Thứ sáu, 16 tháng 4 năm 2010

Bài hôm nay

Incy Wincy Spider, Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, chị Quỳnh Linh.

Độ bật của thành công , Danh Ngôn, song ngữ, chị Ngọc Trâm.

Đến và đi tiếp , Danh Ngôn, song ngữ, anh Nguyễn Hồng Hải.

Cải tiến và hoàn thiện , Danh Ngôn, song ngữ, anh Trần Thế Dũng.

Thì thầm lời yêu , Thơ, chị Minh Tâm.

Đuổi theo mặt trời , Thiền thi, anh Trần Đình Hoành.

Sức mạnh kỳ diệu , Trà Đàm, Teen Talk, song ngữ, chị Lê Phan Viên Hy.

Thành nhà Mạc – Đền vua Lê, Văn Hóa, Nước Việt Mến Yêu, anh Trần Huiền Ân.

Bạn thật , Thiền, Văn Hóa, Trà Đàm, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.

Đóng dấu ấn Việt trên thế giới, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin quốc tế và quốc nội tại vn.news.Yahoo >>>
.

Tin học tập – việc làm

Chia sẻ kinh nghiệm “How to win a Fulbright Interview?” on 2pm, Sunday, 18 April 2010.

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Thông Tin Kinh Tế

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Incy Wincy Spider

Chào các bạn,

Hôm nay mình “giới thiệu” với các bạn một bài hát trẻ con mà có lẽ nhiều người đã rất quen và thuộc. 😀

Incy Wincy Spider

Incy Wincy spider climbed up the water spout.
Down came the rain, and washed poor Wincy out.
Out came the sun, and dried up all the rain,
and Incy Wincy spider climbed up the spout again.

.

Dịch lời:

Nhện Incy Wincy trèo lên ống nước
Mưa xuống và rửa trôi chú ra ngoài
Nắng lên và sấy khô từng giọt mưa
Và nhện Incy Wincy lại trèo lên ống nước.

.


.

Cuộc sống là một quá trình vận động không mệt mỏi. Cũng có lúc trời mưa, có khi trời nắng. Khi lên được, rồi lại khi bị tụt xuống, thậm chí có thể về lại vị trí ban đầu. Nhưng hết mưa rồi sẽ lại nắng. Tụt xuống thì lại trèo lên. Đó mới là cuộc sống, phải không các bạn?

Cuộc đời thật đơn giản và đẹp các bạn nhỉ!
Chúc cả nhà một ngày vui tươi và bền bỉ như chú nhện trong bài nhé.
.

Thân mến
.

Quỳnh Linh

Thì Thầm Lời Yêu

Chị ơi! Bên thành trì của chị, em đã cảm nhận được niềm yêu! Bài thơ này em tặng riêng chị cái tựa đề! Hì… Hãy tìm cái nửa của nhau vì ngoài kia nắng ấm đã một vầng thật đẹp!!!
.


.

Nửa vầng trăng khuyết chơi vơi
In soi chiếc lá nhẹ rơi đêm buồn
Nửa tình xưa cũ vấn vương
Dật dờ sóng vỗ nhớ thương bạc đầu

.

Hoa kia khép cánh phai mầu
Lá kia in dấu nỗi sầu đa đoan
Nửa chiều nhạt nắng vườn hoang
Con tằm một kiếp trái ngang cuộn mình

.

Nửa thương, nửa nhớ, nửa tình
Nửa trong hoang vắng lặng nhìn thinh không
Nửa còn in dấu trong lòng
Nửa theo con gió phiêu bồng lãng du

.

Tặng người nửa bản tình thu
Tặng ta nửa đoạn nhạc ru cung trầm
Lặng yên nghe gió thì thầm
Tình cây và đất ngàn năm vẫn hoài

.

Dẫu cành lá ép nhạt phai
Dẫu dòng nhật ký gửi ai lợt mầu
Tin rằng cái nửa của nhau
Nắng hồng rải lối mai sau một vầng

.

