Thứ hai, 20 tháng 7 năm 2009

Bài hôm nay:

Yanni và kỷ nguyên nhạc New Age , Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, anh Trần Đình Hoành giới thiệu và nối link.

Tên họ của người Trung Quốc , Văn Hóa, chị Kiều Tố Uyên.

Daily English Discussion, Teen smoking and drinking bans, anh Trần Đình Hoành.

Máy thời gian, Danh Ngôn, song ngữ, chị Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

Bệnh tật tâm hồn, Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến dịch.

Sinh nhật bạn thân, Văn, chị Đặng Nguyễn Đông Vy.

Bí quyết làm đẹp, đã được thời gian kiểm chứng, anh Nguyễn Minh Hiển dịch.

Viết giản dị và sâu sắc , Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Phóng viên Walter Crondite–“người được tin tưởng nhất nước Mỹ”–qua đời, tối thứ sáu 17.7.2009, thọ 92 tuổi – Chính Walter Cronkite được xem là người đã xoay chiều tư tưởng dân Mỹ về chiến tranh Việt Mỹ. Obit CronkiteTrong cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, ông có mặt tại Việt Nam làm phóng sự chiến trường để phát tin hàng đêm trên chương trình Tin Tức Buổi Tối của kênh CBS. Vào thời đó, nước Mỹ chỉ có 3 kênh–CBS, ABC và NBC. Trong một buổi phát tin ông đã kết luận là Mỹ không thể thắng được tại Việt Nam. Ông nói: “Chúng ta đã thường bị thất vọng bởi sự lạc quan của các lãnh đạo Mỹ, cả Washington và tại Việt Nam, để có thể tiếp tục tin vào lớp lót bạc mà các lãnh đạo thấy trong những đám mây đen tối nhất. Chúng ta đang sa lầy trong một bế tắc.” (We have been too often disappointed by the optimism of the American leaders, both in Vietnam and Washington, to have faith any longer in the silver linings they find in the darkest clouds,” he said, and concluded, “We are mired in stalemate). Tổng thống Mỹ, Lyndon Johnson, xen bản tin này trên TV, và sau khi xem xong đã nói: “Nếu tôi đã mất Cronkdite, tôi đã mất giai cấp trung lưu của Mỹ.” (If I’ve lost Cronkite, I’ve lost middle America). Sau đó, Johnson đã quyết định không tái tranh cử tổng thống.

Danh từ “anchorman” (ngồi neo một chỗ) được sáng tạo ra cho Walter Crondike, là người TV anchorman đầu tiên trên thế giới, chủ trì chương trinh Tin Tức Buổi Tối của CBS từ năm 1962 đến khi ông về hưu năm 1981. Và tên của ông gắn liền với chức vị chủ trì chương trinh tin tức đến nỗi ở Thụy Điển, anchorman/woman đôi khi được gọi là “Kronkiters” và ở Hòa Lan là “Cronkiters.”

Trong sưu tầm dân ý năm 1972 và 1974, dân Mỹ chọn ông là “người được tin tưởng nhất nước Mỹ” (The most trusted man in America).

Tổng thống Obama nói, Walter Crondite mời chúng ta tin vào ông, ông không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Nước Mỹ đã mất một thần tượng, một người bạn chí thân mà chúng ta sẽ nhớ mãi.”

Charles Gibson, anchorman của kênh ABC, nói: “Walter Crondite đã và luôn luôn sẽ là tiêu chuẩn vàng. Sự khách quan, tính quân bằng và cách thẩm định thông tin của ông là những bài học quí giá.”

Giám Đốc kênh CBS, Leslit Moonves nói, “Walter Crondite là nhà truyền thông vô tuyến vĩ đại và là một người đàn ông tốt với kinh nghiệm, thành thật, tính chuyên nghiệp và phong thái làm việc đã định nghĩa vai trò của anchorman và bình luận gia.”

Walter Crondite trân trọng tính chính xác, khách quan và giảm cám xúc riêng khi tường trình tin tức.

Cuối mỗi bản tin hằng đêm ông chấm dứt bằng câu, “And THAT’S the way it is”, nhấn mạnh chữ THAT’S (tạm dịch: “Và sự việc LÀ như thế”), và hàng triệu người Mỹ đồng ý với ông.

Thủ tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu, không chấp nhận yêu cầu của Mỹ là hãy ngừng xây dựng tại Jerusalem – Dự án xây dựng này gồm 20 cặn hộ trong vùng đa số là người Ả Rập ở Đông Jerusalem mà quân Do Thái đã chiếm từ năm 1967. Các viên chức Mỹ đã chuyển yêu cầu ngưng xây dựng đến Đại Sứ Do Thái tuần rồi.

Giáng Sinh trong tháng 7 – Với suy giảm lợi tức cả 10 tháng liên tục, Sears, giây chuyền bán lẻ bách hóa, và ToysRus, giây chuyền bán lẻ đồ chơi trẻ em, đang có chiến dịch “Giáng Sinh trong tháng 7,” hạ giá nhiều món hàng và trang trí như giáng sinh, hy vọng là cuốn hút được khách hàng thời khủng hoảng. Một số khách hàng thích giá hạ, một số khác cho là “Quái lạ. Họ làm tôi có cảm tưởng họ đang tuyệt vọng.”
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Việt Nam đoạt 5 Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế – Kỳ thi Olimpic Vật lý quốc tế (IPhO) lần thứ 40 được tổ chức tại Mexico từ ngày 11 – 19/7/2009. Đoàn học sinh Việt Nam gồm 5 em tham dự đã đạt 5 huy chương Bạc.

Tài năng trẻ piano gốc Việt Phạm Minh Hoàng – Phạm Minh Hoàng từng đoạt rất nhiều huy chương trong các cuộc thi tài piano ở Úc lẫn quốc tế. Trong đó vinh quang nhất là giải nhất tại cuộc thi Lev Vlassenko 2005 trị giá 20.000 đôla, giải Mozart tại cuộc thi quốc tế Cleveland USA 2007 và được xem là “người hùng địa phương” tại cuộc thi quốc tế Sydney 2008 khi anh nhận danh hiệu quan trọng “Nghệ sĩ Úc trẻ nhất và xuất sắc nhất”. Tháng 9 tới Phạm Minh Hoàng sẽ học cao học piano ở New York sau khi đã tốt nghiệp cử nhân loại giỏi.

Hội ngộ tinh hoa âm nhạc Việt – Nhật – Đó là chương trình hòa nhạc di sản thế giới của các nghệ sĩ gagaku (nhã nhạc Nhật Bản) và nhã nhạc cung đình Huế cùng với dàn nhạc giao hưởng Tokyo New City đã diễn ra tại sân điện Thái Hòa – Hoàng thành Huế đêm 17-7.

Thắp ước mơ trên đường chạy – 23 tuổi, thị lực chỉ khoảng 1/10, sở hữu gần 30 huy chương trong nước và quốc tế về điền kinh và nhảy xa dành cho người khiếm thị, đó chưa phải là tất cả để nói về Hồ Phạm Uyên Phương – SV khoa giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TP.HCM.

Bản quy hoạch xanh và thành phố Hà Nội phát triển thân thiện – Bản quy hoạch hướng tới những giải pháp hài hòa, thực chất, hướng tới sự thân thiện về nhận thức, tư duy. Dù vậy, yêu cầu chú trọng các di sản quá khứ, kiến tạo lộ trình tương lai chủ động thích ứng với các tình huống, tương lai bền vững của thành phố phải được kiến tạo bởi định hướng thân thiện trong mối quan hệ hữu cơ về vật chất lẫn tinh thần, tất cả các yếu tố tạo nên môi trường sống.

Khám phá mới trong văn bản cổ lệnh Hoàng Sa – Khi tờ Lệnh Hoàng Sa được phát hiện (31/3/2009), nhiều bí ẩn sau văn bản cổ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa này cũng được các nhà khoa học tiến hành giải mã.

HSBC: Kinh tế VN đang thuận lợi để phục hồi – Theo kết quả cuộc khảo sát của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Công-Thượng Hải (HSBC) công bố trên mạng “Channel NewsAsia” ngày 15/7, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang trên đường trở lại vị trí đối tác lý tưởng đối với các nhà đầu tư châu Á.

