Thứ tư, 22 tháng 7 năm 2009

Bài hôm nay:

Seiji Ozawa–Người vũ công với gậy nhạc trưởng , Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, anh Trần Đình Hoành giới thiệu và nối link.

Daily English Discussion, Hà Lội and Hồ Chí-Minh, anh Trần Đình Hoành.

Thay đổi, Danh Ngôn, song ngữ, chị Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

Giữ tình bạn , Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến dịch.

Cầm vàng mà lội xuống sông , anh Nguyễn Tấn Ái.

Làm những quyết định khó khăn , Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Biểu tình ở Iran tiếp tục, dù có lệnh cấm – Cảnh sát bắt giữ một số người sau khi cuộc biểu tình trở thành bạo động.

Quân đội Lebanon đã bắt được 10 người âm mưu tấn công lực lượng giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở miền nam Lebanon – Những người ngày được xem là có liên hệ đến al-Qaeda.

Ngọai trưởng Mỹ Hillary Clinton nói Mỹ rất quan tâm về hợp tác quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Miến Điện.

Hôm nay nhật thực toàn phần đi qua Á Châu – Nhật thực toàn phần sẽ đi qua India, Nepal, Burma, Bangladesh, Bhutan and China trước khi ra Thái Bình Dương. Các nơi khác ở Á châu sẽ thấy nhật thực bán phần. Nhật thực này sẽ kéo dài 6 phút 39 giâym tại điểm xem tốt nhất. Vài trăm năm mới có nhật thực dài thế này một lần.

Quốc hội Ấn Độ nỗi giận vì cựu tổng thống Ấn APJ Abdul Kalam bị khám người và cởi giày trước khi lên máy bay của Continental Airlines sang Mỹ – Theo thông lệ, cựu tổng thống và các viên chức cao cấp không bị lục soát.

Esperanto, ngôn ngữ của hy vọng – Cộng đồng nói tiếng Esperanto trên thế giới đang chuẩn bị kỷ niêm sinh nhật 150 năm của cha đẻ của Esperanto Dr Ludwig Lazar Zamenhof (1859-1917) tại sinh quán của ông ở Bialystok, Ba Lan. Đây là một ngôn ngữ nhắm vào công đồng, nhẫn nhục và bình đẳng.

Bố mẹ nhiều stress sẽ gia tăng khả năng sinh con bị suyễn – Một nhóm nghiên cứu tại Đại Học California cho biết.

Hai anh hùng cứu em bé 4 tuổi bị kẹt trong xe đang cháy – Hai anh em John và Joel Rechlitz đều là nhân viên cứu hỏa ở Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, đang chuẩn bị cho một tiệc sinh nhật gia đình hôm chúa nhật, thì vợ của John gọi điện thoại, hốt hỏang cho biết một chiếc xe truck thể thao (SUV) đã bị lật gần đó, đang bị cháy và có mấy người kẹt trong đó.

John và Joe chạy ngay đến hiện trường. Chiếc xe đã lật nghiêng và cháy rực, trong đó kẹt một phụ nữ và 2 đứa con. Người mẹ đã trao được đứa con 2 tuổi ra ngòai cho vợ của John. John và Joe đập cửa kính lôi được người mẹ ra ngoài. Nhưng bên trong còn em trai 4 tuổi đang bị gài cứng vào ghế ngồi của trẻ em, và ghế của em bắt đầu cháy và em đang gào thét. Cả John và Joe bỏng cả hai tay cố gắng mang em ra nhưng không được, và không tìm được nút cài dây để mở.

May nhờ có người đứng gần đó có con dao, John và Joe cắt được dây, mang em ra ngoài. Em bé bị bỏng 30% tòan thân, đang trong tình trạng nguy kich, nhưng có khả năng qua khỏi, và sẽ được giải phẩu. John và Joe chỉ bị bỏng tay.

Xem video ở đây
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Để có một thế hệ không sâu răng – Lần đầu tiên ở châu Á, Viện Răng hàm mặt T.Ư sẽ bổ sung fluor vào muối ăn, trước mắt ở tỉnh Lào Cai từ cuối năm 2009. Mục tiêu của dự án là tạo nên một thế hệ người VN không sâu răng!

