Kiến thợ

Chào các bạn,

Hồi nhỏ mình hay ngắm các đàn kiến làm việc, hoặc là một đàn kiến vàng lớn đang tha mấy con sâu róm lớn bằng cả mấy chục con kiến từ gốc cây mảng cầu lên tổ kiến gần ngọn, hoặc một đàn kiến lửa tha mỗi con một hạt cơm trong góc nhà, hoặc một đàn kiến đen nhỏ đang tha một con dế chết trong góc sân.

Và ai nhìn kiến làm việc cũng phải phục—một đàn chạy tới chạy lui lăng xăng, nhưng luôn luôn trong một con đường nhỏ ngoằn nghèo như sợi chỉ. Các con tha mồi thì một nhóm ring một miếng mồi khổng lồ, các con chạy ngược chiều thì lại cụng đầu các con khác hỏi thăm chi đó… Rất chăm chỉ, trật tự, và hình như kiến không bao giờ đánh nhau.

Và mình thường tự hỏi, không biết trong đàn kiến này có bao nhiêu cấp chỉ huy, bao nhiêu tướng, bao nhiêu tá, bao nhiêu úy, bao nhiêu lính… Sao mà đoàn quân này kỹ luật và hiệu nghiệm đến vậy? Cách thức tổ chức thế nào?

Mình chưa bao giờ có câu trả lời. Câu trả lời duy nhất mình thấy là mọi con kiến và mỗi con kiến đều như nhau, đều siêng năng, đều làm việc tốt, và mình chẳng phân biệt được con nào với con nào cả.

Ngoại trừ kiến chúa, tất cả các kiến thợ còn lại có hệ cấp hay không, có lẽ chúng biết, nhưng ta không biết. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì với ta cả. Kiến làm việc đoàn kết và bình đẳng—đó là điều ta thấy.

Về sau này, khi suy tư về con người, mình cũng thấy là có lẽ con người cũng như kiến. Từ góc độ của các con người nhìn nhau, chúng ta có sang hèn, giỏi dốt, giàu nghèo, ông thằng… và chúng ta thường xử với nhau bằng hệ cấp.

Nhưng từ một góc độ cao hơn và lớn hơn, từ trên cao nhìn xuống loài người, như ta nhìn đàn kiến, thì các hệ cấp đó đều chẳng nghĩa l‎ý gì cả–Mọi con người đều nhỏ bé như nhau, nhìn như nhau, làm việc cho đoàn người lăng xăng chăm chỉ như nhau. Người khổng lồ nào đang nhìn đàn người đó, chắc là không có những ý ‎ nghĩ bất bình đẳng giữa các con người, như chúng ta thường nghĩ về nhau.

Sự khác biệt là ở nơi góc độ nhìn: Cái nhìn thiển cận ở góc độ ngang nhau, hay cái nhìn lớn từ góc độ cao hơn nhiều.

Vì vậy nếu chúng ta có thể phóng tâm đến tầm cao hơn, để có thề nhìn xuống chính mình và mọi người chung quanh, thì chúng ta có thể có cái nhìn rộng lớn và toàn diện, trong đó bằng cấp, chức vị, tiền bạc, danh tiếng, danh dự, hay bất cứ cái gì ta có đều chẳng nghĩa l‎ý gì cả, và ta cũng chỉ là một con người như anh hàng xóm, đều cùng lăng xăng trong một đoàn người như nhau.

Thế thì vì cớ gì mà ta cứ kềm cái đầu sát mặt đất để kiêu hãnh hão với các thứ vỏ ảo tưởng trên mình?

Những thứ phân chia hệ cấp thực ra chẳng nghĩ lý gì cả. Nhưng vì hệ thống quản lý kinh tế chính trị không hoàn hảo của ta tạo ra đủ thứ lăng nhăng như vậy, chung qui chỉ vì lòng tham của chúng ta—mọi người ham hố những thứ phụ tùng đó—nên chúng ta tranh nhau để có chúng, và để thu được “phần thưởng” do chúng mang lại. Từ đó, ta có hệ cấp, phân chia, tranh giành, và chiến tranh khi tranh giành trở thành quá lớn. Đa số các cuộc cách mạng nhân quyền, dân quyền, xã hội, và các cuộc chiến tranh ý thức hệ trên thế giới, chẳng qua cũng chỉ là tranh giành các cái vỏ bên ngoài này, hay là tranh giành quyền phân phát hoặc quyền ấn định hệ thống phân phát các vỏ này.

Thế giới chắc là sẽ tốt hơn một tí, nếu mỗi ngày bạn có thể phóng tâm lên tầng cao và nhìn xuống đoàn người chi chít lăng xăng dưới chân bạn, như một đàn kiến.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Kiến thợ”

  1. Cảm ơn anh Hoành, ta dù lớn đến mấy cũng chỉ là chú kiến bé xíu trong vũ trụ này. Mỗi người chỉ cần chăm chỉ, làm tốt công việc của mình và hỗ trợ những người khác cùng hoàn thành một công việc chung nào đó thì trái đất này thanh bình quá hì hì ^^

    A khỏe nhé 🙂

    E Hòa

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s