Ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà cửa sổ phòng tôi lại đối diện với cửa sổ phòng hắn. Nói cho chính xác là phòng của nhà hàng xóm, nhưng hắn thì vốn chưa là hàng xóm của tôi, kể từ lúc gia đình tôi dọn đến. Hắn xuất hiện ở căn phòng đó từ thời nào khắc nào thì tôi không biết, chỉ biết là tối hôm ấy tôi đi dự sinh nhật bạn đến khuya mới về, và bị mẹ mắng cho một trận vì phải chờ cửa, nhưng mẹ mắng con gái yêu thì chẳng có gì đáng phàn nàn, nên tôi sau vài câu nói cười cầu hòa là tọt ngay lên phòng mình.
Bật công tắc, điện cúp, không sao, mở cửa sổ ra cho thoáng đã, cánh cửa vừa hé ra, tôi reo lên một tiếng nho nhỏ : Trăng, ồ phải rồi, đêm rằm đây mà, tâm trí tôi đang đầy phấn khích vì ánh trăng mơn man, dãi dễ đến xôn xao cả lòng, thì chợt có một thứ ánh sáng khác lấp lóe, một ngọn nến đang được di động đến cái bàn nơi ô cửa sổ đối diện, tôi vụt nép về một bên khi thấy thấp thóng bóng người, ánh sáng lập lòe của ngọn nến đủ cho tôi nhận ra phái tính của người ấy. Một gã con trai, thật đáng ghét, sao hắn lại chen ngang vào khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi thế này chứ ? Tôi mê trăng, rất mê, mê lắm, cứ đến tuần trăng là tôi mau chóng học bài cho xong, rồi tắt phụt cái thứ ánh sáng văn minh đi, để tha hồ mộng mơ, lãng mạn dưới vầng sáng lênh loang cả đất trời, trong không gian yên ả của sự lắng dần những thứ âm thanh. Dưới ánh trăng, mọi vật trở nên mơ màng hiền dịu, và trong một lần say sưa với trăng như thế, tôi chợt ngộ ra rằng, vì sao người đời hay ví tình mẹ như một vầng trăng, là vì cảm nhận nét hiền dịu và vẻ như bao dung của thứ ánh sáng nhẹ nhàng này. Thường thì phải đến lúc mi mắt không còn chống đỡ nổi những con vi rut buồn ngủ, tôi mới miễn cưỡng, luyến tiếc mà rời khung cửa sổ đáng yêu để lăn vào giường. Hôm nay có kẻ bỗng dưng xâm phạm mảnh trời riêng của tôi, thế có tức điên lên không chứ. Tôi hậm hực đóng ập cửa sổ lại, khiến nó phát ra một tiếng kêu bất thường, mẹ tôi la lên :
_ Làm gì mà mạnh tay vậy hả Duyên ? Đêm hôm rồi, cẩn thận đừng làm phiền hàng xóm chứ. Con gái lớn rồi mà chẳng biết ý tứ gì cả.
Lần thứ hai trong ngày tôi bị mẹ mắng, nhưng lần này thì không có cái giọng nũng nịu cầu hòa mà tôi thường sử dụng như một ưu thế của một cô tiểu thư duy nhất mỗi khi nịnh mẹ. Tôi lạu bạu lên giương, nước mắt vòng quanh vì ấm ức. Cửa sở phía bên kia chợt vang lên nhè nhẹ tiếng đàn guitra. Hừ ! Người đâu mà bất lịch sự thế không biết, hay hắn không có đồng hồ ? Đấy, mẹ xem, giờ thì ai làm phiền ai chứ ? Đầu óc tôi thì đang lục xục thế, nhưng tai tôi lại đang long lóng, một giai điệu quen quen, à…hứ …cái gì mà “ khung cửa sổ hai nhà cuối phố…”, nhầm quá to rồi đấy anh bạn ạ. Hai nhà này ở giữa phố cơ, nếu tính cho đúng thì còn là gần đầu phố nữa kia, nên đừng hòng có chuyện “không khép bao giờ “ nhé. Tiếng đàn vẫn cứ lênh đênh dìu dặt, giá mà mở được cửa sổ, để vừa ngắm trăng vừa…ơ mà cóc thèm, nhắc đến trăng là tôi lại sôi gan lên vì tức và cả tiếc nữa. Tôi vùng vằng kéo tấm mền trùm kín đầu, bịt cả hai bên gối vào tai, tiếng đàn bướng bỉnh vẫn cứ len vào, len vào rất nhẹ, và rồi tôi thiu thiu thiếp đi trong sự bướng bỉnh ấy.