Chính quyền đối thoại với trẻ em – Ngày 20-7, gần 140 em đại diện trẻ em TP.HCM tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo HĐND, UBND TP và các sở ngành tại diễn đàn “Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em năm 2009”. Tại diễn đàn, lãnh đạo TP và các sở, ngành giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng giáo dục, về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính… cùng các vấn đề dân sinh hiện nay của TP như môi trường, “lô cốt”, kẹt xe, chất lượng xe buýt…

Du lịch kết hợp team building – Xây tháp bằng, học làm gốm, dệt, múa Chăm…, những du khách từ TP.HCM, Hà Nội đã có một ngày khám phá làng dệt Mỹ Nghiệp khá thú vị bằng những trò chơi huấn luyện tinh thần làm việc nhóm: team building. Du lịch kết hợp team building đang trở thành trào lưu khám phá điểm đến thay cho mô hình du lịch ăn – ngủ – nghỉ.

Nét cọ hình trái tim – Sau một lần đứng lớp thay mẹ dạy vẽ cho các em học sinh khiếm thính, họa sĩ Nguyễn Như Khôi (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) thường xuyên tham gia dạy vẽ miễn phí cho nhiều lớp dạy vẽ của những tổ chức dành cho người khuyết tật, người khiếm thính ở TP.HCM.

Nữ kình ngư Phạm Thị Của: Lần thứ tư có mặt ở ASEAN Para Games – Một nghị lực phi thường!

Đoàn VN đoạt 6 huy chương tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế 50 – 2009 – Tin từ Bộ GD-ĐT cho biết kết thúc kỳ thi Olympic toán học quốc tế IMO 50 diễn ra từ ngày 10 đến 22-7, tại CHLB Đức, cả 6 thành viên đoàn VN đều giành huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Nuôi người cha bị liệt, em ung thư, vẫn học giỏi – 15 tuổi, một mình Trần Thị Thu Hà (thôn Nhứt Giáp, xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) gieo cấy ba sào ruộng, nuôi đàn lợn nái, chăm sóc ba nằm liệt giường, chăm ông nội ngoài 90 tuổi để mẹ đi nuôi em bị ung thư máu ở bệnh viện Huế.

Biến rác thải thành đal lót đường – Sáng kiến của một bác sĩ ở Bệnh viện huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) về xử lý chất thải rắn y tế đáng được các nhà khoa học quan tâm. Nếu thẩm định và đánh giá tốt về mặt khoa học thì đây sẽ là hướng xử lý rác thải y tế thuộc nhóm thủy tinh cần được phát huy trong ngành y tế.

Xây dựng sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế – Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch cảng hàng không (HK) quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, cảng HK Phú Bài sẽ trở thành cảng HK quốc tế có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn.

Việt Nam có mạng di động thứ bảy – Thị trường viễn thông Việt Nam vừa chào đón sự ra đời của mạng di động thứ bảy mang tên Beeline, vừa chính thức ra mắt chiều 20-7.

CLB Hoa học đường kết nối “Ước mơ của Thúy” – Chiều 17-7, hơn 20 hoa hậu, người mẫu thuộc CLB người mẫu Hoa Học Đường và Công ty PL đã kết nối cùng chương trình “Ước mơ của Thúy” (do báo Tuổi Trẻ thành lập) đến thăm, tặng quà, vui chơi cùng bệnh nhi đang điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
.

