Thứ ba, 12 tháng 1 năm 2010

Bài hôm nay

Joe Hill – Người nỗi loạn chính tông , Văn Hóa, Nhạc Xanh, Video, anh Nguyễn Minh Hiển.

Bằng lời hay im lặng?, Danh Ngôn, song ngữ, chị Ban Mai .

Đừng tính tháng năm, Danh Ngôn, song ngữ, chị Bằng Lăng Tím.

Những gì bên trong ta, Danh Ngôn, song ngữ, chị Thanh Hằng.

Quá tửu gia – Vương Tích , Thơ , anh Đinh Đức Dược

Buôn Hồ ơi, ta nhớ đến trọn đời , Thơ Phạm Tư Hương, chị Thịnh Hoa giới thiệu.

Phụ Nữ , Thơ, chị Phan Bích Thiện.

Người yêu đọc sách không bao giờ phải ngủ một mình, Chuyện Phố, anh Nguyễn Văn Du.

Vua Voi trăm tuổi: Yêu, ai chả thích! , Chuyện Phố, Chứng Nhân, chị Hoàng Thiên Nga.

Gió chiều thênh thang , Văn, chị Đàm Lan.

Thánh thi Hafiz: Một Thế Giới Mới – Những Tia Nắng, Thơ, Trà Đàm, song ngữ, anh Trần Đình Hoành.
.

Tin sáng quốc tế, anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Ngày không quần dài trên tàu điện – Không khí trên các tàu điện ngầm ở thành phố New York (Mỹ) hôm chủ nhật vừa qua (10.1.2010) đã nóng lên thật sự khi hàng trăm người đã tham gia sự kiện Ngày không mặc quần dài khi đi trên tàu điện ngầm ở thành phố này.

CHDCND Triều Tiên muốn ký hiệp ước hòa bình – Trong một động thái được đánh giá là tích cực, CHDCND Triều Tiên ngày 11-1 đã đề nghị đàm phán hòa bình để chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, đồng thời tuyên bố việc chấm dứt trừng phạt và cải thiện quan hệ với Mỹ là những điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán sáu bên.

LHQ phát động Năm Quốc tế đa dạng sinh học – Hôm nay 11-1, Liên hiệp quốc (LHQ) phát động 2010 là Năm Quốc tế đa dạng sinh học, cảnh báo sự biến mất của nhiều loài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và hạnh phúc của con người trên toàn thế giới.

Người xây kim tự tháp là công nhân xây dựng – Những ngôi mộ vừa được tìm thấy tại khu lăng mộ cổ Giza, cao nguyên Giza, ngoại ô Cairo (Ai Cập) hé lộ một bí mật là những kim tự tháp vĩ đại của đất nước này được những công nhân xây dựng chứ không phải những nô lệ, các nhà khảo cổ học Ai Cập tiết lộ vào ngày 11.1.2010.

Japan Airlines sẽ tuyên bố phá sản – Nguồn tin từ Bộ Tài chính Nhật cho biết hãng hàng không lớn nhất châu Á Japan Airlines (JAL) nhiều khả năng sẽ tuyên bố phá sản trong tuần này.

Tướng Mỹ: Iran có thể bị không kích – Chỉ huy quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, tướng David Petraeus, hôm qua 10-1 (giờ địa phương) xác nhận Washington đã phát triển các kế hoạch dự phòng bằng vũ lực để giải quyết những cơ sở hạt nhân của Iran.

Từ WTO đến ACFTA – Khu vực tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) là sự kiện kinh tế lớn đầu tiên của năm 2010. Lại cũng kèm theo đó những tin tức về những “bước lui” của Indonesia trước ACFTA.

Croatia: lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội đắc cử tổng thống – Với 60,3% phiếu bầu, lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội đối lập tại Croatia – ông Ivo Josipovic – đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 vào ngày 10-1.

Nụ cười con trẻ dập kíp đai bom – Cách đây hơn bảy năm rưỡi, một nữ chiến binh Palestine đã bất ngờ quyết định không kích nổ đai bom quấn quanh mình khi thực hiện đánh bom liều chết tại thành phố Tel Aviv (Israel)..

