Cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: diễn viên tài hoa trên bục giảng…

coOanh
Chào các bạn,

Bài này do anh Trần Bá Thiện viết. Anh Thiện là một trong những người đã ủng hộ và quảng bá Đọt Chuối Non rất mạnh, ngay từ ngày đầu. Anh Thiện và mình biết nhau đã lâu qua diễn đàn VNBIZ. Báo Tuổi Trẻ nói về anh Thiện: “Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2004, một người khiếm thị có nhiều hoạt động trong phong trào khuyết tật 15 năm qua.” Anh Thiện là một trong những người chúng ta nên noi gương tích cực.

Bài này cũng có trên Tuổi Trẻ hôm nay. Tuy nhiên, bạn đọc Tuổi Trẻ không được đọc nguyên bài như chúng ta ở đây. Cám ơn anh Thiện rất nhiều nhé. (TDH)

.
c
Ó LẼ, ĐÃ ĐẾN LÚC những người đồng sự, học trò và những người quen biết với cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh ngồi lại nhớ lại các hoạt động của bà để đúc kết và rút ra các bài học kinh nghiệm. Bà thực sự là một tấm gương sáng, một con chim đầu đàn cho ngành công tác xã hội và phát triển cộng đồng VN.

Chân tình

Bà lớn lên trong một đất nước chiến tranh, rồi đi qua thời chiến để vào giai đoạn đầy khó khăn của nền hòa bình mới, tiếp đến là một xã hội với nhiều biến động của thời công nghiệp hóa, đô thị hóa… Trong khoảng vài mươi năm hoạt động, các đề tài nghiên cứu của bà là những trở ngại trong các giai đoạn vừa nêu như vấn đề xây dựng nhân cách cho giới trẻ, ý thức gìn giữ vệ sinh công cộng, các ứng xử nơi công cộng, bạo hành trong gia đình, trong trường học, vấn đề bình đẵng phụ nữ, vấn đề hòa nhập người khuyết tật, vấn đề với người sau cai nghiện… Trong khi nhiều bài viết về các mảng này bộc lộ thái độ lên án, chỉ trích đi đến thái độ giận dữ, kêu gọi trừng phạt… Bà dịu dàng hơn khi chỉ cho chúng ta thấy các trở ngại ấy xuất phát từ tư duy chưa tích cực của cộng đồng. Thay vì trừng phạt người vi phạm, bà nhắm vào việc xây dựng tư duy tích cực, trang bị thêm kỹ năng sống để mọi người tự đưa ra một khuôn mẫu kỹ luật cho chính mình và để chính mình noi theo. Có nhiều lần, tôi nghe bà đề nghị không phải sự trừng phạt kẻ có tội sẽ làm cho xã hội tốt hơn nhưng là sự thấu hiểu và khoan dung. Mỗi cá nhân tự ý thức chính mình và nhận thấy lỗi lầm đáng lên án kia xuất phát từ cách nghĩ hẹp hòi ở lòng mình. Quả chỉ có những trái tim chan chứa tình người như bà mới tìm được những giải pháp đầy tính nhân văn như thế.

cooanh2007

Đọc giả và tham dự viên trong các buổi báo cáo của bà dễ nhận ra tấm chân tình của bà qua từng con chữ, từng lời nói. Điều đáng nói khác là trong các bài giảng của bà Oanh, mặc dù rất xúc tích, rất sinh động nhưng chúng ta không có cảm giác bị thôi miên, bị mê đắm bị khuất phục bởi trí tuệ của bà. Cảm giác mê mẩn chỉ xảy ra ở phần đầu của bài giảng, càng nghe đầu óc ta càng lóe lên các ý tưởng khác. Thoạt đầu là các ý tưởng đồng tình kế đến là các ý tưởng phản biện. Gần cuối bài giảng của bà, ta nghe những tiếng xì xào trao đổi nho nhỏ trong nhóm cử tọa. thế nên khi cần nghe phản hồi, rất nhiều cánh tay dơ cao đăng ký phát biểu…

