Chào các bạn,
Khi viết bài chúng ta thường có khuynh hướng mang các câu nói của các danh nhân vào bài mình viết—Einstein nói, Edison nói, Không tử nói… Nếu câu trích dẫn có liên hệ đến một điểm ta đang trình bày, hy vọng là câu trích dẫn đó sẽ làm mạnh bài viết của ta hơn.
Cùng một câu nói, nếu sau đó có tên Eisntein, thì câu nói đó sẽ được chú ý và tin tưởng hơn là chẳng có tên ai cả, hay là tên của John Doe vô danh nào đó. Tên và uy tín của một người đứng sau lời nói cho lời nói đó thêm sức mạnh và tính thuyết phục.
Vậy bạn có bao giờ nghĩ là tên bạn nên đứng sau tất cả mọi câu nói của bạn không?

Lỗi lầm của rất nhiều người ngày nay là chẳng để tên mình đứng sau lời mình nói, nhưng mà lại dùng một nick chẳng ai biết mình là ai.
Nếu bạn tin người bịt mặt đứng nói chuyện với bạn trong phòng, thì đầu óc bạn chắc là chẳng được thông suốt mấy. Người đứng đắn chẳng ai bịt mặt.
Nick trên Internet cũng chỉ là một khăn bịt mặt không hơn không kém. Nick có cái lợi là cho phép những người thiếu tự tin, sợ nói trước đám đông, có được can đảm nói chuyện. Nhưng nếu chỉ có can đảm sau nick, thì thực ra điều đó có giúp ta thêm can đảm ngoài đời thực không? Hay chỉ là sống một cách ảo tưởng trong thế giới ảo, và tạo nên bệnh đa nhân cách (multiple personality).
Hơn thế nữa, thông thường ta thấy đa số người đứng sau các nick như là dùng mặt nạ để có những tác phong rất thiếu văn hóa—thô lỗ bất lịch sự khi tranh luận, tác phong vừa thiếu lễ độ vừa thiếu thông minh, nói chuyện không cần lý luận hợp lý hay tôn trọng người đối diện… và chuyển tiếp rác đi khắp nơi mà không suy nghĩ là mình đang làm bẩn thế giới. Các tác phong này ít xảy ra khi người ta ngồi uống cà phê và tranh luận quanh một chiếc bàn, nhưng nó là chuyện hàng ngày trên Internet.
Thực ra, nếu chúng ta biết sử dụng Internet như là một “thế giới thật” thì chúng ta sẽ gặt hái rất nhiều lợi ích từ Internet.
Nếu ta dùng tên thật, và nói chuyện tử tế, thông minh, lý luận tốt, tác phong tốt… thì Intertnet là cơ hội để ta thực tập nói chuyện với đám đông một cách hiệu lực, huấn luyện lý luận vững chắc—vì viết một câu là có thể bị phản biện từ mấy mươi người, thêm nhiều bạn bè khắp nơi, đồng thời tạo ra tiếng tốt cho mình khắp thế giới, nơi nào có người đọc mình. Cách đây khoảng 15 năm, cơ hội như vậy không thể có.
Cho nên chúng ta cần thông thái để dùng Internet cách có lợi nhất cho mình và cho xã hội. Internet cũng như một chiếc loa làng— ta có thể dùng nó để la to “Tôi vừa thiếu văn hóa vừa dốt”, hay ta có thể dùng nó để hát hò kể chuyện cho dân làng yêu ta. Đó là sự lựa chọn của chính ta. Chiếc loa vô tội vạ.

Rất tiếc là nhiều bạn sinh viên trẻ ngày nay có tác phong vừa dốt vừa thiếu văn hóa trên Internet, vì sự chiến thắng của “văn hóa nick” trong bao nhiêu năm nay. Nếu chúng ta không cảnh tỉnh mọi người về tình trạnh này và khuyến khích mọi người dùng Intenet như là “thế giới thật”, thì chúng ta sẽ tạo nên một lớp “trí thức” mới vừa dốt vừa thô lỗ, chỉ thêm hại cho đất nước. Thà là có các bác nông dân ít đến trường.
Đó là chưa kể những nguồn thông tin dối trá và bẩn thỉu thả rác trên Internet thường xuyên. Đa số các nguồn thông tin này do các nicks vô danh đưa đi, các tổ chức buôn bán tình dục, các tổ chức chuyên lừa bịp, hoặc các tổ chức “chính chị” thiếu đạo đức. Rác rến của họ được quần chúng tiếp tay chuyển tiếp và nhân rộng lên nghìn lần. Nếu nhìn lượng rác được chuyển đi hàng ngày, chúng ta có căn cứ để hỏi rằng hình như Internet cho phép quần chúng thấy nhiều hơn và hiểu ít hơn?
Nếu các bạn còn dùng từ “thế giới ảo” để nói về Internet thì các bạn còn đi lạc rất xa. Internet rất thật. Và cái lợi hay cái hại từ Internet cho mỗi cá nhân cũng như xã hội đều rất thật. Chúng ta hãy dạy bảo nhau cách sử dụng Internet để làm đẹp cho chính mình và cho xã hội.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com