.

Minh Tâm

Sức Mạnh Kì Diệu

Một ông lão có ba cậu con trai. Một hôm, khi thấy các con mình đã đến tuổi trưởng thành, ông gọi họ lại và nói rằng giờ đây ông đã rất già yếu, không thể chu cấp cho ai được, kể cả chính bản thân mình. Vì vậy, ông bảo con mình hãy ra ngoài và đem thức ăn và quần áo về cho ông.

Ba người con bắt đầu lên đường, và sau một khoảng thời gian dài, họ đến một con sông rộng lớn. Vì đã cùng nhau đi cả một quãng đường dài, họ quyết định rằng một khi đã qua bên kia sông, mỗi người trong số họ sẽ chọn một hướng riêng. Người anh cả nói với người em út chọn con đường ở giữa, với người em thứ hai chọn con đường bên phải, còn anh ta sẽ rẽ trái. Sau một năm, họ sẽ trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Và họ bắt đầu lên đường, và sau một năm, như đã hứa, ba người con trở lại bờ sông năm nào. Người con cả hỏi người con út anh ta đã tìm được những gì trong suốt chuyến đi của mình, và người con út trả lời: “Em không tìm thấy gì ngoài một chiếc gương, nhưng chiếc gương này có một sức mạnh thần kì. Khi nhìn vào nó, anh có thể nhìn thấy khắp tận cùng đất nước, dẫu cho nó có xa ngàn dặm đi chăng nữa”.

Đến lượt mình , người con thứ hai trả lời: “Chỉ một đôi giày nhưng nó cũng chứa đầy sức mạnh, nếu có ai đó mang vào anh ta có thể đi đến bất kì nơi nào, chỉ với một bước chân”.
Và cuối cùng là người con cả, anh nói: “Anh cũng đem về được một thứ, không nhiều, một ống thuốc, tất cả chỉ có thể. Nhưng giờ ta hãy nhìn vào gương và xem cha của mình sống ra sao rồi”

Người con út lấy gương ra, và cả ba người con đều nhìn và đó và thấy rằng cha của họ đã qua đời, và đám tang cũng đã kết thúc. Người con cả nói: “Hãy mau chóng trở về và xem chúng ta làm được những gì”. Vì vậy người con thứ ra đem đôi giày ra, và cả ba anh em đều đặt chân họ vào đó, ngay lập thức, họ đã đứng trước mặt mộ của cha mình. Sau đó người con cả lấy lọ thuốc ra khỏi cái giỏ của mình, và đổ lên ngôi mộ. Ngay lập tức, cha của họ tỉnh lại, như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra với ông.

Vậy tóm lại, ai trong số ba người con này đã làm tốt nhất?”

Viên Hy dịch
.

WONDROUS POWERS

An old man had three children, all boys. When they had grown up to manhood, he called them together and told them that now he was very old and no longer able to provide, even for himself. He ordered them to go out and bring him food and clothing.

The three brothers set out, and after a very long while they came to a large river. As they had gone on together for such a time, they decided that once they got across they would separate. The eldest told the youngest to take the middle road, and the second to go to the right, while he himself would go to the left. Then, in a year’s time, they would come back to the same spot.

So they parted, and at the end of a year, as agreed, they found their way back to the riverside. The eldest asked the youngest what he had gotten during his travels, and the boy replied: “I have nothing but a mirror, but it has wonderful power. If you look into it, you can see all over the country, no matter how far away.”

When asked in turn what he had gotten, the second brother replied: “Only a pair of sandals that are so full of power, that if one puts them on one can walk at once to any place in the country in one step.”

Then the eldest himself, said: “I, too, have obtained but little, a small calabash of medicine, that is all. But let us look into the mirror and see how father fares.”

