Thứ ba, 9 tháng 2 năm 2010

Bài hôm nay

Khúc yêu thương, Nhạc Xanh, Văn Hóa, chị Nguyễn Thu Hiền.

Nếu thiếu tình yêu , Danh Ngôn, song ngữ, chị Lâm Thanh Thanh.

Theo đuổi ước mơ , Danh Ngôn, song ngữ, chị Dương Ngọc Anh.

Trái tim thẳng hay cong , Danh Ngôn, song ngữ, chị Ban Mai.

Ba Nhân Ái , Danh Ngôn, song ngữ, Nguyễn.

Em viết tiếp cuộc đời anh , thơ, anh Bùi Minh Vũ.

Xuân dạ Lạc thành văn địch, Đường Thi, anh Nguyễn Hữu Vinh.

Gói bánh chưng , Chuyện Phố, Trà Đàm, chị Hoàng Khánh Hòa.

Vàng son huyết lệ, Chứng Nhân anh Trần Vân Hạc.

Nói với người trong cơn bão, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối link

Haiti: Sống sót thần kỳ sau 4 tuần mắc kẹt dưới đống đổ nát – Trong vụ giải cứu được gọi là thần kỳ, một thanh niên đã được thoát từ đống đổ nát của một tòa nhà ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti ngày hôm qua, 4 tuần sau trận động đất kinh hoàng san bằng gần như cả thành phố.

Chùm tin vắn qua ảnh – Costa Rica lần đầu tiên có nữ Tổng thống; NASA phóng tàu vũ trụ Endeavour; Li-băng trục vớt hộp đen chiếc máy bay gặp nạn khiến 90 người thiệt mạng hồi tháng trước…

Triều Tiên cảnh báo Hàn Quốc – Triều Tiên hôm nay đã cảnh báo Hàn Quốc rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây tổn hại đến nước này cũng sẽ bị đáp trả bằng “các biện pháp mạnh” của quân đội.

Tại Ukraine, sắc Cam đã chuyển màu – Cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine dường như đang đi đến hồi kết khi thủ lĩnh đối lập trên đà chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2. Trước đó, việc thủ lĩnh Cách mạng Cam – Tổng thống Victor Yushchenko, thất bại tại vòng một đã báo trước sự chuyển màu.

Phát hiện hơn 3.000 dấu chân khủng long – Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 3.000 dấu chân khủng long tại tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc.

Nga lên án Mỹ về kế hoạch đặt tên lửa ở Romania – Nga đã chỉ trích quyết định của Mỹ nhằm đặt các tên lửa đánh chặn ở Romania, rằng động thái này huỷ hoại nỗ lực điều chỉnh lại quan hệ giữa hai nước của Tổng thống Obama và giai đoạn cuối cùng của các vòng đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc thu giữ 72.000 tấn sữa nhiễm melamine – Trong chiến dịch truy quét sữa “bẩn” mới được phát động, Trung Quốc đã đóng cửa nhiều nhà máy ở tây bắc đất nước và thu giữ 72.000 tấn sữa bột có chứa melamine, hợp chất đã khiến ít nhất 6 em nhỏ thiệt mạng và hàng trăm ngàn em bị ốm năm 2008.
.

Tin sáng quốc nội , anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Buồn lòng đào Tết vào Nam – Vượt hàng ngàn cây số đưa đào Bắc đến với đất phương Nam, thế mà bông nở nhanh đến mức nụ chẳng còn… Nhiều người buôn đào Tết từ Hà Nội vào TPHCM đang khốn đốn vì mùa làm ăn thất bát.

Mai dán tường, bưởi hồ lô… tràn phố – Mai dán tường, bưởi hồ lô, dây pháo khổng lồ… rực rỡ bên các mặt hàng truyền thống, khiến hàng trang trí tết năm nay phong phú hơn hẳn. Hai sắc vàng tươi, đỏ thắm choáng ngợp phố phường.

Bà hỏa thiêu rụi 100m2 sân thượng chùa – Ngọn lửa bùng phát rồi bốc cháy dữ dội tại khu vực nhà kho đặt trên sân thượng chùa Sùng Đức (số 688 Hồng Bàng, P.1, Q.11), thiêu rụi và làm đổ sập gần 100m2 nhà kho chứa đồ.

4 học sinh chết đuối vì lật thuyền – Lúc 13 giờ ngày 7/2, tại bến sông Vĩnh Phước, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ lật thuyền thương tâm làm 4 học sinh bị chết đuối và mất tích.

Tiêu diệt tội phạm ma túy nguy hiểm có lệnh truy nã đặc biệt – Sáng 8/2, Công an tỉnh Hoà Bình đã họp báo thông tin về việc truy bắt và tiêu diệt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện vùng cao Mai Châu (Hoà Bình), kẻ đã dùng AK bắn chết 3 cán bộ công an.

Tài xế taxi VIP đình công: “Do lãnh đạo chi nhánh” – Sáng nay 8/2, tại chi nhánh Cần Thơ, Ban Giám đốc Công ty CP Tuấn Hiền đã triệu tập cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ để giải quyết những bức xúc của các tài xế taxi VIP trong cuộc đình công vừa qua.

Đường hoàn lương gập ghềnh của “cô gái HIV” – Nghiện ngập rồi đi tù vì tội buôn bán ma túy, lại phát hiện đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, T. nghĩ cuộc đời với mình thế là hết…
.

