Sáng ngày
Thấy giọt sương trên cánh hướng dương
Và một đóa hồng đang phai
Những đóa hồng đang héo úa
Như hoa hướng dương
Tôi thèm quay mặt về phía hừng đông
Tôi đang đợi ngày đến…
Nửa đêm
Chẳng một âm thanh nào trên mặt đường
Mặt trăng mất ký ức rồi sao?
Nàng đang cười một mình
Trong ánh đèn
Lá khô cuộn vào chân tôi
Và gió bắt đầu rên rỉ
Ký ức
Một mình trong ánh trăng
Tôi có thể mỉm cười với những ngày xưa
Thuở đó tôi đẹp
Tôi nhớ thời gian tôi biết hạnh phúc là gì
Hãy để ký ức sống lại lần nữa
Mỗi ngọn đèn đường
Hình như gõ một cảnh báo định mệnh
Ai đó lầu bầu
Và ngọn đèn đường khọt khẹt
Và chút nữa trời sẽ sáng
Sáng ngày
Tôi phải đợi mặt trời lên
Tôi phải nghĩ đến một đời mới
Và tôi không được đầu hàng
Khi hừng đông đến
Tối nay cũng sẽ là một ký ức
Và một ngày sẽ bắt đầu
Đầu cuối cháy đen của những ngày đầy khói
Mùi lạnh tanh của buổi sáng
Đèn đường chết, một đêm nữa đã qua
Một ngày mới đang bình minh
Hãy sờ em
Thật là dễ để bỏ em
Một mình với ký ức
Của những ngày trong ánh nắng
Nếu anh sờ em
Anh sẽ hiểu hạnh phúc là gì
Nhìn kìa
Một ngày mới đã bắt đầu
(TĐH dịch)
.
Elaine Paige- Memory (in the musical Cats)
.
Elaine Paige- Memory (Live performance, London 1998)
Musical “Cats” – Memory
Daylight
See the dew on the sunflower
And a rose that is fading
Roses whither away
Like the sunflower
I yearn to turn my face to the dawn
I am waiting for the day . . .
Midnight
Not a sound from the pavement
Has the moon lost her memory?
She is smiling alone
In the lamplight
The withered leaves collect at my feet
And the wind begins to moan
Memory
All alone in the moonlight
I can smile at the old days
I was beautiful then
I remember the time I knew what happiness was
Let the memory live again
Every streetlamp
Seems to beat a fatalistic warning
Someone mutters
And the streetlamp gutters
And soon it will be morning
Daylight
I must wait for the sunrise
I must think of a new life
And I musn’t give in
When the dawn comes
Tonight will be a memory too
And a new day will begin
Burnt out ends of smoky days
The stale cold smell of morning
The streetlamp dies, another night is over
Another day is dawning
Touch me
It’s so easy to leave me
All alone with the memory
Of my days in the sun
If you touch me
You’ll understand what happiness is
Ngày 1/5 là Ngày Quốc tế Lao Động, còn gọi là “Ngày Tháng Năm” (May Day). Đây là ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới.
Tại Mỹ và Canada, Ngày Lao Động là ngày Thứ hai đầu tiên của tháng 9. Cho năm nay (2009), Ngày Lao Động ở Mỹ và Canada là ngày 7 tháng 9. Ngày Lao Động tháng 9 này có nguồn gốc từ Canada. Ngày 3 tháng 9 năm 1872, một số nghiệp đoàn ở Canada biểu tình chống việc chính phủ bắt một số nhân công tuần hành “đòi tuần làm việc 58 giờ” trong một cuộc biểu tình trước đó vài tháng. Cuộc biểu tình tháng 9 thành công. Ngày 23.7.1894, thủ tướng Canada John Thompson ký sắc lệnh ấn định Ngày Lao Động trong tháng 9.
Tại Mỹ, kể tử ngày 5 tháng 9 năm 1882, nghiệp đoàn cũng đã bắt đầu tuần hành hàng năm vào đầu tháng 9 như ở Canada. Và năm 1894, năm Canada chính thức nhận Ngày Lao Động tháng 9, thống thống Mỹ Grover Celveland cũng chấp nhận Ngày Lao Động tháng 9 như Canada, để cạnh tranh với Ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5, là ngày Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản đã chọn là Ngày Quốc Tế Lao Động và được cả thế giới đồng ý.