Xem video tại đây.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Seiji Ozawa–Người vũ công với gậy nhạc trưởng

Đứng trước dàn nhạc, Seiji Ozawa xem giống như là một vũ công đang uốn mình bay bổng lên xuống với dòng nhạc hơn là một nhạc trưởng. Vào thập niên 80’s khi Ozama đang là nhạc trưởng ở dàn hòa tấu Boston Symphony Oschestra và tóc xỏa dài gần đến lưng thì “điệu vũ” của anh trước ban nhạc còn thẩm thấu, nồng nhiệt và bão tố hơn cả ngày nay. Ngắm Ozama vũ với gậy nhạc trưởng làm cho cảm nhận của ta về dòng nhạc mạnh mẽ hơn rất nhiều.

seijiozawa
Seiji Ozama có bố mẹ Nhật, sinh ngày September 1, 1935 ở thành phố Shenyang, Trung Quốc, thời kỳ Nhật đang chiếm đóng Trung Quốc. Đến 1944 anh trở về Nhật học piano. Xong trung học, anh bị thương một ngón tay, không chơi piano được. Một người thầy đưa anh đi nghe hòa nhạc; bản Symphony Số 5 (Bản giao hưởng “Định Mệnh”) đã cho anh quyết định học làm nhạc trưởng.

Gần 10 năm sau anh thắng giải Nhạc Trưởng Quốc Tế (International Competition of Orchestra Conductors) ở Besancon, France, nhờ đó được Charles Munch, giám đốc âm nhạc của dàn hòa tấu Boston Symphony Orchestra mời sang học tại Berkshire Music Center (ngày nay là Tanglewood Music Center) tại Boston, Mỹ. Đến năm 1960, anh lại được sang Bá Linh học với nhạc trưởng người Áo nỗi tiếng thế giới , Herbert von Karajan, của dàn hòa tấu Berliner Philharmoniker.

Ozawa bắt đầu trở thành khuôn mặt lớn của làng nhạc cổ điển thế giới khi anh thành nhạc trưởng của Boston Symphony Orchestra năm 1973. Và anh giữ chức vị này liên tục trong 29 năm, phá kỷ lục 25 năm của nhạc trưởng Koussevistzky trước kia. Từ năm 2002 đến nay Ozawa là nhạc trưởng cùa dàn hòa tấu nước Áo (Austria State Orcchestra).
Seiji_Ozawa
Năm 1976 Ozawa được giải Emmy cho chương trình “Evening at Symphony”, chương trình âm nhạc hàng tuần của Boston Symphony Orchestra. Năm 1994, được thêm một giải Emmy cho “thành tích cá nhân về văn hóa” cho chương trình “Dvorak in Prague, a celebration.” Năm 2008, Ozawa được giải “Order of Music,” giải thưởng cao nhất của nước Nhật. Ông đã có tiến sĩ danh dự từ các đại học Harvard, New England Conservatory, Đại Học Tiểu Bang Massachusette, và Wheaton College. Và dĩ nhiên là vô số các giải thưởng khác.

Năm 1992 ông thành lập dàn hòa tấu Saito Kinen Orchestra, để các nghệ sĩ Nhật có dịp trình diễn với các nghệ sĩ quốc tế. Ngày nay dàn hòa tấu này đã có tên tuổi quốc tế.

Trong thập niên 1980’s Ozawa có nói: Người Nhật coi thường tài năng của người Nhật, chỉ đến khi quốc tế chấp nhận rồi thì người Nhật mới thấy được tài năng.

Sau đây mời các bạn xem vài bản cổ điển quen thuộc, do Ozawa và dàn hòa tấu Berliner Philharmoniker trình diễn:

1. Múa đao (Sabre dance) trong bài vũ Gayaneh, của Aram Khachaturian.
2. Vũ khúc Polovtsian trong nhạc kịch Prince Igor của Alexander Borodin.
3. Overture 1812 của Tchaikovsky (phần 1)
4. Overture 1812 của Tchaikovsky (phần 2)

Xin mời !

Hoành
.

Sabre dance from ballet Gayaneh, by Aram Khachaturian. Berliner Philharmoniker

.

Polovtsian dances from opera Prince Igor by Alexander Borodin. Berliner Philharmoniker.

.

Tchaikovsky – 1812 overture. Berliner Philharmoniker. (Part 1)

.

