Thứ ba, 5 tháng 5 năm 2009

Bài hôm nay:

Lời Hay – Henry Van Dyke , Video, song ngữ, trích dẫn của Henry Van Dyke, chị Huỳnh Huệ dịch và soạn thảo slideshow.

Ngày trẻ em 5 tháng 5, Nhật bản , Văn Hóa, Video, chị Loan Subaru viết và nối link.

Thử thách Anh ngữ hàng ngày, anh Trần Đình Hoành.

Hướng Mặt Trời, Danh Ngôn, song ngữ, Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

Biết mình để truyền thông có hiệu quả, Trà Đàm, Cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh.

William Arthur Ward, Trà Đàm, song ngữ, chị Huỳnh Huệ giới thiêu một nhà giáo dục lớn của Mỹ và dịch bài thơ While của ông.

Có chuyện gì vui, có ích mỗi ngày, Trà Đàm, anh Nguyễn Minh Hiển.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Mexico hạ cấp báo động cúm lợn, và dự tính cho phép nhà hàng, viện bảo tàng và thư viện mở của lại trong tuần này

Multimedia résume, gửi resume online với link đến video của mình !

Số lượng nhà bán ở Mỹ tăng 3.2% trong tháng 3

Khoa học gia nghiệp dư giúp sưu tầm dữ liệu bảo vệ ếch quí hiếm , Suzie Jirachareonkul, 33 tuổi, cô giáo và mẹ của 2 đứa con, ở Capetown, Nam Phi, lặn lội những đêm mưa để đuổi các chú ếch con dễ thương khỏi đường đi, hòng tránh xe cán dẹp. Một người bạn khoa hoc biết chuyện và cùng cô lập nhóm toadNUTS (Điên vì ếch), sưu tầm dữ kiện về loại ếch qúy hiếm này. Các dữ kiện này được sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học.
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Tuổi trẻ bước vào “Hành trình xanh” – cùng sẻ chia và trực tiếp “biến” những mong muốn môi trường ngày càng tốt đẹp hơn trở thành hiện thực.

Cả làng cùng bảo vệ môi trường – việc bảo vệ môi trường đã được thực hiện suốt mười năm nay tại thôn Chiết Bi, xã Thủy Tân (Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế).

Náo nức tìm hiểu sử Việt – Những ngày này tại nhiều trường học đang rộ lên phong trào tìm hiểu lịch sử sôi nổi từ hiệu ứng cuộc thi “Tự hào sử Việt”.

Vở xiếc “Làng tôi” lưu diễn thế giới – do Liên đoàn Xiếc VN và Hội đoàn Scène de la Terre (Sân khấu địa cầu, Pháp) đầu tư sản xuất sẽ công diễn đêm duy nhất 5-5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, trước khi lên đường lưu diễn ba năm trên thế giới.

Hội trại ‘Tự hào Điện Biên Phủ-Tự hào thanh niên VN’ – diễn ra ngày 3/5 tại TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên, thu hút hàng ngàn đoàn viên thanh niên trên cả nước.

Ban nhạc Ozomatli đến Việt Nam – Ban nhạc Mỹ nổi tiếng thế giới từng đoạt giải Grammy, giải Billboard Latin lần đầu tiên đến VN sẽ biểu diễn tại TP.HCM và Bình Dương từ ngày 11-15/5/2009.

Thành tích cực “oách” của cậu bé 11 tuổi – “Nói tiếng Anh như gió”, giỏi toàn diện các môn, 5 năm liền giành được học bổng Vallet (Pháp)… là những phác họa sơ qua về thành tích của Liên đội trưởng Lê Đức Bảo Trung – học sinh lớp 5B Trường Tiểu học Đồng Mỹ (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Ngày trẻ em 5 tháng 5, Nhật Bản

Vào những ngày đầu tháng năm, trên những vùng quê Nhật Bản bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những chú cá chép màu sắc sặc sỡ đang bơi lội trên bầu trời xanh. Và nếu có dịp đi đến thăm những gia đình có bé trai, bạn sẽ được ngắm nhìn những bộ áo giáp, mũ của các samurai, hay những hình nộm samurai được trang trí trong phòng khách. Tất cả những điều này là một trong những nghi thức cầu chúc cho sự trưởng thành của những bé trai ở những gia đình người Nhật Bản. 