Người thợ làm bánh có đôi tay vàng – Tại cuộc thi “Bánh mì và bánh kem quốc tế năm 2009” vừa diễn ra ở Hồng Kông, một thợ nữ VN dự thi đã khiến ban giám khảo và thí sinh đến từ các nước chú ý bởi tấm huy chương vàng nội dung thi bánh kem. Người thợ ấy là chị Trần Thị Ngọc Tuyết, 36 tuổi, tổ trưởng tổ bánh kem của Công ty ABC Bakery (TPHCM).

Hương vị Việt ở Mali – Một ghi nhận thú vị của Thierry Helsens, nhà nghiên cứu nước ngầm người Pháp làm việc tại Mali (Tây Phi) đã bảy năm qua.

Tôi là người Pa Kô – Đến thời điểm này đã hoàn thành việc khảo sát đề án “Bổ sung dân tộc Pa Kô vào danh mục các dân tộc VN”, trong đó xác định nguồn gốc, sự ra đời và phát triển, đồng thời phân biệt dân tộc Pa Kô với một số dân tộc khác sống lân cận.

Frequency 5 có mặt trong Gala Bài hát Việt – Ban nhạc Frequency 5 sẽ trình diễn trước khán giả VN trong chương trình Gala Bài hát Việt, diễn ra vào ngày 19-7 tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM).

Chàng trai Ý và niềm đam mê… heo đen – Một chàng trai Ý đến huyện nghèo nhất của tỉnh Khánh Hòa với giấc mơ phát triển giống heo đen của bà con dân tộc tại đây thành giống heo đặc sản.

Sinh động lịch sử với tuổi học trò – Ngay từ lúc mới ra mắt, các buổi sinh hoạt hằng tuần của Câu lạc bộ (CLB) chỉ huy Đội Quận đoàn 10 (TP.HCM) đã trở thành sân chơi lịch sử khá sinh động của các bạn nhỏ nơi đây.

Liên hoan âm nhạc khu vực phía Nam – Ngày 17-7, Liên hoan âm nhạc khu vực miền Trung – Tây nguyên và Đông Nam bộ lần thứ 3 đã chính thức khai mạc tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của gần 200 diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ của 20 đoàn nghệ thuật thuộc các tỉnh, thành phố.

Long thành cầm giả ca và thân phận con người – “Thông qua kịch bản này, tôi chỉ muốn nói lên một điều: Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn”- Văn Lê nói.

Lập trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực – Trung tâm có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thu thập, phân tích, đánh giá, cung cấp thông tin về nguồn nhân lực, lao động, việc làm và dạy nghề.

Quan hệ Việt Nam – Campuchia là tài sản chung vô giá – Chủ nhiệm Cheang Vun bày tỏ những thành công của Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay không thể tách rời sự giúp đỡ to lớn và quý báu của nhân dân VN và nhấn mạnh sự cần thiết giáo dục truyền thống hữu nghị, hợp tác Campuchia – VN cho các thế hệ con cháu của hai dân tộc.

Cỡi diều bay ngắm vịnh Nha Trang – Những ngày diễn ra Festival Biển 2009, du khách đến Nha Trang (Khánh Hòa) đã được sử dụng một dịch vụ hết sức độc đáo, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, đó là cưỡi diều bay có động cơ để ngắm toàn cảnh vịnh Nha Trang xinh đẹp từ độ cao hơn 100 mét.

Hấp dẫn kéo co, sôi nổi bóng đá – Sau ba ngày tranh tài sôi nổi, hôm qua (17-7), Hội thao Công đoàn khối cơ quan LĐLĐ TPHCM 2009 chào mừng 80 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929-28.7.2009) đã kết thúc tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM.

Học kỳ quân đội đầu tiên ở miền Bắc: Con đã lớn thêm – Cha mẹ vỡ òa vì xúc động và hạnh phúc khi thấy cục cưng của mình rắn rỏi hơn, bản lĩnh hơn nhờ nắng gió thao trường.
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Yanni và kỷ nguyên nhạc New Age

Chào các bạn,

Sau thế chiến thứ hai, các chiến binh về nhà, và… sinh con, tạo ra một thế hệ trẻ em gọi là baby boomers. Thế hệ này là phần chính của đời sống nước Mỹ, và có lẽ là của thế giới, từ đó đến nay. Mới ra đời là nhu cầu của baby boomers đã tạo ra những phát minh mới về thực phẩm và vật dụng trẻ em cùng những đại công ty trong ngành, như công ty thực phẩm trẻ em Gerber và kem dánh răng Crest.
woodstock
Vừa mới qua, hoặc chưa kịp qua tuổi teen, baby boomers đã thành phong trào nỗi loạn văn hóa trên thế giới. Đây là thế hệ hiện sinh của Jean Paul Sartre, Albert Camus… của hippi, Woodstock, the Bealtes, Bob Dylan, Joan Baez… của cần sa… và biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam.

Đến giữa thập niên 1970’s, từ sau chiến tranh Việt Mỹ, và cả thập niên 1980’s, đây là thế hệ của những kẻ “nghiện làm” (workaholic), của “cá tính A” (type A personality), của thành công kinh tế và khởi đầu của cuôc cách mạng thông tin. Đây là thời của Bee Gees, Diana Ross…

Nghệ thuật New Age
Nghệ thuật New Age

Đến đầu thập niên 1990’s baby boomers bắt đầu chậm lại, và bắt đầu nghe nhạc nhẹ, âm hưởng dịu dàng tự nhiên (consonant sounds) như âm hưởng nhạc cổ điển, nhưng với các khí cụ điện tử mới, nhất là synthersizer, và những nguồn nhạc từ các nền văn hóa khác—như văn hóa người da đỏ, Á châu, Phi Châu.. cùng những khí cụ cổ truyền của các nền văn hóa này. Đó là nhạc New Age. Cùng lúc, tính khám phá của Baby Boomers chuyển sang khám phá văn hóa tâm linh của các nền văn hóa khác, bên cạnh Thiên chúa giáo—Phật giáo, Ấn độ giáo, tín ngưỡng người da đỏ… Đó là văn hóa New Age đang sống mạnh ngày nay tại Mỹ và Âu châu cũng như ảnh hưởng rộng đến toàn thế giới.
yanni
Khoảng đầu thập niên 1990’s trong làng nhạc New Age xuất hiện một thiên tài: YANNI. Yanni, tên thật là Yiannis Hrysomallis, sinh năm 1954 tại thành phố Kalamata, Hy Lạp. Tự học piano, keyboard và soạn nhạc. Anh có cử nhân tâm l‎‎ý học và chưa bao giờ học nhạc trong một lớp nhạc nào.

Album Dare to Dream năm 1992 và In My Time năm 1993 được dự tranh giải Grammy. Anh bắt đầu nỗi bật 1994 với video Yanni Live at the Acropolis, đây là video bán chạy thứ hai trong lịch sử âm nhạc, sau Michael Jackson’s Thriller 9 triệu đĩa.
Từ đó đến nay anh đã trình diễn trên 20 quốc gia với tổng số trên 2 triệu khán giả. Đạt được 35 đĩa bạch kim và vàng. Yanni là một trong những người thành công nhất trong việc giúp hệ thống TV công ở Mỹ thu đóng góp từ công chúng. Đại Học Minnesota của tiều bang Minnesota (Mỹ) tặng anh bằng tiến sĩ văn chương danh dự.

Yanni thường tìm các ca nhạc sĩ tại nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước nhỏ ít người để ‎ý, cộng tác trình diễn, nên nhạc của anh thường mang âm hưởng lạ, ngôn ngữ lạ và khí cụ lạ. Nhạc có âm hưởng êm ái của các nốt nhạc êm tai và hòa âm tự nhiên (consonant notes, tonal chords), cái buồn sâu lắng của gam thứ, nhưng lại có vận tốc tuôn chảy ồ ạt triền miên của hàng hàng lớp lớp sóng biển cuộn vỗ chập chùng, như người viễn xứ hoài hương đứng trước đại dương.

Từ năm 1988 đến nay, nhạc của anh được sử dụng trong mỗi kỳ Thế Vận Hội,và dĩ nhiên là trong rất nhiều cuộc tranh tài thể thao khắp nơi.