Lịch sự kiện văn hóa

tadioto is burning – 07 Feb – Improvised music performance at Tadioto —– 07/02 – Đêm nhạc ngẫu hứng – Tadioto

KVT – Oh those Hungarians! – KVT amazed by Vietnam – Hungary Concert —– KVT thích thú vi bui hòa nhc chào mng 60 năm quan h ngoi giao Vit – Hunghttp://feeds.feedburner.com/%7Er/HanoiGrapevine/%7E4/JTbttay3qY4

Bring Vietnam’s cinema to the audience – 06 Feb – Screening by TPD —– 06/02 – Chiếu phim “Tết này ai đến xông nhà” ti TPDhttp://feeds.feedburner.com/%7Er/HanoiGrapevine/%7E4/TKg8kb2Yka8

Maratết – 06 Feb – Urban photographic game to celebrate the opening of the Tiger year —– 06/02 – Cuc thi nhiếp nh đô th chào mng năm con h

.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Fellowship at UNFPA Special Youth Programme

Ph.D Scholarships at Aarhus University

Master in Public Administration Scholarship

[Singapore] Master in Public Policy Scholarship

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Khúc yêu thương

Trong những bài hát về mùa xuân và tình bạn, có một bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, những ca từ giản dị, trong sáng nhưng lại có sức lôi cuốn và lan tỏa diệu kỳ. Năm hết, Tết đến, xuân về, đâu đó bên cạnh những cung nhạc rộn ràng của những bài hát đón mừng xuân sang là giai điệu ngọt ngào ấy với những nốt nhạc làm xao xuyến lòng những ai đã và đang là học sinh. Đơn sơ và mộc mạc, ca khúc mà tôi muốn nói đến đó là “Khúc yêu thương”.

Ca khúc này có lẽ đã rất quen thuộc với chúng ta- những người đang còn ngồi trên ghế nhà trường, trên ghế giảng đường đại học. Đơn sơ, mộc mạc, gần gũi và chân thành, những câu mở đầu của bài hát ngân vang lên, nhẹ nhàng thôi, nhưng lại khiến tôi cảm thấy thật sự ấm áp, bỗng chốc thời gian như ngừng lại, không gian như lắng đọng, chỉ còn phút giây hiện tại với tình cảm bè bạn thiêng liêng: “Nhịp vang câu hát hân hoan, chúc nhau mùa lành … bạn bên tôi xiết tay ấm nồng. Chào mùa đã sang, ngàn hoa khoe sắc rộn rang, chào đón tất niên trong tay bè bạn…”… Thời gian đang không ngừng chảy trôi, một mùa xuân mới cũng đã sang rồi, giây phút ấm áp được ngồi bên bè bạn thân yêu, lắng nghe nhịp thở của thời gian. Đó có lẽ là những kỉ niệm, những giây phút quý giá nhất, đẹp đẽ nhất mà không 1 ai có thể quên được.

Dưới “bầu trời cao ánh sao hy vọng”, trước thềm một năm mới đến, ai cũng bồi hồi, nắm tay nhau để cùng hồi tưởng lại những kỉ niệm yêu thương – Những kỉ niệm vui buồn của 1 thời cắp sách đến trường, và theo dòng thời gian, những kỉ niệm ấy sẽ là những hồi ức đẹp, là hành trang không thể thiếu trên đường đời của mỗi người, để những lúc mệt mỏi vì một cuộc sống xô bồ, đầy bon chen, toan tính, ta lại có thể mỉm cười khi nghĩ đến những kí ức đẹp đẽ và trong sáng của thời học sinh. Bên tình cảm bạn bè với những cái siết tay ấm áp, mỗi chúng ta dường như can đảm hơn khi nghĩ về một thế giới bao la, rộng lớn đang chờ đón trước mắt.

Theo từng nốt nhạc, chúng ta cùng nhau hổi tưởng lại về thời ấu thơ ngày xưa, về thời cắp sách đến trường với “giờ truy bài, phút ra chơi và cả những lần đi học muộn”, cùng những kỉ niệm ko bao giờ nhạt phai trong tâm trí mỗi người. Và bạn bè ơi, ta đã hứa là dù có cách xa bao lâu đi chăng nữa, dù có đi tới những phương trời nào chăng nữa, ta vẫn mãi là bạn. “Dòng đời rồi cuốn trôi, kỉ niệm rồi sẽ mãi ko trở lại, chỉ còn trong giấc mơ mỗi đêm yêu thương tràn về…lời ca vẫn hát ngày nào,từng phút trao nhau tin yêu”.

Lại một mùa xuân nữa đang tới, trong không khí náo nhiệt chào đón xuân sang ấy bạn
đang nghe lại hoặc hồi tưởng lại những kỉ niệm ngọt ngào về cái thời đẹp nhất của đời người ấy qua bài hát này, phải ko? ….

Nhịp vang câu hát hân hoan chúc nhau mùa lành,
Bạn bên tôi xiết tay ấm nồng chào mùa đã sang,
Ngàn hoa khoe sắc rộn ràng
Chào đón tất niên trong tay bè bạn.

Thời gian trôi qua yêu thương, biết bao kỉ niệm
Bầu trời cao ánh sao hi vọng
Và tay nắm tay, lời ca vang mãi rộn ràng
Cả thế giới như mở ra.

ĐK:
Tìm về này ấu thơ, tuổi thơ nhiều mơ ước dưới mái trường
Nhiều lần ta ước mơ hái sao trên trời
Vòng tay thêm lớn từng ngày
Năm tháng qua đi cách xa vời vợi.

Dòng đời rồi cuốn trôi
Kỉ niệm rồi xa mãi không trở lại
Chỉ còn trong giấc mơ mỗi đêm yêu thương tràn về
Lời ca ấm áp ngày nào, từng phút trao nhau tình yêu.

o – O – o

Đêm qua đi giây phút đón năm vừa sang
Trong tim ta khao khát ấm ngọn lửa sáng
Mãi mãi sẽ còn lại yêu dấu những tháng ngày bên nhau….

