Thứ năm, July 2, 2009

Bài hôm nay:

Naturally 7 beatboxes cả dàn nhạc, Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, anh Trần Đình Hòanh giới thiệu và nối link.

Daily English Discussion, anh Trần Đình Hoành.

Hối tiếc và già nua, Danh Ngôn, song ngữ, chị Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

Ly’ do để cười , Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến dịch.

Hạ , Thơ, anh Nguyễn Tấn Ái.

Huế, Thơ, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.

Bồ câu, chim sẻ, đàn sóc và ông già “thuộc về” công viên , Trà Đàm, chuyện phố, anh Nguyễn Minh Hiển.

Vạn thọ hương , Trà Đàm, văn, chị Đặng Nguyễn Đông Vy.

Tích cực hay tiêu cực nhìn từ bên ngoài , Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Iran gạch tên các nước thuộc Liên Minh Âu Châu ra khỏi danh sách được nói chuyện với Iran về nguyên tử – cáo buộc các nước Âu Châu là đã dính líu đến các cuộc biểu tình bạo động ở Iran gần đây. Liên Minh Âu Châu kêu gọi các quốc gia Âu châu chấm dứt liên hệ ngoại giao với Iran. Tuy nhiên, Đức và Ý, hai quốc gia buôn bán nhiều nhất với Iran, muốn giữ liên hệ ngoại giao.

Bé gái 12 tuổi, người sống sót duy nhất của chuyến bay Yemen, đã nói chuyện vui vẻ – Baya Bakari nói là em thấy máy bay đâm xuống biển và em bị văng ra khỏi máy. Em có nghe tiếng nhiều người nhưng không thấy gì cả. Em ôm một vật gì đó nhưng không biết nó là gì. Vài giờ sau em được giải cứu. Tất cả 152 người đuợc xem như đã chết. Chuyến bay này xuất phát từ Yemen và rơi ở Ấn Độ Dương hôm qua, thứ tư, 1 tháng 7.

Hy Lap có luật mới cấm hút thước ở trường học, bệnh viện, và tất cả các nơi công cộng.

Bệnh béo phì gia tăng ở Mỹ – 23 tiểu bang (trong tổng số 50 tiểu bang) của Mỹ bị tăng bệnh, và không có tiểu bang nào giảm bệnh. Hơn nữa, 30 tiểu bang có ít nhất là 30% tổng số thiếu nhi bị béo phì. Bệnh béo phì làm gia tăng tổn phí y tế vì béo phì gây ra nhiều chứng bệnh kinh niên. Hơn nữa, béo phì thường đưa đến các bệnh tim, đột quỵ, và tiểu đường.

Thuộc địa toàn cầu của kiến Agentina (Argentine ants; Linepithema humile) – Loài kiến này từ Argentina, theo dấu chân người đến Mỹ, Âu Châu, Nhật và các nơi khác, thành lập những thuộc đia vĩ đại, ngọai trừ Nam Cực. Ở Âu Châu, chúng lập một siêu thuộc đia dài 6,000km bên bờ Địa Trung Hải; ở Mỹ siêu thuộc địa California dài 900km, ở Nhật một siêu thuộc địa ở bờ tây nước Nhật. Thông thường kiến từ các thuộc địa khác nhau hay đánh nhau, nhưng các chú kiến này, lấy từ các siêu thuộc địa khác nhau, sẽ không đánh nhau khi bị ở chung, và xử với nhau như bạn thân.

Sườn xe đạp làm bằng tre

Hồng Kông muốn dân chủ hơn — Hàng chục nghìn người diễn hành ở Hồng Kông, kêu gọi dân chủ hơn, nhân dịp kỷ niệm12 năm Anh trao trả Hồng Kông cho Trung quốc.

Người ăn rau quả ít bị ung thư hơn người ăn thịt.
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Phát hiện 3 hang động tuyệt mỹ – Sau nhiều năm ẩn mình trong rừng già nguyên sinh và những rặng núi đá vôi kỳ vĩ của xã Tân Hóa (Minh Hóa), ba hang động đã được người dân phát hiện với những cột thạch nhũ đẹp mê hồn.