The youngest produced his mirror, and they all looked into it and saw that their father was already dead and that even the funeral custom was finished. Then the elder said: “Let us hasten home and see what we can do.” So the second brought out his sandals, and all three placed their feet inside them and, immediately, they were borne to their father’s grave. Then the eldest shook the medicine out of his bag, and poured it over the grave. At once their father arose, as if nothing had been the matter with him.

Now which of these three sons has performed the best?

.


by Roger D. Abrahams

Thành nhà Mạc – Đền vua Lê

Trong ca dao thời trước, xứ Lạng cũng là nơi đáng sợ. Người phụ nữ sợ cho mình không thích ứng với môi trường mới, bị tàn phai nhan sắc:

Cổng phía Tây thành nhà Mạc ở Tuyên Quang

    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Má hồng đổi lấy mặt xanh đem về

Còn sợ cho đức ông chồng, ý trung nhân thay lòng đổi dạ, vì ở đây chẳng những cảnh đẹp, còn có người đẹp:

    Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
    Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em
    Tay cầm bầu rượu nắm nem
    Mảng vui quên hết lời em dặn dò…

Bây giờ thành phố Lạng Sơn là thủ phủ của tỉnh Lạng Sơn, Đồng Đăng là thị trấn. Chợ Kỳ Lừa ở giữa thành phố, người mua kẻ bán đông đảo tấp nập vì Lạng Sơn có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu nội địa, còn các cặp chợ nữa. Cặp chợ là chợ biên giới, bên này chợ, bên kia cũng chợ. Nàng Tô Thị không còn, chỉ là bức tượng phục chế, chùa Tam Thanh trước động Tam Thanh cũng đổi mới nhiều quá! Vậy thì nên đi thăm thành nhà Mạc, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng dầu sao vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa…

Năm 1592 nhà Mạc rút lên mạn ngược, đặt thủ phủ tại Cao Bằng, xây đắp nhiều thành lũy kiên cố, ở Cao Bằng, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Phải chăng những thành lũy này đã góp phần không nhỏ trong việc phòng thủ, chống lại các cuộc tấn công của quân đội vua Lê chúa Trịnh để giữ được phần lãnh thổ Bắc triều tồn tại đến năm 1677?

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn

Thành ở Tuyên Quang ngay tại trung tâm thị xã, bên tả soi bóng xuống dòng sông Lô uốn lượn, bên hữu đối diện dãy núi Là hùng vĩ. Ngày xưa thành hình tứ diện, trổ ba cửa ở ba mặt, mặt bắc không có cửa, bên trong có quả đồi cao khoảng 40 thước, đặt kho chứa gạo, muốn lên phải qua 197 bậc đá và cua một đường vòng. Chung quanh thành là hào sâu 1,5m, phía bờ sông không có. Di tích hiện tại gồm hai cổng thành ở phía tây, phía nam và đoạn tường dài 140m. Gạch xây thành nung bằng thứ đất có quặng sắt rất cứng, trên mặt đổ đất.

Thành ở Lạng Sơn (nay thuộc phường Tam Thanh) số phận cũng không hơn. Hiện còn một cổng thành và hai đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn nằm giữa hai đỉnh đồi. Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại. Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng, hai đỉnh đồi bén nhọn trẻ trung, linh hoạt. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp. Những đoạn thành đứt quãng không đều nhau, cao thấp không bằng nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha một chút xám. Đất bên dưới thì màu đỏ sậm lẫn một ít sạn sỏi nhỏ.

Di tích đền vua Lê trong thành nhà Mạc ở Cao Bằng

Thành ở Cao Bằng càng không may, vì nó là hoàng cung, nên phải mất tên từ lâu, nay gọi là đền vua Lê, có diện tích 37,5 ha, cách thị xã 11km về phía tây bắc, thuộc làng Đền xã Hoàng Tung huyện Hòa An.