Nhưng, lịch sử có nhiều chuyện buồn cười, và lãnh đạo thế giới đôi khi hành động như trẻ con :-), vì Ngày Quốc Tế Lao Động 1 tháng 5 có nguồn gốc từ Mỹ !!
Truyền đơn kêu gọi biểu tình ở Quảng trường Haymarket 4.5.1886
Khởi đầu với biến cố Haymarket, ngày Thứ ba, 4.5.1886, tại Quảng trường Haymarket ở Chicago. Ba ngày trước đó, 1.5.1886, hàng chục nghìn nhân công ở Chicago và các thành phố khác đã biểu tình đòi “Ngày làm việc 8 tiếng.” Ngày 4/5, cảnh sát đàn áp, một trái nổ không biết ai ném, giết chết một nhân viên cảnh sát. 8 lãnh đạo nghiệp đoàn bị bắt. 7 người bị tuyên án tử hình và 1 người án tù 15 năm, dù là không có bằng chứng gì nối cuộc ném bom với các lãnh đạo nghiệp đoàn, và cho đến ngày nay người ta vẫn không xác minh được là ai đã ném bom. Hai người án tử hình sau đó được thống đốc bang Illinois giảm xuống thành án chung thân. Trước ngày tử hình, một người tự tử trong tù, 4 người bị đưa ra pháp trường.
Quảng trường Haymarket 4.5.1886
Vụ án này làm giới lao động và báo chí nước Mỹ phẩn nộ, đưa đến nhiều đấu tranh của lao động ở Mỹ cũng như tại các nơi khác trên thế giới. Năm 1888, Hiệp Hội Lao Động Mỹ (AFL — American Federation of Labor) quyết đinh chọn ngày 1.5.1890 (kỷ niệm biến cố Haymarket) để biểu tình tranh đấu đòi “Ngày làm việc 8 tiếng.” Năm 1889, chủ tịch AFL, Samuel Gompers, gửi một lá thư đến hội nghị đầu tiên của Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản đang họp ở Paris, đề nghi một cuộc đấu tranh quốc tế cho “Ngày làm việc 8 tiếng.” Đệ Nhị Quốc Tế liền quyết định gọi một “cuộc biểu tình quốc tế vĩ đại” cùng một ngày trên khắp thế giới, vào ngày 1 tháng 5. Bảng Di Tích Lịch Sử tại Haymarket ngày nay
Chúng ta có thể đọc bài sau đây trên VietNamNet, viết ngày 1.5.2007.
(VietNamNet) – Hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tại Việt Nam, đây là một ngày mà mọi người dân ai ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi không phải làm việc. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được lịch sử cũng như ý nghĩa trọng đại của ngày Quốc tế Lao động, nhất là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X.
Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
Chuẩn bị cho 1/5, Senaatintori square, Helsinki, Finland
Do sự kiện giới công nhân viên chức Anh di cư sang Mỹ, phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ từ năm 1827, đi đôi với nó là sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.
Năm 1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “…Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ chối từ. 1.5.1948 New York City
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!” Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston… hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ.
Những cuộc biểu tình tại Chicago diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt… Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy”. 1.5.2008 New York City
Ngày 20/6/1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản lần II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lê Nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế – xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo… Đây là cuộc mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 – 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
L.A (dịch từ Internet)
Chúc các bạn một Ngày Quốc Tế Lao Động vui vẻ thoải mái, không lao động !
Mỗi người dân dù là người Mỹ hay ngoại quốc, giàu hay nghèo, không ai là không biết đến Goodwill.
Bạn sinh viên du học mới sang Mỹ cần mua một chiếc microwave. Đến Goodwill.
Đôi vợ chồng dọn về nhà mới, cần một số đồ trang trí lặt vặt. Đến Goodwill.
Một anh chàng nhạc sĩ sắp chuyển đến nơi khác, không thể mang hết mấy bộ đồ điện tử, đàn guitar cũ. Đến Goodwill.
Một cô gái con nhà khá giả mới mua thêm mấy bộ đồ mới nên muốn dọn bớt đống quần áo cũ cho rộng tủ. Đến Goodwill.
Goodwill là cái gì vậy mà ai ai cũng nhắc đến thế nhỉ?