Lợi thế khi chuẩn bị tốt nguồn nhân lực – Ông Dan Mitchell, Trưởng bộ phận Mercer College khu vực ASEAN, vừa sang VN chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, tư vấn nhân lực cho đội ngũ làm công tác nhân sự ở các doanh nghiệp.

Cô thiếu nữ tý hon – Đứng giữa 14 gương mặt thanh niên tiêu biểu trong cuộc vận động “Tuổi trẻ Thạch Thành học tập và làm theo lời Bác” được tuyên dương tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) lần thứ 3 là một thanh niên đặc biệt nhỏ nhắn với gương mặt rắn rỏi, đầy nghị lực.

Giải thưởng Chim én 2009 – vinh danh những bông hoa thầm lặng – giải thưởng lần đầu tiên phát động do Tập đoàn FPT khởi xướng, vinh danh những cá nhân và tổ chức làm công tác thiện nguyện vì cộng đồng xuất sắc đã chọn ra 5 cá nhân và 5 tập thể trong tổng số 120 hồ sơ gửi về chỉ trong hơn một tháng.

“Cố Hồ” của Thọ – Nhiều năm liền Đặng Hữu Thọ là học sinh khá, giỏi; đoạt giải nhì cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do huyện Châu Thành (Bến Tre) tổ chức.

Vẽ chân dung biển – Lênh đênh trên biển mấy tháng trời đo đạc để vẽ nên chân dung biển cả của Tổ quốc. Có cả một đoàn quân thuộc hải quân VN đang miệt mài làm công việc này trên các vùng biển.
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Daily English Discussion–Thursday, July 2, 2009

englishchallenge
Hi everyone,

I am happy to see that everyone is more comfortable writing English. And I am very impressed with all of you. You all have very solid grammar and composition, some minor mistakes here and there notwithstanding. That’s the way to go, sisters and brothers. Keep writing. After a while you will find it easy.

And as you guys are more comfortable writing, we can think about more interesting things for ĐCN, such as a new category for “poetry and essay in English.” Keep writing. And if have written a good poem or essay in English, send it to me for posting on ĐCN.

For today discussion, could each person write a piece on your experience and feeling on English study.

When did you start learning English? How did you feel about English at first?

Then when did you start to really love English?

How do you feel about English as a language? Beautiful? Sounds pleasant to ear? Sounds romantic?

How does English help you open your horizons, such as American music and singers, American culture, British culture, Australian culture?

How do you think English may help Vietnam as a nation?

How do you think English teaching may be improved?

And whatever else you would like to write about.

You guys are doing wonderfully. I love it.

Have a great day!

Hoanh

Hạ

Chieu nangvang.
Về ngang An Việt
chiều nghiêng nắng vàng
chừng như nuối tiếc
một thời chân hoang

Bờ tre lộng gió
tơi bời lá khô
em mang niềm nhớ
đi tìm hư vô

Em mang miền nhớ
đi tìm thiên thu
ta thành cơ nhỡ
rượu say khật khù

Nhớ lam chân núi
thương mờ đường quê
chiều ba mươi lẻ
dật dờ chân đi

aodai186
Bạn bè dăm bảy
chừ quên lối về
chén vàng nâng lẻ
cụng vào chân mây

Em mang nhan sắc
bán rao chợ đời
cuối mùa trinh trắng
chẳng còn đôi mươi

Em mang dấu ái
bán rao lọc lừa
ơi người tình lữ
đâu rồi mùa xưa

Ta chừ cô lẻ
mơ mùa xa xưa
nghêu ngao câu hát
cung thiếu cung thừa

Còn chăng ước cũ
còn chăng tuổi vàng
trang đời trống toát
chẳng đành lật sang

Về ngang An Việt
lòng như nắng vàng
ngày như lửa thắp
lênh loang chiều hoang.

