Ngày Phật đản sinh thứ 2553 lại về với tinh thần từ bi và giải thoát đau khổ cho chúng sinh, trong tình thương yêu bao la của Đức Phật. Những giá trị nhân bản cao đẹp của Phật giáo, những lời dạy của Đức Phật về những hạnh lành, việc thiện đã và đang được giới tăng ni Phật tử chung sức chung lòng thực hiện với ước mong giúp cho cuộc sống của mọi người luôn tươi đẹp, hạnh phúc. Tinh thần Phật đản thực sự là hướng thiện và nhân ái, và không chỉ tĩnh tâm cầu nguyện, người Phật tử phải tích cực trong cuộc sống, biết yêu thương giúp đỡ những mảnh đời khốn khó và bất hạnh.
Một địa chỉ quen thuộc để chúng tôi tìm đến mỗi mùa Phật đản là chùa Bửu Thắng, trụ trì là sư cô Huệ Hướng. Hôm nay tôi cùng những người bạn trở lại thăm chùa. Từ ngày đầu tiên viếng chùa nhân Phật đản 5 năm về trước đến nay , tôi không bao giờ quên được những ánh mắt trẻ thơ vương nét buồn ở nhà Tình Thương – Cô Nhi chùa Bửu Thắng. Những ánh mắt đen láy, ngây thơ, những khuôn mặt ngơ ngẩn vì bệnh Down, những người già nằm liệt giường ấy như một ám ảnh khiến tôi nao lòng từ ngày ấy.
Chùa Bửu Thắng, nằm trên quốc lộ 14, cách thành phố Buôn Ma Thuột 38 km. Trước năm 2001 đây là một ngôi chùa dột nát hoang phế. Năm 2001 sư cô Huệ Hướng về trụ trì và ngay trong năm này, ngoài việc tu tập Đạo Pháp, chùa chỉ có 1 sư cô và 2 sa di đã tham gia hoạt đông từ thiện dù còn vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất. Đến cuối năm 2001, chùa đã nuôi dưỡng 20 người gồm người già yếu bệnh tật không nơi nương tựa, lẫn cô nhi và các trẻ sơ sinh bị người ta vất bỏ trước cổng chùa. Đến nay số người già trẻ mà chùa Bửu Thắng phải cưu mang đã lên tới 161. Trong số này có 46 người già yếu, 78 trẻ em cô nhi, đặc biệt là 21 người khuyết tật gồm cả trẻ và già. 15 người là các sư cô và sa di, trong đó có 6 người đang theo học Phật học tại Đại học Vạn Hạnh cũng do nhà chùa chu cấp. Những người khuyết tật mà chúng tôi đến thăm số đông là bị thuơng tật ở tay chân, và người già, người bệnh tâm thần, bại não sơ sinh và bệnh Down, ở các em độ tuổi 15, 18. Khi nhìn những người bất hạnh này, chúng tôi vừa thấy xót thương cho họ, vừa cảm phục hạnh từ bi của những tu sĩ chùa Bửu Thắng!
Theo lời sư cô trụ trì, các sư cô và sa di ở chùa Bửu Thắng đã cố gắng hết sức để vượt qua những thời kỳ vô cùng khó khăn tưởng như không trụ được để xây dựng và phát triển hoạt động của ngôi chùa như hiện nay. Chùa vừa mới khánh thành ngôi chánh điện được xây trang nghiêm năm trước. Ngoài việc là nơi thờ tự, tu tập và hoằng pháp với gần 500 tín đồ là người dân tộc Ê Đê, chùa đã ghi một dấu ấn đậm nét trong lòng mọi khách thập phương đến lễ và viếng chùa với hoạt động từ thiện xã hội chăm lo Nhà Tình Thưong và Cô Nhi.