Và hãy cùng lắng nghe…. “Khúc Yêu Thương”… do Hoàng Quân trình bày.  Mời các bạn click vào đây. 🙂

Nguyễn Thu Hiền

Em viết tiếp cuộc đời anh

Bầu trời sau mưa
Bình minh sau đêm dài
Ôi mùa đông đâu còn nữa
Anh gối đầu lên cây lá sum suê
Nghe phím đàn nhún nhảy trên môi em
Khi mù sương tan dần sau đôi mắt im lặng
Lắng nghe cuộc đời tràn ngập những âm vọng mới
Em chậm giấc
Đợi bước lười của gã ngủ mơ trên cát
Trời chiều úp xuống một chiếc bát
Nhốt hình anh
Em dắt chiếc bóng lang thang
Qua cầu Ea Tam
Ôm nỗi nhớ trong lồng ngực ốm
Gánh nỗi buồn trên vai gầy
Niềm vui em cài tóc
Thơ là tài sản hào hoa
Con Mít nguẩy đuôi
Cười ha ha nguôi quên phía vực mùa đông
Khi anh chẳng thấy mặt trời
Em vén chiếc màn màu sắc
Nhổ vài sợi bạc
Khuấy ly chanh dây
Khi mảnh trăng sáng bồng bềnh Srêpok
Chúng mình chẳng ngủ
No nê ly nước mía muộn màng
Em định sinh ra một thằng kháu khỉnh
Mang dép lên giường
Khóc đòi cha thương
Ôi một cành hồng
Em dìu anh như xiếc
Lạc núi trùng trùng
Dòng mùa xuân lềnh bềnh hoa mắc cỡ
Có em từ đó
Hơi thở dài hơn một đêm
Nhú nụ mầm trên môi hoang mạc
Đìu hiu bỏ trốn dưới làn sóng của ánh mắt
Nỗi buồn run rẩy nằm bẹp dưới bàn chân
Sự nghèo khổ vụt bay như mũi tên xa vắng
Giả tạo đánh bài ngửa
Anh mở mắt vũ trụ
Đầy một nụ xanh
Ngả đầu lên ngực
Mùa xuân.

Bùiminhvũ 10-2009

Xuân dạ Lạc thành văn địch – Lý Bạch

春夜洛城聞笛

李白

誰家玉笛暗飛聲
散入春風滿洛城
此夜曲中聞折柳
何人不起故園情

Xuân dạ Lạc thành văn địch

Thùy gia ngọc địch ám phi thanh
Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành
Thử dạ khúc trung văn Chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình

Lý Bạch

Dịch nghĩa

Ðêm xuân nghe tiếng sáo trong thành Lạc Dương

Tiếng sáo ai thổi văng vẳng khi có khi không
Cùng với gió xuân về nghe khắp cả thành Lạc Dương
Ðêm nay nghe trong tiếng sáo khúc ca Chiết Liễu biệt ly
Có ai mà không động lòng nhớ về quê cũ

Dịch thơ

Ðêm xuân nghe tiếng sáo trong thành Lạc Dương

Sáo ai văng vẳng lắng tai nghe
Thành Lạc vi vu gió thổi về
Một khúc “Thiên thai” sầu biệt xứ
Hỏi ai không khỏi động lòng quê

Chú Thích

Trong bài, dịch giả đổi khúc “Chiết liễu”, là khúc ca dùng để chỉ chuyện ly biệt, ra thành khúc “Thiên thai”, chuyện của Lưu Thần, Nguyễn Triệu lên tiên rồi nhớ trần gian, cho hợp tình.

Ý: Tiếng sáo vi vu trong thành nội, hỏi ai không khỏi động lòng quê ?

Nguyễn Hữu Vinh dịch và bình

Gói bánh chưng

Nhớ ngày nào khi nó còn đang học cấp 2, năm đó nhà quyết định tự nấu bánh chưng chứ không nhờ họ hàng nấu hộ như mọi năm nữa.

Đó cũng là lần đầu tiên nó biết các công đoạn làm bánh từ mua lá dong, đến ngâm gạo, ngâm đỗ, ướp thịt và thú vị nhất là gói bánh. Đứa lít nhít nhất nhà như nó thì chưa đủ tin tưởng để người lớn giao cho ngồi gói bánh mà chỉ làm chân phụ vặt, đưa lá cho mẹ, đưa lạt cho bố gói, hô gì làm đó thôi. Như thế là nó cũng thích lắm rồi. Cứ nhìn mọi người ai cũng vừa làm chăm chú vừa cười nói vui vẻ, thấy không khí ngày Tết sao mà ấm cúng đến thế.

Năm đó nhà gói gần 20 cái thì phải. Thấy mẹ cứ gói được hai cái thì chập lại làm một cặp. Cả bố, mẹ và anh đều gói nên nhanh lắm, nó lau lá còn thấy không kịp nữa. Thấy tay mẹ thoăn thoắt đổ một lớp gạo nếp trắng thơm, một lớp đỗ xanh đã đãi vỏ vàng ươm, rồi đặt một miếng thịt ướp gia vị và hạt tiêu to ơi là to vào giữa, rồi lại thêm một lớp đỗ, một lớp gạo nếp nữa. Thế rồi mẹ làm thế nào đó mà chỉ một lát sau là dựng được bốn góc bánh vuông vắng thẳng tưng cứ như là cho vào khuôn.

Đến gần khuya ngày hôm đó thì công đoạn gói bánh cũng xong. Chỉ còn lại một ít nguyên liệu, mẹ bảo anh gói cho nó hai cái bánh chưng cua. Chu choa, cái này là nó mong nhất đấy. Ngày trước về quê nội năm nào bà cũng làm cho nó một cặp bánh chưng cua, chỉ nhỏ bằng một phần ba cái bánh bình thường thôi. Nó thích đến nỗi mà cứ cầm cặp bánh đi chơi khắp các nhà hàng xóm mà chẳng dám ăn. Rồi cứ để dành chơi mãi đến mấy ngày bà giục ăn kẻo hỏng, mới dám bóc ra thưởng thức. Hôm nay thì được tận tay xem gói bánh, lại có bánh chưng cua anh gói cho nữa. Thế là chẳng lo bị lẫn với đám bánh chưng to kia, mà có khi bánh của nó lại được cho “ra lò” đầu tiên ý chứ. Ôi thích quá thích quá.

Bố bảo luộc bánh mất hơn một ngày gì đó. Nhà có cái nồi quân dụng chắc là để lại suốt từ hồi bố đi bộ đội, cả năm cứ để đựng đồ linh tinh, bữa nay được đưa ra kì cọ sạch sẽ. Nó cảm thấy anh chàng nồi quân dụng có vẻ khoái chí lắm khi được tắm táp sạch sẽ như thế, lại chả mấy khi đang ở trong góc nhà tối om nay lại được chịu một trọng trách đặc biệt. Ai cũng phải quây quần xung quanh anh ta mà bàn tán. Chắc là anh sẽ làm rất tốt nhiệm vụ giữ nhiệt cho nồi bánh đây.