Tiếng mẹ gọi í ới làm tôi bừng tỉnh giấc, trời đất, sáng bét ra rồi, nhanh nhanh kẻo đi học muộn mất. Tôi quáng quàng xỏ dép, lao tuốt vào nhà vệ sinh, mẹ nhìn tôi lắc đầu :
_ Con gái hư chưa kìa, không gọi chắc còn nướng đến cháy đen luôn quá, mai này làm dâu nhà ai, khéo họ chửi cho vuốt mặt không kịp.
Tôi vừa rửa mặt vừa nói nhây :
_ Tôi gì đi làm dâu hả mẹ ? Bắt họ về nhà mình không sướng sao ?
_ Thôi đi cô, nuôi báo cô một người tôi đã muốn chết rồi, cô còn định bắt tôi phải nuôi thêm người nữa à.
_ Mẹ yên tâm đi, con học ra trường là con đi làm nuôi mẹ vô tư rồi, ai mà có ý đồ thì cũng phải biết phụng dưỡng mẹ con, chứ không thì đừng hòng.
_ Chỉ giỏi liến thoắng cái miệng là không ai bằng, chờ đến lúc cô nuôi tôi thì có mà…

Mẹ tôi nói trong nụ cười mãn nguyện, tôi biết mẹ đang vui, nên bá cổ mẹ nũng nịu :
_ M…ẹ , mẹ cứ chê con gái mẹ không à, nhà chỉ có hai mẹ con mình, con không nuôi mẹ thì ai chứ.
_ Thôi thôi, được rôì, mẹ biết con gái mẹ ngoan, có hiếu lắm rồi, chỉ phải mỗi cái tội lười thôi, đứa nào mà nó biết lớn chừng đó rồi mà còn chờ mẹ nấu cơm cho ăn, còn phải nhắc nhở từng tí một, có mà nó vắt giò lên cổ mất thôi.
_ Chạy lui lấy đà chạy tới đó mẹ.
Mẹ tôi lườm yêu rồi bảo :
_ Ăn sáng đi còn đi học, sớm lắm đấy mà cứ bông phèng mãi.
Cản ơn mẹ bằng một cái hôn, rồi tôi nhanh chóng thu dọn ổ bánh mì với quả trứng gà ốp la mẹ đã làm sẵn. Xong, dắt chiếc xe đạp mi ni ra cửa, tôi chào mẹ rồi vén tà áo dài, điệu đàng ghé lên yên xe. Bên hàng xóm, cũng một cái yên xe vừa có chủ, nhưng đó là cái yên của xe cúp, phớt cái nhìn qua cặp kính trắng, tôi kiêu kỳ hểnh mặt nhấn pia đan .. Chỉ cần hơn một cấp phương tiện, thì người ta cũng đã dễ dàng hơn mình cả một chặng đường rồi, tiếng động cơ sau tôi, rồi qua tôi, rồi thản nhiên băng lên phía trước. Không một cái liếc, không một cái ngoái lại, đồ…đồ…cục tự ái chèn ngang, tôi chợt phì cười một mình khi nhận thấy mình thật vô lý, quen biết gì đâu, đường họ họ đi, nẻo mình mình bước, can chi mà…vô duyên, đúng là thứ tự ái của con gái đỏng đảnh. Rồi một ngày cũng trôi qua với nhịp sống bình thường, chỉ khi vầng trăng nhô cao khỏi cây phượng đầu phố, mới là lúc tôi mất bình thường. Bỗng nhiên mà tôi và ánh trăng bị cấm vận, vô lý không chịu được, ừ mà sợ quái gì hắn chứ, cửa nhà ta ta cứ mở, ai cấm nào. Hai cánh cửa hùng dũng bung ra, tôi giật thót người khi cả ánh trăng lẫn ánh mắt sau cặp kính lay láy lọt vào cùng một lúc, thẹn quá hóa giận, tôi lại sập cửa đánh sầm một tiếng, mẹ tôi lại la lên:
_ Gì đó Duyên ? Sao mà cửa nẻo cứ rầm rầm vậy ?
Tôi chống chế :
_ Tại gió thổi đó mẹ.
_ Gió quá thì đừng mở nữa, cứ vậy hư cửa hết.