Koinobori
Koinobori

Ở Nhật Bản, có tất cả 5 ngày quan trọng nhằm đánh dấu sự thay đổi của thời điểm chuyển mùa trong năm. Ngày 5 tháng 5 là một trong những ngày quan trọng đó (Tết đoan ngọ), là ngày báo hiệu cho một mùa xuân, mùa cây xanh đâm chồi nảy lộc, mùa sinh trưởng của tất cả mọi loài, đồng thời cũng là giai đoạn dễ phát sinh dịch bệnh, dễ đau ốm do chuyển tiết, chuyển mùa. Bắt nguồn từ những phong tục, nghi lễ được tiến hành trong dịp lễ tết Đoan ngọ của Trung Quốc, gia đình Nhật hoàng và giới quý tộc triều đình cũng tổ chức việc phân phát lá thuốc phòng bệnh, hay tổ chức những buổi lễ phi ngựa bắn cung nhằm phòng trừ tà ma ác quỷ.

Đến thời Kamakura (1185 -1333: bắt đầu thời kì Samurai), các tập tục này được các gia đình Samurai thay đổi bằng việc treo những lá cờ (Nobori), mũ giáp (Kabuto), hay những vũ khí chiến đấu trước cổng và hàng rào nhà mình. Còn với người dân thường thì thay thế bằng những mũ giáp và hình nộm Samurai to lớn, dũng mãnh được làm từ giấy.

Kabuto
Kabuto

Cho đến thời Edo, việc chính phủ Nhật quy định đây là ngày lễ quan trọng trong năm càng làm cho phong tục này lang rộng trong dân gian. Có một điều khác biệt ở đây là ở các gia đình dân thường vì không có cờ để treo như các gia đình Samurai, thay vào đó là những Koinobori (cờ cá chép) rất được yêu thích.

Cờ cá chép bắt nguồn từ chuyện kể về một loại cá chép sống ở sông Hoàng Hà (Trung Quốc) vượt dốc bơi lên thượng nguồn. Do vậy người xưa cho rằng đây là loài cá xuất thế, làm biểu tượng cầu mong cho những đứa trẻ trong nhà sau này lớn lên có thể tự thân lập nghiệp, thành công trên đường đời. Nếu bạn chú ý hơn nữa sẽ thấy cờ cá chép có ba màu sắc: đen, đỏ, xanh biểu hiện cho người cha, người mẹ và trẻ con.

Theo thuyết ngũ sắc:

* Màu đen biểu hiện cho nước vào mùa đông. Mùa đông là mùa vạn vật đều tĩnh lặng, ít hoạt động. Người cha theo quan điểm của người xưa là người phải trầm tính. Còn nước là nơi bắt nguồn của mọi sự sống.

* Màu đỏ là màu của lửa vào mùa hạ. Lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ. Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài. Nên có thể nói là biểu trưng cho hình ảnh người mẹ.

* Màu xanh là màu biểu hiện cho cây vào mùa xuân,mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, vươn thẳng, biểu hiện cho lớn lên của đứa trẻ.

 Như vậy, ba chú cá chép biểu hiện cho sự an định và cung cấp nguồn sống, trí tuệ và nuôi dưỡng, sự trưởng thành và phồn vinh, là những yếu tố không thể thiếu được trong một gia đình đầm ấm, làm cơ sở cho sự trưởng thành hài hòa của những đứa trẻ.

kodomo-no-hi-11Gần đây, do các gia đình sống trong thành phố, vì không có sân vườn để có thể treo cờ cá chép, nên cờ cá chép cũng được thu nhỏ lại để có thể treo ở ban công, cửa sổ trong nhà . Đồng thời, bên cạnh cờ cá chép còn có chong chóng, các sợi dây đủ màu sắc cũng được treo cùng, bay phất phơi trong gió.

