Thứ hai, 24 tháng 8 năm 2009

Bài hôm nay:

Hoành tráng với “O Fortuna” (Carmina Burana – Carl Orff) , Video, Nhạc Xanh, Văn Hóa, chị Loan Subaru giới thiệu và nối link.

Hoa Blang (Sử thi Dam San) , Văn, Văn Hóa, Nước Việt Mến Yêu, chị Linh Nga.

Nghiên cứu xã hội, Bạn nghĩ là nhà nước Việt Nam bảo thủ hay cấp tiến? anh Trần Đình Hoành.

English Discussion, Say “I love you for…” how long?, anh Trần Đình Hoành.

Biết câu hỏi , Danh ngôn, song ngữ, chị Đặng Nguyễn Đông Vy dịch.

Viết sách, Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến dịch.

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi! , Văn, Trà Đàm, chị Đông Vy và anh Phạm Công Luận.

Ai cũng độc đáo , Trà Đàm, anh Nguyễn Minh Hiển.

Quyết định của con tim , Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Cựu Trung Úy Calley, thủ phạm vụ Mỹ Lai, xin lỗi chính thức lần đầu tiên – “Không có một ngày nào trôi qua mà tôi không hối hận về chuyện xảy ra tại Mỹ Lai,” Calley nói với các thành viên của CLB Kiwanis của thành phố Columbusm tiểu bang Ohia, hôm thứ tư, 19/8/2009. “Tôi hối lỗi đối với nhưng người Việt Nam bị giết, với gia đình họ, với những người lính Mỹ liên hệ trong vụ và gia đình họ. Tôi rất ân hận,” ông nói.

Nhiều năm nay Calley đã được các tờ báo và kênh TV lớn nhất nước Mỹ mời phỏng vấn, nhưng ông không bao giờ nói chuyện. Đây là lần đầu tiên, trong một nhóm nhỏ trong thành phố.

Calley, hiện nay 66 tuổi, bị kết tội cho 22 án giết người trong Vụ Mỹ Lai, vụ thảm sát khoảng 500 người Việt, và năm 1971 bị tòa án Mỹ kết án chung thân. Nhưng tổng thống Nixon ân xá xuống còn 3 năm tù ở nhà.

Hôm thứ tư, Calley, không từ chối chuyện đã xảy ra, nhưng ông vẫn kiên quyết xác nhận là ông chỉ vâng lện cấp trên lúc đó.

Môt thành viên của CLB Kiwanis có mặt hôm thứ tư, viết lại việc này trên blog của ông (Dicksworld.wordpress.com), gồm hai bài.. Tờ báo địa phương Ledger-Enquirer.com đăng lại. Và từ đó BBC cùng báo chí quốc tế có tin này.

Giám đốc cảnh sát liên bang Mỹ chỉ trích chính phủ Scotland về việc trả tự do cho Abdelbaset Ali Mohmed Al Megrahi, thủ phạm vụ nổ bom Lockerbie – Năm 1988, chuyến bay Pan Am 103 ucã Mỹ từ Luân Đôn bay về New York bị nổ trên đường bay, toàn thể hành khách và phi hành đoàn, 259 người tử nạn. 11 người ở thành phố Lockerbie ở Scottland bị mảnh vụn rơi xuống chết theo, mang tổng số người chết lên 270. Và báo chí đặt tên vụ này là vụ nổ Lockerbie.

Năm 2001, một trong những thủ phạm, Abdelbaset Ali Mohmed Al Megrahi, người Libya, bị tòa án Scotland xử tù chung thân. Ngày 20 tháng 8 năm 2009, tòa án Scottland trả tự do cho Megrahi vì lý do nhân đạo–anh ta bị ung thư và chỉ còn 3 tháng để sống. Megrahi đựợc đón tiếp tại Libya như một anh hùng. Giám đốc FBI cho rằng Scotland đã biến công lý thành trò đùa, và làm cho những kẻ khủng bố trên thế giới thấy thoải mái.

Tổng thống Nam Trỉều Tiên, Lee Myung-bak gặp phái đoàn cao cấp của Bắc Triều Tiên – Quyết định này đến sau khi phái đoàn Bắc Triều Tiên gặp các viên chức về thống nhất đất nước của Nam Triều Tiên trong một cuộc họp không dự tính trước. Phái đoàn bắc Triều Tiên đến Nam Triều Tiên để dự lễ tang cố tổng thống Kim Dea-jung.

Bầu cử tổng thống tại Afghanistan có nhiều gian lận – Tổ chức Free and Fair Election Foundation (Quỹ Bầu Cử Tự Do và Công Bình) của Afghanistan cho biết cuộc bầu cử có nhiều gian lận như nhét phiếu gian vào thùng phiếu, cử tri thất học được bảo phải bỏ phiếu cho ai, các viên chức bầu cử thiên vị… Trong khi đó, Taliban ở Afghanistan cũng bầu lãnh đạo mới, Hakimullah Mehsud, thân cận của nguyên thủ lãnh Baitullah Mehsud. Chính phủ Pakistan và Mỹ cho biết Mehsud đã bị quân Mỹ đánh bom bằng máy bay không người lái chết hồi đầu tháng 8, tuy nhiên Taliban thông tin là Mehsud vẫn còn sống và bị ốm nặng.

“Giám đốc vui chơi” 6 tuổi của Viện Bảo Tàng Hỏa Xa Quốc Gia ở York, Anh quốc – Giám đốc bảo tàng về hưu, bảo tàng đăng quảng cáo tìm người. Bố mẹ em Sam Pointon 6 tuối nói đùa là em nên xin việc đó vì em rất mê xe lửa. Em góp đơn xin việc. Viện bảo tàng thích quá, mời em vào và tặng em chức “Giám Đốc Vui Chơi” (Director of fun). Được báo chí hỏi em có kinh nghiệm gì để được chức đó, em trả lới, “Tôi có cả đống xe lửa ở nhà.” Em tưởng là được chức giám đốc thì khỏi phải đi học nữa, bố mẹ phải cho biết là giám đốc vẫn phải đi học.
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

Không lo thiếu chất khi ăn chay – Ngày nay ăn chay không còn giới hạn trong khái niệm tâm linh, người ta ăn chay vì sức khỏe và vì môi trường sống. Các bác sĩ cũng khẳng định rằng tất cả các chất dinh dưỡng đều có trong thực vật. Vì thế mọi người không phải lo thiếu chất khi ăn chay, điều quan trọng là chúng ta phải biết cách phối hợp và chế biến thực phẩm chay thế nào cho đúng.

Khắc tinh của rắn độc – Người bị rắn độc như cặp nong, cặp nia, hổ mang bành… cắn dù nặng đến mấy, nhưng còn hơi thở là ông cứu được. 20 năm trong nghề, ông đã cứu chữa cho trên 300 người thoát khỏi tử thần.

“Vua rau quả” Việt Nam – Ông Nguyễn Mân nay đã 72 tuổi, là một trong những người đầu tiên có công đưa giống hành tây vỏ tím ruột tím, giống tỏi Đài Loan củ to, khoai tây Hà Lan ruột vàng… cùng một số giống rau-củ-quả khác đến trồng đại trà và nhân giống rộng rãi trên nhiều vùng đất VN từ gần 50 năm trước.