Tchaikovsky – 1812 overture. Berliner Philharmoniker. (Part 2)

Daily English Discussion–Wednesday 7/22/09–Hà Lội and Hồ Chí-Minh

Hi everyone,

Below, FYI, are the pictures of Hà Lội on July 20, 2009, and Hồ Chí-Minh on July 21, 2009.
.

Hà Lội, July 20, 2009
Hà Lội, July 20, 2009

Hồ Chí-Minh, July 21, 2009
Hồ Chí-Minh, July 21, 2009

.

I guess this swimming affair will be here for a while, because these things cannot be fixed in a day.

But shouldn’t the “leader ships” of these two cities start sailing and giving the people a clear plan with a clear deadline of how and when the swimming will stop?

In the meantime, we can make life more bearable by telling jokes about it. 🙂

Have some jokes, imaginary or real life stories, to tell?

Have a great day! 🙂

Hoanh

Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông

Những lúc lắng lòng đối diện với mình, tôi thấy yêu lời tâm tư kia đến lạ. Mà nào phải là kia, mà chính là mình:

Cầm vàng mà lội xuống sông
Vàng thời không tiếc, tiếc công cầm vàng.

Lời ca đúng phẩm chất ca dao, tải nặng một cái tình, thăm thẳm. Như mở một nẻo chạy hút về phía cõi mình, cuối con đường hun hút ấy là vườn địa đàng đã vắng cõi trần, đã xanh cõi tâm.
dia dang
Nhà thơ bình dân nào đã lặng vào vô danh, lặng luôn cả cái sự, để qua một nhọc nhằn mất mát chỉ còn lại bền bỉ nhất một ánh nhìn, một chép miệng thở dài, một suy tư.

Thử hình dung, thử nổ lực ráp nối , gia dĩ cũng thỏa được cái mạch lạc của một sự đời.

Có mở đầu là một hành động: Lội
Có sự kiện diễn biến: Đánh rơi cái gì quí giá.
Có kết thúc: Nỗi niềm tiếc nuối.

Song cái mạch lạc đã lặng đi ở đúng cái chỗ cần lặng nhất. Mấy cái diễn biến luộm thuộm bờm xờm vốn thường thấy ở cái đời nhiêu sự thì tiếc nuối gì mà giữ, mà nên cắt bỏ cho nhẹ cái người, cho thanh thản lời ca.
Cắt bỏ khẳng khái.
Mà thái độ cũng khẳng khái: Vàng thời không tiếc.
Dừng ở đây, lời ca có phẩm chất của một triết lí.

Từ khi linh hồn kết cuộc chung thân với cái chữ người thì đã bỏ hai chân mà lội cõi nhân gian, cái tài, cái tình, cái danh cứ bắt con người ta phải lội. Lộ trình đời người ấy lắm lúc lại cứ phải đánh rơi.buong
Khi mệt mỏi mà rơi.
Khi bỏ cuộc mà rơi.
Khi yếu tài kém thế mà rơi.
Khi dập giàm giăng bẫy mà hỏng.
Mà mỗi cuộc đánh rơi là mỗi một trận bão lòng!
Lúc ấy giá mà học được thái độ chấp nhận mà nhủ mình: Không tiếc.

Giá mà được làm thằng say một đời trong truyện của Nam Cao để mà khẳng khái: “ Chết cả đi rồi có ai gọi là cụ lớn mả”.
Giá mà nuốt trôi được, tiêu hóa được cái lời của một học giả: “ Không ai ăn một ngày quá ba bữa và ngủ một đêm trên hai cái giường”.
Chấp nhận được thế đời nhẹ lắm, thanh thản lắm. Mà cũng chẳng còn cái vị cái mùi gì nữa.

Vậy thì cứ buông đi phần xác, cứ giữ lại phần hồn:
Tiếc công cầm vàng.
Là tiếc cái vun đắp, tiếc cái hoài bão, tiếc cái thâm tình.