Vài lần tôi gặp bà để lễ phép xin đưa ra các ý phản biện về một bài giảng nào đó. Bà nhẫn nại chờ cho tôi nêu hết các phản biện bà chỉ trả lời hầu như bằng 1 ý: “em nói đúng rồi”, “đúng vậy đó em”… Thực ra bà không ba phải. Có vẻ như khi xây dựng bài giảng mục tiêu chính của bà tóm trong 7 chữ này của thầy Mạnh Tử đời xưa: “Tận tín thư bất như vô thư”- đọc sách mà tin vào sách thì đừng đọc sách. Bà không muốn chúng ta tin vào lời bà, tin vào các nghiên cứu khoa học của bà. Bà chỉ đưa ra các gợi ý và chúng ta phải kiểm tra nó. Bà không đưa hết các gốc đối lập của vấn đề mà chính chúng ta sẽ dựa vào các gợi ý đó rồi tìm ra các phản biện. Nhờ vậy chúng ta sẽ hiểu và nhớ kỹ hơn các ý trung tâm đã được bà khám phá bằng tư duy khoa học. Tôi xin đưa ra một minh họa

Đầu tháng 4, 2009 tức không đầy 1 tháng trước khi cô Oanh kính yêu chia tay cuộc đời, tôi tham dự một buổi sinh hoạt tại Hội quán Đến với nhau… Bà nói về xây dựng kỹ năng sống. Bà đưa ra các dẫn chứng về việc tước đoạt quyền khám phá cuộc sống của trẻ em qua cách cha mẹ suy nghĩ dùm, quyết định dùm… Sau đó, bà đưa ra các câu chuyện tại các nước phát triển để cho thấy người ta chấp nhận các hạn chế của trẻ con và luôn hướng dẫn trẻ làm chủ chính cuộc đời của nó (1)… Tôi ấm ức vì sao bà chỉ đưa ra các hạn chế trong lối giáo dục phổ biến hiện nay ở xã hội VN mà lại không đưa ra các hạn chế trong lối giáo dục Âu Mỹ. Mọi hoạt động chủ trương của con người đều có mặt trái cả. Nếu chỉ nói về một mặt có phải là thiếu sót lắm chăng? Thế nhưng rút kinh nghiệm bao nhiêu lần trước, tôi không nhấc điện thoại lên tìm cô Oanh. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi cúi đầu xuống thầm cảm ơn bà.

Bà là một nhà khoa học chân chính, một nhà giáo dục thiên tài. Bà kêu gọi việc tôn trọng sự tự do trong tiếp thu ý kiến, kêu gọi độc lập tư duy… Nếu bà dùng đủ mọi lý lẽ để dồn ép những người yếu hơn bà về kiến thức về kinh nghiệm, hóa ra bà tự phản bội với chính mình. Nét nhân văn độc đáo khi xây dựng bài giảng của bà chính là điểm này.

Cô Oanh kính, con thực sự cảm ơn tấm chân tình của cô…

Giới trẻ tiếc thương
Giới trẻ tiếc thương

Quan sát tinh tế

Có người nói: sự học hỏi cho ta kiến thức. Nhưng chính quan sát mới giúp ta có được tri thức….
Xem lại các bài của bà viết, nhớ lại các bài giảng của bà, chúng ta dễ nhận ra sức thuyết phục của bài xuất phát từ việc liệt kê các hiện tượng mẫu. Nói theo ngôn ngữ văn học thì đó là các hình tượng văn học. Cả những hình tượng phản diện hay hình tượng chính diện của bà nêu ra đều rất đẹp, rất thực và chẳng ai mà không biết. Có ai lạ gì cảnh hút xong điếu thuốc người đàn ông thản nhiên búng phần thuốc còn cháy dỡ từ trong nhà ra hè phố. Có ai lạ gì cảnh trong con hẽm nhỏ, bà mẹ dạy em bé 2 tuổi cách tè bậy ngoài đường (2)… Nó lập đi lập lại trước mắt mọi người rồi nó biến đi trong trí nhớ của chúng ta.