Trong các video sau đây chúng ta sẽ thưởng thức, bên cạnh các nhạc cụ tân thời, âm nhạc của một số nhạc cụ dân tộc của các nước:

DUduk
DUduk

Didgeridoo
Didgeridoo

Nghệ sĩ Didgeridoo
Nghệ sĩ Didgeridoo

Hammered Dulcimer
Hammered Dulcimer

Harp
Harp

Conga và bongo
Conga và bongo

Didgeridoo: Nhạc cụ của thổ dân miền bắc Australia, bằng gỗ, thường là gỗ bạch đàn (khuynh diệp), dài khoảng 1,3m, thổi bằng miệng và tạo ra âm thanh rền rĩ rất lạ lùng.

Duduk: Sáo cổ truyền từ 3 ngàn năm trước của nước Armenia (Chị Loan Subaru đã viết bài về Duduk trước đây).

Hammered Dulcimer: Theo truyền thuyết, có nguồn gốc từ Iran 2 ngàn năm về trước. Gồm các dây đàn căng ngang thùng đàn, chơi bằng cách dùng hai “búa” nhỏ gõ vào dây đàn.

Harp: Đàn cho nhiều dây căng thẳng góc với thùng đàn. Harp đã thành hình từ thời cổ đại tại nhiều nơi trên thế giới. Người ta đoán là harp thành hình từ âm thanh tạo ra của sợi dây cung căng ngang cái cung. Bên Âu châu, truyền thuyết là harp thành hình từ Ai Cập 4 nghìn năm trước công nguyên và vùng Iran-Iraq 3 ngàn năm trước công nguyên. Sau đó người Moors đưa vào Âu châu thời trung cổ. Đến thế kỷ 18, nữ hoàng Marie Antoinette vợ vua Louis 16 của Pháp, cổ vũ harp như là cây đàn cho phái nữ. (Marie Antoinnette và Louis bị cách mạng dân quyền của Pháp xử tử). Cũng vì vậy mà các nhạc sư từ đó đến nay không soạn nhạc harp, vì chê là đàn của phái nữ 😦

Trống bongo và conga: Bongo và conga đến từ Cuba, do người nô lệ da đen mang từ Phi châu sang khi bị bắt sang Cuba làm nô lệ. Người nô lệ làm trống bằng các thân cây rỗng, nhưng sang Cuba thì trống làm bằng gỗ và một mặt căng da, mặt dưới để rỗng. Bongo và Conga luôn luôn đi cặp đôi, một lớn một nhỏ, và chơi bằng hai bàn tay. Trống ngắn chừng hai tấc là trống Bongo; conga cao khoảng hơn 1m. Bongo và conga khởi đầu được dùng theo nhịp Rumba, sau đó là salsa, changui và son khi các loại nhạc này phát triển ở miền đông Cuba vào thế kỷ 19.

Năm Video đầu tiên dưới đây đều trích từ DVD Yanni Live! The Concert Event và gồm có các nhạc sĩ chính sau đây:

Yanni: Keyboard, s‎ynthesizer.
David Hudson [Australia]: Didgeridoo
Samvel Yervinyan [Armenia]: Violin
Sayaka Katsuki [Japan]: Violin
Victor Espinola [Paraguay]: Harp
Ramon Flores [Mexico]: Trumpet
Michelle Amato [USA]: Vocal (giọng hát)
Victor Espinola [Paraguay]: Vocal và harp

Video thứ sáu là một Aria, tức là một đoạn nhạc cho giọng người, dùng như là một khí cụ âm nhạc hơn là hát, tại buổi trình diễn ‘Yanni Live at the Acropolis’ năm 1993 tại Hy Lạp.

Video thứ bảy là Yanni trình tấu piano bản Reflection of Passion (Ảnh hình đam mê)

Mời các bạn thưởng thức
.

1. Yanni – Rainmaker

Didgeridoo: David Hudson [Australia]; Violin: Samvel Yervinyan [Armenia]; Vocal: Michelle Amato [USA]; Vocal/ Harp: Victor Espinola [Paraguay] Yanni Live! The Concert Event


.

2. Yanni – The Storm

Violin: Samvel Yervinyan [Armenia]; Violin: Sayaka Katsuki [Japan]; Harp: Victor Espinola [Paraguay]; Trumpet: Ramon Flores [Mexico] Yanni Live! The Concert Event.


.

3. Yanni – Prelude & Nostalgia

Duduk: Pedro Eustache [Venezuela]; Violin: Samvel Yervinyan [Armenia]; Violin: Sayaka Katsuki [Japan]; Violin: Armen Movsessian [Armenia] Yanni Live! The Concert Event


.

4. Yanni — For All Seasons

Vocal: Michelle Amato [USA]; Trumpet: Ramon Flores [Mexico]; Flutes: Pedro Eustache [Venezuela]; Hammer Dulcimer: Dan Violin: Samvel Yervinyan [Armenia]; Harp: Victor Espinola [Paraguay], Yanni Live! The Concert Event.


.

5. Yanni — World Dance

From DVD album Yanni Live! The Concert Event performed by Dan Landrum, Pedro Eustache, Samvel Yervinyan, Sayaka Katski, Victor Espinola, Armen Movsessian, Zachary Carrettin, Walter Rodrigues.

6. Yanni — Aria

“Yanni Live at the Acropolis” 1993.


.

7. Reflection of Passion (Yanni on the piano)

Tên họ của người Trung Quốc

Phần lớn Họ của người Việt Nam gắn liền với các triều đại phong kiến ngày xưa, trong đó họ Nguyễn chiếm đa số (khoảng 38% dân số), còn Họ của người Trung Quốc thì sao? sau đây tôi sẽ giới thiệu với các bạn đôi chút về cách đặt tên họ của người Trung Quốc nhé:

họ Chu
họ Chu

Theo ghi chép lưu lại thì Họ của người Trung Quốc xuất hiện từ thời xã hội mẫu quyền, lúc đó con người đặt người đàn bà (người mẹ) thành trung tâm để hình thành lên các thị tộc, vì để dễ phân biệt lên mỗi thị tộc đã tự chon cho mình một họ để xưng hô. Nguồn gốc của Họ, bao gồm một vài loại sau đây:

1. Xã hội mẫu quyền, lấy tên của mẹ làm họ cho con.
2. Dựa vào thời đại viễn cổ con người sùng bái những loại động vật để đặt tên họ cho con cái, ví dụ như họ Mã, Ngưu, Dương, Long…
3. Dùng tên nước để làm họ, ví dụ như họ Triệu, Tống, Tần, Ngô…
4. Dùng chức tước của tổ tiên để làm họ, ví dụ như: Ti Mã, Ti Đồ…
5. Dựa vào tước vị, ích hiệu đặt làm họ.
6. Dùng tên quê hương hay một địa danh nào đó làm họ.
7. Dựa vào nghề nghiệp của gia đình để đặt họ, ví dụ gia đình có truyền thống làm gốm sứ lâu đời thường lấy tên họ là Đào.
8. Dùng danh hiệu của tổ tiên làm họ, ví dụ như tổ tiên của người Trung Quốc có Hoàng đế danh Hiên Viên, về sau Hiên Viên đã trở thành một dòng họ .

họ Trương
họ Trương

Họ của người Trung Quốc có thể chỉ là một từ, cũng có thể là hai hoặc ba từ trở lên. Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có một thống kê chuẩn xác về số Họ của mình. Người đương đại Trung Quốc hiện đang sử dụng số Họ lên đến khoảng 3500 Họ. Và trong 100 Họ hay gặp thì có ba Họ lớn nhất đó là Họ Lý, Vương, Trương.

Tên của người Trung Quốc cũng có những đặc điểm truyền thống riêng của mình. Họ tên của người Trung Quốc đều là Họ đặt phía trước, tên đặt phía sau. Tên thì do một từ tạo thành (chủ yếu), cũng có thể do hai từ tạo thành (chiếm số ít).

Người thuộc cùng một dòng họ, tên gọi phải dựa vào thế hệ (lứa) để xếp đặt, những người cùng lứa hay cùng một thế hệ nhất định phải có một từ giống nhau.

tên Viên
tên Viên

Tên họ của người Cổ Đại phức tạo hơn nhiều so với người Hiện Đại, người có văn hóa, có địa vị ngoài Tên, Họ ra còn có thêm Tự và Hiệu, ví dụ như: Văn học gia Tô Thức (đời Tống), họ Tô, tên Thức, tự là Tử Thiêm, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ. Nhà thơ Lý Bạch (đời Đường) thời thơ ấu sống tại thôn Thanh Liên của Tứ Xuyên, do đó ông đã tự đặt cho mình hiệu “Thanh Liên Cư Sĩ”.

