Ngày bé, tôi và bạn chơi trò thổi nước. Chúng tôi tin rằng cứ thổi hàng ngàn hàng vạn giọt nước nhập vào nhau như thế, chúng tôi sẽ có một biển lớn. Lớn lên, niềm tin ấy bị tước đoạt (dĩ nhiên) nhưng chúng tôi lại nhận ra rằng: Nếu mỗi người là một giọt nước, thì cứ thổi những giọt nước lại gần nhau, chúng ta sẽ tạo lên được một đại dương nhân loại. Đó chính là sự rộng lòng, là quan tâm, là sẻ chia, là kết nối của người với người.
“Hạnh phúc là một tấm chăn quá hẹp mà người này co thì người kia bị hở” (Nam Cao). Vì vậy, mà sự quan tâm và cảm thông đang tìm cách nối dài thêm tấm chăn đó, vá víu nó lại, có thể nó không đủ cho tất cả nhưng nó cho phép người ta tin vào một tấm chăn sẽ rộng hơn trong tương lai.
Cuộc sống lao đi càng nhanh, chúng ta lại đánh rơi càng nhiều, đôi khi đó là cả những mất mát về mặt tinh thần và vật chất mà không còn kịp để lấy lại. Vì thế, sẻ chia như một như cầu cần thiết để xoa dịu những nỗi đau đớn đồng thời sự quan tâm, cảm thông chính là sợi dây níu kéo chúng ta khỏi bước chân của sự trốn chạy, để chúng ta chấp nhận và chiến đấu với phần cuộc sống tiếp theo thay vì ngủ vùi, tìm kiếm trong những thứ đã thuộc về quá khứ.
Thế giới này luôn có chỗ cho tất cả nhưng lại không có chỗ cho những hàng rào phân cách, thế mà nó vẫn được xây dựng lên bằng sự phân hóa giàu nghèo, địa thế xã hội…. May thay, loài người biết cách phá hủy nó, họ đã phá hủy nó bằng sự rộng lòng đón nhận tất cả những điều khác biệt, bằng khả năng thụ cảm tuyệt vời của trái tim và một trí tuệ luôn hướng về mặt trời.
Chính vì vậy, quan tâm, cảm thông và chia sẻ chính là thành quả văn hóa “Thương người như thể thương thân”, là giá trị sống cao đẹp của nghìn năm tích lũy. Để con người biết mỉm cười với cuộc sống nhiều hơn.
Các trào lưu “Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn” đang khuấy động được tất cả mọi người. Đơn giản đó là cách để họ không đánh mất mình và cũng là cách duy nhất để những người xung quanh không đánh mất họ.
Mẫn, một cô bạn cùng lớp tôi, bạn ấy có một ước mơ rất đẹp: Mơ làm cô giáo miền núi. Cô bạn nhỏ muốn đem cái chữ đến cho miền núi hẻo lánh, cho phép ước mơ được chắp cánh trên những cái đầu cháy nắng, cho phép những bàn chân bước đi trên thảm đỏ học vấn thay vì bước trên ruộng cày nứt nẻ. Ban ấy muốn sẻ chia tấm chăn hạnh phúc vốn dã rất hẹp của mình. Nhưng mấy ai biết được bạn ấy sống một cuộc sống thiếu vắng người bố, bạn ấy tự lớn lên, bươn chải và trưởng thành cùng với một người mẹ bệnh tật. Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ Mẫn, cô ấy khóc vì ước mơ con mình sao mà cực nhọc thế! Sao không giống tôi, mơ làm doanh nhân. Tôi cũng thấy cay xè vì ước mơ ấy có phải của tôi đâu. Tôi yêu những làng trẻ S.O.S nhưng đôi khi lại từ bỏ chuyến đến thăm chỉ vì một cuộc chơi. Tôi thiếu một bản lĩnh để yêu thương người khác, bạn có như tôi không?
