 |
Phó TTKTS Hàng Phước Long (trái) tặng hoa cho thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong việc lên kế hoạch bản thân, tiết kiệm thời gian, quản lý thời gian cho mình và cho người thân, nhất là khi đứng trước sự “cám dỗ” của những cơn lốc game online, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng…
.
* Tôi phải làm thế nào để nhận ra mình đang lãng phí thời gian?(Tran Anh Chuong, 18 tuổi, anhchuongusa@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Đề nghị bạn dành khoảng 30 phút vào lúc bạn cảm thấy thoải mái nhất trong ngày, suy nghĩ thật kỹ, ghi ra thật cụ thể những việc đã làm mà bạn cảm thấy đã lãng phí thời gian. Thí dụ như: chơi game quá đà, đến giờ học hay làm việc mà vẫn còn làm việc khác… Trên cơ sở đó bạn có thể định lại, vạch ra một thời khoá biểu và cố gắng thực hiện đúng theo kế hoạch này.
Đương nhiên là lúc đầu bạn không thể theo sát kế hoạch và mỗi cuối tuần bạn phải coi lại, phân tích tại sao mình không thể thực hiện đúng kế hoạch từ đó có biện pháp giải quyết thích hợp. Khi bạn lên kế hoạch bạn nhớ phải có quyết tâm thực hiện, nhưng nhớ mỗi lần chỉ một quyết tâm.
Chúc mừng bạn đã biết mình lãng phí thời gian.
* Xin chào Th.s Nguyễn Thị Oanh và nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời. Em xin hỏi là sau 1 giờ đêm thì hoạt động học tập của mình có còn đạt hiệu quả cao không và so với việc học vào buổi sáng (buổi chiều phải học tại trường) thì học vào ban đêm là có lợi hơn hay là hại? Em xin cảm ơn! (Nguyễn Quốc Vinh, 20 tuổi, never_ever_ttt@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Thiên nhiên tạo ra con người có một đồng hồ sinh học, đêm là để ngủ và ban ngày là để làm việc. Sở dĩ một số bạn trẻ học đêm tốt hơn là do không bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Tuy nhiên kéo dài việc này là không hề tốt, sẽ ảnh hưởng rất xấu cho sức khoẻ của bạn. Tôi có biết một số người lấy ngày làm đêm và lấy đêm làm ngày, sau một thời gian thì không còn năng suất nữa.
Tôi khuyên bạn cố gắng theo đúng nhịp sinh học và cố gắng chuẩn bị cho mình một môi trường làm việc thật tốt vào ban ngày.
* Hiện giờ cháu mới học lớp 11 thôi nhưng sức ép từ việc học ở trên lớp và gia đình đã rất nặng nề (cháu học truờng chuyên). Cháu thấy rất khó khăn trong việc quản lí các bài tập và công việc phải hoàn thành.
Liệu cô Oanh có thể cho cháu lời khuyên hay phương pháp gì không ạ? (Nguyễn Hồng Nga, 17 tuổi, sweetsilbi_ams@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Thật khó cho bạn làm chủ tình hình, bạn nên mạnh dạn trình bày khó khăn của mình với gia đình. Tôi cũng mong là môi trường giáo dục sẽ quan tâm đến sức ép quá nặng nề đối với giới trẻ hiện nay.
Tuy nhiên từ phía bạn, bạn hãy cố gắng lên một kế hoạch làm việc, việc nào giờ nấy và cũng nhớ phải giải trí.
* Em có một nỗi lo mà ngày càng lớn: thời gian của mình! Một ngày 24 tiếng nhưng dường như không đủ cho em. Em đã cố sắp xếp lịch và bắt buộc phải làm xong trong ngày những việc đã định, nhưng ít khi nào thành công, và càng như thế thì em càng khó chịu. Em phải làm sao bây giờ? Em chưa bao giờ bằng lòng với chính mình, liệu em có phải quá tham lam? (công nhật, 22 tuổi, phamcongnhat83@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Hình như em quá tham lam. Thực tế thì không bao giờ mình có thể hoàn thành kế hoạch như ý muốn bởi vì chúng ta luôn bị tác động bởi môi trường xung quanh. Nhưng chúng ta có thể tự hài lòng nếu trên đại thể, không phí phạm thời gian.