Cũng tại cõi đời vốn không nhẹ như nhiều nhà tư tưởng nghĩ.
que1

Có cái qua đi rồi mà cứ níu lại phía sau.
Có cái đi dùng dằng chẳng đặng.
Nhất là những gì vốn thuộc về tâm hồn, thuộc về con tim.
Dòng xoáy nào cuốn trôi một bàn tay tình bạn.
Con sóng nào đánh bạt một tình yêu.
Ừ thì cho đến cái thân này còn có khi chẳng còn giữ nổi, hơi đâu mà tiếc cái vật vong thân, ai lại triết lí cuồng ngạo thế bao giờ. Lại cứ phải sụp xuống, chới với một bàn tay: Tiếc công cầm vàng.
co 1
Như người dân quê tôi những năm lửa đạn, cả quê di tản, từ khu định cư nhìn về chốn cũ chỉ thấy mờ mờ mịt mịt, thay cho những cánh cò chớp trắng là những cánh tàu bay với những chớp trắng là những cánh tàu bay với những chớp lửa đạn nhì nhằng, người dân thương hàng cau sau hè, cây thị trước ngõ, cánh đồng vụ tháng ba oằn oại ngoài đồng mà ngơ ngẩn vào ra.

Thương là thương cái giọt mồ hôi còn nằm lại.
Vàng thời không tiếc, tiếc công cầm vàng.

Như cái bận sau ngày giải phóng, tháng mười hai năm bảy lăm, ba tôi tổ chức lễ mừng Chúa giáng sinh tại gia, chính quyền bắt phạt vì tổ chức hội kín mà không xin phép, tội nghiệp mấy chú du kích vốn là học trò cũ, nhìn ba dẫy cỏ trước sân ủy ban như đứa học trò dốt bị kỉ luật mà không dám một tiếng chào thầy.
Ba chép miệng: Vàng thời không tiếc, tiếc công cầm vàng.
lội
Tôi thương lời ca tình nghĩa ấy, không màu mè câu chữ mà nặng oằn gan ruột.
Tôi cũng đồ chừng rằng để có được lời ca vừa khẳng khái vừa rất đổi ân tình đó thì cái ý tưởng ban đầu cũng đã trôi nổi qua bao nhiêu cuộc riêng tư, rồi cứ như một thứ vàng luyện qua bao lửa đời để chắc tuổi mười đến thế.
Rồi cũng tự nhủ mình đâu phải lúc nào cũng lạnh băng ráo hoảnh mới là bản lĩnh, thôi thì cứ yên tâm mà bận bịu một chút tình.

Dòng sông cuộc đời chảy dọc, có mất mát mới là đời.
Dừng có té sấp té ngửa vì thiệt hơn mới là bản lĩnh.
Và, cần nhất, bận bịu một chút với ngày qua để thực là người, để xứng là người.

NGUYỄN TẤN ÁI.

Làm những quyết định khó khăn

Chào các bạn,

Nếu so sánh giữa người lãnh đạo một nhóm và các thành viên của nhóm, thì mọi người đều như nhau—đôi khi thành viên có thể giỏi hơn lãnh đạo về kỹ thuật và có thể làm được tất cả những gì lãnh đạo làm. Duy có một điều chỉ có lãnh đạo có quyền và có nghĩa vụ làm, đó là “ra quyết định.”

Người lãnh đạo bắt buộc phải chịu trách nhiệm về hoạt động của nhóm, và không thể bán cái theo kiểu, “Tại vì cả đám đòi vậy chứ đâu phải ý tui.” Và bởi vì phải có trách nhiệm, lãnh đạo phải có nhiệm vụ ra quyết định cho nhóm, để chỉ đạo công việc. Không thể bán đi nhiệm vụ này được.

difficultdecision1

Dĩ nhiên là các lãnh đạo có kinh nghiệm đều biết là nên bàn với cấp dưới một tí trước khi ra quyết định, vì quyết định như vậy sẽ tốt hơn, nhờ có sự thông thái của nhiều cái đầu họp lại, và cũng được mọi người hăng hái, nhờ quyết định có được ‎các ý ưa chuộng của các thành viên.

Hoặc, trong những trường hợp “đằng nào cũng tốt,” lãnh đạo có thể cho phép các thành viên biểu quyết để lấy quyết định, nhưng đương nhiên lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm 100% về quyết định từ biểu quyết, vì đó chính là quyết định mình đã chọn.