Tin sáng quốc nội , anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Việt Nam vẫn tiếp nhận vắc xin phòng cúm A/H1N1 – Liên quan đến những “cáo buộc” cho rằng đại dịch cúm A/H1N1 đã bị thổi phồng để bán thuốc và vắc xin, chiều 11/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, Việt Nam vẫn tiếp nhận vắc xin phòng cúm này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ.

Bảo vệ nhà báo là bảo vệ quyền được thông tin – Vụ ba nhà báo bị hành hung một lần nữa nhắc nhở rằng báo chí là nghề nguy hiểm. Theo nhà báo Hữu Thọ (nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương), căn nguyên là nhà báo thường đi tìm sự thật mà không phải ai cũng muốn sự thật đó bị phơi bày trước công luận.

Hừng hực hào khí Tây Sơn của hơn 200 năm trước – Tối 9/1, đại lễ hội “Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế” đã diễn ra hoành tráng tại khu vực núi Bân, TP Huế, nơi 221 năm trước, người anh hùng dân tộc Quang Trung đã thần tốc tiến quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược.

Hà Nội ngừng cấp phép đào đường trong dịp Tết – Trong dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 1-2 đến 24-2, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tạm ngừng cấp phép đào đường trên toàn thành phố. Việc tổ chức thi công và sửa chữa kịp thời các vệt đào đường, hè để thi công, sửa chữa công trình ngầm phải xong trước ngày 31-1.

Thanh Hóa: dân tự nguyện giao nộp hơn 3.300 khẩu súng săn – Sáng 11-1, nguồn tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết từ năm 2006 đến hết 2009, bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng công an và kiểm lâm Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tỉnh giao nộp được 3.321 khẩu súng săn, 767 viên đạn, 462 nòng súng các loại.

Người nghèo suy thận: Vẫn có cách lo – “Có cách nào giúp chúng tôi không?”. Tuổi Trẻ mang tiếng kêu cứu này của những bệnh nhân (BN) nghèo bị suy thận mãn đi hỏi các bác sĩ, tổ chức từ thiện và cơ quan nhà nước. Câu trả lời là “có cách”!

Thăm chiến sĩ và nhân dân Trường Sa – (Khánh Hòa) – Chiều 10-1, tại quân cảng Cam Ranh, Vùng 4 hải quân đã tổ chức khởi hành chuyến thăm, tặng quà Tết Canh Dần 2010 cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Giá vàng tăng 250.000 đồng/lượng – Giá vàng thế giới tăng mạnh trong sáng 11-1 kéo giá vàng trong nước tăng 250.000 đồng/lượng, đạt 27,18 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên mãi lực trên thị trường chủ yếu vẫn xuất phát từ các tổ chức tín dụng và tiệm vàng, người dân rất ít giao dịch.

Sôi động dịch vụ làm đẹp nhà cửa – Chỉ cần 2-3 triệu đồng, ngôi nhà, căn hộ của bạn sẽ được làm sạch để đón tết. Sàn nhà bóng loáng, thảm được làm lại như mới, đồ đạc được sắp xếp lại… Dịch vụ vệ sinh nhà cửa để làm đẹp vào dịp cuối năm đang nóng lên từng ngày.

Visa đạt mốc một triệu thẻ phát hành tại VN – Tổ chức thẻ quốc tế Visa vừa công bố các đối tác ngân hàng của Visa đã phát hành vượt mốc một triệu thẻ tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng 900% trong vòng chưa đầy 5 năm kể từ khi mở văn phòng đại diện tại thị trường này

Hoạt động đầu tư khởi sắc – Theo Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM, trong 10 ngày đầu năm 2010 lượng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến làm thủ tục vẫn không suy giảm.

Mỹ đóng cửa ngân hàng đầu tiên trong năm 2010 – Ngân hàng Horizon có tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và tổng tiền gửi của khách hàng khoảng 1,1 tỷ USD trở thành ngân hàng đầu tiên của Mỹ bị đóng cửa trong năm 2010.

Trồng dưa không hạt lãi cao – Nhiều người dân vùng dưa Long An đang chuyển sang trồng dưa hấu không hạt do năng suất và giá cao hơn so với dưa có hạt.

Những thông tin mới nhất về tuyển sinh năm 2010 – Chiều 10-1, TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó GĐ ĐHQG TP.HCM) và TS Nguyễn An Ninh (cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT) đã đến tòa soạn Tuổi Trẻ Online để trả lời những thắc mắc của bạn đọc xung quanh các vấn đề tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010.

