Thứ hai, 3 tháng 8 năm 2009

Bài hôm nay:

Người hát rong của rừng núi Tây Nguyên – Y Moan , Nhạc Xanh, Video, Văn Hóa, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành giới thiệu và nối link.

Daily English Discussion, Are MySpace and Facebook antisocial?, anh Trần Đình Hoành.

Óc sáng tạo , Danh ngôn, song ngữ, chị Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

Giận dữ và tha thứ , Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến dịch.

Lang thang chuyện rượu, Văn, anh Nguyễn Tấn Ái.

Cầu nguyện cho lãnh đạo , Trà Đàm, song ngữ anh Nguyễn Minh Hiển dịch.

Lãnh đạo–Chính sách mở cửa, Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Phiên tòa các người biểu tình ở Iran bị phê phán là cuởng bức – Mir Hossein Mousavi, ứng cử viên tổng thống thua cuộc, nói là nhữung bgười bị bắt đã bị “tra tấn kiểu trung cổ” và bị ép nhận tội. Cựu tổng thống Mohammad Khatami cũng phê phán phiên tòa là đóng kịch và sẽ làm hại uy tín Iran. Hơn 100 người bị bắt đang bị đưa ra tòa.

Mỹ và thế giới lên án Do Thái về việc đuổi 9 gia đình Palestinian khỏi vùng East Jerusalem – Do Thái chiếm đóng vùng này trong cuộc chiến năm 1967. Sự chiếm đóng này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Liên Hợp Quốc, Palestine và Anh quốc cũng theo Mỹ, lên án Do Thái.

Human Right Watch yêu cầu điều tra cái chế của Yusuf Mohamed, lãnh đạo phiến quân Boko Haram in Nigeria – Ảnh chụp cho thấy khi bị quân chính phủ Nigeria bắt, Yusuf Mohamed, vần còn sống khỏe mạnh. Sau khi quân đội giao cho cảnh sát vài tiếng đồng hồ, cảnh sát trình làng ảnh Yusuf Mohamed bị chết với nhiều lỗ đạn, và giải thích là anh ta bị bắn khi đào tẩu. Human Right Watch tố cáo đó là giết người mà không xét xử trong tòa án và như vậy là phi pháp.

Ngân hàng công giáo, Pax Bank, ở Đức xin lỗi vì đã “vi phạm đạo đức” khi đầu tư vào cổ phần của công ty làm vũ khí, công ty thuốc lá, và công ty thuốc ngừa thai.

Đức tổng giám mục Vincent Nichols của Anh báo động là các websité xã hội như MySpace và Facebook làm cho người trẻ chỉ tìm tình bạn thóang qua, và chú trong vào số lượng, hơn là phẩm chất.

Người vô gia cư chết để lai 4 triệu cho tổ chức từ thiện – Richard Leroy Walter ở Scottdale, tiểu bang Arizona, Mỹ, đã là một chến binh và kỹ sư hàng không. Ông chưa bao giờ lập gia đình. Sau khi về hưu ông quyết định sống cuộc đời nghèo khổ của những người vô gia cư. Người ta không biết ông là triệu phú. Khi chết 2 năm về trước, ông để lại cho một tổ chức từ thiện công giáo và một đài phát thanh công cộng 4 triệu đôla.
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Vũ Hoàng Điệp đăng quang Miss International Beauty – Đại diện Việt Nam đã lên ngôi Hoa hậu trong đêm chung kết Người đẹp Quốc tế (MIB) diễn ra tối 1-8 tại Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên, mỹ nhân Việt Nam giành ngôi vị cao nhất tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

Người nhặt rác ở KCX Tân Thuận – Trái với cảnh công nhân vứt rác bừa bãi, trong KCX Tân Thuận, mỗi sáng có một người Nhật cần mẫn nhặt từng chiếc lá, bao ni lông, giấy gói xôi, bánh mì… Ông là Yazaki Sonoko, Giám đốc Công ty Sankei.

Cùng doanh nghiệp Tây mở tour xanh Phong Nha – Kẻ Bàng – Người đến từ châu Âu, người đến từ Úc, cùng vài đối tác du lịch lữ hành ở Hà Nội, chúng tôi hợp thành một đoàn khách Tây lẫn ta balô đáp chuyến xe lửa khởi hành từ nhà ga Hà Nội đi Đồng Hới (Quảng Bình), háo hức cho hành trình mở tour xanh Phong Nha – Kẻ Bàng.

“Những vì sao huyền diệu” và Ina – cô gái Việt đoạt giải thơ tiếng Đức.

Mong muốn từ trẻ thơ – 126 bạn học sinh từ lớp 4-10 (đại diện cho 21 tỉnh thành) đang tham dự diễn đàn quốc gia “Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em” (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1 đến 4-8, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và 5 tổ chức quốc tế khác tổ chức). Dự kiến diễn đàn sẽ diễn ra hằng năm sau đó.

Tấm lòng người Việt ở Syracuse – Từng được giúp đỡ khi đặt chân đến Mỹ, một số người gốc Việt tình nguyện giúp lại những người có cảnh ngộ như mình trước kia.

Trăn trở từ cây dừa Biết ở Bến Tre có rất nhiều dừa và có cả nguồn lao động tại chỗ, ông mơ ước làm thế nào tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở miền Nam để tạo lợi thế cạnh tranh, biến những phế phẩm từ dừa thành những dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Không chỉ yêu nghề, không ngừng sáng tạo mà ông Hùng còn thương người, nhất là những người nghèo khó.