Thỉnh thoảng, trong một tình huống khó khăn nào đó, lãnh đạo đối diện với nhu cầu phải làm những quyết định khó khăn. Những tình huống này chính là những bài thi, phân tách lãnh đạo tài ba khỏi các lãnh đạo bình thường.

Có 2 loại tình huống khó khăn:

1. Loại thứ nhất là khó khăn từ bên ngoài, và không ảnh hưởng đến nội bộ nhóm: Ví dụ: Thống kê mới cho biết công ty Số Một có thị phần 40% thị trường, công ty Số Hai 25% thị trường. Đó là một khó khăn cho công ty Số Hai. Nhưng khó khăn này thực ra không khó lắm để công ty Số Hai biến nó thành sức mạnh của mình. Giám đốc công ty Số Hai có thể nói với các cộng sự viên của mình: “Công ty Số Một có mặt đã 10 năm, được 40%. Mình mới có 2 năm đã được 25%. Xem ra mình rất khá. Các bạn nghĩ là mình có thể qua mặt họ được không? Trong bao lâu?” Từ đó mọi người sẽ hăng hái lên chương trình “Trở Thành Số Một” trong một thời gian nào đó.

Các loại “khó khăn” này rất dễ được các lãnh đạo giỏi biến thành sức mạnh.

difficultdecision3

2. Loại tình huống khó khăn thứ hai là khi khó khăn đó ảnh hưởng đến nội bộ của nhóm và có tiềm năng làm cho cả nhóm hay vài thành viên của nhóm không vui. Ví dụ: Kinh tế xuống, phải giảm 25% nhân lực của nhóm, tức là cho ¼ nhóm nghỉ việc. Hay, một người khá trong nhóm làm lỗi lầm gì đó nguy hại đến “sức khỏe” của cả nhóm đến nỗi phải cho nghỉ việc. Hay, người lãnh đạo có kinh nghiệm thấy được một nguy hại đang đến, trong khi đó các nhóm viên chẳng ai thấy được và cứ nhởn nhơ đường khác.

• Đây là những tình huống khó khăn, vì hầu như quyết định nào cũng có thể làm cho cả nhóm không vui và xuống tinh thần, đó là chưa kể tiềm năng chống đối lãnh đạo. Trong những tình huống khó khăn, “vốn liếng” có sẵn của lãnh đạo có thể giúp lãnh đạo vượt qua khó khăn đễ dàng hơn. Vốn liếng đó là “lòng tin” của các thành viên vào lãnh đạo.

Lòng tin này đến từ 2 điều. Điều thứ nhất là thâm tình–mỗi thành viên đều tin là lãnh đạo quan tâm lo lắng chăm sóc cho mình. Điều thứ hai là khả năng—mỗi thành viên đều tin là nếu mình không thấy điều gì mà lãnh đạo thấy thì tốt hơn là “cứ tin vào anh/chị ấy.”

Hai điều này tạo nên “lòng tin,” gọi là trust. Người Mỹ hay nói, “Trust has to be earned through time” (lòng tin phải được xây dựng qua thời gian). Tức là ta không thể nào có được lòng tin của các thành viên trong một ngày một giờ. Phải qua thời gian, các thành viên sẽ từ từ hiểu được tâm y’, tác phong, khả năng của lãnh đạo.

Trong những tình huống khó khăn, người lãnh đạo nhờ vào (1) vốn liếng “lòng tin” và (2) kỹ năng lãnh đạo của mình để làm cho đa số, nếu không là tất cả, thành viên bớt bức xúc vì quyết định khó khăn của mình.

