All posts by dongvy

và sẽ chẳng còn gì trên bờ cát thời gian….

 

                                                “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”

Ngạn ngữ Hy Lạp

Chiều Chủ nhật, tôi ngồi trước bậc thềm quan sát những đứa trẻ trong xóm chơi với nhau. Chúng thường chơi đi chơi lại mấy trò. Trước hết là trò cao bồi, một đứa làm cao bồi kiêm cảnh sát trưởng, vài đứa đóng vai thổ dân, và một tên cướp. Không cậu bé nào chịu đóng vai tên cướp cả. Tất cả đều muốn làm cảnh sát trưởng. Cãi nhau mãi, cuối cùng chúng quyết định những người qua đường sẽ là tên cướp. Những tên cướp luôn luôn bỏ chạy. Và người qua đường cũng thế…Vì vậy chúng hò reo và đuổi theo những người đi qua xóm.

Trò chơi vì thế mà nhanh chóng trở nên nguy hiểm và bị người lớn nghiêm cấm. Những đứa trẻ ngay lập tức chuyển sang trò chơi yêu thích khác, trò “Ta là chúa tể”.

Continue reading và sẽ chẳng còn gì trên bờ cát thời gian….

Tuổi của ta là tuổi của trái tim….


(Viết cho số đặc biệt của tạp chí 2!, và cho một chú bé con…)

Tình yêu như tháng Năm
Mang gió nồng nắng lửa
Lòng anh là đầm sen
Hay là nhành cỏ úa?

(Tháng Năm – Xuân Quỳnh)

Người ta nói rằng với phụ nữ, chỉ nên nhớ ngày sinh nhật và hãy quên đi năm sinh của họ. Nhưng tôi nhận ra điều đó không chỉ đúng với phụ nữ. Vì sao người ta thường bỏ mất con số của năm sinh, và chỉ muốn quan tâm đến ngày tháng?

Có lẽ bởi vì nó không quan trọng. Cái gì đã trôi qua thì không quan trọng lắm. Năm, là thứ trôi qua, là thứ chúng ta chỉ đếm tới, không bao giờ lùi lại được.

Continue reading Tuổi của ta là tuổi của trái tim….

“Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”

    “Hãy tự hỏi mình xem điều gì sẽ khiến bạn tỉnh thức, và thực hiện điều đó. Bởi cái thế giới cần là những con người đã thức tỉnh”

    Howard Thurman

Tôi từng là sinh viên ngành sư phạm trước khi trở thành nhà báo. Những ngày ngồi ở giảng đường, tôi chưa bao giờ hình dung về bản thân mình như một giáo viên, dù tôi rất yêu quý trẻ con. Tôi luôn cảm thấy có gì đó không đúng, như một chiếc bánh răng không đặt khớp trong cỗ máy đời mình. Rồi một ngày nọ, tôi gạt qua một bên những ngăn trở, những hoài nghi, dè dặt của gia đình và bè bạn để trở thành phóng viên ở một tờ báo học trò.

Cho đến tận bây giờ, tôi chưa phút nào hối tiếc.

Continue reading “Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”

“Đã qua mất rồi bao cơ hội được yêu…”

…Vì  những thứ tầm thường ta đổi bao điều vô giá
Đổi cô đơn lấy những cuộc gặp gỡ chẳng cần chi
Đổi chiếc hôn lấy tiếng cười đùa trống rỗng
Đổi nỗi dịu êm lấy những phút hội hè
Đã qua mất rồi bao cơ hội được yêu
Làm sao kéo về dù chỉ một vầng trăng đã lặn…

(Tiếng cu gù – Blaga Dimitrova)

Vừa rồi, chúng tôi có dịp gặp lại một cô bạn cũ thời sinh viên. Đó là một cô gái xinh xắn, mơ mộng, và thân thiện. Tôi còn nhớ khi ấy, đám con trai, và cả con gái, thậm chí đã từng ngồi với nhau nhiều lần ở một quán nước mía và đoán xem cô yêu anh chàng nào trong lớp.

Continue reading “Đã qua mất rồi bao cơ hội được yêu…”

Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn…


Trong cuộc trò chuyện lan man dịp Tết, một người bạn vong niên của tôi than thở rằng “Điều đáng thất vọng nhất về giới trẻ ngày nay là họ ưa hưởng thụ quá!”. Một người khác cười: “Ưa hưởng thụ thì có gì sai? Thú thật là tôi đây, tôi cũng ưa hưởng thụ”.

Và tôi, tôi đồng ý với người bạn thứ hai. Tôi cũng không cho rằng sự ưa hưởng thụ là một điều sai trái hay là con đường dẫn đến vấp ngã. Ngược lại, sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta thường đắm chìm trong ảo giác và ít khi thực sự biết hưởng thụ. Hưởng thụ thực sự không phải là tàn phá, bất cứ thứ gì kể cả chính mình. Hưởng thụ thực sự là mong muốn giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp…kể cả chính mình.

Continue reading Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn…

Bên đời ta còn ai đó lạc loài…

    Trong mọi người đều có một con quỷ đang say ngủ, người tốt là người sẽ không đánh thức con quỷ, trong bản thân anh ta hay trong người khác.
    (Mary Renault)

Một người bạn lâu ngày đến nhà tôi, thấy để trong phòng đọc sách một bức tượng nhỏ có ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, cứ trầm ngâm nhìn mãi. Trước khi ra về, như không kìm lòng được, anh chỉ bức tượng và nói bâng quơ: “Sống vậy cũng hay nhỉ, không cần thấy những điều chướng mắt, không cần nghe những điều chướng tai, chẳng cần ý kiến ý cò chi cho mệt. Mình sống yên phận mình thôi”…

Continue reading Bên đời ta còn ai đó lạc loài…

Những sáng mồng Một…

Mỗi khi lật lại cuốn album gia đình, tôi không bao giờ nhịn được cười. Thông thường mỗi năm gia đình chúng tôi lại chụp một tấm ảnh chung vào ngày đầu năm. Và trong mọi tấm ảnh, của mọi năm, tất cả những ai có mặt trong bức ảnh đều có cặp mắt sưng húp.

Vì mất ngủ.