Bạn cũng nên tìm hiểu những lý do khiến bạn không thực hiện được kế hoạch của mình.
Có một kế hoạch làm việc là tốt rồi nhưng bạn cũng đừng quá cứng nhắc vào kế hoạch. Trên hết bạn hãy thanh thản, thư giãn thì bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong việc quản lý thời gian.
 |
Các thành viên nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời tại buổi giao lưu trực tuyến |
* Em là người rất thích chơi games, có khi là chơi suốt ngày cũng được được. Có khi em muốn nghỉ chơi một thời gian nhưng lại thấy nhớ. Có thể giúp em làm thể nào để hết chơi không vậy? (binh, 24 tuổi, binhthuduc03)
– Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Chào bạn, những trò chơi được làm ra để giúp chúng ta giải trí hoặc tìm hiểu khám phá thêm về cuộc sống. Việc chơi games không có gì đáng trách, nhưng nếu bạn ngồi suốt ngày để chơi thì thật là đáng lo.
Ngày 20-09 vừa qua, đã có một bạn chơi game online đến mức bị đột quỵ phải đi cấp cứu. Điều đáng mừng là bây giờ bạn đã nhận ra mình không nên tiếp tục chơi như vậy. Từ bỏ “cơn nghiện” chơi games là chuyện không đơn giản, nên bạn rất cần sự trợ giúp của người thân, bạn bè hoặc các chuyên gia về sức khỏe, tư vấn.
Công việc đầu tiên là bạn nên tìm một ai đó để chia sẻ “quyết tâm” này, tham khảo ý kiến để xác định những công việc mình sẽ làm trong những ngày sắp tới thay vì dành thời gian chơi games và nhờ người đó giám sát bạn. Chúc bạn sớm thành công, nếu có thêm khó khăn bạn có thểm trao đối với nhóm qua địa chỉ cungsangtaocuocdoi@yahoo.com.vn !
* Làm thế nào để phân bổ thời gian một cách hợp lý nhất trong một ngày hay một tuần, thậm chí là trong một tháng? (Trần Quang Vũ, 24 tuổi, tranquang_vu2003)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Trước tiên bạn phải có một mục đích rõ rệt trong đời, biết rõ mình muốn làm được gì thì bạn sẽ phân mục đích này thành những mục tiêu cụ thể theo năm, theo tháng và theo tuần.
Bạn nên thường xuyên lượng giá kế hoạch của mình để điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Trong một tháng bạn sẽ có 4 hoặc 8 ngày nghỉ (tùy nơi), bạn nên tận dụng nghỉ ngơi tuyệt đối trong những ngày này để không “vướng bận” việc chơi trong những ngày làm việc.
Nếu bạn là công nhân viên hay học sinh sinh viên thì bạn luôn phải có những công việc cố định phải làm. Bạn nên ghi bằng mực đỏ những công việc cần làm cho suốt tuần. Sau đó còn những khoảng trống, bạn điền vào những công việc mà tự mình quyết định.
Bạn nên sắp xếp những công việc khó khăn vào thời gian nào trong ngày bạn cảm thấy mình làm việc hiệu quả nhất. Điều quan trọng là bạn phải liệt kê tất cả những công việc cần làm và sắp xếp nó theo thứ tự ưu tiên đồng thời cố gắng bám vào giải quyết những công việc ưu tiên nhất dù cho nó có khó khăn (bởi vì chúng ta thường có xu hướng chọn làm trước những công việc dễ).
Đồng thời cũng có những buổi bạn cảm thấy không khoẻ thì bạn nên dành việc khó cho một ngày khác, khi bạn cảm thấy minh mẫn hơn.
Cần nhất là bạn phải biết làm ra làm, chơi ra chơi.
