Chào các bạn,
Có lẽ các bạn đều biết đến quyển How to Win Friends and Influence People của Dale Carnegie, mà ở Việt Nam dịch là Đắc Nhân Tâm—Làm thế nào để có nhiều bạn và ảnh hưởng được người khác. Đây đương nhiên là một quyển sách tốt về giao dịch, và chúng ta nên đọc nó để giỏi cách giao dịch.
Nhưng có một điều căn bản các bạn cần chú ý để hiểu giới hạn của các quyển sách loại đắc nhân tâm là: Đó là những quyển sách dạy chúng ta lấy lòng mọi người. Lòng mọi người là mục tiêu để nắm lấy của ta. Tốt cho chính trị gia muốn có nhiều phiếu hay doanh nhân muốn có nhiều khách hàng. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng nếu cả đời ta chỉ chạy theo mục tiêu làm vừa lòng người khác thì có thể là ta sẽ như con choi choi cả đời chạy theo hàng triệu quả tim khác nhau, cố làm cho mọi người vừa lòng, và có thể là ta chẳng giữ được điều gì gọi là nguyên lý hay chân lý của riêng ta để mà nắm giữ.
Các quyển sách về đắc nhân tâm tốt khi ta muốn học cách để chinh phục lòng người, vì thông thường là ta muốn mọi người cùng vui vẻ và thích nghe điều ta nói. Nhưng nếu các bạn dùng chinh phục lòng người làm mục tiêu sống thì hỏng.
Sẽ có những lúc bạn phải phạt người học trò dù rằng hắn sẽ ghét thêm bạn chứ chẳng được gì. Có những lúc bạn cần nói thẳng với mọi người trong xóm “Xả rác thế này là sai. Chúng ta phải làm sạch đường phố” dù rằng có thể ¾ người trong xóm sẽ chế giễu bạn vì thế. Có những lúc ta phải nói với nhà nước là “Độc đoán thế này là sai” dù rằng sau đó toàn hệ thống thông tin tuyên truyền sẽ biến bạn thành chúa quỷ 3 đầu, 6 tay, 12 răng nanh với quần chúng.
Vì thế các vị thầy lớn của thế giới, và các truyền thống tâm linh lớn, chẳng ai dạy lấy lòng người khác cả, mà chỉ dạy ta lấy chính tâm ta mà thôi. Tâm ta là tâm hay đi lạc, hay nhảy choi choi, hay điên rồ, hay mù quáng, hay si mê… cho nên ta phải quản lý tâm ta, phải bỏ được màn si mê, tìm lại được tâm nguyên thủy tĩnh lặng trong sáng của mình.
Dĩ nhiên là thông thường thì nếu ta quản lý tâm ta tốt, ta trở thành thành thật và nhân ái, và đo đó có nhiều người tự nhiên thương ta, tức là ta đắc nhân tâm một cách tự nhiên. Nhưng đắc nhân tâm trong trường hợp này là hậu quả chứ không phải mục tiêu. Và thực ra, như ta thấy trong các câu chuyện về các thiền sư, đôi khi ta thấy cần nói thật nói thẳng thì nói thật nói thẳng, dù rằng sau đó thì có thể chẳng đắc được tâm nào cả.
Khi Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ mới sang Trung quốc, gặp Lương Vũ Đế, nhà vua hỏi: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, nuôi tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?” Bồ Đề Đạt Ma nói là đó chỉ là công đức nhỏ, chẳng được gì cả. Công đức thật sự phải là: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, nuôi tăng) mà cầu được.” Nhà vua không vui. Bồ Đề Đạt Ma không truyền pháp cho vua được nên đến chùa Thiếu Lâm ngồi nhìn vách tường 9 năm.
Nếu chúng ta hiểu được chính tâm của ta luôn nhảy dựng như khỉ, cực kỳ khó để kiểm soát, thì ta sẽ hiểu được hai điều chính: (1) Đắc tâm ta là chuyện phải làm cả đời. Và (2) tâm người khác thì ta không thể đắc được. Chẳng ai có thể nắm giữ tâm ai được.
Vì thế các chân sư thường hay kết thúc các lời dạy của mình: “Ai có tai thì nghe” hoặc “Ai muốn nghe thì nghe.” Ta chỉ nói điều gì, làm điều gì, tâm ta thấy là nên nói, nên làm. Nghe hay không là chuyện của người khác. Họ phải tự đắc tâm của họ. Không ai đắc tâm ai được.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Cảm ơn anh Hoành. Bài này của anh rất hay. Đặc điểm của chuyện lấy lòng người làm cái đích là em thấy những người theo cách đó thường chẳng có chính kiến mấy 🙂
Nên nói ra sự thật, và lựa cách đắc nhân tâm để nói nếu có thể 🙂
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành. Đúng là đa phần chúng ta sai lầm ở chỗ là thay vì lo rèn luyện tâm mình trước thì toàn dành năng lượng để đi làm đẹp lòng người, và kết cục là không rõ mình là ai, tại sao mình lại ra như thế này.
A Hoành khỏe nhé 🙂
E Hòa
ThíchThích
Bài viết này hay thiệt. Nó cho chúng ta cách nhìn khác về lối sống không chỉ mãi chạy theo để làm vừa lòng người khác. Bản thân ta phải biết việc cần nói và cần làm. Mọi chuyện cần phải giữ ở mức cân bằng của nó. Nếu lệch quá nhiều về bên nào sẽ dẫn đến những hệ luỵ cho cuộc sống mỗi chúng ta.
Thanks anh!
ThíchThích
Em có dùng bài này để nhận xét về các cuốn sách được đem tặng gần đây là ở mức thấp trong tâm linh nên em post comment vào đây ạ.
“Hôm trước mình có nói cuốn “Đắc nhân tâm” chỉ đứng ở hàng đai vàng của Tư duy tích cực – vì nó nhắm vào (1) công thức trong giao tiếp (2) phân biệt ta người và (3) mục tiêu được lòng người khác.
Đây là mức thấp trong tâm linh bởi vì thực ra không có phân biệt ta và người, cái tôi chỉ là ảo tưởng như Phật gia nói, và tình yêu thật sự thì không có công thức, ko cần đến công thức để chinh phục lòng người. Tình yêu tự nó sẽ sinh hoa trái mà không lệ thuộc vào bất kì công thức nào.
Thầy mình có viết về cuốn này một lần năm 2010 và nó không được thầy nhắc lại nữa. Cho đến gần đây hàng chục hàng trăm ngàn cuốn đó được đem tặng nên mình thấy cần phải nói lại về cuốn sách này.”
ThíchThích