Bức ảnh được chụp vào sáng mồng Một. Sau một đêm ngủ vô cùng ngắn ngủi, chúng tôi dậy rửa mặt, thay bộ đồ đẹp nhất đã ủi sẵn từ hai ngày trước và kéo nhau ra sân chụp hình. Không thể sắp xếp thời gian nào khác, vì chỉ có duy nhất sáng mồng Một là chưa ai xuất hành. Ông bà, cha mẹ, cô cậu, chú bác, con cháu…Đó là lúc đông đủ nhất. Để cùng ăn với nhau một bữa cơm đầu năm thịnh soạn. Đến trưa, những cặp vợ chồng trong gia đình phải lục tục kéo nhau về nội, về ngoại…Và đám cháu bắt đầu mạnh ai nấy rong chơi đến tận tối mịt mới về.

Tôi yêu những sáng mồng Một. Chúng ta có một cuộc đời dài, nhưng cũng chỉ trải qua vài mươi sáng mồng Một mà thôi. Đó là khi chúng ta lật qua một trang trắng trong cuốn sách cuộc đời mình…Bởi thế, tôi thường nhớ rất rõ những sáng mồng Một.

Sáng mồng Một, bàn ăn luôn là những món ngon nhất vì được bày ra lần đầu tiên trong năm. Hoa mai nở rất đẹp. Tôi làm theo quán tính, thay quần áo xong là xách cây chổi đi quét nhà. Và tôi luôn luôn bị bà ngăn lại. “Bữa nay là mồng Một”. Đó không chỉ là chuyện kiêng kỵ thường thấy, mà là chuyện những cánh mai rụng. Những cánh hoa mai rụng lốm đốm trải thành một đám vàng mơ nổi trên nền gạch men trắng, cạnh bộ salon trong phòng khách. Gợi cảm. Tươi tắn. Ở nhà tôi, chúng không được phép xuất hiện ngoài thềm nhà vào sáng mồng Một. Bà ngoại tôi có một cái nhìn lạ lùng về những cánh hoa mai rơi. Bà nói, khi bà nhìn thấy những cánh hoa mai rải rác trên mặt đất, trước thềm nhà, bà thấy rằng Tết đã qua rồi. Sáng Mồng một người ta không được nghĩ rằng Tết đã qua. Với bà, hình ảnh đó sẽ là một cảnh tượng bi quan chán chường, làm bà mất hết sự hồ hởi. Trong khi sáng mồng Một là thời gian hoàn hảo nhất để tận hưởng một cái Tết.

Vì vậy, chúng tôi có ba việc quan trọng vào sáng mồng Một: chụp ảnh gia đình, giữ cho đám mai rụng không bị một kẻ đãng trí và ưa gọn gàng cầm chổi lùa hết ra trước thềm, và …thấp thỏm chờ một người xông đất ngoài ý muốn.

Ông cụ Khánh.

Đó là một ông lão nghèo, không con cái, thường có vẻ mặt ngơ ngác như một đứa trẻ. Ông ở trong một căn chòi giữa vườn xoài rộng, gần khu nghĩa trang và sống bằng những thức ăn gạo muối xin được. Ông cu Khánh là người phụ việc của ông cố tôi xưa kia, sau đó đã đi theo ông ngoại tôi di cư vào Nam. Ngoài liên hệ xa xôi đó, để lý giải về việc luôn đón tiếp ông một cách dịu dàng và niềm nở bất cứ lúc nào ông đến dù là xin ít tiền hay xin một bữa cơm, bà tôi nói gọn một từ : « người làng ». Với những kẻ xa xứ, hai chữ « người làng » có sức ràng buộc lạ lùng.

Trong năm, thỉnh thoảng ông cu Khánh vẫn đến nhà xin bà tôi ít tiền, thức ăn, quần áo, chén bát nồi niêu…Nói chung mọi thứ mà ông cần và bà tôi có thể cho được. Chúng tôi không ghét ông, thậm chí cảm thấy thương và khá quen thuộc với ông. Nhưng điều đáng nói là ông luôn xuất hiện rất sớm vào sáng mồng Một… để xông đất. Chúng tôi không giấu được sự chán ngán và thậm chí, bất bình khi sáng mồng Một lại có một ông lão chẳng có bà con ruột rà gì thì chớ, lại còn ăn mặc rách rưới, quần xắn ống cao ống thấp, đầu tóc bù xù… đến xông đất.

Những người trẻ tuổi trong gia đình càu nhàu mãi về điều đó. Rằng người xông đất là rất quan trọng. Có người còn đòi bà phải mắng ông một trận, dặn ông buổi chiều hãy đến. Hoặc đóng cổng lại để ông thấy mà bỏ đi.

Nhưng bà ngoại tôi lắc đầu. Bà không làm được. Dù bà cũng thở dài khi mấy đứa cháu la lên ngoài sân: “Bà ơi, ông cu Khánh lại xông đất rồi kìa”. Có lần, một đứa trong bọn tôi, lén bà đóng cổng lại vào sáng mồng Một. Khi ông cu Khánh đến, ông đứng ngoài rào mà gọi rất to. Bà tất tả chạy ra mở cổng, và sau đó nạt chúng tôi một trận. Bà nói, một cánh cổng đóng, là một lời từ chối rõ rệt. Những người lịch thiệp sẽ hiểu, nhưng trẻ con không hiểu. Ông cu Khánh hồn nhiên không khác gì một đứa trẻ.

Ông không giận khi thấy cổng đóng. Ông hớn hở chúc mừng năm mới ngay từ ngoài cổng. Rồi, ông đi thẳng vào phòng khách, đến trước bàn thờ ông ngoại tôi và hỏi mượn bật quẹt để thắp nhang. Ông đứng cúi đầu, rì rầm cả chục phút. Thắp nhang xong, ông sẽ tự nhiên ngồi tót lên ghế, đong đưa chân, ăn bánh kẹo, đợi bà tôi lì xì phong bao đỏ và ngồi nghe mọi người trò chuyện với nhau bằng vẻ mặt ngơ ngác đầy hiếu kỳ. Nếu ông không vội đi đâu đó, ông sẽ tỉnh bơ ngồi lại ăn bữa cơm đầu năm với gia đình.

