Viết là một hình thức cơ bản của giao tiếp. Trong 4 kĩ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết, ai cũng phải thừa nhận kĩ năng viết là khó nhất. Thực ra viết có khó đến thế không nhỉ?
Có lẽ khi chúng ta nói viết khó là muốn ám chỉ tới lối viết chuyên nghiệp hoặc có tính học thuật nhưng không phải ai khi mới bắt đầu cầm cây bút viết cũng đều nhằm mục đích đó. Bạn có thể viết vì nhiều lí do: viết nhật kí để tự nói chuyện với mình, viết thư để chia sẻ với người thân, viết văn để biểu lộ cảm xúc, viết bình luận trên forum vv…
Có người cho rằng viết lách dù chỉ là viết một đoạn văn ngắn chia sẻ cảm xúc thôi là một kĩ năng trời phú, ví như nhà thơ thì sinh ra đã làm được thơ, nhà văn sinh ra đã có thể tả một bông hoa dài cả chục trang giấy. Còn tôi? Văn chương là thứ tôi dốt nhất. Cả đời chưa bao giờ viết nổi một bài văn lấy điểm 8, nửa câu thơ bẻ đôi không có, làm sao mà viết được cái gì cho gọn gẽ trừ mấy dòng chat chit và bình luận ngắn trên các forum?
Viết thực ra chẳng là cái gì cao siêu. Cũng giống như mọi kĩ năng khác, bạn hoàn toàn có thể viết cho nhiều mục đích, và cùng rèn luyện kĩ năng này để ngày càng hoàn thiện hơn.
1. Viết là một cách để xả stress
Đó là lí do vì sao nhiều người hay viết nhật ký. Viết là một cách để chúng ta bày tỏ cảm xúc mà không làm ảnh hưởng đến những người khác. Hôm nay có điều gì khiến bạn tức giận, hay thấy âu lo, nhưng bạn không muốn nói ra để làm tổn thương ai vì thế bạn tìm đến trang giấy và nguệch ngoạc ra những lời tâm sự. Nỗi tức giận hay lo lắng bỗng chốc tan biến, và bạn sẽ thấy hiểu rõ hơn nguyên nhân của chúng trước khi bạn thực sự nói ra với ai đó.
Quá trình viết đã giúp bạn có thêm thời gian để bình tâm và suy nghĩ mọi việc chín chắn hơn.
2. Viết là để nhìn lại mình
Khi tranh luận một chủ đề nào đó việc viết trả lời thay vì chỉ nghĩ trong đầu sẽ giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề rõ ràng hơn rất nhiều. Trước hết là trong quá trình viết não của bạn buộc phải tư duy nhiều hơn để lựa chọn những từ ngữ cho thích hợp và diễn đạt sao cho đúng ý bạn muốn nói. Có khi bạn phải viết đi viết lại vài lần mới xong. “Bút sa ga chết” :), nếu bạn không muốn mình bị “ném đá” nhiều thì lại càng phải cẩn trọng trong câu chữ để tránh hiểu lầm. Và quá trình viết đi viết lại là quá trình bạn lật đi lật lại một vấn đề rất nhiều lần. Khi bạn có một câu trả lời tốt nghĩa là bạn đã rất hiểu vấn đề đó rồi.
Các bạn sinh viên khi nộp hồ sơ du học thường hay phải viết một bài luận khoảng 500-1500 chữ nói về mục đích học tập của mình. Đây là phần khó nhất trong bộ hồ sơ xin học và khiến ai cũng cảm thấy nản. Nhưng có một điều là sau khi viết xong bài luận này, các bạn cũng phải công nhận là dù mất nhiều thời gian và chật vật với nó, họ đã học được nhiều thứ, nhất là thấy hiểu bản thân mình hơn, xác định các mục tiêu trong cuộc sống rõ ràng hơn, và vì thế mà thấy tự tin hơn với lựa chọn học tập của mình.
3. Viết là để nhận
Ngoài những mục đích trên, viết còn là cách tốt nhất để “giải phóng” kiến thức của mình và tiếp nhận thêm những kiến thức mới.
Mỗi khi có một câu hỏi trong đầu mà chưa trả lời được, bạn sẽ luôn suy nghĩ về nó. Nếu không chia sẻ với ai bạn sẽ cảm thấy đầu óc thật bức bối khó chịu. Quá trình tiếp thu kiến thức cũng tương tự như thế. Khi bạn càng biết nhiều thì lượng kiến thức trong đầu sẽ ngày càng dày lên và có hàng loạt những câu hỏi cần phải trả lời. Chia sẻ với mọi người thông qua viết là cách để bạn khơi thông chúng tốt nhất. Và vì thế không chờ cho đến khi bạn muốn chia sẻ hay bạn có cảm xúc thì mới viết, hãy coi viết là một thói quen hằng ngày để bạn làm “trong” bộ não của mình và luôn sẵn sàng để tiếp nhận các kiến thức và ý tưởng mới mỗi ngày.
Làm thế nào để viết tốt?
Câu trả lời thật đơn giản: “Hãy thực hành mỗi ngày”.
Đừng bao giờ chờ cho cảm xúc đến, vì viết không phải là làm thơ, viết là chia sẻ. Hãy tưởng tượng như có một người bạn đang ngồi trước mặt và bạn kể chuyện cho họ nghe. Bạn có thể bắt đầu như thế này, “Buổi sáng hôm nay trên đường đi làm mình gặp một cụ già trông tội nghiệp lắm…”. Để dòng suy nghĩ chảy tự do và tay bạn chỉ làm nhiệm vụ chép lại chúng xuống giấy. Đừng bao giờ lo lắng về trình độ viết của mình và đặt mục tiêu phải hoàn hảo ngay ngay từ những câu chữ ban đầu. Cách đặt câu ngắt đoạn là kĩ thuật giúp bài viết hay hơn nhưng sự chân thành của người viết mới là yếu tố quyết định bài viết đó có hấp dẫn hay không.
Biên tập là công đoạn cuối cùng trước khi bạn đưa bài viết ra công chúng. Bạn đọc lại toàn bộ bài viết, bỏ đi những từ thừa, sắp xếp ý cho rõ ràng và có thể nhờ một người có kinh nghiệm cho nhận xét lần cuối.
Nếu như bạn thực hành viết mỗi ngày thì quá trình biên tập này sẽ ngày càng rút ngắn và bạn hoàn toàn có thể viết ra chính xác và rõ ràng những gì mình suy nghĩ.
Chúc bạn một ngày viết thành công nhé :).
Hoàng Khánh Hòa