* Tôi muốn các anh (chị) giúp cho tôi quản lí thời gian online 1 cách hiệu quả. Ngoài thời gian học trên lớp thì hầu hết tôi online tại nhà. Đôi lúc tôi cảm thấy tôi bị “nghiện” net.
Nếu có thể, hãy chỉ ra cho tôi nguyên nhân cùng giải pháp, hướng dẫn cho tôi một số phương pháp để online hiệu quả, tránh sự nhàm chán khi lên mạng tán gẫu lung tung, đề cử những trang web hữu ích trong học tập, giao lưu và giải trí hiệu quả. Xin chân thành cám ơn! (Huỳnh Đức Thuận, 21 tuổi, huynhducthuan@gmail.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Thế giới net với nhiều điều mới lạ, quyến rũ đang làm cho nhiều bạn trẻ chúng ta mất phương hướng và không làm chủ được chính mình khi đến với nó.
Cũng giống như là đi shopping, mục đích ban đầu là mua vật A nhưng sau đó bị quyến rũ, bạn sẽ mua thêm nhiều thứ khác, vừa tốn tiền vừa mất thời gian.
Vì thế mỗi khi online bạn nên xác định rõ mục đích mình sẽ làm gì (để thư giãn, tìm thông tin hay đọc sâu một tài liệu nào đó…) bạn nên ghi ra giấy đồng thời xác định thời gian mình hoàn thành công việc này.
Vấn đề còn lại là bạn phải nỗ lực để tự chủ hơn tránh không bị quyến rũ bởi những nội dung khác.
Về cơ bản và lâu dài, từng ngày, từng tuần bạn nên có một kế hoạch nhất định để thực hiện những công việc cần làm tránh để thời gian trống và online một cách vô ích.
* Chào cô Oanh, chúng cháu là những người trẻ, vì thế công việc và học hành đã chiếm khá nhiều thời gian của chúng cháu. Thời gian trong một ngày và trong một tuần không thể đủ để chúng cháu giải quyết tất cả mọi việc. Chúng cháu cũng muốn có thời gian cho nhau.
Làm sao để có thể giữ được tình yêu khi không có thời gian lãng mạn bên nhau? Cháu mong cô có thể có lời khuyên giúp những người trẻ như cháu? (tramy, 26 tuổi, denisetran@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Tình yêu không chỉ phụ thuộc vào thời gian mà chủ yếu vào chất lượng của mối quan hệ. Vấn đề là chúng ta trao đổi với nhau một cách thành thực và sâu sắc nhất, cả qua email và chat.
* Tôi hiện là quản lý cho một TT NN-TH và là P.GĐ một công ty mới thành lập. Tôi có hai vấn đề cần TV giúp như sau :
1. Hơn một năm nay tôi luôn luôn cảm thấy thiếu thời gian dù có khi vài ngày tôi không làm được gì cả. Cảm giác sợ hãi trong công việc thường đến với tôi.
2. Tôi muốn trở thành thành viên của nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời được không? Phải có những tiêu chuẩn gì? Đây là mong muốn chân thành của tôi và tôi rất hạnh phúc khi có những người bạn như thế.
Rất mong được sự hồi âm của quý vị. Xin cảm ơn. Xin chào. (Lê Hoàng Long, 29 tuổi, lulandamme@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Xin mời bạn tham gia nhóm và liên hệ với nhóm theo địa chỉ mail cungsangtaocuocdoi@yahoo.com
Còn về công việc, vấn đề có thể không phải yếu tố thời gian mà là vì tính chất công việc của bạn hoặc công việc không phù hợp với bạn hoặc bạn chưa sắp xếp công việc thật tốt.
Bạn nên tìm một nhà tư vấn hoặc đến thảo luận với nhóm.