Củi thì bố đã chuẩn bị đây rồi. Mấy cây gỗ khô từ hồi làm nhà còn sót lại được đem ra trưng dụng hết. Hôm đó mệt quá rồi nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng dậy thấy bố và anh vẫn đang thức trông. Lửa đỏ rực dưới đáy nồi. Nó nghe tiếng nước sôi ùng ục, khói từ nắp bốc lên nghi ngút, và mùi thơm của lá dong và bánh đang chín tới lan khắp cả nhà.

Sáng sớm ngày 30, bánh chín. Mẹ gắp từng cặp bánh ra, xếp lên tấm phản rộng dưới bếp thành từng hàng ngay ngắn, rồi sau đó bố lấy thêm một tấm gỗ lớn đặt lên, rồi tiếp tục cho cả cái thớt gỗ lim và cái cối đá mẹ hay giã cua đè lên tấm gỗ để ép bánh ra hết nước. Nó thắc mắc “Sao con thấy nhà bạn Ánh luộc xong là đem đi cúng luôn được rồi, mà bố phải ép bánh nữa”. Bố giải thích với nó là “Ép thế thì bánh mới chắc và ngon. Nếu không ép thì bánh sẽ nhão nhìn xấu lắm”.

Năm đó là năm nó ăn nhiều bánh chưng nhất. Sáng nào nó cũng đòi mẹ cắt nguyên một cái bánh mới ra thành 5-6 lát rồi cho vào chảo rán vàng hai mặt. Đó là kiểu ăn bánh chưng mà nó vẫn thích đến giờ. Cứ triền miên như thế suốt mấy ngày Tết mà không biết chán. Không biết có phải vì năm đó bánh do nhà làm nên thấy ngon hơn hẳn hay không nữa.

Mấy năm sau kinh tế khá hơn, nhiều dịch vụ cung cấp bánh chưng ngày Tết nở rộ nên bố mẹ cũng không nấu bánh mà chỉ đặt khoảng chục cái ở chỗ quen. Thi thoảng về quê ngày cuối năm lại được các ông chú bà thím gói cho mấy cái làm quà ăn chẳng xuể. Bánh chưng quê vì cứng ơi là cứng, ít đỗ, nhiều gạo, nói chung là chẳng thể so với bánh ở thành phố làm được. Có lần nó nháy bố “Thôi bố đừng có lấy về làm gì nữa, của nhà ăn còn chẳng hết mà”. Nhưng bố nhắc khẽ: “Đối với những người ở quê, chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn còn quí giá lắm con ạ. Khách xa đến họ quí nên là kiểu gì cũng phải gửi cho được một hai cặp bánh chưng đem về làm quà. Mình không thích đi nữa cũng phải trân trọng mà nhận lấy tình cảm của họ, con hiểu không?”. Nó không cự nự chuyện cái bánh chưng quê nữa. Giờ nghĩ lại, nó hiểu ra có lẽ vì các gia đình ông chú bà thím ở quê vẫn duy trì việc gói bánh ngày Tết, nên chiếc bánh với họ là biết bao tình cảm, niềm vui ngày Tết được sum vầy, nên quí giá lắm.

Giống như nó năm nào, cũng thấy chiếc bánh nhà mình bỗng ngon một cách lạ thường, mấy năm sau nữa thì nó chẳng còn có được sự hào hứng khi ăn bánh chưng nữa.

Lại một cái Tết nữa sắp đến rồi, nó thèm được gói bánh chưng biết bao nhiêu.

Hoàng Khánh Hòa

Vàng son huyết lệ


Những ngày đầu năm 2010 đáng nhớ này, cuốn hồi ký độc đáo: “Vàng son huyết lệ” của Minh Phụng (1922 – 1989) do nhà xuất bản Phụ Nữ in ấn, Trung tâm văn hóa Tràng An – một địa chỉ tin cậy về phát hành sách văn học và giáo dục của Thủ Đô tổng phát hành, là món quà quí cho bạn đọc nói chung, bạn đọc trẻ và giới nữ nói riêng.

Nhà văn Tam Lang từng nói: “Đời của Minh Phụng là một cuộc đời giang hồ nhưng là đời giang hồ số một của nước Việt Nam!”. Đời của Minh Phụng mở đầu bằng một thiên tình sử để khép lại bằng một thiên tình hận – Hồ Dzếnh – Báo Thần Chung số 19)…

Cuốn hồi ký của một nhân vật sống cách đây hơn nửa thế kỷ với những ước mơ, khát vọng cháy bỏng mong có cuộc sống “vàng son” không có điểm dừng, để rồi ngậm ngùi trong “huyết lệ”, luôn mới trong thời đại hiện nay.

Có lẽ mong muốn của nhà xuất bản Phụ nữ đã gặp gỡ ý tưởng và tiêu chí của Trung tâm văn hóa Tràng An: Xuất bản và phát hành cuốn hồi ký, để thông qua đó, chuyển đến bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ thông điệp và những bài học quí giá từ cuộc sống. Giúp bạn đọc có thêm sự định hướng, phấn đấu vươn lên bằng cái tài, cái tâm của mình một cách chính đáng.

Nếu bạn chưa đọc cuốn hồi ký này, có thể sẽ coi đây là một cuốn sách bình thường. Nhưng nếu bạn may mắn có cuốn sách này trong tay, chắc chắn bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến sự thích thú khác về cuộc đời đầy sóng gió của một người phụ nữ tài sắc và đa đoan một thời. Với nội dung phong phú, chân thực cùng bút pháp điêu luyện, tình tiết vô cùng hấp dẫn, có sức lôi cuốn người đọc ngay từ những trang đầu tiên của tập hồi ký. Bởi vậy ngay từ khi cuốn hồi ký mới ra mắt đã được đông đảo bạn đọc đón nhận và chuyền tay nhau.