Người giang hồ ở Tây Nguyên – Văn Công Hùng thích cải tiến thơ ca với trí thông minh năng nổ sẵn có, dễ khiến người khác có ấn tượng liều mạng, nhưng lại thấy ông vô cùng duyên và đáng yêu.

Người viết vạn câu thơ về Bác – Cụ Nguyễn Đức Thanh – 83 tuổi đã hoàn thành trường ca ba tập viết tay với hơn một vạn (chính xác là 12.000) câu thơ viết về Bác Hồ. Nằm viện cụ vẫn miệt mài viết gần 1.000 câu thơ.

Hoa khôi tuổi teen “vào” phim tài liệu Mùa hè xanh – Không chỉ tham dự hành trình từ thiện trong chiến dịch Mùa hè xanh 2009, Miss teen Huyền Trang còn là người dẫn chuyện cho bộ phim tài liệu về chiến dịch Mùa hè xanh 2009.

Bảng điện tử ảo thông minh – Ban Công nghệ của Trung tâm Đào tạo khu vực của Seameo tại Việt Nam vừa tạo ra được một loại bảng tương tác thông minh ISB (Interactive Smartboard) để phục vụ công tác giảng dạy với giá rẻ. Trung tâm đã phổ biến công nghệ này đến hơn 20 trường ĐH, CĐ và THPT tại TPHCM và một số trường ở khu vực miền Trung. Những giáo viên tiếp cận với ISB đều rất thích thú với những tiện ích nó đem lại.

Hiệp hội doanh nhân VN ở nước ngoài: Gấp đôi dự kiến – Một tuần trước khi diễn ra đại hội thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài có hơn 230 doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đăng ký tham dự, gấp đôi so với dự kiến.

Nuôi yến ở Sài Gòn – Gần đây, ở TPHCM rộ lên phong trào nuôi yến. Hình thức mua nhà nuôi yến trở nên khá phổ biến, khách dập dìu tìm đến những quận vùng ven.

Nồng nhiệt với kịch nhảy Hàn Quốc – “Ngôn ngữ” chỉ có nhảy và những động tác hình thể, nhưng kịch nhảy Sachoom của Hàn Quốc gây ấn tượng cho khán giả Việt Nam vì sức hút “không biên giới” của nó.

Tặng sách giáo khoa cho người Việt tại Campuchia

Tôn vinh các tài năng tin học trẻ

Quỹ học bổng Vừ A Dính trao hơn 5.000 suất học bổng

Anh chàng 8X cho thuê thời gian
.

Bài hôm trước >>></strong>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Người hát rong của rừng núi Tây Nguyên–Y Moan

Chào các bạn,

Năm 1995 mình và bà xã lên thăm Buôn Ma Thuột và đuợc chị Linh Nga Niêk Dam, lúc đó là đang dạy âm nhạc và làm việc tại đài phát thanh Buôn Ma Thuột, đưa đi chơi, ca hát với một nhóm bạn của chị. Và chị Linh Nga giới thiệu cho mình và Phượng nhạc Êđê và giọng ca Ymoan.
MnongLonghouse
Phản ứng đầu tiên của mình với nhạc Êđê là sức mạnh và mức văn minh của nó. Dĩ nhiên là chị Linh Nga đã nói trước với mình, “Anh sẽ ngạc nhiên khi nghe nhạc Êđê. Như là nhạc rock.” Nghe xong một vài bản trong máy cassette của chị mình thấy quá hứng khởi. Mình nói với chị Linh Nga, “Nhạc này mà sang Mỹ trình diễn như nhạc rock tân thời, thì dân Mỹ phải mê.” Mình còn đề nghị với chị Linh Nga là viết lời tiếng Anh cho các ca sĩ Êđê hát, để xuất cảng văn hóa sang Mỹ. Nhạc Êđê mạnh và rất chỏi nhịp. Đó là đặc điểm của nhạc rock tân thời, khác với nhạc cổ điển vào nhịp rất đều đặn.

Chỉ qua âm nhạc là mình đã rất khâm phục các anh chị em Êđê. Âm nhạc như vậy thì sức sống rất mạnh. Mấy năm trước khi có tin UNESCO công nhận nhạc chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa thế giới mình rất vui. Nhạc chiêng của người Êđê rất sophisticated.

Giong ca của Ymoan là giọng ca của núi rừng hùng dũng hoang vu. Đó không phải là giọng ca cho phòng trà, cho dancing trong phòng. Đó là giọng ca với gió ngàn, mây trắng, đồi thấp núi cao, và mang núi đồi hoang dã vào quả tim con người. Nếu người ta vũ theo giọng ca Ymoan, thì nhất định đó phải là những vũ điệu của rừng núi, bên cạnh ánh lửa bập bùng, với nhịp vỗ của gồng chiêng.

Mình đang tính research để viết một bài giới thiệu về Ymoan thì thấy có bài trên VnExpress rất hay. Dùng bài đó giới thiêu thay vì viết một bài dở hơn. Có lẽ đa số các bạn trong nước đã biết rõ về Ymoan, nhưng các bạn nước ngoài có thể được thêm thông tin tốt từ bài báo này.

Sau đó mình mời các bạn xem 4 videos của Ymoan và một video phỏng vấn Ymoan và Nguyễn Cường, người nhạc sĩ viết nhạc Tây Nguyên.

Bài này dành riêng cho The Daklak Gang (chị Huệ et al). Và dành chung cho các bạn khắp thế giới chưa để ý văn hóa Êđê.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

.

Y Moan mê đắm giữa núi rừng Tây Nguyên
.