* Đọc sách thì tốn rât nhiều thời gian. Xin cô chỉ cho em cách đọc sách mà tiết kiệm được thời gian mà có hiệu quả, vì mỗi khi có một cuốn sách mới là em chúi đầu vào đọc mà quên cả giờ giấc. (Lưu Quỳnh Anh, 20 tuổi, riverloveqsb25025@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Xin giới thiệu đến bạn hai cách đọc: đọc chủ động: giới thiệu, mục lục – những gì bạn quan tâm nhất; sau khi có được những cảm nhận về sách, bạn hãy xác định 3 câu hỏi mà bạn muốn trả lời khi đọc là gì.
Sau đó bạn hãy bắt đầu đọc để thu thập những kiến thức cần thiết mà bạn muốn trả lời cho ba câu hỏi đó. Ngoài ra, còn một cách đọc nữa là đọc phần tóm tắt để biết nội dung chính của quyển sách là gì. Sau khi đọc tóm tắt xong, nếu thấy được thì sẽ đọc chi tiết hơn. Chúc bạn sẽ có được những điều bổ ích từ việc đọc sách mà không mất quá nhiều thời gian.
* Tôi hiện đang đi làm và muốn học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi có nên “kham” cùng một lúc học cả hai hay chỉ nên chọn một? (Ha trong Nhan, 22 tuổi, bignhan@walla.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Nếu bạn chỉ mới bắt đầu học cả 2 ngôn ngữ, bạn không nên học cả 2 cùng một lúc. Bạn nên học cho có căn bản từng ngôn ngữ.
* Mỗi ngày đi làm về em có cảm giác rất oải, tối đến chỉ muốn ngủ sớm thôi. Vậy làm thế nào để sắp xếp được thời gian để đi học thêm buổi tối mà vẫn đảm bảo sức khỏe? (Tran, 23 tuổi, hoahuongduong123vn@)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Trước tiên bạn nên xem xét lại công việc của bạn vì sao nó làm cho bạn mệt đến mức đó. Tiếp theo bạn nên tìm cách giảm bớt áp lực công việc. Việc này bạn có thể cần đến sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Nếu công việc quá căng thẳng đối với bạn, trong trường hợp có thể được, bạn nên xét lại khả năng thay đổi công việc. Chỉ khi nào giải quyết vấn đề này dứt diểm thì bạn mới có thể nghĩ đến việc học thêm.
Bạn cũng nên xem xét lại tình hình sức khoẻ của mình.
* Em hiện là SV năm III, việc học rất nặng( ĐH Bách khoa). Nhưng em lại thích hoạt động Đoàn, hiện em vẫn đang giữ nhiệm vụ công tác. Vì vậy em cần thời gian nhiều hơn mọi người để hoàn thành nhiệm vụ. Có cách nào giúp em tiết kiệm thời gian khi mà công việc lại quá nhiều như vậy không? (Hung, 21 tuổi, tphungckbk@gmail.com)
– Nhóm cùng sáng tạo cuộc đời: mỗi ngày mỗi người chúng ta đều có 24 tiếng, như vậy là công bằng phải không bạn. Và bạn chính là người quyết định và chọn lựa sử dụng số thời gian 24 giờ đó sao cho mình có được một cuộc sống thành đạt và hạnh phúc. Do đó, để tiết kiệm thời gian, bạn nên xác định, lập kế hoạch công việc cần làm và những việc không nên làm trong cuộc sống.
Bạn cũng nên mạnh dạn từ chối một số công việc làm lãng phí thời gian của bạn và mọi người. Nếu bạn lập kế hoạch tốt, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi thực hiện công việc và có thể làm được nhiều công việc như bạn mong muốn.
* Tôi có con trai đang học lớp 5 có biểu hiện rất thích xem TV và chơi game. Cháu chỉ đi học buổi chiều còn buổi sáng ở nhà một mình, rất sợ ma cho nên ở nhà cũng không tự học được là mấy. Vậy xin hỏi tôi phải có thời gian biểu đối với cháu như thế nào cho hợp lý? (tran thi dung, 34 tuổi, http://bacninh.gov.vn)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Ở tuổi này một mình mà tự quản lý mình là một điều không dễ cho dù có thời gian biểu. Cháu cần có người lớn xung quanh để động viên khuyến khích và phần nào theo dõi.
