Thứ bảy, 27 tháng 2 năm 2010

Bài hôm nay

Gipsy Kings và nhạc Rumba Flamenca , Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, anh Trần Đình Hoành.

Ngày thầy thuốc Việt Nam: Biểu tượng y khoa và Hải Thượng Lãn Ông, Văn Hóa, anh Trần Đình Hoành.

Cuộc sống là một hộp sô-cô-la, Danh Ngôn, song ngữ, chị Hoàng Khánh Hòa.

Thiết kế giấc mơ, Danh Ngôn, song ngữ, chị Trần Thị Thu Hiền.

Thời gian trôi – Time Flies, Thơ, song ngữ, chị Vivian Hoàng Nhất Phương.

Thiên thần áo trắng , Thơ, anh Hồng Phúc.

Cởi bỏ những lớp áo , Trà Đàm, chị Hoàng Khánh Hòa.

Đúng và Sai , Thiền, Trà Đàm, Văn Hóa, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện họ Hồng Bàng, Văn Hóa, Nước Việt Mến Yêu, anh Nguyễn Hữu Vinh và anh Trần Đình Hoành.
.

Tin quốc tế và quốc nội tại vn.news.Yahoo >>>
.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Japan/World Bank Scholarship

Rotary World Peace Fellowships

Fellowship at UNFPA Special Youth Programme

PhD Scholarships at The IT University of Copenhagen

Thông Tin Kinh Tế

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Gipsy Kings và nhạc Rumba Flamenca

Chào các bạn,

Gypsy Kings là tên của một ban nhạc ở Pháp, đến từ vùng Arles và Montpellier. Các thành viên là người Pháp gốc Tây Ban Nha; cha mẹ họ là gitanos, gypsi người Tây Ban Nha gốc Romania, đã tị nạn đến Pháp từ Catalonia, thời nội chiến Tây Ban Nha thời thập niên 1930.

Họ chú trọng nhiều đến nhạc Rumba Catalana, một loại Rumba Flamenco của vùng Catalina, thêm một số âm thanh mới của nhạc pop, và mang Rumba Catalina mới này đển với thính giả toàn thế giới. Nhiều bản nhạc của họ cũng có âm hưởng Salsa, vì vậy rất được ủng hộ trong giới vũ Salsa.

Sau đây mời các bạn nghe một vài bản nhạc nổi tiếng thế giới của Gypsi Kings:

1. Volare
2. Baila Me
3. Bamboleo
4. Djobi Djoba
5. Bem bem bem Maria

Chúc các bạn một cuối tuân lang thang Gypsi ! 🙂

Hoành
.

Gipsy Kings – Volare

.

Gipsy Kings-Baila Me


.

Gipsy Kings Bamboleo

.

Gipsy Kings Djobi Djoba


.

Gipsy Kings – Bem bem bem Maria

Ngày thầy thuốc Việt Nam: Biểu tượng y khoa và Hải Thượng Lãn Ông

Chào các bạn,

Hôm nay ngày 27 tháng 2 năm 2010 là 55 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, kể từ năm 1955 khi nhà nước Việt Nam ấn định 27/2 là Ngày Thầy Thuốc hàng năm. Chúc các bạn đã và đang trong ngành y tế một ngày nhiều tình yêu và tạ ơn. Y sĩ là việc cứu người. Chẳng còn gì quan trọng cấp kỳ hơn thế.

Nhân Ngày Thầy Thuốc chúng ta hãy nói qua một tí về biểu tượng y tế và Hải Thượng Lãn Ông, được xem như ông tổ của đông y Việt Nam.

Biểu tượng ngành y

Biểu tượng nghề y sĩ là một cây gậy với một con rắn quấn quanh, gọi là Gậy Aesculapius hay Gậy Asklepios, dùng tên của vị thần thuốc men trong thần thoại Hy Lạp. Vị thần này có tên Hy Lạp là Asklepios và tên La Mã là Aesculapius, được xem là một vị thần hiền dịu, chữa lành các bệnh tật về thể xác cũng như tinh thần của con người. Các tín hữu của thần này lập các đền thờ gọi là asclepions, đền thờ Asklepios, đền thờ chữa bệnh. Đền thờ lớn nhất tọa lạc trong một khu vườn rộng rãi ở Corinth, một thành phố rất lớn thời cổ đại. Người bệnh khắp nơi đến đền thờ, ngủ lại đêm để chờ lấy thuốc, và thường cúng cho thần một con gà.