Tên của người Trung Quốc thường mang một hàm nghĩa nhất định nào đó, biểu thị một vài nguyện vọng nào đó. Một vài tên gọi bao hàm địa điểm sinh, thời gian sinh hoặc hiện tượng tự nhiên nào đó, ví dụ như “Kinh”, “Thần”, “Đông”, “Tuyết”…Một vài tên gọi biểu thị hy vọng một vài đức tính tốt đẹp nào đó, ví dụ như “Trung”, “Nghĩa”, “Lễ”, “Tín”,…Cũng có một vài tên gọi biểu thị ý nghĩa hy vọng khỏe mạnh, trường thọ, hạnh phúc, ví dụ như “Kiện”, “Thọ”, “Tùng”, “Phúc”…

Tên Trung ngữ của Google
Tên Hoa ngữ của Google

Tên của người con trai và con gái cũng không giống nhau, tên của người con trai thường dùng những từ biểu thị vũ lực, quyền thế, ví dụ như: “Hổ”, “Long”, “Hùng”, “Vĩ”, “Cương”, “Cường”…Còn con gái thì thường dùng những từ đẹp và mềm mại, ví dụ như: “Phượng”, “Hoa”, “Ngọc”, “Thái”, “Quyên”, “Tịnh”…

Hiện nay, người Trung Quốc không còn quá coi trọng trong chuyện đặt tên nữa. Thông thường chỉ có tiểu danh, đại danh, và tên không nhất thiết phải dựa vào thế hệ để xếp đặt. Tất nhiên, chọn một cái tên hay cho con cháu của mình, vừa ý nghĩa lại không giống với người khác vẫn là niềm hy vọng của đại đa số người dân Trung Quốc.

Kiều Tố Uyên
DHS, Hồ Nam, Trung Quốc

Daily English Discussion–Monday 7/19/09–Teen smoking and drinking bans

Hi everyone,
englishchallenge
In this new piece, Milan of Italy is enforcing a ban on teenagers’ drinking. If a teen under 16 years of age is caught drinking alcohol, his/her parents will be fined up to 500 USD. In a country that has produced and exported wines for centuries, that kind of ban is unthinkable.

In the US, the legal cigarette-smoking age is 18 and drinking age is 21. A retail store may lose business license if it doesn’t check customers’ IDs and keeps selling cigarettes or wines to under-aged folks.

Viet Nam doesn’t have any rule prohibiting teens’ smoking or drinking, does it?

What do you say to that?

Máy thời gian

Time Machine

Tất cả chúng ta đều sở hữu những cỗ máy thời gian. Một số đưa chúng ta trở lại quá khứ, chúng có tên là ký ức. Một số hướng chúng ta về tương lai, chúng được gọi là giấc mơ.

Đặng Nguyễn Đông Vy dịch

.

We all have our time machines. Some take us back, they’re called memories. Some take us forward, they’re called dreams.

Jeremy Irons

Sinh nhật bạn thân

Sinh nhật Định rơi vào một ngày giữa tháng mười, khi Sài Gòn đã bắt đầu có những trận mưa lớn vào chiều tối. Tôi mặc chiếc áo mưa thùng thình len lách xe theo những con hẻm nhỏ xíu, ngập nước chạy ngoắt ngoéo trong khu cư xá Bắc Hải để đến nhà trọ của Định, đưa một tấm thiệp mà tôi đã bỏ cả đêm tự cắt cắt, vẽ vẽ và rủ Định đi uống cà phê. Đã thành lệ, cả năm quên béng nhau, nhưng đến sinh nhật Định bao giờ tôi cũng nhớ. Và bao giờ, hai đứa cũng đến quán cà phê gần đó, ngồi trong một góc bàn quen thuộc, lặng lẽ nghe từng tiếng piano thánh thót rơi trong không gian.
raininsaigon
– Dạo này Định ra sao ?

– Cũng thường. Diên có về thăm nhà không ?

– Thỉnh thoảng, về một vài ngày rồi đi …

– Tháng này ngoài đó mưa nhiều và sắp có bão.

– Ừ …

Mỗi lần sinh nhật Định, hai đứa mới có dịp ngồi với nhau và nhớ quê. Nhìn mưa, tôi biết Định nhớ những ngày có bão. Những buổi sáng sau khi bão tan, các lớp được nghỉ học để dọn dẹp sân trường, Định đứng trên thân bạch đàn gãy, ưỡn ngực hít thật sâu làn không khí mát rượi và nói: “Định thích nhất những buổi sáng sau khi bão tan, cành khô và lá rụng đầy sân, những thân cây đổ ngổn ngang, những bầu trời thật bình yên, và những ngọn gió như chưa bao giờ trong trẻo đến thế.”

Và rồi những kỷ niệm lại trở về với tôi không theo thứ tự thời gian, chỉ có điều, cùng những kỷ niệm ấy, năm nay hình như trở nên mờ nhạt hơn năm trước. Định nhắc đến sinh nhật Quốc năm lớp chín, đúng vào ngày 26-3. Đêm cắm trại ở trường, Bảo Vi, Quốc, Định và tôi trốn ngủ trèo lên lầu ba, hát hò suốt đêm nên sáng ra lào khào chẳng thốt ra lời, chỉ biết nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Tôi chợt buồn, có cảm giác mình quên nhiều thứ quá, và nhận ra rằng ký ức dường như đang thu hẹp đi, tỉ lệ nghịch với khoảng thời gian tính từ hiện tại. Mỗi ngày phải nhớ thêm một chút, kỷ niệm như một chiếc hộp nhỏ, cất cái này vào thì lại vô tình đẩy cái kia ra.

Tôi cũng chẳng nhớ tại sao ngày xưa bốn đứa lại chơi thân với nhau, và chơi với nhau từ bao giờ. Chỉ nhớ Định là lớp trưởng, tôi là lớp phó, Bảo Vi là thủ quỹ, còn Quốc là một học sinh “cá biệt” đúng nghĩa: phá phách, trốn học đi bắn chim, leo trèo, đánh nhau và … ở lại lớp. Tuy vậy, học chung với Quốc không bao lâu, tôi đã kịp nhận ra rằng Quốc là một người thẳng thắn, chỉ hơi cục tính, và luôn ước mơ được đấu tranh cho sự công bằng. Có lẽ, trẻ con thì trong sáng và dễ nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của người khác hơn người lớn. Ngày đó, cả ba đứa phải cố gắng nhiều để giúp Quốc, vì Quốc phải ngoan hơn, phải học tốt hơn thì ba mẹ và thầy cô mới cho phép những đứa học trò gương mẫu của mình chơi với Quốc, mà không sợ bọn tôi “gần mực thì đen”. Hết mười hai, tôi vào báo chí, Định học kinh tế và chuyển nhà đi nơi khác, Bảo Vi đậu đại học Đà Lạt nhưng đành phải ở nhà học may vì gia đình không có tiền, Quốc thi rớt ĐH An Ninh và tình nguyện đi nghĩa vụ. Những ước mơ và những con đường đưa chúng tôi xa nhau. Định với tôi học trong cùng thành phố, nhưng cũng lâu lắm mới gặp mặt.

***

Tháng mười, và mưa, đêm Sài Gòn ướt át, thâm thấm lạnh. Lấp lánh dưới ánh đèn trắng xanh xao, mưa nhỏ xuống những giọt thuỷ tinh dài và trong vắt, tôi chợt rùng mình.

– Lạnh hả ?

– Ừ , hơi lạnh.

Định chồm qua nắm lấy bàn tay tôi.

– Ấm hơn chưa?

Tay Định ấm thật, nhưng chỉ mang đến một cảm giác thân thiết, tin cậy và an toàn, chứ chẳng nóng hổi và run rẩy như lúc Việt nắm tay tôi. Tôi chợt bật cười làm Định ngơ ngác :

– Sao lại cười ?

– À không, Diên chỉ đang nghĩ Định đã nắm tay bao nhiêu cô gái rồi.

– Chỉ mới có Diên thôi.

– Xạo.

– Thật – Định cười, ánh mắt nghiêm nghị – nắm tay Diên hình như là một chuyện hết sức dễ dàng. Có lẽ vì thế mà bọn mình chẳng yêu nhau được.

– Làm bạn không tốt hơn sao.