Ngày 22-8, đội tuyển Robocon VN đã giành giải ba tại cuộc thi Robocon châu Á – Thái Bình Dương năm 2009 do Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) tổ chức tại thủ đô Tokyo – Nhật Bản.

Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Mobifone Cup 2009: Tuyển VN đăng quang – Hơn 3.000 khán giả đến nhà thi đấu Buôn Ma Thuột ngày 22-8 đã có một buổi tối mãn nhãn khi chứng kiến các cô gái đội tuyển VN vượt qua Tecnokom (Ukraine) với tỉ số 3-0, để lần thứ hai bước lên ngôi vô địch của giải.

VN giành 7 huy chương cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế – Trong cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 5 tại VN vừa kết thúc, ban giám khảo đã chọn 42 tác phẩm của 227 tác giả để trưng bày triển lãm, trong đó, có 32 tác phẩm của 32 tác giả từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ được trao giải thưởng, gồm: 2 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ và 20 bằng danh dự. Tác giả Ngô Viết Ngọc của VN giành HCV trị giá 1.000 USD với tác phẩm Mùa lũ.

Học bổng “Gần lại với biên cương” – Dành cho 300 học sinh phổ thông và trung học chuyên nghiệp là con em chiến sĩ biên phòng bảy tỉnh biên giới phía Bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

Ngôi trường ‘xóa’ học sinh hư – Hai năm học liên tiếp gần đây trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên) không có em nào bị liệt vào diện học sinh hư hoặc bị kỷ luật.

Vào đại học từ mảnh giấy ráp của mẹ – Bố mất sớm, ngoài công việc đồng áng, mẹ phải làm thêm nghề đánh giấy ráp để nuôi các con ăn học. Không phụ công mẹ, Nguyễn Ngọc Tuyên đỗ ĐH Kinh tế Quốc dân với 29 điểm.

Những chiến công thầm lặng – Kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Kỹ thuật hình sự CAND (23.8.1957 – 23.8.2009).

Triển lãm tranh về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Khởi động cuộc thi “Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt 2009”

Quảng Ngãi: trên 400 thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Hoành tráng với “O Fortuna” (Carmina Burana – Carl Orff)

Chào các bạn,

Rất vui được gặp lại các bạn trong chuyên mục Nhạc Xanh sau một thời gian dài mình biệt tăm biệt tích vì công việc. Hy vọng là các bạn vẫn còn nhớ mình! Hehehe…

À, gần đây trên báo chí đưa nhiều thông tin về chương trình “Giai Điệu Mùa Thu 2009”, được diễn ra trong 3 đêm: 19/8, 20/8 và 21/8. Không biết có bạn nào đã đi xem rồi không nhỉ? Mình thì rất quan tâm đến chương trình này, nên vừa rồi cũng quyết tâm mua vé để xem (dù giá vé không rẻ tí nào do mình mua hơi trễ….hic hic…).

(“Giai Điệu Mùa Thu” là một chương trình do Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. HCM thiết kể và tổ chức hàng năm vào mùa thu tháng 8. Đây là một chương trình tập hợp nhiều nghệ sĩ trẻ trong nghệ thuật hàn lâm của cả nước và cả bạn bè quốc tế. Giai Điệu Mùa Thu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, và đến năm 2009 đã sang lần thứ 5 liên tiếp)

Và, đúng là “Tiền nào của nấy”, buổi biểu diễn ngày 21/8 của “Giai Điệu Mùa Thu 2009” thật ấn tượng và tuyệt vời, đặc biệt là phần hợp xướng tác phẩm “Carmina Burana” (Carl Orff) rất hoành tráng với khúc dạo đầu, cũng như kết thúc có tên gọi “O Fortuna” mà mình giới thiệu ngay sau đây với các bạn trong phần Nhạc Xanh ngày hôm nay.

Carl-orff1) Carmina Burana: tập hợp các bài thơ thời trung cổ, tiếng Latinh được viết vào thế kỷ thứ 13 nhằm phản ánh cuộc sống muôn mặt của con người thời đó. Một số bài rất vui nhộn, trẻ trung, một số bài lại ưu phiền, sâu lắng và một số bài pha chút thô kệch, mạnh mẽ nhưng mang tính nhân bản sâu sắc. Năm 1935 – 1936, nhà soạn nhạc tài ba người Đức Carl Orff đã sử dụng lời của những bài thơ ca này để viết thành một tác phẩm hợp xướng (gồm 25 chương, dài 70 phút) cực kỳ hoành tráng và đồ sộ. Đây là một trong những tác phẩm được hâm mộ nhất và trình diễn nhiều nhất trên thế giới trong thế kỷ 20.

Fortuna_Wheel

2) “O Fortuna”: là một bài thơ trong tập thơ Carmina Burana. Fortuna là tên của nữ thần số phận trong thần thoại La Mã. “O Fortuna” là bước chuyển biến lớn nhất trong tác phẩm “Carmina Burana” của Carl Orff. Phần nhạc của bài thơ này đã trở nên hết sức nổi tiếng và được rất nhiều dàn hợp xướng biểu diễn. Tác phẩm này đã được sử dụng rất nhiều trong các bộ phim nổi tiếng như: Lord of The Rings, Star Wars, 300 …cũng như các chương trình truyền hình trên khắp thế giới.
.

.

(Theo wikipedia)

O Fortuna (Chorus) Tiếng Anh

O Fortuna
velut luna
statu variabilis,
semper crescis
aut decrescis;
vita detestabilis
nunc obdurat
et tunc curat
ludo mentis aciem,
egestatem,
potestatem
dissolvit ut glaciem.

Sors immanis
et inanis,
rota tu volubilis,
status malus,
vana salus
semper dissolubilis,
obumbrata
et velata
michi quoque niteris;
nunc per ludum
dorsum nudum
fero tui sceleris.

Sors salutis
et virtutis
michi nunc contraria,
est affectus
et defectus
semper in angaria.
Hac in hora
sine mora
corde pulsum tangite;
quod per sortem
sternit fortem,
mecum omnes plangite!

O Fortune,
like the moon
you are constantly changing,
ever waxing
and waning;
hateful life
first oppresses
and then soothes
as fancy takes it;
poverty
and power
it melts them like ice.

Fate – monstrous
and empty,
you whirling wheel,
you are malevolent,
well-being is vain
and always fades to nothing,
shadowed
and veiled
you plague me too;
now through the game
I bring my bare back
to your villainy.

Fate is against me
in health
and virtue,
driven on
and weighted down,
always enslaved.
So at this hour
without delay
pluck the vibrating strings;
since Fate
strikes down the strong man,
everyone weep with me!

Và, ngay sau đây là 4 video clip “O Fortuna”. Mời các bạn thưởng thức và chúc các bạn một tuần làm việc thật hiệu quả.

Loan Subaru

1) Video clip do dàn hợp xướng Vienna Boys Choir biểu diễn.

2) Video clip “O Fortuna”, André Rieu

3) Video clip bài hát trong film “300”

4) Video clip remix (from”Excalibur”)

Hoa Blang (Sử thi Dam San)

Viết lại chuyện tình chàng Dam san
Hoa Blang

Dam San bỏ mặc khách cầu hôn ngồi chật nhà cho chị em H’Âng, H’Lí tiếp. Chàng cuốn gọn mớ tóc dài trong chiếc khăn bịt đầu đỏ chói của tù trưởng, gỡ chiếc xagac treo trên vách, nhảy qua cửa sổ buông mình xuống giữa lưng ngựa, phóng đi không hề ngoảnh lại.

galloping

Bước chân ngựa vẫn như hàng ngày nhanh hơn cơn gió. Thân hình Dam San vẫn dẻo như nõn mây. Nhưng dường như hôm nay tai chàng không nghe được tiếng động nào, ngoài tiếng nói cứ nhắc đi nhắc lại trong đầu :

– Phải đến ngay nhà H’Bia Điết Klứt (*).