Chỉ khi Y Moan hát như… phát rồ, người ta mới thấy được trong lời hát ấy cái lồng lộng của đất trời Tây Nguyên, cái mưa dầm dề, cái nắng thiêu đốt cùng vẻ tươi xanh hào phóng của cao nguyên.

Y Moan và nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Y Moan và nhạc sĩ Nguyễn Cường trên cao nguyên M’drak 10 năm trước.

Trước Y Moan không có ai và sau Y Moan có lẽ khó tìm được một giọng hát như vậy. Nhưng Y Moan hát hay nhất là khi anh đi về các buôn làng.

Anh bảo chỉ ở làng, nhìn thấy đồng bào đứng chung quanh, lố nhố, bề bộn như thế hát mới “đã”, giọng mới tròn, to, vang hết mức. Dù đồng bào không có thói quen vỗ tay tán thưởng, khen ngợi mỗi khi Y Moan (hay bất cứ ca sĩ nào) hát xong, thế mà vẫn thấy ấm lòng.

Bà con chỉ nói: “Moan, hát đi”, thế là Y Moan hát. Mà khi Moan đã hát thì không biết đến khi nào ngừng; chỉ khi nào trưởng đoàn vì sợ “bể” chương trình, bảo “stop” Moan mới thôi. Vì thế người ta không còn lạ khi Y Moan hát một hơi 13 bài, gần như độc diễn (trong những kỳ đi diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đăk Lăk), hát đến độ máu miệng trào ra, nhổ bãi máu rồi hát tiếp.

Có chứng kiến Y Moan ôm đàn một mình lững thững giữa thảo nguyên M’drak cỏ xanh trải thảm ngút mắt trên đèo Phượng Hoàng – từ Khánh Hòa lên Đăk Lăk – miệng hát vang mới biết đó là lúc anh đang xuất thần.

Ở đó, giữa núi đồi nghe “một mình qua sông, qua núi đồi” (Chim phí bay về cội nguồn – tác giả Y Phôn Ksor) mà vẫn cứ thấy nhớ núi đồi.
ymoan
Ở đó, nghe “ai yêu tự do thì lên núi nghe đàn” (Cây đàn Chapi – tác giả Trần Tiến) mới thấy đúng là một phát hiện! Giọng ca bị đóng đinh vào đại ngàn này đâu thể hát ở phòng trà, sân khấu giữa thị thành. Phải trả giọng hát ấy về với núi rừng, về với cao nguyên, với cái nắng, cái gió, cả cái nghèo…

15 năm trước cũng đã có lúc Y Moan định về “lập nghiệp” ca hát ở Sài Gòn. Về đôi ngày hát cho một số chương trình, các phòng trà nhưng rồi quá nhớ rừng, nhớ cái nắng cao nguyên lại nhảy xe về với Đăk Lăk.

Cho đến bây giờ, Y Moan vẫn cảm nhận mồn một nỗi nhớ cao nguyên tha thiết ấy khi lần đầu tiên trong đời rời quê nhà để được thấy đồng bằng, để thấy được sự bao la của biển, thấy được đất nước muôn màu, đa dạng…

Đó là chuyến xuống núi tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc ở Quy Nhơn năm 1979. Rồi có nhiều lần làm “sứ giả văn hóa cao nguyên” trong những chuyến xuất ngoại sang diễn ở châu Âu, châu Mỹ, Australia, Nhật… nhưng chỉ càng cho anh thấy mình không thuộc về thế giới phồn hoa đô hội.

Và Moan quyết định gắn đời mình ở cao nguyên, với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đăk Lăk, cho dù mỗi đêm đi hát (và hát bao nhiêu bài đi nữa) tiền bồi dưỡng chỉ 70.000 đồng.

Chỉ hát ở cao nguyên, Y Moan mới được gần gũi với “gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” (Ơi M’drak – tác giả Nguyễn Cường).

Bây giờ ở tuổi 52 với 35 năm theo nghề ca hát, Y Moan vẫn là một “ca sĩ tỉnh lẻ” dù cả nước biết đến tên anh. Nơi anh ở là một cái gara vài chục mét vuông trong khuôn viên của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đăk Lăk ở thành phố Buôn Ma Thuột. Hằng ngày đoàn di chuyển đến buôn làng nào cũng có Y Moan theo.

Có thể nói Y Moan là “linh hồn” của đoàn từ mấy chục năm. Vắng anh sức hấp dẫn của đoàn mất đi nhiều. Moan đi hát và vẫn đi làm rẫy. Rẫy cà phê 3 ha cách Buôn Ma Thuột chừng 45 km, ở huyện Cư M’gar, là thế giới kết nối một Y Moan nông dân với một Y Moan nghệ sĩ, Y Moan phóng khoáng với Y Moan sâu sắc, Y Moan của núi rừng với Y Moan của phố thị, Y Moan của công chúng với Y Moan của gia đình, và nó nuôi dưỡng tâm hồn của anh. Cuộc sống của gia đình anh 5 người phụ thuộc rẫy cà phê đó.
ymoan2
52 năm trước, có một đứa bé được sinh ra trên rẫy rồi được gói lại gùi về nhà. Về chuyện ca hát, Y Moan nhớ lại lúc còn nhỏ, lần đầu tiên xin đi theo ông Ama Nô đi hát “cho vui”.

Ama Nô là một chiến sĩ cách mạng, cũng là nhạc sĩ, người J’Rai ở Phú Bổn nhưng hoạt động ở chiến trường Đăk Lăk, người phụ trách đầu tiên của Đoàn văn công B3 của tỉnh Đăk Lăk trước năm 1975 – tiền thân của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đăk Lăk ngày nay.