Aesculapius có nhiều con, kể cả Hygieia, nữ thần của sức khỏe, từ đó có chữ hygiene (vệ sinh), và Panaceia, nữ thần chữa bệnh, từ đó có chữ panacea, thần dược vạn năng.

Gậy Aesculapius là biểu tượng của y tế tại nhiều nơi trên thế giới kể cả American Medical Asociation và Bộ Y Tế Việt Nam.

Tuy vậy, ngày nay, nhiều nơi đã nhầm lẫn và dùng Gậy Caduceus làm biểu tượng y tế. Gậy Caduceus (phát âm /kəˈdjuːsiəs, -ʃəs/, từ tiếng Hy Lạp kerykeion κηρύκειον) là một cây gậy ngắn với hai cánh ở đầu và hai con rắn quấn quanh thân.

Gậy này trước là do Iris mang. Iris là thần thông tin của nữ thần Hera, vợ của vua trời Zeus. Sau này, gậy này đổi tên là Đũa Thần của Hermes, vì thần Hermes mang nó. Gậy này về sau lại là biểu tượng của thần Mercury, hành tinh trong Thái dương hệ.

Dù chẳng liên hệ gì đến y ‎ tế, ngày nay gậy Caduceus được dùng là biểu tượng y tế nhiều nơi, chỉ vì người ta lẫn lộn nó với gậy Asclepius.

Ông tổ Đông Y Việt Nam

Ở Âu Mỹ, Hippocrates của Hy Lạp (460 B.C. – 377 B.C.) được xem là thủy tổ của y học.

Ở Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông ngày nay được xem là biểu tượng cho y sĩ. Hải Thượng Lãn Ông (“Ông già lười Hải Thượng”) là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác.

Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý 1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Khi ấy, 20 tuổi, ông vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, nhưng xã hội bấy giờ rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi, ông bắt đầu nghiên cứu thêm binh thư và võ nghệ, “nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình”.
Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân đội, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, nhiệt tình chữa khỏi.

Trong thời gian hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông thường đọc “Phùng thị cẩm nang” và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông.

Ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi.

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ “Y tôn tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn ông.

Ông qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạn chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn.

Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 22 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh là công trình y học suất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học. (Theo Wikipedia)

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Thời gian trôi – Time Flies

Thời gian trôi

Thời gian thay đổi mọi điều trên thế giới
Thời gian diễn tả từng ý niệm trong sáng hay u uẩn trên mặt người
Thời gian xác định tiếng lòng của thiên nhiên
Thời gian chia xẻ những gì đã mất
Thời gian gợi ý cho điều sẽ đến
Thời gian suy nghĩ về sống và chết
Thời gian dừng lại.

Đắm chìm trong thiền định
Tôi nhận biết thời gian qua hơi thở
Hơi thở ra vào từ đan điền
Bản ngã của tôi có và không có
Hơi thở là điều duy nhất được chứng minh.

Dăm nỗi buồn chợt hiện, rồi nhanh chóng tan biến
Dăm niềm vui trỗi dậy, rồi vội vã ra đi.
Thời gian không còn là một cuộc hành trình kéo dài.
Thời gian là hơi thở
Hơi thở là tôi
Thời gian, hơi thở, và tôi thành một chủ thể duy nhất.

Vivian
12am Thứ Bảy ngày 27 tháng 09, 2009

Tìme Flies

Time changes every thing in the world
Time shows the bright and dark thoughts in human beings’ faces
Time defines the sentiment of the nature
Time shares what passed away
Time guess what will be come
Time thinks about life and death
Time stands still.

Being lost in meditation
I recognize time by my breath
The breath is in and out from my belly
Neither to be nor to present is my ego
Breath is the only thing to be proved.