Tiếng con chim tao vao vắt vẻo trên cột gỗ ở cổng đầu buôn, chao chác gọi bạn tình chẳng lọt lỗ tai chàng. Cơn gió ù ào luồn qua rừng khộp, đùa giỡn tung những chiếc lá đỏ tơi tả bay đầy trời, không khiến mắt Dam San chú ý. Thúc ngựa lội ào qua suối, nước ngập tới ức ngựa , ướt cả đuôi khố, chàng không hay.

– Không! Không Không thể lấy H’Nhi, H’Bhi làm vợ. Dù cho hai nàng có đẹp, có giàu. Ta đã thuộc về H’Bia Điết Klứt.

Tiếng lách cách của khung dệt báo Dam San biết người yêu đang dệt vải. Vịn tay đầu sàn, chàng ghé nhìn qua khung cửa. H’Bia bên cửa sổ vẫn đang vừa luồn chỉ vừa hát:

Dệt tấm khố em mong anh về
Trao tấm áo để đón anh về
Mẹ bảo em rằng anh sẽ về
Mai mốt anh về như chim có bầy
(**)

Nàng dệt đã sắp xong tấm khố để tặng chàng. Bên cạnh lại còn bày cả tấm chăn apăn lẫn chiếc áo tù trưởng knuky có hàng nút vàng và hàng dây đỏ rực như chim mlang đang giang cánh trước ngực, đã dệt xong. Nhìn những trang phục đó, nàng giục mình phải xe chỉ, luồn sợi nhanh tay hơn nữa, bởi đó chính là một phần những lễ vật nàng sẽ đem sang nhà để cưới chàng về làm chồng.

Dam San nắm lấy đôi bầu vú gỗ nơi đầu thang, đu thẳng người lên sàn. Bước nhảy mạnh mẽ của chàng dũng sĩ khiến cả căn nhà sàn dài rung rinh.H’Bia dừng tay dệt ngó ra cửa, nói dỗi :

-Dam San ! Mấy lần con gà lên ổ rồi em không thấy chàng. Hay Dam San để con diều mổ, con quạ tha em đi rồi mới tới đây chăng?

– H’Bia ơi ! Em mắng anh sao như nước sôi trên lửa vậy? Mai này cơm ai người đó ăn, rượu ai người đó uống.Em có còn được chờ, được mắng anh nữa không đây?

– Sao vậy Dam San ?

Bước tới sau lưng người yêu, Dam San cởi hộ nàng sợi dây buộc khung dệt, vén mớ tóc dài xõa đầy trên sàn, đỡ H’ Bia đứng dậy :

– Cột một ché rượu hai người uống đủ đi em. Ta uống với nhau một lần cho say, quên cả đường về, quên cả những gì đang chờ ở nhà anh kia nữa nhé.

Cảm thấy có điều gì xẩy ra, H’Bia lặng lẽ bới gọn mớ tóc rồi đi tới góc nhà phía Đông nơi mẹ ủ rượu, chọn lấy một ché ngon. Dam San với tay lên xà nhà, lấy cây cột gơng chống xuống sàn, chàng phụ H’Bia bưng tới, cột ché rượu cho chắc.Trong lúc H’Bia lui cui múc nước và soi lại cho thông cái cần hút, Dam San nhanh chóng đem về một ôm lá chuối khô, xoay tròn ấn vào ché. Họ lặng thinh làm, không nói gì với nhau, cũng không gọi tôi tớ.

Hai người ngồi bên nhau, tay cùng đặt lên cần rượu, chân đạp lên chân, mắt nhìn trong mắt. Nếu có hai chiếc cần, thày cúng, cái rìu và đôi vòng đồng nữa, thì đã thành lễ cưới của họ rồi. Mặt ché đầy nước sóng sánh như ánh mắt H’ Bia đắm đuối nhìn người yêu. Đam San dịu dàng nâng cần rượu đặt lên môi nàng :

– Uống đi H’Bia . Cho Dam San được tiếp em uống rượu lần sau chót. Rượu có đắng ta cũng coi là rượu ngọt mà uống cùng nhau.

Đôi mắt H’Bia mở to, lóng lánh như cặp mắt con mang nhỏ Dam San bẫy được mà không nỡ giết, lại chữa vết thương rồi giữ cho nó quen đùa với hai người mỗi lần đi thăm rẫy.

– Có việc gì Dam San ? Chị em nhà anh không cho hai đứa mình thương nhau sao?

– Không phải đâu H’ Bia. Chỉ là H’Nhi và H’Bhí cho các anh trai đem lời ông nội đến nhà. Đã đến lúc theo luật tục nối dây, anh phải về nhà hai nàng đó làm người đổi trâu bò lấy ching ché, lấy voi. Ngồi trên chiếu hoa làm sang cho nhà họ.

– Còn em sao Dam San ?

– Ờ, H’Bia ở đầy trong đầu, trong mắt, trong ngực Dam San đây nè. Nhưng bao đời nay, em có thấy ai cãi lời luật tục không? Việc này đã được ông Y Kla của anh dặn dò từ khi ông còn phải cõng H’Bhi trên lưng, bế Dam San bên vế trái, ôm H’ Nhi một bên vế phải, cách nay mười lăm mùa rẫy rồi đó em.

– H’Bia không chịu đâu Dam San. Mình thương nhau đã hai lần hoa tăng bi gửi hương cho gió rồi. Nhà em cũng danh giá, giàu sang đâu có kém gì H’ Nhi, H’Bhí? Dòng họ Êban cũng được quyền cưới họ Niê Kdam chứ.

– Nhưng còn sợi dây nối nòi , làm sao dứt đứt được ?

H’ Bia tựa đầu lên vai Dam San. Mái tóc dài thơm ngát của nàng xổ tung, quấn quýt lên cổ, lên vai, lên tấm lưng trần của chàng Dam San. Họ khép mắt im lặng ngồi bên nhau…..H’Bia đi trước trên con đường rừng vắng, hai bên dày đặc những bông hoa mnga phí vàng óng giữa đám lá xanh mướt.Đôi gót chân đỏ như bôi đất non của nàng bước tung tăng trong tiếng đinh năm dìu dặt. Tiếng kèn như nâng bước chân và tiếng hát H’ Bia.

Lược ngà anh dắt mái tóc xoăn
Để em mơ đêm thương ngày nhớ
Chiếc chiếu em một bên mốc dở
Bởi không có người nằm kề bên

Ơ anh…(***)

Dam San cũng say trong nhịp điệu của câu hát ai rei. Người chàng lắc lư, đôi chân và cả thân mình nhấc lên, nhún xuống, tua khố tung bay.Những con chim kơtia mỏ đỏ, chim nhông mỏ vàng kéo hàng đàn ríu rít sà xuống theo hai người. Góc rừng anh công kiêu hãnh xòe hết chiếc đuôi lóng lánh những hình mặt trời xanh, khoe mẽ với nàng công đang yểu điệu rón rén từng bước. Tiếng suối róc rách ngân nga đâu đây trong bài ca bất tận của núi rừng và tình yêu. Từng chùm hoa xoài trắng đung đưa trong nắng…Dam San ngửa mặt gọi thần mặt trời :

– Ông ơi, thả cho cháu cái thang.