Nguyên hồi năm 1038 Nông Tồn Phúc cát cứ vùng này, xưng đế hiệu, đặt tên nước là Trường Sinh. Năm sau, vua Lý Thái Tông thân chinh dẹp yên, nhưng đến năm 1041 con Nông Tồn Phúc là Nông Trí Cao lại dấy binh, đặt tên nước là Đại Lịch, vua Lý Thái Tông sai tướng lên đánh bắt được đem về Thăng Long, rồi dùng chính sách chiêu an tha cho về phong làm Quảng Nguyên mục, sau gia phong tước Thái Bảo. Năm 1048 Nông Trí Cao xưng là Nhân Huệ hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Nam, đem quân sang đánh nước Tàu, chiếm 8 châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, nhà Tống phải cử tướng Địch Thanh thảo phạt. Bị thất bại, Nông Trí Cao chạy trốn sang nước Đại Lý và bị bắt giết. Về sau rút lên đây, nhà Mạc lập cung điện tại Gò Long trong thành Nà Lữ của Nông Trí Cao. Vậy thành nhà Mạc Cao Bằng đã có từ thời Lý.

Khi nhà Lê dứt được họ Mạc, năm 1862 Trấn thủ Cao Bằng Lê Văn Hản đổi làm đền thờ vua Lê Thái Tổ. Ngày nay, dấu vết chỉ là hai con đường phía đông và nam cao hơn mặt đất một ít, vài ba phiến đá khối chữ nhật, dài khoảng 1m, rộng từ 50 đến 80 phân, dày 20 đến 30 phân. Chỗ như hào sâu là cổng thành, bên ngoài mỗi cổng có một ụ đất, có lẽ là điếm canh hay trạm quan sát để kịp thời báo động chăng?

Đền vua Lê cũng đổ nát hết rồi, bậc đá đi lên đầy cỏ rác, tường sập từng mảng, để lộ chỗ vá víu. Trong đền một lư hương lớn đặt trên bệ. Bên ngoài một cây ngọc lan cao, những cây đa cây si thấp hơn.

Tại Cao Bằng còn có đền Kỳ Sầm thờ Nông Trí Cao. Hội đền vào ngày mười tháng giêng. Câu đối ở cửa gian chính bên trong chứng tỏ người dân ở đây rất tôn sùng Nông Trí Cao, coi như vị vua có cao vọng nhưng chưa thực hiện được hoài bão:

    Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão
    Vương phong giáp tích quốc đồng hưu.

Các đền miếu ở Cao Bằng còn thờ Hưng Đạo đại vương, các vị nhân thần địa phương, các tướng lãnh nhà Lê bỏ mình nơi chiến địa, các công nương nhà Mạc bị thảm sát và Quan Công (Quan Vân Trường). Nói chung dân chúng kính trọng lòng dũng cảm, đức trung hậu và thương xót những thân phận không may. Trong đền Phúc Tăng ở Bản Nưa xã Hồng Việt huyện Hòa An đặt bốn bát hương, thờ hai vị lão nông họ Hoàng và họ Lê có công trị thủy giúp dân, cùng hai vị tướng đối lập nhau, một người là Hoàng Triều Hoa tướng nhà Lê lên dẹp nhà Mạc, một người là tướng nhà Mạc tử trận ở Lũng Pản. Sự kiện này do Tri phủ Hoàng Đức Mỹ (Cử nhân sung Hàn lâm viện biên tu) chủ trương từ đầu thế kỷ XX và được dân chúng tán đồng, nêu cao tinh thần hòa hợp dân tộc sau một thời gian chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hội đền Phúc Tăng vào ngày mồng 2 tháng 3.

Ngày nay, những người vãn cảnh có ý thức không khỏi ngậm ngùi trước biến cuộc tang thương, sẽ lắng hồn tìm trong lịch sử biết bao bài học quý giá.

Trần Huiền Ân

Bạn thật

Ngày xưa lâu lắm rồi ở Trung quốc có hai người bạn, một người đàn hay và một người nghe hay.

Khi người đàn về núi cao, người nghe nói: “Tôi có thể thấy núi cao trước mặt ta.”