Some sorrows exit, and quicky disappear
Some rejoice presents, and hurrily absent.
Time now is no longer the passage of duration.
Time is the breath
The breath is me
Time, the breath, and I become the unique subject.

Vivian
12am Saturday 27 September, 2009

Thiên thần áo trắng

.

Tà áo trắng thiên thần lặng lẽ
Dịu dàng thay giọng nói êm đềm
Trời đông buốt giá bên thềm
Trong tôi ấm mãi tình em ngọt ngào.

.

.


MỪNG NĂM MƯƠI LĂM NGÀY THẦY THUỐC 27/ 2

Năm mươi lăm .”*” môt chặng đường
Gian lao vất vã mãi vươn với đời
Tình người thầy thuốc sáng ngời
Xua tan bóng tối đẹp trời hừng đông

Một đời lặng lẽ nhưng không
Cứu người bệnh tật thắm nồng yêu thương .
Dù đi ở mọi nẻo đường
Làng quê,thành thị kiên cường gắng công .

Xứng lời Bác đã gửi mong
“Lương y từ mẫu “Nụ hồng mãi tươi.
Bệnh nhân thắm nở nụ cười
Ngành Y tận hiến chi đời mùa xuân.
.

Hồng Phúc

Ghi chú: “*” (55 năm)

Cởi bỏ những lớp áo

Có bao giờ bạn đứng trong nhà tắm, không mặc gì, ngắm mình trong gương rồi tự khen mình thật đẹp?

Nếu như bạn nghĩ rằng tôi đang bắt đầu một chủ đề nào đó rất nhạy cảm và có phần dung tục, thì thật là đáng tiếc rằng đầu óc bạn đã bị tiêm nhiễm rất nhiều những suy nghĩ không trong sáng đấy :). Nếu như bạn gật đầu, tôi tin là bạn đã rất thành thật, vì ai trong chúng ta từ khi lớn lên cũng ít nhất một lần làm như vậy.

Và bạn nghĩ sao mỗi khi ra phố phải khoác lên người hàng lớp lớp áo quần. Quần áo đã trở thành những lớp vỏ thật khéo cho chúng ta che giấu đi bản thân mình, nhất là những điểm mà chúng ta cho là “xấu”, và tôn thêm những điểm mà chúng ta cho là “đẹp”. Lắm khi vì muốn đẹp hơn trong mắt mọi người mà bạn gái phải cố đi lênh khênh trên những đôi giày cao cả chục centimet hay mặc những bộ cánh không lấy gì làm thoải mái nhưng bù lại, được bạn bè khen là sexy.

Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng những lớp áo quần kia đang che đi vẻ đẹp trần trụi nhất và những gì đẹp nhất của cơ thể bạn, không có chúng hẳn mọi người đã nhìn bạn ĐÚNG hơn?

Mỗi khi đi ra phố, chúng ta buộc phải có những tương tác với những người khác. Vì trong những tương tác này chúng ta luôn mong muốn có được những phản hồi tốt đẹp từ đối tượng. Nếu đó là ấn tượng đẹp về cơ thể thì bạn không muốn họ nhìn thấy những điểm xấu như cái nốt ruồi trên cánh tay hay vòng eo hơi mập một chút. Vậy là bạn cần mặc một chiếc áo dài tay, hay một chiếc váy rộng rãi.

Nếu đó là ấn tượng về tinh thần thông qua lời nói thì đôi khi bạn phải “mặc áo quần” cho mỗi một lời thốt ra. Một lớp che đi sự tự ti rằng mình xuất thân từ gia đình trung lưu, không giàu có như nhiều bạn đồng trang lứa. Một lớp che đi nỗi buồn ngày hôm qua mình đã trượt vòng phỏng vấn xin việc cuối cùng. Một lớp nữa che đi tính tự cao cho rằng mình đáng phải được đề bạt làm trưởng nhóm xuất sắc nhất trong lần tổng kết vừa rồi của nhóm sinh viên tình nguyện.

Có một lúc nào đó bạn chợt nhận ra mình không thể tự nhiên và tự tin để giao tiếp với mọi người vì những lớp áo quần kia làm bạn trở nên nặng nề và chậm chạp hơn?

