Thành nhà Mạc – Đền vua Lê

Trong ca dao thời trước, xứ Lạng cũng là nơi đáng sợ. Người phụ nữ sợ cho mình không thích ứng với môi trường mới, bị tàn phai nhan sắc:

Cổng phía Tây thành nhà Mạc ở Tuyên Quang

    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Má hồng đổi lấy mặt xanh đem về

Còn sợ cho đức ông chồng, ý trung nhân thay lòng đổi dạ, vì ở đây chẳng những cảnh đẹp, còn có người đẹp:

    Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
    Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em
    Tay cầm bầu rượu nắm nem
    Mảng vui quên hết lời em dặn dò…

Bây giờ thành phố Lạng Sơn là thủ phủ của tỉnh Lạng Sơn, Đồng Đăng là thị trấn. Chợ Kỳ Lừa ở giữa thành phố, người mua kẻ bán đông đảo tấp nập vì Lạng Sơn có các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu nội địa, còn các cặp chợ nữa. Cặp chợ là chợ biên giới, bên này chợ, bên kia cũng chợ. Nàng Tô Thị không còn, chỉ là bức tượng phục chế, chùa Tam Thanh trước động Tam Thanh cũng đổi mới nhiều quá! Vậy thì nên đi thăm thành nhà Mạc, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng dầu sao vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa…

Năm 1592 nhà Mạc rút lên mạn ngược, đặt thủ phủ tại Cao Bằng, xây đắp nhiều thành lũy kiên cố, ở Cao Bằng, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Phải chăng những thành lũy này đã góp phần không nhỏ trong việc phòng thủ, chống lại các cuộc tấn công của quân đội vua Lê chúa Trịnh để giữ được phần lãnh thổ Bắc triều tồn tại đến năm 1677?

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn

Thành ở Tuyên Quang ngay tại trung tâm thị xã, bên tả soi bóng xuống dòng sông Lô uốn lượn, bên hữu đối diện dãy núi Là hùng vĩ. Ngày xưa thành hình tứ diện, trổ ba cửa ở ba mặt, mặt bắc không có cửa, bên trong có quả đồi cao khoảng 40 thước, đặt kho chứa gạo, muốn lên phải qua 197 bậc đá và cua một đường vòng. Chung quanh thành là hào sâu 1,5m, phía bờ sông không có. Di tích hiện tại gồm hai cổng thành ở phía tây, phía nam và đoạn tường dài 140m. Gạch xây thành nung bằng thứ đất có quặng sắt rất cứng, trên mặt đổ đất.

Thành ở Lạng Sơn (nay thuộc phường Tam Thanh) số phận cũng không hơn. Hiện còn một cổng thành và hai đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn nằm giữa hai đỉnh đồi. Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại. Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng, hai đỉnh đồi bén nhọn trẻ trung, linh hoạt. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp. Những đoạn thành đứt quãng không đều nhau, cao thấp không bằng nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha một chút xám. Đất bên dưới thì màu đỏ sậm lẫn một ít sạn sỏi nhỏ.

Di tích đền vua Lê trong thành nhà Mạc ở Cao Bằng

Thành ở Cao Bằng càng không may, vì nó là hoàng cung, nên phải mất tên từ lâu, nay gọi là đền vua Lê, có diện tích 37,5 ha, cách thị xã 11km về phía tây bắc, thuộc làng Đền xã Hoàng Tung huyện Hòa An.