Năm tôi học lớp Bảy, bà tôi mất. Tết năm đó là một cái Tết buồn, nhưng vẫn là một cái Tết. Và bởi thế, chúng tôi vẫn gói bánh, nấu nướng, mua hoa mai và trang hoàng nhà cửa. Sáng mồng Một. Chúng tôi vẫn tổ chức chụp ảnh. Chỉ có điều, như mọi năm, tôi lại le te xách chổi quét đám hoa mai chưa chi đã rụng tơi tả khắp phòng khách. Khi tôi giật mình nhớ lại thì những cánh hoa mai đã tung tóe dưới nền đất trước những bậc thềm. Nhưng chẳng ai để ý, không ai ngăn cản. Tôi tự nhủ: “Hoa mai rụng trước thềm nhìn cũng gợi cảm vậy. Mà phòng khách thì nhìn sạch sẽ tươm tất hơn”

Quay vào bếp, tôi nghe mọi người nói với nhau năm nay bà mất rồi may ra ông cu Khánh không xông đất nữa. Nhưng ông vẫn đến, rất sớm, thậm chí khi mọi người còn kịp chưa chụp hình. Lắc đầu chán nản, nhưng tự thấy mình có nghĩa vụ thay thế bà, nên Dì tôi chạy ra tận cổng tươi cười đón ông vào. Như mọi năm, ông xin thắp nhang. Ông đứng rì rầm cả chục phút trước di ảnh của ông bà tôi. Tôi đã được lệnh bày thêm một cái chén và đôi đũa trên bàn. Thật lạ lùng, đột nhiên, tôi có cảm giác như ông là một phần sống động của cuộc đời bà tôi vẫn còn hiện hữu. Một cái gì đó thuộc về bà mà chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy, có thể chạm vào. Có lẽ mọi người khác trong gia đình tôi cũng ít nhiều cả thấmy như vậy. Nhưng ông thậm chí không ngồi xuống ghế mà xin phép về ngay, dù cả nhà đều lên tiếng mời.

Ra khỏi cửa, ông chợt đứng khựng lại, ngay giữa các bậc thềm, và nhìn sững những cánh hoa mai rụng trải trên mặt đất, cũng như lẫn vào trong đất. Bị quét ra, một phần trong chúng bị dập và làm thành những mớ rúm ró. Và hoàn toàn đột ngột, ông cu Khánh òa khóc. Ông khóc nức nở, nước mắt nước mũi dàn dụa khắp mặt. Ông vừa đưa cả hai cánh tay liên tục quệt qua quệt lại ngang mặt vừa nức nở không kìm được. Ngay sau lưng ông, Dì tôi ngơ ngác thốt lên:

“Ôi chao ông cu Khánh, sáng mồng Một răng lại đứng trước cửa nhà người ta mà khóc như rứa hè?”

Tôi đang nhìn lại bức ảnh chụp gia đình tôi sáng mồng Một năm đó. Ai cũng cười ngượng nghịu và có cặp mắt đỏ kè và sưng húp. Nhưng duy lần đó, tôi biết rõ là không phải vì mất ngủ.

Đông Vy

Người đã tặng tôi một nhánh sơ ri…

Mãi rất lâu, rất lâu sau này, tôi mới hiểu vì sao tối Mồng Ba năm đó, chàng trai ấy đến nhà tôi. Sau khi phải tiếp liên tục mấy lượt khách khứa đến chúc Tết suốt từ chiều, Ba tôi định ra khép cổng để ăn tối thì anh bước vào. Hơi ngạc nhiên, nhưng ông vẫn vui vẻ mời anh vào nhà. Ba tôi có biết gia đình anh nhưng không đủ thân để đến thăm nhau vào ngày Tết. Hơn nữa, anh thật là một vị khách…lỡ cỡ. Hơi quá tuổi để là bạn học của tôi, nhưng lại quá trẻ để là khách của Ba tôi.

Dù vậy, anh vẫn là một vị khách đến chúc Tết, và như thường lệ, tôi nhận nhiệm vụ mời trà trong khi cả nhà rút xuống bếp tranh thủ ăn cơm. Vị khách của tôi chẳng nói gì cả. Không một lời suốt mười lăm phút. Anh chỉ lặng yên ngắm những tấm ảnh gia đình đặt chen chúc dưới tấm kính mặt bàn. Và tôi cũng vậy. Chúng tôi chẳng có gì chung, không chung trường, không chung bạn, không chung xóm. Chúng tôi chưa từng trò chuyện và thậm chí tôi không biết tên anh. Điều duy nhất tôi biết là nhà anh nằm trên con đường tôi thường đi học, trước sân nhà có một cây sơ ri – vốn rất hiếm thấy ở quê tôi.

Tôi luôn yêu những cái cây, nhất là những loại cây lá nhỏ. Đối với tôi, chúng luôn có vẻ gì đó dịu dàng. Vì thế, tôi vẫn ngắm nghía cây sơ ri đó mỗi lần đi ngang, những nhánh cây mảnh và dài, những chiếc lá nhỏ không đều nhau nhưng có màu xanh đậm đà mạnh mẽ. Thỉnh thoảng, từ trong các nách lá, chìa ra vài chùm hoa màu hồng nhạt bé xíu, e thẹn…Và nấp kín đâu đó, là những trái sơ ri nửa xanh nửa đỏ. Dường như chẳng có ai chăm sóc cây sơ ri ấy, nên nó không bao giờ có nhiều trái, chỉ đôi chùm lấp ló như để trang trí vậy thôi. Một vài lần, khi thấy trong nhà không có ai, tôi ghé lại sát bên rào và thò tay bứt vội một chùm hoa về để trên bàn học.

Cũng có lúc tôi thấp thoáng nhìn thấy anh, nhưng không để ý đến. Vả lại, những năm học cấp hai qua rất nhanh, tôi lên cấp ba và đến trường bằng con đường khác từ hai năm trước. Cây sơ ri thậm chí chỉ còn là ký ức.

Mồng Ba Tết năm tôi học lớp Mười một, lần đầu tiên tôi thực sự đối mặt với một chàng trai lạ trong một tình cảnh thật ngượng ngùng. Tôi là chủ nhà bất đắc dĩ, anh là khách không mời. Và dường như chẳng ai có ý định bắt chuyện. Tôi len lén quan sát vị khách của mình. Tóc anh cắt ngắn để lộ vầng trán phẳng và rộng, sống mũi cao nổi bật trên gương mặt gầy, làn da xanh, mắt sáng. Những ngón dài một cách lạ lùng cứ nắm chặt lấy nhau. Đẹp trai. Nhưng nhút nhát. Tôi kết luận.