Good will có nghĩa là thiện tâm, thiện ý. Goodwill là một thương hiệu cửa hàng bán đồ cũ giá rẻ nổi tiếng và lớn nhất nước Mỹ. Goodwill được sáng lập từ những năm 1890 bởi mục sư Reverend Edgar J. Helms. Là người sáng lập một nhà thờ ở Boston, mục sư Helms tổ chức các hoạt động giúp đào tạo kĩ năng để giúp mọi người xin việc dễ dàng hơn. Trong giai đoạn chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, mục sự Helms đi đến các gia đình giàu có gõ cửa từng nhà để xin quần áo cũ và các đồ thừa khác. Sau đó ông thuê những người đàn ông và phụ nữ nghèo đến sửa lại các vật dụng này để bán chúng lấy tiền. Số tiền đó dùng để trả công cho chính những người nghèo này. Và ý tưởng ban đầu hình thành Goodwill Industries như một công ty kiểu self-help đã hình thành từ đó.
Cho đến nay nguyên lý hoạt động của Goodwill vẫn thật đơn giản: lấy của người giàu cho người nghèo. Nói chính xác hơn, lấy của người “không cần” cho người “cần”.
Đôi khi bạn có một số đồ cũ nhưng vẫn còn dùng tốt. Vứt đi thì không đành mà cho thì chẳng biết cho ai. Vậy thì bạn có thể mang chúng đến các thùng nhận đồ ủng hộ của Goodwill hoặc mang chúng trực tiếp đến cửa hàng của Goodwill.
Những đồ đạc này dù ít có giá trị với bạn nhưng với những người đang cần chúng hay nhất là những người nghèo khổ, vô gia cư, sống dựa vào trợ cấp xã hội, thì lại vẫn hữu dụng vô cùng. Goodwill cung cấp dịch vụ sửa chữa lại những đồ đạc này và bán chúng trong cửa hàng do những người nghèo, người khuyết tật quản lý.
Đi mua đồ ở Goodwill đôi khi trở thành thú vui của nhiều người Mỹ, vì họ có thể tìm được nhiều đồ tốt mà giá rất rẻ so với mua đồ mới 100%. Không hẳn chỉ có người nghèo mới tìm đến Goodwill, những người có thu nhập khá khi có nhu cầu mua sắm đồ đạc vẫn đến Goodwill để tiết kiệm ngân sách.
Một điểm nữa giúp Goodwill khá phát triển ở Mỹ có lẽ một phần là do nước Mỹ rất rộng. Chuyện di chuyển chỗ ở từ bang này sang bang khác đi hàng trăm dặm khiến nhiều người có nhu cầu cho đồ đạc mỗi khi chuyển nhà cửa. Goodwill trở thành một thị trường giúp cho người muốn cho (cung) và người muốn nhận (cầu) gặp nhau.
Điểm đặc biệt ở đây là Goodwill chỉ nhận đồ tài trợ, cho không (donate) chứ không mua lại. Và Goodwill là một tổ chức phi lợi nhuận, vì thế mà doanh thu và lãi từ hoạt động bán hàng của Goodwill không dùng để chia cổ phần mà chỉ dùng để trả lương và cho các hoạt động phát triển của Goodwill.
Cho đến những năm 1930, hoạt động của Goodwill tập trung vào đáp ứng nhu cầu của những người khuyết tật, vốn trước đó bị xã hội Mỹ lãng quên. Ngày nay Goodwill đã có mạng lưới bao gồm 205 tổ chức phi lợi nhuận độc lập tại địa phương và là tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất bắc Mỹ về số lượng tạo công ăn việc làm và dịch vụ đào tạo nghề. Giá trị thương hiệu Goodwill hiện nay là 3.2 tỉ USD.
Ngoài Mỹ, Canada, Goodwill còn hoạt động ở 22 quốc gia khác và tạo việc làm cho những người khuyết tật bằng cách tạo việc làm cho họ cũng như hỗ trợ sau tuyển dụng. Qua đó Goodwill góp phần giúp mọi người vượt qua rào cản khi xin việc làm và trở thành những thành viên độc lập, đóng thuế cho cộng đồng của mình.
