Chào các bạn,
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã quen với câu “Cuộc chiến khó nhất là cuộc chiến chống lại chính mình.” Và điều này thì thật là chính xác. Tự thắng mình để trở thành thiện hảo hơn một tí mỗi ngày không phải là dễ, và đó là cuộc đấu tranh suốt đời. Thắng kẻ địch bên ngoài thì rất dễ, tự thắng thì khó hơn nghìn lần. (Mình không cưỡng được máu tiếu lâm để nêu ra đây một ví dụ rất rõ. Đảng ta bách chiến bách thắng với tất cả hùng binh thiên hạ, vậy mà chỉ có cái việc chống tham nhũng thôi thì cà xịch cà tang muôn năm :-)).
Nhưng hôm nay mình muốn bàn đến một vấn đề tế nhị trong suy tưởng. Khi nói đến “cuộc chiến tự thắng” phải chăng ta rất dễ bị lỗi lầm là nghĩ đến những điểm yếu của chính ta như là một kẻ thù cần phải triệt hạ? Và nếu như vậy thì không phải là ta tự chối bỏ một phần của chính ta sao? Và như vậy không phải là ta sẽ bị đặt trong một tình trạng đau khổ trong tâm thức hay sao? “Cái tên tồi tệ này, sao nó cứ ở mãi trong tôi, làm sao để tôi giết chết nó đi để con người tôi thánh thiện ra?” Đó không phải là một hình thức split personality (phân chia nhân cách) mà những trường hợp nặng nề là một loại tâm bệnh nguy hiểm hay sao?
Nếu các bạn nghĩ rằng đây là một câu hỏi lý thuyết chẳng liên hệ gì đến cuộc sống, thì hãy nghĩ lại xem. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã rất bực mình với yếu kém của chính mình? Đã bao nhiêu lần ta làm ta thất vọng? Đã bao nhiêu lần ta hầu như tuyệt vọng về yếu kém của mình? Lý thuyết không?
Nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn một tí thì lối suy nghĩ “chiến đấu chống lại chính mình” có gì không ổn, phải không các bạn? Bao nhiêu chuyện trên đời phải chiến đấu, cơm, gạo, điện, nước, nhà ở, áo quần, công việc, lại ôm thêm cuộc chiến chống lại chính mình 24 giờ một ngày! Sống sao nổi?
Trước đây nhiều năm, nếu mình nhớ không lầm, đọc cuốn giảng Kinh Kim Cang của Thiền Sư Nhất Hạnh, có đoạn Thiền Sư nói về ôm ấp cái giận, cái đau của mình, đừng chối bỏ hay xua đuổi nó, hãy nhìn nhận và yêu thương nó, vì nó chính là mình, là một phần của mình. Phản ứng đầu tiên của mình là “Hmm… thiền sư này nói sao nghe… chùa quá… nhưng… nghe cũng rất mới lạ. Ít ra là nó đề nghị cách giải quyết vấn đề chỉ có một phe, là phe ta, chứ không có thằng tôi thiện đánh nhau với thằng tôi ác. Không có mâu thuẫn nội tâm.” Vậy là mình để tâm nghiên cứu vấn đề thêm một tí.
Và sau đó thì mình nhận ra ngay là “nhìn nhận và ôm ấp cái yếu, cái đau của mình” đã là một thực hành tâm lý được sử dụng rất nhiều từ Tây sang Đông. Kể từ Sigmund Freud, khoa phân tâm học đã chữa bệnh tâm thần bằng cách giúp bệnh nhân từ từ đi ngược về dĩ vãng để lôi ra ngoài ánh sáng những kinh nghiêm không vui bị chôn dấu (repressed) trong tiềm thức từ trước và ngày nay sinh ra những vần đề tâm lý. Khi bệnh nhân (với sự giúp sức của bác sĩ phân tâm) lôi ra đúng “chàng đạo tặc” và bệnh nhân xác nhận là “chính hắn”, thì bệnh nhân tức thì lành bệnh. Điều này thì rất căn bản; mình đã biết từ hồi học triết ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nhưng chỉ nghĩ đến “mấy người bị bệnh” chứ không nghĩ đến áp dụng vào đời sống thường nhật cho chính mình.