Anh vẫn nhớ lời mẹ cản ngăn, vì ca hát là nghề xa lạ với buôn làng; nhớ đôi dép cao su đầu tiên mà thầy Ama Nô cắt từ lốp xe cho anh bước vào con đường nghệ thuật (đi dép để ra hát trước đám đông); nhớ màu áo xanh bộ đội văn công được mặc; nhớ đi hát mà vẫn phải mang theo súng AK (vì sợ Fulro phục kích vào những năm đầu giải phóng); nhớ cục lương khô được phát sau mỗi lần hát; nhớ cả lúc đang học nửa chừng ở Nhạc viện Hà Nội phải quay về chỉ vì đoàn không có người… hát, rồi không bao giờ quay lại.

Âm nhạc đã dắt thằng bé chân trần của gió núi mây ngàn đi mãi cho đến ngày hôm nay, quên mất lời hứa với mẹ “đi thử với Ama Nô một thời gian rồi về thôi”.
ymoan3
Nhờ cuộc đi “hát thử” kéo dài cả đời người đó, hình ảnh và giọng hát Y Moan giờ đây đã lưu lại đâu đó trong các ca sĩ cao nguyên như Y Zắc (Đăk Lăk), Siu Black (Kontum), Y Yang Tuyn (Gia Lai), Cil Trinh (Bonner Trinh – Lâm Đồng), Karazan Dik, Krazan Blin (Lâm Đồng), cả Kasim Hoàng Vũ và Y Garia (đang học Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội)…

Thật không quá lời khi nói rằng trong những tác phẩm viết về cao nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng có bóng dáng tiếng ca hoang dại của kẻ hát rong Y Moan, người không chỉ “truyền bá” âm nhạc Nguyễn Cường mà còn thổi vào đó cái hồn Tây Nguyên.

Trong căn nhà bề bộn nhạc cụ, sách, đĩa nhạc, huy chương, giấy khen, kể cả bằng chứng nhận nghệ sĩ ưu tú của Y Moan, có một đĩa nhạc được “sản xuất” rất không chuyên nghiệp, mang tựa Đứa con của núi rừng có in chân dung và tên Y Moan Ê Nuôl.

“Có phải album cá nhân đầu tiên của Y Moan?”. Anh chậm rãi trả lời: “Mình và thằng con trai Y Wol vừa mới làm xong (cha đàn hát, con hòa âm, phối khí). Chị Nguyễn Thị Minh Ngẫu, vợ của Y Moan, tên Êđê là Amí Wol, cho biết: “Phải làm gấp một cái để lưu lại vì căn bệnh lao phổi mãn tính đang đe dọa giọng hát anh ấy”.

Chị Minh Ngẫu nói bác sĩ Buôn Ma Thuột, TP HCM đều không cho đi hát nữa nhưng Y Moan cứ bước qua lời can ngăn, chỉ vì “Em ơi, không được hát anh chịu không nổi”.

Có một lá đơn Y Moan gửi đến Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk, bày tỏ rằng những ca khúc đầy “linh hồn” Tây Nguyên của các nhạc sĩ đã mất hay đang sống: Ama Nô, Ama Nui, Rơ Chăm Dơn, Y Sơn Nie, Kpa Ylang, Y Phôn Ksor, Y Kô, Linh Nga Nie Kdam…, những di sản âm nhạc hiện đại của người Tây Nguyên cần được ghi âm, và anh sẽ tình nguyện hát không cần “nhuận ca”. “Nếu không ai làm thì mình tình nguyện, chỉ cần đầu tư cho việc ghi âm, in sang vào đĩa CD hoặc VCD, DVD”.

Trong không gian lặng im như cánh rừng buổi chiều về, bất chợt Y Moan với lấy cây đàn dựng bên góc nhà, rồi những âm thanh quen thuộc vang lên: “Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao/ Tôi như con thú lang thang trong rừng sâu/ Tôi như giọt mưa khao khát lời”.

Cái con chim phí của đất trời Tây Nguyên, cái giọng hát đang bị bệnh tật đe dọa ấy lại vang lên say sưa, mê đắm…

(Theo Tuổi Trẻ)

.

Ơi Madrak (Nguyễn Cường)

.

Ơi M’drak – Ymoan (Nguyễn Cường) (biểu diễn trên TV)


.

Ơi chim ktia – Ymoan (Ysơn Kniê)


.

Chim Pi bay về cội nguồn


.

Phỏng vấn Ymoan và Nguyễn Cường

Daily English Discussion–Aug. 3, 09–Are Myspace and Facebook antisocial?

englishchallenge
Hi everyone,

Archbishop Vincent Nichols said MySpace and Facebook led young people to seek “transient” friendships, with quantity becoming more important than quality.

He said society was losing some of its ability to build communities through inter-personal communication, as the result of excessive use of texts and e-mails rather than face-to-face meetings or telephone conversations.

He said skills such as reading a person’s mood and body language were in decline, and that exclusive use of electronic information had a “dehumanising” effect on community life.

Do you agree with that?

Have a great day!

Hoanh

Óc sáng tạo

creativepeople
Người có óc sáng tạo sẵn sàng sống chung với sự mơ hồ. Anh ta không cần vấn đề phải được giải quyết ngay lập tức và đủ khả năng để chờ đợi một ý tưởng thích hợp.

Đặng Nguyễn Đông Vy dịch

.

The creative person is willing to live with ambiguity. He doesn’t need problems solved immediately and can afford to wait for the right ideas.