Chiếc thang vàng óng kéo lên. Ông Gỗn cười ha hả hỏi Dam San :

– Hai vợ cháu đang đi đón đó, sao chưa về đi. Từ nay đừng làm con mang, con hoẵng lang thang trong rừng nữa nghe. Phải làm cây cột cái trong nhà chớ.

– Nhưng cháu thương H’ Bia Điết Klứt ông à. Nàng cũng ưng cưới cháu nữa. Chúng cháu muốn ăn cơm một mâm, ngủ chung một chiếu, hút cùng một ống điếu. Sao bắt cháu nối dây với H’ Nhi, H’Bhí? Cháu đâu có ưng hai nàng đó.

– Sợi dây ràng buộc dòng họ Niê với Mlô đã có từ ngàn xưa ông bà rồi.Bà H’Klu chết, họ Mlô phải đem H’ Nhí cho ông Y Kla. Bây giờ đến lượt cháu phải thay ông nội làm chồng H’Nhi, H’bhí. Niê với Mlô kết đôi, của cải mãi mãi sinh sôi, buôn làng đời đời no ấm. Dam San ưng làm tù trưởng hay làm tôi tớ giữ bò, giữ ngựa cho H’ Nhí?

– Có đúng cháu lấy hai nàng đó sẽ thành tù trưởng hùng mạnh, giàu có nhất vùng không?

– Ông Gỗn sao nói sai lời với cháu ?

Hai người mở bừng mắt. Họ vẫn ngồi bên nhau mà thiếp đi, mỗi người một giấc mơ. Chiếc cần rượu bị bỏ quên không ai uống, chảy tong tong xuống sàn, loang ướt cả vạt gỗ.

Dam San quấn mái tóc thơm của H’ Bia quanh cổ như tấm khăn.Hai tay chàng nâng khuôn mặt người yêu. H’ Bia nhắm mắt, dòng lệ trong veo lăn trên đôi má mịn màng. Dam San ghé môi nhấp cạn giọt lệ của người thương. Mắt chàng không rời khuôn mặt nàng, cố khắc ghi những nét yêu thương mai này không còn được ngó thấy…Này hàng mi dài, H’ Bia ưng ghé sát má chàng rồi chơm chớp, thích thú thấy chàng bị nhột.Cặp môi xinh, hàng răng trắng đều như bắp nếp, không còn được gửi cho chàng những nụ cười hoa nở nữa.Khắp bao bến nước, không có cô gái nào có suối tóc dài thơm ngát như H’Bia. Hương tóc ngọt ngào này chàng sẽ không bao giờ được úp mặt vào hít thở. Không còn nữa lời đinh năm buổi sáng, câu hát với đàn goong những đêm trăng xanh.Im lặng úp mặt trong tóc, họ ôm riết lấy nhau, bện trong nhau như con trăn quấn mồi, như đôi sam bơi trong biển. Nhà sàn rung rinh, bay, bay, bồng bềnh trôi trong gió, mỗi lúc mỗi dào dạt. Đóa hoa mây khổng lồ trắng muốt, sà xuống phủ kín căn nhà, bao bọc, ấp ủ, chở che. Đất trời, rừng suối, chòng chành trên con thuyền căng buồm lướt sóng…

Dam San cuốn lại tóc cho H’ Bia, thủ thỉ :

– Lúc nào nghe chiêng trống thì đến nhà anh nhé.

Đôi tay họ xoắn lại, níu lấy nhau không muốn rời ra. Dam San đi lui tới tận đầu thang nhà sàn. H’ Bia thổn thức tựa cửa nhìn ngựa của chàng mỗi lúc mỗi xa. Có gì sáng lên trong đầu, nàng quay lại thét gọi tôi tớ :

– Các con ! Chuẩn bị lễ vật ! Lấy váy áo đẹp cho ta. Đóng bành voi, đi tới nhà Dam San ngay.
voi_tay_nguyen
Nàng ướm lên người chiếc váy đen lánh như cánh bướm đêm. Thấy chưa ưng lại thử tấm váy vàng rực như tia nắng mặt trời. Cuối cùng nàng lựa chiếc váy sáng nhóng nhánh như ánh trăng xanh, mặc với chiếc áo ngắn thêu hoa và chim rực rỡ. Từ hai bông hoa đỏ trên vai, thả xuống những sợi chỉ bím dài, khiến mỗi bước nàng đi thêm mềm mại. Một góc vạt váy buông lơi bên hông, càng tăng cho nàng vẻ duyên dáng. Tôi tớ đã kịp chuẩn bị xong lễ vật, voi đã đóng bành phủ tấm mền thổ cẩm đỏ đen rực rỡ, ghé lại bên sàn. H’ Bia ra lệnh nài thẳng hướng nhà Dam San giục bước chân voi.

Con đường trôi giữa hai bờ cỏ lau khô lút đầu. Mỗi lần làn gió xào xạc chạy qua, cỏ lau dịu dàng nhường nhịn nằm rạp xuống, rồi lại kiêu hãnh ngóc dậy. H’ Bia quyết đến giành lại người yêu trong tay H’Nhi và H’Bhí, cho dù có phải chống lại luật tục muôn đời.

Dam San bước lên cầu thang nhà sàn phía sau, kịp nghe tiếng Y Đ’hinh, anh của H’ Nhí lớn giọng :

– Anh Dam San đâu. Tôi muốn hỏi một lời thôi : gia đình ta có còn nhớ luật lệ ông bà, có nhớ lời dặn của ông nội Y Kla không?

Chàng chậm rãi bước tới, khoanh chân ngồi trên chiếc đệm tù trưởng phủ vải thổ cẩm ngay giữa nhà, xếp lại mép khố cho ngay ngắn. Đôi tay đặt trên đùi, đầu ngước cao. Đuôi chiếc khăn buộc đầu cũng ngẩng lên thách thức. Mọi người chợt im bặt. Chưa ai kịp nói lời nào thì một đàn voi xịch tới bên sàn. H’ Nhi, H’Bhí yểu điệu bước xuống dưới bàn tay dìu đỡ của anh Y Linh. Chị H’Âng tíu tít chạy ra đón khách. Chưa kịp mở lời mời ngồi, lại một đàn voi khác rầm rập quỳ gối ghé hiên nhà, H’ Bia mạnh mẽ bước xuống, khoanh tay đứng chờ nơi đầu sàn. H’LÍ lật đật thay chị chạy ra ríu rít mời mọc :

– Mừng chị H’ Bia tới chơi. Nhà chúng tôi bữa nay được đón toàn khách giàu khách quý. Các chị có tới nhầm nhà không đấy ?

– Không nhầm đâu ! Tôi tới hỏi anh Dam San về làm chồng đây. Các con ! Bưng đồ lễ lên.

Tiếng H’ bia lanh lảnh. Mọi người chưa kịp ngồi ấm chỗ đã nhấp nhổm đứng dậy. Đam San lặng người đăm đắm nhìn H’ Bia.Nàng đã công khai gây chiến rồi. Bụng chàng bên thương bên lo. Thương nàng dám một mình đương đầu với dòng họ Mlô danh giá, đưa ngay lễ cưới xin đón chàng, chứ không phải lễ hỏi. Nửa lo H’ Bia làm sao bẻ gãy được luật tục và miệng lưỡi của cả cộng đồng.

