Chào các bạn,
Chúng ta đã nhiều lần nói đến cụm từ “thấy sự vật như nó là” (seeing everything as it is). Hôm nay chúng ta nói sâu hơn một tí về cụm từ nay.

“Thấy sự vật như nó là” (seeing everything as it is)—tức là nhìn sự vật một cách “vô tình” (non-emotional), thấy sự vật một cách “vô tình”, không mang cảm tính của mình vào cái nhìn, cái thấy. Trời mưa thì thấy “trời mưa”, chứ không thấy “mưa buồn” hay “mưa vui”. Trời nắng thì thấy “trời nắng” chưa không thấy “nắng đáng ghét” hay “nắng đáng yêu”. Chỉ nhìn sự vật, thấy sự vật, và không thấy cảm tính vào đó.
Cái nhìn nầy còn gọi là “vô tâm” (no mind) trong Thiền, dù rằng từ “vô tình” có lẽ dễ hiểu hơn. Cái nhìn này cũng là cái nhìn rất chính xác, vì nó nhìn sự vật rõ ràng “như nó là”, không bị bức màn cảm tinh che đậy cái nhìn. Tức là, không bị cảm tính làm cho mình “si mê”, tức là sáng suốt, tức là “ngộ.”
Nhìn sự vật như nó là cũng là cái nhìn giúp cho ta tĩnh lặng luôn luôn và chận đứng được những xung động trong lòng. Ví dụ: Thấy người yêu mình ngồi ăn trưa với một chàng thì chỉ thấy hai người ngồi ăn, chứ không “thấy” thêm “cô ấy có thằng bồ khác” Thấy hai người họ hôn nhau thì thấy “họ hôn nhau, và có thể kết luận chính xác và họ cặp bồ hay yêu nhau” nhưng đừng thấy thêm “cô ấy khinh thường mình” hay “cô ấy phản bội mình.” Cô ấy nói cô ấy yêu chàng kia và không yêu mình nữa thì thấy là cô ấy không yêu mình nữa, đừng thấy thêm “Cô ấy xảo trá, đại gian đại ác.” Thấy mình vò võ một mình thì thấy mình có thể mở cửa cho các nàng khác (chắc chắn), chứ không thấy “thê giới sụp đổ” (suy đoán).
Nói chung, “thấy sự vật như nó là” tức là chỉ thấy đúng cái gì mình thấy, và không suy đoán kết luận thêm lăng nhăng.

Chúng ta có thể thấy rất dễ dàng là “thấy sự vật như nó là” có những cái lợi sau:
1. Tâm ta luôn tĩnh lặng an lạc, không nhảy choi choi theo mọi suy đoán lăng nhăng hàng ngày.
2. Ta luôn luôn sáng suốt khi nhìn vấn đề, mà không bị các cảm xúc và tình cảm làm cho cái nhìn bị lêch lạc.
3. Tâm trí luôn luôn tự do, không bị vướng mắc vào các tình cảm và định kiến. (Định kiến cũng chỉ là tình cảm. Ta có định kiến về việc gì đó chỉ vì ta quá “mê” kêt luận có sẵn trong đầu ta thôi. Ví dụ: Định kiến “da đen thì dốt”. Sở dĩ ta có định kiến này vì ta mê cái kết luận “da đen thì dốt” đến mức làm cho đầu ta không thể buông bỏ định kiến đó, và ngừng suy nghĩ—hễ thấy da đen liền cho là dốt, khỏi suy nghĩ mất công).
Trong liên hệ con người, người “thấy sự vật như nó là” không phán đoán ai cả–chỉ thấy mà không suy diễn, nên không phán đoán. Phán đoán là nguồn gốc chia rẽ số một của con người. Người bị phán đoán thì đau đớn, người phán đoán thì ít nhất là vừa đạo đức giả vừa bất công.
“Đừng phán đoán, hay là bạn sẽ bị phán đoán. Cùng cung cách bạn phán đoán người khác, bạn sẽ bị phán đoán, và cách đo nào bạn dùng, sẽ được dùng để đo bạn.
Tại sao bạn tìm một mụn cưa trong mắt của anh em bạn và không để y’ đến tấm ván trong mắt bạn. Làm sao bạn có thể nói với anh em bạn, ‘Để tôi lấy mụn cưa ra khỏi mắt anh,’ trong khi còn cả tấm ván trong mắt bạn? Này đạo đức giả, trước hết hãy lấy tấm ván ra khỏi mắt bạn, rồi bạn sẽ nhìn rõ được để lấy mụn cưa ra khỏi mắt của anh em bạn.” Jesus of Nazareth, (Matthew 7:1-5).
Phán đoán người khác là đầu mối mọi chia rẽ và chiến tranh trên thế giới. Mà phán đoán người khác thì luôn luôn từ hoàn toàn sai đến sai tí tí, chẳng bao giờ hoàn toàn đúng được, vì mình đâu có biết được tâm người khác đâu.
Chỉ có một người mà ta có thể phán đoán chính xác nhất là chính ta, thì ta lại không làm.
Thế có phải vừa si mê vừa đạo đức giả không?

Nếu bạn muốn tĩnh lặng, thông thái, nhân ái, không mù quáng si mê, thì hãy tập “nhìn/thấy sự vật như nó là”, không đắp lên sự vật các màn cảm tính, và không phán đoán gì cả. Khi sự vật có kết luận, đương nhiên ta sẽ thấy kết luận của sự vật bằng “nhìn nó như nó là,” mà chẳng cần suy diễn lăng nhăng trước đó.
Trong các kỹ năng tư duy tích cực thì kỹ năng “nhìn/thấy sự vật như nó là” là dễ thực hành nhất, vì nó rất công thức—cứ nhìn và không thêm cảm tính hay suy đoán. Thật ra các điều tra viên sống với kỹ năng này hàng ngày—điều tra “lạnh lùng”, không cảm tính, sự việc đưa đi hướng nào thì điều tra theo hướng đó, không suy đoán và kết luận lăng nhăng. (Điều tra viên suy đoán chỉ để định hướng điều tra, không phán đoán và kết luận trước khi kết luận đã rất rõ ràng). Chỉ có điều tra “vô tình” “lạnh lùng” thì mới có thể điều tra chính xác được.
Tuy thực hành giản dị thế, nhưng đại đa số người trên thế giới rất thích “bình”. Làm thơ thì phải là “mưa não nùng” thì mới cho là hay, chứ chỉ “mưa rơi” thì chê dở. Thấy ai làm gì đó, là lo phán đoán lên án xuống án lung tung, đù đó không là chuyện của mình, và mình biết chỉ khoảng 1/10 câu chuyện và chẳng biết trong lòng mỗi người trong cuộc họ nghĩ thế nào, cảm xúc thế nào. Thế thì đừng đổ thừa cho các tay khủng bố làm thế giới đại loạn. Đại loạn đi ra từ tâm phán đoán của mỗi người phán đoán. Và mỗi lần ta phán đoán một chiều, là ta thải thêm hơi độc vào bầu khí quyển. Hơi độc đó giúp tạo ra các tay khủng bố.
Đây là vấn đề căn bản chia con người trên thế giới thành hai nhóm—nhóm thông thái và nhóm si mê. Thấy sự việc rõ ràng là thông thái; thấy bậy bạ vì mình kết luận lăng nhăng là si mê.
Ta có tự do lựa chọn đứng vào nhóm nào.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
Bài liên hệ: Vô tâm
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com