Không bám bụi

Zengetsu [Thiền Nguyệt: Zengetsu (J); Jianyuan Zhongxing (C), 833-912], một thiền sư Trung quốc đời Đường, viết lời khuyên sau đây cho các đệ tử:

Sống trong thế gian nhưng không bám bụi đất thế gian là đường thật của Thiền.

Khi thấy một việc thiện của người nào thì hãy cố học theo gương đó. Nghe thấy lỗi lầm của ai thì tự bảo là không bắt chước.

Dù đang ở trong phòng tối, hành động như đang đối diện một vị khách quí. Bộc lộ cảm xúc, nhưng không bộc lộ hơn là bản tính thật của mình.

Nghèo khó là kho báu. Đừng bao giờ đổi nghèo khó lấy một đời sống dễ dàng.

Một người có thể nhìn như một người điên, nhưng không điên. Có thể là anh ta chỉ bảo vệ cẩn thận sự thông thái của mình.

Đức hạnh là hoa trái của tự kỷ luật và chẳng rơi từ trời xuống như mưa hay tuyết.

Khiêm tốn là nền tảng của tất cả mọi đức hạnh. Hãy để láng giềng khám phá ra bạn trước khi bạn tự trưng bày bạn cho họ.

Một trái tim cao thượng không bao giờ xấn tới trước. Lời nói của nó là ngọc quí, it khi trưng bày, và có giá trị rất lớn.

Đối với một thiền sinh thành thật, mỗi ngày là một ngày ân phúc. Thời gian trôi qua nhưng thiền sinh không bao giờ trễ nãi. Cả vinh quang cũng như nhục nhã đều không làm thiền sinh bị xao động.

Khắt khe với chính mình, nhưng không với người khác. Đừng bàn luận đúng hay sai.

Vài điều, dù là đúng, vẫn bị xem là sai nhiều thế hệ. Vì giá trị của phẩm hạnh có thể được nhận ra sau nhiều thế kỷ, nên chẳng cần ham được nhận biết tức thì.

Sống với nhân và để luật lớn của vũ trụ lo quả. Sống mỗi ngày trong thiền định an bình.

Bình:

• Không chạy trốn cuộc đời. Sống trong cuộc đời bụi bặm, nhưng không bám bụi. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ta có làm được thế không?

Thưa, được, nếu bạn đừng phạm lỗi lầm nhiều người đang phạm, là sống thì phải “thực tế” thế này, “thực tế” thế kia. “Thực tế” thì chẳng có gì là sai sót cả, ngoại trừ ngày nay “thực tế” chỉ là từ lịch sự để chỉ “làm bậy như người khác”, cũng như “bồi dưỡng” là từ lịch sự cho “tham nhũng.”

Chỉ có một việc cần phải làm là đứng vững trên các giá trị nhân phẩm của mình, dù là chuyện gì xảy ra. Giản dị vậy thôi. Và đó cũng là thử thách tối hậu. Ta có quyết tâm không mà thôi.

• Nghèo khó là kho báu: Nếu bạn may mắn làm ăn thành công thành triệu phú, bạn có thể giữ được con tim khiêm tốn của người nghèo khổ không?

• Khiêm tốn là nền tảng mọi đức hạnh: Khiêm tốn là một khía cạnh của vô ngã. Người đạt được vô ngã là người giác ngộ.

Trong Bảy Trọng Tội Đầu Tiên (seven cardinal sins) của Thiên chúa giáo thì tội kiêu ngạo là tội đầu tiên, tội số một trên tất cả mọi tội khác.

• Sống với nhân và để luật lớn của vũ trụ lo quả: Làm việc thiện, và chuyện gì đến thì mặc nó. Nói thật, và chuyện gì đến cũng mặc nó. Ngay thẳng, và chuyện gì đến cũng mặc nó. Làm ăn trong sạch, và chuyện gì đến cũng mặc nó. Hy sinh bảo vệ công lý, và chuyện gì đến cũng mặc nó.

Gieo nhân tốt, và để mặc luật tự nhiên lo việc quả. Dù cho ta thấy quả thế nào trước mắt, thì trong trường kỳ, đương nhiên là nhân tốt phải mang đến quả tốt.

Nếu ta chỉ lo nhân, mà không quan tâm đến quả, ta sẽ có sức mạnh vô song. Sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách.