Abe Tannenbaum

Lang Thang Chuyện Rượu

Chớ nhìn đến rượu khi nó đỏ hồng wine-glasses-love
Lúc nó chiếu sao trong li
Và tuôn chảy dễ dàng.
Rốt lại, nó cắn như rắn,
Và chít như rắn lục.
Sa- lô-môn ( Salomon), ông vua nổi tiếng thông minh của tuyển dân Y-sơ- ra- en, ( Israel) đã để lại lời khuyên như thế.

Ở phương diện tri thức chính thống, rượu bị lên án.
Với tri thức bình dân, rượu bị mắng mỏ:

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.

Song cũng trong giới bình dân đã từng có lời thách thức cũng rất nghênh ngang thi sĩ:

Còn trời, còn nước, còn non
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.

say

Mà chính thống thì xưa mấy khi anh hùng, tài tử, kì nữ, văn nhân mà lại không gá nghĩa với rượu.
Lọc riêng làng văn mà kể thì cũng đã bao giai thoại, giai phẩm về rượu đủ để nhâm nhi suốt một chiều.
Ngay giữa lâu đài Đường thi đạo mạo thì thi đề RƯỢU cũng đã khá giàu có.
Lí Bạch đại tửu gia uống rượu đề thơ ngợi Dương Qúi Phi, ngạo Cao lực sĩ, đã để lại “Tương Tiến Tửu”, “ Nguyệt Hạ Độc Chước”… Đỗ Phủ với “Túy Thì Ca”, Đỗ Mục với “ Khiển Hoài”, Vương Hàn với “Lương Châu Từ”…

Có lẽ phải kể đến Lưu Vũ Tích với “ Ấm Tửu Khán Mẫu Đơn”tuy ít người biết đến song cũng đủ nồng độ để chếnh choáng ngàn năm:

Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai
ruou tho

(Hôm nay uống rượu bên hoa
Vui lòng ta say mấy chén
Chỉ e rằng hoa sẽ nói:
“ Không nở cho người già đâu đấy nhé”)

Xuân Diệu, theo chỗ tôi biết, trộm vía ông, là người sành ăn kém rượu, song lại có lời thơ như dịch tứ thơ say của người xưa:

Ta thấy em xinh khẽ lắc đầu
Bởi vì ta có được em đâu
Tay kia sẽ ấp nhiều tay khác
Môi ấy vì ai sẽ đậm màu.

Rượu Bau Da
Thơ hay, tiếc là thiếu men.
Làng thơ cổ điển Việt Nam cũng đọng lại vài danh tửu.
Hồ Xuân Hương, đáng mặt bà chúa với cái khí rượu đáng hổ mặt nam nhi lắm:

Bầu giốc giang sơn say chấp rượu.

Tú Xương nổi tiếng phong nguyệt tình hoài ấy thế mà cốt cách tửu thi chừng kém lắm. Cả túi thơ của vị tú tài ấy không có lấy một tứ rượu cho đáng mặt trượng phu.

Nguyễn Khuyến thâm sâu với rượu, thật đáng ngưỡng mộ.

Trăm chén hình tặng ảnh
Nghìn năm ta là ai ?

Thi nhân hiện đại phong Tản Đà làm thống soái của làng thi tửu, song vị đô đốc này có lẽ bất phùng thời nên cái khí vị kẻ say đã nhiều phần kém đi cốt cách, đã luộm thuộm đi nhiều:

Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.

So với cái kiểu “ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu”( say lăn chiến địa cười khà) của người xưa thì thật kém thế quá!
Và sau Tản Đà, có lẽ rượu với làng thơ đã có phần nhạt nhẽo, nhiều bị say ít biết say! Rượu rơi vào cái thế luông tuồng, cái thế hạ phong, không đáng kể.

Riêng có một người trụ được, tuy thuộc hàng “kẻ tân”, song đủ cái nội lực để góp mặt với “cựu trào”, ấy là Nguyễn Tuân, tác giả của “ Vang Bóng Một Thời”
Trước hết, ông Nguyễn là người biết rượu khi kể lại thú nhấm sang trọng của người xưa, truyện Hương cuội;
Chiều ba mươi tết, cụ cử, cụ tú, cụ kép cùng thưởng tiệc rượu Thạch lan hương, người bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẽ cũng chừng thèm say lắm.
Rồi mỗi một chén rượu ngừng là một lời thơ trong trẻo cất lên, cứ thế cho tàn hết một buổi chiều.
rượu và sách
Người kể Hương Cuội cũng là người giỏi rượu và hay rượu. Vũ Bằng kể rằng Tuân quái khách có khi “ngưu ẩm”, cũng có khi khệnh khạng một mình, một chiều bên hồ Tây và một li Mai quế lộ.

Người viết bài này không thích kiểu say của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, càng không thích kiểu rượu của Nguyên Hồng.
Và có lời bàn:
Rượu là thế, nhiều phần dở, nhiều phần phiền nhiễu, nhưng có lẽ không tại rượu mà tại người đời kém rượu. Không đủ nội lực thì đừng lạm dự, kẻo “tu tận hoan” rồi lại “tù tận mạng”

Rủi ro sao mình lại rơi đúng vào hàng kém rượu, đọc một đôi câu rượu hay mà tiếc khéo nòi rượu chính thống rồi đến ngày tuyệt tự.
Suy cho cùng, mình chỉ uống rượu theo thú thanh nhàn như của người xưa, cảm nhận một nét đẹp văn hóa thời nay nâng ly rượu vang của văn hóa Pháp, hoặc nhâm nhi rượu Bầu Đá nét văn hóa đặc trưng của miền đất võ Tây Sơn, Bình Định.
Tôi sinh đúng quê xứ biết chiềuruoudaohong, biết quí cái nhã thú cầm chén nâng chung:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say.