Với bà, điều ấy được ghi nhận và được phân tích theo các nguồn gốc về nhận thức, về tâm lý xã hội… Để cuối cùng, bà tái hiện nó trong các bài viết giúp mọi người suy ngẫm. Kỹ năng quan sát xã hội của bà thật xuất sắc. Tôi tin rằng, kỹ năng ấy được hình thành từ cái tâm và từ cái tầm của bà. Sau đó kỹ năng quan sát quay lại giúp nâng cao tầm nhìn và mở rộng tâm hồn bà.

Bà quan sát các hiện tượng theo gốc nghiên cứu chuyên môn của mình. Sau đó, bà quan sát cử tọa và tìm ra các quy luật nội tại của cử tọa khi theo dõi bài giảng. Cuối cùng, bà đưa nó vào quá trình xây dựng bài giảng.
cooanh1

Có lần khi nói về vấn đề bạo hành với trẻ em, bà đứng lên thay vì nói điều gì với cử tọa, bà phát mạnh vào vai 1 cô gái trẻ ngồi gần rồi quát nạt: “đi chỗ khác đi, con nít sao lại ngồi chỗ này. Chỗ này để người lớn nói chuyện. Con nít ra đàng kia ngồi kìa…” Cử tọa sửng sốt. Cô bạn trẻ lúng túng đứng dậy dời đến nơi bà chỉ… Sau đó bà ôn tồn hỏi cô gái: “em có hoảng sợ khi cô la em không? Em có mắc cỡ không? Em có hài lòng không?” qua ví dụ ấy, bà chứng minh với cử tọa một cách rất sinh động rằng nếu ta quát nạt, áp đặt lên giới trẻ, trẻ sẽ làm theo miễn cưỡng. Nhưng từ đó về sau, giữa ta và trẻ có một khoảng cách. Trẻ không tin cậy ta nữa và ngấm ngầm tìm cách chống đối…

Qua quan sát, bà hiểu cách tạo ra điểm kỳ thú trong bài giảng. Các tình huống bất ngờ thường xuyên xuất hiện trong các bài giảng. Ấy là những câu hỏi, . Ấy là các đòi hỏi lạ tai. Ai đã từng tham dự các buổi giảng và sau đó, đọc lại bài viết cùng chủ đề, ta dễ nhận ra điều này. Được nghe bài giảng ta hiểu đến 100 phần. Đọc bài viết ta chỉ thấy được 1 phần trăm ấy mà thôi.

Diễn giả và diễn viên xuất sắc

Có bạn nói với tôi rằng: bài giảng của cô Oanh hay nhờ giọng nói của cô dịu dàng, chân tình nên thuyết phục người nghe… Nếu đưa bài giảng ấy cho người khác có lẽ sức thuyết phục sẽ không cao như thế…
Vì sao chúng ta có cảm giác bị thu hút bởi giọng nói của bà? May mắn là gần đây Hội quán Đến với Nhau có thu hình lại các buổi sinh hoạt nên có thể chúng ta còn các bằng chứng về năng lực diễn thuyết của bà. Tôi lại nhìn việc ấy theo một gốc nhìn khác. Tôi đoán dường như cô được huấn luyện khá tốt về kỹ thuật khẩu hình khi diễn thuyết. Hầu hết các khóa học về kỹ năng nói, kỹ năng trình bày ngày nay, chúng ta bỏ quên mất kỹ thuật khẩu hình này. Tôi có biết một chút về kỹ thuật khẩu hình khi học hát nên nhận ra cô Oanh có sử dụng kỹ thuật này khi diễn thuyết. Do vậy, bài giảng của cô sinh động và hấp dẫn lắm.

