All posts by Trần Bá Thiện

Tuyệt tác của Minh Đen

Một chiều mưa, ngồi tư lự trong quán café, mình gặp lại nó. Nó hỏi:

– Anh Thiện phải không? Tui là Minh nè…

Mình ngớ người ra vì làm sao biết được Minh này là Minh nào. Nó thấy mặt mình đang ngáo nên rót thêm một mớ thông tin khác….

– Hồi đó tui với anh học chung ở trường Thiên Ca đấy. Tui nhớ anh có người anh, tui có thằng em ….

Ui cái kiểu này thì chỉ có thánh mới biết gã nói gì. Thế là mình với gã bỏ thêm mươi, mười lăm phút nữa để check lại kỷ niệm thời thơ ấu. Sau cùng mình cũng nhớ gã là ai.

Ngày đó mỗi sáng chủ nhật, mình đi lễ ở Thiên ca xong thì vào lớp giáo lý. Trong khoảng thời gian trống từ thánh lễ đến lớp giáo lý là giờ chơi của bọn mình.

Minh kể hồi đó nó không dám chơi với đám con nhà giàu như bọn mình vì nhà nó nghèo… Mình nghĩ, lúc nhỏ mình đâu có để ý ai giàu ai nghèo làm chi. Với lại dạo đó ba mình cũng thất nghiệp, anh em mình cũng te tua đấy…. Continue reading Tuyệt tác của Minh Đen

Neo tâm khi gặp bão đời

Những lúc bị mưa bão giam trong nhà mình lại cứ nghĩ lung tung. Hôm nay, mình nghĩ đến những người dân Nam Trung bộ. Họ vừa bị bão số 12 tấn công tuần trước, tuần này lại phải đón bão 14. Trong những ngày giông gió này, chắc có ai đó tự cho rằng đời họ chỉ toàn là màu đen, chỉ đầy giông bão. Đời họ không có mấy ngày vui và bình an… Sao mà đời chán đến thế…. Continue reading Neo tâm khi gặp bão đời

Lịch sử Ngày Cây Gậy Trắng – History of the White Cane Day

 

Dịch từ History of White Cane Safety Day
của Philip Strong

Cây Gậy Trắng không chỉ là một công cụ có thể dùng để đạt được sự tự lập; nó còn là biểu tượng của người công dân khiếm thị trong xã hội chúng ta. Để tôn vinh biết bao thành đạt của những người Mỹ khiếm thị và để nhìn nhận ý nghĩa của cây gậy trắng trong việc thúc đẩy tinh thần tự lập, chúng ta mừng ngày 15 tháng Mười hàng năm là “Ngày Cây Gậy Trắng.”

Ngày nay cây gậy trắng vừa là công cụ cho người khiếm thị vừa là biểu tượng của người khiếm thị, thế nhưng ngày xưa thì không phải như thế.

Xuyên suốt dòng lịch sử các loại gậy đã tồn tại như một công cụ hỗ trợ đi lại cho người khiếm thị. Các ghi chép từ thời Kinh Thánh cho thấy cây gậy của người chăn chiên đã được dùng như một công cụ hữu hiệu trong những chuyến bộ hành đơn độc. Người khiếm thị đã dùng gậy để dò những chướng ngại trên đường đi.

Continue reading Lịch sử Ngày Cây Gậy Trắng – History of the White Cane Day

Thường niệm…

Rằm tháng tư lại đến với tiếng chuông và trăm vạn Phật tử tụ tập bên Phật điện. Nhiều lần đi ngang các ngôi chùa râm rang câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” tôi lại thắc mắc. Vì sao các tôn giáo khuyến khích giáo dân của họ thường xuyên đọc một số câu ngắn với dụng ý để cầm lòng cầm trí. Tôi nhớ những người Công giáo thì gặp điều sửng sốt thường thốt lên:”Giê su, , Maria, Giu se”. Và Phật tử thì đọc “Nam mô A di đà”

Cứ nghĩ mãi không trả lời được thì tôi lại quên đi rồi khi có dịp câu hỏi ấy lại vang lên trong lòng.

Một lần ở chung phòng với anh bạn cao tuổi, Anh nhờ tôi rót dùmly nước để anh uống thuốc. Sáng nào cũng vậy, anh phải uống thuốc kiểm soát huyết áp. Anh bảo ai đã mắc phải huyết áp thì sống để đó chết mang theo chứ làm sao mà chữa khỏi được…

Continue reading Thường niệm…

Con mắt của đám đông

 

TT – Con đã học lớp 3 nhưng anh chưa bao giờ dám vào trường của con. Mọi việc đưa đón con đều là việc của chị, bởi chị biết lái xe và bởi anh bị hỏng mắt… Anh tưởng tượng nếu bạn bè của con biết được anh bị mù… thì một lúc nào đó chúng sẽ đem cái sự thiếu may mắn của anh ra mà trêu chọc con anh.

 

Học sinh Trường Lương Định Của tặng quà cho các anh chị khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu – Ảnh tư liệu

Và điều anh lo sợ nhất là con anh cảm thấy e ngại vì cha mình bị mù…

Continue reading Con mắt của đám đông

Quê hương là gì hở mẹ?

P. NGUYỄN THÁI HỢP, GM[1]


Quê hương, Đất nước, Tổ quốc, Dân tộc, Quốc gia, Nước nhà, Nhà nước… những từ thật quen thuộc, nhưng cũng thật phức tạp và nhiều khi dị nghĩa. Đứng trên quan điểm lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và nhất là ý thức hệ người ta có thể đưa ra nhiều lối giải thích và lập trường đối nghịch nhau[2]. Chỉ cần đọc lại một số bài viết của người Việt hải ngoại cũng như ở trong nước suốt mấy thập niên vừa qua, tất sẽ rõ cái cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” hoặc “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”. Tùy theo quan điểm và chọn lựa chính trị, người ta đã đưa ra nhiều quả quyết triệt để, đối lập và thường khi gay gắt, khai trừ nhau …

Người viết không muốn và cũng chẳng đủ khả năng để nhảy vào những cuộc tranh luận “dầu sôi lửa bỏng” đó. Những dòng dưới đây chỉ muốn nói lên cảm nghĩ của một người nhiều năm sống xa quê hương, nhưng luôn nhớ về quê cũ và vẫn thao thức về tương lai của Dân tộc. Hình như khi người ta càng đi xa và thấy nhiều, thì khi nhìn lại quê cũ nghèo đói lại càng cảm thấy ngậm ngùi và xót xa hơn!

Continue reading Quê hương là gì hở mẹ?

Vượt trên bạo bệnh – “Người anh hùng” của con trai

TT – Sức mạnh của tình yêu thương là động lực giúp con người vượt qua thử thách của bạo bệnh và cái chết. Đây là những câu chuyện có thật trong đời thường về tình cảm cao thượng của con người…

Kỳ 1: “Người anh hùng” của con trai

Trong cuộc sống, nhiều khi những lời ngây ngô của con trẻ có thể làm thay đổi vận mệnh người lớn. Bức thư của một cậu bé 7 tuổi trong trường hợp này thể hiện điều đó.
Continue reading Vượt trên bạo bệnh – “Người anh hùng” của con trai

Tình yêu giúp ta nhận ra chính mình

Tôi thích đọc các công án thiền từ cái thời chưa đầy 20. Máu háo thắng làm tôi nghĩ nếu các vị thiền sư đời xưa có thể tìm ra các đề tài làm công án thiền cho đồ đệ thì mình cũng tự tìm ra 1 đề tài cho chính mình. Bởi các vị ấy ra đề một cách dễ như lấy đồ trong túi vậy. Cậu độ đệ trẻ chạy vào xin công án, thế là thầy phán ngay: hãy nói về tiếng kêu của 1 bàn tay. Anh hòa thượng trẻ đi lang thang ngang hàng thịt, nghe lõm được câu quảng cáo của chủ hàng ba hoa: ở đây món nào cũng ngon cả. Chỉ có vậy mà cũng là 1 công án. Chỉ có vậy mà cũng giúp một tâm hồn giác ngộ. Thế thì tôi cứ thử tìm cho tôi một công án xem sao?

Nghĩ là làm, Bởi xét cho cùng tôi có tìm ra cho chính mình một công án hoặc không tìm ra thì tôi cũng chẳng mất xu ten, hay đồng bạc lẻ nào hết. Vậy là sau vài ngày nghiền ngẫm sự đời, tôi đã sáng tác cho mình một công án. Công án của tôi vỏn vẹn chỉ có 3 từ: tôi là ai?

Mỗi người chúng ta đều phải trả lời những câu như: tôi là Nguyễn Văn X, hoặc tôi là chủ chiếc xe này, hoặc tôi là nhân viên/giám đốc công ty này, tôi là chồng của cô ấy, tôi là chuyên viên này hoặc kỹ sư nọ…. Chúng ta chỉ nói các câu ấy để trả lời với thiên hạ. Hãy thử trả lời cho chính mình: tôi là ai?