– Định không biết nữa, đôi lúc nghĩ bọn mình cũng đẹp đôi đấy chứ. Định thường tự hỏi, tình bạn thì khác tình yêu ra sao ?

– Khác chứ, nhưng Diên không biết giải thích …

– Định nghĩ, tình yêu nối kết ta với chính bản thân, còn tình bạn nối kết ta với cuộc sống. Tình yêu là thứ ta luôn mang theo bên mình, còn tình bạn là điều ta bắt gặp.

– Nghĩa là sao ?

– Nghĩa là khi Diên gặp một ai đó và yêu, Diên có cảm giác như tình yêu ấy đã có sẵn trong Diên, chờ đến khi người ấy xuất hiện … thì nhào ra.

Tôi phì cười, rồi nghĩ không biết Định nói có đúng không, nhưng tôi và Việt chẳng có gì sâu xa đến thế. Mà có khi đó chẳng phải là tình yêu thật, chỉ là thích, vậy thôi.
Cake 4 candles
Định loay hoay đốt bốn ngọn nến cắm trên cái bánh kem bé xíu và thích thú nhìn những tia lửa nhỏ nổ lép bép.

– Chúc mừng sinh nhật !

– Cảm ơn Diên.

– Định ước đi.

– Ước gì ?

– Định đang có những dự định cho ngày mai …?

– Nhiều lắm, đang cố gắng hết mình để được giữ lại trường, phấn đấu vào Đảng, và một công việc kinh doanh riêng. Tụi Định đang hùn vốn với nhau mở một cái shop bán balo và nón ở quận Ba.

– Còn chuyện riêng tư …

– Đôi lúc cũng có nghĩ đến, nhưng vì còn quá nhiều điều phải làm, còn quá nhiều ước mơ phải thực hiện. Và hơi day dứt, vì biết rằng nếu chỉ ước mơ thôi thì vẫn chưa đủ. Còn Diên, Diên đã nghĩ mình sẽ đi đâu khi ra trường chưa?

– Diên không biết nữa.

– Sao lại không, Diên phải biết Diên muốn gì chứ?

Tôi im lặng, thấy hơi ngượng ngùng và hơi hoảng, vì mình không biết thật. Mỗi ngày, tôi lại chất vào thêm những ước mơ, những tham vọng, nhưng đồng thời lại nghĩ rằng chúng quá xa vời. Tôi ước mơ và tôi nghĩ ngợi, nghĩ ngợi quá nhiều mà không làm gì cả. Rồi than thân trách phận rằng sao những gì mình muốn mình đều không thể có được. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, bất tài nhất là những người cái gì cũng thích, cái gì cũng biết, như tôi. Tôi có thể viết lách và làm thơ, nhưng chỉ dừng lại ở một vài bài báo thường thường, một vài bài thơ đăng trên bản tin CLB Văn học của khoa. Tôi có thể vẽ vời nhưng chỉ để tẩn mẩn làm những cánh thiệp chúc, vẽ vài ba bức tranh nhỏ tặng bạn bè và cười sung sướng khi được khen là khéo tay. Tôi thích hát nhưng chỉ đủ để tự tin khi đứng hát trước một đám đông người. Tôi có thể trò chuyện về bất cứ đề tài nào, nhưng tôi không đủ cả tài năng lẫn đam mê để trở thành bất cứ cái gì. Năng lực mơ hồ, sở thích mơ hồ, những ước muốn mơ hồ, và cả tình yêu với Việt cũng mơ hồ nốt. Đi chơi vào mỗi ngày thứ Bảy, chỉ để chui vào một góc tối của quán cà phê nào đó, và ngấu nghiến hôn nhau, buông thả mình trong những xúc cảm đam mê dễ dàng. Ngoài ra thì chẳng còn gì khác, không ước mơ về tương lai, cũng chẳng buồn tự hỏi xem hai đứa hiểu nhau đến mức nào. Cuộc sống đang thay đổi, từng giây, đến từng tế bào nhỏ nhất. Còn tôi, như Định nhận xét sau gần một năm không gặp: “Diên vẫn vậy ”, nghĩa là không già đi, nhưng cũng có nghĩa là không trưởng thành hơn, không chín chắn hơn, không có nhiều khát vọng chinh phục hơn và không thành đạt hơn. Trong khi cả Định, cả Quốc, cả Bảo Vi đều khác hẳn ngày trước, thoát ra khỏi những ước mộng viển vông và nỗ lực để xây dựng hiện thực, thì tôi vẫn chạy loanh quanh, ăn bám cha mẹ và nghĩ ngợi những điều xa xôi.

Tôi nhớ đến bức thư của Bảo Vi gửi cho tôi cách đây hơn một tuần, nét chữ tròn trịa, nhỏ nhắn bằng mực tím, như một học sinh cấp ba:

“ Diên thương…

Đã ba tháng rồi tao chưa viết thư cho mày, thời gian qua nhanh thật. Tao bây giờ có thêm việc làm mới, đi dạy ở một lớp mẫu giáo dân lập bên Bãi Giếng. Lương tháng ba trăm ngàn. Chiều và tối vẫn nhận đồ về may. Cũng phải cố làm để dành dụm một ít cho chính mình.

Anh Thái hỏi cưới tao, nhưng tao ngại, mày ạ. Thương thì có thương, nhưng mà ảnh làm tiệm vàng, giàu nhất nhì xã, còn nhà mình, mày biết rồi, lấy về dễ bị người ta khinh khi. Tao chỉ thích lấy người nào cùng hoàn cảnh, chịu khó, rồi hai vợ chồng cùng làm, tự lo cho cuộc sống riêng của mình, khỏi lệ thuộc vào ai.Vậy là hạnh phúc rồi.
TruongSaVNN
Quốc có về phép trước khi ra đảo, nói lâu lắm rồi chẳng nhận được thư từ gì của hai người cả. Nó nói ra đó rồi sẽ viết thư về ngay để báo địa chỉ. Tao thương quá. Nhưng nó tình nguyện nên hăng hái lắm. Tao gửi theo cho nó giấy viết thư và mấy chục con tem. Mày và Định ra sao? Chắc việc học hành bận bịu lắm ? Nói thật là đôi khi tao nghĩ hai người rất tệ, ở cách nhau 2 km đường chim bay, có chạy lòng vòng cũng chỉ mất 7 phút đi xe máy, vậy mà vẫn một năm không thèm gặp mặt nhau.”

Biết làm sao được, hả Vi. Vẫn nhớ nhau lắm, vẫn yêu quý lắm, nhưng bây giờ môi trường khác rồi, bạn bè khác, công việc cũng khác, thời gian biểu lại lệch nhau. Tôi tham gia đủ thứ các lớp học, vi tính, ngoại ngữ, mặc dù chưa bao giờ chịu theo đến cùng, tôi học tiếng Anh sáu tháng, tiếng Pháp ba tháng, tiếng Nhật 4 tháng, chưa kịp thi lấy bằng thì chán quá nghỉ ngang. Rồi vi tính văn phòng, thiết kế đồ hoạ, rồi học vẽ. Tôi học tất cả những gì tôi chợt thấy thích, mà tôi thì thích quá nhiều. Khi mọi người hỏi đến thì tôi luôn luôn đang học một cái gì đó. Vì thế mà thậm chí tôi chẳng còn thời gian để gọi điện hỏi thăm xem Định thế nào. Hình như tôi tin rằng Định luôn ở đó mỗi khi tôi cần đến. Vì thế tôi không phải cần gặp Định mỗi tuần, mỗi hai tuần hay một tháng để giữ liên lạc, hay để tình bạn phát triển đến một mức nào đó xa hơn…

***

Định nhìn xa xăm ra ngoài trời, rồi chợt lắc đầu:

– Lâu rồi chưa viết thư cho Quốc.

– Diên cũng vậy, bốn tháng rồi. Và năm lá thư chưa hồi âm.

– Bận quá.

