Mỗi khi lật lại cuốn album gia đình, tôi không bao giờ nhịn được cười. Thông thường mỗi năm gia đình chúng tôi lại chụp một tấm ảnh chung vào ngày đầu năm. Và trong mọi tấm ảnh, của mọi năm, tất cả những ai có mặt trong bức ảnh đều có cặp mắt sưng húp.
Vì mất ngủ.
Bức ảnh được chụp vào sáng mồng Một. Sau một đêm ngủ vô cùng ngắn ngủi, chúng tôi dậy rửa mặt, thay bộ đồ đẹp nhất đã ủi sẵn từ hai ngày trước và kéo nhau ra sân chụp hình. Không thể sắp xếp thời gian nào khác, vì chỉ có duy nhất sáng mồng Một là chưa ai xuất hành. Ông bà, cha mẹ, cô cậu, chú bác, con cháu…Đó là lúc đông đủ nhất. Để cùng ăn với nhau một bữa cơm đầu năm thịnh soạn. Đến trưa, những cặp vợ chồng trong gia đình phải lục tục kéo nhau về nội, về ngoại…Và đám cháu bắt đầu mạnh ai nấy rong chơi đến tận tối mịt mới về.

Tôi yêu những sáng mồng Một. Chúng ta có một cuộc đời dài, nhưng cũng chỉ trải qua vài mươi sáng mồng Một mà thôi. Đó là khi chúng ta lật qua một trang trắng trong cuốn sách cuộc đời mình…Bởi thế, tôi thường nhớ rất rõ những sáng mồng Một.
Sáng mồng Một, bàn ăn luôn là những món ngon nhất vì được bày ra lần đầu tiên trong năm. Hoa mai nở rất đẹp. Tôi làm theo quán tính, thay quần áo xong là xách cây chổi đi quét nhà. Và tôi luôn luôn bị bà ngăn lại. “Bữa nay là mồng Một”. Đó không chỉ là chuyện kiêng kỵ thường thấy, mà là chuyện những cánh mai rụng. Những cánh hoa mai rụng lốm đốm trải thành một đám vàng mơ nổi trên nền gạch men trắng, cạnh bộ salon trong phòng khách. Gợi cảm. Tươi tắn. Ở nhà tôi, chúng không được phép xuất hiện ngoài thềm nhà vào sáng mồng Một. Bà ngoại tôi có một cái nhìn lạ lùng về những cánh hoa mai rơi. Bà nói, khi bà nhìn thấy những cánh hoa mai rải rác trên mặt đất, trước thềm nhà, bà thấy rằng Tết đã qua rồi. Sáng Mồng một người ta không được nghĩ rằng Tết đã qua. Với bà, hình ảnh đó sẽ là một cảnh tượng bi quan chán chường, làm bà mất hết sự hồ hởi. Trong khi sáng mồng Một là thời gian hoàn hảo nhất để tận hưởng một cái Tết.
Vì vậy, chúng tôi có ba việc quan trọng vào sáng mồng Một: chụp ảnh gia đình, giữ cho đám mai rụng không bị một kẻ đãng trí và ưa gọn gàng cầm chổi lùa hết ra trước thềm, và …thấp thỏm chờ một người xông đất ngoài ý muốn.
Ông cụ Khánh.
Đó là một ông lão nghèo, không con cái, thường có vẻ mặt ngơ ngác như một đứa trẻ. Ông ở trong một căn chòi giữa vườn xoài rộng, gần khu nghĩa trang và sống bằng những thức ăn gạo muối xin được. Ông cu Khánh là người phụ việc của ông cố tôi xưa kia, sau đó đã đi theo ông ngoại tôi di cư vào Nam. Ngoài liên hệ xa xôi đó, để lý giải về việc luôn đón tiếp ông một cách dịu dàng và niềm nở bất cứ lúc nào ông đến dù là xin ít tiền hay xin một bữa cơm, bà tôi nói gọn một từ : « người làng ». Với những kẻ xa xứ, hai chữ « người làng » có sức ràng buộc lạ lùng.

Trong năm, thỉnh thoảng ông cu Khánh vẫn đến nhà xin bà tôi ít tiền, thức ăn, quần áo, chén bát nồi niêu…Nói chung mọi thứ mà ông cần và bà tôi có thể cho được. Chúng tôi không ghét ông, thậm chí cảm thấy thương và khá quen thuộc với ông. Nhưng điều đáng nói là ông luôn xuất hiện rất sớm vào sáng mồng Một… để xông đất. Chúng tôi không giấu được sự chán ngán và thậm chí, bất bình khi sáng mồng Một lại có một ông lão chẳng có bà con ruột rà gì thì chớ, lại còn ăn mặc rách rưới, quần xắn ống cao ống thấp, đầu tóc bù xù… đến xông đất.