Khi người đàn về nước, người nghe nói: “Đây là dòng nước chảy!”

Nhưng người nghe gặp bạo bệnh mà chết. Người đàn cắt đứt dây đàn và không bao giờ đàn nữa. Từ đó trở đi, cắt đứt dây đàn là biểu tượng của tình bạn thắm thiết.
.

Bình:

• Đây là câu chuyện về Bá Nha Tử Kỳ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bá Nha, làm quan, là người đàn; Tử Kỳ, người nghe, là tiều phu. Gặp nhau và kết nghĩa anh em vì “tri âm” (hiểu được âm thanh), cho nên ngày nay ta có từ “bạn tri âm”.

Cây đàn mà Bá Nha dùng có lẽ là cây Cổ Cầm, mà ngày nay vẫn còn dùng. Cổ cầm còn là tiền thân của Thập Lục Huyền Cầm (hay Tam Thập Lục Huyền Cầm), tức là Đàn Tranh (16 dây hay 36 dây) ngày nay.

• Hiểu nhau không cần phải ở chung với nhau 20 năm. Chưa gặp nhau cũng đã có thể hiểu nhau ngay chỉ qua tiếng đàn.

• Hiểu nhau không cần nói nhiều.

• Nhưng hiểu nhau cần: (1) Người biết diễn đạt đúng điều mình muốn diễn đạt, và (2) người biết nghe điều người kia diễn đạt.

Điều quan trọng ở đây là: Người diễn đạt, không chỉ làm ra âm bằng tay, mà là hồn mình đang nói những lời lẽ sâu kín trong tâm. Và người nghe không chỉ nghe âm bằng tai, mà hồn mình đang trực nhận những thì thầm từ hồn người kia.

Vậy thì, để có tri âm, khi nói chuyện, ta có nói thành thật những sâu kín của hồn ta không, hay ta màu mè, bày vẻ, thiếu thành tâm? Nếu ta không thành tâm thì rất khó có bạn tri âm.

Và khi ta nghe, ta có dùng tâm hồn để nghe tâm hồn không, hay ta chỉ biết nghe âm bằng tai? Nếu không biết nghe thì làm sao “tri âm” ai được?

• Giữa đàn và nghe, điều nào khó hơn? Dĩ nhiên ở mức cao thì làm gì cũng khó. Nhưng có lẽ là nghe khó hơn đàn, vì đàn là đàn điều mình nghĩ, nghe là nghe điều người khác nghĩ. Mình biết mình nghĩ gì để diễn đạt, nhưng người nghe thì lại không biết người kia nghĩ gì, phải lấy âm thanh mà suy đoán.

Nói bao giờ cũng dễ hơn nghe. Vậy thì trong liên hệ con người, nói cẩn thận, nhưng phải nghe cực kỳ chăm chú.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)
.

True Friends

A long time ago in China there were two friends, one who played the harp skillfully and one who listen skillfully.

When the one played or sang about a mountain, the other would say: “I can see the mountain before us.”

When the one played about water, the listener would exclaim: “Here is the running stream!”

But the listener fell sick and died. The first friend cut the strings of his harp and never played again. Since that time the cutting of harp strings has always been a sign of intimate friendship.

# 84

Đóng dấu ấn Việt trên thế giới

Chào các bạn,

Mình ở Washington nên thường có cơ hội gặp người từ mọi nơi trên thế giới. Nhưng mình lại tồi về địa lý, cho nên nhiều khi gặp bạn mới, mình rất ngớ ngẩn và thiếu ngoại giao.

“Hi, I am John Lawata. I’m from Fiji.
“I’m Hoanh Tran. Nice to meet you. Sorry I couldn’t catch where you’re from.”
“Fiji. Republic of Fiji Islands.”
“Uhm…”
“You know, Fiji Islands.”
“Yes… yes… Please forgive me for my ignorance. Where is that?”
“We’re in the Pacific. We’re close to Vanuatu to the west, New Caledonia to the southwest, New Zealand’s Kermadec to the southeast, Tonga to the east, Wallis and Futuna to the northeast and Tuvalu to the north.”
“Oh, great. A group of islands in the Pacific!”