Nguyễn Tấn Ái

Huế

Hue kinh thanh

 

Huế

Cố đô này

nơi vua chúa và các công nương
đã dõi mắt vượt núi non và biển cả
tìm bến đỗ cho đàn chim di Lạc

nơi em đã hát cho tôi
lời thì thầm của mẹ trên dòng Hương
ngày mẹ được tin con chết trên chiến trường

nơi linh hồn của bao vua chúa và chiến sĩ
vẫn lay động những đoá sen trong hào thành tĩnh lặng

đã bao lần
bị xé rách, đập tan và nghiến nát

để mỗi khi nhìn vào mắt em
dù trời có xanh, trong, và sáng
tôi vẫn chỉ thấy một cánh cò trắng bay giữa hoàng hôn

    (Chuyển ngữ từ Anh ngữ)

 

Hue

This imperial city

where kings and princesses
looked past mountains and seas
searching for a landing patch for the migratory Lac flock

where you have sung for me
the murmurs of a mother on the Huong river
the day she got word of her son’s death on the battlefield

where the souls of kings and warriors
still vibrate the lotus flowers on the tranquil moat

has been torn and beaten and crushed
time and time again

so that when I look at you in the eyes
though the sky may be blue and bright and transparent
I only see a white stork flying in the sunset.

    TDH, Washington DC, Nov. 5, 1999

Bồ câu, chim sẻ, đàn sóc và ông già “thuộc về” công viên

Ông già và chim bồ câu :-)
Ông già và chim bồ câu 🙂

Chào các bạn,

Chủ nhật vừa rồi, mình đi dạo bộ ở công viên New Haven Green, khuôn viên trường đại học Yale và gặp một cảnh tượng thú vị 🙂

Một đàn bồ câu, sẻ, và sóc dễ thương chạy nhảy quanh một ông già đang ngồi trên ghế đá. Ông mặc quần sóc, áo sơ mi hơi nhếch nhác, nhưng tươi tắn như làn gió và rất “thuộc về” công viên. Ông đang cho đàn chim ăn những viên lạc, cạnh ông có mấy tờ báo.

Mình ngạc nhiên đứng lại để ngắm. Ông đang mải mê cho chim ăn lạc và ngắm chúng. Mình không xa lạ với sự thân thiện giữa con người và chim bồ câu ở những nước Tây phương. pigeon2 Chim chóc tự do lắm, hồi trước mình cũng cho chim ăn bánh mỳ, thỉnh thoảng cũng bị chim mổ trộm nếu không để ý. 🙂  Nhưng lần này đúng là tuyệt thật khi được thấy rất gần và gần gũi với chim chóc.  🙂

Mình chào ông và xin ông mấy viên lạc, và bẻ nhỏ ra. Mình ném lạc xuống đất, chim xà tới mổ. Mình để lạc trên tay và hạ thấp tay xuống, chim bay tới mổ, mổ cả vào tay mình. Mình nâng tay cao dần lên, chim chấp cánh bay cao theo tay, đậu vào tay để ăn lạc. Mình ấp nhẹ tay kia vào đôi cánh chim nhưng không ôm chặt chúng vào đôi tay để rồi ném lên khoảng không vì chúng không thích như thế.  🙂

Mình nói chuyện với ông, ông kể tên những chim bồ câu, chim sẻ, con sóc mà ông đặt tên ở công viên này–Johny, Liz, Tiny, Peter… Ông nói lẩm bẩm “You’re camouflaged but I see you”, hóa ra có một con sóc đang đứng đầu ở dưới đuôi ở trên, dọc theo thân cây sồi phía trước. Ông gọi “kéc kéc kéc” và chú sóc chạy xuống từ từ từ thân cây, đi đến tay của ông, đứng bằng 2 chân sau, dùng hai chân trước giữ viên lạc và măm măm. Ông kể chuyện chuyển hóa tất cả bồ câu, chim sẻ và sóc từ ăn bánh mỳ sang ăn lạc như thế nào. Lúc đầu, chúng bị nhầm là ông sẽ cho chúng ăn bánh mỳ và sau đó nghiền ăn lạc luôn.