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, khoa tâm lý phổ thông (pop psychology) ở Mỹ cũng chú tâm đến đối diện niềm đau trong tâm, nói nó ra ngoài (talk it out), để có thể làm hòa (reconcile) với nó và với chính mình, và đóng cửa vấn đề (put a closure on the problem).
(Vấn đề là lý thuyết này trở thành quá hấp dẫn đến nỗi ngày nay nó trở thành các reality show (show thực tế) trên TV Mỹ, trong đó mọi người được trả tiền để mang những chuyện kín trong gia đình, lên TV nói cho thiên hạ nghe, để reconcile và put a closure!! Mà mình cũng không biết các chuyện này có thực đến mức nào hay các vị sẳn sàng phịa đủ thứ chuyện điên khùng chỉ để lấy tiền bỏ túi).
Ở phương Đông thì dĩ nhiên là các thiền sư đã thực hành từ hơn 2 nghìn năm nay bằng cách thiền quán—ngồi quan sát tâm thức của mình rất kỹ, vui thì thấy mình vui và biết tại sao mình vui, buồn thì biết mình buồn và tại sao buồn, giân thì biết mình giận và tại sao giận. Các thiền sư chỉ làm việc giản dị là quán sát để thấy mà thôi, chứ không triệt hạ, thanh toán cái xấu của mình gì hết. Chỉ có thiền định và thiền quán, chứ không có thiền triệt hạ, thiền đấu tranh. Chỉ nhìn chính mình, cái xấu lẫn cái tốt của mình, một cách dịu dàng, rõ ràng, khộng kết án, không phán đoán, không nhảy cởn, không than khóc, chỉ với một quả tim thân ái dịu dàng và sáng suốt. Từ từ cái yếu của mình sẽ biến đi, như tên trộm đã được biết tên biết mặt và được cư xử dấu ái và nay biến thành người lương thiện.
Tư tưởng thiện ác thanh toán nhau là tư tưởng căn bản của triết lý và văn minh tây phương mấy ngàn năm nay. Nó là một loại tư tưởng dễ gây xung đột trong tâm thức con người cũng như chiến tranh trong xã hội. Những năm gần đây, Phật học trở thành một hấp lực với trí thức tây phương cũng vì lý do hòa ái là căn bản của Phật học.
Nhưng mình không viết bài này để nói về Phật học, mà nói về một điểm quan trọng trong tâm thức chúng ta. Chúng ta không cần phải chối bỏ hay chạy trốn sự yếu đuối của mình. Cứ nhìn nhận nó, ôm ấp nó, nói chuyện với nó, với yêu thương dấu ái, vì nó là một phần của mình, nó là mình. Không vì lý do gì mà mình có thể tự ghét mình, tự coi thường mình, tự nguyền rủa mình—đó là một thái độ thiếu lành mạnh. Điều này được xem là căn bản của tâm lý học ngày nay, từ Tây sang Đông, không có ngoại lệ.
Giả sử cánh tay trái của mình bị liệt, mình không cần phải chặt nó đi, hay thù ghét nó, hay cố tình xem như nó không có đó. Cứ vẫn nhìn nhận nó, yêu thương nó, và xử với nó như là cánh tay của mình. Một ngày nào đó mình sẽ khám phá ra là mình vẫn có thể làm các việc phi thường, với một cánh tay bị liệt.
Chúc các bạn cuối tuần nghỉ lễ vui vẻ thoải mái.