Trong trường hợp bất khả kháng, trước khi ra khỏi nhà, mẹ con nên bàn bạc với nhau và để cho cháu tự quyết định thời gian biểu của mình trong ngày đó. Chiều về chị cùng cháu xem xét lại trong một bầu không khí thân mật, ấm cúng và nên khen cháu khi cháu làm được một việc tích cực.
Từ từ cháu sẽ được động viên để làm tốt hơn.
* Theo tôi những người sử dụng thời gian ít hiệu quả có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là bệnh hẹn…, tuy đã có việc để làm nhưng cũng không ít trò chơi, hay việc làm vô bổ tiêu tốn thời gian nhưng lại hấp dẫn họ hơn, vậy là để hoàn thành công việc chính họ lại hẹn…
Vậy Thạc sĩ Nguyễn thị Oanh khuyên những người như vậy nên làm gì? Xin cảm ơn Thạc sĩ. (Hồng Phước, 25 tuổi, phily2005@gmail.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Đây là loại người không có khả năng tự chủ. Họ phải tập lại từ đầu sự quyết tâm làm một điều gì đó, mỗi lần một điều thôi.
Giáo dục gia đình từ tuổi nhỏ để sống có ngăn nắp và có kỷ luật rất quan trọng. Đối với người lớn thì điều này thật khó sửa, chỉ khi nào họ thức tỉnh rằng mình đã đổ khối vàng bạc xuống sông (thời gian là vàng bạc), họ mới “làm lại cuộc đời”.
* Tôi hiện nay vừa đi làm vừa học thêm ngành quản trị kinh doanh hệ đào tạo từ xa, thời gian rất hạn hẹp. Nhưng bạn bè thường hay rủ đi ăn nhậu vào mỗi buổi chiều khi tan sở làm, từ chối thì cảm thấy mình không nhiệt tình với nhóm đồng nghiệp, còn nhận lời thì phải đi nhậu hai ba chầu tới khuya mới được về, cho nên công việc cũng như việc học hành không được tiến bộ và có chiều hướng bị sa sút. Vậy mong Nhóm CSTCĐ cho tôi lời khuyên để tôi quản lý được thời gian của mình tốt hơn mà không bị nhóm bạn đồng nghiệp cho rằng mình không nhiệt, ít giao lưu. (An, 32 tuổi, tqavitinh@yahoo.com)
– Nhóm cùng sáng tạo cuộc đời: là người trẻ như bạn, chúng tôi hiểu và rất thông cảm “áp lực” của nhóm đang đặt ra với bạn. Con người chúng ta thường có nhu cầu thuộc về một nhóm hay tổ chức nào đó, và chính vì nhu cầu này, đôi khi chúng ta phải “hy sinh” cá nhân mình để làm vừa lòng người khác, lâu ngày như vậy chúng ta sẽ đánh mất chính mình.
Muốn thoát khỏi tình trạng này, bạn thử nhìn lại xem mình có những ưu thế, điểm mạnh gì và tìm cách thể hiện những ưu thế điểm mạnh đó trong công việc hàng ngày mà không cần phải đi nhậu với nhóm. Còn để từ chối những lời rủ rê, bạn cứ tỏ ra hài hước để từ chối một cách vui vẻ mà không làm người khác cảm thấy quá khó chịu.
* Dự định thời gian cho một việc nhưng cuối cùng không thực hiện được hoặc thời gian hoàn thành khá dài so với dự định vì do những chuyện phải giải quyết gấp chen vào, điện thoại chẳng hạn. Có cách nào để thực hiện được một việc theo đúng thời gian dự tính? (thchantran, 32 tuổi, thchantran@yahoo.com)
– Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Để hoàn thành một công việc theo đúng dự kiến thật sự là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, không phải chúng ta muốn là được mà việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo chúng tôi, muốn hoàn thành một việc theo đúng dự kiến, trước hết chúng ta cần đặt quyết tâm hoàn thành công việc ở mức cao nhất, dành mọi ưu tiên cho công việc cần hoàn thành, hạn chế tối đa những vấn đề phát sinh, giải quyết nhanh gọn những việc không cần thiết. Ngoài ra, cần chủ động trong công việc của mình, không để bị chi phối bởi môi trường chung quanh. Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi cho chúng tôi. Chúc bạn luôn hoàn thành mọi công việc theo đúng dự kiến.