Uống hết sạch ba tách trà nhỏ, anh mới bắt đầu cất tiếng:

– Em khỏe không?

– Dạ …khỏe.

– …..

“Đầu tiên là sức khỏe” – tôi nhủ thầm trong bụng. Tôi đã đọc ở đâu đó về cuộc trò chuyện điển hình của những con người nhàm chán. Đầu tiên họ sẽ hỏi thăm sức khỏe. Và sau đó, nói chuyện thời tiết.

– Uhm, Tết năm nay tự nhiên lạnh quá…- anh ngẩng đầu lên – lạnh hơn hẳn mọi năm.

Tôi không kềm được tiếng cười.

– Đầu tiên là sức khỏe, sau đó là thời tiết.

– Em nói sao?

– Dạ không có gì, em chỉ buồn cười thôi, trong sách viết rằng khi không biết nói chuyện gì, người ta sẽ hỏi thăm sức khỏe, sau đó nói chuyện thời tiết.

Tôi trả lời, và tiếp tục cười, thậm chí hơi đắc ý tự khen mình đã ứng đối thật thông minh, đầy châm biếm. Đã tỏ ra “cao tay” trước một anh chàng lớn hơn mình vài tuổi. Trong khi đó, anh nhìn thẳng vào tôi, ngỡ ngàng một lúc lâu, cho tới khi tôi bắt gặp ánh nhìn đó và im bặt Nhưng đã muộn. Anh đứng lên chúc gia đình năm mới an khang thịnh vượng và xin phép ra về. Tôi đứng trước hiên nhà ngơ ngác nhìn anh bước ra khỏi cổng, rồi rất nhanh, quay trở lại với nhánh sơ ri trên tay:

– Thật ra, anh định nói rằng năm nay trời quá lạnh, nên những chùm hoa sơ ri mà anh dự định hái tặng em đã rụng hết rồi. Dù sao…Mừng em năm mới!

Trao cho tôi hai nhánh sơ ri xanh rì lá, anh quay lưng và bước thẳng vào bóng đêm. Còn tôi sững sờ đến nỗi không kịp thốt lên lời nào, chỉ đứng lặng trước hiên nhà một lúc lâu thật lâu… đến khi từng tế bào trong người tôi đều nhận ra rằng Tết năm ấy thực sự lạnh. Rất lạnh.

Khi tôi bước vào nhà, Ba tôi đã đứng đó, nét mặt nghiêm nghị. Từ dưới bếp, Ba đã nghe trọn câu chuyện.

– Kể cả khi con không có chút cảm tình nào với người ta, Ba cũng không chấp nhận được. Cách xử sự của con là quá sức khiếm nhã, nhất là trong ngày Tết.

“Còn hơn cả sự khiếm nhã” – tôi nghĩ thầm trong bụng và bỗng dưng muốn khóc.

Mãi rất lâu, rất lâu sau này, tôi mới hiểu vì sao tối Mồng Ba năm đó, chàng trai ấy đến nhà tôi. Sau Tết, cả gia đình anh đã đi định cư ở nước ngoài. Ngôi nhà sau đó được bán cho một người ở nơi khác đến, và người ta xây lên một căn nhà mới, sau khi đập nhà cũ đi và chặt sạch những cây nhỏ quanh vườn, cả cây sơ ri “của tôi”.

Ngày Tết, người ta thường đến thăm nhau. Ngày Tết, người ta có một cái cớ thật đẹp để đến thăm nhau. Ngày Tết, người ta thường hồ hởi chào đón cả những người lần đầu tiên gặp mặt. Và anh, anh tưởng đã có một cơ hội cuối cùng hoàn hảo để đến gặp cô gái mà anh vẫn thường bắt gặp hái trộm hoa sơ ri nhà mình. Và kể cho cô ấy nghe vài câu chuyện…Những câu chuyện có thể bắt đầu với lời nhận xét về thời tiết.

Nhưng cô ấy đã bật cười, và thậm chí, châm biếm.

….

Tôi vẫn thường bắt gặp những chiếc xe ba gác chở đầy ắp sơ ri chạy trên các đường phố Sài Gòn. Và khi ấy, tôi lại nhớ đến người con trai đã ghé lại nhà tôi vào một tối mồng Ba tết, để tặng tôi một nhánh sơ ri với những chùm hoa đã rụng.

Tôi cứ tự hỏi mình rất nhiều lần trong suốt những năm tháng sau này, hỏi mãi, nhưng không bao giờ tôi có thể biết được, rằng mình có để lỡ điều gì khác nữa hay không, ngoài những chùm hoa sơ ri lẽ ra vẫn còn ở trên cành. Một điều gì đó đã theo anh bước khỏi hiên nhà tôi vào một đêm đầu xuân.

Tết năm ấy trời rất lạnh.

Đông Vy

Lắng nghe lời thì thầm của trái tim

    “Hầu hết mọi người là người khác. Những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn”

    Oscar Wilde


Khi đọc truyện Gatsby vĩ đại của Scott Fitzgerald, tôi vô cùng thích thú với đoạn mở đầu:

“Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay:

– Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu.

Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kì quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác.”(*)

Tôi cũng rất thích một chi tiết trong truyện Doraemon, đó là mỗi khi Nôbita và Doraemon lạc vào một thế giới khác, bất cứ thế giới nào, thì ở nơi đó cũng xuất hiện những nhân vật có nhân dáng tương tự Nôbita, Xuka, Xêkô, Chaien…. nhưng tính cách lại có thể rất khác. Điều đó luôn khiến tôi mỉm cười.

Cuộc sống này cũng vậy… Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mê mải rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi. Tôi nhận ra rằng, hai sự phấn khích đó có thể rất giống nhau. Cũng giống như người ta có thể phản ứng rất khác nhau khi đứng trước thác Niagara hùng vĩ, người này nhảy cẫng lên và ghi nhớ cảnh tượng đó suốt đời, nhưng cũng có người nhìn nó và nói: “Thác lớn nhỉ?” rồi quên nó đi ngay sau khi trở về nhà mình. Sao ta phải lấy làm lạ về điều đó? Sao ta phải bực mình về điều đó? Sao ta lại muốn rằng tất cả mọi người đều phải nhảy lên khi nhìn thấy thác Niagara?

Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai người khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống…Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói, và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.

Cách đây nhiều năm, khi xe hơi ở VN vẫn còn là thứ vô cùng xa xỉ,  người bạn của tôi sau một thời gian quyết tâm dành dụm và vay mượn đã mua được một chiếc. Chỉ là một chiếc xe cũ thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh chỉ là một nhà báo với thu nhập vừa phải và vẫn đang ở nhà thuê. Gia đình phản đối nói anh phung phí. Đồng nghiệp xì xầm rằng anh đua đòi. Bạn bè nghi ngại cho là anh học làm sang. Nhưng anh vẫn lẳng lặng làm. Và anh tâm sự với tôi rằng: từ hồi còn nhỏ xíu, anh đã luôn mơ mình được ngồi sau vô lăng, được tự lái xe lên rừng xuống biển. Ước mơ đó theo anh mỗi ngày. Vì vậy anh đã gom góp suốt thời gian qua, cho đến khi có thể mua được một chiếc xe cho riêng mình. Chỉ thế thôi. Rồi anh nhìn tôi và hỏi: Tại sao tôi phải trì hoãn ước mơ chỉ vì sợ người khác đánh giá sai về mình? Sao tôi phải sống theo tiểu chuẩn của người khác?

Tôi không thể tìm ra một câu trả lời đủ thuyết phục cho câu hỏi đó. Bởi thế, tôi luôn mang theo câu hỏi của anh bên mình. Nó nhắc tôi rằng, rất nhiều khi chúng ta vì quá lo lắng về những điều người khác đã nói, sẽ nói, và có thể nói mà không dám sống với con người và ước mơ đích thực của mình.

Một người bạn khác của tôi đeo đuổi việc làm từ thiện, quyên góp, chia sẻ. Ban đầu vì lòng trắc ẩn. Rồi vì niềm vui cho chính bản thân. Rồi, như một món nợ ân tình phải trả. Rồi, như một cuộc đời phải sống. Chị như ngọn nến cháy hết mình cho người khác. Ấy vậy mà rất nhiều lần tôi thấy chị khóc vì những lời người khác nói về mình. Như vậy đó, kể cả khi ta hành động hoàn toàn vô vị lợi, cũng không có nghĩa là ta sẽ ngăn ngừa được định kiến và những lời gièm pha ác ý. Vậy sao ta không bình thản bước qua nó mà đi?

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất, là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, vậy nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?

Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kỳ ngắn gọn: Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống nào là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao” Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng. Hãy nghe theo chính mình, bởi chính bạn là người sẽ hưởng thụ thành quả, hay gánh chịu hậu quả, cho dù bạn có làm theo hay sống theo ý muốn của bất cứ ai.

Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như đôi giày mà tôi phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ chân vào đôi giày đó, và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng, hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khao khát, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này – một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

Đông Vy & Phạm Công Luận

·         (*)Trích Gatxbi vĩ đại (Xcốt Fítgiêrơn) – Hoàng Cường dịch và giới thiệu – Nhà xuất bản Tác phẩm Mới – Hội Nhà Văn Việt Nam – 1985.

Hãy kiêu hãnh và tự do, như những chú gà rừng

    Tôi là chúa tể của chính tôi…
    (Benjamin Franklin)

Anh bạn 18 tuổi mấy hôm nay đang lên tiếng đòi tự do: được mua xe mới để tự lái đi học thay vì để ba đưa đón hoặc đón xe bus, được đóng cửa phòng khi tiếp bạn thay vì mở cửa như mẹ quy định, được thỉnh thoảng ngủ đêm lại nhà trọ của bạn cùng lớp khi có liên hoan thay vì phải về nhà trước mười rưỡi tối…

Bạn nói với tôi rằng thật quá “oải” với sự bảo bọc của cha mẹ. Thậm chí, mỗi lần cắt tóc bạn đều phải theo ba đến tiệm quen. Trong câu chuyện, bạn thú nhận rằng, cho đến tận hôm nay, bạn chưa bao giờ tự xúc cơm vào chén của mình. Đó là việc của mẹ, bà, hoặc cô giúp việc. Bạn chỉ việc bưng tô cơm đã xúc sẵn lên ngồi trước ti vi và ăn.

Đến năm mười bốn tuổi tôi vẫn chưa tự xếp quần áo cho mình. Tất cả đều là việc của mẹ. Giặt, phơi, xếp, ủi, treo lên móc. Mỗi sáng, tôi chỉ việc mặc những chiếc áo rất thẳng thớm tinh tươm để đến trường. Cho đến một ngày nọ mẹ đi vắng, và trời trưa đang nắng bỗng lắc rắc vài hạt mưa. Không cách nào khác, tôi phải làm. Lấy quần áo từ sào phơi, ôm vào phòng. Tôi chợt nhận ra quần áo vừa lấy từ sào xuống thật là thơm, một mùi hương mới mẻ, lạ lẫm, thanh sạch, “nóng giòn”. Mùi của nắng. Và lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi xuống bên đống quần áo, lóng ngóng, bắt đầu xếp từng cái một.

Tôi chỉ muốn nói rằng …những ví dụ đó không hoàn toàn là những việc nhỏ nhặt.

Khi không tự làm điều gì đó cho bản thân – chẳng hạn như việc xúc cơm, với bạn, hay việc xếp quần áo, với tôi – ta có thể tận hưởng cảm giác thoải mái của sự bảo bọc (hay lười biếng), nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang đánh mất dần – từng chút – một điều rất có ý nghĩa với đời mình: bản năng độc lập.

Bản năng mạnh mẽ nhất của con người là học lấy những kỹ năng sống nhằm tự tồn tại. Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta khóc oe oe đòi sữa, vì “con khóc mẹ mới cho bú”. Không có ai dạy cả, Rồi ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi…Rồi nhảy cú nhảy đầu tiên. Ngã cú ngã đầu tiên…Cha mẹ đứng quanh vỗ tay cổ vũ, khen ngợi. Nhưng chính chúng ta, dù bé nhỏ, mong manh như vậy, khi mới vài tháng tuổi đã tự mình làm nên những kỳ tích.