Đoàn tôi tớ nhà H’ Bia đứng chật đầu sàn. Nàng thủng thẳng bước đi trước mắt mọi người. Vẻ đẹp rực rỡ và ánh mắt cương quyết của H’ Bia khiến những kẻ rắp tâm muốn làm trò xấu cũng phải rẽ qua, kính nể nhường bước. Nàng ý tứ đứng lui sang phần đing ok dành cho phái nữ, khẽ gật đầu. Tên nô lệ đi đầu quỳ xuống dâng lên cho chị H’ Âng chiếc mâm đồng đựng đủ bảy món lễ vật : tấm mền, chiếc áo, khố, túi đeo, bát đồng và hai chiếc vòng. Sáu nô lệ tiếp theo đặt xuống ba chiếc ché tuk cao ngang ngực người rồi cúi đầu lui ra. Hai người khác khiêng một bộ ching Lao đặt xuống. Chắc chắn trâu bò heo còn đứng chật cả ngoài sân.

Y Đ’Hinh nãy giờ ngồi trầm ngâm, bỗng thẳng lưng lên, nghiêm giọng hỏi H’ Bia :

– H’ Bia Điết Klứt ! Con gái tù trưởng sao không theo đúng lệ của ông bà? Đi hỏi chồng sao không có cậu dăm dei, lại chưa nộp lễ hỏi đã trao lễ vật xin cưới?

– Ta không cần dăm dei. Nữ tù trưởng được quyền tự ý bắt chồng. Nhà ta bên đó với chị em Dam San bên này đều đã biết hai ta ưng nhau đằng mặt, thương nhau đằng lòng. Đó là xong lễ hỏi, nay ta xin rước chàng là đúng chớ. Y Đ’hinh không bẻ được lý phải của ta như bẻ trái bắp đâu.

Y Đ’hinh gập gãy cành củi đang cầm trên tay kêu cái rắc, cao giọng hơn :

– H’ Bia có biết Dam San được nối dây cho H’Nhi, H’Bhí từ mười lăm mùa rẫy trước rồi không?

– Ta biết! Nhưng luật tục đâu có ép nếu chàng không ưng. Dam San thương cái đẹp của ta, mến cái tình của ta. Luật tục có cấm Ê Ban với Niê Kdăm kết đôi không?

Y Đ’hinh vươn thẳng người lên dõng dạc :

– Không nói nhiều ! Tôi chỉ hỏi chị H’ Âng và anh Dam San : dòng họ Niê Kdam có còn giữ lề lối luật tục Radeh không? Có chịu kết đôi cùng em gái chúng tôi theo như lời ông nội Y Kla đã dặn không?

Trời đất bỗng dưng tối sầm, ngả nghiêng, sấm sét ầm ầm nổi lên từ bốn phía. Gió cuốn đất đá, cỏ cây bay mù mịt. Voi ngựa, trâu bò, heo ngoài sân gầm rống. Lũ con nít thét lên túm lấy váy mẹ. Tiếng ông Y Kla oang oang át cả tiếng sấm rền :

– Nếu Dam San và H’ Nhí, H’Bhí lấy nhau, họ sẽ thành tù trưởng hùng mạnh, giàu có nhất vùng. Ai làm ngược lại sẽ phải chịu thành nô lệ giữ trâu bò, giữ ngựa cho người kia. Ô hô…ô hô…
taynguyen3
Yang sét thu búa về. Yang gió đẩy mây bay đi, trời lại xanh bao la, yên tĩnh. H’ Âng nhìn Dam San. H’Nhi, H’Bhí nhìn Dam San. Mọi người cùng nhìn Dam San. Như không có H’ Nhi, H’Bhí, như không còn có ai tồn tại, chỉ có ánh mắt Dam San và H’ Bia lặn trong nhau, gài vô nhau đau đớn. Đôi tay khỏe mạnh của Dam San nhắc lên như muốn đưa ra níu lấy, nhưng rồi lại nặng nề rơi xuống đùi. Thân hình xinh đẹp của H’ Bia thẳng căng đổ về phía trước như muốn lao tới với Dam San. Nhưng nàng vẫn bất động. Dường như sức nặng của luật tục ngàn đời đang đè lên hàng trăm con người trong căn nhà sàn dài mênh mông này.

H’ Ấng khe khẽ nén tiếng thở dài vô trong lồng ngực, từ từ đứng thẳng người dậy :

– Con cháu dòng họ Niê chưa bao giờ làm trái lời luật lệ ông bà. Chúng tôi thuận cho Dam San về làm chồng H’ Nhi, H’Bhí.

Tắt, tắt, tắt…chiêng mừng vang lên mỗi lúc một dồn dập. Char (***) ơi! Đem nỗi đau này của Dam San tới tận vực Srêpôk sâu thẳm, cho cả bày cá sấu ở dưới đáy sông Krông Nô kia thôi hững hờ, nổi lên đây cùng chia xẻ. Liang (***) ơi, hãy đem tình yêu của H’ Bia rải khắp chín tầng trời, bảy tầng đất. Cho những con chim có đôi, con người có bạn, cả những nàng tiên thanh thản suốt đời trên bầu trời bao la kia, cảm nỗi đớn đau của tình yêu bị cắt rời….

H’Nhi, H’Bhi và Dam San đã ngồi trên những chiếc bành có lọng che, bầy voi đã hươ vòi từ biệt và cất bước. Ngựa của anh em Y Đ’Hinh, Y Linh đã phóng nhanh như bay đi trước báo tin. Dam San ngoái lại nhìn H’Bia đơn độc đứng chênh vênh nơi mép sàn, dõi theo bước chân voi. Chàng càng đi xa, hình dáng nàng càng lớn lên , cao lên, tạc sâu vào nền trời xanh như ngọc. Rồi tất cả nhòa đi, chỉ còn một thân cây cao lớn sừng sững vươn những cánh tay dài lên bầu trời thăm thẳm cao, xa vời vợi. Những người đàn bà gọi đó là cây blang. Cây blang có hoa đỏ mùa hè, kết thành bông trắng mùa đông. Cánh đỏ như máu của hoa chính là từng mảnh trái tim đầy yêu thương đã tan nát của nàng H’ Bia. Gió đông tách những chùm bông trắng xóa, mang theo tình yêu của H’ bia theo Dam San tới tận cuối đất cùng trời. Các cô gái Radeh nhặt bông ấy xe chỉ, nhuộm nước lá rừng, dệt những tấm chăn, đắp ấm mọi lứa đôi yêu nhau.
_______________

(*) H’Bia Điết Klứt : là một nữ tù trưởng , người yêu của Dam San, mà theo luật tục, chàng buộc phải bỏ để cưới hai nàng H’Nhi & H’Bhí ( Theo sử thi Dam San)
(**) Dân ca Êđê
(***) tên các chiêng trong dàn

Linh Nga

Nghiên cứu xã hội

social-graph
Chào các bạn,

Cám ơn các bạn đã hăng hái tham dự các cuộc nghiên cứu xã hội trên ĐCN.