Đại học có nhiều bằng sáng chế nhất – Đại học Viễn Đông ở Đài Nam, Đài Loan (Trung Quốc) lập kỷ lục thế giới “Đại học có nhiều bằng sáng chế nhất” với 1.078 giấy chứng nhận sáng chế.

Tên anh: ngôi trường tôi học, con đường tôi đi – Tôi, người con đất Cẩm, chợt lặng mình khi vô tình đọc được câu hỏi trên báo Tuổi Trẻ: “… Kể một câu chuyện vì nước vì dân của người cộng sản đã hi sinh ngay tại tỉnh thành mà bạn đang sống…”.

Mong manh thuyền ba lá đến trường – Hằng ngày, hàng chục em học sinh cấp II người dân tộc Thái ở bản Chiềng, xã vùng cao huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) phải tự chèo chống con thuyền ba lá vượt dòng sông Mã hùng vĩ để sang trung tâm xã học (ảnh).

Quảng Ngãi: 200 suất học bổng “Ngăn dòng bỏ học” – Tối 9-1, trên 5.000 học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học và THPT tỉnh Quảng Ngãi đã tham dự lễ miinh kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và Trường đại học Công nghiệp TP.HCM – cơ sở miền Trung tổ chức.

Trồng cây trên mái nhà – Tiếp thu công nghệ phủ cây xanh lên mái nhà của thế giới, bốn bạn nữ khoa kiến trúc công trình (ĐH Kiến trúc TP.HCM) gồm Trầm Bội Thi, Tạ Nguyễn Phương Nguyên, Phạm Thị Thu, Đặng Nhật Linh đã có ý tưởng áp dụng công nghệ này tại VN qua đề tài “VN và kiến trúc sinh thái mái xanh”.

Không có sự trung thực nửa vời -Sau tâm sự của một bạn gái “Trung thực ư? Khó quá!” trên Nhịp sống trẻ, đã có những lời khuyên về cách ứng xử của sự trung thực. Có ý kiến khuyên nên “trung thực có giới hạn”. Nhịp sống trẻ giới thiệu ý kiến khác tranh luận lại ý kiến trên. Bạn đọc có thể tham gia ý kiến qua địa chỉ email

Một thời đã vắng xa – Vào những năm 1980, tại gian bán sách nước ngoài của những cửa hàng sách lớn ở Matxcơva có khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng Nga, in ấn rất đẹp, bìa cứng, minh họa trang trọng.

Hội họa nhân ái – Như thường niên, nhân dịp tết cổ truyền, một triển lãm với chủ đề Hội họa nhân ái lại được mở ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3). Lần này triển lãm quy tụ 98 tác giả gồm cả họa sĩ lão thành và họa sĩ trẻ, với 99 tác phẩm đa dạng chất liệu và đề tài.

Yoko Ono viết tự truyện về John Lennon – Sau cùng Yoko Ono (ảnh) đã chấp nhận nói lên sự thật về những ngày sống bên John Lennon cũng như vai trò của bà đối với sự tan rã của ban nhạc Beatles. Tự truyện sẽ ra mắt vào năm 2015.

Mười hai anh tài… – Chỉ sau vài tháng khai trương, Trung tâm nghệ thuật ứng dụng thuộc Đại học Mỹ thuật TP.HCM (5 Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) đã nhanh chóng trở thành một địa điểm hội tụ mỹ thuật quan trọng nhất của thành phố.

Trần Vàng Sao… vẽ – (TN&GT) Trần Vàng Sao là nhà thơ nổi tiếng, dù anh chưa một lần “PR” tên tuổi của mình trên bất cứ diễn đàn thơ nào, cũng chưa một lần xông lên đọc thơ ở bất cứ cuộc trình diễn thơ nào. Vậy mà vẫn nổi tiếng, mới hay!

.