Mến,
Hoành
© Copyright 2009, TDH
www.dotchuoinon.com
Licensed for non-commercial use
Ha ha ha, em vẫn dùng nửa cánh tay trái còn lại để làm được một số việc, kể cả trên bàn phím của PC. Bài này khiến em thực tâm đắc. Thanks anh
ThíchThích
Cám ơn Huệ nha. Từ lâu anh vẫn muốn là Đọt Chuối Non có một bài về Huệ. Trong khi mình nối links đến các bài báo về những người hay hàng ngày, mà trong nhà mình có người hay mình lại không chịu viết. Nhưng anh ngại là các bạn có thể hiểu lầm là mình ca tụng gà nhà quá đáng, nên chưa nghĩ ra phương cách. Nhưng anh vẫn nghĩ rằng nên chia sẻ về Huệ để giúp vài bạn tăng thêm tinh thần một tí.
ThíchThích
Chào anh Hoành,
Lần này, Yến xin có một (và duy nhất một) ý kiến khác với anh cho vui nha.
Hoàn toàn đồng ý quan điểm của anh là không coi điểm yếu của mình như kẻ thù, để rồi phải đấu tranh tư tưởng xem mình phải tiêu diệt nó như thế nào. Mâu thuẫn nội tâm sẽ làm mình hao mòn sinh lực!
Trong 2 thái độ anh trích dẫn, “nhìn nhận và ôm ấp cái yếu, cái đau của mình”, Yến chỉ chấp nhận việc “nhìn nhận” thôi.
Khi bệnh nhân (với sự giúp sức của bác sĩ phân tâm) lôi ra đúng “chàng đạo tặc” và bệnh nhân xác nhận là “chính hắn”, thật ra, đó mới là “chẩn đoán” bệnh thôi. Nhưng phải chẩn đoán đúng thì mới có phương pháp điều trị hiệu quả!
Một trong những phương pháp điều trị đã được anh đề cập ở bài này, là “nói nó ra ngoài (talk it out)”, mà theo Yến hiểu là chia sẻ với người khác. Có thể là với bác sĩ tâm lý mà bệnh nhân đang được điều trị, với vài người bạn thân, với một nhóm đồng điệu.. (chia sẻ với một cộng đồng lớn quá, như lên TV chẳng hạn, thì chắc Yến cũng hổng dám đâu, nếu có bệnh thiệt..). Nói tóm lại, nói về điểm yếu của mình với những người biết nghe, biết chia sẻ. Như vậy là “nỗi đau chôn giấu” đã vơi đi một nửa rồi !
Thêm nữa, mình cũng có thể làm hòa (reconcile) với nó. Hay nói một cách khác là mình chấp nhận nó, sống chung với nó. Vì làm hoà với nó rồi, nên dần dần mình sẽ biết cách “biến sở đoản thành sở trường”, biết phát huy mọi khả năng của nó phục vụ cho cuộc sống của mình.
Yến không giỏi về Phật pháp, nên Yến không dám lạm bàn nhiều. Yến chỉ nghĩ là sau khi các vị Thiền sư “quán” được điểm yếu của mình rồi, các vị không dừng lại ở việc “ôm ấp cái yếu, cái đau của mình”. Chắc là các vị phải tu tập nhiều để đạt được tinh tấn, tức là phải chuyển hoá (điều trị) làm sao để tên trộm trở thành người lương thiện.
“…ôm ấp cái yếu, cái đau của mình” có vẻ như là ve vuốt, bao che cho điểm yếu của mình vậy, theo cách nghĩ của Yến.
Thật ra, có lẽ chỉ là một chút khác biệt về cách sử dụng “từ chuyên môn” trong Phật pháp mà Yến chưa lĩnh hội được hết thôi, chứ quan điểm chung thì Yến hoàn toàn đồng ý với anh rồi.
Chia sẻ với anh vài ý. Hi vọng được anh giải thích thêm. Nhân tiện xin cám ơn anh, vì đọc những bài viết của anh, Yến cảm nhận và hiểu được thêm một chút (dĩ nhiên là rất nông cạn) nhiều khái niệm rất trừu tượng trong Phật pháp.
Chúc anh một tuần mới vui vẻ nha.