Từ một “goodwill” thật giản dị ban đầu mà ngày nay đã phát triển thành một tổ chức Goodwill lớn mạnh, thật là tuyệt vời phải không các bạn.
Chúc các bạn có nhiều goodwill cho ngày hôm nay nhé.
Vua An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Tổ tiên ngày trước cầu hôn lấy Mỵ Nương là con gái vua Hùng Vương, nhưng Hùng Vương không gả, nên đem lòng oán giận. Phán muốn hoàn thành chí người trước, cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, đổi tên nước thành Âu Lạc, rồi lên làm vua.
Di tích thành Cổ Loa
Xây thành ở đất Việt Thường, nhưng hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy, vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo. Ngày mồng 7 tháng 3, bỗng thấy một cụ già từ phương tây tới trước cửa thành, than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ mới xong được!”. Vua đón vào trong điện, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công”, nói xong từ biệt ra về (1).
Hôm sau vua ra cửa đông chờ đợi, chợt thấy một con rùa vàng từ phương đông lại, nổi trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: “Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước”. Bèn rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi việc vì sao xây thành không được. Rùa vàng đáp: “Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống lâu ngàn năm, hóa thành yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu. Trong núi có ma, đó là hồn người nhạc công triều trước chôn ở đây. Ở bên cạnh, có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và một con gà trắng, vốn là dư khí của quỉ tinh, phàm có khách qua đường nghỉ đêm ở quán, thì quỉ tinh lại biến hóa muôn hình vạn trạng, làm hại người chết rất nhiều. Nay giết được con gà trống trắng và con gái chủ quán ấy thì trấn áp được quỉ tinh. Quỉ tinh sẽ hóa ra lá thư yêu tinh, cho con chim cú ngậm bay đậu lên trên cây chiên đàn, tâu cùng thượng đế để xin phá thành. Thần sẽ cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thì thành sẽ xây được”.
Rùa vàng bảo vua giả làm kẻ đi đường, nghỉ ở quán trọ này, và để rùa vàng ở phía trên khung cửa. Ngộ Không nói: “Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người. Hôm nay trời chưa tối, xin ngài mau đi chỗ khác, chớ nghỉ lại kẻo rước hoạ vào thân”. Vua cười, nói: “Người sống chết có mạng, ma quỷ làm gì được, ta không sợ”. Bèn cứ nghỉ lại. Đến đêm, quỉ ở ngoài vào, thét lớn: “Kẻ nào ở đây, sao chẳng mau mở cửa?” Rùa vàng hét lớn: “Cứ đóng cửa thì mày làm gì?”. Quỉ phóng hỏa, biến hóa thiên hình vạn trạng, quỷ quái trăm đường để hòng dọa nạt, sau cùng cũng chẳng nổi. Đến lúc gà gáy sáng, quỷ tinh bỏ chạy. Rùa vàng cùng vua đuổi theo, tới núi Thất Diệu, quỉ tinh thu hình biến mất. Vua bèn quay về quán trọ.
Sáng hôm sau, chủ quán sai người đến định lượm xác khách trọ để chôn, thấy vua vẫn ngồi cười nói như thường (2), bèn chạy tới lạy mà nói rằng: “Ngài vẫn được bình an được như thế này, tất là thánh nhân, vậy xin ban thuốc thần để cứu sinh dân”. Vua nói: “Nhà ngươi giết con gà trắng mà tế thần, quỉ tinh sẽ tan hết”. Ngộ Không y lời, đem gà trắng ra giết, người con gái lập tức quay ra chết. Vua liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Trời gần tối, vua và rùa vàng leo lên núi Việt Thường thấy quỉ tinh đã biến thành con chim cú, ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Rùa vàng liền biến thành con chuột theo sau, cắn vào chân cú, lá thư rơi xuống đất, vua vội nhặt lấy, lá thư đã bị nhấm rách quá nửa.
Từ đó quỉ tinh bị diệt, không thể tác quái được nữa. Thành xây nửa tháng thì xong. Thành đó rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỉ Long thành, người đời Đường gọi là Sát Quỉ Côn Lôn thành, vì cho rằng thành ấy cao lắm.