Tôi lầm bầm : Mẹ chẳng nói thì con cũng không mở nữa. Sao mà tự nhiên trời nóng nực quá vầy nè. Mở công tắc quạt, ngọn gió vù vù mà sao vẫn không thấy mát mẻ dễ chịu như gió trời, chợt thèm quá những hôm mở phanh hai cánh cửa đón luồng gió hây hẩy, thanh thoát, mát rười rượi. Trăm tội trăm nợ chỉ tại cái gã chết tiệt ấy. Chẳng hiểu gã từ đâu tới nhỉ ? Nhà chú Hải có bao nhiêu người tôi đều biết cả mà, ngoài cô chú ra là hai đứa trẻ nhỏ hơn tôi vài tuổi, thỉnh thỏang vẫn qua lại giữa hai nhà, tôi có thấy thêm nhân vật nào đâu. Hắn có quan hệ thế nào với chủ nhà ? Cháu hay là…à phải rồi, chắc người ở trọ, hôm lâu lâu rồi, tôi nhớ cô Hải có nói là xem có sinh viên nào hiền hiền, cô cho ở trọ. Chắc là hắn rồi, sao cô Hải không chọn con gái mà cho trọ nhỉ ? Con trai…dù không muốn vơ, nhưng rõ ràng con trai dễ sinh chuyện rắc rối hơn, thì đây đã là một chuyện rắc rối rồi đây.
Hình như lại có tiếng đàn, đúng rồi, cái gì, lại “Hương thầm”. Học, học, cóc thèm nghe, thầm với thì, đừng có mà mơ. Mai có giờ kiểm tra, suýt nữa quên thì chết toi rồi. Này sách, này vở, này bút thước…Mọi thứ đã bày ra bàn, vở đã lật ra, sách cũng đã lật ra, nhưng những con chữ vẫn cứ như quân múa rối. Thế này thì quá quắt thật, phải làm sao đây ? Dễ thường tiếng đàn này như một loại âm khí trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung quá, không chừng nó cứ len lỏi vào tận tim gan phèo phổi, làm tiêu tán cả mười thành công lực của ta chứ chẳng chơi. Bông gòn, chí lý, hai cục bông gòn to tướng được ấn nhét thật cẩn thận vào hai lỗ tai, tịt mít cả đường đi lối ve. Vẫn còn hơi văng vẳng, không sao, tập trung tư tưởng một cách tối đa thì tà ma cũng phải nhường bước. Mà thật, quyết tâm cắm cúi vào bài vở một lúc, tôi không còn bị chi phối gì nữa. Đến chừng xong xuôi cả, tôi thở ra một hơi dài chiến thắng, đấy biết mà, cứ quyết tâm cao thì sẽ làm được thôi, giờ thì cho hai lỗ tai thoáng một chút. Nút bông gòn vừa được tháo ra, tiếng đàn xục vào ngay như mừng rỡ. Tốt thôi, được ru ngủ miễn phí sướng quá còn gì, và cũng như đêm trước, tôi thiếp đi trong tiếng đàn, đêm sau đêm sau nữa cũng thế, tai hại hơn là tôi như đâm ghiền tiếng đàn, và có thói quen đoán trước bài sắp tới, hầu như tôi đoán trúng khá nhiều, và phần lớn trong số đó là những nhạc phẩm tôi thích.

Rồi mặc nhiên, tiếng đàn trở thành một thói quen. Nhưng có một điều lạ là, ban ngày đôi khi chạm mặt nhau ngoài đường, cả hai vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng xa lạ, thậm chí không cả cái cười xã giao, đàn ông gì mà tệ thế chứ, cái miệng của hắn cũng đóng chặt như cánh cửa sổ của tôi vậy. Chả hiểu hắn là người như thế nào nữa, kín đáo hay kiêu ngạo, nhút nhát hay tự ti ? Tôi bất ngờ nhận ra những suy nghĩ về hắn đã chiếm mất khá nhiều thời gian của tôi rồi, lạ hơn là tôi không hề có cảm giác khó chịu với phát hiện này, lạ nữa tôi đâm ra siêng học, siêng đến nỗi mẹ tôi cũng hơi một chút ngạc nhiên khi thấy tôi cứ tối đến, ăn cơm xong, rửa vài thứ chén bát rồi lao về phòng, tôi viện lý do là gần thi, bài vở nhiều, mẹ tôi còn ra sức bồi dưỡng cho tôi nữa, kể ra thì tôi cũng không hoàn toàn dối mẹ, và những điểm số của tôi vẫn duy trì ở mức tương đối khá.
Cô Thanh dạy văn bước vào, làm cả lớp đang ồn như cái chợ vội im bặt, cuống quýt đứng dậy chào.
_ Hôm nay cô giới thiệu với các em là có mấy anh chị giáo sinh đến dự giờ lớp ta, các em nên chú ý giữ trật tự và học cho tốt nhé.