Hãy nhớ lại lúc bé thơ. Khi nào mẹ cho bạn cầm kéo cắt hình chiếc lá: đó là khi mẹ tin rằng bạn có thể cầm kéo mà không tự cắt vào tay mình. Ba mẹ không bế ẵm ta nữa, nếu ta đã biết đi, muốn tự đi một mình và quan trọng nhất là khiến ba mẹ tin rằng ta có thể tự đi một mình, biết vịn vào ghế, biết tự đứng dậy được khi vấp ngã. Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao cha mẹ có thể thả tay ra cho bạn đứng chựng khi bạn mới mười tháng tuổi, mà vẫn xúc cơm cho bạn khi đã mười tám tuổi. Nếu mẹ có thể xúc cơm cho bạn thì có gì lạ đâu nếu ba không yên tâm để bạn lái xe một mình…

Nếu chúng ta không chứng tỏ được rằng mình có thể tự làm, người khác sẽ tin rằng chúng ta không thể tự làm. Nếu bạn không tự làm được điều dễ dàng, cớ sao tôi phải tin rằng bạn có đủ trách nhiệm và nhận thức để làm điều khó hơn?

Trang Tử nói: “Gà rừng trong đầm cỏ đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng” Chúng ta có giống được những con gà rừng không? Nếu chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do?

Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc, kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta sẽ quá quen với việc được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự mình vạch ra kế hoạch. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim trong rất nhiều lớp lồng.

Như vậy đó, anh bạn! Không ai lấy mất tự do của chúng ta, chỉ có chúng ta tự nguyện đánh mất nó, thay vì cố gắng giữ lấy nó. Chúng ta, ở tuổi mười tám, thỉnh thoảng kêu gào rằng tại sao cha mẹ lấy hết tự do của con, mà quên rằng chính mình đã đánh mất tự do – từng chút một – từ lâu lắm. Khi được ai đó làm thay một việc nhỏ, và chúng ta chấp nhận việc ấy như điều hiển nhiên, nghĩa là chúng ta đã tự đan thêm một song tre cho chiếc lồng đời mình.

Tác giả Robert Fulghum từng trở thành best seller với một cuốn sách có tựa đề thú vị “Tất cả những gì tôi cần phải biết tôi đều được học ở nhà trẻ”. Đó là những nguyên tắc sống: chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy nghĩ một ít, vẽ và hát và nhảy múa và chơi và làm việc một ít mỗi ngày, ngủ trưa, có ý thức về những điều kỳ diệu, cây cối và các con vật đều chết – và chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học: quan sát.

Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình.

Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta tưởng. Thậm chí có thể nói rằng cuộc đời này rất giống một nụ hôn, nó có thể tệ hơn, hay tuyệt hơn nụ hôn trước đó, nó có thể khiến bạn hạnh phúc, cũng có thể làm bạn vỡ mộng, nó có thể khiến bạn nhận ra mình yêu, hay nhận ra mình hoàn toàn không yêu. Nó chứa đựng những bí mật mà bạn chỉ khám phá được sau khi đã hoàn thành.

Hãy tự mình hoàn thành, và bạn có thể nói bạn là chúa tể của chính mình. Như những chú gà rừng.

Hãy luôn luôn kiêu hãnh và tự do như những chú gà rừng.

Đông Vy và Phạm Công Luận

Tìm về núi cũ xem mai nở

Cam Ranh quê tôi là đất mai, là một phần của rừng mai Phước Hải (Khánh Hoà) xưa, kéo dài từ Nha Trang đến Cà Ná, nay đã bị thu hẹp khá nhiều. Tháng Chạp, mai biển nở bạt ngàn cả một vùng cát trắng Thủy Triều. Làm sao không rung động khi đứng trước phong cảnh hoang sơ, một bên là biển, một bên là cát trắng, và trên những cồn nhỏ ở giữa, là mai vàng nở rực.

Lần đầu tiên ăn Tết ở Sài Gòn, tôi rất lạ khi thấy người ta cắm mai mà không cần đốt gốc, chỉ hai ba cành mai rừng nhỏ, cắm vào một cái bình sứ rất đẹp, đã được lau bóng lưỡng từ mấy hôm trước…Chưa bao giờ tôi nghĩ mai có thể được cắm một cách dễ dàng và đơn giản như những loài hoa khác. Ở quê tôi, những cành mai chặt về phải được đốt gốc trên lửa nóng, để giữ lại nguồn nhựa sống cho mai, nuôi những đoá hoa còn ươm nụ. Nếu không đốt kỹ, có khi, cả hoa lẫn nụ đều gục đầu héo rũ ngay vào ngày mồng Một.

Đến nhà ông chú, thấy hai ba người đang lui cui khiêng một chậu mai kiểng lớn vào nhà. Đây là cây mai chưng từ mấy năm nay, do một người bạn tặng, giá vài triệu đồng, hết Tết thì gửi cho mấy vườn mai, 28 Tết năm sau người ta lại đem tới. Mất có trăm ngàn mà khoẻ re. Tết vẫn cứ có mai chưng, hoa lá đầy đủ, ra hoa đúng độ, lại chẳng cần bận tâm gì đến chuyện chăm sóc. Và lặt lá mai trở thành một khái niệm hết sức xa vời. Tiện thật đấy, nhưng sao tôi vẫn thấy thiêu thiếu một chút tình…

Những đứa trẻ như tôi ngày xưa háo hức theo cha đi chặt mai, vượt đầm Thủy Triều ra đến cồn từ sang sớm để chọn cho được cây mai “có thế” nhất, hoa đều nhất. Khi trở về thì mặt trời đứng bóng, bọn trẻ giành vác cành mai lùm xùm những cành, bước từng bước khó khăn theo chân cha đi trên vùng cát mênh mông. Dưới cái nắng ấm vàng rực rỡ của miền Trung những ngày giáp Tết, những hạt cát trắng loá, lấp lánh một màu trắng tinh khôi sạch sẽ. Những cơn gió thổi nhẹ qua lại xoá tan hết dấu chân người, trả lại vẻ hoang sơ và thanh tịnh rất hợp với mai. Nhớ đến run người những khoảnh khắc đó, khi mỏi chân dừng lại, hít một hơi sâu làn không khí đầy ắp gió biển, trong trẻo và thanh sạch vô cùng, ngoái nhìn trước sau chỉ thấy một màu cát trắng, chợt nhớ Hàn Dũ xưa kia lúc “đạp tuyết tầm mai”, chắc cũng chỉ hạnh phúc và đầy rung cảm như ta ngày nay “đạp cát tầm mai” là cùng!