Rùa vàng ở lại ba năm, rồi từ biệt ra về (3). Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc đến quấy rối thì lấy gì mà chống?”. Rùa vàng đáp: “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, vua có thể tu đức mà kéo dài thời vận, nhà vua có lòng mong muốn thì ta có tiếc chi”. Bèn tháo vuốt đưa cho nhà vua nói rằng: “Đem vật này làm nỏ, nhắm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Dứt lời thì quay trở về biển đông, nhà vua đích thân đưa tiễn. Vua liền sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy nỏ, gọi là nỏ thần Linh Quang Kim Quá (Vuốt vàng linh thiêng sáng rực).
Về sau Triệu Đà cử binh xâm đánh phương Nam, giao chiến với vua. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về núi Trâu (Trâu Sơn) cầm cự. Đà biết nhà vua có nỏ thần không dám đối chiến, bèn xin hòa. Vua cả mừng, chia phía bắc sông Tiểu Giang cho Triệu Đà cai trị, phía nam thì thuộc nhà vua (nay thuộc sông Nguyệt Đức). Không bao lâu Đà cho con trai là Trọng Thuỷ sang làm quan Túc Vệ và cầu hôn với Mỵ Châu, là con gái của nhà vua. Vua không rõ kế lược gian manh của cha con Triệu Đà nên gả Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy dụ dỗ Mỵ Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm cái lẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng thay vào. Xong rồi Thủy nói dối với Mỵ Châu xin về phương bắc thăm cha. Trước khi đi, Thủy nói rằng: “Tình vợ chồng không thể quên được, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Tôi nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước bất hòa, bắc nam cách biệt, lấy gì làm dấu để tôi tìm được nàng?”. Mỵ Châu nói rằng: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt ly, chắc là khổ đau khôn xiết, thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ nhổ lông ngỗng trên áo rắc xuống ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”. Trọng Thủy mang lẫy nỏ thần về nước (4). Đà được lẫy nỏ cả mừng, liền đem quân sang đánh. Vua cậy có nỏ thần, không phòng ngừa, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần hay sao?”. Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ, thấy lẫy thần đã hư, thua chạy. Vua đặt Mỵ Châu ngồi sau ngựa rồi chạy về phương Nam. Trọng Thủy nhận dấu đuổi theo dấu lông ngỗng. Vua chạy tới bờ bể, đường cùng, không có thuyền qua sông, bèn than rằng: “Trời hại ta ư, sứ Thanh Giang đâu, mau mau lại cứu ta”. Rùa vàng hiện lên mặt nước, hét lớn: “Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó!, giết đi thì ta mới cứu nhà ngươi”. Vua bèn tuốt kiếm chém chết Mỵ Châu. Mỵ Châu trước khi chết, ngưỡng mặt khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung hiếu, bị người lừa dối thì chết đi biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù”.
Đền thờ An Dương Vương
Mỵ Châu chết ở bên bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển. Đời truyền rằng nơi đó là đất huyện Dạ Sơn, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu. Quân Đà kéo tới đấy không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mỵ Châu. Trọng Thủy ôm xác vợ đem về Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mỵ Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò ngọc ở biển đông lấy nước giếng này mà rửa thì thấy càng trong sáng. Người đời kiêng tên Mỵ Châu nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu (4).
Chú thích:
1) Bản A 2914 chép rằng: “Cụ già bỗng bay lên trời”.
2) Bản A 2914 chép thêm rằng : “Vua nói với chủ quán rằng: Ta là An Dương Vương đến đây để diệt yêu tinh cứu giúp sinh linh”
3) Bản A 2914 chép: “Rồi trở về hồ Động Đình”
4) Cữu 玖 là tên 1 loại ngọc
.
Bình:
• Truyện này có hai phần rõ ràng: Phần đầu là thuật bình định một quốc gia vừa chiếm đóng. Phần sau là câu truyện Mỵ Châu – Trọng Thủy.
Tượng đá Mỵ Châu cụt đầu, trong am thờ Mỵ Châu
• Ông già đến từ phương Tây vào ngày 7 tháng 3. Ông già là biểu tượng của khôn ngoan thông thái. Phương Tây là phương Phật; đất Phật,Tây Trúc (Ấn Độ), ở phía tây Việt Nam.
Số 3 là số thiếu dương, mầm sống bắt đầu lên. Số 3 được yêu chuộng trong mọi nền văn minh của con người.