– Và lười, và vô tâm nữa…

Mà vô tâm thật đấy, đôi lúc cứ quên bẵng đi là mình có một người bạn rất thân tình nguyện đi Trường Sa. Thỉnh thoảng tình cờ đọc một vài bài viết về Trường Sa, mới chợt giật mình nghĩ Quốc đang sống và chiến đấu với những khó khăn ngoài ấy, nâng niu trồng từng cây rau nhỏ, và mỏi mắt chờ mỗi chuyến tàu từ đất liền với hy vọng nó mang theo thư của Định, của tôi, lại thấy nhoi nhói trong lòng. Thư Quốc viết mỗi ngày một chín chắn và rắn rỏi hơn “Nhập ngũ rồi mới biết mình cũng yêu đất nước vô cùng, Diên ạ. Và Quốc chợt hiểu, phải tham gia, phải hành động thì mới phát hiện ra mình”. Có phải vì thế mà tôi vẫn chưa tìm ra chính mình, cứ mãi loay hoay giữa những ước mơ. Mà ở tuổi hăm hai, người ta không thể cứ sống bùng nhùng giữa những ước mơ được. Định nói đúng “ chỉ ước mơ thôi thì chưa đủ ”. Phải sống khác đi, Diên ạ, tối nay hãy ngồi vào bàn viết thư cho Quốc, cho Bảo Vi, và ngày mai hãy sắp xếp lại cuộc sống của chính mình, sắp xếp lại cả tình yêu nhạt nhẽo với Việt.
girlonnightroad
Định lại đốt lên một ngọn nến khác, soi vào mắt tôi:

-Diên đang nghĩ gì?

Đôi mắt Định đen như màn đêm, và sáng lấp lánh.

– Sinh nhật bạn thân, và nhìn lại chính mình. Bốn năm đại học, bốn năm xa nhà, xa bạn bè cũ, sao Diên thấy mình vẫn chưa có gì trong tay!

– Định cũng chưa có.

– Nhưng Định có những dự định!

-Vậy thì Diên hãy có những dự định, và Diên sẽ biết Diên phải làm gì để đạt được chúng.

Tôi im lặng, có lẽ Định nói đúng. Hãy có những dự định, và mình sẽ biết mình phải làm gì. Một làn gió lùa qua những thanh chắn và thổi tắt ngọn nến, chỉ còn mắt Định sáng lấp lánh. Định chỉ cho tôi một mảnh trăng hiện ra nhoè nhoẹt giữa bầu trời vừa dứt mưa…

– Chúc mừng sinh nhật!

Đông Vy

Bí quyết làm đẹp, đã được thời gian kiểm chứng


Để đôi môi hấp dẫn,
Hãy nói lời tử tế.
beautytips
Để cặp mắt đáng yêu,
Hãy tìm cái đẹp trong mọi người

Để dáng vóc mảnh mai,
Hãy chia sẻ thức ăn với người đói

Để tóc đẹp
Hãy cho em bé luồn tay vào tóc mỗi ngày

Để dáng đẹp
Bước đi với hiểu biết rằng bạn sẽ không bao giờ bước một mình.

Con người, quan trọng hơn đồ vật, phải được phục hồi,
Làm mới, làm sống lại, khai thác lại và cứu chuộc lại;
Đừng bao giờ ném bỏ ai.

Hãy nhớ rằng, khi cần một bàn tay giúp đỡ
Bạn sẽ tìm thấy bàn tay đó ở cuối cánh tay của bạn

Khi lớn tuổi hơn, bạn sẽ khám phá ra rằng bạn có hai bàn tay;
Một bàn tay để giúp chính bạn,
Bàn tay kia để giúp người khác.

(Nguyễn Minh Hiển dịch)

.

Time Tested Beauty Tips

For attractive lips,
Speak words of kindness.
beauty-poise
For lovely eyes,
Seek out the good in people.

For a slim figure,
Share your food with the hungry.

For beautiful hair,
Let a child run his or her fingers through it once a day.

For poise,
Walk with the knowledge you’ll never walk alone.

People, even more than things, have to be restored,
renewed, revived, reclaimed and redeemed;
Never throw out anybody.

Remember, if you ever need a helping hand,
you’ll find one at the end of your arm.

As you grow older you will discover that you have two hands;
one for helping yourself,
the other for helping others.

(By Sam Levenson (1911-1980)
From his book: “In One Era & Out the Other”)

Viết giản dị và sâu sắc

Chào các bạn,

Bài này là để trả lời câu hỏi, Làm thế nào để viết giản dị và sâu sắc?

Giản dị và sâu sắc liên hệ rất mật thiết với nhau. Những gì sâu sắc thường rất giản dị. Ví dụ: Chàng nói với nàng, “Anh yêu em”—tất cả những bó hồng nhung của thế giới, tất cả thi ca của thế giới, tất cả âm nhạc của thế giới vẫn không làm đầy được ba chữ “Anh yêu em.”

Nhưng, sâu sắc và giản dị là hai kỹ năng khác nhau. Sâu sắc là suy tư. Giản dị là giải bày, hoặc bằng lời nói hoặc bằng lời viết. Trong phần sau đây, chúng ta sẽ nói đến sâu sắc trước, rồi sẽ nói đến viết giản dị sau.

I. Làm thế nào để suy tư sâu sắc?

Thực ra từ “sâu sắc” rất tương đối—sâu sắc với người này, vẫn có thể là nông cạn với người kia. Nhưng tại đây ta không cần quan tâm đến chuyện đó; chỉ cần biết là hôm nay ta sâu sắc hơn ta hôm qua là đủ rổi.

Muốn suy tư sâu sắc ta chỉ cần nắm vững 3 điều thôi:

Suy tư
Suy tư

1. Càng suy nghĩ và kinh nghiệm về một việc gì, ta càng sâu sắc về việc ấy. Sâu sắc đến từ suy tư và kinh nghiệm. Nhưng, kinh nghiệm không phải là một cái gì nằm ngoài tiến trình suy tư, kinh nghiệm là 50% của suy tư, vận dụng não bộ để suy tư là 50% còn lại. Có những điều mình đọc năm 18 tuổi, đến 40 tuổi mới “ngộ” được nó, không phải là vì IQ của mình cao hơn ở 40, nhưng vì kinh nghiệm sống cao hơn.

Nhưng nói đến kinh nghiệm thì các bạn trẻ cảm thấy hơi thiệt thòi rồi. 😦 Nhưng không sao. Người lớn tuổi hơn thì đã phải “trả nợ đời” (pay their dues) nhiều lắm rồi, biết hơn một tí cũng là công bình thôi. Hơn nữa, mình trẻ hơn thì mình lại có sức mạnh khai phá của người tiền phong cầm rìu rựa phá rừng thành rẫy. Nếu mình làm việc với người lớn tuổi hơn, lấy kiến thức của họ về con đường cũ làm kiến thức tạm của mình, và mình dấn thân vào khai phá con đường mới, thì mình có thể nắm được cả quá khứ đến tương lai.

Dù sao đi nữa thì suy tư là suy tư và sống. Cho nên đọc sách, nghiên cứu, thảo luận là một chuyện; nhưng cũng cần phải “đi ra ngoài và làm gì đó” (Go out and do something!).
flighttofreedom
2. Phải vượt thoát các “công thức suy tư”

Chúng ta không tự nhiên mà biết suy tư. Từ bé ta đã được học hàng nghìn công thức suy tư cho hàng nghìn vấn đề. Ví dụ: Đi thưa về trình—không làm như thế là vô lễ. Con gái thì phải thùy mị, không chơi trò bắn súng đánh nhau. Chửi thề là quyền ưu tiên cho đám con trai. 😦 Đó là tiến trình “văn minh hóa” của một con người. Nếu không học được những công thức suy tư như thế thì chúng ta có lẽ là không khác gì chú khỉ trên rừng.

Nhưng những công thức suy tư cần thiết cho sự phát triển nhân cách, cũng có tiềm năng biến chúng ta thành những người máy robot khi lớn lên nếu chúng ta không biết cách “vượt lên tầng cao hơn” để suy tư thực sự tự do. “Vượt lên tầng cao hơn” không có nghĩa là phá bỏ mọi công thức, mà là biết khi nào dùng công thức, khi nào không, khi nào chính mình tạo ta công thức mới cho mình. Đó là mức sáng tạo của tất cả mọi loại nghệ thuật.

Ví dụ: Hoc vẽ thì lúc đầu là phải theo công thức màu gì trộn với màu gì ra màu gì, màu gì dùng để diễn tả tình cảm gì, cách nhìn và đo lường phối cảnh, luật quân bằng… Học viết thì văn phạm, chấm câu, bố cục… Học đàn thì ngồi thế nào, tay bấm thế nào, lúc nào mạnh yếu nhanh chậm ra sao… Học võ thì bước nào trước bước nào sau, một hai ba bốn thế nào… Một lúc nào đó người học trò đã thành thuộc các công thức và đã bắt đầu lên hàng thầy, thì hầu như là quên mất công thức, vì công thức đã vào máu mình rồi. Và bậc thầy thực sự là nguời có thể bỏ công thức và sáng tạo công thức mới khi thấy cần. Đây là mức sâu sắc của nghệ thuật.