Nếu ta chỉ cứ chăm chăm lo quả–tiền tới, danh tiếng tới, danh dự tới, an ninh cho đời sống—ta chỉ mất nguyên lý sống của chính mình và chỉ hèn đi thôi.

(Trần Đình Hòanh dịch và bình, trong “101 Truyện Thiền bình giải”)

No Attachment to Dust

Zengetsu, a Chinese master of the T’ang dynasty, wrote the following advice for his pupils:

Living in the world yet not forming attachments to the dust of the world is the way of a true Zen student.

When witnessing the good action of another encourage yourself to follow his example. Hearing of the mistaken action of another, advise yourself not to emulate it.

Even though alone in a dark room, be as if you were facing a noble guest. Express your feelings, but become no more expressive than your true nature.

Poverty is your treasure. Never exchange it for an easy life.

A person may appear a fool and yet not be one. He may only be guarding his wisdom carefully.

Virtues are the fruit of self-discipline and do not drop from heaven of themselves as does rain or snow.

Modesty is the foundation of all virtues. Let your neighbors discover you before you make yourself known to them.

A noble heart never forces itself forward. Its words are as rare gems, seldom displayed and of great value.

To a sincere student, every day is a fortunate day. Time passes but he never lags behind. Neither glory nor shame can move him.

Censure yourself, never another. Do not discuss right and wrong.

Some things, though right, were considered wrong for generations. Since the value of righteousness may be recognized after centuries, there is no need to crave immediate appreciation.

Live with cause and leave results to the great law of the universe. Pass each day in peaceful contemplation.

# 77

Một suy nghĩ 7 thoughts on “Không bám bụi”

  1. • Không chạy trốn cuộc đời. Sống trong cuộc đời bụi bặm, nhưng không bám bụi. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ta có làm được thế không?
    — Chú Hoành bình rất đúng, chắc chắn là chúng ta sẽ không thể không phạm lỗi, cuộc đời luôn là một cái bẫy chết người và rất tréo ngeo (viết đúng chính tả không ta?), chỉ cần sẩy chân một cái là rớt vào lưới liền, lúc đó thì “thôi rồi, lượm ơi!”

    • Nghèo khó là kho báu: Nếu bạn may mắn làm ăn thành công thành triệu phú, bạn có thể giữ được con tim khiêm tốn của người nghèo khổ không?
    –Những người có trái tim khiêm tốn của người nghèo khổ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ít ai không ngạo mạn khi họ đã đạt đến sự giàu có trong mơ lắm…nhưng mong rằng con số đó trong tương lai chỉ là hạt bụi (^^!…mình có nói cái gì sai không nhỉ?!)

    • Sống với nhân và để luật lớn của vũ trụ lo quả: Làm việc thiện, và chuyện gì đến thì mặc nó. Nói thật, và chuyện gì đến cũng mặc nó. Ngay thẳng, và chuyện gì đến cũng mặc nó. Làm ăn trong sạch, và chuyện gì đến cũng mặc nó. Hy sinh bảo vệ công lý, và chuyện gì đến cũng mặc nó.
    –Nhưng cái cân của công lý không còn đều nhau nữa. Làm việc thiện thì không nói. Ngay thẳng, người ta cho mình là chảnh, có giỏi hơn ai đâu mà đòi nói ra sai lầm của người khác; nói thật, dù biết là nói thật giúp cải thiện con người, nhưng nó làm cho tâm mình bấn loạn, lo lắng. (và cháu đã từng bị như vậy….cảm giác cứ như mình là người có lỗi chứ không phải bạn mình); làm ăn trong sạch, điều này hình như là không thể, cũng có thể lắm…nhưng biết nói sao nhỉ!? Xã hội bây giờ không tham ô, hối lộ thì không thể sống sót được; trong một thương trường, hay thậm chí trong một cơ quan, cũng phải “nuôi” ông này bà kia mới mong được ông, bà “thương yêu”, “để mắt”…. ; hy sinh bảo vệ công lý, ừ thì cũng được đấy, nhưng lại được người khác khen là “khờ”, “dại”…. là anh hùng trong lòng mọi người một lúc….còn nếu to lớn (chẳng hạn như cải tổ lại bộ máy chính trị nhà nước) thì lại khác nữa. Nhưng làm gì có anh hùng nào sống sót sau một trận “đấu chí” và “đấu mưu” đâu…cán cân công ly từ lâu đã “vẹo” mất tiêu rồi, dù có đúng thì cũng thành sai mà thôi. Áp lực và sự hấp dẫn của đồng tiền, của vật chất luôn làm mờ mắt tất cả mọi người.
    —-
    Cháu chỉ nói suy nghĩ của cháu, nếu có sai sót gì mong mọi người bỏ qua. Nhưng như thế mới có những điều mà Phật dạy….
    —-
    Chúc mọi người chiều mát thật mát!
    —-
    Mr.Clown

    Thích

  2. Wow, Mr. Clown comments hay quá. Chú rất phục đó.

    Và Mr. Clown nói mọi sự đều đúng hết. Không phản biện được.