Hẳn là bạn hiểu vẻ đẹp của con người xuất phát từ tâm hồn chứ không phải là lớp quần áo bề ngoài. Nếu bạn vui một bộ cánh màu đen không làm cho người khác hiểu nhầm rằng bạn có khuôn mặt “đưa đám”. Nếu bạn tự tin, một chiếc áo đã cũ mặc cả mấy năm nay cũng không làm mất đi sức hút của bạn trước người đối diện, thậm chí họ còn thấy chiếc áo này như may ra dành riêng cho bạn.

Vì thế, có cớ gì mà bạn không nhìn vào những nốt ruồi trên cánh tay với sự yêu thương nhất. Hãy cảm ơn Thượng đế đã cho bạn một cái dáng người nhỏ, vì bạn có thể đi lại nhanh nhẹn. Hãy tự tin rằng mình có nước da ngăm, vì mình rất dễ được nhận ra trong đám đông toàn là da vàng hay trắng.

Khi giao tiếp cũng vậy. Bạn hãy cố gắng bỏ đi những lớp áo quần của mặc cảm, tự ti và các suy nghĩ tiêu cực. Hãy tiến đến ai đó trần trụi nhất có thể và tự tin cho họ những gì bạn có. Tôi nghèo nhưng học giỏi, da hơi xấu nhưng có giọng nói ngọt ngào, gõ máy tính không nhanh lắm nhưng lướt web cũng không kém ai cả, lại còn có kinh nghiệm mua bán trên mạng vân vân và vân vân…

Nếu bạn yêu những nốt ruồi của mình, cớ gì những người khác phải ghét nó? Nếu bạn đánh giá cao những gì bạn đang có, cớ gì người khác xem nhẹ chúng nhỉ?

Quần áo sẽ thật tốt nếu chúng làm chúng ta tự tin và đẹp hơn lên trong mắt mọi người, nhưng hãy đừng để chúng làm mọi người nghĩ sai về mình bạn nhé. Mình không có ý nói rằng chúng ta không nên mặc gì khi ra phố :D. Nhưng trong suy nghĩ, hãy nên trần trụi, tức là thành thật, nhất có thể. Bạn hãy vứt đi những lớp áo của suy nghĩ tiêu cực và thể hiện bản thân mình như những gì bạn đang sở hữu. Đó là cách để mọi người nhìn con người bạn đúng nhất và bạn cũng luôn cảm thấy tự tin khi được là chính mình.

Chúc các bạn một ngày tươi hồng,

Hoàng Khánh Hòa

Đúng và Sai

Khi Bankei mở mùa an cư kiết hạ, đệ tử từ nhiều nơi trên đất Nhật về tham dự. Trong một buổi thiền định, một đệ tử bị bắt gặp đang ăn cắp. Vấn đề được bẩm báo lên Bankei, với yêu cầu là người đệ tử ăn cắp bị đuổi. Bankei lờ vụ này.

Sau đó đệ tử này lại bị bắt gặp ăn cắp như vậy, và một lần nữa Bankei lờ vấn đề. Chuyện này làm các đệ tử khác tức giận; họ viết một thỉnh nguyện thư yêu cầu kẻ cắp bị đuổi, nói rằng nếu không thì họ sẽ rời bỏ.

Sau khi đọc lá thơ, Bankei gọi mọi người đến. “Các anh em rất thông thái,” thiền sư nói với họ. “Anh em biết cái gì đúng và cái gì không đúng. Anh em có thể theo học nơi khác nếu muốn, nhưng người anh em khốn khó này chẳng biết đúng sai. Ai sẽ dạy anh ta nếu tôi không dạy? Tôi sẽ giữ anh ta lại đây dù là tất cả các anh em rời bỏ.”

Một suối lệ chảy dàn dụa trên mặt người đệ tử ăn cắp. Tất cả mọi ham muốn trộm cắp đã tan biến.
.

Bình:

• Thường thì những người tự cho mình là đạo đức, hay ít nhất là mình không xấu, thì thường tìm cách lánh xa và xua đuổi những người họ cho là xấu.