Chim bồ câu ở Nhật
Chim bồ câu ở Nhật

Ông kể chuyện, một lần có chú bồ câu gắp viên lạc nhưng viên lạc lại nằm ngang so với mỏ chim, mỏ chim lại mềm quá nên chú cứ loay hoay mãi không biết làm sao với viên lạc nằm ngang mỏ mình. Ông phải đánh trống lảng để chim buông mỏ và viên lạc rơi xuống, nếu không chú chim đó chắc chẳng biết làm sao. 🙂

Ông chỉ lên một chú chim đang bay một mình cao tít trên đỉnh của nhà thờ gần đó. Người  nói chuyện râm ran và chim đang măm măm, bồng òa một cái như có đợt gió nhẹ, cả đám chim nhất loạt bay đi và đậu lại ở đám cỏ ở phía xa. Mình hỏi ông sao thế, ông bảo “I wish I could know” 🙂

Bồ câu ở Ý.  Luật Ý cấm cho bồ câu ăn vì chúng tự do quá :-)
Bồ câu ở Ý. Luật Ý cấm cho bồ câu ăn vì chúng tự do quá 🙂

Mình hỏi, chắc nhiều người chụp ảnh ông lắm. Ông nói chắc đến mấy trăm người. Mình hỏi tên ông để mình kiếm ông trên Internet, vì mình không có máy ảnh mang theo để chụp ảnh ông. Ông cười, bảo là chẳng ai hỏi cả, chắc họ gọi ông là “bird man” hay “pigeon man” 🙂 Mình sau đó cũng chép lại tên ông. Ông tên là Bear Hilliker. 🙂

Rốt cuộc mình không tìm thấy hình ông trên Internet khi mình viết bài này. Mình đành lấy các hình bồ câu khác vậy 🙂

Bồ câu ở New York
Bồ câu ở New York

Ông là một người tàn tật, làm nghề nhặt ve chai để sống. Ông nhặt những vỏ chai mà các du khách đến thăm trường Yale bỏ lại trên các thùng rác. Câu chuyện của ông và mình trải dài từ chim sẻ, tên chim, đặc điểm của sóc, tới chuyện ngụ ngôn về chim sẻ trong thánh kinh, và cúm chim và ảnh hưởng tới môi trường của sự văn minh của con người. Vừa nói, cả hai vừa ngắm chim sẻ và sóc. 🙂

Thoáng chốc, mình hòa vào thế giới của động vật và cây cối xung quanh công viên. Mình nhận ra rằng, trước khi nói chuyện với ông già, mình đúng thật là một du khách. Thoáng sau đó, mình đã là người “thuộc về” công viên. 🙂 Tự nhiên mình để ý tới những du khách và những người “thuộc về” công viên trong khu vực này. Mình nghe thấy tiếng chim hót líu lo, của gió thổi qua cành cây, và nhìn thấy các con sóc chạy nhảy giữa một chủ nhật nắng dịu.  Hóa ra, có một bản giao hưởng nhạc nền đang ngân vang trải khắp công viên này, và có lẽ cũng ở bất kỳ đâu, nơi công sở, bệnh viện hay trường học. Nếu ta mở lòng mình, ngạc nhiên như một em bé, quan sát xung quanh và “tune in” (bắt tần số), ta sẽ “thuộc về” và không chỉ những người du khách. 🙂

Chúc các bạn một ngày “đúng tần số” 🙂

Hiển.

Vạn thọ hương

vantho-merigold
Có nhiều năm, tôi nán lại Sài Gòn đến tận hai mươi chín, ba mươi Tết, mặc dù mẹ cứ gọi điện thúc giục về mau.

Nán lại, để đợi lãnh hết các thứ tiền lương thưởng, rồi mới rộn rã chạy ra chợ Trần Hữu Trang mua mấy thứ bánh, mứt ở quê không có. Thứ mứt dừa non mềm và dẻo của Sài Gòn khác xa loại mứt dừa già tự sên ở nhà, chưa kể mứt me, mứt bí, hạt dẻ, các loại bánh kẹo “sang trọng” mà khi mời khách, bao giờ mẹ cũng thêm một câu “cái này mua tận Sài Gòn đó, ở đây không có đâu”. Xong lại chạy một vòng ra đường Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ mua cho mấy đứa em chục chiếc áo sơ mi và quần jeans hàng thanh lý bán ở lề đường. Gom góp hết mấy tờ lịch treo tường được tặng. Vội vàng gói ghém cho kịp chuyến tàu tối.