Những người trẻ tuổi trong gia đình càu nhàu mãi về điều đó. Rằng người xông đất là rất quan trọng. Có người còn đòi bà phải mắng ông một trận, dặn ông buổi chiều hãy đến. Hoặc đóng cổng lại để ông thấy mà bỏ đi.
Nhưng bà ngoại tôi lắc đầu. Bà không làm được. Dù bà cũng thở dài khi mấy đứa cháu la lên ngoài sân: “Bà ơi, ông cu Khánh lại xông đất rồi kìa”. Có lần, một đứa trong bọn tôi, lén bà đóng cổng lại vào sáng mồng Một. Khi ông cu Khánh đến, ông đứng ngoài rào mà gọi rất to. Bà tất tả chạy ra mở cổng, và sau đó nạt chúng tôi một trận. Bà nói, một cánh cổng đóng, là một lời từ chối rõ rệt. Những người lịch thiệp sẽ hiểu, nhưng trẻ con không hiểu. Ông cu Khánh hồn nhiên không khác gì một đứa trẻ.
Ông không giận khi thấy cổng đóng. Ông hớn hở chúc mừng năm mới ngay từ ngoài cổng. Rồi, ông đi thẳng vào phòng khách, đến trước bàn thờ ông ngoại tôi và hỏi mượn bật quẹt để thắp nhang. Ông đứng cúi đầu, rì rầm cả chục phút. Thắp nhang xong, ông sẽ tự nhiên ngồi tót lên ghế, đong đưa chân, ăn bánh kẹo, đợi bà tôi lì xì phong bao đỏ và ngồi nghe mọi người trò chuyện với nhau bằng vẻ mặt ngơ ngác đầy hiếu kỳ. Nếu ông không vội đi đâu đó, ông sẽ tỉnh bơ ngồi lại ăn bữa cơm đầu năm với gia đình.
Năm tôi học lớp Bảy, bà tôi mất. Tết năm đó là một cái Tết buồn, nhưng vẫn là một cái Tết. Và bởi thế, chúng tôi vẫn gói bánh, nấu nướng, mua hoa mai và trang hoàng nhà cửa. Sáng mồng Một. Chúng tôi vẫn tổ chức chụp ảnh. Chỉ có điều, như mọi năm, tôi lại le te xách chổi quét đám hoa mai chưa chi đã rụng tơi tả khắp phòng khách. Khi tôi giật mình nhớ lại thì những cánh hoa mai đã tung tóe dưới nền đất trước những bậc thềm. Nhưng chẳng ai để ý, không ai ngăn cản. Tôi tự nhủ: “Hoa mai rụng trước thềm nhìn cũng gợi cảm vậy. Mà phòng khách thì nhìn sạch sẽ tươm tất hơn”
Quay vào bếp, tôi nghe mọi người nói với nhau năm nay bà mất rồi may ra ông cu Khánh không xông đất nữa. Nhưng ông vẫn đến, rất sớm, thậm chí khi mọi người còn kịp chưa chụp hình. Lắc đầu chán nản, nhưng tự thấy mình có nghĩa vụ thay thế bà, nên Dì tôi chạy ra tận cổng tươi cười đón ông vào. Như mọi năm, ông xin thắp nhang. Ông đứng rì rầm cả chục phút trước di ảnh của ông bà tôi. Tôi đã được lệnh bày thêm một cái chén và đôi đũa trên bàn. Thật lạ lùng, đột nhiên, tôi có cảm giác như ông là một phần sống động của cuộc đời bà tôi vẫn còn hiện hữu. Một cái gì đó thuộc về bà mà chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy, có thể chạm vào. Có lẽ mọi người khác trong gia đình tôi cũng ít nhiều cả thấmy như vậy. Nhưng ông thậm chí không ngồi xuống ghế mà xin phép về ngay, dù cả nhà đều lên tiếng mời.
Ra khỏi cửa, ông chợt đứng khựng lại, ngay giữa các bậc thềm, và nhìn sững những cánh hoa mai rụng trải trên mặt đất, cũng như lẫn vào trong đất. Bị quét ra, một phần trong chúng bị dập và làm thành những mớ rúm ró. Và hoàn toàn đột ngột, ông cu Khánh òa khóc. Ông khóc nức nở, nước mắt nước mũi dàn dụa khắp mặt. Ông vừa đưa cả hai cánh tay liên tục quệt qua quệt lại ngang mặt vừa nức nở không kìm được. Ngay sau lưng ông, Dì tôi ngơ ngác thốt lên:
“Ôi chao ông cu Khánh, sáng mồng Một răng lại đứng trước cửa nhà người ta mà khóc như rứa hè?”
…
Tôi đang nhìn lại bức ảnh chụp gia đình tôi sáng mồng Một năm đó. Ai cũng cười ngượng nghịu và có cặp mắt đỏ kè và sưng húp. Nhưng duy lần đó, tôi biết rõ là không phải vì mất ngủ.
Đông Vy