Suy tư cũng thế thôi. Một lúc nào đó, ta cần có cái nhìn của một trẻ thơ để hỏi “tại sao?” trước những công thức suy tư đã giúp ta trưởng thành, để ta không bị ngục tù tư tuởng và có thể biến hóa sáng tạo. Ví dụ: Đi thưa về trình. Lúc còn nhỏ đó là công thức văn hóa. Nhưng bây giờ lớn một tí rồi thì “tại sao?” Lớn rồi có còn cần nó như hồi còn con nit hay không? À, có lẽ nó không còn mấy cần thiết như là một vấn đề lễ nghĩa, nhưng vẫn có thể cần đối với người trong nhà như là vấn đề an ninh. Thời đại này, đủ thứ bất an xảy ra ngoài đường, đi đâu nên nói cho ai đó trong nhà biết mình đang đi đâu và khi nào sẽ về, lỡ có chuyện gì người nhà còn biết đường mà mò. Về trễ thì gọi điện về báo tin để người nhà khỏi lo. Đó là suy tư sáng tạo. Hỏi “tại sao?” để thay đổi cái cũ thành cái mới, hoặc đôi khi xóa cái cũ nếu thấy nó thực sự chẳng cần thiết. (Các cô thư ký của mình luôn luôn biết mình ở đâu và khi nào về, kể cả khi mình đi restroom. Để nếu có thân chủ gọi đến, cô không phải trả lời: “Ông ấy ở đâu tôi cũng không biết và chẳng biết khi nào ông ấy về.” Thân chủ sẽ có cảm tưởng là văn phòng này chỉ lo du hí và chẳng ai biết “what is going on” hết).

Đừng bị đóng khung vào các công thức suy tư và ứng xử. Như vậy mới thực sự tự do sáng tạo. “Muốn vào nước thiên đàng thì hãy như trẻ thơ.” Muốn đến đỉnh cao thì hãy vượt khỏi khung công thức người lớn. Nhưng… nhưng… nhưng… một bậc thầy đã nhuần nhuyễn công thức nói là phải vuợt thoát công thức thì khác với một người học trò nhập môn chưa rành công thức nào. Chúng ta chỉ có thể vượt thoát công thức để sáng tạo khi đã nhuần nhuyễn công thức. Không học công thức nào và không rành công thức nào, mà đòi gạt bỏ công thức, thì chưa làm học trò được, đừng nói là sẽ thành thầy sáng tạo.

cherry-heart
3. Chú tâm vào quả tim con người

Tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ trên đời, ngoại trừ toán học và khoa học thiên nhiên, đều qui vào qủa tim con người và liên hệ giữa các con người—xã hội học, chính trị học, kinh tế học, thương mãi, nhân chủng học, khảo cổ học, đạo đức học, luận l‎ý học, tôn giáo học, triết học v.v… Tất cả những sinh hoạt gì liên hệ đến con người đều có gốc rễ trong quả tim con người. Ví dụ: Chính trị cho người Việt. Nếu cứ lấy các thống kê và các công thức chính trị của Mỹ rồi giải thích chính trị Việt nam thì hỏng bét. Các thống kê đó phải được hiểu với hiểu biết tâm lý người Việt. Tượng tự như thế, các công thức mô hình chính trị các nước có thể là chẳng mấy liên hệ với khung cảnh và tâm lý người Việt. Kinh tế cũng thế, có thể có một tin chiến tranh ở đâu đó và giá vàng ở vài nơi trên thế giới xuống, nhưng giá vàng ở Việt Nam có thể lại lên, vì dân Việt có máu thích trữ vàng làm an ninh—cứ rục rịch là mua vàng.

Chú tâm vào quả tim con người là chú ‎ý quan sát quả tim của chính mình thường xuyên. Nếu biết quả tim mình thì mình biết được 90% quả tim của mọi người trên thế giới, vì sự khác biệt thực sự giữa mọi người rất ít. Mà quan sát thì cần một tí tĩnh lặng và nhìn.

Ví dụ: Nhìn trời mưa và đang muốn làm thơ, tự động là một công thức suy tư nhảy ra: “Mưa rơi mang mang buồn.” Nếu viết công thức này xuống, thì bài thơ có thể nghe chán phèo vì mấy triệu người đã víết công thức này cả trăm năm rồi. Thay vì thế, quan sát tâm mình một tí, có thể là mình đang nhớ đến ngày mưa năm đó hẹn nàng ở quán Hoài, nhìn mưa đợi nàng, như thường lệ, trễ hẹn 😦 Vậy thì bắt đầu bằng, “Nước bay trước mặt quán Hoài, hàng xe lầm lũi bên ngoài phố mưa…” Hay hay dở thì chưa biết, nhưng chắc chắn là sáng tạo hơn công thức đã bị lạm dụng “Mưa rơi mang mang buồn.” Mà sáng tạo thì có tiềm năng sâu sắc. Ít ra là sâu sắc hơn công thức có sẵn.

Tất cả các vấn đề triết l‎y’ xã hội chính trị kinh tế cũng thế thôi. Dùng cái tâm mình làm thước đo trước, sau đó mang ra cho mọi người, không chính xác 100% vì người và ta khác nhau, nhưng ít ra cũng được 90%.

Tóm lại, muốn suy tư sâu sắc, ta nên chú trọng vào 3 điều: 1. Suy tư và sống. 2. Vượt thoát các công thức. và 3. Quán sát tâm mình.

II. Làm thế nào để viết giản dị

Trong các dịp huấn luyện các luật sư mới ra trường viết lách, mình luôn luôn nhắc đến 3 qui luật viết: 1. Giản dị. 2. Giản dị. Và 3. Giản dị.

Giản dị, vì viết là để chia sẻ với người khác, nếu không giản dị người đọc sẽ không hiểu mình viết gì, và như thế là mình đã thất bại trong việc chia sẻ. (Nếu viết chỉ để cho mình đọc, như là làm thơ chẳng hạn, thì không cần ai hiểu. Nhưng nếu đã đăng ra ngoài mà còn nói là tôi viết để chỉ cho tôi đọc, thì đó là không thành thật. Chỉ cho tôi đọc sao lại đăng ra ngoài?)

Nguyên tắc viết giản dị đòi hỏi ta chú tâm đến các điểm sau:
khán giả
1. Biết người đọc mình nhắm đến là ai: Giản dị với các vị cử nhân thì khác với giản dị với các vị mới chỉ học xong lớp năm. Cho nên, nghĩ đến đọc giả mình nhắm đến, trong khi viết.

Nếu đọc giả có thể có đủ mọi trình độ, ví dụ từ lớp 10 đến tiến sĩ (như ĐCN chẳng hạn), thì ta phải viết đủ giản dị để người học lớp 10 cảm thấy mình hiểu hết bài viết, và người tiến sĩ cũng hiểu hết bài viết nhưng sâu hơn vài tầng. Điều này cũng không khó mấy, chỉ cần thêm vào bài cho người lớp 10 vài từ có vẻ vô thưởng vô phạt cho lớp 10, nhưng mang l‎y’ lẽ sâu xa cho người cấp tiến sĩ. Ví dụ: “Yêu người thì thường được người yêu lại.” Câu này thì lớp 10 hiểu được ngay, nhưng người mức tiến sĩ thì thấy sự quan trọng của chữ “thường”—À chị này nói thế có y’ là lâu lâu cũng có ngoại lệ, yêu người thì được nguời đâm sau lưng. 😦

Ngay cả khi viết cho người có trình độ cao, ta vẫn phải tưởng tượng là họ chẳng biết gì mấy, viết như viết cho người có trình độ thấp hơn một tí vì: (a) Người bận việc đọc rất nhanh và không muốn đọc lại. Viết càng giản dị càng giúp họ trong việc đọc. (b) Trong các việc ta đã suy nghĩ và nghiên cứu nhiều, người đọc không rành việc ấy bằng ta, cứ xem như là ta đang giải thích cho học trò là chắc ăn nhất. Ví dụ: Viết một về vụ án gửi lên thẩm phán, bạn đã tốn mấy tháng liền, mỗi ngày 12 tiếng, nghiên cứu vụ này. Trong vụ này bạn là thầy ông thẩm phán, ông ta chẳng biết ất giáp gì hết, vậy thì khi viết cho thẩm phán cứ viết thật giản dị như viết cho học trò của bạn.

simplicity
2. “Nếu tôi viết, bạn đọc mà không hiểu, thì đó là do tôi viết tồi, chứ không phải vì bạn đọc tồi.” Luật này là luật viết quan trọng số 1.