Bình thường khi đi tàu, mạnh ai nấy ngồi. Những câu chuyện cảnh giác đầy rẫy trên báo khiến cho mọi người trở nên khép kín. Tôi thường trải qua những đêm trên tàu bằng cách ngủ co chân trên ghế, sao cho không phiền đến người bên cạnh.

Nhưng chuyến tàu Tết thì khác. Khi con tàu bắt đầu xình xịch lăn bánh ra khỏi ga Hòa Hưng, tôi nghe quanh mình bỗng đầy ắp những tiếng thở dài nhẹ nhõm. Về quê ăn Tết. Những lo toan thường ngày đã xếp lại. Mặc kệ những lo âu về việc phải tìm một chỗ ở mới hay thậm chí chỗ làm mới khi trở vào sau Tết. Tất cả đều thấy lòng xôn xao, chút tiền còm trong túi, chút quà mọn trong giỏ, và niềm vui được về quê kéo mọi người lại gần với nhau. Trong chốc lát, bỏ lại đằng sau những ánh đèn thành thị, tiếng nói chuyện bắt đầu tràn ngập toa tàu. “Quy Nhơn hả?” “Nha Trang cháu ở đường nào?” “Quê đâu mà nhìn mặt quen quen?”

Gần như tất cả những người bạn đường của tôi trên toa ghế cứng chật ních người đều đã qua một năm lao động mệt mỏi ở Sài Gòn. Những khó nhọc và bụi bặm của cuộc sống thường ngày vẫn vương bám trên vầng trán đầy nếp nhăn và những đôi bàn tay cáu bẩn. Nhưng trong khoé mắt họ ánh lên niềm vui. Những gói giấy, túi, giỏ nhét chật căng để chen chúc dưới gầm ghế.
vantho-merrigold
Một năm kia, dưới chân tôi là hai chậu vạn thọ.

Chàng trai đen sạm ngồi ngay lối đi cười ngượng nghịu: “Chật quá, chị làm ơn cho để ké chút…” rồi như phân bua, anh nói tiếp “bông thọ này ông bác ở Củ Chi tặng, chứ ở ngoài quê rẻ rề”

Tôi mỉm cười. Đúng rồi, rẻ rề. Cái thứ vạn thọ lùn, bông tròn, màu vàng chanh hay ngả sang màu nghệ, một chục ngàn mua được vài chậu.

Có một lần, tôi tình cờ nhấp vào trang web từ điển mở Wiktionary ở ngay từ vạn thọ. Thấy trong đó viết: “Loài cúc, hoa có nhiều cánh, màu vàng, trồng làm cảnh”, ở dưới chêm một câu xanh rờn “Hoa vạn thọ rẻ tiền”. Tự dưng thấy nhoi nhói.

Chợt nhớ cô bạn đi du học ở Úc, năm kia Tết không về được, ra chợ người Việt nhìn bông vạn thọ mà òa khóc. Cô bảo rằng chợ Tết ở xứ xa chỉ có độc hoa vạn thọ, đích thị cái thứ hoa nhà quê mà sao sang đến đó lại nao lòng quá vậy.

Bạn nức nở qua điện thoại kể một năm nào đó ở lại Sài Gòn ăn Tết, tối ba mươi đi chợ hoa muộn, nhìn thấy mấy chậu vạn thọ không bán hết bị người bán bỏ lăn lóc bên lề đường, chưa qua giao thừa mà cánh đã rụng tả tơi. Bạn tiện chân đá bụp cả chậu vô đống rác, miệng than: “Chời chời, cái thứ bông này mà ở Sài Gòn cũng bán nữa nè chời?”