Bạn đọc có thể mua trực tiếp tại Trung tâm văn hóa Tràng An: 54/ 171 Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà  Nội. ĐT: 04 3664 7143 – 3662 1060 Fax: 04 6284 1316 Mobile: 0912 344 084

Để bạn đọc có thêm thông tin về cuốn hồi ký độc đáo này, tôi xin trích đăng dưới đây bài viết của Xuân Ba  trên báo Tiền Phong:

Người đàn bà Nguyễn Tuân vét cạn túi tặng hoa

Xuân Ba

Bây chừ gấp lại cuốn hồi ký mà tôi cho là lạ lẫn truân chuyên này, chợt bừng ra một cái à! Hóa ra giai thoại lâu nay về nhà văn Nguyễn Tuân là có thật! Đấy là có lần ông đã từng vét sạch tiền trong túi mua (và lại còn mua chịu nữa) tất tật số hoa của những quầy hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm đêm ấy để tặng cho một người đẹp.

Người được tặng nhiều hoa nhất không hề khuyết danh và có niên biểu hẳn hoi. Đó là một đêm mùa xuân năm 1938. Người nhận hoa là Minh Phụng, diễn viễn chính thể hiện vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm.

Minh Phụng lúc 40 tuổi

Minh Phụng là ai? Là một nữ sĩ. Một nữ sĩ không thường của những năm ba bốn mươi thế kỷ trước. Nói như Tam Lang, “Đời của Minh Phụng là một cuộc đời giang hồ nhưng là đời giang hồ số một của nước Việt Nam!”.

Còn thi sĩ Hồ Dzếnh viết: “Đời của Minh Phụng mở đầu bằng một thiên tình sử để khép lại bằng một thiên tình hận” – (Báo Thần Chung số 19). “Phụng là người trí thức, trí thức giang hồ. Sống như Phụng mới là người biết sống” (Lê Văn Trương, năm 1937)…

Một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn hồi ký độc đáo của nữ sĩ họ Trịnh có tên là Minh Phụng này. Cuốn hồi ký có tên là Vàng son huyết lệ.

Từ gái quê thành sao sân khấu

Cô gái quê mười lăm tuổi ấy có tên là Nụ, Trịnh Thị Nụ sau đổi tên là Hoàng Minh Phụng là út trong gia đình có 7 anh chị em quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Bố là một nhà nho làm nghề dạy học. Mẹ buôn bán lặt vặt, gia sản cũng chỉ đủ cho việc chi tiêu tùng tiệm. Nhưng được yêu chiều từ nhỏ, Phụng được đi học chữ nghĩa, không biết được mấy hột nhưng thuộc làu những cuốn sách của Tự Lực Văn Đoàn như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Tố Tâm, Đời mưa gió…

Tâm hồn đa cảm trong một nhan sắc sớm trội nổi, cô gái quê mười lăm tuổi ấy thấy những lũy tre làng như những hàng rào giam hãm. Những ao chuôm như những huyệt mộ chôn vùi tuổi xuân.

Lại nghe phong thanh mình sắp bị gả cho một đám tầm thường, một sáng tinh sương, cô bé Nụ cắp nách hai bộ áo sống, cắp luôn tám trăm đồng bạc mà mẹ cô vừa bán mấy mẫu ruộng để chi dùng vào một việc quan trọng của gia đình, đáp tàu trốn lên Hà Nội, một nơi mà cô chưa từng đặt chân, chưa từng biết! Mới đầu cô bé Nụ tá túc ở nhà một bà bán bánh cuốn.

Làn gió độc xứ cát bụi kinh thành đã cuốn cô đi. Mới đầu là việc đi học nhảy… Rồi các mối quan hệ quen biết chồng chéo khi đã thạo các điệu nhảy (Nụ rất có khiếu trong môn này).

Những vũ trường nổi tiếng ở Hà thành khi đó mỗi đêm đều ngong ngóng cô Nụ, lúc này đã có tên mới là Hoàng Minh Phụng, xinh đẹp nhảy giỏi. Các con quan, các cậu ấm, lại cả những ông Phủ, ông Huyện… thay nhau bao Phụng.

Rồi Phụng thất thân với một công tử bộn bạc xứ Hà thành vào một đêm mưa ở Đồ Sơn. Phụng có khiếu như cô Kiều, hễ đụng vào tay đàn ông nào thì y như rằng đời người đàn ông đó cũng tan nát!

Biết bao đám lăn lóc với Phụng. Từ ăn uống đến mọi khoản chi tiêu xa hoa, họ đều lăn xả vào mà trả (trích hồi ký). Trong số đó, dám lăn xả hay có ông nào chết vì Phụng hay chưa thì không rõ, nhưng do lãng mạn, do liên tài, Phụng chơi thân với hầu hết đám văn nghệ sĩ nổi danh của Hà thành lúc đó, ngoài ba ông mà tôi vừa dẫn trên đây và thêm nhà viết kịch Thế Lữ, thi sĩ Hoàng Cầm đa tình còn có nhà văn Nguyễn Tuân khinh bạc của chúng ta.

Nguyễn Tuân buột ra đi mua hoa sau khi thốt lên với đám bạn trong đó có Thế Lữ về cái tài nghệ dù chỉ là diễn góp vui của Phụng trong vai Kiều Loan như thế này: “Trời ơi, Phụng tài quá! Nó giỏi, nó thông minh. Nó không phải là hoàng hậu mà sao nó giống hệt một bà hoàng?

Nó cau mày, nó cười nhạt, nó nghiến răng, nó ôm hoàng tử trong tay. Nó ghen, nó đau khổ”… (trích hồi ký). Ba đêm liền Phụng thủ vai Kiều Loan ở Nhà hát Lớn như thế. Rồi những đêm nổi danh thủ các vai chính của Lệ Chi Viên, những Đêm Phong ba của Vi Huyền Đắc…

Nhưng Phụng chỉ chơi chơi vậy thôi, không có nhập một đoàn hát nào cả… Năm 1941, Khái Hưng tặng thơ cho Phụng trên một tờ báo: Yêu khách giang hồ yêu tha thiết/ Biết người khuê các biết vu vơ…

Tưởng kiếp giang hồ ấy neo đậu bền bền với đám cưới một cậu ấm thuộc loại danh gia vọng tộc, nhưng trời đã bắt tố chất giang hồ nồng nàn, dào dạt trong huyết quản rồi, Phụng đâu có yên!