Số 7 là số khá thông dụng trong kinh sách Phật. (Xin xem Nguồn gốc của Phật thất, của Thích Chân Tinh.)
• Thần Rùa Vàng (Kim Quy) đóng vai quan trọng trong văn hóa Việt Nam, từ truyện rùa Vàng này đến truyện Hồ Hoàn Hiếm với Lê Lợi.
Rùa thường là biểu tượng của kiên nhẫn và chắc chắn trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Trong cả văn hóa Việt lẫn văn hóa Trung quốc, rùa là một trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Nhưng trong nền văn hóa Việt thì Rùa và Rồng là có vẻ trội nhất—Rồng: Long Nữ, Lạc Long Quân, Thăng Long; Rùa: Kim Quy. Đây là hai linh vật có liên hệ đến “nước.” Đây cũng là một nét của “văn hóa nước” mà ta đã nói đến trong truyện Hồng Bàng.
Rùa Vàng lại có tên là Thanh Giang, tức Dòng Sông Xanh. Tức là đây không phải là rùa từ biển vào. Có vẻ đây là một liên hệ tế nhị đến gốc “nước ngọt” quê cha—Động Đình Hồ, và rùa ở Hồ Hoàn Kiếm sau này.
Rùa Vàng đến từ phương Đông. Đông là hướng mặt trời mọc, là phương khởi động—một bắt đầu mới. Trong phẩm mở đầu của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa , Phật Thích Ca phóng hào quang từ giữa lông mày đến các cõi ở phương Đông trước khi giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
• Hùng vương đời thứ 18 là vị vua bị Thục Phán chinh phạt. 18 là 2 lần 9, hai lần con số đơn lớn nhất—số thái dương. Đây là ý nói thời đại Hùng Vương đã phát triển đến hết mức của nó. Bây giờ phải nhường chỗ cho một triều đại mới. Tức là việc xâm lăng của Thục Phán hợp luật trời. Đó là lý do tại sao thần Kim Quy ủng hộ Thục Phán.
• Thục Phán mới xâm chiếm Văn Lang, lòng dân chưa thuận, còn nhiều chống đối nên xây thành không được.
• Con vua đời trước (Hùng Vương 18) thành tinh khí trong núi Thất Diệu, muốn báo thù.
Giếng Trọng Thủy (Giếng Ngọc)
Núi Thất Diệu có thể là biểu tượng của Bắc Đẩu Thất Tinh, là chùm sao Đại Hùng Tinh gồm 7 sao tất cả, trong đó sao Bắc Đẩu là sao chính. Đây có lẽ là ý nói Hùng Vương 18 đặt lòng tin vào các vì tinh tú, trong lúc Thục Phán hợp với nhà Phật (Ngộ Không) hơn.
• Ngộ Không là từ của nhà Phật, có nghĩa là đã ngộ được tánh Không của mọi sự, tức là đã giác ngộ. Đây là biểu tượng cho những người hiểu biết—chủ quán là người đã lớn tuổi (là cha của cô gái), làm ăn thành đạt. Đây là loại người ủng hộ chế độ mới mạnh nhất—có kinh nghiệm đời, có kiến thức, hiểu thời thế, có tài sản và thương mãi.
• Gà trắng sống lâu ngàn năm là biểu tượng của tầng lớp trí thức sĩ phu chống đối, luôn lên tiếng “gáy” thường xuyên đế hô hào mọi người.
• Người con gái là thành phần dân chúng đi theo tiếng gọi của đám sĩ phu chống đối này. Con gái là biểu tượng của những người nhiều cảm tính, còn “trẻ người non dạ.”
Con gà trắng chết là cô con gái chết theo, nghĩa là đám sĩ phu chống đối mà mất thì đám dân nhẹ dạ nghe theo cũng mất.
• Nhạc khí cổ và hồn nhạc công là biểu tượng cho nền văn học nghệ thuật cũ. Phải diệt văn học nghệ thuật cũ thì mới bình định được đất mới.
• Chim cú ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn để tâu cùng thượng đế xin phá thành là biểu tượng của các nhóm chống đối tìm trợ lực ở nước ngoài. Phải chặn đường tiếp xúc với bên ngoài của họ.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là nếu thượng đế có thể nghe theo lời của chim cú để phá thành Thục Phán đang xây, như vậy không phải là lo sợ Thượng đế không ủng hộ Thục Phán sao? Nếu Thục Phán có chính nghĩa, thì việc gì phải sợ thượng đế nghe lời dèm pha?