Kể lại, để thấy thương làm sao. Vạn thọ ơi vạn thọ, nếu không vì cái tên chắc mày còn thiệt thòi nữa. Vì cái màu vàng tròn đầy quá phô phang hết cả cái duyên, vì cái mùi thơm nồng hắc quá khiến người ta phải nhăn mặt.

Trên chuyến tàu về Tết năm ấy, người bạn đồng hành còn cho tôi biết thêm nhiều bài thuốc từ hoa vạn thọ. Rằng hoa vạn thọ phơi khô dùng nấu nước uống rất mát. Lá và hoa tươi giã ra trộn với chút muối đắp vào những chỗ sưng sẽ tan máu bầm rất nhanh… Tôi tiếc không ghi lại, chỉ nhớ sơ sơ.
van tho3
Nhưng tôi vẫn nhớ rằng, người bạn đó là một sinh viên trốn vé, suýt nữa thì bị nhân viên tàu đẩy xuống cùng với hai chậu hoa và chiếc ba lô nhẹ tênh. Vài ba người ngồi quanh đó đã cùng tôi góp tiền mua vé cho anh tiếp tục cuộc hành trình. Đáp lại với đôi mắt long lanh và nụ cười ngượng nghịu, anh tặng tôi một chậu vạn thọ trước khi nhảy xuống ở một ga xép. “Chẳng có gì, chị nhận giùm cho tui khỏi áy náy”.

Ông cụ già ngồi cùng hàng ghế với tôi, vuốt chùm râu trắng bé xíu dưới cằm, khe khẽ đọc:

Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng,
Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương.*

Tàu lại xình xịch đi. Đêm mát và đen như thạch. Tôi nhìn xuống những bông vạn thọ chợt bừng sáng lạ lùng trong ánh điện mờ, mùi hương nồng tràn ngập toa tàu. Tết đang đến gần, gần lắm!

ĐặngNguyễn Đông Vy

* Câu này nguyên là “Nhất nhân tác phúc thiên nhân hưởng/ Độc thụ khai hoa vạn thụ hương”(Một người làm phúc, ngàn người được hưởng; một cây trổ hoa, vạn cây được thơm lây).

Tích cực hay tiêu cực nhìn từ bên ngoài

gratitude
Chào các bạn,

Chúng ta luôn luôn nói đến tư duy tích cực và hành động tích cực như là một hoạt động phát xuất từ tâm ta. Nghĩa là, y’ nghĩa thực sự của một hành động thì chỉ có người làm nó mới biết. Các phê phán và kết luận từ bên ngòai đều không chính xác. Vậy có nghĩa là ta không thể dùng bên ngoài để định giá tích cực tiêu cực hay sao?

Thưa, vấn đề lệ thuộc vào ta là ai—người làm hành động? hay người nhận hành động? Giả sử một người hành khất được một người phụ nữ cho 20 nghìn đồng. Ông ta có cần phải biết người phụ nữ đó nghĩ gì trong đầu không? Có cần biết bà ta cho vì lòng thương người hay vì muốn nổi tiếng không? Nếu cần phải biết như vậy thì có thể người hành khất này sẽ sớm nghỉ làm hành khất, vì anh ta sẽ chết đói rất nhanh. Hơn nữa, không ai có thể biết được trong đầu người khác, vậy thì đừng đoán mò mất công vô ích. Cứ phán đoán theo bên ngoài—bà ấy giúp mình một số tiền, cứ nhận và cám ơn bà ấy thật tình. Vậy là đủ.

Ngay cả khi nguời làm không thực sự có lòng tốt, nhưng việc làm đó tốt đối với người nhận, thì người nhận cứ nhận và cám ơn nồng nhiệt thật tình. Ví du: Người phụ nữ trên thực sự muốn nổi tiếng khi cho tiền, và người hành khất cũng biết được điều đó, nhưng 20 nghìn đồng đến tay anh ta là một hành động thiện, nó giúp cho anh và con cái được một bữa ăn. Vậy thì, anh nhận nó như là một cử chỉ thiện hảo và cám ơn thật tình. Việc bà ấy muốn nổi tiếng chẳng ăn nhập gì đến lợi ích và suy tưởng của anh hành khất cả.