Thời gian sẽ cho tôi không sầu khổ và chỉ còn lại những quên. Cái nhớ nhung khác lạ mới là đời! Có gian nan mới biết mùi nhân thế… (trích hồi ký) .

Giang hồ số một

Phụng theo một cô bạn lên máy bay chuyển vũ khí cùng với một tốp phi công, quân của Tưởng Giới Thạch từ Gia Lâm vù sang Côn Minh. Cái duyên ông Trời se, cái que ông Giời buộc, lớ ngớ thế nào mà ông tướng Tỉnh trưởng Vân Nam vừa ngó thấy Phụng đã lăn lóc.

Cái lăn lóc của thứ đàn ông bộn bạc nhưng chung tình. Ông tướng ấy bay ngay sang Gia Lâm, đến Hà Nội sau chuyến bay của Phụng chỉ một ngày. Và diễn ra cuộc hội ngộ của vị tỉnh trưởng này với Phụng tại một nơi kín đáo.

Trên chuyến bay đặc biệt trở về Côn Minh ngày hôm sau, sánh vai cùng vị tỉnh trưởng đầy quyền lực ấy là Phụng. Dưới cánh bay kia là dòng Hồng Hà ngầu đỏ mênh mông.

Mà trên bờ là Hà thành một biển người trong đó có người chồng khù khờ nhưng chân tình của Phụng lẫn cái danh gia vọng tộc của nhà chồng tha hồ mà ngóng đợi.

Những ngày ở Côn Minh Phụng đã cháy sáng hết mình tài lẫn sắc trong những cuộc tiếp tân tiệc tùng liên miên cùng vị Tỉnh trưởng Vân Nam.

Có một chi tiết phải lấy ra đây trong tập hồi ký cồm cộm chật cứng các chi tiết sinh động ấy là trong buổi tiếp viên lãnh sự Pháp ở Côn Minh, Phụng đã nhõng nhẽo nhưng cương quyết với các quan khách rằng đòi được mặc Quốc phục (áo dài Việt Nam), đòi phải được treo cờ của nước Nam (?) không thì kiên quyết bỏ về không dự tiệc.

Việc xảy ra quá đột ngột, sợ viên Tỉnh trưởng uy quyền mất lòng, viên lãnh sự Pháp ở Côn Minh phải đứng ra dàn xếp đại ý, thưa bà tỉnh trưởng hiện nay bên nước bà đang xảy ra nội chiến(?) chưa rõ bên ông Hồ Chí Minh hay bên Pháp thắng nên chúng tôi tạm thời chưa dám treo cờ của bên nào (!)

Đàn ông mê nàng một nhẽ. Không thiếu quý bà quý cô các mệnh phụ phu nhân cũng mê Phụng mới lạ. Cuộc gặp hay cuộc đối thoại giữa vợ viên Tỉnh trưởng Vân Nam bay từ California (Mỹ) về với Phụng cực giàu kịch tính và rất sinh động. Kết thúc cuộc gặp ấy là nước mắt và tình thân ái.

Cuộc đời nhung lụa bên vị tướng thét ra lửa ấy không buộc được Phụng. Cô tranh thủ đi Nam Kinh, đi Thượng Hải và những thành phố những danh lam thắng cảnh khác của Trung Hoa rồi khẳng khái từ biệt tướng quân tỉnh trưởng…

Phụng lang thang tiếp ở Quảng Đông rồi không may sa vào một toán cướp. Nhưng thân không bại mà danh cũng chẳng liệt và kiếp giang hồ lại chói sáng hơn ở Hồng Kông trong những hộp đêm, thậm chí cô còn đoạt giải nhất trong cuộc thi sắc đẹp ở đó.

Rồi cuộc tiếp kiến với Cựu hoàng Bảo Đại đang lang thang ở đó. Rồi vinh dự được mời cắt băng khánh thành một đại lộ mới xây to nhất Hồng Kông.

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam hồi có mặt ở Hồng Kông đã gặp Phụng và tặng thơ: Một đóa hoa danh lạc đất người/ Trăm hoa thua kém sắc xuân tươi/ Hương ngát một trời/ sắc dậy một thời/ Quân vương ngây ngất mộng uyên đôi. Hồng Công ngày 9/6/1950 ( trộm nghĩ, quân vương đây có phải là Cựu hoàng Bảo Đại đa tình không nhỉ?).

Rồi lại tiếp những cuộc tình với những tay có máu mặt lẫn vô danh. Phụng đi Nhật, đi vài nước ở Đông Nam Á do các nhà tài phiệt bao. Phụng đi đánh bạc ở Macao. Rồi suýt chết (Phụng dám tự tử) trong cuộc hôn nhân với một cự phú người Hoa ở Hồng Kông.

Lại suýt chết trong một vụ cướp biển. Nhưng số Phụng chưa đứt bởi đoạn trường của kiếp giang hồ giời còn bắt diễn. Lại cắm chân rất chắc trong những hộp đêm nổi tiếng ở Hồng Kông. Đùa cợt trêu ngươi những gã cự phú ở Trung Hoa lục địa bằng những đám cưới mà Phụng giả vờ gật.

Thế rồi bỏ, bỏ hết thời vàng son. Phụng đáp máy bay về Hà Nội đúng thời điểm chuẩn bị Hiệp định Geneva. Phụng khi đó đã hơn ba mươi nhưng nhan sắc hẳn còn mặn mòi.

Phụng quyết định không xê dịch tiếp chả biết có phải do nghe lời thi sĩ TCHYA Đái Đức Tuấn khi gặp Phụng ở Trùng Khánh năm 1947 không? TCHYA thừa biết Phụng không phải là tên loài chim Phượng như người phương Nam gọi là Phụng mà Phụng đây là phụng sự, là dâng nhưng thi sĩ năm ấy đã tặng người đẹp mấy câu thế này:

Phụng bay bay bốn phương trời/ Phụng về Phụng đậu giữa đời loạn ly/ Phụng thề Lão Bích Ngô Chi/ Phụng ơi Phụng hỡi bay về cố hương. (Trùng Khánh ngày 17/10/1947)

Cuốn hồi ký kết thúc bằng những năm tháng nữ sĩ này sống ở Sài Gòn. Lại có một cuộc hôn nhân nữa, nhưng hình như cũng không bền. Hơi văn cùng con chữ dường như ảm đạm nhọc nhằn hơn bởi việc kinh doanh một nhà hàng luôn trục trặc cũng như căn bệnh hiểm nghèo nhiều năm mà nữ sĩ mắc phải. Bà trút hơi thở cuối cùng vào năm 1989, được 67 tuổi trời.