• Xem ra có vẻ như Hùng Vương 18 không tốt, mất chính nghĩa, và lúc đầu Thục Phán có vẻ như được lòng trời và lòng dân để xâm chiếm Văn Lang.
Nhưng chiếm xong rồi vẫn gặp chống đối. Và thần Rùa Vàng cố vấn cho một kế sách bình định rất sắt máu. Thành công được một tí. Nhưng có phải chính vì cai trị sắt máu thế mà Thục Phán mất chính nghĩa, chỉ làm vua được một thời gian ngắn là mất nước?
Xem ra thần Rùa Vàng cũng có cái nhìn không được xa?
• Về móng Rùa Vang làm lẫy nỏ, không biết đây có phải là một ký ức về nỏ liên hoàn không. Nỏ đã được sử dụng ở Trung quốc và các bộ tộc ở Đông Nam Á khoảng thế kỷ thứ 5, thứ 6 trước công nguyên. Khảo cổ cho thấy nỏ liên hoàn , bắn một loạt các mũi tên rất nhanh, xuất hiện tại Hồ Bắc (phía bắc Động Đình Hồ) khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Thục Phán sống vào thế kỹ thứ 2 trước công nguyên, cho nên rất có thể là Thục Phán có kiến thức về nỏ liên hoàn, và đây là bí quyết chiến thắng của Thục Phán.
• Mỵ Châu xem ra là người con duy nhất có mặt trong truyện. Chẳng lẽ Thục Phán chỉ có một người con gái vào thời đại vua có biết bao là cung tần mỹ nữ. Hay đây là ký ức của sức mạnh mẫu hệ–chỉ có một cô công chúa nắm giữ bí mật quốc phòng?
• Trọng Thủy xem ra rất gian manh, giả làm đám cưới chỉ để hại người. Tội lỗi tầy đình. Thế tại sao dân Việt chẳng bao giờ lên án, lại yêu quý Trọng Thuỷ đến thế?
Thưa, tại vì Trọng Thủy làm tròn bổn phận làm con, làm dân—trung với quốc gia, hiếu với bố. Gian manh cũng chỉ vì quốc gia của chàng và bố của chàng. Nếu vì bố và tổ quốc mà chống vợ thì cũng là chuyện có thể thông cảm được. Hơn nữa, Trọng Thủy đã trả tội phản bội vợ bằng cách chết chung với vợ–vừa đền tội, vừa trọn tình nghĩa. Rất đúng với tên “Trọng Thủy.” Toàn vẹn mọi bề.
• Mỵ Châu thực ra là nạn nhân, bị lừa lọc. Nhưng không được thương xót, lại bị chém đầu. Tội không giữ kín bí mật quốc phòng, hại cha, hại nước, không thể dung tha. Ngu và cả tin không phải là lý do để được tha tội.
Ở đây ta lại thấy một lần nữa, Rùa Vàng có chính sách rất sắt máu, chẳng vị tình. Phải chăng chính quân sư như thế làm Thục Phán mất nước?
• Lông ngỗng đưa đường. Ngỗng là chim, và chim là vật tổ của dân Việt (như hình khắc trên trông đồng Ngọc Lữ). Chim còn là biểu tượng cho mẹ–Âu Cơ là tiên. Tiên và chim rất gần gũi.
Lông ngỗng đưa đường là lối đi của mẹ, lối đi của tình cảm và yêu ái, gạt ra ngoài mọi quy luật và phân cách chính trị. Trong cơn bão loạn, thì tìm nhau bằng “đường mẹ,” đường của tình yêu, vượt trên mọi chia cách.
• Rùa Vàng rất khắt khe với Mỵ Châu, nhưng xem ra trời không đồng ý với Rùa Vàng—cho Mỵ Châu trở thành những viên ngọc trai lóng lánh nghìn đời. Và dân Việt đồng ý với trời, xem Trọng Thủy Mỹ Châu như là thiên tình sử bất tử về tình yêu, đạo vợ chồng, đạo hiếu nghĩa, trung quân, và ái quốc.