Tìm ra được cái công án này tôi sướng mê người vì cảm thấy mình sao mà trí tuệ đến vậy. Thế nhưng cái việc tự đánh giá chính mình là một trò ăn gian. Bạn sẽ vừa đá bóng, vừa thổi còi. Mất chừng vài tuần, tôi đã có thể trả lời được câu hỏi kỳ khôi: tôi là ai này. Nhưng chỉ qua vài hôm, tôi lại cảm thấy thất vọng với đáp án đã tìm. Câu hỏi ngu ngốc, ngớ ngẩn ấy đi theo tôi suốt đời.

Sau này, khi học phương pháp nghiên cứu của xã hội học, tôi nhận ra để khỏi ngu như kiến thì ta phải nghiên cứu. Và làm đề tài nghiên cứu thì tất nhiên phải có giả thuyết nghiên cứu. Chính cái câu hỏi ngớ ngẩn là kẻ dẫn đường cho các nhà nghiên cứu khám phá ra bí ẩn của vũ trụ và của kiếp nhân sinh.

Thêm một ví dụ khác để minh họa, giả sử bạn chưa bao giờ ra Huế. Lần này bạn cần ra Huế để họp, để thăm bà con hay một lý do nào khác. Trước khi đi, ai đó nói bún bò Huế ăn tại chợ Đông Ba rất ngon. Người khác cho rằng bún bò Huế bán ở chợ Đông Ba chỉ đáng đem đổ nước mã . Muốn thưởng thức thì nên ăn cơm hến mới là đặc sản Huế. Thế là ta có thể đưa ra giả thuyết: bún bò Huế bán tại Huế có ngon không? Hoặc cũng có thể giả thuyết ấy là so sánh bún bò Huế tại Huế và tại cái quán ta thường ăn gần nhà. Khi có câu hỏi ấy, bạn đến Huế và sẽ quyết tâm tìm câu trả lời. Chính nhờ sự tìm tòi ấy bạn khám phá ra nhiều điều hơn là thưởng thức bún bò. Có khi bạn sẽ quen được một cô bạn duyên dáng nào đó có cùng thú vui ẩm thực. Hoặc nhận ra mưa Huế buồn ơi là buồn. Hoặc một kết luận chẳng ăn nhằm gì đến bún bò cả. Tuy nhiên nhờ cái câu hỏi đi ăn bún bò mà bạn khám phá Huế từ nhiều gốc nhìn. Nếu không bạn sẻ chỉ đến đó đi họp rồi quay về. Chẳng để lại gì ở Huế hoặc Huế chẳng ghi dấu gì trong lòng bạn.

Tôi đã dùng 1 giả thuyết hay công án để khám phá cuộc đời chính mình và các sự kiện liên quan đến nó. Kết quả thu lượm thì rất nhiều nhưng Tôi chỉ xin bật mí với các bạn một gốc nhỏ trong các gốc hẹp của mình qua bài viết này.

Tất cả chúng ta đều chung sống với một nhóm người nào đó. Trong nhóm ấy có các thế hệ như 5X, 6X, 7X… Nói gì thì nói, chơi gì thì chơi chứ đừng có dại dột đem cái 5X của ta ra mà chê cái 8X là các chú trẻ người non dạ nên chưa hiểu điều này đâu. Hoặc gán ghép cho người khác những trách nhiệm mà họ chưa thực sự chuẩn bị: “Các chú 8X mà không làm được việc này thì xấu hổ quá…” rủi những điều không mong đợi ấy xảy ra là ta sẽ giận nhau. Khi giận nhau, ta dễ nghĩ rằng:

-Giá mà tôi đừng thuê nhà trong cái xóm lộn xộn này. Giá mà tôi đừng làm việc cho cơ quan này. Giá mà tôi đừng cưới cô ấy. Giá mà tôi đừng sinh ra đứa con như nó….

Giận thì ta sẽ làm cho ra lẽ, cho chúng biết tay. Nghĩa là cơn giận sẽ mời gọi ta thể hiện bản lĩnh của mình với đối thủ và với tha nhân. Cơn giận giúp ta nhận ra chính mình là ai.

Bạn sẽ nói hình ảnh chính mình được vẻ ra trong cơn giận hay lúc bị chơi quê sẽ méo mó không hoàn hảo…. Ui nói thì dễ lắm vậy bạn có chắc rằng kết luận ấy là đúng không? Ta chưa rõ ta là ai nên cứ từ từ xem các hình ảnh cơn giận, cơn tự ái đã vẻ về ta thế nào.

Ta sẽ là kẻ muốn chơi trội với mọi người để được mọi người trọng nể, ngán mặt. Nếu có kẻ chưa ngán và có đủ tài để chơi qua mặt ta, thì ta lại phải ép mình vượt qua hắn. Càng bị bỏ xa ta sẽ càng cố sức, và thà chết chứ không chịu thua hắn được.

Hình ảnh của ta trong cơn giận, cơn tự ái sẽ chia làm nhiều cấp độ. Quê sương sương thì ta là kẻ ngại tiếp xúc với một số người nào đó. Quê cấp 2 ta nói vài câu xúc phạm người cho hả giận. Quê nặng nữa thì ta sẵn lòng liều mạng với kẻ thù. Ta là thế sao?

Trong cơn giận ta từ chối chính mình là thành viên của các nhóm người ta quen biết. Thậm chí, ta từ bỏ cả gia đình, quê hương và chủng tộc của mình. Nhưng rồi cơn giận có lúc cũng qua đi, sự bình an quay trở lại. Ta lại thương cái xóm nhỏ của mình, thương công việc và cơ quan từng cộng tác, thương yêu lại vợ con… Khi ấy, ta nhận ra chính mình với một hình ảnh khác.

Ta cũng chia ra các cấp độ tương ứng như lúc giận. Thương sơ sơ thì thấy mình từng có những điều ấy trong đời. Thương dạt dào hơn sẽ thấy mình cần đóng góp để phát triển đời sống, phát triển sự nghiệp cùng với những người thân ấy. Thương tha thiết ta cũng có thể cống hiến cả mạng sống mình.

Điểm khác biệt giữa hình ảnh trong cơn giận và hình ảnh trong lúc yêu chính là các cánh cửa tâm hồn. Khi yêu ta muốn mở rộng cửa để đón nhận, để tha thứ, để chở che và để cảm thông. Khi giận ta đóng cửa lại chỉ chừa vài lối ra vào. Những lối ấy đe dọa mọi người, buộc mọi người phải theo ý muốn của ta. Nói một cách khác, cơn giận biến ta trở nên hẹp hòi, ích kỷ. tình yêu lại giúp ta rộng mở và bao dung.

Ta là ai? Sự lựa chọn là của mỗi con người vào mỗi tình huống cụ thể. Có lúc ta đã từng chọn sự giận dữ. Tâm hồn ta luôn chìm ngập trong khắc khoải, dày vò và buồn bực. Mãi đến khi tình yêu trở lại. Tâm hồn ta thanh thản nhẹ nhàn và giải thoát.

Tôi không dám khuyên bạn nên chọn điều gì. Vì chẳng có gì đảm bảo rằng chọn tình yêu sẽ làm cho bạn giàu có, nổi tiếng, khôn ngoan, thành đạt. Nhưng chúng ta đều thấy rằng khi chọn tình yêu, hình ảnh của ta trong lòng ta sẽ đem lại cho ta những ngày vui vẻ, bình an. Nếu bạn muốn chính mình là một người bình an xin hãy để tình yêu giúp bạn nhận ra chính mình.

20/Apr/10 10:11:55 AM
Trần Bá Thiện

Túi than

Năm Đạt 20 tuổi, Đạt học đàn với tôi. Lúc đầu việc học có tiến bộ rõ vì Đạt cần cù, chăm chỉ. Vài tháng sau, tôi nhận ra Đạt thiếu năng khiếu. Đạt lại kém trí nhớ. Người mù mà kém trí nhớ thì khó học cao được. Các bạn cùng lớp Đạt đã học được những kỷ thuật phức tạp hơn Đạt nhiều. Đạt chuyển hợp âm còn vụng về lắm. Dù mọi lý do, tôi vẫn không nói thật cho Đạt biết điều ấy. Khi vào làm việc tại trường mù này, tôi đã thỏa thuận với ban giám hiệu rằng tôi không bao giờ từ chối một học sinh mù vì lẽ người ấy thiếu năng khiếu. Người mù còn mấy thứ giải trí ngoài âm nhạc đâu. Cho dù việc học nhạc không biến họ thành nhạc sĩ, việc đó cũng đủ an ủi họ.

Hai năm sau, Đạt cũng chỉ đủ sức đệm cho mình những bài hát đơn giản. Một hôm Đạt gặp tôi và nói:

-Thầy ơi, chắc con xin nghỉ.