 

Dưới đây là 1 đoan video clip với bài hát “Koinobori”. Mời các bạn thưởng thức.

Thử thách Anh ngữ hàng ngày — 5.5.2009

englishchallenge

Chào các bạn,

Bài hôm qua (4.5.2009) vẫn còn nhiều điều chúng ta phải tiếp tục bàn. Tuy nhiên, ta vẫn cứ thêm một bài dịch nhỏ cho thử thách hôm nay. Bài này do chị Huỳnh Huệ gởi đến–bài thơ Dreams của Langston Hughes, và một giới thiêu ngắn về tác giả do chi Huệ viết.

Các bạn cứ tiếp tục dịch và post nhé. Rôi chúng ta sẽ cùng nghiên cứu từng câu từng chữ.

Mến,

Hoành

DREAMS ( by Langston Hughes)

Hold fast to dreams
For if dreams die
Life is a broken-winged bird
That cannot fly.
Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow.

James Mercer Langston Hughes, (1/02/ 1902 – 22/05/1967) là một nhà thơ Người Mỹ gốc Phi. Ông còn là tiểu thuyết gia,  kịch tác gia, cây viết truyện ngắn và nhà bình luận. Ông là một trong những nhà cách tân đầu tiên của thơ ca mới kết hợp nhiều thể loại và nhạc jazz của người da đen. Ông nổi tiếng nhất với những tác phẩm trong thời kỳ Phục Hưng Harlem.

Langston Hughes là tác giả của 16 tập thơ, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và truyện viết cho thiếu nhi. Đáng kể nhất có thể kể đến các tập thơ: Shakespeare in Harlem (Shakespeare ở Harlem, 1942), One Way Ticket (Vé một chiều, 1949), Montage of a Dream Deferred (Dựng lại giấc mơ bị hoãn, 1951), The Panther and the Lash (Con báo và cái roi, 1967); các vở kịch: Mulatto (Người da ngăm, 1935), Black Nativity (Giáng sinh đen, 1961); các tập truyện: Laughing to Keep From Crying (Cười để khỏi khóc, 1952), The Big Sea (Biển lớn, 1940); tiểu thuyết: Not Without Laughter (Cười qua nước mắt, 1930)… Một đặc điểm của thơ Langston Hughes là sự kết hợp nhiều thể loại và sử dụng những bài hát dân gian của người da đen.

Biết mình để truyền thông có hiệu quả

knowthyself2

Nguồn: Tuổi Trẻ
Bài tương ứng trên ĐCN: Biết Mình

Ai trong chúng ta cũng muốn có mối quan hệ sâu sắc với người khác. Ai cũng muốn ảnh hưởng được người khác, mong họ làm theo ý của chúng ta. Ấy vậy mà trong không ít trường hợp, kết quả lại ngược lại. Chúng ta bị xa lánh hay người mà ta muốn ảnh hưởng lại làm ngược ý của chúng ta. Vì sao?

Về mặt chủ quan, chúng ta luôn nghĩ rằng ta muốn điều tốt cho người khác, ví dụ như khi cha mẹ dạy con hay sếp góp ý cho cấp dưới, nhưng thông điệp phát ra không vô thưởng vô phạt. Nó bị tác động bởi những yếu tố chủ quan chi phối người phát ra nó. Ví dụ như những động cơ, nhu cầu, những cảm xúc không làm chủ được khiến cho mục đích truyền thông bị sai lệch.