Ấy vậy mà cái hạnh phúc khi gặp mai của người “tầm mai” cũng chưa so được cái hạnh phúc gặp mai bất chợt. Không biết bây giờ còn bao nhiêu người của lớp Báo chí A-K97 nhớ ngày “dụ dỗ” được thầy chủ nhiệm đi chơi tận thác Mai (Đồng Nai). Cả nhóm cứ đi mãi, vượt qua sông La Ngà, con đường xuyên rừng chập choạng buổi chiều tối ngoằn nghèo dẫn vào thác. Đêm đó, tuổi 20 ngẫu hứng và bốc đồng nên vừa lội suối vừa ngắm trăng, rồi nằm dài trên đá mà hát cho nhau nghe đến sáng. Để mai dậy mắt ai nấy đỏ kè, loạng choạng lái xe trở về mà đầu óc dường như còn chưa tỉnh. Chợt tất cả đột ngột dừng xe sững sờ khi bắt gặp bên rừng mấy bụi mai nở sớm, màu vàng mơ nhẹ nhàng, và mong manh quá trong làn sương sớm còn ướp đầy mùi nhựa cây và hương thảo mộc. Trong suốt những năm tháng ở đại học, tôi chưa bao giờ cảm thấy yêu bạn bè mình đến thế, trong giây phút cùng lặng thinh không nói nên lời cạnh những bụi mai bên rừng. Khi trong trái tim mỗi người dường như có một niềm vui sướng và xúc động như nhau.

Hình như mai đẹp nhất không phải khi được đặt trong bình sang chậu đẹp. Ở Cam Ranh, xã được xếp loại “vùng sâu vùng xa” nhất có lẽ là Cam Hiệp, nơi học trò muốn đi học phải lội bộ cả chục cây số. Nhóm bạn rủ nhau đi thăm cô giáo cũ ở vùng này, loanh quanh cả ngày chợt nhận ra ở đây nhà nào cũng có vài ba cây mai núi trước sân, bình thản nở ngay cạnh những vách nhà xù xì rơm khô trộn đất. Buổi chiều trên đường về bỗng gặp cảnh thần tiên. Một ngôi nhà gỗ giản dị, Một khung cửa sổ mở ra vườn. Một cô gái nhỏ tóc buông dài chống cằm nhìn ra sân. Tất cả, là cái nền cho một cây mai vàng, có thể gọi là cổ thụ, gốc to, rễ lồi, thân xù xì những nhánh lớn như cây ổi, lác đác những lá xanh to, cao gần bốn mét, đang nở hoa rực rỡ ở độ mãn khai nhất ngay bên ngoài cửa sổ. Không hiểu sao, sắc vàng của mai trong buổi chiều tà lại buồn đến vậy, hay tại đôi mắt trong đen rất đẹp của cô gái ấy thoáng nét u sầu. Hai chàng trai trong nhóm không dời chân được, đánh bạo bước vào nhà xin… uống nước. Cô gái ngượng ngùng trốn ra nhà sau, chỉ có ông chủ nhà niềm nở mời trà khách lạ. Kể rằng khi cha ông đến dựng nhà trên mảnh đất này thì cây mai đã ở đó, mùa xanh lá không ai để ý đấy là mai. Đến mùa đông, nó tự rụng lá rồi trổ hoa vào mùa xuân. Không ai lặt lá, cây lớn quá hơi đâu mà lặt. Nên mai tự nhiên nở, có năm sớm, năm muộn. Một tay lái ở Nha Trang tình cờ thấy, mê mẩn, dụ dỗ ông già cho bứng luôn gốc đem về thành phố bán, bộn tiền lắm. Nhưng ông chắc nịch :“Mấy anh coi, không có cây mai đó nhà tui còn gì. Nó chính là cái tinh thần của gia đình này từ mấy chục năm nay!”…

Những năm sau có bận mấy, nhóm bạn cũng trở lại căn nhà ấy vào ngày mồng Năm. Cô gái đã lấy chồng, chỉ còn người cha và cậu em trai. Trở lại, như chàng Thôi Hộ, chỉ để ngồi uống trà nơi cái bàn gỗ thấp đơn sơ, hỏi thăm như bâng quơ về cô gái và say sưa ngắm khung cảnh thần tiên như tranh vẽ bên ngoài cửa sổ, nơi những đoá hoàng mai nở rực khắp vòm bên những chiếc chồi xanh.

Tết này ở Sài Gòn, thêm một cái Tết xa quê, lại thèm quá một ngày được “Tìm về núi cũ xem mai nở. Mộng bén ngàn xa hạc điểm canh” (thơ Quách Tấn)

Đông Vy

Viết cho những mảnh ký ức cuối năm…

Đó là một buổi chiều cuối năm, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, tôi ngồi trước máy tính nghe Lillian Bùi, một cô gái người Việt sống ở Mỹ có khuôn mặt bầu bĩnh, ôm cây đàn ghi ta và hát trên Youtube bài hát do cô tự viết lời và phổ nhạc.

You can’t go back to childhood
The road doesn’t go that way
It’s overgrown with brush and woods
The gates are locked, decayed…

(Tạm dịch:
Anh chẳng thể nào về lại ấu thơ đâu
Con đường không dẫn về phía ấy
Giữa um tùm bụi rậm và rừng cây
Cánh cổng xưa khóa kín rồi, đổ nát)

Giọng hát và giai điệu mộc mạc ấy ngay lập tức đưa tôi về những ngày xưa. Phải, cô gái ạ, tuổi thơ của chúng ta chỉ đến một lần trong đời. Và từ đó trở đi, ta sẽ nhớ về nó mãi, nhớ về nó rất nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại. Tôi biết mình chẳng thể quay lại nữa, nhưng xin đừng ngăn cản tôi nhớ nhung.

Những ngày xưa tươi đẹp đã đi qua. Những điều gần gũi như cái chợ gần xóm cũ, mùi của những cọng rau ngày còn bé, thiên nhiên trong trẻo chung quanh và cả mối tình thơ dại nào đó. Nó dệt nên tuổi thơ của ta.

