Văn học thời Đường được coi là đỉnh cao của nền văn học Trung Quốc. Đặc biệt thơ ca cổ điển trong giai đoạn này phát triển đến mức tột đỉnh, và được coi là thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Trong lịch sử hơn 300 năm của nhà Đường, đã có hơn 48900 tác phẩm thơ ca được viết và lưu truyền đến tận ngày nay. Một lượng lớn các tác phẩm đó cũng đã làm hơn 2300 thi nhân được ghi danh trong sử sách. Ý tưởng được gửi gắm vào trong thơ của Đường thơ chủ yếu là kết hợp chủ nghĩa thực tiễn và chủ nghĩa lãng mạn, về hình thức có các dạng:

– Thất ngôn bát cú (tức bài thơ có tám câu, mỗi câu bảy chữ).
– Thất ngôn tứ tuyệt (tức bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ, thực chất là một bài “thất ngôn bát cú” đem bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối tạo thành),
– Ngũ ngôn tứ tuyệt (tức bài thơ có bốn câu, mỗi câu năm chữ, được biến thể từ bài thất ngôn tứ tuyệt: bỏ đi hai chữ đầu ở mỗi câu),
– Ngũ ngôn bát cú (tức bài thơ có tám câu, mỗi câu năm chữ, được biến thể từ bài thất ngôn bát cú: bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu mà thành).
Trong đó thất ngôn bát cú được coi là dạng thơ chuẩn, và các dạng còn lại được coi là thơ biến thể.
Các thi nhân nổi tiếng vào thời Đường chủ yếu là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Lý Hạ, Đỗ Mục…. Do chịu ảnh hưởng của các luồng tư tưởng khác nhau (Nho giáo, Đạo giáo, hay Phật giáo), do đó phong cách Làm thơ của các nhà thơ đời Đường cũng rất khác nhau. Thơ của Lý Bạch thì mang phong cách phóng túng, còn Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị thì lại theo khuynh hướng hiện thực kết hợp với trữ tình nhiều hơn.
Thơ Đường súc tích, đa dạng, phong phú, không chỉ nói lên được tâm tình, khát vọng của bản thân mà còn vẽ lên được những thực hiện đời sống lúc bấy giờ.

Lý Bạch
Theo sử sách ghi lại thì Lý Bạch là hậu duệ của tướng quân Lý Quảng (thời nhà Hán), sinh năm 701 tại Lũng Tây trong một gia đình khá giả, ngay từ nhỏ ông đã cùng cha của mình đi ngao du khắp nơi, được chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân nghèo, vì thế trong ông hình thành tư tưởng không thích trốn quan trường và đến năm 16 tuổi ông đã chọn cuộc sống ẩn trên núi Đái Thiên.
Được 2 năm ông lại xuống núi và bắt đầu cuộc hành trình viễn du của mình dòng giã suốt 3 năm trời, khi đến Vân Mông ông đã cưới cháu gái của Hứa tướng, và cũng từ đó tiếng tăm thơ ca của ông đã vang rộng khắp nơi.
Đến năm 745 ông được người bạn thơ tiến cử vào cung để làm thơ hầu vua, nhưng được một thời gian do cách sống say xỉn, phóng túng ham chơi của mình ông đã bị mọi người trong triều ghét bỏ và thường nói xấu sau lưng, thấy vậy ông đã tự nguyện rời cung và tiếp tục cuộc sống ngao du đây đó khắp nơi.
Khoảng chừng 10 năm, sau đó ông lại về núi Lư ở ẩn. Được một thời gian ông lại về phủ của Vương Lân sống, do Vương Lân làm phản nên Lý Bạch cũng bị liên lụy và bị băt theo, ông đã bị đi đày khắp các vùng Động Đình, Tam Giác…sau đó được tha và đến năm 762 do tuổi già, sức yếu ông đã qua đời tại Đang Đồ.
Lý Bạch được người đời đặt danh là “诗仙” tức “Thi Tiên”. Ông là một người phóng khoáng, sôi nổi, nhiệt tình, tài hoa nhưng lại có phần gàn dở. Thơ ca của ông khí phách hào hùng nhưng lại rất phóng khoáng, ông thích dùng những từ ngữ sôi nổi để ca tụng phong cảnh núi non hùng vĩ của tổ quốc. Hiện các tác phẩm thơ ca của ông còn được lưu giữ khoảng hơn 990 bài, trong đó bài (Sắp mời rượu), (Hành lộ nan), (Tĩnh dạ tứ)…là những bài thơ tiêu biểu của ông và được mọi người truyền tụng.
Mời các bạn thưởng thức bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch:
-
Tĩnh dạ tứ
Đầu giường rọi ánh trăng soi,
Làm ta cứ ngỡ như là màn sương.
Ngẩng đầu trăng sáng như gương,
Cúi đầu sao nhớ quê hương ngàn trùng.
.
-
(Bản dịch của Nguyễn Dương)

Đỗ Phủ
Cùng với Lý Bạch và Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ cũng là một trong những nhà thơ vĩ đại của Trung Quốc vào thời Đường. Ông được người đời mệnh danh là “诗圣” tức “Thư thánh”. Ông sinh năm 712 mất năm 770, xuất thân trong một gia đình quý tộc nhưng đã sa sút. Là một người ham học, có trí làm quan nên ông đã nhiều lần tới kinh đô để dự thi, nhưng đều không đỗ. Đến năm 755 Loạn An Lộc Sơn xảy ra khiến cho cuộc sống của ông phiêu bạt khắp nơi.
Ông đã tận mắt chứng kiến cảnh chết chóc, nạn đói và những ngược đãi bất công của xã hội, do đó trong thơ của ông luôn thể hiện những đồng cảm về cuộc sống thống khổ của người dân và phản ánh những hiên thực bất công của xã hội lúc bấy giờ. Thơ của ông vào thời đó không được đánh giá cao lắm nhưng đến thế kỷ thứ 9 thì thơ của ông dần dần được chú ý và đến thế kỷ thứ 11 thì lên tới mức cực điểm. Hiện các tác phẩm của ông còn được lưu giữ khoảng hơn 1400 bài, trong đó tiêu biểu là các bài (Binh xa hành), (Xuân vọng), (Tam biệt), (Tam lại)…
Mời các bạn thưởng thức bài Xuân vọng của Đỗ PHủ:
Đổ Phủ
-
Xuân Vọng
Nước tàn sông núi còn đây;
Thanh xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi.
Cảm thời hoa cũng lệ rơi;
Chim kia cũng sợ hận người lìa tan.
Lửa phong ba tháng lan tràn;
Thư nhà đưa đến muôn vàng chắt chiu
Xoa đầu tóc bạc ngắn nhiều,
So le lởm chởm khó điều cài trâm.
.
-
(Bản dịch của Trần Trọng San)
Chúc các bạn một ngày mới vui vẻ nhé.
Kiều Tố Uyên
DHS, Hồ Nam, Trung Quốc
Cám ơn Tố Uyên. Anh rất thích bài “Tĩnh dạ tư” của Lý Bạch. Người thì viết là “tứ” người là “tư”, nhưng anh nghĩ nó cùng nghĩa là suy tư. Mấy năm trước anh có dịch bài này, rất sát (theo cách dịch thông thường của anh) ra việt văn. Post đây chia sẻ với Tố Uyên và các bạn.
TĨNH DẠ TƯ
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
(Lý Bạch)
.
Đêm tĩnh lặng
Ánh trăng sáng đầu giường
Ngỡ như đất mờ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương
🙂
ThíchThích
hi, bài thơ của anh dịch cung rất hay, cảm ơn anh Hoành nhiều.
ThíchThích