Ông B ưa “nổ” và trở thành “trung tâm của vũ trụ” trong một tập thể. Ông đùa cũng có duyên nhưng lần lần người ta cũng ngán rồi xa lánh ông. Nhu cầu thầm kín của ông là được coi trọng, nể nang mà ông không có được từ người thân.

Bà C đi đâu cũng khoe con, khoe của vì mặc cảm thua kém. Chị E dạy con rất khắt khe nhưng không hiệu quả vì chị hay nặng lời với chúng khi giận chồng, nghĩa là chị giận cá chém thớt. Anh H toàn báo cáo tích cực với sếp vì muốn lấy điểm và những vấn đề thật của cơ quan không được giải quyết.

knowthyself3

Đối với người phát có hai cơ chế tâm lý cần quan tâm. Đó là khái niệm hay hình ảnh về bản thân và cơ chế tự vệ. Hình ảnh về bản thân là cách chúng ta tự đánh giá mình một cách không ý thức… Nó hình thành từ cách người xung quanh phản ứng, đối xử, đánh giá chúng ta từ lúc nhỏ và hình ảnh này có xu hướng tự khẳng định với thời gian dù nó có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi đột ngột và mạnh mẽ. (Khái niệm này được giải thích cặn kẽ trong loạt bài “Ý thức về giá trị bản thân” – TTCN 2003).

Nếu tự đánh giá mình thấp, ta có mặc cảm tự ti, ta có thể khép kín, không dám tự khẳng định mình, không dám bày tỏ nhu cầu, nguyện vọng của mình. Ngược lại, ta có thể che giấu mặc cảm thua thiệt bằng cách “nổ” hay khoe khoang như trường hợp ông B và bà C kể trên. Nếu tự đánh giá mình tích cực thì ta tự tin và người tự tin không cần khoe khoang, màu mè. Họ trung thực, giản dị, dễ hòa đồng. Các mối quan hệ sẽ trong suốt, trôi chảy.

Cơ chế thứ hai ảnh hưởng quá trình truyền thông là cơ chế tự vệ. Những cố gắng để đối phó với những khó khăn, đau khổ, bực dọc, lo âu, mặc cảm tội lỗi… trong cuộc sống có khi rất khó chịu đựng nên ta có xu hướng lờ đi hoặc tránh né bằng những cách như sau:

a) Đè nén: là cố tình gạt ra ngoài ý thức các ý tưởng, cảm xúc mà ta không thích. Ta tự dối mình bằng cách tránh né thực tế không vui thay vì công nhận nó. Bằng cách này, ta tự chôn mình trong một thế giới theo ý muốn và đứng ngoài thực tế.
knowthyself1

b) Tránh né: ta không chối bỏ thực tế đau buồn, nhưng tô hồng nó như bà C tô hồng thực tế bằng cách khoe khoang của cải, con cái.

c) Bù đắp: là cố gắng che đậy một khuyết điểm, khuyết tật bằng cách phát triển một nét tích cực khác. Điều này khá bình thường và không có gì xấu. Ví dụ như người mù có thính giác tốt nên cố học ngoại ngữ, học hát thật hay… Tuy nhiên, nếu làm thái quá có thể mất tác dụng. Ông B tận dụng sự có duyên của mình để vui với bạn bè, để bù đắp cho sự thiếu quan tâm của vợ con. Nhưng khi ông “nổ” quá thì người ta ngán.

d) Phóng chiếu: là gán cho người khác những ý kiến hay lỗi lầm của mình. Không thích một thầy giáo trong lớp, N tuyên bố “đa số” học sinh chống đối thầy. Hoặc ta đổ lỗi cho số phận về những thất bại của ta.

e) Viện lý lẽ: đưa ra những lý lẽ không đúng sự thật để biện minh cho hành động của ta: “tôi đánh con vì tôi thương con”.

f) Giận cá chém thớt: như bà mẹ E giận chồng lại đánh con kể trên.