Thực thì các tên này, đối với nhiều người chúng ta, nghe cũng giống như nơi nào đó trên mặt trăng, chứ chẳng biết là đó là những quốc gia hải đảo nằm giữa Thái Bình Dương, mà Việt Nam là một phần bờ Thái Bình Dương, láng giềng rất gần.

Rất may là nếu bạn đi khắp nơi trên thế giới, khi nói “Tôi đến từ Việt Nam” thì mọi người đều biết đến Việt Nam. Hai cuộc chiến thắng chống Pháp và Mỹ làm Việt Nam trở thành một quốc gia nổi danh và được thán phục trên thế giới.

Được cả thế giới biết đến tên là một vốn liếng kinh tế chính trị rất lớn. Cho dù Thái Lan có dùng hàng tỉ đô là mỗi năm quảng cáo trên TV thế giới hàng chục năm liền như vậy, thì thế giới vẫn ít người biết về Thái Lan như là Việt Nam, vì học sinh thế giới, nhất là học sinh Mỹ, đều phải học về hai cuộc chiến lớn mà Việt Nam đã thắng–về chiến lược, về qui ước chiến tranh, về sự thay đổi chính trị quốc tế, về chính sách ngoại giao của Mỹ trên thế giới… Khi người khác phải học về ta, thì đó là một vốn liếng kinh tế chính trị lớn ngoài sức tiền bạc có thể mua. Đừng quên vốn liếng vô giá này.

Ít ra là cũng không còn “vô danh”.

Nhưng có lẽ vẫn còn “tiểu tốt”. Vì chúng ta vẫn còn là một quốc gia nghèo kém.

Vây thì, nhiệm vụ của chúng ta vào thời đại này là mang Việt Nam ra khỏi vòng “tiểu tốt” lên đến hàng “đại gia.” Và cuộc “chiến” này sẽ dài hơn, gay go hơn, và đòi hỏi nhiều trí tuệ và quyết tâm hơn hai cuộc chiến trước—Chúng hắn không giỏi đấm đá, nhưng chúng hắn rất giỏi về phát triển.

“Thừa thắng xông lên” là dùng những chiến thắng cũ làm bàn đạp để tiến lên. Chúng ta cần tận dụng tiếng tăm có sẵn của chúng ta để tiếp tục để lại dấu ấn Việt Nam trên cánh đồng quốc tế.

Những vốn liếng truyền thống chúng ta đã có mà người khác chưa có thì cần phải triển để tiếp thị ra ngoài:

1. Văn hóa cổ truyền: Nhất là Phật giáo. Đây là một luồng tư tưởng hòa bình thâm sâu, mà chúng ta là một trong chỉ vài truyền nhân lâu đời. Phật học Việt Nam nên được khôi phục vững mạnh, các học giả Phật học cần được ủng hộ để học tập sâu sắc, với tầm mức có thể dạy lại cho thế giới. (Và ta đang nói chuyện tư tưởng, không phải chuyện xây chùa).

Văn hóa truyền thống của 55 dân tộc anh em cần được bảo vệ và phát triển, để làm mạnh bản chất tâm linh của mỗi dân tộc, và để dùng đó làm nền tảng cho kỹ nghệ du lịch, cho du khách thế giới học được chiều sâu của một quốc gia, hơn là chỉ tắm biển rồi về như là đi mọi nơi khác.

Ngay cả các truyền thống tâm linh và văn hóa mới, như Thiên chúa giáo, có thể tự làm giàu cho chính mình và cho quốc gia mình bằng cách hòa nhập với văn hóa Việt Nam để cho nó một dáng vẻ Việt Nam đặc sắn riêng (như công giáo Việt Nam, tin lành Việt Nam), thay vì nhìn và suy nghĩ rất Tây và rất đối chỏi với văn hóa truyền thống Việt.