3. Chỉ viết về một điểm chính cho một bài. Hai điểm chính, như bài này–suy tư sâu sắc và viết giản dị–là đã hơi quá nhiều. Ba điểm là giới hạn tối đa. Bốn điểm là no-no.

4. Dùng từ giản dị. Đừng dùng từ phức tạp, trừu tượng và chuyên môn.

Từ giản dị là từ dùng thường ngày. Ví dụ: “Đừng xả rác ngoài đường” thì dễ hiểu và mạnh mẽ hơn là “Phải đề cao ‎y’ thức y tế cộng đồng.” (Nói gì vậy??). “Anh yêu em” thì rõ ràng hơn là “Anh xúc cảm tràn dâng trong tâm tưởng với ảnh hình dấu ái tuyệt vời của em.” (What is that?? Muốn gì thì nói thẳng ra đi cha nội :-))

Từ cụ thể thì dễ hiểu và mạnh mẽ hơn từ trừu tượng. Ví dụ: “Hãy vun trồng nước non sông núi này; hãy tưới nước cho hoa nở trên mọi cánh đồng” thì mạnh mẽ và dễ hiểu hơn là “hãy nâng cao lòng ái quốc và tình yêu xứ sở.”

Từ chuyên môn chỉ nên dùng với người cùng ngành chuyên môn. Ví dụ, thay vì “Độc quyền kinh tế làm tăng giá, giảm cầu và giảm hiệu năng kinh tế quốc gia” thì nên viết “nhà độc quyền có quyền bán ít hàng để có thể tăng giá đến mức cắt cổ, làm người tiêu thụ rất bị thiệt thòi.”

5. Viết câu ngắn. Ví dụ:

    “Ai cũng bảo xòe bàn tay ra, trong ấy có cả quá khứ vị lai. Tôi thì không tin rằng chỉ cần ngồi lẩm nhẩm với mình mà đọc được cái gì chưa đến. Còn quá khứ thì đâu chỉ nằm trong lòng bàn tay. Tôi vay ngân hàng ba mươi triệu, quá khứ của tôi nằm ở ngân hàng. Tôi vay của người hàng xóm đôi lời chì chiết. Quá khứ giờ đang nằm ở nhà hàng xóm. Tôi vay em một thời yêu thương. Chuyện này thì cầu mong quá khứ còn náu mình đâu đó nơi em.” Kể Chuyện Tôi, Tấn Ái.

6. Dùng các dấu chấm câu để giảm vận tốc đọc của người đọc. Ví dụ:

    “Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: ‘Tôi thích chăn bò!’. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! Tôi rất thích nhìn vào đôi mắt to trong veo của con bò nhà tôi, đen láy và ướt át, chúng luôn khẽ khàng nấp dưới hàng mi dài cụp xuống. Trong đời, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt nào buồn đến thế. Nó toát lên vẻ ẩn nhẫn, cam chịu, và hiền lành khiến cho tâm hồn trẻ thơ ngập tràn thương cảm. Một tình bạn thầm lặng bắt đầu từ đó!” Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng, Đông Vy.

link

7. Dùng các từ nối kết—nhưng, và, vì thế, do đó, vậy thì, thế thì…– để nối kết những chuỗi lý luận với nhau. Ví dụ:

“Tư duy là bên trong và hành động là bên ngoài. Tư duy chi phối hành động. NHƯNG cuộc đời đưa ta đến bao tình huống khác nhau mỗi ngày, đòi hỏi những hành động khác nhau cho từng tình huống. Hành động thì khi nhanh khi chậm, khi như sâu lắng suy tư, khi như ánh chớp như thể không kịp suy tư, khi thì dịu dàng, khi thì dũng mãnh… VẬY THÌ tâm tư ta thế nào trong những tình huống như vậy? Tâm tư ta cũng biến chuyển vô thường như hành động theo từng tình huống hay sao?” Liên hệ giữa tư duy và hành động.

8. Đặt mỗi “đơn vị ý tưởng” (thought unit) trong một đoạn (paragraph) riêng. Nhưng nếu đoạn này quá dài thì cắt ra thành hai ba đoạn cho đỡ rậm mắt và nhức đầu người đọc.

Hoặc, nếu một câu nào đó mà ta muốn nhấn mạnh, thì tách câu đó ra thành một đoạn. Ví dụ:

    “Tâm tính của mỗi người là một bộ máy tâm sinh lý đặc biệt, cứ như thế mà vui buồn yêu ghét. Không phải muốn đổi tâm tính là có thể làm xong trong một ngày, một tuần. Nếu cơ thể cần được tập luyện mỗi ngày, khá lên mỗi ngày một tí, vài ba năm mới được như vận động viên, thì tâm tính cũng thế, cũng phải được rèn luyện mỗi ngày, không, mỗi phút giây ta sống. Và phải kiên nhẫn một thời gian thì mới có được kết quả ‘trông thấy’.

    Nhưng tại sao ta phải suy tư tích cực? Trời sinh sao để vậy không được sao?

    Trước hết, tâm tính của ta không phải do trời sinh. Các yếu tố di truyền có dự phần một tí, như là sinh ra thì có hai tay hai chân, nhưng có đai đen Judo hay một cơ thể èo ọt bệnh hoạn là do ta. Trí lực và tâm lực cũng thế, trời sinh ra có tâm trí, tích cực hay tiêu cực là do ta.” Tư duy tích cực là gì?

9. Nếu được thì nên đánh số 1,2,3, a,b,c như dàn bài cho các đơn vị ý tưởng (như bài này đây).

10. Bất kỳ bài nào, dù là viết kiểu gì, đều có 3 phần: Mờ đầu, thân bài và kết luận. Có khác nhau là chỉ về hình thức một tí thôi. Mở đầu là để giới thiệu mình muốn nói về việc gì. Thân bài là phân tích, l‎ý luận, giải bày. Kết luận là để mình muốn đọc giả nghĩ gì, cảm xúc gì, làm gì, chia sẻ gì. Ví dụ:

    Mở đầu: “Nếu bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Tôi thích chăn bò!”. Có thể bạn không tin, nhưng thật tình, tôi thích chăn bò lắm! …”

    Kết luận: “Để bây giờ, rất nhiều khi thấy chán chường những con đường chen chúc người xe và khói bụi, mệt mỏi với cuộc sống vội vã đua tranh, tôi lại thèm quá những ngày huy hoàng cũ, khi tôi còn là một cô bé chăn bò. Bởi thế, nếu một ngày nào đó không tìm thấy tôi trong chốn đô thị bon chen, bạn hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng …” Hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng, Đông Vy.

proofreading

11. Duyệt lại. Nếu bạn là chuyên gia về kinh tế viết một bài về kinh tế cho đọc giả không phải là dân kinh tế, thì sau khi viết xong, đưa bài cho một người bạn chưa biết đánh vần chữ “tiền” đọc lại. Nếu bạn này nói chỗ nào không hiểu thì viết lại chỗ đó, cho đến khi bạn đó nói là thực sự hiểu toàn bài.

Viết là một nghệ thuật. Càng viết nhiều thì nghệ thuật càng nâng cao và càng có nhiều kỹ năng để nghiên cứu thêm. Nhưng hy vọng các qui luật căn bản trên đây cũng có thể giúp các bạn đi được một đoạn khá dài.

Điều cuối cùng mình muốn nhấn mạnh trong liên hệ giữa suy tư sâu sắc và viết giản dị là: Chỉ khi bạn hiểu được một vấn đề rất sâu sắc bạn mới đủ khả năng để trình bày vấn đề đó rẩt giản dị. Nếu bị lúng túng quá trong việc giản dị hóa một vấn đề, có thể là bạn phải nghiên cứu và suy nghĩ thêm về vấn đề đó, cho đến lúc nắm vững đủ để trình bày đựợc cho cả các em bé tiểu học, nếu cần.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến.

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use