g) Thoái bộ: là trở lại hành vi thơ ấu để tránh né thử thách, khỏi có trách nhiệm. Đứa bé đã lớn đột nhiên đái dầm, bắt mẹ đút ăn vì mẹ mới có em bé. Nó sợ mất tình thương của mẹ, sợ mất vị trí ưu tiên nên muốn trở thành em bé. Người lớn cũng có những lúc đau ít mà tỏ ra đau nhiều để được chăm sóc…
knowthyself
Trên đây là những phản ứng mà ta có thể quan sát hằng ngày khi con người phải đối phó với những khó khăn thử thách nội tâm và không có sức mạnh để nhìn nhận thực tế. Chúng chi phối thái độ và hành động của ta khiến ta không còn thật với mình và với người khác. Điều này làm cho các mối quan hệ thêm khó khăn, nội dung truyền thông bị rối nhiễu.

Do đó, để truyền thông có hiệu quả, cần biết mình, biết các động cơ và cảm xúc chi phối mình. Làm chủ chúng, điều chỉnh chúng để phát ra những thông điệp càng khách quan càng tốt. Khi truyền thông, ta muốn điều tốt cho người kia nhưng lắm khi ta lại làm tổn thương họ, gây mất tin tưởng, làm cho đôi bên khó gần nhau. Ta tưởng ta giúp họ nhưng thực tế ta đang giải tỏa nhu cầu của chính ta.

NGUYỄN THỊ OANH

William Arthur Ward

williamarthurward

Xin giới thiệu với các bạn William Arthur Ward, một nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ .

William Arthur Ward (1921-1994), tác giả của Fountains of Faith ( Suối Nguồn của Niềm Tin).

Ông là tác giả của rất nhiều danh ngôn được trích dẫn nhiều nhất Hơn 100 bài báo, bài thơ và suy tưởng của ông đã được xuất bản trong các tạp chí như Reader’s Digest, This Week , The Upper Room, Together, The Adult Teacher, The Adult Student, Science of Mind, Sunshine, vv… Mục Danh Ngôn trên báo Fort Worth Star –Telegram của ông được đề cao không chỉ Mỹ mà ở nước ngoài.

Sinh ra và lớn lên ở bang Louisiana, ông tham gia vào quân đội Mỹ năm 1942 và trải qua 4 năm quân ngũ ở Philippines . Ông tốt nghiệp Đại học Mc Murry, nhận bằng Thạc sĩ tại trường Đại học Oklahoma, và Tiến sĩ Luật danh dự ở trường này vì những đóng góp to lớn về học thuật, giáo dục, văn chương, nhân văn và xã hội của ông. Ông tham gia làm quản lý giáo dục tại Đại học Texas Wesleyan ở Fort Worth và nhiều cơ sở giáo dục khác.

Tiểu sử của ông được nêu trong Who’s Who – Giáo Dục của nước Mỹ , và Who’s Who- Quan Hệ Xã Hội.

Có thể nêu ra vài câu trong số nhiều danh ngôn nổi tiếng nhất của ông như :

1. “The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.”

Người bi quan phàn nàn về gió; người lạc quan mong muốn nó đổi chiều, người thực hiện điều chỉnh những cánh buồm.

2. “The more generous we are, the more joyous we become. The more cooperative we are, the more valuable we become. The more enthusiastic we are, the more productive we become. The more serving we are, the more prosperous we become.”

Chúng ta càng độ lượng, chúng ta càng vui tươi. Chúng ta càng hợp tác, chúng ta càng trở nên quý giá. Chúng ta càng hăng hái, chúng ta càng sáng tạo. Chúng ta càng phụng sự, chúng ta càng giàu có.

Và câu thứ ba là một trong những lời vàng của tôi cũng như các đồng nghiệp:

3. “The mediocre teacher tells. The good teacher explains. The superior teacher demonstrates. The great teacher inspires.”

Người thầy trung bình nói. Người thấy tốt giảng giải. Người thầy giỏi chứng minh. Người thầy tuyệt vời truyền cảm hứng.