    Vấn đề là minh chọn thái độ gì trước một tình trạng thôi. Lấy ví dụ dễ hiểu và giản dị nhất là nói dối. Mọi người trên thế giới đều nói dối–người thì đại ma đầu về nói dối, người thì công phu vào mức trung bình, người thì tạm gọi là có lý do chính đáng (?) để bào chữa.

    Trước tình trạng đó, mà mọi người đều đồng ý là tình trạng chung của thể gian, chúng ta có hai cách chọn lựa–một là cứ nói dối thoải mái như đa số người; hai là đứng vững trên nguyên lý “không nói dối.” Cách chọn lựa nào cũng có những lý do khá hợp lý luận để bào chữa, cho nên tranh luận cũng vô ích. Chỉ là ta thích chọn đường nào thôi.

    Một là cứ như thế gian
    Hai là cố gắng cho thế gian đẹp hơn một tí

    Và nếu mình chọn đường số hai (cố gắng cho thế gian đẹp hơn một tí) thì thế gian càng nhiều người nói dối mình lại càng cương quyết cổ võ không nói dối (Để cân bằng lực lượng mà 🙂 )

    Và các thánh nhân (Phật Thích Ca, Chúa) thì đã chọn đường số hai–con đường gian khổ và cô đơn hơn con đường đông người.

    Và chúng ta có khuynh hướng chê nhau–đường số 1 chê đường số 2 ngây thơ, đường số 2 chê đường số 1 thiếu đạo đức. Thì lâu lâu nói vậy cũng được, để tuyên truyền cổ võ cho con đường của mình một tí 🙂

    Nhưng, chú thực sự tin rằng, dù cho mình có chọn đường nào và làm gì thì thế giới cũng vậy vài ngàn năm nữa–vẫn vô số người nói dối, vẫn nhiều người cổ võ chống nói dối.

    Như là công dã tràng. Đúng vậy. Đối với cuộc đời lớn rộng, cuộc đời nhiều khi cứ vậy, dù ta có làm gì.

    Nhưng nghĩa lý nằm ngay trong sự sống của chính mình. Đó là câu chuyện The Old Man and the Sea của Hemingway mà chú nghĩ là diễn tả rất hay cốt lõi của sự sống. Ông già ngư phủ câu được con cá lớn quá lớn, hình như lơn hơn cả chiếc thuyền cỏn con của ông ta. Và dĩ nhiền là ông ta chiến đấu rất mệt mỏi với con cá. Hai ba ngày gì đó ông ta chiến thắng và kéo con cá từ từ vào bờ. Vào đến bờ thì con cá vĩ đại chỉ còn là bộ xương chẳng giá trị gì cả, vì thịt nó đã bị các con các khác ăn hết. (Chú nhớ mang máng như vậy. Đọc lâu quá rồi).

    Ông già chiến đấu kinh khủng, chỉ để chiến đấu và chiến thắng, nhưng không để được phần thưởng nào cả.

    Bản chất của cuộc đời là vậy. Một cuộc hành trình gian khổ, và ta khắc phục gian khổ chỉ để… tiếp tục đi và tiếp tục khắc phục gian khổ.

    Mr. Clown vui nha 🙂

    Thích

  3. Góp lời bình cùng anh Hoành và Mr. Clown nhé 🙂

    1. @ Mr. Clown: Đã tham gia bình luận thì cứ thoải mái bày tỏ ý kiến của mình đi bạn ạ, chẳng có gì là đúng, là sai cả. Nguyên tắc: người đúng nhất là … mình, cho đến giây phút mình … nhận ra được điều đúng hơn, ngay sau đó mình lại tiếp tục… đúng nhất ! 😀