Tuần rồi chúng ta có câu hỏi: “Bạn nghĩ là dân Việt Nam bảo thủ hay cấp tiến.” Tuần này chúng ta thay đổi một từ, thành câu hỏi này:

“Bạn nghĩ là nhà nước Việt Nam bảo thủ hay cấp tiến?”

Các bạn hãy rủ nhau vào trả lời, càng đông càng chính xác nhé. Trả lời bên cột trái của trang ĐCN.

Chúc các bạn một ngày vui!

English Discussion–Say “I love you for…” how long?

Hi everyone,
true_love
When we’re in love, we say, “I love you forever, I love you till eternity…” like the BFF sign that everyone has been translating in the friendship songs.

But chị Đông Vy and anh Phạm Công Luận say today “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!”

Hah! What do you say to that?

Imagine, you tell your girl/boy friend: “I love you,” and s/he asks, “Forever?”

How do you answer that? “Uhm… Not sure, can’t tell what may happen tomorrow” ?

Good luck saying bye-bye!

So, what do you say about all this?

Have fun 🙂

Hoanh

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!

Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ đã nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt vắt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý.
true_love
Trang thứ nhất:
Tôi sung sướng và tự do
Như ánh sáng
Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi.

Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:
Anh ấy đã không nói thêm
rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…

Khi đọc bài thơ này cách nay hai mươi năm, tôi đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ. Bây giờ, cuộc sống đã giúp tôi nhìn khác đi về bài thơ trên trang giấy cũ này.

Cô gái trong thơ nhạy cảm và tinh tế, vì đã không đợi đến khi người mình yêu quay lưng mới xót xa nhận ra rằng tự do “như ánh sáng” chỉ là một thứ tự do mong manh. Hạnh phúc “như ánh sáng” là một hạnh phúc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Nhưng giả sử chàng trai có nói thêm rằng “sẽ yêu mãi mãi”, hoặc có thề hứa trăm năm đi nữa… ai dám khẳng định trái tim chàng sẽ không đổi thay? Nếu từng đọc Ruồi Trâu, hẳn bạn còn nhớ đọan văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi.”

Ngoài sự “thiết tha tự nguyện” đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thể buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sâu đậm, những kỷ niệm sâu sắc đắm say. Càng không phải là sự yếu đuối, sự khéo léo sắc sảo hay vẻ thông minh dịu dàng, sự giàu có hay thương hại…Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc…nhưng không thể níu kéo một trái tim.

Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.

Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.

Nhưng, bất cứ ai cũng có thể có lúc đổi thay.
lovesign
Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta vô cùng yêu quý, chắc chắn khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: “Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?” Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.”

Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Sự thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thể yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.

Tôi đọc lại lần nữa bài thơ ngắn ngủi trên tờ thư cũ, và cảm nhận một cách rõ rệt vẻ trách móc đắng cay dịu dàng rất đỗi con gái. Nhưng ít nhất cô gái trong bài thơ kia cũng biết rằng người yêu cô đã rất thành thật, khi không hứa một điều mà anh không tin chắc. Cô cũng biết trái tim con người là một tạo vật hoàn toàn tự do, và một khoảnh khắc đắm say hạnh phúc không hề là lời hứa hẹn vĩnh cửu.

Cô bạn yêu quý của tôi chắc cũng nhận ra điều đó, nên đã viết thêm một dòng chữ xinh xinh vào cuối trang thư, một dòng ngắn mà tôi không bao giờ quên được:

“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”.

Đông Vy & Phạm Công Luận

Ai cũng độc đáo

“Ai cũng tài năng, độc đáo và có điều gì đó quan trọng để nói”

Chị Brenda Ueland, tác giả của cuốn sách nổi tiếng về nghệ thuật viết lách “If you want to write” rút ra được điều này qua nhiều lớp học viết chị dạy.

Bạn là ai? Thương gia hay ăn mày? Giáo sư đại học hay chị bồi bàn? Ca sĩ điện ảnh hay phụ nữ nội trợ?
unique1
Không ngoại trừ, “Ai cũng tài năng, độc đáo và có điều gì đó quan trọng để nói”.

Để bạn yên tâm, có lẽ những người bạn nghi ngờ là “không có tài năng” lại viết rất dễ dàng, nhanh, xì tin và thoải mái, hay đọc cuốn sách 500 trang vèo 1 tuần là xong 🙂

Có lẽ, nếu cho họ vào một lớp học nghiêm chỉnh, họ sẽ bỏ cuộc vì khó? Có lẽ, nếu hỏi ý kiến của họ về chủ đề gì, ta sẽ nhận được thật nhiều @#&:-) $ -P 🙂

Nhưng họ, cũng có đầy tài năng chôn vùi ở dưới. Cũng như họ không phá vỡ được lớp vỏ xì tin và hời hợt, hầu hết mọi người không đập vụn được lớp vỏ nghiêm xì trọng và căng thắng 🙂

Ai cũng tài năng, tại sao vậy?

Mọi người đều tài năng bởi ai là con người cũng có điều gì để bày tỏ ra ngoài. Thử không bày tỏ gì trong vòng 24 tiếng đồng hồ xem, bạn chắc sẽ vỡ tung. Bạn sẽ muốn viết thư, nói chuyện, vẽ tranh, hát hay làm vườn. Những người mộ đạo thường đi vào rừng tu ẩn trong yên lặng, nhưng để họ có thể nói chuyện với Thượng Đế.

Nhưng tất cả đều bày tỏ điều gì đó. Ai cũng có những suy tư  cuộn dâng lên trong lòng và những ý nghĩ đó sẽ đi ra ngoài, vào tĩnh lặng hay tới một ai đó.

Ai cũng độc đáo!!

Bạn độc đáo, nếu bạn nói sự thật, nếu bạn nói từ chính bạn. Nhưng sự thật đó phải từ cái tôi thật của bạn, chứ không phải cái “tôi” bạn nghĩ bạn sẽ là. Chẳng ai trên đời này có thể giống nhau được, do đó, nếu bạn viết hay nói từ chính bạn, bạn sẽ không thể nào mà không độc đáo cho được. 🙂

Vậy ở đây chúng ta có hai điều: bạn tài năng và độc đáo. Chắc chắn như vậy nhé. Bởi vì tin cậy nơi bản thân là một trong những điều quan trọng nhất trong viết và sáng tạo.

Ở “ cái tôi thật” đó, mỗi người có năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng tuyệt vời muốn bộc lộ ra ngoài để chia sẻ với những người khác.

Nhưng “ Cái tôi thật” dịu dàng và nhạy cảm này, “cái tôi thật” nhìn thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của bông hoa và sự mơn trớn dịu dàng của ngọn gió nhẹ bị tiêu đi khá sớm trong cuộc đời con người bởi những lời chỉ trích (hay còn gọi là những lời chỉ trích có ích).

Những lời trêu nghẹo, chế giễu, giáo viên khắt khe, nhà phê bình và những người không dịu dàng quên rằng là, con chữ đem đến chết chóc nhưng tinh thần của bức tranh đem đến sự sống.

Các bạn biết đấy, bọn trẻ chơi đùa ngoài phố với năng lượng khủng khiếp, chúng la hét ầm ĩ, hát thật to, tạo ra những bộ đồ hóa trang sặc sỡ, nhảy múa và nghĩ ra đủ trò. Chúng in vé ra để bán và tự chúng làm quảng cáo. Chúng làm tất cả.
unique-2
Với một năng lượng khủng khiếp trong niềm vui sướng vô tận. Chúng không biết mệt là gì.