Tuy nhiên, “Người mạnh khỏe không cần y sĩ, nhưng người bệnh thì cần.” (Kinh thánh Thiên chúa giáo, Matthew 9:12)

• Hơn nữa, đồ tể buông đao thành Phật. Không thể nói ai sẽ thành Phật trước—người ăn cắp hay người không ăn cắp.

• Thiền là “vô tâm”, không phân biệt học trò giỏi dở tốt xấu. Lo cho mọi học trò như nhau.

• Thực ra thì ai đúng ai sai? Kẻ cắp đương nhiên biết rằng trộm cắp là sai (chỉ là do yếu đuối vì lý do nào đó mà làm bậy). Các đệ từ khác thiếu trí tuệ, thiếu từ tâm, nhưng lại vẫn nghĩ là mình đúng đến nỗi áp lực cả thầy.

Thế thì ai hiểu biết, và ai si mê?

An cư kiết hạ là mùa chư tăng không ra ngoài, cùng ở nhà với nhau để giữ gìn sức khỏe và học tập tăng cường đạo lực. Tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, mùa này bắt đầu từ ngày 16 tháng 4, đến rằm tháng 7, là ngày Tự Tứ đồng thời là Lễ Vu Lan, tổng cộng 90 ngày.

• Bankei là thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác mà ta đã nói đến trong bài Giọng nói của hạnh phúc.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)
.

Right and Wrong

When Bankei held his seclusion-weeks of meditation, pupils from many parts of Japan came to attend. During one of these gatherings a pupil was caught stealing. The matter was reported to Bankei with the request that the culprit be expelled. Bankei ignored the case.

Later the pupil was caught in a similar act, and again Bankei disregarded the matter. This angered the other pupils, who drew up a petition asking for the dismissal of the thief, stating that otherwise they would leave in a body.

When Bankei had read the petition he called everyone before him. “You are wise brothers,” he told them. “You know what is right and what is not right. You may go somewhere else to study if you wish, but this poor brother does not even know right from wrong. Who will teach him if I do not? I am going to keep him here even if all the rest of you leave.”

A torrent of tears cleansed the face of the brother who had stolen. All desire to steal had vanished.

# 45

Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện họ Hồng Bàng

Chào các bạn,

Đây là truyên đầu tiên trong quyển Lĩnh Nam Chích Quái mình đang dịch, lấy từ bộ truyện đồ sộ “Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, hợp tác với Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extreme Orient), Paris và Đại Học Chung Cheng, Taiwan, do Trần Khánh Hạo chủ biên và nhà sách Học Sinh Thư Cục ở Taipei ấn hành năm 1992.

Phần cuối truyện có lời bình của anh Trần Đình Hoành.

Mời các ban hãy cùng nghiên cứu huyền thoại, huyền sử, nền tảng của văn hóa Việt Nam. 🙂

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

Nguyễn Hữu Vinh

Truyện họ Hồng Bàng

Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất.

Long Quân dạy dân việc cày cấy, cơm ăn áo mặc, đặt ra các cấp quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng. Đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ơi! sao không lại cứu chúng con” (Người Việt xưng Phụ là Cha hoặc là Bố (1), xưng Quân Vương là Vua (2)) thì Long Quân tới ngay. Sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi.

Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Vì nhớ đến chuyện ông tổ Đế Minh du hành phương Nam gặp tiên nữ, nên Đế Lai nhân khi phương Bắc thiên hạ thái bình bèn sai quần thần là bọn Xi Vưu thay mình trông coi việc nước, rồi đi tuần xuống nước phía nam đến nước Xích Quỷ. Khi đó, Long Quân đã về thủy phủ, trong nước không có vua. Đế Lai bèn để ái thiếp là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành cung rồi đi chu du thiên hạ, ngắm xem các nơi danh lam thắng cảnh. Thấy hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, voi, tê, đồi mồi, ngọc ngà, vàng bạc, quế, tiêu, hương, trầm, đàn cùng các sơn hào hải vật không thiếu thứ gì, khí hậu bốn mùa không lạnh không nóng, Đế Lai vui thích mà quên trở về. Dân phương Nam khốn khổ vì bị quấy nhiễu, không được yên sống như xưa, nên ngày đêm mong mỏi Long Quân trở về. Thế nên cùng nhau gọi lớn: “Bố ơi, bố ở đâu mau về cứu chúng con”. Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ sống một mình, có dung mạo đẹp đẽ lạ thường, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống trước hành cung Âu Cơ ở. Âu Cơ thấy vậy, sinh lòng ưa thích. Long Quân đón Ấu Cơ ở Long Trang Nham. Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc. Truyền ngôi đến đời Du Võng, đánh nhau với Hoàng Đế ở đất Bản Tuyền, đánh không nổi mà chết (3). Đời Thần Nông tới đây thì hết.