Lịch sự kiện văn hóa

DOCLAB – Call for Participants – DOCLAB looking for Participants for 2nd course —– Thông báo tuyển sinh khóa học làm phim tài liệu thứ II của DOCLAB

HCMC – Your Sàigòn, My Sàigòn – 12 Jan – HCMC – Film night by mephim —–12/01 – TP HCM – Đêm chiếu phim của mephim

Nguyen Manh Hung exhibiting in Italy – Hanoi-based artist showing in Italy —– Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng triển lãm tại Ý

HCMC – DJ DRM @ Cage – 16 Jan – HCMC – ‘Bastard Jazz’ label founder to rock the town —– 16/01 – TP HCM – Đêm nhạc Jazz Bastard

.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

Scholarships for Study of the United States Insttutes (SUSI) Programs
2010 SUSI for Scholars and Secondary School Educators (PDF-82KB)
2010 SUSI for Student Leaders on Global Environment Issues (PDF-76KB)

.

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Joe Hill – Người nỗi loạn chính tông

Joe Hill
Chào các bạn,

Bài thơ đầy lửa Che Guevara của chị Hoàng Thiên Nga làm mình nhớ đến bài hát Joe Hill của Alfred Hayes do ca sĩ Joan Baez thể hiện. Đây là bài hát đầu tiên mà mình biết đến  Joan Baez.

Hồi đó khi ở mùa đông Vermont và nghe đĩa nhạc  Woodstock 1969, có rất nhiều bài rock and roll đầy lửa, nhưng khi đĩa chuyển sang bài Joe Hill, giọng ca mượt mà sâu lắng của Joan Baez hát Joe Hill làm mình không sao dứt ra được. Sau đó mình cứ nghe đi nghe lại, đang đi trong xe với mấy láng giềng người Mỹ cũng tự nhiên hát, anh lái xe kêu lên, ồ Joe Hill với phong trào  civil union đầu thế kỷ 20 phải không? Về sau khi mình xem Joan Baez trực tiếp ở nhạc hội Newport Folk Music, chị cũng hát Joe Hill và chị nói  “I used to sing this song way lower and way higher” 🙂

Joe Hill (7.10.1879 hay 1882 – 19.11.1915) là một con người có thật. Anh đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và là thành viên của Hội Công Nhân Công Nghiệp Thế Giới (The Industrial Workers of the World). Anh di dân từ Thụy Điển sang Mỹ, và thành công dân Mỹ. Gia nhập nghiệp đoàn, hoạt động nghiệp đoàn, viết báo, viết nhạc, và thành một lãnh đạo nghiệp đoàn có uy tín. Vào thời đó hoạt động nghiệp đoàn thường có nhiều kẻ thù từ phía chủ công ty và các thế lực nhà nước mà công ty mua chuộc được.

Ngày 10.1.1914, John G. Morrison và con trai Arling bị giết ở Salt Lake City, tiểu bang Utah, trong tiệm thịt cuả họ bởi hai người đàn ông bịt mặt, mang khăn quàng đỏ. Dù phiên tòa có nhiều nghi vấn, Joe Hill được xem là thủ phạm và bị kết án tử hình. Nhiều người cho rằng Hill bị kết án chỉ vì anh hoạt động cho nghiệp đoàn.

Anh bị xử tử vào ngày 19.11.1915. Trước khi bị đưa ra xử bắn, anh viết cho Bill Haywood, lãnh tụ của Phong Trào Công nhân Thế giới:

Joan Baez hát Joe Hill
Joan Baez hát Joe Hill

“”Goodbye Bill. I die like a true blue rebel. Don’t waste any time in mourning. Organize…”

“Giã biệt, Bill. Tôi chết như là một người nỗi loạn chính tông. Đừng tốn thời giờ khóc lóc. Hãy tổ chức [công đoàn].”

Alfred Hayes đã viết bài thơ “Dreamed I Saw Joe Hill Last Night”, để tưởng nhớ Joe Hill vào khoảng năm 1930. Earl Robinson viết nhạc cho bài thơ thành bài hát vào năm 1936.

Ở đại nhạc hội Woodstock hôm đầu tiên, Joan Baez đã hát bài hát này lúc 1 giờ chiều để giúp cho phong trào chống nhập ngũ đi chiến tranh ở Việt  Nam và ủng hộ cho chồng của chị là David Harris đang bị tù vì không chịu tham gia quân đội. Bài hát này là điểm sáng của ngày đầu tiên ở nhạc hội  Woodstock 1969. Cũng ở nhạc hội này, Joan Baez đã hát bài hát “We shall overcome“, một trong bài hát mạnh mẽ nhất của thế kỷ 20, là quốc ca của các phong trào đấu tranh.