Nhưng tưởng tượng xem nhé? Nếu chúng cũng tốn từng đấy năng lượng cho bài vở ở trường, chắc chúng chết mất. Nếu chúng ta cũng tốn khối năng lượng như vậy cho việc ở sở, chắc ta cũng tiêu tùng luôn 🙂

Nhưng thực tế là, thứ năng lượng vui sướng đầy trí tưởng tượng và sáng tạo này chết đi trong chúng ta từ rất sớm.

Tại sao vậy?

Bởi ta không thấy thứ năng lượng sáng tạo đó vĩ đại và quan trọng. Bời vì chúng ta để cho những quy luật khô không khốc ép buộc ta. Bởi ta không kính trọng thứ năng lượng đó trong chúng ta và để nó sống động bằng cách dùng nó. Và bởi ta không giữ thứ năng lượng đó sống động trong những người khác bằng cách lắng nghe họ.

Nghĩ về điều đó mà xem, cách duy nhất để yêu một người không phải là, như chăm sóc người bạn nhiều quá, nâng niu, cho nhiều lời khuyên, đem súp gà cho bạn ăn khi bạn bị ốm. Mà bởi lắng nghe, lắng nghe, nhìn thấy và tin vào vẻ đẹp của Thượng Đế và Nhà thơ trong người bạn. Làm được điều này, bạn giúp cho Thượng Đế và Nhà thơ sống động và lớn lên trong con cái của bạn, học trò của bạn, bạn bè của bạn.

Và năng lượng sáng tạo đó chết đi trong chúng ta như thế nào?

Những nhà bình luận giết nó, gia đình của bạn. Gia đình chính là người làm hại năng lượng sáng tạo đó, đặc biệt là những ông chồng, những người anh lớn hơn. Những người thấy thấm nhuần những quy luật của Shakespears sẵn sàng vạch ra lỗi sai của học trò, nhiều quản lý viên trên các diễn đàn Việt Nam.

Cách uốn vào các quy luật cũng được thôi, nhưng đây là kết quả. Tất cả những người muốn viết và cố gắng viết trở nên sợ hãi, nhút nhát, co hẹp, thành người theo thuyết hoàn hảo, e sợ bởi những gì họ viết ra có thể không tốt như của Shakespears.

Do đó họ không viết và sáng tạo. Họ trì hoãn lại tháng này qua tháng khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác, có thể hết đời họ.

Để bạn viết được, bạn phải thấy tự do nhẹ nhõm, dù bài viết có tốt đến đâu. Và những người thầy tốt duy nhất đối với bạn là những người bạn yêu quý bạn, cảm mến bạn và nghĩ rằng bạn thú vị, quan trọng và buồn cười lắm đấy 🙂

“Nói với tớ đi. Nói với tớ tất cả những gì có thể. Tớ muốn hiểu hơn về tất cả những thứ bạn cảm thấy và hiểu biết, và tất cả những thay đổi nội tâm và bên ngoài của bạn. Kể với tớ nhiều nữa đi”.

Và nếu bạn không có một người bạn tuyệt như thế, và bạn muốn viết, hãy tưởng tượng ra một người bạn như vậy.
unique3
Vâng, mình ghét mấy sự chỉ trích kiều truyền thống, không, ý mình không phải những chỉ trích tốt như Matthew Arnolds và những người khác, mà những kiểu chọc ngoáy vớ vẩn nhỏ mọn. Chúng nghĩ chúng có thể làm người ta tốt lên bằng cách nói cho người ta biết người ta sai ở đâu, và kết quả là đặt người khác vào chiếc áo giáp cứng và thẳng của sự ngần ngại và ý thức về chính họ, làm yếu đi sự can đảm và trí tưởng tượng.

Mình ghét mấy bọn đó không phải vì mình, vì mình đã học được, biết về chúng và không để chúng chặn mình lại. Mình ghét bọn đó bởi vì những con người đầy tiềm năng tỏa sáng, dịu dàng, đầy năng khiếu ở mọi lứa tuổi, mà bọn chúng hại. Đó là giết chết tài năng. Bởi vì những người khiêm tốn nhất và nhạy cảm nhất là những người tài năng nhất, có trí tưởng tượng cao nhất và sự đồng cảm lớn nhất, họ là những người đầu tiên bị loại trừ. Chỉ bọn có cái tôi tàn bạo mới sống sót.

Tất nhiên để công bằng, mình nhắn lại với các bạn là chúng ta, những người viết là những đóa lưu ly mảnh mai nhất của những người trạm trổ. Chúng ta kỳ vọng nhiều hơn, cho những cố gắng bé nhất, hơn những người khác.

Một phụ nữ trẻ đầy tài năng viết một bài thơ. Bài thơ bị từ chối. Có lẽ 1, 2 năm sau cô không viết thơ nữa. Nghĩ tới sự kiên trì và tình yêu của những người vũ ballet đi. Nghĩ tới sự kiên trì của những người thợ đan tay chiếc áo len nhiều mầu sắc đi. Nếu bạn có thể làm như họ, bạn sẽ đạt giải Nobel trong 10 năm tới.

Lời khuyên của mình cho các bạn nhà văn là, các bạn không được thực hành hời hợt mà phải với tất cả trí thông minh và tình yêu. Một người nhạc sĩ bảo mình là một người không nên chơi một nốt nhạc nếu không nghe nó, cảm thấy nó đúng, và nghĩ là nó đẹp.

Và bây giờ các bạn bắt đầu làm việc với viết lách rồi đó. Nhớ những điều này: Làm việc với tất cả trí thông minh và tình yêu. Làm việc một cách tự đo và vui vẻ như đang nói chuyện với một người bạn yêu quý bạn. Về tinh thần, (ít nhất 3-4 lần một ngày), bĩu mũi vào bọn biết-tất, chễ giễu, chỉ trích. 🙂

(Nguyễn Minh Hiển sưu tầm)

Quyết định của con tim

Chào các bạn,

Khi ta phải làm một quyết định rất khó khăn trong lòng—ví dụ, ly dị hay không—các tư vấn tâm lý hay tư vấn gia đình thường khuyên chúng ta làm hai danh sánh—lợi và hại—cho mỗi quyết định có thể–ly dị, ly thân, không làm gì hết—rồi so sánh lợi hại trong mỗi đường, cuối cùng chọn quyết định ta thấy là có lợi nhất.

Chẳng biết là có ai bán chương trình computer cho các cặp vợ chồng không? Nếu đã làm danh sách cách này thì chắc dùng computer thì nhanh hơn. Trả lời xong xuôi, ấn nút, máy bảo “Gài số zde ngay lập tức!” Hôm sau bèn lên tòa nộp đơn ly dị.
heart1
Các quí vị cố vấn kiểu này chắc là chưa bao giờ biết yêu, chưa bao giờ có kinh nghiệm khó khăn gì trong gia đình. Cách đây lâu lắm rồi, mình có đọc một bài viết của một chị là tư vấn gia đình cả 20 năm. Đùng một cái, chồng chị bỏ chị đi theo người khác, đứa con gái trở thành lêu lỏng, nói gì làm gì cũng không nghe. Chị trở thành tuyệt vọng và mất tự tin hoàn toàn. “Hóa ra cả 20 năm tôi cứ tưởng là tôi biết, và tôi cố vấn cho đủ mọi hạng người về mọi vấn đề gia đình. Bây giờ đụng chuyện tôi mới biết là tôi không biết gì hết, và cả 20 năm tôi chỉ toàn nói dóc.”