Long Quân lấy Âu Cơ, trong năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài đồng; qua bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không cần phải bú mớm, các con tự lớn lên, người nào cũng trí dũng song toàn, ai ai cũng nể phục, đều cho là những kẻ phi thường. Long Quân ở lâu dưới thủy phủ, vợ con sống một mình, nay muốn về đất Bắc. Âu Cơ về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, nên ngày đêm lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi buồn khổ thế này”. Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương Dã. Âu Cơ khóc mà nói rằng: “Thiếp vốn là người phương Bắc, nay ở với vua, sinh được trăm trai. Xin vua đừng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, để vợ con phải làm người không chồng, không cha, thật là đáng thương”. Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng giòng giống khác nhau, thủy hỏa tương khắc, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng lời, sau đó từ biệt mà đi.

Âu Cơ và năm mươi con về ở đất Phong Hiệp (Nay là huyện Bạch Hạc), cùng nhau tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Chia nước ra làm 15 bộ là Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Sai các em cùng nhau chia trị các nơi đó. Lại đặt các em làm tướng văn, tướng võ, văn là Lạc Hầu, võ là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan gọi là Bố Chính, nô bộc gọi là Trâu, con ở gái gọi là Tinh. Bề tôi của vua gọi là Côi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ Đạo, đều xưng là Hùng Vương, không hề thay đổi.

Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Vua nói rằng: “Giống sơn man và giống thủy tộc khác nhau, nên xâm phạm lẫn nhau”. Bèn khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình loài thủy tộc. Từ đó, dân không bị họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đó. Lúc đất nước còn sơ khai, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy bả cơm làm rượu; lấy cây cau, cây cọ làm đồ ăn; lấy cầm thú, cá, tôm làm mắm; lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất trồng được nhiều gạo nếp, dùng ống tre để thổi cơm ăn. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ vào rừng. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến cứu. Việc cưới hỏi giữa nam nữ trước lấy gói muối làm lễ vật đi hỏi, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để vào phòng cùng ăn, rồi mới thành thân. Đây là lúc chưa có trầu cau.

Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy.
—————————

Chú thích:
1. Cha: chữ Nôm viết là 吒, Bố: chữ Nôm viết là 布
2. Vua: chữ Nôm viết là (Trên 王 dưới 布)
3. Lĩnh Nam Chích Quái, bản VHV 1473 có thêm đoạn sau: Lúc đó Xi Vưu ở phương Bắclàm loạn. Vua nước Hữu Hùng là Hiên Viên Hoàng Đế đem chư hầu tới đánh nhưng không được. Xi Vưu mình thú mặt người, sức khỏe dũng mãnh. Có người dạy Hoàng Đế dùng trống da thú làm lệnh, Xi Vưu sợ hãi chạy về đất Trác Lộc. Hoàng Đế chiếm được nước, lên làm vua. Đế Lai nghe biết bèn trở về phương Bắc đánh với Hoàng Đế 3 lần, đều thua, bị giáng phong ở đất Lạc Ấp. Đời Thần Nông tới đây thì hết.

Nguyễn Hữu Vinh dich

Bình – TĐH

• Huyền thoại Hồng Bàng, cho thấy một cuộc đấu tranh kịch liệt , và kết quả cuối cùng là trộn lẫn, giữa hai nền văn hóa phụ hệ và mẫu hệ.