    2. “đứng vững trên các giá trị nhân phẩm của mình” (anh Hoành). Đây là một quan điểm sống mà mình rất thích. Thật ra thì chẳng phải để làm “thánh sống” giữa “nhân gian” đâu, mà chính những bộ giá trị mà mỗi con người theo đuổi sẽ cho mỗi người những ý nghĩa khác nhau về cuộc đời này. Mình đã từng quay quắt nhiều năm với câu hỏi “con người sinh ra để làm gì?”, “tại sao người ta lại phải sống?”, “vậy sống vì cái gì?” Những câu hỏi này như thiết yếu cho những quyết định trong cuộc đời mình: học cái gì? theo nghề mình thích hay theo nghề nhàn hạ? hay nhiều tiền? . Đến nay chúng vẫn là những câu hỏi không có câu trả lời, nhưng khi quyết định sống theo những giá trị, hướng đến những cái đẹp của cuộc đời, mình thấy yên hơn và bớt quay quắt hơn nhiều. Sống là một người tốt để cho đời ư? Không đâu, mà cho chính mình đấy bạn ạ, chỉ là mình đã nhìn ra được cái sự “cho mình” ấy hay chưa mà thôi.

    3.”ít ai không ngạo mạn khi họ đã đạt đến sự giàu có trong mơ lắm” (Mr. Clown). Nếu một người ngạo mạn vì họ giàu có thì là vì họ không thấy được những giá trị cao hơn trong đời nên mới lấy sự giàu có làm đích đến của sự thỏa mãn, để rồi nghĩ họ đã đạt được điều “đáng tự hào nhất” của nhân gian. Mình không biết tỉ lệ những người như vậy hiện nay nhiều hay ít, nhưng mình tin rằng tỷ lệ ấy sẽ ngày càng ít đi theo sự phát triển của văn minh nhân loại, khi những giá trị cao đẹp khác ngày càng được nhiều người khám phá và nhìn nhận.

    4. “Đừng bao giờ đổi nghèo khó để lấy một đời sống dễ dàng” (Zengetsu) Vì chính trong nghèo khó, người ta phải sống cố gắng hơn, sống hết sức mình hơn, và đó mới là cuộc sống. Một đứa trẻ cầm một hộp bi mà cảm thấy chán phèo và một đứa trẻ mài một hòn đá thành viên bi để có đồ chơi. Đứa trẻ nào thấy cuộc đời đẹp hơn, có ý nghĩa hơn? Vậy bạn sẽ chọn là đứa trẻ nào? Tuy nhiên nghèo khó trong ý này được đối lập với một cuộc sống dễ dàng, chứ không hẳn là một cuộc sống giàu có. Vì bản thân sự giàu không phải là xấu hay không tốt. Nếu với cùng con người đó, cùng sự cố gắng đó, và bộ giá trị đó, sự giàu có sẽ cho con người nhiều cơ hội sống đa dạng hơn, ý nghĩa hơn chứ, phải không? Nếu người giàu là kết quả của một đời làm việc chăm chỉ, thông minh và hiệu quả, đó là một người đáng trân quý chứ?

    5. “Sống với nhân và để luật lớn của vũ trụ lo quả”.(Zengetsu) Có phải đó là cái anh Hoành bảo rằng cần có nền tảng tâm linh để thật tĩnh lặng (trong comments của bài “tĩnh lặng vô điều kiện”)? Vì nhân là cái ta gieo, còn quả là cái ta nhận, Nhân là cái ta quyết định và chịu trách nhiệm. Quả là cái, rốt cục, nằm ngoài sự kiểm soát của ta, vì ngoài ta còn rất nhiều yếu tố tác động lên nó. Đặt tâm trên nhân, mình sẽ có khả năng kiểm soát được. Đặt tâm trên quả, thì nó buộc phải “nhảy như khỉ” thôi! 😀 Sống với nhân là giải đúng một bài toán. Còn quả là điểm 10. Nếu sống với quả, đôi khi sẽ quên mất cái nhân, kiểu như đi “xin điểm” vậy đó.

    6. Nếu như bạn là một người hướng đến kết quả thì anh Hoành đã có một câu rất hay để bạn có thể ghi lòng và luôn đem theo mình: “Dù cho ta thấy quả thế nào trước mắt, thì trong trường kỳ, đương nhiên là nhân tốt phải mang đến quả tốt.” Anh Hoành ạ, em thật sự tin ở điều đó, hoàn toàn! Cám ơn anh nhiều.