Hơn bốn trăm trang đánh máy khổ A4. Nếu như dàn hết lên khổ in 13×19 cm như vẫn thường thấy thì phải hơn sáu trăm trang in. Cuốn mà tôi đang cầm đây, sao từ bản đánh máy, các trang đã ngả màu vàng bệch của thời gian.

Có ít nhất 4 người khiến cho cuốn hồi ký về số phận giang hồ này trở nên long đong trục trặc kể từ khi tác giả Vàng son huyết lệ giã biệt cõi đời. Người thứ nhất là Giáo sư Văn Tạo – nguyên Viện trưởng Viện Sử học.

Tháng 5/1977, GS Văn Tạo cùng đoàn cán bộ khoa học xã hội vào công tác ở Sài Gòn khi đó mới giải phóng. Tình cờ GS được gặp nữ sĩ Minh Phụng là người làng. Nữ sĩ khi đó mới ngoại ngũ tuần, như GS cho hay là hẵng còn dễ nhìn lắm…

GS Văn Tạo kém bà 4 tuổi. Trong câu chuyện hàn huyên giữa hai người làng, GS mới biết cụ thể tường tận thêm về quãng đời giang hồ lưu lạc sau này của nữ sĩ họ Trịnh mà trước ông chỉ nghe mang máng cái cô Nụ bỏ làng ra đi rồi biệt tích. Quá vãng bỗng ập về một cách rành rọt.

Thì ra bà đã thay tên đổi họ… Hoàng Minh Phụng tức là Trịnh Thị Nụ, con cụ Lý Đoài tức Trịnh Văn Đoài, gốc từ xứ Thanh ra. Nét văn hóa của gia đình ông Lý Đoài được ghi lại cả ở việc đặt tên cho con bằng vế câu đối Đoài, Trà, Cầm, Mãng, Vinh, Hoa, Nụ để đối với một nhà khác cũng thuộc loại có máu mặt trong làng là Giảng, Đàm, Nghị, Luận, Ái, Hằng, Nga.

Câu chuyện của bà Phụng đã khiến GS thương cảm. Ông gợi ý bà là bây giờ hòa bình thống nhất rồi, mai kia bà nên bố trí thu xếp về thăm lại quê nhà sau bao năm biệt tích. Biết bà thông thạo nhiều ngoại ngữ qua nhiều năm lưu lạc ở xứ người như tiếng Anh, Pháp, Hoa, Quảng Đông (Quan Hỏa), lại có tập thơ mấy trăm bài, tính tình lại cởi mở, mai kia có điều kiện bà nên chép lại câu chuyện của mình như dạng hồi ký kể ra cũng thú vị?

Điều thứ nhất thì sau này bà đã thực hiện tức là về thăm lại quê ở thị trấn Tứ Kỳ. Còn điều thứ hai, cũng chỉ là gợi ý cho vui thôi nhưng bà Minh Phụng đã làm thật. Bốn trăm trang cuốn Vàng son huyết lệ được bà hoàn thành như trang cuối bà ghi là vào tháng 5 năm 1980.

GS Văn Tạo không biết rằng, sau này cuốn hồi ký của bà Phụng đã được ký thác cho một người khác. Người đó là Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, bạn thân của học giả Nguyễn Hiến Lê, một học giả nổi tiếng của Sài Gòn trước giải phóng chuyên biên khảo phả trạng mà bây giờ ta gọi là nhà gia phả học.

Công trình biên khảo nghiên cứu gia phả các dòng họ danh tiếng như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm, Bùi Viện, Phan Thanh Giản, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, Mạc Đĩnh Chi vv… của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trước năm 1975 và sau này đã được giới gia phả học quốc tế đánh giá rất cao.

Tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu gia phả học của nhiều nhà khoa học. Đây là những tài liệu lỗi lạc – GS Richard C.Beals, nhà phả trạng học Hoa Kỳ đã nhận xét về công trình của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ như vậy. Thời điểm bà Phụng gặp và quen thân với nhà phả trạng học này không rõ cụ thể như thế nào và bao lâu, nhưng chắc mối quan hệ giữa hai người khá thân thiết.

Bà đã ghi trong một trang của cuốn hồi ký như thế này: Tin tưởng ký thác anh Dã Lan Nguyễn Đức Dụ cuốn hồi ký độc nhất của tôi. Sau này, anh hoàn toàn sử dụng vào một thời điểm thích hợp để mai sau con cháu chúng ta biết rõ thăng trầm của một người sương phụ đại bất hạnh. Saigon 24-4, năm Tân Dậu, tức là ngày 27-5-1981.

8 giờ sáng, viết trong lúc đang lâm trọng bệnh.

Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã trân trọng đón nhận cuốn hồi ký viết tay và tỷ mẩn đánh máy. Bốn trăm trang hồi ký! Thú thật tôi chưa từng thấy tập bút ký nào như thế, không phải độ dầy mà lạ! Chuyện chép hồi ký thiếu gì các chính khách lừng danh Nixon, Churchill, Charles De Gaule, Hitler…

Có điều các chính khách hay những danh nhân khác thường hay nói tốt cho mình nhiều hơn chớ mấy ai như chị lại đem phô bày hết những cái xấu xa trụy lạc của mình ra. Tôi rất thán phục chị phải can đảm lắm mới viết ra như thế. Minh Phụng quả không hổ thẹn dòng dõi Nho gia.

Chị là một phụ nữ đủ tài sắc. Tuy chị là gái nhảy chả tên tuổi gì, nhưng để lại một tập bút ký như thế với mấy trăm bài thơ là đủ cho đời sau nhắc đến chị rồi (trích bài viết về Minh Phụng của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trên tập san Sóng Toronto– Canada xuất bản tháng 5 năm 1992).