Vậy nên cũng nặng lòng với tửu thú, và băn khoăn hoài với cái tư thế của người biết rượu.
May ra cuối đời sẽ tu luyện được cái đẹp của người biết cầm chén.

Mà khéo cũng vừa chiều theo ý mấy bà vợ khó tính, khỏi phải chiều chiều ca cẩm: Chè với rượu..

Nguyễn Tấn Ái

Cầu nguyện cho lãnh đạo

Chào các bạn,
stained glass
Trong những dịp bầu cử tổng thống Mỹ hay bầu cử lãnh đạo, người dân Mỹ thường cầu nguyện tập thể trong các nhà thờ, nơi công cộng để lắng lòng xuống, cùng nhìn vềThượng đế để cầu xin sự che chở cho dân tộc, sự khôn ngoan để tìm được người lãnh đạo tốt nhất cho đất nước hay tổ chức.

Người Mỹ tin rằng, quyền chọn lựa người lãnh đạo thực sự cho đất nước thuộc về Thượng Đế. Hoạt động bầu cử là hình thức thi đua để tìm ra người lãnh đạo tốt nhất.

Bởi vậy, nếu ai đã được bầu làm lãnh đạo, thì dù trước đó mình đã bầu cho ứng cử viên đối thủ, nhưng bây giờ “He’s my President and I will serve him”, như những người dân Mỹ trên một góc phố nói.

Hôm nay, mình giới thiệu với các bạn bài Cầu nguyện cho Lãnh đạo của chị Joan D. Chittister, một nữ tu sĩ thuộc dòng Benedictine.

Bài cầu nguyện này được cầu nguyện ở nhiều nhà thờ mỗi dịp bầu cử, và đăng trên nhiều website cộng đồng của nước Mỹ, bất kể tôn giáo (interfaith).

Chúc các bạn một ngày tuyệt vời,

Hiển.

.

CẦU NGUYỆN CHO LÃNH ĐẠO

    (trong dịp bầu cử và những dịp khác)
    Joan D. Chittister, OSB

praying-hands
Hởi Chúa, hãy cho chúng con
những nhà lãnh đạo có trái tim đủ lớn
để rộng đủ cho tâm hồn chúng con
và cho tâm hồn chúng con đủ sức mạnh
để đi theo nhà lãnh đạo có tầm nhìn và trí tuệ

Trong khi tìm kiếm nhà lãnh đạo,
hãy cho chúng con tìm kiếm điều lớn hơn sự phát triển
của chúng con –
mặc dù chúng con hy vọng có phát triển –
lớn hơn an ninh cho chính mảnh đất của chúng con –
mặc dù chúng con cần an ninh –
lớn hơn sự thỏa mãn cho những nhu cầu của chúng con –
mặc dù chúng con muốn có nhiều điều.

Hãy cho chúng con trái tim để chọn lựa
nhà lãnh đạo sẽ làm việc
với những nhà lãnh đạo khác để đem đến an toàn
cho toàn thế giới

Cho chúng con những nhà lãnh đạo
sẽ dẫn dắt đất nước này tới đức hạnh
mà không tìm cách áp đặt kiểu đức hạnh của chúng con
lên trên đức hạnh của người khác

Cho chúng con một chính phủ
tạo nên sự phát triển
cho đất nước này
mà không lấy đi tài nguyên của nước khác
để đạt được điều đó.

Cho chúng con hiểu biết đủ chính mình
để chọn nhà lãnh đạo có thể phân biệt
sức mạnh với quyền lực,
sự tăng trưởng với lòng tham,
lãnh đạo với áp bức,
và sự vĩ đại thật sự với những cái bẫy
của sự hoành tráng rởm.

Chúng con tin ở Chúa, hởi Chúa Cao Cả,
hãy mở lòng chúng con để chúng con học hỏi từ những người
mà Chúa nói chuyện bằng những ngôn ngữ khác nhau
và kính trọng cuộc đời và lời nói
của những người Chúa đã ủy thác
nhiệm vụ làm tốt những phần còn lại của trái đất này.

Chúng con nài xin ngày, hởi Chúa Cao Cả,
cho chúng con tầm nhìn của một dân tộc
để biết sự lãnh đạo toàn cầu thực sự nằm ở đâu,
để cần mẫn theo đuổi sự lãnh đạo đó,
để yêu cầu bảo vệ nhân quyền
cho mọi con người khắp mọi nơi.

Chúng con cầu xin nhiều điều này, hởi Chúa Cao Cả
với trí óc chúng con mở rộng cho lời Chúa
và trái tim tin tưởng vào sự chăm sóc vĩnh cửu của Chúa.
Amen

.

PRAYER FOR LEADERSHIP

    (On Election Day and Other Times
    Joan D. Chittister, OSB)

silhouette-of-woman-praying
Give us, O God,
leaders whose hearts are large enough
to match the breadth of our own souls
and give us souls strong enough
to follow leaders of vision and wisdom.

In seeking a leader,
let us seek more than development
for ourselves —
though development we hope for —
more than security for our own land —
though security we need —
more than satisfaction for our wants —
though many things we desire.

Give us the hearts to choose
the leader who will work with other
leaders to bring safety
to the whole world.