    Đã thích bởi 1 người

  4. Cám ơn Quỳnh Linh. Lời bình của em rất tốt cho các bạn.

    Quỳnh Linh viết: “Sống với nhân và để luật lớn của vũ trụ lo quả”.(Zengetsu) Có phải đó là cái anh Hoành bảo rằng cần có nền tảng tâm linh để thật tĩnh lặng (trong comments của bài “tĩnh lặng vô điều kiện”)?

    Đúng vậy đó Quỳnh Linh. Nếu ta không có lòng tin vào luật lớn nào của vũ trụ, mà chỉ tin vào cái gì mắt ta thấy được chỉ vài mét trước mặt, thì ta sẽ luôn luôn sợ hãi, lo lắng và xung động, tâm không thể nào tĩnh lặng được.

    Đã thích bởi 1 người

  5. ^^! Dạ..có gì đâu chú…Cháu cảm ơn chú Hoành và chị Quỳnh Linh…
    @ Chú Hoành: Đúng chú ạ! Dù mình có làm gì đi nữa thì mọi sự vẫn vậy, chẳng khác gì hơn…Cuộc sống nếu không có 2 “lực lượng” mà chú kể trên thì không còn là cuộc sống nữa…phải có trắng và đen, xấu và tốt thì mới làm nên xã hội này. Chứ ai mà cũng tốt đẹp hết thì…thật vô lý hết sức!
    Chúc chú chiều mát!

    @ Chị Quỳnh Linh: Chị đừng gọi em là bạn, em mới lớp 9 mà…:) 🙂 mà em cũng không biết nên xưng hô với chị thế nào, thôi thì cứ gọi chị là Chị Quỳnh Linh nha!
    Em sẽ ghi nhớ lời chị nói. “người đúng nhất là … mình, cho đến giây phút mình … nhận ra được điều đúng hơn, ngay sau đó mình lại tiếp tục… đúng nhất ! ”
    😀 😀
    Đúng vậy! Giá trị cao nhất trong cuộc đời con người không phải là sự giàu có, sung túc, tiền chất đầy kho hay cơm gạo, gấm vóc. Mà sự sung sướng nhất là tâm hồn được thanh cao, được thoải mái và sự vui vẻ của những người nghèo khổ mà mình giúp đỡ.

    Đã thích bởi 1 người

  6. “Khắt khe với chính mình, nhưng không với người khác. Đừng bàn luận đúng hay sai.”
    không biết tại sao từ hồi bé, Thảo có kiểu thích bàn luận đúng sai, hay xét nét, soi mói. Lâu dần mới nhận ra, thật ra điều gì cũng rất khó phân biệt đúng sai, vì đi với điều đó còn có rất nhiều mối quan hệ. ví dụ như “một người túng thiếu ăn trộm ít tiền để mua đồ ăn cho con mình””nói dối để giúp người””một đứa bé chưa biết gì cãi lại bố mẹ nó”… vấn đề là bạn đứng trên quan điểm nào, chọn lựa những lý lẽ nào. Vì vậy mà có vô số những vấn đề tranh luận đến sức đầu chảy máu mà vẫn không ai thắng ai thua, nổi bật nhất là công giáo, chính trị.
    Đôi lúc không biết theo bên nào vì ai cũng có lý lẽ, thôi thì tốt nhất đừng bàn luận đúng sai, có đúng có sai cũng chỉ là tương đối.
    @Mr Clown mới lớp 9 mà đã phát hiện ra ” sự sung sướng nhất là tâm hồn được thanh cao, được thoải mái và sự vui vẻ của những người nghèo khổ mà mình giúp đỡ” thì quả là rất giỏi đó!!

    Thích

  7. Hi anh,

    Chuyện Thiền này thật hay anh ạ!
    Đơn giản, dễ hiểu, sâu sắc… và lời bình cũng vậy.
    Tập trung rất đúng vào “sống với điều nhân ở đây lúc này”, “sống thật ở đây lúc này” không theo đuổi giá trị ảo… Như vậy sẽ đạt tĩnh lặng mà mình không cần cố gắng, không cần mong muốn. Tự nhiên đến!

    Bài này đăng từ năm 2010. Bây giờ là năm 2016.
    Hay quá!

    (Em đang suy nghĩ là không biết bạn Mr.Clown đi đâu rồi, nếu bạn ấy đọc lại bài này và comment của bạn, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên với những suy nghĩ mới sau 6 năm ^^)

    Em Phương

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s