Các “Quỹ trẻ em chất độc màu da cam”, “Quỹ nụ cười trẻ thơ”, “Quỹ Vì người nghèo” … đang xuất hiện ngày càng nhiều, thể hiện rõ sự quan tâm tích cực từ xã hội cũng như là sự sẻ chia gánh nặng đến những số phận kém may mắn. Đặc biệt hơn, những bạn trẻ ở nước ngoài cũng không ngoài cuộc, Hội từ thiện GFO của sinh viên Việt Nam tại Singapore hoạt động với tinh thần từ thiện không biên giới của các bạn trẻ đang tăng cơ hội cho hàng trăm bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Những giọt nước tràn ra khỏi biên giới để tìm thêm cơ hội cho những giọt nước khác, cũng là giúp thế giới cùng “nối vòng tay lớn”, kết nối yêu thương.
Nhưng lợi dụng trào lưu sống đẹp đó, vẫn có những sự tư lợi, ngụy tạo, dán nhãn quan tâm, sẻ chia nhưng thực chất chỉ là sự quảng cáo, đánh bóng, hay tồi tệ hơn là để phục vụ những mục đích xấu xa. Việc nhận con nuôi vốn là một việc mang đầy tính nhân đạo nhưng đã bị lợi dụng để biến thành những đường dây buôn bán trẻ em bất hợp pháp, để được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước,v.v … Tôi từng đọc cuốn sách “A child called ‘It’” và “The lost boy” của Dave Pelzer ( cuốn sách viết về vụ bạo lực gia đình lớn nhất tại Mỹ ) và ngạc nhiên khi phát hiện ra “con nuôi” vốn được xem như là những đứa trẻ hư hỏng ở Mỹ. Việc gì đã khiến thước đo về những đứa trẻ bất hạnh trở lên khắc nghiệt hơn như thế
Những điều đó đã khiến cho lòng tốt bị nghi ngờ, cộng với tâm lý cố thủ, khép mình của một số người đang làm xã hội trở lên khắc nghiệt hơn. Không thể nào có được một “Chúng ta” đích thực nếu mỗi người không sẵn sàng là một “cái tôi” riêng- rõ ràng và trung thực trong mắt người khác.
Mỗi chúng ta đều có những thứ đáng giá để trao tặng, sẻ chia. Vấn đề là chúng ta có đủ can đảm để trao nó mà không chờ bất cứ điều gì hay không. “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” là một bản lĩnh sống như vậy đấy!
Vì thế, không gì hơn để có thể xóa bỏ sự đa nghi trong người khác chính là xóa bỏ sự đa nghi trong bản thân, để bày tỏ nỗi lòng với người kia, nhằm ăn khớp những mảnh đời với nhau một cách uyển chuyển mà không làm mất đi tính trung thực của riêng mình trong quá trình sẻ chia và cảm thông.
Hàn gắn vết thương, thắp sáng tâm hồn, mở đường tương lai và chắp cánh ước mơ là món quà tuyệt diệu nhất của mà trình đó trao tặng cho mỗi cuộc sống. Trào lưu sống đẹp này đang kêu gọi xã hội tiến bộ, đào thải những hiện tượng phản tiến bộ đến từ sự lạnh lùng và vô cảm của con người. Những điều đó đang gọi yêu thương quay về với cuộc sống.
Hạnh Nguyên
Hay lắm, Hạnh Nguyên!
Rất bản lĩnh, rất tự tin, rất trung thực! Và rất tích cực với cuộc sống!
Cô tự hào và tin yêu những bạn trẻ như Hạnh Nguyên lắm.
Chúc Hạnh Nguyên đủ mạnh mẽ để thể hiện bản lĩnh sống của mình 😆 😀
ThíchThích
Tốt lắm Hạnh Nguyên!
Chị Khánh Hòa chọn ảnh cho HN đó. 🙂
ThíchThích
Hay lắm Hạnh Nguyên!
Ước gì các em đều toại nguyện!
Riêng Hạnh Nguyên, ước gì trong tương lai em cũng làm được những gì như chị Khánh Hòa, anh Minh Hiển đã làm ( dĩ nhiên là quá khó)
Nổ lực hết mình nhé em!
ThíchThích
Sâu sắc và chân thật.
Mình thích nhất câu nói “Sống là cho” trong bài viết của cậu. Mình cho người khác, rồi người khác sẽ cho mình, cuộc sống là một vòng tròn giúp đỡ nhau cùng đi lên, cùng thành công và cùng hướng về phía mặt trời.
Chúc cậu sớm đạt được ước mơ của mình
ThíchThích