Quê Hương trường ca – Đoạn 6

Hành trình tìm hơi thơ – hành trình từ Đất
Hành trình đi tìm quê hương – khởi hành từ nỗi nhớ quê hương
Bắt đầu từ bàn chân trần – trắng, từ con số không
Từ con số âm, có lẽ.
Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão
Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão
Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng
Po Klaung, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang
Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!
Thế giới rậm rịt bao la cho ta ngàn cơ hội
Cơ hội của ta, cơ hội cho cháu con.
Để nuôi ta, ta rút tinh chất từ cha ông
Thì phải cất cho đời sau dòng nhựa*
Giữa đêm tối bão giông, hãy cúi rạp như ngọn cỏ
Ngọn cỏ ngóc đầu trong nắng mai.
Cây nở hoa từ u tối bùn lầy
Người thì lớn khôn từ trần ai bể khổ.
Hành trình đi tìm hơi thơ – hành trình tìm hơi thở
Trong bụi bặm trang sách, sa mù câu kinh
Dưới sần chai dấu chân, trên lãng đãng con đường
Người xưa bỏ lại trên cát.
Hơi thở mênh mang trong lời ru, câu hát
Tối mẹ ầu ơ hay chiều em nghêu ngao
Cánh tay anh gân guốc trên tầng cao
Hình lưỡi búa vẽ vòng cầu vào nắng trưa vọt ra hơi thở
Trên vầng trán cha đẫm sương quá khứ
Hơi thở ẩn tàng dưới nếp nhăn
Hơi thở dạt dào trong mắt sinh viên
Tìm hương Đất giữa khô khan bài học
Qua trang sách, mở phơi đường dân tộc
Con đường nhọc nhằn dẫn lối con đường xanh.
Hãy yêu hãy yêu như ta chưa từng
Đứa con đi hoang bỏ xa làng mạc
Mang bụi đất quê hương về miền xứ khác.
Và hãy yêu hơn con người chân chất
Sống một đời ôm mang đất – phù du
Những con người hiến thân cho hơi thở phong nhiêu

Inrasara

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Quê Hương trường ca – Đoạn 6”

  1. Đoạn này của Trường Ca bắt đầu mở ra khỏi quá khứ, khỏi chủng tộc, để đi đến hiện tại và tương lai cho đất nước. Một bước nhảy vọt lớn giữa trường ca.

    Rất hay, anh Sara!

    Thích

  2. Hi Can,

    Các nhà phê bình thường nói đến Sara như một nhà thơ. Sai thì không sai, nhưng chệch tâm điểm. Các thiền sư ngày trước thường làm thơ, hoặc chỉ làm thơ, nhưng rất ít khi người ta gọi thiền sư là thi sĩ. Vì thực ra thi ca, nhạc, văn, luận lý, hay môn nghệ thuật nào thì cũng chỉ là cái vỏ, chuyển tải cái gì mới là chuyện chính.

    Anh nghĩ đến Inrasara như là một nhà văn học hay văn học sử, tình cờ chọn thi ca là phượng tiện truyền tải tư tưởng, và sử dụng phượng tiện này rất hay. Như vậy thì chúng ta mới nhìn nội dung các tác phẩm của Sara nghiêm chỉnh được.

    Thích

  3. Quê Hương Trường ca.

    Cám ơn anh Inrasara. Mình trân trọng tấm lòng người viết. Thể văn chuyên chở những khắc khoải thao thức và tỉnh táo.
    Nhân chứng của những biến đổi lịch sử tăm tối ngươc dòng

    Bất lực với ý thức dấn thân . Nhưng tâm hồn anh nồng nàn ,lắng sâu tình yêu quê hương ,xót đau với số phần đất nước.

    Gởi gấm của anh rất hiền lành, chân tình với bao dung và thuyết phục.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s