Mặc dù lắm khi tôi cũng uể oải với một học sinh kém năng khiếu như Đạt, nhưng khi nghe Đạt xin nghỉ, lòng tôi bỗng xót xa. các môn học khác Đạt cũng chẳng lấy gì làm xuất sắc. Sau bao năm đèn sách muộn màng, 19 tuổi mới bắt đầu đi học, nhà trường chỉ giúp Đạt biết đọc, biết viết và vài bài toán cộng, trừ, nhân, chia. Đạt nói với tôi Đạt muốn nghỉ học luôn và về nhà. Tôi bảo Đạt suy nghĩ kỷ hơn. Nhưng đó chỉ là một lời động viên vô nghĩa. Đạt đang đứng trước sự thật của chính mình. Cuối cùng Đạt đã rời trường. Tôi tự hỏi, Đạt sẽ về đâu và làm gì trong những ngày tới. Gia cảnh Đạt cũng chẳng sung sướng mấy. Một căn nhà nhỏ chứa đầy người trong một xóm nghèo.

o0o

Một tuần sau khi nghỉ học, Đạt đến nhà riêng của tôi. Tôi rất mừng khi Đạt đến song lại chẳng biết sẽ nói chuyện gì với Đạt. Trong nhiều năm dạy học tại các trường mù, hiện tượng người mù xin nghỉ vì những lý do tương tự cũng chẳng lạ. Một số học sinh cũ đến gặp tôi và chỉ để giết thời giờ. Riêng tôi, tôi còn bao nhiêu việc phải sắp xếp để lên lớp. Không có cái duyên giúp họ kiến thức tôi cũng ráng dành chút thời gian chia xẻ nỗi buồn của họ. Nỗi buồn mà ngày nào chính tôi khi mới vào thế giới tối tăm này đã từng mang.

Sau một lúc dông dài đủ thứ chuyện, Đạt bắt đầu thực sự bày tỏ.

-Thầy ơi, con muốn làm cái gì đó để kiếm sống. Con biết rằng mình học không được nên phải chọn cách kiếm sống nào đơn giản hơn thôi.

Đạt chọn việc buôn bán dạo. Đạt rụt rè lắm. Tính Đạt bao giờ cũng vậy, chậm mà chắc. Đạt có nhược điểm là thiếu tự tin. Đạt muốn đi bán vé số lại sợ đủ thứ cái: sợ bán ế, sợ bị bọn cắp vặt, xì ke giật vé số, sợ cái này và sợ cái kia … trong đó tôi biết Đạt sợ mặc cảm. Con người ai cũng thế. Nếu họ giàu, ta nói họ giàu họ cũng sợ và tìm cách tránh né. Nếu họ nghèo, ta nói họ nghèo họ cũng sợ bị nghèo. Tôi nói với Đạt đừng lo, tôi cũng từng đi bán vé số rồi. Tôi hãnh diện vì mình dám đương đầu với thử thách để sống bằng đồng tiền của mình. Lý lẽ này làm Đạt vững tin. để trấn an Đạt, tôi hứa sẽ đi bán vé số chung với Đạt một thời gian ngắn giúp Đạt làm quen với công việc.

Nghe vậy Đạt rất ái ngại. Đạt nói:

-Thầy mà cũng làm được việc đó nữa sao? Lỡ đi ngoài đường gặp bạn bè thầy thì sao?

Tôi nói tôi không ngại điều đó. Họ muốn nghĩ sao về tôi cũng được. Tôi không muốn Đạt trở thành vô dụng và sống lệ thuộc vào người khác. Cho dù đó là gia đình. Tôi đòi Đạt phải trả công cho việc đi bán phụ của tôi. Tôi không lấy tiền nhưng lấy một lời hứa. Tôi chưa nói ngay với Đạt tôi muốn Đạt hứa điều gì. Sau vài hôm đi bán tôi sẽ nói.

Thế là 2 thầy trò đi bán chung với nhau. Tôi dành cho Đạt 3 ngày cuối tuần: thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Những ngày còn lại tôi phải tới trường. Mỗi ngày chúng tôi rảo đi hàng chục cây số. Nào chợ, nào phố, nào hàng quán, hang cùng ngõ hẽm… Chẳng nơi nào có thể bán an toàn mà chúng tôi không tìm đến. Thói thường người ta có thể cùng gặp 1 việc, cùng đi một đường nhưng chẳng ai nghĩ giống ai. Tôi rất khoái trá với việc lâu lâu được đi bộ thể thao lại không tốn tiền như hôm nay. Hễ khát thì vào hàng kiếm ly trà đá, đói thì vào quán kêu dĩa cơm. Miễn xấp vé số trên tay vơi dần là tốt rồi. Đạt lại hết sức rụt rè.

Ngày đầu tiên Đạt than mỏi chân, rồi khát nước, rồi mệt vì say nắng… Hôm đầu tôi đưa Đạt xuống một khu chợ rất xa nhà Đạt. Hôm thứ nhì bán gần nhà hơn, Đạt có vẻ lúng túng khi vào các nơi đông người. Đạt luôn miệng hỏi không biết có gặp người quen nào không. Khi đi xa hơn vùng Đạt sống thì Đạt bớt hỏi. gần trưa, tôi gặp một cô bạn. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ với nhau. Tôi giải thích với cô ta:

-Nghèo quá phải đi làm thêm. Đi một mình sợ bị giật nên rủ đứa học trò đi chung.

Cô bạn tôi cười và chẳng tin lời:

-Anh mà nghèo chắc em cạp đất sống thôi. chắc anh muốn đi thể dục cho khoẻ người nên bày thêm cái nghề này chớ gì.

Trước khi chia tay với cô bạn, tôi không quên ép cô mua vé số. Đây hẳn là một dịp may cho tôi. Sau khi cô bạn tôi đi, Đạt tỏ ra rất tự tin. Hôm ấy cái rụt rè mỗi khi chìa xấp vé số ra mời khách mua không còn trong lòng Đạt nữa. Đạt đòi tự tay Đạt mời khách, không cho tôi mời như mấy hôm nay. Trưa đến, 2 thầy trò vào quán ăn cơm dĩa. Khi cơm dọn ra, tôi bảo Đạt:

Cơm ngon lắm đó, ăn thử coi.

Đạt nếm thử vài muỗng và hỏi:

-Con đâu thấy lạ gì đâu. Cũng như mọi quán khác mà.

-Không phải quán này ngon hơn, tôi nói. Nhưng dĩa cơm đầu tiên em kiếm được bằng mồ hôi của mình.

Hơn một ngày rưỡi trôi qua, tôi mới nghe tiếng cười của Đạt. Hôm đó chúng tôi về sớm hơn vào lúc khoảng 1 giờ trưa. Vì hôm đó bán chạy hơn. Chiều đến hai thầy trò lại tiếp tục “hành quân”. Đi bán đêm cũng là cái thú. Trời mát và mình chỉ đi vào các quán ăn, quán cà phê. Vì giờ đó tôi sợ vào hẽm tối, lỡ bị giật vé số thì trắng tay. Số vé bán được lại tiếp tục tăng. Đạt tích cực mời khách hơn. Nhiều người mua vì lòng tốt hơn là vì mê trò đỏ đen. Sáng chủ nhật, tôi phải đi lấy thêm vé số. Số vé lấy chiều qua bán đã gần hết. Tôi đưa Đạt vào những khu vực mà tôi biết các bạn tôi thường đến. Vài người bạn gặp tôi và họ mua nhiều hơn các khách bình thường. Trong buổi sáng tôi phải lấy thêm vé số một lần nữa. Số vé chúng tôi bán được nhiều gấp ba lần hôm trước. Đến khi ăn cơm trưa Đạt bảo tôi:

-Ngày mai con đi bán một mình được rồi.

-Ờ, mai thầy phải đi dạy, tôi nói. Nhưng tuần tới thầy sẽ đi chung với em tiếp.

-Không thầy đừng đi nữa, Đạt nói. Thấy thầy gặp bạn bè sang trọng con xót lắm. Con đi bán một mình được mà.

-Em thấy làm ăn dễ có tiền tính gạt tôi ra phải không, tôi nói đùa.

Khi về tới nhà, Đạt nói tối nay Đạt sẽ đi một mình. Và Đạt cám ơn tôi đã giúp Đạt mấy hôm nay. tôi thở phào, coi như kết thúc hợp đồng và tới lúc tôi đòi tiền công của mình. Như đã định trước, tôi đưa Đạt một cái túi vải chừng gang tay. Tôi bắt Đạt hứa đi đâu cũng phải mang theo đến khi nào tôi đòi lại mới thôi. tôi dặn Đạt:

-Mỗi khi em mở miệng than bất kỳ điều gì thì phải lượm một viên gạch nhỏ bên lề đường bỏ vào túi này. Tối đến trước khi ngủ mở ra coi bao nhiêu viên gạch, viên đá và cố nhớ từng viên mình đã lượm khi than điều gì. Ngày hôm sau, em phải tự bớt những lời than van đó. Khi gặp hoàn cảnh tương tự em phải thay đổi suy nghĩ. Một là cố gắng giải quyết cái khó khăn. Như than nắng thì tìm chỗ mát mà đi; than mỏi thì nghỉ; than ế thì ráng bán tích cực hơn… Hai là nếu không giải quyết được phải ráng chịu và thử nghĩ xem ngoài mình ra có ai cũng gặp khó khăn tương tự này mà khổ hơn em không. Em sẽ thấy cái khó khăn đang gặp chưa dồn mình vào đường cùng đâu. Nếu khó khăn không giết chết em thì ấy là thần dược để em thêm vững mạnh.

o0o

Thỉnh thoảng hai thầy trò vẫn gặp nhau. Có khi tại trường, có khi tại nhà tôi hay nhà Đạt. Đạt khoe lúc này bán đỡ lắm. Đạt đủ sống rồi. Có hôm Đạt nhờ tôi đi mua dùm Đạt cái máy cassette bằng số tiền dành dụm của Đạt. Đạt kể cái túi than lúc này vơi nhiều lắm rồi. Cái tính khí rụt rè và khuôn mặt u ám không còn nữa. Đạt nói đi bán vé số là đi bán sự may mắn. Nếu mình buồn thì làm sao mang lộc đến người khác được. Chính nụ cười tươi làm Đạt bán chạy.