Give us leaders
who lead this nation to virtue
without seeking to impose our kind of virtue
on the virtue of others.

Give us a government
that provides for the advancement
of this country
without taking resources from others
to achieve it.

Give us insight enough ourselves
to choose as leaders those who can tell
strength from power,
growth from greed,
leadership from dominance,
and real greatness from the trappings
of grandiosity.

We trust you, Great God,
to open our hearts to learn from those
to whom you speak in different tongues
and to respect the life and words
of those to whom you entrusted
the good of other parts of this globe.

We beg you, Great God,
give us the vision as a people
to know where global leadership truly lies,
to pursue it diligently,
to require it to protect human rights
for everyone everywhere.

We ask these things, Great God,
with minds open to your word
and hearts that trust in your eternal care.
Amen.

Lãnh đạo–Chính sách mở cửa

Chào các bạn,

“Chính sách mở cửa (open door policy)” hàm y’ chính sách lãnh đạo trong đó người lãnh đạo để cửa văn phòng của mình mở, để tất cả mọi nhân viên lớn bé đều có thể gặp mình bất kỳ lúc nào một cách dễ dàng. Dĩ nhiên, là trên thực tế lãnh đạo rất bận rộn, không phải lúc nào bước vào phòng là có thể nói chuyện ngay được. Nhưng hàm y’ của chính sách rất rõ: Anh gặp tôi lúc nào cũng được, cũng như là vào phòng bạn của anh thôi.
opendoor
Đó là chính sách dựa trên căn bản tình bạn và bình đẳng. Chính sách này có cũng đã lâu nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh khoảng hai thập niên nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin. Email cho phép các đại công ty rút gọn sơ đồ tổ chức (organization chart) thực sự thành hai hàng: Hàng đầu là tổng giám đốc, hàng thứ hai là tất cả mọi người còn lại. Tổng giám đốc ngày nay có thể nói chuyện trực tiếp với toàn thể nhân viên qua emai mà không cần phải rải lời nói từ trên đỉnh kim tự tháp, xuống nhiều bậc cấp, trước khi xuống đến hàng nhân viên cuối cùng như khi xưa. Điều này làm gia tăng khả năng truyển thông và hiểu biết giữa mọi người trong công ty, và tránh hiểu lầm gây ra do truyền thông qua quá nhiều cấp trung gian.

Đây là chiều hướng phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản ly’, và tổ chức, của thế giới, đã bắt đầu từ cuộc chiến dành độc lập và hiến pháp Mỹ 1776, rồi cách mạng dân quyền của Pháp năm 1789, trong đó ‎y’ niệm bình đẳng và dân chủ là nền tảng triết lý sâu xa, và là kim chỉ nam cho tất cả các l‎y’ thuyết quản ly’—từ chính trị, đến kinh tế, thương mãi, phát triển công đồng– từ đó đến nay. Và với phát triển tin học, mà ta thể chưa mường tượng hết được, thì ta có thể tin rằng tiện nghi về truyền thông sẽ giúp thế giới khám phá thêm nhiều hình thức quản l‎y’ bình đẳng và dân chủ hơn cả những gì ta có thể thấy ngày nay.

Điều này đặt Việt Nam chúng ta trong một vị thế phải tự điều chỉnh rất khó khăn. Chúng ta có hai trở ngại rất căn bản trong thực hành y’ niệm bình đẳng.

1. Trên cơ cấu xã hội, chúng ta là một xã hội rất giai cấp trong tư tưởng: Ông versus thằng, quan v. dân, nhà nước v. dân, ông chủ v. cu li… Người Việt chúng ta khi nói đến các từ này là hiểu ngay ta muốn nói gì, Nhưng so với người Mỹ chẳng hạn, Mỹ không có cách để dịch “ông v. thằng”. Ta có thể dùng hai từ nào đó để dịch, ví dụ, Mister v. Boy, nhưng chẳng ai có thể hiểu được hai từ đó là gì cả, trừ phi ta tốn mấy phút giải thích lòng vòng cho thiên hạ hiểu ‎ ta muốn ám chỉ hai giai cấp được kính trọng và bị khinh rẻ trong xã hội Việt Nam, mà ở Mỹ thì hoàn toàn không có y’ niệm đó để hiểu.

Nhà nước v. dân cũng vậy. Dịch ra tiếng Anh là government v. citizens thì chẳng ai có thể nghĩ ra nó có hệ cấp như bố với con ở Việt Nam ta. Còn nếu nói “đảng ta v. ta” thì hệ cấp đó còn nhân thêm vài mươi lần. Các bạn cứ tự nhiên tìm từ để điền vào chỗ trống.

Open door policy :-)
Open door policy 🙂

2. Tuy nhiên đó vẫn là chuyện nhỏ, vì vấn đề cơ cấu xã hội còn có gốc rễ sâu xa từ trong văn hóa—cách xưng hô cùa người Việt. Trong ngôn ngữ Việt chẳng có từ nào thực sự thay thế trọn vẹn I và you trong tiếng Anh, je and tu/vous trong tiếng Pháp, và ngộ và lị trong tiếng Hoa cả.

* Cách xưng hô chính của người Việt là hệ cấp gia đình: chú cháu, cô cháu, em anh v.v… Thực sự đây là cách xưng hô rất hay và mình rất thích, vì làm cho người cả nước xưng hô với nhau như người cùng một nhà. Đúng là một mẹ trăm con, và tình thân của người cùng nòi giống thật là khắng khít.