Ví dụ khác. Mỹ viện trợ giáo dục cho Việt Nam là để giúp Việt Nam đào tạo nhân tài, nhưng với mục đích xa hơn là để Việt Nam thành một quốc gia thân Mỹ với lãnh đạo đào tạo từ Mỹ. Cứ coi như là mục tiêu ích kỷ đi. Nhưng Việt nam vẫn được lợi ích rất nhiều từ những viện trợ giáo dục đó, vậy thì ta cứ hăng hái nhận lãnh và cám ơn rất thật tình. Và nếu Việt Nam có thân Mỹ thì cũng chẳng sao, vì chính sách ngọai giao của Việt Nam hiện nay là thân thiết với mọi quốc gia trên thế giới.
gratitude1
Nói tóm lại, khi thụ nhận một hành động, chúng ta chỉ có thể và chỉ nên xem xét bên ngoài và những lợi lộc mà hành động đó mang đến cho ta, và cám ơn thật tình. Không nên suy đoán điều không thể biết và cũng không cần thiết—là người làm hành động đó thực sự nghĩ gì—để rồi có những hành động rất vô ơn như là: “Ối, tiền chùa không lấy thì uổng. Chứ cái đám đó thì ân nghĩa phúc đức gì!” Vô ơn bạc nghĩa như thế chỉ vì ngồi suy đoán lung tung, là một tội với trời đất và với con người. Thà là không nhận. Nếu nhận là phải tri ân.

• Đó là về người nhận.—người nhận không thể biết tâm ‎ y’ của người cho, vì vậy không nên suy xét lăng nhăng mà chỉ nên thấy lợi ích cho mình và cám ơn. Tuy nhiên, nếu ta là người cho, thì ta biết rất rõ tâm ‎ của mình. Vậy thì ta phải có được tâm ‎y’ tốt và không thể làm việc chỉ vì những hào nhoáng—cám ơn, nổi tiếng, ghi danh—bên ngoài. Nếu làm việc tốt chỉ vì bên ngoài thì chẳng được phúc đức gì cả mà chỉ gây nên tội. Tại sao? Vì chạy theo hào nhoáng tiếng tăm bên ngoài là nuôi dưỡng thêm “cái tôi” của mình cho thêm trương phình. Mà cái tôi càng lớn thì cơ hội cho mình làm thêm bao nhiêu điều xấu xa càng tăng. Các việc thiện mình làm, có thể thiện cho người khác, nhưng đối với mình thì chúng đã biến thành thực phẩm nuôi nấng cái tôi của mình; đó là nuôi dưỡng mầm ác.

• Tóm lại, ta có 2 qui luật suy tư ngược chiều nhau tùy theo ta là ai. Nếu ta là người nhận hành động, ta phán đoán theo bên ngoài và tri ân mà không nên đoán mò tâm y’‎ của người làm (ngọai trừ một vài trường hợp đặt biệt cần biết tâm y’‎ người làm, như khi tòa án nhìn bằng chứng bên ngòai để quyết đoán là thủ phạm cố y’ giết người hay đó chỉ là tự phòng vệ).
lookintoyourheart
• Người tư duy tích cực hầu như luôn luôn có 2 qui luật trái ngược nhau trong mỗi trường hợp—một cho mình và một cho người:

    — Không quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình, nhưng quan tâm đến mang lợi ích an vui đến cho người khác.
    — Không cầu nguời yêu mình, nhưng cầu mình yêu người.
    — Không có cái tôi cho mình, nhưng nâng cao phẩm tính của người khác.
    — Không đòi công l‎y’ cho mình, nhưng mang công l‎y’ đến cho mọi người.

Hai bộ qui luật gần như đối chọi nhau tùy theo đối tượng là mình hay người. Nhưng cả hai rốt cuộc phục vụ cùng một mục đích—mang đến an lạc cho mình cũng như cho người khác.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use