Nhưng rồi một lần Đạt than với tôi:

-riết rồi con thấy mình như một con gà. Sáng sáng bươi đất kiếm ăn, tối chui vào chuồng. Con thấy cô đơn lắm không như hồi còn ở trường. Trong trường có bạn bè, có người để nói chuyện.

Tôi biểu Đạt đưa túi than và bỏ vào trong đó một viên gạch nhỏ. Tôi dặn Đạt từ nay mỗi khi thấy cô đơn hãy nhặt một viên gạch bỏ vào túi. Chiều đến đếm được bao nhiêu viên, hôm sau Đạt phaỉ ráng làm ra bấy nhiêu nụ cười hay niềm vui cho người khác. Nếu họ vui thì Đạt bỏ bớt một viên gạch khỏi túi than. Hãy đến với mọi người vì họ không phải vì mình. Nếu Đạt làm điều gì đó cho ai mà nghĩ rằng để mong cầu được đáp lại thì coi như chưa phải là vì họ. Và như thế chưa được ném viên gạch ra. Đạt có thể cứ tiếp tục lấy lòng các khách hàng để thuận lợi trong việc buôn bán sinh sống của Đạt. Những việc này tuy không làm vơi số gạch trong túi than nhưng đó là việc cần làm. Điều cần thiết nhất là Đạt không được nhờ người khác giúp những việc mà tự mình có thể làm được.

Chúng tôi lại tiếp tục gặp nhau. Lần này ngoài chuyện buôn bán, Đạt còn kể chuyện thường về sớm để phụ má Đạt dọn dẹp nhà cửa. Khi rảnh rổi ngồi chơi nơi nào đó, Đạt vẫn thường làm một điều gì đó cho mọi người. Đạt chú ý người khác nhiều hơn để biết họ muốn gì và tránh không rủi ro làm phật ý họ. Đạt nói bao nhiêu bài học đạo đức trong trường giờ Đạt mới có dịp áp dụng.

o0o

Năm 24 tuổi, Một tối Đạt ghé nhà tôi với 1 cô bạn gái. Cô gái chở Đạt đi bằng xe đạp. Họ có vẻ rất khắn khít nhau. Cô gái là người miền Trung. Sáng cô làm thợ may. Tối đến cô phụ bán trong một quán ăn. Một bữa trời mưa to, Đạt vào đụt mưa trong quán này. Thường Đạt vẫn vào đây bán, nhưng hôm nay vì mưa nên phải dừng lại lâu hơn. Người chủ quán lấy ghế mời Đạt ngồi. Đạt thấy ngại nên kêu ly trà đá, thứ thức uống rẻ nhất trong quán. Khi cô gái bưng nước ra, Đạt trả tiền. chủ quán không nhận vì nghĩ tới thân phận tật nguyền của Đạt. Đạt nhất định buộc chủ quán phải nhận, Đạt mới uống. Trước vẻ khẳng khái của Đạt, chủ quán nhận tính tiền ly trà đá và đồng thời mua lại 1 tấm vé số.

Trời mưa, quán vắng, cô gái tò mò hỏi thăm cuộc sống của Đạt. Đạt kể chuyện buôn bán, chuyện đời cơ cực của mình một cách quá yên bình. Những điều đó khiến câu chuyện của Đạt trở nên hấp dẫn. Chủ quán và vài người phụ hàng cũng tham gia. Từ đó Đạt trở thành người bạn của quán này. Một lần nọ, Đạt ghé nhà trọ nơi cô gái ở và nhờ may áo. chuyện tiền bạc sòng phẳng làm cô gái giận. Đạt đành nhận ở cô một món quà, ấy là tiền công may. Mọi việc cứ thế tiếp diễn. Đạt chẳng bao giờ có cơ hội đáp lại món quà này. Cô gái vẫn mến Đạt vì bản tính vui vẻ nhiệt tình và vì Đạt biết tự lo cho chính đời mình. Cái nổ lực của Đạt, cái lạc quan trong nụ cười của Đạt làm cô gái mến phục Đạt. Cô gái bổng chợt thấy chính Đạt mới là chàng công tử giàu sang mà cô hằng mong đợi. Chàng không giàu vì có nhiều thứ trên đời, nhưng giàu vì chàng cần quá ít thứ cho riêng mình. giá trị của chàng không bởi những món chàng có mà bởi sự trân trọng nơi những người chàng quen. thế là họ đã đến với nhau.

Khi Đạt về rồi, tôi ngẩn người ra với bao nhiêu kỷ niệm của đời tôi. Muốn biết được bài học này để nói lại với Đạt, tôi đã phải tốn bao nhiêu là nước mắt cho những cuộc tình tan vỡ. Đạt đã tìm được một người yêu Đạt vì chính Đạt không phải vì cái Đạt có. Nghe đâu khi gia đình cô gái biết chuyện, họ không đồng ý chấp nhận một chàng rể mù. Cô gái bị đặt vào tình trạng rất ư là khó xử. Cô phải chọn ai đây, cha mẹ hay tình yêu. gia đình cô khăng khăng sẽ không nhìn nhận cô nếu cô sống với Đạt. thế rồi cô quyết định. Cô không định lấy chồng để bỏ cha mẹ. Ngày nào đó cha mẹ cô cũng sẽ thông cảm và chấp nhận sự lựa chọn của riêng cô. Khi cha mẹ thông cảm Đạt thì cô và Đạt sẽ trở về thăm quê, thăm dòng họ.

Cô đã gạt nước mắt đến với Đạt. cái đám cưới nghèo được tổ chức. Trong tiệc vui, lúc cô dâu, chú rể tới bàn tôi chào vợ chồng tôi, tôi hỏi Đạt:

-Thế nào đây chú rể, trả túi than lại cho thầy được chưa?

chú rể cầm tay tôi dúi vào túi áo cưới của chú. cái túi than đang nằm đó. Tôi tính lấy ra, nhưng chú rể nài nỉ:

-thầy ơi, con phải giữ nó. Con không giữ nó để đựng những viên gạch của con, mà những viên gạch của cô dâu đó thầy. Đêm nào đếm được bao nhiêu viên thì hôm sau con sẽ cố làm cho cô dâu hài lòng bấy nhiêu lần.

Viết xong vào 2000, TRĂNG MỜ

(TĐH: “Trăng Mờ” là một bút hiệu của anh Trần Bá Thiện. Bài này viết một tí trước ngày cưới của anh Thiện 20.5.2000 và bà xã của Thiện tên Nguyệt, nên Thiện lấy tên “Trăng Mờ” làm kỷ niệm).

Ba phép mầu

Một em bé may mắn gặp bụt. Bụt nói:

-Ta có 3 phép mầu. Phép mầu thứ nhất chứa trong cái túi thần. Khi nào cần tiền cứ mở túi lấy. Bao nhiêu tiền cũng có và lấy mãi cũng không bao giờ hết. Phép mầu thứ hai là quyển sách thần. Chỉ cần mở sách ra xem, trí tuệ sẽ minh mẩn, nhớ dai học giỏi. Phép mầu thứ ba là trái tim vàng. Ai giữ nó sẽ biết thương yêu mọi người, mọi thứ và mọi ngày trong đời. Người ấy sẽ luôn vui tươi, hạnh phúc. Ta sẽ tặng cho con một trong ba món ấy. Vậy con chọn món nào?

Em bé ngần ngừ một lúc vì món nào cũng quý cả. Thế nên em xin bụt cho em ba hôm để suy nghĩ. Bụt nhận lời rồi biến mất.

Chiều hôm thứ nhất,, em gặp một tỷ phú ngồi hóng mát bên bờ sông. Em lại gần và hỏi phú ông:

-Thưa phú ông, Một người giàu có như ông có khi nào buồn không vậy?

Phú ông nhìn em một lúc rồi chầm chậm đáp:

-Ta chỉ có tiền thôi và chẳng còn gì cả. Mọi người chung quanh ta, kể cả bạn bè, vợ con cũng chỉ thấy số tiền của ta và không thấy gì khác. HỌ nịnh hót ta rồi xâu xé nhau để dành được phần tiền nhiều hơn từ tay ta. Ta cô đơn lắm. Tiền nhiều không đem lại hạnh phúc

Sáng hôm sau, em gặp một vị giáo sư rất uyên bác. Em lễ phép hỏi vị giáo sư:

-Thưa thầy, thầy học rộng biết nhiều, ai cũng kính nể sự uyên bác của thầy, vậy thầy có vui không?