* Chào cô Nguyễn Thị Oanh cùng các cô chú trong nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời. Cháu là một SV khoa CTXH & PTCĐ của trường ĐH Đà Lạt. Cháu đã được gặp cô Nguyễn Thị Oanh trong ngày CTXH thế giới và cháu cũng rất thích đọc những bài viết của cô Oanh!
Hôm nay cháu có một câu hỏi là hiện nay cháu đang tham gia trong một dự án của trường mà thời gian phải hoàn thành không còn nhiều với lịch học kín cả tuần như hiện nay! Vậy cô có thể cho cháu một số công cụ quản lý thời gian hiệu quả không ạ? Cháu xin cảm ơn! (Phạm Thanh Toàn, 21 tuổi, toanhuyen45@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Hy vọng là bạn có lịch làm việc hằng tháng, hằng tuần. Tuy nhiên sơ đồ Gant sẽ giúp bạn theo dõi tiến độ công việc tốt hơn. Trên sơ đồ này bạn sẽ ghi được khởi đầu và kết thúc của từng công việc.
Sơ đồ có thể giúp chúng ta theo dõi tiến độ các công việc và nhận ra những thời điểm “nóng” có nhiều công việc trùng lắp phải giải quyết, qua đó bạn có thể điều chỉnh lại để tránh bớt sự trùng lắp này.
Bạn hãy mở ra những quyển sách về quản lý dự án, bạn sẽ tìm được cách thực hiện sơ đồ Gant.
* Chào cô, cháu tự nhận thấy mình rất kém trong việc sắp xếp thời gian, trong suy nghĩ cháu thường có rất nhiều lựa chọn, và thường không biết chọn cái nào!!
Và khả năng tập trung của cháu khá kém… vì tính cháu rất “hiếu động”, vậy cô có thể cho cháu một lời khuyên được không? Cháu xin cảm ơn. (nm, 21 tuổi, nm@hvktqs.net)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Tự nhận thức về mình là một điều rất tốt bởi biết mình bệnh mới lo đi chữa bệnh. Như thế là em đã có một khởi đầu khá tốt.
Tuy nhiên vấn đề em đặt ra hơi chung chung. Tốt nhất là em nên đi nói chuyện với một nhà tâm lý giáo dục để xác định rõ chỗ nào là điềm yếu của em để khắc phục từ từ.
* Tôi luôn nghĩ mình là người tham công tiếc việc, tôi luôn cố gắng để có thể làm được nhiều việc, học được nhiều thứ nhưng đến giờ khi đã đi qua tuổi 20 tôi vẫn chẳng thu được gì nhiều, thậm chí còn thiếu quá nhiều những kĩ năng cần thiết cho tương lai, có phải vì tôi đã không biết cách sử dụng quỹ thời gian của mình? Làm thế nào để sử dụng thời gian hiệu quả? (Nguyên, 20 tuổi, chonhungngaymuaxua@yahoo.com)
– Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Như vậy bạn đã nhìn ra nguyên nhân vì sao bạn vẫn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết cho tương lai mặc dù cố gắng làm nhiều việc, học nhiều thứ. Vấn đề là “thà ít mà tốt” còn hơn là làm nhiều mà không hiệu quả. Trong cuộc sống hiện đại, kỹ năng lựa chọn và đưa ra những quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta như ai đó đã nói, cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn.
Bạn sẽ có những quyết định lựa chọn hợp lý để sử dụng thời gian nếu bạn có những nguyên tắc và phương châm sống rõ ràng và hướng thiện. Bạn đã có những nguyên tắc và phương châm sống cho riêng mình?