Chùa hiện có một dãy nhà gồm 5 phòng cho người già yếu, và một nhà gồm 3 phòng cho trẻ em (do tổ chức Care to Help xây tặng). Được biết cho đến nay chùa chủ yếu là tự thân vận động nhờ vào những tấm lòng vàng, của khách thập phương, tâm từ bi của thiện nam tín nữ cúng dường làm từ thiện, chứ chưa nhận được nguồn tài trợ giúp đỡ thường xuyên của cá nhân hay tổ chức nào. Bằng nỗ lực phi thường và từ tâm của Phật tử, sư cô trụ trì Huệ Hướng đã thực sự làm thay đổi cơ sở vật chất của chùa để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Những tiện nghi cho sinh hoạt tuy đã được cải thiện dần nhờ sự phát tâm từ bi cúng dường để làm việc thiện của khách thập phương nhưng đều thiếu và còn hạn chế đối với cả người già và con trẻ. Ví dụ các bé trong độ tuổi chưa thôi nôi phải nằm võng chứ không có nôi, một sân rộng ngay trước lớp học chưa có điều kiện tráng xi măng như ước mong của các sư cô, và cô giáo. Đất cao nguyên này, dẫu mưa hay nắng, cái sân ấy vẫn đầy bụi và lầy lội. Đó là nơi các cháu nhỏ lớp mẫu giáo, lớp 1 chơi đùa, chạy nhảy, ngồi và té ngã trên đó.Một cái sân ciment còn chưa có, nên ước mơ có một sân chơi cho các cháu vẫn chỉ là mơ ước của mọi người trong chùa.
Đến nay trong chùa có một lớp học cho các cháu nhỏ, một phòng khám bệnh có 2 bác sĩ tự nguyện thay phiên đến giúp khám và trị bệnh cho hơn 160 con người (kể cả các tu sĩ) nhưng rất thiếu thốn về thuốc men. Hôm nay chúng tôi đến, trong đoàn có các bác sĩ của bệnh viện Thiện Hạnh ( thành phố Buôn Ma Thuột ) vào thăm và tặng 2 thùng thuốc gồm nhiều loại. Các bác sĩ đã khám các bệnh chuyên khoa như da liễu và sẽ tiếp tục cấp thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi. Nhưng nhu cầu về cuộc sống của các cụ già, học hành và vui chơi của các em bé vẫn còn là nỗi lo canh cánh bên lòng của sư cô trụ trì, một tu sĩ bình dị, vóc người bé nhỏ mà mang cả một tâm nguyện lớn lao vừa tu tập vừa cứu giúp cho đời, vừa mới đây đã được nhà nước phong tặng Anh Hùng Lao Động Thời Đại Mới ngày 26/4/2009.
Do đó với tình hình khó khăn chung về đời sống, lạm phát giá cả như hiện nay, thiết nghĩ phải lo ăn, lo học, lo thuốc men cho hơn 160 con người là cả một vấn đề lớn vượt quá khả năng nhà chùa bởi nguồn tài chính không ổn định. Đã không ít lần sư cô trụ trì phải đi vào tận thành phố Hồ Chí Minh xin được ít gạo cũ để cứu đói cho những người bất hạnh này trong lúc ngặt nghèo. Nói chi đến tấm bánh hay cây kẹo cho các trẻ cô nhi. Tôi không sao quên được những nụ cười trên những khuôn mặt ngây thơ và ngây ngô vì bệnh tật khi cầm những cái kẹo được người lễ chùa đem tặng cho trong ngày lễ Phật đản.
Các tín đồ Phật giáo với truyền thống nhân đạo, hành thiện với quan niệm:
“Dù xây chín bậc phù đồ.
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
luôn tích cực đi đầu trong hoạt động xã hội từ thiện có lẽ sẽ quan tâm đến công tác từ thiện của ngôi chùa Bửu Thắng để góp phần thiết thực hổ trợ cho chùa và những người già, em bé được cưu mang ở đây.
Nhân ngày Phật đản, nhớ đến các cô nhi, và những người khốn khó, chúng tôi viết về ngôi chùa với tâm nguyện sao cho những cuộc đời bất hạnh ở đây được nhiều người biết đến và giúp đỡ để chùa có thể duy trì và phát triển Nhà Tình Thương-Cô Nhi- làm vơi bớt nỗi đau của họ.
Số ĐT của chùa: 05003573523
Số ĐT di động: 090534 8564
Huỳnh Huệ