Vị giáo sư ngửa mặt lên trời cười chua chát và nói với em:

-Này bé ngoan, bằng tuổi con thầy chỉ thích học và chăm học. Trời cho thầy nhớ dai và sáng trí, học một hiểu mười. Suốt đời thầy chỉ biết học và luôn mơ ước phát minh ra những điều kỳ diệu giúp ích nhân loại. Thế nhưng, các phát minh ấy đã bị họ lợi dụng để gây ra chiến tranh. Họ tìm cách làm giàu và phá hoại môi trường tự nhiên… Thầy lại phải tìm cách phát minh ra những thứ có thể ngăn chận sự hủy hoại do con người gây ra. Ta mệt mỏi với chính những điều mà ta đã khám phá…

Tối hôm ấy, cả nhà lại quây quần bên nhau. Sau một ngày làm việc mệt mỏi , cha mẹ vẫn chưa được nghỉ ngơi. Cha mẹ còn phải dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bửa cơm tối và chăm sóc em. Em ái ngại hỏi:

-Hôm nay cha mẹ làm việc có vất vả không?
-Ngày nào cũng vất vả cả, cha nói. Nhưng nhờ vậy cha mẹ mới kiếm đủ tiền lo cho con. Thương con và lo cho con là niềm vui của cha mẹ. Nhờ đó, mọi nhọc nhằn qua đi..
-Hôm nay con đi học vui không? Mẹ hỏi
-Dạ, con vẫn ráng học, em nói. Nhưng nhớ bài khó quá. Con làm bài chưa tốt như các bạn. Con biết làm gì cho cha mẹ vui bây giờ?
-Hãy thương yêu cha mẹ, cha em nói. Con biết thương yêu cha mẹ sẽ biết thương yêu việc học. Từ yêu thích học tập con sẽ giỏi. hãy yêu thương bạn và thầy cô. Nhờ thương yêu mọi người con sẽ vui và quên đi mọi vất vả. Khi trái tim chứa đầy thương yêu, con sẽ thành người hữu ích và hạnh phúc nhất đời.

Sáng hôm sau theo đúng hẹn, em gặp lại bụt. Các bạn đoán thử em sẽ xin bụt phép mầu nào?

16/Apr/10 11:41 AM
Viết tặng các em tự kỷ
Trần Bá Thiện

Đường hoa đẹp quá…..

-Đẹp chưa?

-Đẹp quá ba ơi!

Vừa rẽ xe vào đầu đường Đồng Khởi, gốc ngã ba với Nguyễn Du trước Nhà Thờ Đức Bà, nhiều du khách đã phải thốt lên như thế. Cô nàng Sài gòn của tôi đẹp thật với chiếc áo Tết này. Cám ơn bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đã dâng bao tâm huyết cho cô nàng Sài gòn hôm nay.

Đẹp lắm đường hoa Nguyễn Huệ. Người Sài gòn không quen với các từ to lớn như “lộng lẫy, “rạng ngời”, “hoành tráng”, “rực rỡ”… Thấy đẹp và sướng sướng với cái đẹp, họ chỉ cần reo lên: “đẹp quá”  trong niềm phấn khích, hân hoan ngập tràng tâm hồn.

Đi từ Đồng khởi vào khu đường Hoa Nguyễn Huệ để đếm thử xem, bạn đã bao lần reo lên từ “đẹp”. Bạn cũng nên đếm xem bạn nghe được bao nhiêu lần ai đó thốt ra từ này.

Đẹp trong những tiếng xuýt xoa, tiếng cười trong trẻo của các em bé khi đứng chụp hình cùng gia đình bên các hoa cảnh. Đẹp như khuôn mặt hạnh phúc của những cặp trai thanh, gái lịch đến từ mọi miền,  mọi lục địa.

“Đẹp quá chừng luôn” Chị bán rau ở gốc chợ hối vợ tôi phải cố gắng đến tham quan đường hoa. Đẹp thật khi thành phố duy trì được một truyền thống tao nhã chào đón Xuân về. Những lo toan, vất vả cả năm được gác lại. Cư dân thành phố bất kể sang hèn, giàu nghèo tự chọn cho mình bộ áo tươi nhất rồi thanh thản dạo cảnh ngắm hoa. Hiếm có công trình hạnh phúc nào lại chan hòa cho mọi tầng lớp cư dân và du khách như thế.

Đẹp đến nỗi nhiều cư dân Sài gòn, sống cả đời ở đây, nhưng bước vào khu vực đường hoa cứ ngỡ mình lạc vào một thiên đàng xa lạ nào đấy…

Cám ơn các nghệ nhân, cám ơn chính quyền thành phố và đặc biệt xin cám ơn ý thức bảo vệ thắng cảnh của người dân.

Trong niềm hân hoan đón xuân về, bác xe ôm gần nhà đã kể với tôi rằng. Vợ chồng bác cũng có đến đường hoa ngắm Xuân. Đông người tham quan nhưng đường hoa vẫn tươm tất sạch sẽ. Số lượng thùng rác được bố trí khá dầy để du khách không phải cầm rác trên tay quá lâu. Thật tuyệt vời khi thấy các cháu bé buông tay cha mẹ chạy đến bỏ mảnh giấy gói kem vào thùng. Thương hơn nữa là hình ảnh các chị công nhân vệ sinh vẫn không ngừng tay chổi giữ cho đường hoa sạch đẹp. Bác xe ôm của tôi đã rút một bao lì xì và xin phép được gởi chị công nhân vệ sinh chúc lộc Tết. Thế nhưng chị cương quyết từ chối. Lời giải thích của chị thật cảm động…

-Dọn dẹp là bổn phận tụi tui. Nhận quà của du khách e rằng tạo ra lề thói xấu. Thương chúng tôi thì mong du khách chung tay giữ gìn vệ sinh…..

Sao lại có thể có câu chuyện như cổ tích thế này? Đường hoa đã đẹp về hình thức còn đẹp cả trong tâm hồn của mọi người, thậm chí đó là những bác xe ôm và những chị công nhân vệ sinh… Những con người thầm lặng, vô danh, khiêm tốn Để lại cho tôi một bài học sống động và tươi đẹp như Xuân.

Trần Bá Thiện

13-Feb-10 06:46 PM

Cảm ơn thất bại của bạn….

Một bài tập đọc thủa nhỏ kể về một anh ngốc. Anh đói bụng bèn mua một ổ bánh mì. Ăn hết ổ bánh anh vẫn chưa no. Anh mua thêm cái bánh tráng nướng. Ăn xong vẫn chưa no, anh lại mua 1 cái bánh quy nhỏ. Lần này thì anh no căng bụng. Anh bèn kết luận: lần sau ăn bánh quy vừa ít tốn tiền lại vừa no…

Tôi không nhớ rõ 3 loại bánh được kể trong câu chuyện vì thực ra điều ấy chẳng quan trọng gì. Cái chính mà bài tập đọc muốn nói là sự ngớ ngẩn của nhân vật. Nếu không có 2 cái bánh trước thì cái bánh thứ ba có thấm thía gì với anh?

Càng lớn, ta càng nhận ra mình cũng chỉ là anh ngốc. Ta không hề biết cảm ơn lỗi lầm của người khác. Một lần, chúng tôi dự định làm một việc. Nhóm đưa ra nhiều ý kiến khác nhau và không ai chịu ai cả. Thế rồi mỗi người tự quyết định làm theo cách mà mình nghĩ đến.

Người thứ nhất xung phong thực hiện ngay ý của anh ta. Và anh thất bại. Những người còn lại cười chê rằng anh vội vàng, hấp tấp và nông cạn.

Người thứ hai phát họa kế hoạch của mình cho bạn bè. Anh lại nhấn mạnh vào các điểm yếu của kế hoạch thứ nhất. Anh cho biết kế hoạch của anh tốt hơn vì đi theo con đường thứ nhất là sai lầm và có nhiều rủi ro. Sau đó, kế hoạch này cũng thất bại. Anh thứ hai đau đớn và hậm hực vì đã lỡ phóng đại quá nhiều với bạn bè.

Người thứ ba tình nguyện thực hiện kế hoạch riêng của anh. Anh cũng lập lại lời chỉ trích các điểm yếu trong 2 kế hoạch trước. May thay anh thành công. Mọi người khen anh khôn ngoan, điềm tĩnh, sáng suốt và… Thế là cả bọn trở thành những anh ngốc đói bụng ở câu truyện trên.

Ta hãy thử là một trong 2 người thất bại. Cảm giác của ta thế nào khi xung phong tiến hành kế hoạch của mình. Tôi xin đặt trong giả định rằng tất cả đều làm vì nhóm không làm vì cái tôi riêng tư. Có phải, khi mọi người còn trù trừ, chưa quyết định, việc xung phong của ta là một nỗ lực đáng khen. Ta tin rằng mình sẽ thành công và mọi người sẽ được hưởng lợi. Thế nên ta bắt tay vào kế hoạch của mình trong một tình huống hết sức mù mờ. Chẳng ai trong nhóm biết được nên chọn con đường nào để đi đến mục tiêu.