Phụ hệ là văn hóa bắc phương, với Thần Nông, Đế Minh, Lộc Tục (Kinh Dương Vương).

Mẫu hệ là văn hóa phương nam với Vụ Tiên, Long Nữ, Âu Cơ…

Lĩnh Nam theo truyền thuyết là vùng Nam sông Dương Tử–Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Bắc Việt ngày nay–nơi người Hán gọi các dân tộc ở đó là Việt, tức là “vượt qua” (sông Dương Tử). Vào thời cổ đại, văn minh Trung Quốc phát triển ở châu thồ sông Hoàng Hà ở bắc Trung quốc, xuống nam đến mạn bắc sông Dương Tử. Qua sông, miền nam sông Dương Tử — vùng Lĩnh Nam — là một nền là văn minh khác, của các dân tộc Việt.

Phụ hệ xem ra thắng thế trên văn từ: Dòng bố là dòng chính của “cây gia phả” của “người”. Và sinh ra 100 con trai, chẳng có thị mẹt nào cả.

Dòng mẹ gồm “tiên” (Vụ Tiên, Âu Cơ), “rồng” (Long Nữ) và “nước” (Động Đình Hồ).

Nhưng phụ hệ chỉ thắng về mặt nổi. Về mặt chìm thì, mẫu hệ xem ra thắng thế:

1. Âu Cơ có hai chồng, là hai anh em họ Đế Lai và Sùng Lãm, gần giống như tục nối dây hiện nay vẫn còn tồn tại với các một số dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn theo chế độ mẫu hệ.

2. Sùng Lãm Lạc Long Quân xem ra có máu miền nam (mẹ và nước) nhiều hơn văn hóa bắc phương: Ông nội Đế Minh lấy vợ phương nam (con gái Vụ Tiên), sinh ra Lộc Tục Kinh Dương Vương. Lộc Tục lại lấy Long Nữ của Động Đình Hồ ở phía nam, sinh ra Sùng Lãm Lạc Long Quân.

3. Rốt cuộc, 50 con theo Lạc Long Quân về biển, biến mất trong lịch sử. 50 người con thành lập lịch sử Việt sau này là 50 đứa theo mẹ.

4. Người Việt nói “Ta là con cháu Rồng Tiên.” Nhưng bố rồng này lại là rồng từ họ ngoại của bố, rồng từ Long Nữ của Động Đình Hồ. Cho nên cả hai cha mẹ (rồng tiên) đều là lấy họ ngoại là chính.

Đây xem ra vẫn là văn hóa Việt Nam ngày nay. Ra đường chồng chúa vợ tôi, về nhà vợ nắm hết thôi cũng huề. 🙂

• Long nữ, Lạc Long Quân, Động Đình Hồ: Văn hóa “nước” (từ các dòng bên ngoại) quan trọng cho người Việt đến nỗi từ “nước”, quan trọng nhất cho sự sống con người, cũng dùng cho quốc gia, quê hương, tổ quốc: Nước Việt, làng nước, non nước…

• Chúng ta nói “Mẹ Việt Nam”. Chẳng nghe ai nói Bố Việt Nam cả.

• Vật biểu Rồng Tiên của văn hóa Việt có sự quân bình nam nữ, âm dương, khác với nhiều nền văn hóa khác, chỉ có một. Giáo sư Kim Định viết trong Kinh Hùng Khải Triết:

Nếu có một ai chịu đưa mắt nhìn rộng ra năm châu, rồi nhìn sâu vào thời cổ đại sẽ thấy không một nước nào trên thế giới có vật biểu đi đôi như thế mà tất cả chỉ là một:
Ấn Ðộ là con voi.
Nước Pháp là con gà.
Nước Ðức là con chim ưng.
Nước Anh là con sư tử.
Nước Tàu trước hổ sau rồng.
Riêng nước Việt lại nhận cả đôi, cả tiên lẫn rồng.

Nam nữ, âm dương cân xứng đương nhiên là quân bằng, hài hòa, và hợp tự nhiên hơn các nền văn hóa chỉ có một—phải bỏ hết tất cả, để giữ một còn lại.