— Ví dụ 1: Kinh tế xuống, phải giảm 25% nhân lực của nhóm, tức là cho ¼ nhóm nghỉ việc:

a. Nếu lãnh đạo có công thức để chọn số 25% phải nghĩ việc này mà mọi người đều xem là công bình, thì mọi nguời, kể cả người bị nghỉ việc, sẽ bớt bất bình hơn. Ví dụ: Dùng thâm niên công vụ.

b. Nếu lãnh đạo (thực ra là công ty) có chính sách giúp đỡ người bị nghĩ việc, như là cho họ một số tiền, giúp họ được huấn luyện kỹ năng mới, giúp họ tìm việc mới… thì mọi người sẽ cảm kích với lãnh đạo hơn.

difficultdecision2

— Ví dụ 2: Một người khá trong nhóm làm lỗi lầm gì đó nguy hại đến “sức khỏe” của cả nhóm đến nỗi phải cho nghỉ việc. Thông thường nhất với người giỏi là người này có khuynh hướng “lập băng” riêng trong nhóm và có thể chẻ nhóm làm đôi. Điều này rất đáng buồn vì người giỏi mà có cái tôi cao và lòng trung thấp thì có thể làm thế. Một nhóm như thế là đang trong vòng nguy hiểm sống chết. Và cũng rất khó cho lãnh đạo trong tình huống này. Rất nhiều tổ chức lớn nhỏ trên thế giới gặp tình huống này.

a. Cách hay nhất, dĩ nhiên, là làm việc hòa bình, nói chuyện để anh chị em có thể sống chung hòa bình đoàn kết.

b. Nếu không xong, phải cho người đó nghỉ việc. Việc này rất khó cho lãnh đạo, đau đớn như là cắt đứt một cánh tay của mình, và cũng làm cho cả nhóm không vui. Vì vậy tốt hơn là đợi một tí để các thành viên đều hiểu là tình trạng chia đôi không thể được kéo dài, rất hại cho cả nhóm, và không còn cách giải quyết khác. Đây giống như là ly dị. Chẳng có ly dị nào mà không làm cho cả nhà trầm uất. Lãnh đạo chỉ có thể làm giảm cơn đau được tí nào hay tí nấy mà thôi. Đây là lúc “vốn liếng” lòng tin giúp người lãnh đạo rất nhiều. Nếu mọi người tin rằng lãnh đạo luôn vì mọi người và vì nhóm, thì họ sẽ cảm thấy bớt buồn hơn.

— Ví dụ 3: Người lãnh đạo có kinh nghiệm thấy được một nguy hại đang đến, trong khi các nhóm viên chẳng ai thấy được và cứ nhởn nhơ đường khác. Đây cũng là một trường hợp khó khăn vì chỉ có lãnh đạo thấy được tương lai. Dĩ nhiên là lãnh đạo sẽ cố gắng giải thích cho các thành viên điều mình thấy. Nhưng giải thích tương lai thì đối với người nghe cũng có thể như là thầy bói nói, họ không thấy tương lai được, dù là giải thích cách nào. Trong trường hợp này nếu lãnh đạo có được lòng tin của mọi người, thì thành chuyện dễ. Thường thường là mọi người sẵn sàng nghe theo lãnh đạo, dù chính họ không thấy vấn đề, nếu họ có lòng tin vào lãnh đạo.

Nhưng nếu lãnh đạo chưa có được lòng tin thì đôi khi tự mình quyết định sẽ gây ra nhiều chống đối, càng có hại cho nhóm. Đôi khi lãnh đạo phải để cho nguy hiểm tới và mọi thành viên đều thấy được cơ nguy, lúc đó mới chỉ cho mọi người cách vượt khỏi cơ nguy, thì mới có được ủng hộ của thành viên.

Các thí dụ trên đây cho ta vài khái niệm căn bản về các quyết định khó khăn. Nói chung, đã là khó khăn thì có thể gây ra đau đớn và khủng hoảng. Cái nền chính để giữ mọi sự được chắc chắn bền vững trong cơn khủng hoảng là lòng tin vào lãnh đạo. Và lòng tin này phải có từ trước khi khủng hoảng đến, phải được xây dựng và tích tụ nhiều năm trước. Nếu có lòng tin, chuyện lớn có thể thành nhỏ. Nếu không có lòng tin, chuyện bé xé ra to.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use