Nói với người trong cơn bão

Chào người bạn đang dập vùi trong cơn bão,

Khi còn bé chúng ta thường được dạy các ảo tưởng như: khi hoàng tử đẹp trai anh hùng, chiến đấu thắng bao nguy hiểm, gặp công chúa ngủ trong rừng, hôn đánh thức nàng dậy, và, tađa…, “cả hai sống hạnh phúc vui vẻ đến trọn đời.” Hay, toàn dân đoàn kết chống rồng trăm đầu, diệt được rồng, chàng nông dân anh dũng lãnh đạo được vua gã con gái, nhân dân vui hưởng thái bình muôn đời…

Các chuyện cổ tích thế này tạo cho chúng ta một ảo tưởng là trong đời sống có một thời điểm nào đó, khi cái thiện toàn thắng cái ác, thì hạnh phúc sẽ đến vĩnh viễn. Nhưng, sự thật thì, cái thiện có thể thắng cái ác, hạnh phúc có thể đến, nhưng chẳng có gì là vĩnh viễn. Mới mưa cả tháng, hôm nay mới được thấy nắng, đâu được mấy ngày, một trận mưa khác lại từ đâu kéo đến. Đó là chuyện thường.

Bản chất của cuộc đời là thế: Đời là một dòng sông với nhiều khúc quanh khúc thẳng, khi dịu dàng khi ghềnh thác, chẳng nói trước được. Và chẳng có điều gì có thể thay đổi bản chất đó của đời sống.

Nhận xét này đưa đến hai hệ luận sau đây:

• Đời có lên có xuống, có vui có buồn, có dịu êm có bão tố. Khi gặp chuyện buồn, chuyện đau khổ, là phải buồn, phải đau khổ. Đó là lẽ đương nhiên. Chẳng phải lỗi tại mình. Cho nên đừng trách mình.

Ngay cả thánh nhân cũng stress, cũng buồn. Kinh thánh kể rất nhiều lần chúa Giêsu khóc. Có thể là thánh nhân khóc vì người khác nhiều hơn, và chúng ta khóc vì chính mình nhiều hơn. Nhưng điếm chính là mọi người đều có những phút giây buồn thảm và đau khổ. Đó là chuyện thường. Không cần phải tự trách mình là yếu công lực.

• Tư duy tích cực cũng chẳng giảm được số lượng rắc rối đau khổ bạn gặp trong đời. Nếu ta sống tốt quá và mọi người chung quanh ta đều mến ta, nên ta ít có rắc rối, có thể là ta sẽ bắt đầu quan tâm đến các vấn đề lớn của xã hội và, do đó, đụng đầu các đại gia tham nhũng hay trùm mafia bóc lột. Stress lớn hơn mà thôi.

Cho nên, muốn mạnh mẽ và yêu đời, bạn phải thấy được chân lý là chẳng ai không bị rắc rối, không bị đau khổ, không bị stress trên đời cả. Bạn chẳng phải là ngoại lệ. (Họa chăng là mỗi người có một loại rắc rối, một loại đau khổ khác nhau).

Và dù là rắc rối loại nào thì rắc rối cũng luôn luôn là một cơn bão nhồi dập thuyền ta. Việc của ta là lèo lái trong cơn bão để không bị nhấn chìm.

Người đau khổ đã nhiều sẽ có nhiều kinh nghiệm lèo lái hơn người chưa gặp nhiều đau khổ. Một lần đau khổ là một lần kinh nghiệm bão tố.

Cho nên, nếu bạn trong cơn bão thì hãy xem như là bạn đang trong một cuộc chiến chống bão, xong cuộc, bạn sẽ mạnh hơn và kinh nhiệm hơn một bậc.

Chẳng ai trong chúng ta muốn xung phong gặp bão. Nhưng nếu phải gặp, thì phải biết lèo lái chống chọi mà thôi.

Vì vậy, bạn cũng đừng ngại tỏ lộ yếu đuối của mình trong cơn bão, với bạn bè thân quen. Chẳng ai mạnh mẽ trong cơn bão. Khi gặp bão, mỗi người chúng ta chỉ mà một mảnh vụn nhỏ xíu mà cuồng phong và sóng dữ nhồi dập như bọt biển. Không có siêu nhân. Chỉ có người sống sót và người không sống sót.

Xác nhận là mình đang đau khổ, xác nhận là mình quá yếu sức đối với cơn bão, nói thẳng với mình như thế, nói với bạn bè như thế, nói với Chúa Phật như thế; đó là phương cách gia tăng sức mạnh và khả năng chống bão. Trực diện với cái yếu của mình sẽ làm cho nó mạnh thêm. Đồng cảm từ bạn bè và Chúa Phật của mình sẽ làm mình mạnh thêm.

Trong Vườn Chuối này, chúng ta thường chia sẻ với nhau các đau nhức của con tim như thế, cho nên đó không phải là chuyện lạ. Rất nhiều bạn đến với Vườn Chuối vì trong lòng không yên ổn, muốn tìm một nơi có ánh sáng bình an. Ở đây chẳng ai biết làm phép lạ, và cũng không có siêu nhân. Nhưng chúng ta có đồng cảm, có thể thấu hiểu những đớn đau của bạn và những yếu đuối của bạn, vì tất cả chúng ta ở đây đều đớn đau và yếu đuối. Và chúng ta có thể hiểu được rất sâu xa cố gắng chiến đấu của bạn vì tất cả chúng ta ở đây đều là những người thường xuyên chiến đấu với bão tố đời mình.

Và dù là bạn có lèo lái kiểu nào thì chẳng ai nói là bạn làm sai cả, vì tất cả chúng ta đều biết giữa cơn bão thì chẳng thể nói đúng hay sai, mà chỉ nói “Hãy cố gắng hết sức mình.”

Và nếu không ai trong chúng ta có thể giúp bạn được điều gì, thì ít nhất bạn cũng nhận được vài câu an ủi và một lời cầu nguyện.

Ngày mai trời lại sáng.

Chúc tất cả các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com