• Bọc trứng vất ở ngoài đồng 7 ngày mới nở ra trăm con: Đây là biểu tượng của linh khí của trời đất trong 7 ngày. Tức là người Việt có cả ba yếu tố trong mình: Người, trời và đất.

• Cánh đồng là biểu tượng của đất, của ruộng đồng—Mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và mảnh đất quê hương.

Cánh đồng của nhà Nông còn là biểu tượng của liên hệ đến tổ Thần Nông, người sáng tạo ra cách trồng trọt.

• Một trăm con một bọc, nhấn mạnh ý nghĩa “đồng bào”, và còn nhấn mạnh tính “bình đẳng.” Mọi người ngang nhau vì trong 100 người chẳng có ai là anh ai là em cả.

• Xem ra các con số dương, biều hiệu cho sự phát triển, được cố tình sử dụng: Đế Minh là cháu 3 đời của Thần Nông, đến Lạc Long Quân là cháu 5 đời của Thần Nông, và bọc trứng được nằm ngoài đồng (của nhà Nông) 7 ngày.

• Số một trăm là ‎ ý chỉ số nhiều, số đông: Trăm họ, sống lâu trăm tuổi, trăm năm hạnh phúc, trăm phương nghìn kế, trăm hoa đua nở…

• Giáo sư Kim Định nói về hai chữ “Văn Lang”:

1. Chữ Văn theo nghĩa cổ là vẽ mình quen gọi là “Văn Thân”. Rồi từ đó có nghĩa là văn vẻ: thân mình được vẽ là thân có văn vẻ. Sau cùng đạt tới nghĩa bao quát chỉ tất cả những gì có văn vẻ. Văn Lang là nước có văn vẻ ngược với nước bị cai trị theo lối thú vật bằng gậy, bằng chuồng thì gọi là võ trị. Chỉ có văn trị mới làm nảy sinh được các mối nhân luân, những mối liên hệ người với người được thấm nhuần bằng lễ, nghĩa, liêm, sỉ, tức những mối tình cao cả của con người.

2. Về chữ Lang xét như bởi chữ làng thì có nghĩa là làng nước. Văn Lang là nước có văn vẻ; còn xét theo âm chữ Nho thì Lang có nghĩa là người, ta quen gọi bằng lang quân.

• Phần kể các tục lệ của dân nước Văn Lang, có vẻ như là tục lệ của các dân tộc thiểu số vùng cao ngày nay, vẫn còn theo mẫu hệ:

Lúc đất nước còn sơ khai, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy bả cơm làm rượu; lấy cây cau, cây cọ làm đồ ăn; lấy cầm thú, cá, tôm làm mắm; lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất trồng được nhiều gạo nếp, dùng ống tre để thổi cơm ăn. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ vào rừng. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến cứu. Việc cưới hỏi giữa nam nữ trước lấy gói muối làm lễ vật đi hỏi, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để vào phòng cùng ăn, rồi mới thành thân.

Chỉ có dân vùng cao mới lấy vỏ cây làm áo, cỏ tranh làm chiếu, rễ gừng làm muối và quý muối như vàng, đốt rừng để trồng trọt–trồng bằng lửa, ăn nếp thay gạo, thổi cơm trong ống tre, làm nhà tránh hổ sói nghe như nhà sàn, cắt tóc ngắn (khi xưa người Kinh để tóc dài), đẻ con lót lên lá chuối, dùng muối làm lễ vật đính hôn, và giết trâu hành lễ–người vùng xuôi có lẽ là giết bò hơn là trâu…

• Tóm lại, truyện họ Hồng Bàng là trộn lẫn và đấu tranh giữa hai nền văn hóa nam (mẫu hệ) và bắc (phụ hệ). Dù là các điểm lớn như đàn ông làm vua là văn hóa bắc (phụ hệ), nhưng đa số các chi tiết khác là của văn hóa miền nam (mẫu hệ) với khá nhiều chi tiết phong tục vẫn còn tồn tại trong các dân tộc thiểu số mẫu hệ miền cao ngày nay.

Trần Đình Hoành bình