Người xung phong đầu tiên đã giúp cả nhóm làm 1 phép khử. Trong các giả thuyết đưa ra, giả thuyết nào cũng có giá trị ngang nhau vì không ai biết được giả thuyết nào đúng.

Việc xung phong thực hiện đầu hoặc dùng nỗ lực cá nhân để đi thử vào một con đường, ta đang giúp mọi người loại trừ các giả thuyết còn lại. Có lẽ, khi người thứ nhất ra đi, các bạn của anh ta nên tri ân sự hy sinh này. Anh có thể thành công hoặc thất bại. Cho dù thành hay bại thì mọi người nên tri ân nỗ lực này. Chính nỗ lực ấy đã giúp thu hẹp các giả thuyết, đồng thời tăng kinh nghiệm, tăng cơ hội thành công cho thế hệ sau…

Về sau, tôi quyết định mình không làm anh ngốc đói bụng nữa. Nếu tôi chưa đủ điều kiện để xung phong đi trước, tôi sẽ ủng hộ bạn mình. Nếu bạn mình thất bại, tôi sẽ đến bắt tay bạn và ngỏ lời cảm ơn. Bạn đã hết lòng vì chúng ta khi dấn thân theo đuổi mục tiêu chung.

Xa hơn, mỗi khi bạn được thăng chức, hoặc thành công trong công việc, bạn sẽ nghĩ gì? Nếu là tôi thì trước hết tôi sẽ ngốc nghếch hoan hô cái thằng tôi này tài giỏi thật, may mắn quá, khôn ngoan vô cùng… Ta phải tự thưởng cho ta vài phút giây sung sướng với thắng lợi.

Nhưng vài hôm sau, ta phải xem lại điều gì khiến ta đạt được các thắng lợi ấy. Phải chăng chính vì người tiền nhiệm của ta già rồi, hoặc đã phạm sai sót gì đó trong công việc, trong quan hệ… Nói chung, người tiền nhiệm phải có lỗi lầm nên họ mới bị thay thế. Nếu họ không có lỗi lầm thì ta không có cửa để tranh phần của họ. Tương tự, doanh nghiệp bạn đã phạm sai lầm gì đó nên chất lượng dịch vụ của họ xuống cấp, khách hàng của họ bỏ đi v.v.. Nhờ thế doanh nghiệp của ta mới chiếm được thị phần này. Ta sẽ mãi mãi chỉ là cò con nếu các đại gia kia không phạm lỗi.

Nói cách khác, bên cạnh các nỗ lực, phấn đấu, con đường đi đến thành công của ta đã được lót bởi thất bại và lỗi lầm của đồng nghiệp, của bạn hàng v.v… Ta có nên nhạo báng họ không? Dù khờ dại cách mấy bạn cũng hiểu thành công của ta có tuổi thọ nhất định. Sẽ đến một ngày nào đó, sự nghiệp của ta sẽ đứng lại và tụt lùi. Và ngày ấy, bạn đã chuẩn bị nghe lời nhạo báng của thế hệ sau chưa?

Quả thực, sống chỉ để vạch lá tìm sâu, nhạo báng lỗi lầm của nhau… sống như thế có gì vui, có chi là bình an? Ta sẽ thay đổi cái tâm sân hận ganh tức với thành công, thất bại của mọi người bằng tâm tri ân. Hãy cố học hỏi ở đồng nghiệp cả cái hay và cái dỡ của họ. Hãy cảm ơn họ vì nhờ những lỗi lầm ấy ta đã đi lên. Hãy cảm ơn chính ta vì ta đã thay trái tim sân hận của mình bằng tấm lòng bao dung, tri ân và rộng mở. Cỗ nhân nói, không thành công thì thành nhân. Ta sẽ là 1 con người với trái tim bình an để mang lại bình an cho mọi người, cho công việc mình đang làm và cho thế hệ đi trước và thế hệ đi sau…

Tuesday, January 26, 2010
Trần Bá Thiện

Em phải đẹp hơn chính em mọi ngày….

Em báo tin 2 tuần nữa đám cưới. Giọng em bổng ngập ngừng nói qua điện thoại… Em sợ lắm, vì hôm ấy em sẽ là một chú rể khập khiễng bên đôi nạng…

Chúc mừng Hoàng Quốc Việt và Phương Chi, thành hôn vào ngày 23/1/2010

Em là một chàng trai khuyết tật đầy nghị lực. Em đã tạo cho mình một sự nghiệp đáng để ngẩng mặt với đời. Ngày ngày em đi qua bao con phố, liên hệ với bao cơ quan và tiếp xúc với bao đối tác. Mọi người chỉ nhìn thấy đôi nạng của em trong 5 phút đầu gặp gở. Sau 5 phút ấy, họ quên mất em là người khuyết tật-nkt. Họ chỉ nhớ đến công việc, đến câu chuyện giữa em và họ. Thế nhưng khi làm chú rể, họ nhà gái sẽ sửng sốt khi đón chàng rể này.

Những kẻ xấu miệng, những kẻ hiềm khích với cô dâu sẽ đem đôi nạng ấy ra làm chứng cứ hùng hồn nhất để bôi nhọ chăng? Ai cũng mong đợi điều hoàn hảo nhất đến với mình. Vậy nhà gái, bạn bè thân thích của cô dâu có đau lòng khi biết chàng rể sẽ là nkt hay không?

Tôi bỗng nhớ đến ngày tôi làm chú rể. Tôi cũng từng thao thức với những suy nghĩ như em. Con đường đi đến hôn nhân của nkt quả là cam go. Trước hết phải chăm chỉ cần mẩn để tìm một chỗ đứng với đời. Đợi đến lúc ổn định được thu nhập, nkt mới dám tính đến chuyện yêu và chuyện cưới.

Lại phải trải qua bao lần dang dở, bao lần gạt nước mắt chia tay vì bên ấy lo sợ con mình cưới phải nkt thì vất vả tấm thân. Chữ yêu khó học hơn cả những môn như toán, lý, ngoại ngữ… Giờ đến lúc “thi tốt nghiệp” chuẩn bị nhận tấm “bằng” kết hôn, em, như tôi, vẫn chưa yên tâm.

Có nhiều lần tôi đã tâm sự với các bạn khuyết tật-kt về nỗi lo ngày đám cưới. Không phải chuyện tiền cưới xin, chuyện tổ chức mà chỉ là chuyện hình tượng lệch chuẩn của những chú rể, cô dâu kt. Nhiều bạn tâm sự hôm đám cưới, họ chỉ biết cúi đầu nuốt nước mắt. Có lẽ nhiều người đang nhìn họ với ánh mắt thương hại. Kẻ ganh ghét sẽ khinh miệt, nhạo báng cái hạnh phúc trong tầm tay họ. Sau đám cưới, vài người thân kể rằng hôm ấy mặt chú rể buồn thiu, trong thật tội nghiệp. Những người ấy từng khuyên tôi nên làm đám cưới đơn giản kẻo biến thành trò cười cho thiên hạ, lại tội cho cô dâu và nhà gái.

Bên cạnh ấy, cũng có nhiều bạn kt kể rằng hôm ấy là ngày vui nhất đời mình, mình không được buồn. Một bạn nữ dõng dạc nói:

-Số mạng chỉ cho em nhan sắc thế này thôi. Nhưng hôm làm cô dâu, em phải đẹp hơn chính mình mọi ngày….

Tôi đã tin vào những lời ấy. Tôi đã hỏi người phụ nữ của đời tôi liệu hôm ấy em có e ngại gì không? Nàng khựng lại như thể tôi vừa nói ra một câu ngốc nghếch lố bịch gì vậy… Nàng trả lời tôi bằng câu hỏi khác:

-E ngại gì? E ngại thì sao phải cưới anh?

Thế là chỉ có mình tôi tự vẽ ra cái bi kịch thê thảm rồi tự nhấn chìm mình trong cái thung lũng đầy nước mắt đầy những lời chế giễu chưa hề xảy ra. Tôi thấy mình điên thật. Xin em đừng lập lại cái ý nghĩ điên khùng giống tôi. Hãy vui lên và hãy ngẩng cao mặt khi tay chống nạng tay bưng khay trầu. Hãy mỉm cười chào hỏi bà con nhà gái, bạn bè của cô dâu. Hãy vui hơn chính mình mọi ngày. Hãy đẹp hơn chính mình mọi ngày…

Vài tuần sau đám cưới, em sẽ nghe bạn bè nhận xét rằng:

-Ái chà! hôm ấy trông bạn thật hạnh phúc.
-Ôi sao hôm ấy bạn lại có thể đẹp trai đến bất ngờ như vậy!

Họ sẽ quên đôi nạng của em. Vì họ cũng đã từng quên đôi mắt tối tăm của tôi… Hỡi những chú rể và cô dâu, cho dù bạn có khuyết tật hay không, Xin hãy cười thật tươi và ăn mặc thật lộng lẫy trong ngày vui nhất đời mình nhé.

04-Jan-10 04:15 PM
Trần Bá Thiện

Đã đăng trên Tuổi Trẻ

Sinh nhật mù

Lời cầu nguyện của con tôi, ngày 28 tháng 11, 2007

Đêm hôm qua , đứa con gái 5 tuổi của tôi không chịu ngủ mà khóc. Nó nói:

-Sao con đã cầu nguyện xin Chúa cho ba hết bị mù mà ba vẫn cứ bị mù hoài. Chúa có ở trên cây Thánh giá không?