2. Võ thuật, nhất là các môn võ Viêt Nam như Tây Sơn Bình Định hay Vovinam nên được khuyến khích xuất cảng.

3. Văn chương: Bao nhiêu năm chinh chiến đau thương với các đại cường mà chúng ta không có được những tác phẩm lớn trên thế giới, thì nhất định là mọi tội tình phải đổ lên đầu ông văn hóa (thay vì kết luận cả nước chúng ta toàn người dốt). Ông văn hóa thích chém đầu chém đuôi, gọt dũa chuyện có thật thành truyện nhi đồng giả tưởng… cho nên không có gì gọi là đáng giá.

Nhưng nguồn hứng khởi thì còn nguyên đó — lịch sử bi thảm và hào hùng, những hùng tráng cộng những lỗi lầm còn thấy đó… Nếu các nhà văn của ta được khuyến khích viết tự do, viết thật, không chỉ viết quàng cáo ba xu, thì nhất định là ta sẽ có những tác phẩm lớn trên thế giới. Điều này chắc chắn 100%. Một giải Nobel cho một nhà văn Viêt Nam cũng giúp kỹ nghệ du lịch nhiều lắm chứ không ít (dù rằng rất tiếc là nhà văn sẽ không được chia tí hoa hồng nào 🙂 ).

4. Thực phẩm (nhà hàng): Các món ăn Việt Nam đã có tiếng trên thế giới. Nếu ta chăm chút vào vệ sinh thực phẩm và nhà hàng, thì nhiều người trên thế giới sẽ muốn đến thăm Việt Nam chỉ để… ăn.

5. Hòa Bình: Thế giới hiện đang nằm trong nhiều cuộc chiến địa phương và quốc tế lớn lao. Dân ta đã biết mùi đau khổ của chiến tranh, văn hoá Việt Nam lại là văn hóa tổng hợp của nhiều văn hóa khác nhau, cho nên Việt Nam có đủ tư cách và khả năng để lãnh đạo các tổ chức và phong trào hòa bình trên thế giới. Chúng ta đủ tư cách làm trung gian điều hợp hòa bình cho nhiều cuộc chiến trên thế giới. Không phải chỉ là các cường quốc mới xây dựng hòa bình được. Thực ra các cường quốc thường là những tay gây chiến. Thế giới cần những tổ chức thứ ba, ngoài cuộc, không thiên vị, không mâu thuẫn quyền lợi, để giúp các bên lâm chiến hòa giải.

6. Made in Viet Nam: Chúng ta muốn thương hiệu “Made in Vietnam” có tiếng tăm trên thế giới, từ con người đến văn hóa đến vật chất. Con người Việt Nam chúng tôi hiền hậu, hiếu khách và dũng mãnh. Văn hóa chúng tôi phong phú, đa dạng và sâu sắc. Hàng hóa chúng tôi sáng tạo, bền rẻ đẹp.

Nói chung là các bạn đừng có ảo tưởng là chúng ta đang có thể thong thả ngủ ngày vì chiến tranh đã xong hơn 30 năm. Chúng ta hiện đang ở trong một vận hội mới với những tranh đấu mới và những cơ hội mới. Đây là một thời kỳ rất kích thích và thú vị. Đã hàng ngìn năm ông cha chúng ta chỉ là một cái bóng trong một góc đất nhỏ của thế giới, chẳng ai biết đến. Nhưng ngày nay, thế hệ đàn anh ngay trước ta đã giúp chúng ta trở thành nổi tiếng trên thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục tiến lên, biến Việt Nam trở thành hùng cường trên thế giới. Đây là một cuộc chạy đua rất thú vị, vì nếu chúng ta quyết tâm, tận lực, và đồng nhất như một, thì không về nhất, nhì, hay ba, chúng ta cũng về rất cao, chẳng thể thua được.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com