanh, giờ tôi đã tốt nghiệp được vài năm rồi. Giờ tôi mới nhận ra, trong thời gian đó, cuộc sống tôi luôn cảm thấy thiếu vắng và trống rỗng. Hình như tôi mất đi một người bạn đường thủa nhỏ, chính là những quyển truyện hay sách báo. Điểm lại, tôi chưa học được gì mới về cuốc sống sau bao nhiêu năm cắp sách lên giảng đường.

Sau thời gian tốt nghiệp, tôi dành hầu hết thời gian ôn thi tìm học bổng học sau đại học. Và cũng chính nhờ đó, tôi có nhiều thời gian rỗi rãi hơn. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến sách. Vậy là những quyển sách mà tôi chưa từng đọc như: “Đồi gió hú” của Emily Bronte hay “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCulough đã giúp tôi lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Tôi mua nhiều sách hơn, và đọc như chưa bao giờ được đọc.

Giờ đây, tôi càng hiểu ra rằng, chính đọc sách đã và đang thay đổi con người tôi.

Nguyễn Văn Du.
3:34 AM Jan, 2010.
Rice University

Thư viện


Thư viện nhỏ, ngày càng phát triển năm này qua năm khác, là một phần đáng trân trọng của lịch sử loài người. Có sách là trách nhiệm của con người. Thư viện không là một thứ xa xỉ, mà là một thiết yếu cho cuộc sống.

Nguyễn Văn Du dịch

.

“Little library, growing larger every year, is an honorable part of a
man’s history. It is a man’s duty to have books. A library is not a
luxury, but one of the necessaries of life.”

Henry Ward Beecher