Nguyên hồi năm 1038 Nông Tồn Phúc cát cứ vùng này, xưng đế hiệu, đặt tên nước là Trường Sinh. Năm sau, vua Lý Thái Tông thân chinh dẹp yên, nhưng đến năm 1041 con Nông Tồn Phúc là Nông Trí Cao lại dấy binh, đặt tên nước là Đại Lịch, vua Lý Thái Tông sai tướng lên đánh bắt được đem về Thăng Long, rồi dùng chính sách chiêu an tha cho về phong làm Quảng Nguyên mục, sau gia phong tước Thái Bảo. Năm 1048 Nông Trí Cao xưng là Nhân Huệ hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Nam, đem quân sang đánh nước Tàu, chiếm 8 châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, nhà Tống phải cử tướng Địch Thanh thảo phạt. Bị thất bại, Nông Trí Cao chạy trốn sang nước Đại Lý và bị bắt giết. Về sau rút lên đây, nhà Mạc lập cung điện tại Gò Long trong thành Nà Lữ của Nông Trí Cao. Vậy thành nhà Mạc Cao Bằng đã có từ thời Lý.

Khi nhà Lê dứt được họ Mạc, năm 1862 Trấn thủ Cao Bằng Lê Văn Hản đổi làm đền thờ vua Lê Thái Tổ. Ngày nay, dấu vết chỉ là hai con đường phía đông và nam cao hơn mặt đất một ít, vài ba phiến đá khối chữ nhật, dài khoảng 1m, rộng từ 50 đến 80 phân, dày 20 đến 30 phân. Chỗ như hào sâu là cổng thành, bên ngoài mỗi cổng có một ụ đất, có lẽ là điếm canh hay trạm quan sát để kịp thời báo động chăng?

Đền vua Lê cũng đổ nát hết rồi, bậc đá đi lên đầy cỏ rác, tường sập từng mảng, để lộ chỗ vá víu. Trong đền một lư hương lớn đặt trên bệ. Bên ngoài một cây ngọc lan cao, những cây đa cây si thấp hơn.

Tại Cao Bằng còn có đền Kỳ Sầm thờ Nông Trí Cao. Hội đền vào ngày mười tháng giêng. Câu đối ở cửa gian chính bên trong chứng tỏ người dân ở đây rất tôn sùng Nông Trí Cao, coi như vị vua có cao vọng nhưng chưa thực hiện được hoài bão:

    Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão
    Vương phong giáp tích quốc đồng hưu.

Các đền miếu ở Cao Bằng còn thờ Hưng Đạo đại vương, các vị nhân thần địa phương, các tướng lãnh nhà Lê bỏ mình nơi chiến địa, các công nương nhà Mạc bị thảm sát và Quan Công (Quan Vân Trường). Nói chung dân chúng kính trọng lòng dũng cảm, đức trung hậu và thương xót những thân phận không may. Trong đền Phúc Tăng ở Bản Nưa xã Hồng Việt huyện Hòa An đặt bốn bát hương, thờ hai vị lão nông họ Hoàng và họ Lê có công trị thủy giúp dân, cùng hai vị tướng đối lập nhau, một người là Hoàng Triều Hoa tướng nhà Lê lên dẹp nhà Mạc, một người là tướng nhà Mạc tử trận ở Lũng Pản. Sự kiện này do Tri phủ Hoàng Đức Mỹ (Cử nhân sung Hàn lâm viện biên tu) chủ trương từ đầu thế kỷ XX và được dân chúng tán đồng, nêu cao tinh thần hòa hợp dân tộc sau một thời gian chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hội đền Phúc Tăng vào ngày mồng 2 tháng 3.

Ngày nay, những người vãn cảnh có ý thức không khỏi ngậm ngùi trước biến cuộc tang thương, sẽ lắng hồn tìm trong lịch sử biết bao bài học quý giá.

Trần Huiền Ân

Một bình luận về “Thành nhà Mạc – Đền vua Lê”

  1. Đọc lại đoạn lich sử này nghe buồn buồn. Một quãng lịch sử rối ren, kéo dài liền tù tì cho đến 1975.

    Mạc/Trịnh/Nguyễn.
    Tây sơn/Nguyễn
    Nguyễn/Pháp
    Việt Minh/Pháp
    Nam/Băc/Mỹ

    Quá nhiều chiến tranh!

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s