Tôi nghẹn ngào nghe những lời này và trong nhất thời tôi cũng không kịp nghĩ ra một lời giải thích nào cho con, tôi chỉ bộc trực đáp:

-Ba bị mù thì có sao đâu. Bị mù vẫn vui mà. Ba thích bị mù…

Nó không chấp nhận điều ấy và nói:

Bị mù thì có gì vui chứ?

Những lời ngây ngô của con trẻ khiến tôi ứa nước mắt. Tôi chẳng biết phải giải thích thế nào nữa mà chỉ còn ôm nó vỗ về. Tôi bỗng nhớ đến một cảm xúc mà hồi đầu năm này tôi đã viết nhưng chưa hoàn chỉnh. Đêm nay câu nói của con trẻ làm tôi không ngủ được và xin kể lại câu chuyện ngắn ấy thay phần nhập đề cho cảm nghĩ hồi đầu năm của tôi….

O0o

TBT

SINH NHẬT “MÙ” 8 tháng 1, 2007

Khi tôi mở cửa sổ ra đón chào một ngày mới, cơn gió mát dịu và một ít nắng ấm của mùa đông nhiệt đới lùa vào phòng. Trời Sài gòn sáng nay nhiều mây nhưng cũng đủ ấm để không phải mặc áo dài tay. Ngày 8 tháng 1 năm nay giống 8 tháng 1 của 29 năm trước. Hôm ấy, trời cũng nhiều mây và gió mát dìu dịu, tôi đi tắm biển chung với một nhóm bạn học rồi …. Tai nạn đã đến.

Tai nạn đã cướp mất ánh sáng của tôi. Những năm đầu với bóng tối thật là vất vả. Có một hôm ngồi trước hiên nhà với cậu Lâm Cậu hỏi tôi:

-Nếu chọn một trong hai trường hợp, hoặc là sáng mắt và sống trong nghèo đói, cô đơn và vất vả và hoặc là mất ánh sáng nhưng có tất cả, đời sống sung túc, gia đình hạnh phúc v.v. thì cháu chọn cái nào?

tôi ngẫm nghĩ mãi rồi trả lời với cậu bằng một câu hỏi khác:

-người ta có đôi mắt, có sức khỏe để làm gì? Có phải là để đổi lấy một đời sống có ý nghĩa hay không? vậy thì nếu có đầy đủ sức khỏe mà không đạt được mục tiêu của đời mình thì sức khỏe ấy có ích gì?

Đến nay, tôi vẫn tin rằng đấy là câu trả lời hợp lý nhất của mình. Nhiều người quen biết cũng từng cảm thương cho cái số kiếp tăm tối của tôi và họ bình luận rằng: nếu có tiền muôn bạc vạn mà mất đi đôi mắt thì của cải kia để làm gì đây. Tôi cũng chỉ dùng một câu trả lời như từng nói với cậu để đáp lại ý kiến này Cám ơn cậu và cám ơn bạn bè của tôi. họ đã giúp tôi hình thành một định hướng đúng cho đời mình. Từ ngày ấy, tôi nhận ra ý nghĩa của đời mình là xây dựng tương lai từ những cái đang còn lại. Tôi không còn hoang tưởng đến một điều kiện tối ưu hoặc đứng núi này trông núi khác như tôi vẫn thường nghĩ trước đây.

Tôi đã có, đã mất và đã làm lại từ đống hoang tàn đỗ nát của đời mình. bài học lớn nhất là chấp nhận thực trạng của mình. Trong suốt quãng đời đã qua, tôi không hề cảm thấy rằng mình sống vô ích hay cô đơn. Tôi đã cố leo lên bao nhiêu con dốc cao của đời người. Những thứ mà tôi có được hôm nay chính là niềm vui và sự mãn nguyện.

Có nhiều lần, bạn bè tôi biết được tin tức của một đoàn bác sĩ nhãn khoa nước ngoài mới sang Việt nam công tác. Họ tìm mọi cách để dành cho tôi một xuất được khám chữa. Họ mong rằng cách giải quyết tốt nhất cho trường hợp của tôi là nhờ sức mạnh của y học để trả lại ánh sáng cho tôi. Mấy năm đầu, tôi còn sốt sắng đi theo họ. nhưng sau nhiều lần với thật nhiều câu hứa hẹn để an ủi của bác sĩ, tôi nhận ra rằng đây có lẽ là định mệnh của tôi. Định mệnh với tôi là cái mà mình không thay đổi được. giống như việc bạn là con của ông bà này mà không phải ông bà khác, bạn được sinh ra vào ngày này nhưng không phải ngày khác và bao nhiêu thứ đã được sắp xếp trước mà bạn chẳng được dự phần vào việc sắp xếp ấy. Tôi tin rằng định mệnh tác động rất lớn lên cuộc đời mỗi con người. Nhưng cái tác động lớn hơn là ở chính mình. Tôi cảm thấy rất bực tức mỗi khi mình bị loại ra khỏi sự sắp xếp cho đời mình. Vì thế, tôi cương quyết phải tham dự vào cuộc sắp đặt này.

Lắm khi, tôi đã thất bại và đau đớn cho những thiệt hại do sự thất bại gây ra. Có lúc tôi buồn đến nổi nghĩ rằng mình nên chết quách đi cho xong. Những lần như thế tôi bỗng chợt nhớ rằng tôi là người mù. Cái mất mát thuộc loại lớn nhất tôi đã gánh chịu được và đang có rất nhiều cơ hội để chiến thắng nó. Nếu tôi chết đi trước khi có thể hoàn toàn chinh phục được nó thì uổng phí quá. chính cái mù đã giúp tôi lấy lại thăng bằng sau những thất bại này. phải, cái mù chính là nguyên nhân đầu tiên của các thất bại. Thoạt đầu tôi đã nhận ra nếu tôi không bị mù có lẽ mình không gặp cái thất bại vừa rồi. nhưng sau đó, cái mù lại giúp tôi vượt qua thất bại. Kinh nghiệm của những lần thất bại dạy tôi một bài học rất lớn. Hãy lợi dụng cái yếu nhất của mình để chiến thắng. Tôi đã từng lợi dụng những cái mạnh nhất của tôi để thành đạt và nay tôi biết thêm một điều nữa là cả cái yếu nhất cũng cần biết sử dụng nó. Lắm khi tôi còn thấy mình láu cá khi ỷ lại vào cái mù để nhanh chóng dành được phần ưu tiên.

Một đồng nghiệp làm công tác cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm với tôi rằng. Khi anh tiếp xúc với cộng đồng người có HIV anh thường xuyên mặc một kiểu áo quần, dùng một kiểu nón, đi một kiểu xe và đủ thứ cái chi tiết ngoại hình khác. Cốt lỏi là để gây ấn tượng về anh trên đối tượng của anh. Khi nói đến anh, họ hình dung một cán bộ cộng đồng với kiểu dáng vẻ bề ngoài như anh đã tạo cho họ. thậm chí, nhiều đối tượng có HIV anh chưa hề quen biết cũng có thể dễ dàng nhận dạng ra anh vì đặc điểm này. Nghe xong tôi chợt mỉm cười. Tôi vốn có sẵn cái mù làm nhãn hiệu cầu chứng tòa cho thương hiệu của mình rồi. khi bước vào hội thảo chuyên ngành, tôi chẳng cần phải vỗ ngực xưng tên nhiều. Đối tác của tôi họ nhận dạng tôi rất nhanh nhờ cái mù này. Thậm chí, một vài đối tác khi gặp tôi lần đầu, họ chưa biết tôi là ai. nhưng họ tự hỏi tại sao một người mù lại có mặt ở đây. Và thế là họ tự đến tìm tôi để hỏi thăm. Cái mù từng bước đã được tôi thuần hóa và biến thành một lợi thế tự nhiên không dễ gì cạnh tranh được.

O0o

1 giờ sáng 29/11/2007

Quả là tôi đã chiến thắng cái mù. Tôi còn biết nhiều bạn bè khuyết tật của tôi cũng đã chiến thắng cái khiếm khuyết của họ. Dường như người khuyết tật chúng tôi chỉ cần chiến thắng cái gánh nặng của định mệnh là có thể xem như vượt qua bể khổ cuộc đời. Mỗi năm tôi lại kỷ niệm ngày mình bị mù với một tâm trạng rất lạc quan, phấn khởi. Nhiều cô gái muốn bạn bè đặt cho mình một biệt danh kèm theo cái nét mỹ miều nhất của cô ta như: Loan Mắt Nhung, Thúy Điệu v.v.. Lắm khi có bạn gọi tôi bằng cái tên Thiện Mù tôi lại thấy vui vui. Mặc dù, người bạn ấy khi biết rằng tôi đã nghe trộm anh gọi tôi như thế có cảm thấy hơi lúng túng vì đã dùng một thứ nhãn hiệu không đẹp lắm gán cho tôi.