Đúng như thế. Các vấn đề tình cảm không có công thức. Rất nhiều người đã từng chống lại mẹ cha họ hàng bạn bè, chống lại cả xã hội, chối bỏ cả tương lai vinh hoa phú quí, để chỉ chạy theo tiếng gọi của con tim. Làm bản quyết toán thì bên bị “mất” có đến cả hàng trăm món, bên “được” chỉ có một chữ “Nàng.” Tất cả mọi người đều nói là phải bỏ Nàng chọn các thứ kia. Nhưng, sự thực là các chuyện tình Romeo và Juliette vẫn xảy ra thường xuyên ngày nay. Đâu có hiếm. Và báo chí và các nhà văn thích ca ngợi các cuộc tình vượt biên giới như thế.

Thực ra, con tim của ta làm quyết đinh, chứ đầu óc không làm quyết định. Đầu óc (lý luận) chỉ là tên lính “vâng dạ” chạy theo con tim mà thôi. Trong ví dụ trên, trong bản quyết toán, nếu bên cột phải, con tim của chàng yêu Nàng chưa đủ mạnh và, bên cột trái, chàng yêu hằng trăm thứ khác rất mạnh, thì con tim chàng bèn chọn các thứ này và bỏ Nàng. Và chàng nói, “Theo bảng quyết toán này thì bỏ Nàng là hợp lý,” coi như đó là một quyết định do luận l‎ý. Nhưng thực ra, ta thấy đó là qu‎yết định của con tim, theo ý thích của con tim, rồi sau đó dùng “l‎ý luận” của bảng quyết toán để “hùa theo” con tim mà thôi.

followyourheart
Ngược lại, nếu chàng yêu Nàng như Romeo yêu Juliette, thì chàng chọn Nàng và bỏ tất cả mọi thứ. Rồi chàng lại l‎ý luận, “Cuộc đời còn nghĩa l‎ý gì nếu không có Nàng. Chọn Nàng là hợp lý.”

L‎ý luận chỉ cho input (đầu vào), gồm các dữ kiện (facts) và vài suy nghĩ (thinking). Nhưng lý‎ luận không bao giờ làm quyết định. Con tim làm quyết định, và lý luận chỉ “vâng dạ” theo con tim. Đây là qui tắc làm quyết định của con người. Computer không làm quyết định kiểu này được, vì computer không có con tim.

Mà con tim của mỗi người có một cách xúc cảm hoàn toàn khác nhau. Hai người có thể có hai quyết định hoàn toàn khác nhau trong cùng một hoàn cảnh. Ví dụ: Đi đường này thì rất bận rộn và mệt, nhưng sẽ có nhiều tiền. Đi đường kia thì phè nhưng sẽ có ít‎ tiền. Người thích tiền, chọn đường đầu. Người thích nhàn, chọn đường sau. Và đường nào cũng đúng.

Vì vậy, mỗi khi bạn ta có vấn đề tình cảm, ta chỉ có thể an ủi và hỗ trợ, và có thể cho một tí cố vấn tổng quát, nhưng thực sự là không thể cố vấn chi tiết được. Con tim của một người chỉ người ấy thực sự biết. Và khi ta có vấn đề, cũng không ai có thể cố vấn chi tiết cho ta được. Vì vậy, cảm giác cô đơn thường rất cao khi ta có vấn đề tình cảm khó khăn.

Hơn nữa, tình cảm thì không rõ ràng như luận lý, mà như là một dòng sông tuôn trào mọi ngõ ngách—vừa yêu, vừa đau, vừa thương, vừa hận…–cho nên tình cảm, dù rất mãnh liệt, hay có tính lờ mờ. Vì vậy, quyết định tình cảm khó khăn và nhức đầu hơn là tìm lời giải cho một bài toán.

Thêm vào đó, lo sợ về tương lai—điều gì sẽ xảy ra ngày mai—làm cho việc quyết định lại càng khó khăn, vì ta không biết quyết định hôm nay có tốt cho ngày mai không? Nhỡ quyết định sai thì sao? Nhất là khi quyết định hôm nay mang lại thay đổi lớn cho đời sống, ngày mai lại càng đáng sợ.

Nhưng, tương lai không nên là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết một vấn đề hôm nay. Nhiều người hay nói “Lúc đó tôi cứ làm đại, thế mà thành.” “Làm đại” hay “làm liều” chỉ có nghĩa là quyết định mà không quan tâm đến tương lai. Và chúng ta làm thế rất thường. Thông thựờng là những người làm thế thì “làm đại, thế mà thành.” Đây không phải là do may mắn, nhưng nó chỉ có nghĩa là những người “làm đại” là những người tích cực và nhanh lẹ. Bất cứ việc gì đến trong tương lai, họ cũng xoay sở tốt, thế thôi. Tương lai lệ thuộc vào khả năng xoay sở liên tục của ta, chứ không lệ thuộc vào “quyết định lúc này đúng hay sai.”

Vì vậy, vấn đề hôm nay thường giản dị hơn rất nhiều, nếu ta bỏ đi yếu tố “ngày mai” trong đầu.

Vậy thì, điều gì làm cho ta thấy thoải mái nhất ngày hôm nay? Điều gì lòng ta muốn nhất ngày hôm nay? Giải quyết vấn đề theo hướng thoải mái nhất cho lòng ta. Kể cả chẳng giải quyết gì cả, nếu trong lòng chẳng muốn giải quyết gì hôm nay. Và đừng lo cho ngày mai hay ngày mốt, mỗi ngày đến, trong lòng ta sẽ nói cho ta biết nên làm gì cho ngày đó.

Đó chính là sống Lúc Này Ở Đây. Sống với “the NOW and THEN.”

Làm quyết định như thế là sống gần gũi với quả tim của mình. Nó đòi hỏi mình tĩnh lặng để nghe tiếng nói của con tim mỗi ngày. Để theo đó mà quyết định trong ngày.

Và sống với con tim của mình chính là sống với mình, sống cho mình.
heart
Tĩnh lặng để nghe con tim của mình, đòi hỏi mình phải… tĩnh lặng. Nghĩa là làm thế nào để đừng tức tối quá, đừng u buồn quá, đừng nhức nhối quá, đừng lo lắng quá… Dĩ nhiên là những cơn bão lòng đến thường xuyên, có thể là hơn một lần một ngày, không tránh được. Nhưng cơn bão nào thì cũng chỉ một lúc. Để tự nhiên nó sẽ đi qua. Và khi nó đã qua, đương nhiên là tâm ta có thể tĩnh lặng lại.

Dù sao đi nữa thì chỉ có một tiếng nói có giá trị cho mình, hãy lắng nghe nó: Tiếng nói của con tim.

Bên trên, chúng ta dùng ví dụ trở ngại về đời sống tình cảm lứa đôi, vì đây là loại ví dụ khó giải quyết nhất. Nhưng phương cách tư duy này cũng được dùng cho tất cả các quyết định khác—như học môn gì, làm nghề gì, có nên đi xa không, có nên đổi việc không… Con tim của ta thông minh hơn ta tưởng, hãy lắng nghe nó. Và nó sẽ không bao giờ phụ lòng ta.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use