Thân,
pky
ThíchThích
Hi Yến,
Yến nói rất có lý. Vì vậy, lúc anh mới đọc Nhất Hạnh lần đầu anh cũng phản ứng như thế: “Sao ông này nói có vẻ… chùa quá” và trong nhiều năm anh gạt bỏ cái mục “ôm ấp vỗ về yêu thương nó.”
Nhưng khi mình thực hành đến một mức mà một ngày nào đó đột nhiên mình có thể thấy “nó” rõ ràng đối diện với mình, như là đưa sờ nó được, thì rất rõ ràng là “nó” hiện ra trong tâm thức của mình như là mình đang ngồi đối diện với mình–một con người khác của mình, đối diện mình rất thành thật với tất cả yếu đuối, ăn năn và đau khổ của “nó.” Lúc đó “nó” không còn là một tư tưởng trừu tượng, hoặc một ý niệm trừu tượng về cái yếu hay cái xấu nữa. Mà “nó” là mình, một cái self của mình, rất cần nương tựa, như là anh em song sinh của mình đang than thở với mình.
Lúc đó, vấn đề không phải là logic nữa, mà là một câu hỏi rất thực, rất cần thiết, và rất cấp bách. “Tôi phải làm gì cho chính tôi ngay bây giờ đây?”
Lúc đó thì mấy lời nói “chùa” trước kia makes sense. Nếu là anh em song sinh của mình, thì mình sẽ ôm ấp, vỗ về và yêu thương nó. Như là mẹ mình đã làm với mình ngày còn bé. Lúc đó không phải là lúc để dạy giáo lý, để giảng bài, hay để xua đuổi. Mà đó là lúc cho tình yêu. Và chính tình yêu đó tự nó mang lại cảm hóa.
Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiêm này với mẹ của mình.
Và kinh nghiệm với chính mình thì mình phải thực hành cho đến lúc mình tự trải nghiệm mà thôi.
Trải nghiệm thường cho mình thấy những điều khác với luận lý ban đầu. Bởi vậy, khi nói đến nghệ thuật sống, mọi vị thầy đều lập di lập lại mấy chữ “thực hành”, “kinh nghiệm”, “trải nghiệm”.
Yến khỏe nha.
ThíchThích
Cám ơn anh Hoành.
Bây giờ thì Yến đã hiểu, về lý thuyết, khái niệm “nhìn nhận và ôm ấp cái yếu, cái đau của mình”.
Anh Hoành đã mất nhiều năm thực hành để đạt đến mức “ngộ” được điều này. Với Yến, nếu muốn “ngộ” được như anh, chắc phải mất rất nhiều thời gian vì Yến hoàn toàn không “thực hành” gì hết. Nhưng Yến hình dung được điều anh nói. Có những khái niệm trước đây Yến hoàn toàn không hiểu, do đó, không chấp nhận. Nhưng dần dần, Yến đã có thể cảm nhận được.
Cám ơn anh đã mất nhiều thời gian giải thích cho Yến như vậy!
Chúc anh vui nha.
pky
ThíchThích
Em cảm ơn anh rất nhiều vì bài viết này. thực sự em cũng đang trải qua một thời kỳ đấu tranh nội tâm như vậy. Nhiều lúc thấy thật là khó khăn, sao trong lúc bạn bè vui tươi tận hưởng cuộc sống thì mình lại có những trói buộc tinh thần. Thực sự em đã xa bố mẹ từ khi đi học lớp 1, em không cảm thấy tự tin, không dám mong muốn… Từ nay em sẽ yêu thương bản thân mình hơn và cố gắng vượt qua chính mình. Em cảm ơn anh.
ThíchThích
Hi Echcon,
Cám ơn em nhé. Anh nghĩ là cuộc đời em rất nhiều thử thách và nhiều chuyện để kể. Đừng quá khắt khe với chính mình. Muốn dễ dãi hiền dịu thoải mái với mọi người, bắt buộc mình phải dễ dãi hiền dịu thoải mái với mình trước. Không có ngoại lệ.