Nói gì đi nữa thì cái mù, cái khuyết tật vẫn là những thứ tiêu cực của cuộc đời. Có nhiều người may mắn nhào nặn nó để biến nó thành một thứ độc đáo cho riêng mình. Thành tích ấy vừa để tự an ủi và cũng để họ có thể sống tiếp một cách có ý nghĩa. Thế nên nếu có một đặc ân của Thượng đế cho tôi một điều ước như con gái tôi từng cầu nguyện thì tôi sẽ ước cho thế gian không còn người khuyết tật nữa, không còn người mù nữa. Nếu điều ấy được ứng nghiệm thì tôi sẽ xin Ngài hãy cho tôi là người mù cuối cùng được sáng mắt. Bởi tôi và nhiều người khác tuy có mang thương tật nặng nhưng chúng tôi không còn khuyết tật từ ngày tôi biết vui với cái khiếm khuyết ấy.

Tặng con gái cưng những lời yêu thương tha thiết nhất của ba.

Thursday, November 29, 2007

O0o

Ngày 8 tháng 1, 2008

Buổi sáng sớm tôi gặp em trên mạng liền gởi một tin nhắn báo rằng hôm nay là sinh nhật mù của tôi và em hãy chúc mừng, kèm theo là cái địa chỉ blog của bài này. Em nhanh chóng gởi ngay cho tôi một lời chúc mừng sinh nhật rất giản đơn và cũng chân tình. Tôi vui mừng đón nhận vì lâu lắm mới có một người chúc mừng tôi trong ngày này.

Trưa đến, có lẽ em thong thả thời gian hơn đã vào đọc bài viết này. Sau đó, em gởi cho tôi một lời xin lỗi vì em không nghĩ đấy là kỷ niệm ngày tôi bị tai nạn. Tôi khẩn cầu em:

Bạn tốt của anh, hãy cho anh cái mà anh thích. Đừng cho anh cái mà mọi người thích.

Câu nói ấy vẫn chưa thực sự thuyết phục em, em cho rằng không nên đem điều ấy ra mà ăn mừng. Tôi nói thêm:

Điều đã đến thì đã đến rồi. Nổi đau đã không còn nữa. Giờ đây cái tai nạn chỉ là nguyên cớ để tôi có một cuộc sống mới. Cuộc sống ấy cũng có đầy đủ ý nghĩa. Nếu em hiểu tôi như một người bạn tốt của tôi, xin hãy nhìn ngày ấy là một bước ngoặc. Tôi đã chiến thắng nó và tôi được phép ăn mừng chiến thắng ấy. từ nay, nó không còn là một nổi đau hay một thất bại nữa. Đừng bi lụy xin hãy vui mừng để tôi được thực sự thoát khỏi cái nổi đau của bóng tối.

Em chấp nhận. tôi mừng lắm. Tôi và em học chung suốt 5 năm trong lớp đại học tại chức. Thế nhưng tôi và em chẳng quen nhau. Mãi đến cuối cùng khi trường tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp, chúng tôi học nhóm với nhau và từ ấy mới hiểu được nhau. Tôi và em cách tuổi nhau khá xa và cùng có gia đình riêng. Em đã có 2 con, tôi chỉ mới một con. Cám ơn bạn tốt của tôi. Mong rằng mọi người đừng kéo tôi trở về nổi đau của ngày đầu mới bị khuyết tật nhưng hãy cùng tôi mỉm cười với nó.

Trần Bá Thiện

Bài đã đăng tại:

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=238908&ChannelID=194

Hãng hàng không Jetstar Pacific xin lỗi 2 hành khách khiếm thính Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến

Chào các bạn,

Hôm qua, thứ năm, 27 tháng 8 năm 2009, anh Nguyễn Tiến Sĩ, giám đốc tiếp thị và PR của Jetstar Pacific, đã gởi email chuyển tiếp lá thơ của anh Lương Hoài Nam, tổng giám đốc Jetstar Pacific, đến anh Trần Bá Thiện, trưởng điều hành diễn đàn NKT và dotchuoinon@googlegroups, xin lỗi anh Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến, hai hành khách khiếm thính đã bị Jetstar Pacific từ chối dịch vụ bay ngày 22 tháng 7 vừa qua.
TBT
Anh Lương Hoài Nam mở đầu lá thơ bằng “Thay mặt Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines, cho phép tôi được gửi lời xin lỗi đến Quý khách Trương Quang Thuận và Quý khách Phạm Duy Tiến vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra trong quá trình làm thủ tục chuyến bay BL580 ngày 22/07/2009…” và kết thúc lá thơ bằng “Để bày tỏ sự cầu thị và biết ơn, chúng tôi xin được tặng mỗi hành khách – Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến một Phiếu mua vé có giá trị 500.000 đồng Việt Nam dùng để thanh toán tiền vé máy bay khi mua vé đi trên bất cứ chuyến bay nào của Jetstar Pacific.”

Trong lá thơ anh Nam còn cám ơn các anh em NKT đã thẳng thắn bảy tỏ quan điểm với Jetstar Pacific về vụ việc. Anh Nam cũng trình bày chính sách mới của Jetstar Pacific, trợ giúp người khiếm thính: “Theo đó, Jetstar Pacific sẽ chấp nhận chuyên chở hành khách khiếm thính cùng với quy trình dịch vụ trợ giúp đặc biệt đối với những hành khách khiếm thính có khả năng đi lại độc lập mà không cần sự trợ giúp của người khác. Dịch vụ trợ giúp này bao gồm việc ưu tiên làm thủ tục tại sân bay và lên máy bay sớm hơn những hành khách khác; các hướng dẫn đặc biệt của nhân viên tại sân bay vào thời điểm làm thủ tục hành khách và của tiếp viên trên chuyến bay về các quy định an toàn trước khi máy bay cất cánh.”

Đây là một bước tiến tốt trong việc tranh đấu để cải thiện môi trường xã hội kinh tế của chúng ta, chống kỳ thị NKT. Chúng ta cần tiếp tục làm việc hăng hái với các anh chị em NKT để cùng cải thiện môi trường sống của chúng ta.

Sau đây là tóm tắt các diễn tiến của việc này, cùng với link đến các tài liệu liên hệ:

25/7/09 ĐCN đăng bài Jetstar Pacific refuses to fly deft passenger trong mục English Discussion, link đến bản tin Tuổi Trẻ, và bất bình của mình về việc này.

26/7/2009 Anh Trần Bá Thiện, trưởng admin của diễn đàn NKT và dotchuoinon @ Googlegroups, đọc bài sáng hôm đó, và viết ngay một bài đến Tuổi Trẻ, Đừng khoét sâu thêm nỗi đau của chúng tôi,

Sau đó anh Thiện bàn với mình và một số bạn NKT, thành lập một nhóm NKT phản đối JP để giải quyết việc này, với mình là cố vấn của nhóm.

Tiếp theo, anh Trần Bá Thiện làm việc với Hôi Bảo Trợ NKT. Hội Bảo Trợ đồng ý ủng hộ. Đây là thơ anh TBT gởi Hội BTNKT.

Hội BTNKT viết một lá thơ đến lãnh đạo Jetstar Pacific.

Đồng thời anh Thiện và các bạn thảo 1 lá thỉnh nguyện thơ cho Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng và các cấp,

Và một lá thơ cho People of Australia, Đai Sư Úc tại VN, chủ tịch Qantas ở Úc (Qantas là partner của Jetstar), chủ tịch Jetstar…

Bạn Lưu Tú Anh, con gái anh Lưu Đình Tú-một NKT tại Hà Nội, hiện là luật sư tại London, giúp dịch lá thơ này sang tiếng Việt. Sau đó bạn Huyền Trang, người không khuyết tật, đang làm việc tại TP.HCM, gởi lá thơ này đến Đại Sư Úc tại VN, chủ tịch Qantas ở Úc (Qantas là partner của Jetstar), chủ tịch Jetstar, một số thành viên người Úc trong hội đồng quản trị Jetstar pacific Việt Nam.

Mốt số các bạn NKT cũng gởi các thỉnh nguyện thơ này với tư cách cá nhân.

Ngày 27 tháng 8, một tháng sáu ngày sau khi vụ này xảy ra tại sân bay, anh Thiện nhận được thơ xin lỗi từ anh Lương Hoài Nam của Jetstar Pacific như đã nói trên.

Đây là một hành động đáng khen của Jetstar Pacific–quả cảm xin lỗi và cải thiện chính sách ngay lập tức.

Đây cũng là một bước thành công khích lệ cho các bạn người khuyết tật. Muốn có công bình, chúng ta cứ phải lên tiếng đòi hỏi công bình. Và nếu chúng ta đồng lòng làm việc, thì kết quả có thể đến rất nhanh.

Hãy tiếp tục nhé.

Lá thơ của anh Lương Hoài Nam, tổng giám đốc Jetstar Pacific, gồm hai bản–tiếng Việt và tiếng Anh–có dưới đây.

Nếu các bạn có thể giúp chuyển bản tin này đi xa, thì đó là việc rất tốt. Cám ơn các bạn rất nhiều. Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

.

Jetstar1
jetstar2

.

jetstar3
jetstar4