Cả lớp đồng thanh “ dạ” rồi hồi hộp nhìn ra cửa. Một ..hai..ba..bốn ủa…hổng lẽ…cái cặp kính chình ình kia, lại khóe miệng hơi một nét cười như chế giễu …trời, tôi ngớ người quên chào theo cả lớp. Hắn là người đi vào sau cùng, và tiến thẳng đến chỗ tôi, cứ như là hắn biết rõ tôi ngồi đấy từ bao giờ rồi vậy. Tôi mím môi quay đi chỗ khác, cô Thanh đang xếp chỗ cho mấy anh chị kia, và tôi giật mình khi nghe tiếng cô:
_ Duyên, em ngồi vào trong một chút, thầy Lương ngồi đây.

“ Chúa ơi !” Không phải là con chiên tôi vẫn thốt gọi thầm như một tín đồ ngoan đạo nhất, chuyện gì thế này? Sao trên đời lại có những ngẫu nhiên lạ lùng đến thế. Tôi nhích vào nhưng vẫn kịp liếc hắn để phải thấy một nụ cười đáng ghét. Tôi ẩy nhỏ Hà:
_ Mày lui ra một chút nữa coi.
Nhỏ Hà nhăn nhó nhưng rồi cũng phải dịch ra đến sát mép bàn. Cả một tiết học, tôi và hắn rõ ràng là những học sinh ngoan, ngoan trên cả yêu cầu nữa. Tiếng chuông reo bao hết giờ, hắn thu dọn sổ tay, và chợt nói nhỏ:
_ Tối nay có trăng, bé hãy mở cửa sổ ra đi nhé.
Không kịp để tôi phản ứng, hắn đi ngay, tôi cứng đờ như Từ Hải. Nhỏ Hà lom lom nhìn mặt tôi:
_ Mày sao vậy?
Tôi giật mình:
_ Có gì đâu.
Từ chiếu đến tối, tôi như người say sóng, làm gì cũng lóng nga lóng ngóng, lụp chà lụp chụp, mặc dù tôi đã cố tự nhủ chẳng có gì phải bận tâm. Trong đầu óc tôi vẫn âm âm câu hắn nói, sao mà cú sút đầu tiên vào màng nhĩ tôi lại trầm ấm đến thế. Cái con bé ương ngạnh bướng bỉnh trong tôi trốn đâu mất rồi ? Đồ hèn, vừa ra trận đã bỏ mặc tôi bơ vơ rồi. Tối đến, ăn vội chén cơm, tôi nói với mẹ là hơi nhức đầu muốn nghỉ sớm, làm mẹ tôi lo lắng vội vàng tìm thuốc, phải trấn an mẹ mãi mới yên. Tôi bịt tai, mắt đăm đăm nhìn cánh cửa sổ đầy bụi. Không, tôi không mở, không mở thật mà. Ai lại bó giáo quy hàng một cách dễ dàng thế. Không, dứt khoát là không mở, mà cũng không nghe nữa, đúng là ngón đàn của hắn là một thứ võ công siêu đẳng, đã thâm nhập lục phủ ngũ tạng của tôi mà phá hết thành công lực rồi. Nhưng quái lạ, sao hôm nay không có tiếng đàn nhỉ ? Tôi nhìn đồng hồ, trễ hơn giờ mọi ngày rôì, hắn có bị làm sao không ? hay hắn bận đi đâu chưa về ? hay hắn giận ? không có lý, nếu giận thì đâu có nói với tôi như thế chứ. Nỗi lo tăng lên, sức phản kháng yếu dần, tôi lần đi đến cánh cửa sổ, rụt rè đưa tay lên chốt lại rụt lại, cứ như chạm phải lời thề vậy. Lần thứ ba thì cái chốt được đẩy lên, cánh cửa nhích dần ra, và tôi chợt như muốn níu lại khi một cơn gió hất nó ra nhanh hơn, và cũng như lần trước, cả ánh trăng cùng ánh mắt sau cặp kính lấp lánh ùa vào một lúc, nhưng lần này tôi không đóng ập cửa lại được nữa, vì từ cửa sổ bên kia, một cái cây máng trên ngọn một mảnh giấy cùng một bông hoa vượt không gian sang cửa sổ bên này, tôi gỡ mảnh giấy ra xem “Đừng đóng cửa nữa nhé” . Hai má tôi nóng lên, trông sang đôi mắt đang chờ đợi, tôi ngượng ngùng gật nhẹ. Mẹ ơi ! mẹ có biết con gái mẹ bỗng trở nên e lệ, dịu dàng từ lúc nào rồi không ?
Đàm Lan