Chào các bạn,
Đề tài này là ba điều căn bản cho chính bản thân mỗi người chúng ta, và cũng cho đất nước của ta—cho ta và cho đất nước ta cùng một lúc. Sở dĩ thế vì thường là điều gì tốt cho ta thì cũng tốt cho đất nước–đất nước chỉ là các cá nhân chúng ta tụ lại mà thành.

Nhưng tại sao chúng ta muốn nói đến “ta” và “đất nước” như cặp bài trùng? Thưa, vì đó là một điều tương đối hiển nhiên nhất để sống với cái “ta” không vị kỷ. Ta mà chỉ là “tôi” thì rất vị kỷ. Ta cho “cô hàng xóm” bên cạnh, cũng rất vị kỷ. Ta cho “gia đình” của ta, thì ít vị kỷ một tí hơn “tôi”, nhưng vẫn còn rất vị kỷ.
Ra khỏi gia đình mới bắt đầu hết vị kỷ–làng xóm, thành phố, đất nước. Cho các tập thể ngoài gia đình, “dân tộc” hay “đất nước” thường được sử dụng nhiều nhất để nói đến cái tâm phục vụ, cái tâm vị tha của con người. Nếu ta nói “nhân loại” thì càng tốt hơn cả “đất nước.” Nhưng “nhân loại” thường quá rộng và quá trửu tượng cho những người trung bình để họ có thể nắm được ý tưởng, trong khi “đất nước” thì rất rõ ràng cho đa số người trên thế giới, nên ở đây ta dùng “đất nước.”
Cho cả ta và đất nước, có ba điều cản bản mỗi chúng ta cần thành thục:
1. Tính sáng tạo: Nếu không sáng tạo thì năm nay đang ngủ trong hốc đá như người ở động đá (caveman), một ngàn năm nữa con cháu vẫn ngủ trong hốc đá.
Tính sáng tạo đòi hỏi ta đặt câu hỏi thường xuyên: Tại sao không ngủ ngoài trời? Tại sao không làm cách nào để ngủ gần bờ biển thay vì trên núi? Tại sao ta không ngủ bất cứ nơi nào ta đang đứng ban đêm? Làm sao để thực hiện được các ý định đó? Tại sao cha ông ta làm điều này? Tại sao ta nên làm theo? Tại sao ta nên làm khác đi?…
Phân tích (hỏi) và phê phán là điều kiện tiên quyết để sáng tạo. Không hỏi và phê phán—chỉ biết gọi dạ bảo vâng ăn ngủ–thì không thể có sáng tạo.

2. Tính hành động: Hỏi 100 năm cũng chẳng được gì nếu ta không hành động. Hành động là… hành động. Nếu khu xóm ta nhiều rác quá, ngưng xả rác và bắt đầu nhặt rác, ít nhất là quãng ngay trước nhà mình.
Việc này không cần suy tính, chiến lược chiến thuật, vận động tuyên truyền. Cứ làm đi, ngay lúc này, làm được việc gì có thể làm lúc này. Hành động làm cho thế giới thay đổi. Hành động là sáng tạo ra điều mới, là biến tư tưởng sáng tạo thành hiện thực sáng tạo.
3. Kỹ năng làm việc nhóm (teamwork)
Đây là kỹ năng yếu nhất của người Việt. Nếu bỏ tất cả mọi sự và kể đến chỉ một điểm yếu của người Việt mà ta cho là đầu mối của tất cả mọi nghèo đói của dân ta, thì ta có thể nói đến “teamwork.”
Và vấn đề teamwork chúng ta đã có cơ hội nghiên cứu nó 35 năm liền trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây là một môi trường lý tưởng để nghiên cứu vấn đề rất rộng lớn này. Ở trong nước thì xưa nay vẫn không được tự do ăn nói và tổ chức như ở nước ngoài, cho nên nghiên cứu về teamwork không được tốt.
Ở nước ngoài, người Việt chúng ta có tự do muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, muốn thành lập hội hè bè nhóm gì đó thì tha hồ. Và hậu quả 35 năm liền cho thấy, chúng ta chưởi bới nhau, đì nhau, hạch sách nhau, sát phạt nhau… thường xuyên, hàng ngày, đủ mọi cách… dù cho mọi người than phiền chán nản, dù cho mọi cố gắng để “đoàn kết”, dù cho người “trí thức” hay “chân tu” nhúng tay vào … dù cho… dù cho… Nếu tụ 10 người Việt ngồi lại làm việc, rất có khả năng lớn là trong một thời gian rất ngắn, 10 người này sẽ chia thành ba nhóm thanh toán nhau… tìm cách đì nhau… Dù cho ai có giải thích khuyên lơn thế nào cũng vô ích. Câu chuyện “teamwork” của người Việt ngày nay vẫn còn nóng hổi với các spam mail mà các bạn nhận hàng ngày, và nếu các bạn đã từng bỏ vài giây liếc qua các spam mail là thấy ngay các đấu đá. Chẳng có gi đáng ngạc nhiên.