* Cháu rất hay bỏ phí thời gian mặc dù cháu ý thức được điều đó. Cháu vẫn hay bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài gia đình và môi trường, ví dụ cháu không thể tập trung vào công việc khi gia đình cháu có chuyện buồn.
Cháu là con trai, năm nay cũng đã 25 tuổi rồi nhưng cháu cảm thấy bằng tuổi cháu nhiều người đã làm được nhiều việc, nên cháu sợ bỏ phí thời gian.
Cháu có rất nhiều dự định, nhưng cứ khi muốn tiến hành công việc nào đó thì cháu chỉ tập trung được một lúc dù cháu tự nhủ phải kiên nhẫn. Vậy cháu phải làm sao? (Nguyen Kien Trung, 25 tuổi, n_and_t8780@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Quản lý về thời gian là tự làm chủ bản thân. Và ở tuổi của bạn, ý thức được những yếu điểm của mình là hơi bị trễ. Nhưng dù sao trễ còn hơn không.
Trước tiên bạn hãy xác định mục đích sống của bạn là gì. Bạn muốn thực hiện lý tưởng nào và muốn trở thành con người như thế nào? Bạn hãy tự trả lời mình, nếu muốn thực hiện những điều trên phải cần phải làm gì?
Hãy liệt kê những việc đó đồng thời xác định thời gian khởi đầu và hoàn thành, đó là bạn đã lên cho mình một kế hoạch sống.
Kế đó hãy suy nghĩ để thực hiện kế hoạch này bạn cần những điều kiện gì? Làm cách nào để có những điều kiện ấy? Bản thân tự phấn đấu nhờ hay sự giúp đỡ của người xung quanh??
Sau khi có kế hoạch tổng quát, hãy lên một kế hoạch năm và cố gắng thực hiện với những cuộc lượng giá định kỳ, xem công việc gì mình đã làm được hay chưa được?
Quan trọng nhất là bạn phải tự trả lời cho mình, những việc làm chưa được là do yếu tố bên ngoài hay do chính bản thân bạn? Sửa đổi người khác thì ta không sửa đổi được nhưng sửa đổi chính mình là một điều khả thi và bắt buộc.
Bạn hãy cố gắng làm chuyện này. Bạn hãy thử tự chủ trong từng việc nhỏ, khi đó bạn sẽ tập được thói quen tự chủ trong cuộc sống.
* Em có những kế hoạch để thực hiện một mục tiêu của mình nhưng lúc nào em cũng thấy thời gian quá ngắn ngủi. Sau khi em đi làm ở công ty về em sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình từ 8h-gần 12h nhưng sau một thời gian những mục tiêu em đặt ra cho mình thì không hoàn thành được.
Em thực hiện 3 mục tiêu trong cùng một thời gian. Vậy quý vị và các bạn có cách nào chỉ cho em quản lý thời gian được tốt hơn không? Và em nghĩ đó là yếu tố quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu của mình. (Bùi Quang Nghị, 27 tuổi, mynameisnghi@yahoo.com)
– Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Hình như bạn đang quá “căng thẳng” với bản thân mình. Bạn xác định những mục tiêu trong cuộc sống để cố gắng hoàn thành là rất tốt nhưng nếu xác định quá nhiều mục tiêu thì có thể trở thành gánh nặng và nỗi ám ảnh cho bạn thân bạn.
Bạn có thể xem lại để “giảm tải” cho các mục tiêu, hoặc các chương trình dày đặc công việc để có thời gian thư giãn, giải trí, nạp thêm năng lượng mới cho bản thân bằng những hoạt động thể thao, văn nghệ. Chúc bạn làm chủ những mục tiêu của mình.
* Tôi có một con trai, năm nay 23 tuổi. Cháu nhanh nhẹn, thông minh nhưng rất lười học. Bản chất của cháu là tốt, nhưng rất hay bị lôi kéo.