Em khỏe nhé.
ThíchThích
em tình cờ tìm hiểu về các hoạt động xã hội và doanh nghiệp xã hội, bông dưng đọc được bài của anh. Cám ơn anh và cám ơn yến.
Yến đã nêu những điều mà em luôn thắc mắc và anh đã giải đáp tất cả. Em cũng sẽ yêu thương mình nhiều nhiều hơn để có thể yêu thương được người khác
ThíchThích
“Đời em là biển khổ”
Nếu có ai đó hút được hết biển khổ này thì đời em liệu có vui tươi ko hay đời lại khô héo đi?.
Vậy phải làm thế nào để đời em hết khổ?
Em nghĩ rằng nếu đời em là biển khổ thì thân em là thân của 1 con cá hoặc chí ít cũng là mình người đuôi cá
Là cá, em sẽ lặn ngụp và sống vui tươi trong biển khổ của chính mình. Thiếu biển thì cá sẽ chết. Nhưng biển này lại là biển khổ. Em ở trong biển khổ mà không thấy khổ nên câu dẫn nhập đầu tiên của phản hồi này ko phải là câu cảm thán.
Em nghĩ rằng phật tìm cách diệt khổ (?) ko có nghĩa là tìm cách hút hết biển khổ của đời em.
Phật có tìm cách diệt khổ ko? Em nghĩ là ko vì phật là từ bi và ko nghĩ đến việc diệt (giết (?))
Phải chăng phật hút cái khổ của đời em vào lòng để em ko còn thấy khổ nữa
Vài lời suy tư lan man không biết sắp đặt.
Em mong được anh Hoành và các anh/ chị trong vườn chuối chỉ bảo thêm và soi đường sáng lối giúp em.
Em cảm ơn các anh/ chị và chúc các anh/ chị an lành.
ThíchThích
Hi t9g68,
Em nghi rằng đời là biển khổ và em là con cá bơi lội trong biển khổ. 🙂
Như vậy tức là biển khổ của đời là cái gì ngoài ta, bao bọc quanh ta.
Nhưng đó là hiểu lầm số 1 về tư tưởng Phật giáo (“Khổ” là một trong Tứ Diệu Đế, Bốn Chân Lý Vi Diệu, của Phật triết).
“Khổ” hay “Lạc” không ở ngoài ta. Nó ở trong đầu ta, tức là trong “tâm” ta.
Đời ta khổ vì tâm ta thấy đời ta khổ. Nếu tâm ta tĩnh lặng thì ta sẽ thấy đời ta an lạc tĩnh lặng.
Cho nên muốn đời hết khổ thì chẳng phải làm gì với đời cả, mà là luyện tâm tĩnh lặng.
ThíchThích
Em cám ơn anh Hoành.
Nhờ đọc ĐCN mà tâm em bớt xao động
Nhờ đọc ĐCN mà miệng em bớt “chửi bậy”
Ngay hôm qua, em bị một người bạn thân thiết trong lúc nó nóng giận với em đã … đạp vào mạng sườn em một phát
Bình thường thì ngay sau cú đạp bị đau đó miệng của em sẽ bật ra lời “chửi bậy” và có thể mọi chuyện đã … bị xé to ra rồi
Nhưng ko hiểu sao hôm qua em lại “tĩnh lặng” được.
Thật kỳ diệu
Em rất biết ơn anh Hoành và ĐCN.
ThíchThích
Em cảm ơn anh Hoành rất nhiều vì bài viết này.
Đọc bài của anh xong em thấy rõ được nhièu điều trước đây em hay thắc mắc.
Cảm ơn anh, chúc anh luôn an lạc và mạnh khỏe.
ThíchThích
Cháu là 1 du học sinh xa nhà, biết đến trang web từ 1 người bạn lớn, cảm ơn chú rất nhiều về các bài viết ạ.
ThíchThích