Cuộc đời của chúng ta cơ hồ được ghép bởi những mảnh ký ức. Chính thế, những mảnh ký ức vỡ làm nên đời ta. Những kỷ niệm êm đềm và thơm ngát như ngọn gió mùa xuân thổi qua thềm nhà buổi chiều xa xưa nào. Một mối tình dang dở. Một nụ hôn chưa kịp trao. Cái nắm tay vội vàng. Một sai lầm không thể cứu vãn. Một tổn thương ta gây ra cho ai đó, hoặc ai đó gây ra cho ta. Những mảnh vỡ của ký ức, đôi khi nhọn hoắt, đôi khi nát vụn…vẫn trở về với tôi hoài vào những chiều cuối năm.

Khoảng khắc đó, tôi có thói quen ngồi xuống một nơi yên tĩnh, và nhâm nhi “chiếc bánh Madeleine”(*) của đời mình, và cố lắp lại những mảnh vỡ đó…Chiếc bánh Madeleine của bạn là gì? Điều gì có thể đưa bạn trở lại ngày xưa? Với tôi đó là món ăn mẹ nấu như hồi bé thơ. Cuốn album cũ. Con đường cũ. Người bạn cũ. Một món đồ chơi cũ…

Tôi quen một người bạn. Anh thường ra phố Lê Công Kiều mua đồ cổ. Thật ra anh chẳng mua thứ gì đắt đỏ vì anh không có nhiều tiền. Anh chỉ mua những chiếc tô gấm chiết yêu vẽ xanh trắng. Anh chất từng chồng trong phòng mình. Tôi những tưởng anh mê lắm. Nhưng không, anh mua vì nhớ mẹ. Anh mua vì lúc anh còn nhỏ, gia đình còn nghèo, mẹ anh được ai đó tặng cho hai cái tô gấm và mấy cái chén sứ xanh trắng. Mẹ anh quý lắm. Anh nhớ, chỉ những ngày Tết, mẹ mới cho hai anh em anh ăn cháo gà trong chiếc tô gấm trong bữa cơm ngày Ba mươi.

Rồi chiến tranh. Những món đồ sứ ít ỏi đó mẹ anh không giữ được. Và bà tiếc mãi, tiếc mãi…cho đến ngày ra đi. Anh nhớ mẹ, anh nhớ những buổi tối giao thừa sau khi dọn dẹp xong, anh ngồi nép bên mình mẹ nhìn mẹ anh lau sạch những chiếc chén xanh trắng tinh xảo và trầm trồ mãi. Và từ đó, dành dụm số tiền lương còm, anh mê mải tìm mua lại chút tuổi thơ xưa.

Tôi vẫn sống ở nơi mình từng sinh ra. Nhưng những hình ảnh cũ xưa đã không còn nữa. Cái giếng nước cũ. Hàng rào bông bụp đỏ. Tôi nhớ chúng. Những trái táo gai chua và xanh hái trên cây trong cái sân nhỏ trước nhà ở Phú Nhuận. Những trái mận từ nhà hàng xóm. Đôi khi, tôi nhớ tuổi thơ nên đi bộ ra đầu hẻm. Ngôi nhà đóng kín cửa. Tôi bấm chuông xin vào, chỉ để nhón chân lên hái một chùm mận. Bà cụ mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Đôi khi, tôi đứng lại bên một bức tường, và nhặt lên một trái mận rơi. Những trái mận trong vườn, trái hồng nhạt và nhỏ, thật nhiều hạt. Tôi nhớ những cái hạt của trái mận biết bao nhiêu. Cuộc đời lạ lùng đến thế, chỉ là những hạt mận, vậy mà cơ hồ không còn thấy được bao nhiêu nữa. Nói gì bãi bể nương dâu…

Đôi lúc, tôi tin rằng dăm khoảnh khắc tìm lại tuổi thơ trong những ngày năm cùng tháng tận ấy đã trao lại cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ, đến nỗi có thể giúp tôi vượt qua rất nhiều ngày khó khăn của thời gian còn lại trong một năm.

Cũng như những khoảnh khắc ta cuống quýt trở về nhà để đón Giao thừa vậy… Đó là thời khắc ta biết mình sắp mất một cái gì đó mơ hồ. Cái cảm giác ấy thật hoang mang. Đầy tiếc nuối, đầy hy vọng và cũng đầy nghi ngại. Tôi vẫn nghĩ về thời khắc giao thừa giống như một cánh cửa thời gian. Lật qua, lật lại. Đứng ở đó, ngay trước bàn thờ ông Thiên. Cỗ máy thời gian sẽ đưa ta đến một nơi khác. Biết đâu là ngày xưa…

Về nhà đi em. Sắp giao thừa rồi đó…Nhiều người bảo rằng chỉ thực sự thấy được không khí ngày Tết khi về ngôi nhà của mình dù nó có nhỏ bé thế nào…Về nhà đi. Ngồi xuống chiếc ghế ấm cúng thân quen này và nhâm nhi một “chiếc bánh Madeleine”. Rồi giao thừa sẽ đưa ta trở về tuổi thơ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vừa đủ để xoa dịu những tổn thương của chính ta. Để tha thứ cho những lỗi lầm của ta. Để làm thanh sạch trái tim ta lần nữa. Để tìm lại bình yên.

Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng có tháng ngày nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên.

Đông Vy và Phạm Công Luận

(*)Madeleine là loại bánh bông lan mềm hình con sò xuất xứ từ Pháp, nhẹ, xốp, có vị béo thơm. Trong tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất” , Marcel Proust kể lại một buổi chiều đông rét mướt, khi bị nhuốm lạnh, tác giả nhấp một ngụm nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh “madeleine” để sưởi ấm người. Và hương vị của chiếc bánh thuở ấu thời đã đột ngột đánh thức những ký ức và cảm xúc thầm kín, đưa ông trở về quá khứ đi “tìm thời gian đánh mất”

Mục tiêu quá thấp


Mối nguy hiểm lớn nhất với phần lớn chúng ta không phải là mục tiêu của ta ở quá cao và ta nhắm trượt, mà là nó ở quá thấp và ta tóm được nó.

Đặng Nguyễn Đông Vy dịch

.

The greatest danger for most of us is not that our aim is too high and we miss it, but that it is too low and we reach it.

Michelangelo