Khuyết điểm lớn nhất của cháu hiện nay là hay đi chơi tối về muộn, thích ngồi quán café chuyện trò lung tung trên trời dưới biển, thời gian trôi đi lúc nào cũng không hay. Vì đi chơi về muộn, lại thức đêm để xem phim hoặc đọc truyện nên ban ngày ngủ, không dành thời gian cho học tập.
Tuy thi đỗ ĐH, học đến năm thứ 3 nhưng nay cháu không được học nữa do bỏ học quá nhiều. Gia đình kèm cặp, khuyên bảo bằng nhiều biện pháp nhưng kết quả đạt được ít và không lâu dài.
Tôi muốn xin ý kiến của Th.s về việc làm thế nào để uốn nắn cho cháu sinh hoạt lành mạnh hơn, sống tốt hơn. Xin cảm ơn! (Pham Thanh Huong, 52 tuổi, huongthanh2304)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề sử dụng thời gian. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục từ nhỏ. Liệu khi cháu còn nhỏ thì gia đình có quá dễ dãi không?
Vấn đề sống ngăn nắp và kỷ luật phải được học từ tấm bé, ví dụ như biết sắp xếp đồ chơi đúng chỗ, dọn dẹp phòng riêng và quan trọng nhất là phải giữ đúng thời gian sinh hoạt (giờ ăn, giờ ngủ, giờ học ngay từ khi cháu còn nhỏ).
Vấn đề không phải là uốn nắn mà tạo cho cháu một động cơ muốn thay đổi nếp sống.
Liệu có điều gì trong cuộc sống hiện nay làm cho cháu chán nản hay mất niềm tin? Gia đình nên nhẹ nhàng trao đổi, lắng nghe và nếu cần thiết tạo điều kiện cho cháu nói chuyện với một người ngoài mà cháu tin tưởng (ví dụ cô thầy hay một nhà tư vấn tâm lý).
* Em là SV năm 2 CNTT. Thế nhưng thời gian biểu của em thật tệ! Tối thức khuya 12g, sáng dậy lúc 8g, 9g em lại đi học, trưa về lại ngủ trưa tới 3g, chiều xem phim. Tối học bài chung một cái bàn (em ở nhà trọ), nhiều khi 11g đêm đi chơi game. Một ngày chỉ học được 4 tiếng. Nhờ mấy anh, chị giúp em với! (khang, 19 tuổi, chaobanxin@yahoo.com)
– Nhóm Cùng sáng tạo cuộc đời: Chào bạn. Bạn nên lên lại thời khóa biểu cho mình đi. Dường như bạn bạn có quá ít việc để làm cho hết 24h trong ngày đó. Với một quỹ thời gian dồi dào như vậy mà bạn chỉ dành cho việc học 4h/ngày là quá ít. Chúng tôi có một lời chia sẻ cùng bạn: Thời gian rất quý – Thời gian là tài sản, nếu ta không sử dụng nó sẽ tự mất đi. Chúc bạn sử dụng thời gian của mình hiệu quả hơn.
* Có những người một ngày 24g với họ là quá nhiều, còn số khác thì cho rằng một ngày 24 giờ là quá ít để họ có thể hoàn thành những công việc. Theo cô Oanh và các bạn, ai đúng, ai sai? (Hai Phuong, 22 tuổi, haiphuong24@yahoo.com)
– Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và Nhóm: Những người không sử dụng hết thời gian trong một ngày là một thiếu sót với sứ mạng và với chính bản thân của mình.
Ngược lại những người thấy không đủ thời gian là những người cảm thấy không hài lòng với chính mình. Môi trường xã hội hiện nay đang tạo ra những nhu cầu khiến cho chúng ta bị bận rộn ảo.
Chúng ta được ban cho 24 giờ/ngày không phải không có lý do bởi vì nó phù hợp với các quy luật thiên nhiên. Mặt khác không ai đòi hỏi mình phải làm quá hơn khả năng của mình.
Bởi vì sống không chỉ làm việc này việc kia mà còn để sống có ý nghĩa.
Nguồn: Tuổi Trẻ