Sau đây là bài thơ WHILE của William Arthur Ward

TRONG KHI

Hãy tin tưởng trong khi ai khác nghi ngờ.
Hãy hoạch định trong khi ai khác chơi đùa.
Hãy học hỏi trong khi ai khác đang ngủ.
Hãy quyết định trong khi ai khác trì hoãn.
Hãy chuẩn bị trong khi ai khác mơ màng.
Hãy bắt đầu trong khi ai khác do dự.
Hãy làm việc trong khi ai khác mơ ước.
Hãy tiết kiệm trong khi ai khác lãng phí.
Hãy lắng nghe trong khi ai khác đang nói.
Hãy mỉm cười trong khi ai khác cau mày.
Hãy ca ngợi trong khi ai khác chỉ trích.
Hãy kiên trì trong khi ai khác từ bỏ.

WHILE

Believe while others are doubting.
Plan while others are playing.
Study while others are sleeping.
Decide while others are delaying.
Prepare while others are daydreaming.
Begin while others are procrastinating.
Work while others are wishing.
Save while others are wasting.
Listen while others are talking.
Smile while others are frowning.
Commend while others are criticizing.
Persist while others are quitting.

Chúng ta cùng thực hiện những “Hãy” mà  William Arthur Ward đã nêu trên và trước hết hãy là người lạc quan và người bắt tay thực hiện.

Chúc các bạn một ngày vui

Có chuyện gì vui, có ích mỗi ngày?

hoaco

Chào bạn,

Hôm nay bạn có gì vui ? Hôm nay bạn quan sát thấy gì hay? Hôm nay bạn làm điều gì có ích? Hôm nay bạn có ý tưởng gì sáng tạo? Hôm nay bạn làm được gì sáng tạo?

Ý tưởng nào thực tiễn và cụ thể, mà nếu áp dụng, sẽ làm môi trường kinh doanh của Việt Nam tốt hơn? Làm đường phố nơi bạn ở tốt hơn? Làm thành phố nơi bạn ở tốt hơn? Làm nước mình tốt hơn? Các bạn cứ đặt thêm câu hỏi nhé?

Hôm nay bạn học được điều gì mới? Bạn có mơ ước gì mới ? Bạn có hy vọng gì mới?

Bạn có nghe được câu nói nào làm bạn bừng sáng?

Hôm nay bạn thấy ai làm được điều gì tốt?

Đừng để ký ức trôi qua vụt mất, hãy ghi lại và giúp các bạn khác cảm được cái vui của bạn, biết đâu, đó lại là nguồn sáng duy nhất rọi sáng một ngày ảm đạm của một ai đó? Hay ý tưởng không dùng tới của bạn có thể được thực hiện bởi một ai đó giùm bạn?

Mình xung phong trước nhé:

1) Hôm nay mình dậy sớm tập thể dục

2) Mình dich một bài viết Giành nhiều thời gian hơn để lắng nghe để chia sẻ với độc giả của blog Đọt chuối non.

3) Hôm nay mình nghĩ ra topic này để chúng ta tích cóp tích cực và ý tưởng hàng ngày. Chỉ tích cực thôi nhé! 🙂

4) Mình quan sát thấy bên Mỹ tuyên truyền ý thức môi trường bằng business rất tốt, ví dụ trên các mug (cốc nước) có ảnh nghệ thuật reduce, reuse, recycle, nếu ai cũng dùng cốc đó hàng ngày, tự nhiên có ý thức. Vậy nếu mình cũng áp dụng được ở Việt Nam thì hay nhỉ

Thay đổi bắt đầu từ những gì rất bình thường và nhỏ bé. Một năm mỗi ngày sẽ tạo ra thay đổi cực kỳ lớn đấy! 🙂

Các bạn cùng tham gia nhé 🙂

Một ngày thật sáng,

Hiển.