Điều quan trọng là, mọi người trong cuộc đều có lý đo để tin rằng họ hành động kiểu trẻ con và bệnh hoạn như vậy là đúng—vì hắn gian đối, vì hắn tự kiêu, vì hắn không biết teamwork, vì hắn quá cực đoan, vì hắn quá bảo thủ, vì hắn chẳng hiểu gì, vì hắn… vì hắn…
Các “vì hắn…” này luôn luôn đúng, thế mới chết. Ít nhất là đúng với người nói ra từ “vì hắn.” Và nếu bạn nghĩ là người đó nói sai, thì bạn chẳng hiểu gì hết. Không thể giả thiết là mọi người nói sai hết như vậy.
Thông thường là, người nói “vì hắn…” có một vài căn bản nào đó trên thực tế để quyết đoán điều “vì hắn…” này. Và chính vì vậy mà người nói “vì hắn” thường nói đúng một phần nào đó, dù chưa chắc đúng 100%; ít ra là thế trong đầu họ. Và vì vậy, người đó thực sự có vấn đề “với hắn” và “với cả team.”
Và chính vì “vì hắn” thường có căn bản chủ quan “đúng” như thế, cho nên người Việt chúng ta có vấn đề teamwork rất lớn, không thể giải quyết được.
Nếu so sánh tác phong teamwork của người Việt và người Mỹ (là nhóm dân mình có kinh nghiệm quan sát rất kỹ), thì người Mỹ cũng có hàng triệu cái “vì hắn…” chẳng khác ta một tí nào. Điểm khác biệt duy nhất là ta dùng “vì hắn” để đập vỡ team, thì người Mỹ tự động gạt tất cả các “vì hắn…” ra khỏi đầu khi ngồi vào team.
Khi ngồi vào team người Mỹ có một thái độ duy nhất: Cả team phải làm việc với nhau thế nào để làm lủng lưới địch thủ. Tất cả mọi tư tưởng khác về đồng đội sẽ tự động bị gạt ra ngoài suy tưởng—tên này hay tranh công, tên này hay giữ bóng trong chân hắn, tên này hay ba hoa, tên này hay kiêu căng… Tất cả các định giá này vẫn có đó, nhưng không ai nghĩ đến nó khi làm việc cho team. Nếu cần thì nhắc một câu “Cậu đừng giữ bóng trong chân lâu quá” hay “cậu đừng ham tranh công nhiều thế, có hại”—nhưng dù là gì, thì tất cả đều không ảnh hưởng đến mục tiêu duy nhất trong các nhóm viên là “làm việc chung để thắng.”
Trong một nhóm chỉ có một tư tưởng là đúng: “Làm việc chung để thắng.” Tất cả các chuyện khác–vì hắn… vì mày… vì anh…–không bao giờ được cho phép ảnh hưởng gì cả trong một team Mỹ. Một người có thể mắng người kia việc gì đó—stupid, tham lam, v.v…–và những lời mắng như vậy, đù đúng hay sai, thường bị gạt ra ngoài đầu ngay lập tức. (Nếu ấm ức, thì thắng xong có thể ra ngoài uống cà phê hỏi lại cho rõ. Nhưng khi đang làm việc team thì chẳng ai thắc mắc. Nếu có người thắc mắc, họ sẽ nhận được những cái nhìn ngạc nhiên tròn xoe. “Sao lại nói chuyện đó lúc này?”).
Đây là văn hóa sống, văn hóa team, ta không thể nói “Tại sao họ không giải quyết xong các ‘vì hắn’ trước khi ngồi vào team?” Câu trả lời là “không thể”, vì ta luôn luôn có hàng chục “vì hắn” cho mỗi người—và “không cần”, vì ta đã gạt bỏ hết mọi “vì hắn” như là không quan trọng khi ta làm việc nhóm. Hắn có kiêu căng hay lười biếng hay thích tranh công cũng chẳng ai quan tâm, miễn hắn chuyền bóng tốt cho anh em là được.
Chúng ta đã may mắn có 35 năm kinh nghiệm và quan sát để biết được vấn đề teamwork của chúng ta nằm ở đâu, mạnh đến thế nào, và thế nào để giải quyết. Và chúng ta phải giải quyết nó, nếu ta muốn đất nước ta ra khỏi cái nghèo hèn truyền kiếp.
Và cách giải quyết rất giản dị: “Khi ngồi vào team chỉ có một qui luật là đúng: Làm việc chung để thắng.” Tất cả mọi “tại vì… vì hắn… vì anh…” đều phải đặt bên ngoài đầu, và đều phải xem là sai khi nó chúng còn ở trong đầu.
Qui luật giản dị. Nhưng việc quan sát teamwork của chúng ta trong 35 năm qua cho biết đây là vấn đề khó khăn hàng đầu cho người Việt, không gì khó hơn. Chỉ vì ta… không làm thế được.
Nhưng dù được hay không thì vấn đề vẫn rất giản dị: Tương lai của mỗi người chúng ta và của đất nước nằm trong tay teamwork này.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
Bài liên hệ: Làm việc nhóm: Bách chiến bách thắng, Teamwork: thăm lại.
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com