Chào các bạn,
Nếu bạn muốn giỏi đàn, giỏi đá bóng, giỏi toán, giỏi văn… giỏi bất kì môn nào trên đời, thì bạn phải làm gì? Bạn có thể đọc sách về các môn đó lâu năm để giỏi được không? Hay là bạn phải bỏ mỗi ngày ít ra là 1 tiếng đồng hồ để tập luyện về môn đó?
Tự duy tích cực cũng vậy. Tư duy tích cực đòi hỏi tu luyện hàng ngày. Chúng ta không thể đọc các bài tư duy tích cực trong một quyển sách nào đó, hay trên Internet, và có thể tư duy tích cực. Rất tiếc là đa số chúng ta sống như thế. Cứ đọc ngấu đọc nghiến điều gì ta thấy hấp dẫn, và tự bảo là như thế là ta biết môn đó, mà không hề bỏ ta công sức để tập tành một phút nào cả.
Nhiều người còn có thói quen, dùng tư duy tích cực như một đề tài để nói và viết, đọc ở đâu đó vài bài rồi góp nhặt viết lại thành bài của mình, nghe rất kêu, nhưng chẳng nghĩa lý gì cho chính mình hay cho ai cả, vì chính mình cũng chưa hề tập luyện một giờ nào.
Tư duy tích cực đến từ công phu tu luyện. Nếu bạn không tập võ một ngày nào, đừng tưởng tượng công phu mình đã đến lúc tung mình lên trời đá song phi.
Chuỗi bài tư duy tích cực trên Đọt Chuối Non có hơn 600 bài. Đó là quá quá quá nhiều. Thực ra tất cả tư duy tích cực chỉ nên dưới 100 chữ. Thật ra, dưới 20 chữ là tốt nhất. Người tu tập, thường chẳng cần một chữ nào. Các thiền sư thường vô ngôn. Viết nhiều đọc nhiều là bệnh của chúng ta trong thời Internet, và nó làm cho chúng ta dễ lạc đường, cứ nghĩ rằng viết và đọc là mục tiêu chính.
Tư duy tích cực có hai bước chính:
1. Khi bạn hoàn toàn bi quan và thiếu tự trọng, không xem mình ra gì cả, thì bạn phải tập luyện suy tư và hành động để làm vững chính mình và cái nhìn của mình: Tôi vững mạnh, tôi quyết định vận mệnh của tôi, tôi có thể thành công nếu tôi muốn.
Đó là giai đoạn của nửa ly nước: Nửa ly nước, có thể nói là đầy nửa ly hay cạn nửa ly. Đàng nào cũng đúng. Chỉ là vấn đề lựa chọn của bạn.
Cái nhìn của ta về chính mình, về mọi người chung quanh mình, về thế giới của mình là cái nhìn “đầy nửa ly” hay “cạn của ly” do ta lựa chọn. Và mỗi lựa chọn là một con đường sống khác nhau.
2. Khi cái tôi đã vững, chúng ta phải thoát ra khỏi cái tôi, vì cái tôi là đầu mối của mọi tội lỗi—tự cao, tự kiêu, ngã mạn, vô cảm, thành kiến, hẹp hòi, tham lam, dữ dằn…
Lúc này là lúc ta phải đi vào “không tôi”, vào vô ngã, vào khiêm tốn thật sự, vào “giao phó cuộc đời trong tay chúa” (total submission, total surrender).
Đây là cái học của người đã có bằng tiến sĩ và bắt đầu quên mất là mình có bằng, bắt đầu khám phá những bí quyết của môn học bằng cái nhìn bỡ ngỡ của trẻ thơ, hỏi mọi điều, mần mò mọi điều, khám phá sự thật bí ẩn của mọi điều.
Đây là mức độ của các trường phái tâm linh của con người. Các trường phái suy tư không tâm linh không thể đến được mức này, và chỉ nằm ở mức con người tranh đấu lẫn nhau với những ham muốn, ước vọng và cuồng vọng của mình.
• Nếu là Phật giáo thì ta tự quán mình đến lúc thấm nhuần toàn tâm toàn trí là “ngũ uẩn giai không” (con người ta là không—Bát Nhã Tâm Kinh), lúc đó ta đạt được “vô ngã”, được “không tôi”, ta không còn bị “cái tôi” chi phối trong tư duy và hành động của mình.
• Nếu là dòng tâm linh Moses (Do thái giáo, Thiên chúa giáo—công giáo, chính thống giáo, các nhánh tin lành—và Hồi giáo), thì ta “giao phó” mình hoàn toàn cho Thượng đế–total surrender to God. Suy tư và sống hoàn toàn do thượng đế chi phối và điều khiển. Cái tôi hoàn toàn biến mất vào tay thượng đế, chỉ có thượng đế sống trong tôi. Tôi và ý chí của tôi biến mất, chỉ có thượng đế và ý muốn của thượng đế trong tôi.
Cả hai mức “vô ngã” cùa Phật gia và “hoàn toàn giao phó” của dòng Moses (Môi Sen hay Mai Sen) đều rất khó đạt và phải được tu tập công phu nhiều năm tháng. Có người sẽ không bao giờ đạt dược cả đời.
Ngược lại, vẫn có người đạt được mức này rất nhanh, như Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông, Thánh Têrêsa Hài Đồng… Đó là những người có căn cơ, hoặc có lòng yêu thương Thượng đế cực mạnh.
Cho đa số chúng ta, mức này chỉ có thể đạt được bằng tu luyện mỗi ngày, hoặc bằng thiền quán, hoặc bằng kiên tâm cầu nguyện đối thoại với Thượng đế (với Christ), rất nhiều tháng nhiều năm.
Cả hai phương thức, dù có tên khác nhau đều có vài điểm căn bản chung:
(1) Tĩnh lặng,
(2) quán sát tư duy và hành động của chính mình,
(3) để “cái tôi” của mình hoàn toàn không còn ảnh hưởng gì đến tư duy của mình nữa–một tâm hoàn toàn trống rỗng, và
(4) tâm trống rỗng đó
- (a) trong truyền thống Phật gia, tự nó Đi Như Thế Đến Như Thế–tức là “tâm Như Lai”, hay
(b) trong truyền thống Moses, được chuyển động bởi quyền lực siêu nhiên tối hậu—mà ta gọi là Thượng đế, Chúa, hay Christ.
Dù là trường phái nào đi nữa thì chúng ta cũng không cần thêm lý thuyết và giải bày, mà chỉ cần kiên tâm thực hành, tu luyện—ít nhất là nửa tiếng tĩnh lặng để thiền quán hay cầu nguyện mỗi ngày; lý tưởng nhất là thiền quán hay cầu nguyện mỗi giây trong ngày dù bất kì ta đang làm gì.
Và cứ như thế cả đời mình.
Chúng ta hãy thực tập đi, và đừng nói nhiều.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com