Nhưng cũng cách xưng hô hệ cấp đó gây ra nhiều hệ cấp xã hội và khó khăn trong giao tiếp, nhất là trong các tranh luận chính trị kinh tế cần bình đẳng. Trước hết, người Việt khi mới quen chưa biết tuổi tác nhau, thường rất lọng cọng khó khăn khi nói chuyện. Kiểu nói trống không, không có chủ từ trong câu văn như, “À, sẽ đêm cái đó đên ngày mai” nghe rất tức cười.

Và trong các tranh luận, người nhỏ hơn, trong cách xưng hô truyền thống, không thể nào có tranh luận bình đẳng với người lớn tuổi hơn một tí, trừ phi anh chàng trẻ tuổi muốn mọi nguời gọi là “hỗn.”

Tất cả mọi sinh viên du học mình đã gặp (và mình chưa được hân hạnh gặp người ngoại lệ) đều nói với mình là các bạn thoải mái khi tranh luận bằng tiếng Anh hơn tiếng Việt, dĩ nhiên là vì I với you thì rất bình dẳng.
opendoor1
• Ngoài cách xưng hô gia đình, trong một số các ngành nghề, sự xưng hô được đặt ra để xây dựng một hệ cấp rất rõ ràng.

Ví dụ: Trong nhà thờ, người ta gọi linh mục là cha xưng con, kể cả khi vị linh mục dưới 30 tuổi và người “con” 65 tuổi. Điều này nghe không được. Ở các nước Âu Mỹ, từ “Father” coi như là một chức danh, khi nói chuyện thì người ta dùng I và you, chứ không như ở nước ta chỉ thuần túy cha/con, kể cả khi “cha” đáng tuổi con cháu của “con.” Đây là vấn đề lớn cho sự phát triển dân chủ trong giáo hội (và dĩ nhiên là trong quốc gia, vì giáo hội là một phần của quốc gia). Đó là chưa kể nó có vẻ không phù hợp với văn hóa Việt Nam—người nhỏ tuổi thì phải tự xưng là con/cháu và gọi người lớn tuổi hơn là cô/dì/chú/bác.

Trong các tôn giáo khác thì cũng thế, “thầy và con” tạo ra một hệ cấp xuyên tuổi tác và không bình đẳng, và không phù hợp văn hóa Việt.

(Trong học đường, thầy/cô và em thì được vì trong đa số trường hợp, thầy/cô lớn tuổi hơn các em rất nhiều).

* Thực sự là chúng ta khó có giải pháp cho vấn đề này, vì nó là văn hóa. Nhưng chúng ta cần phải quan tâm đến các vấn đề này vì hệ cấp là đương nhiên không bình đẳng, mà không bình đẳng là phản dân chủ, mà phản dân chủ là sẽ làm cho nước ta phát triển dân chủ chậm chạp và khó khăn.

opendoors
Theo mình nghĩ chúng ta, nhất là những người ở “cấp” cao, cần xung phong tìm những cách xưng hô càng giảm hệ cấp càng tốt, để mang đến bình đẳng càng nhiều càng tốt trong cách giao tiếp của ta. Thực sự là nhiều người ở “cấp” cao chỉ muốn bảo vệ “cấp” như vậy, vì quyền lợi riêng của mình.

• Ngôn ngữ hệ cấp gia đình làm cho chúng ta đoàn kết, dù là đôi khi gặp lúng túng. Và thay đổi ngôn ngữ thì không phải dễ dàng, gần như là không thể. Vậy thì, trong quản l‎y’ chúng ta phải biết thông minh để mang văn hoá của mình vào quản ly’.

Trở lại, vấn đề quản ly’ với chính sách mở cửa. Ở Âu Mỹ, mở cửa là bình đẳng. Ở nước ta, chính sách mở cửa dĩ nhiên là đem thêm rất nhiều bình đẳng. Nhưng, đây là điểm quan trọng, dù là có mở cửa thì chúng ta vẫn còn hệ cấp trong cách xưng hô gia đình. Vậy thì hãy mang khái niệm gia đình đó vào quản ly’.

Nghĩa là, cấp trên phải tự động hiểu vấn đề của người cấp dưới, không cần phải đợi người ta bước vào phòng mình. Người Âu Mỹ hay nói, “Bạn phải cho tôi biết bạn muốn gì, nếu không tôi không biết.” Ở nước ta, người là chú, là cô, là anh, thì PHẢI biết cháu/em muốn gì mà không cần cháu/em phải nói. Nguời nhỏ rất ngại gặp người lớn để tranh luận hay đòi hỏi điều gì. Nghĩa là nhiệm vụ phải nhậy cảm, phải tự tìm hiểu, phải tự hỏi chuyện, nằm trong tay của cấp lãnh đạo. Không thể cứ mở cửa để đó rồi đợi nhân viên bước vào là xem như xong. Người lớn thì phải lo cho người nhỏ, mà không cần người nhỏ phải hỏi. Anh lo cho em mà không đợi em phải hỏi. Đây là đặc điềm của cư xử và xưng hô gia đình trong văn hóa Việt, khác với quản l‎y’ kiểu mỗi người phải tự tranh đấu cho quyền lợi của mình trong văn hóa Âu Mỹ.

Bình đẳng của người Việt, trong thực tế quản ly’, phải là bình đẳng kiểu này: “Anh và em bình đẳng như anh và em.”

Rất nhiều ly’‎ thuyết chính trị, kinh tế, thương mãi của Âu Mỹ rất hay. Nhưng khi muốn áp dụng vào xã hội ta, ta phải hiểu rõ đủ để làm một vài điều chỉnh chỗ này chỗ kia cho phù hợp.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use