Trên bục giảng hay giữa đám đông, bà không diễn thuyết theo cách hao tốn quá nhiều năng lượng như khoa tay, múa chân, chồm về phía này, nhảy đến phía kia khiến người nghe tối tăm mặt mũi… Có lẽ bà cụ của tuổi thất thập cỗ lai hy này không đủ năng lượng để múa trên bục giảng. Bà nói thong thả, rõ ràng, đúng là tròn vành rõ chữ theo tiêu chuẩn các cô giáo lớp 1… Bà có di chuyển nhưng từ tốn, mềm mại hơn… Dù thế, nội công của bà khi diễn thuyết thật tuyệt vời. Hầu như chẳng ai nói rằng tôi chưa nghe kịp.. Cử tọa không bị thu hút bởi hình thể hay cách nói của bà. Nói theo ngôn ngữ diễn thuyết thì bà không hề nã đại liên vào đầu cử tọa. Bà dẫn họ đi vào thế giới ký ức của mỗi người, giúp mỗi người nhận ra câu chuyện của bà cũng chính là câu chuyện riêng của mỗi người. Từ đó, hãy suy nghĩ xem giải pháp bà đưa ra có áp dụng được cho trường hợp riêng của mỗi người hay không?
tangle_NguyenThiOanh

Khi giảng bà tổng hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật của công tác xã hội như kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, các kỹ thuật của giáo dục như kỹ năng soạn bài giảng, các kỹ thuật của xã hội học như nghiên cứu tài liệu sẵn có, nghiên cứu tình huống v.v… Và mọi kỹ thuật tinh tế ấy được thể hiện thông qua xúc cảm của bà. Kết hợp hai yếu tố kỹ thuật và cảm xúc, tôi xin phép được gọi bà là một diễn viên, một nghệ sĩ xuất sắc trên bục giảng.

Cô Oanh kính, cộng đồng xin thắp nén hương lòng để cảm ơn cô vì cô đã trả các kiến thức xã hội về với mỗi con người trong xã hội ấy. Trả về sau khi trao cho chúng tôi bao tâm huyết của cô. Trả về sau khi trao cho chúng tôi sứ mạng của đời cô: sứ mạng làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn…

O0o

Trên đường đến viếng tang cô Oanh, tôi hỏi người bạn đồng hành rằng liệu sẽ có nhiều nước mắt lắm không, sẽ có những tiếng khóc đau đớn hay không? Chúng tôi cùng đoán vì cô không có chồng con nên chắc tang lễ chỉ có sự nghiêm trang, trầm lắng, u uẩn chứ không hẳn là thảm thiết.

Tại tư gia của cô, không khí tang lễ khác với điều chúng tôi dự đoán. Đúng là sự kỳ thú cuối cùng của một con người thường gây kỳ thú cho nhân loại. Mọi người đến chào nhau và cùng nói với nhau rằng ở đây chúng ta là tang chủ, không có khách. Ngay cả khi bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó chủ tịch nước và chị em của bà Mỹ Hoa đến viếng tang, các vị ấy cũng tự xem mình là chủ nhà. Mọi người khe khẽ trò chuyện với nhau như đang sinh hoạt tại hội quán Đến Với Nhau. Thương nhớ thì tràn đầy nhưng dường như không có chỗ cho u buồn. Cuộc đời cô Oanh trải ra cho nhân thế bằng những cung bậc dịu dàng, vui tươi. Giờ đây, niềm vui lại là món quà đáp lễ kính tặng cô. Không có nước mắt chỉ có những nụ cười nhẹ. Loại nụ cười mang ý nghĩa của những giọt nước mắt khô…

04-May-09 9:11:35 AM
Trần Bá Thiện

(1) Đừng tước mất cơ hội của trẻ
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=306972&ChannelID=194
(2) Nếp sống văn minh đô thị phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách
http://www.tuoitre.com.vn:80/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=313869&ChannelID=3

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s