Dưới đây là ba video bài hát Joe Hill, hai bản đầu đều do Joan Baez thể hiện, bản thứ ba do Paul Robeson hát. Sau đó là lời nhạc.

Chúc các bạn một ngày sống động,

Hiển.
.

Joan Baez sings Joe Hill in Woodstock Music Festival 1969

.

Joan Baez – Joe Hill

.

Joe Hill, Paul Robeson. Save the Gardens / Reclaim the Streets protest in New York City, 1998. The people protesting Mayor Rudy Giuliani’s bullying and stinginess as sung by Paul Robeson.

Joe Hill

I dreamed I saw Joe Hill last night,
alive as you and me.
Says I “But Joe, you’re ten years dead”
“I never died” said he,
“I never died” said he.

“The Copper Bosses killed you Joe,
they shot you Joe” says I.
“Takes more than guns to kill a man”
Says Joe “I didn’t die”
Says Joe “I didn’t die”

“In Salt Lake City, Joe,” says I,
Him standing by my bed,
“They framed you on a murder charge,”
Says Joe, “But I ain’t dead,”
Says Joe, “But I ain’t dead.”

And standing there as big as life
and smiling with his eyes.
Says Joe “What they can never kill
went on to organize,
went on to organize”

From San Diego up to Maine,
in every mine and mill,
Where working men defend their rights,
it’s there you’ll find Joe Hill,
it’s there you’ll find Joe Hill!

I dreamed I saw Joe Hill last night,
alive as you and me.
Says I “But Joe, you’re ten years dead”
“I never died” said he,
“I never died” said he.

Quá tửu gia – Vương Tích

Các bạn thân mến!

Các bạn của Đọt Chuối Non vốn đã quen biết anh Đinh Đức Dược với giọng lục bát trẻ quá đôi mươi. Anh cũng là người tinh thông Hán tự và thường lặn lội đi về với thơ văn cổ.
Hiện anh đã có một tập dich Thiên gia thi khá đầy đặn. Quí cái công phu và cái sở học của anh nên Tấn Ái xin lần lượt giới thiệu với bạn đọc, và chờ góp ý của người đọc tri âm để tập dịch thêm phần hoàn thiện.

QUÁ TỬU GIA
Vương Tích

Thử nhựt trường hôn ẩm
Phi quan dưỡng tánh linh
Nhãn khan nhân tận túy
Hà nhẫn độc vi tinh

Dich thơ:

QUA QUÁN RƯỢU

Thôi thì cứ uống cho say
Đã đành dưỡng tính cũng hay ở đời
Thế nhân say hết cả rồi
Lẽ nào ta vẫn đơn côi tỉnh hoài.

Đinh Đức Dược

Buôn Hồ ơi, ta nhớ đến trọn đời

Thịnh Hoa xin trân trọng gửi đến quý anh chị và các bạn bài thơ sau đây của thầy Phạm Đức Thông mang bút danh là Phạm Tư Hương, nguyên Trưởng phòng giáo dục Krông Buk (những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX).

Chúc các anh chị và các bạn một ngày tươi sáng!



BUÔN HỒ ƠI TA NHỚ ĐẾN TRỌN ĐỜI

Ngày ta đến Buôn Hồ ơi, lạ lắm !

Nắng cao nguyên đâu phải nắng quê nhà.

Gió cao nguyên không như gió biển xa,

Đất cao nguyên đâu phải đất nuôi ta từ thuở nhỏ.

Đêm trăn trở gọi gió về nỗi nhớ,

Thái Bình ơi, con đường nhỏ ta đi,

Mái tranh nghèo mẹ đi sớm về khuya,

Em vẫn thế sớm chiều đến lớp,

Lại nhớ về những con đường quen thuộc,

Anh dắt em đi nắng tròn bóng trưa hè.

Cây sầu đông văng vẳng tếng ve,

Trưa thanh vắng trong hồn ta êm ả.

Đã quen rồi mùa mưa tầm tã,

Đất đỏ bazan níu lấy chân người.

Buôn Hồ, ơi ta nhớ  trọn đời,

Anh mắt em thơ, nụ cười rạng rỡ !

Tay em trồng những bông hoa đã nở,

Con đường này biết mấy công lao.

Chuyến xe đi cho mái ngói tươi màu,

Đêm văn nghệ em hát bài ” Người ơi người ở…”

Vui không em, hỡi cô giáo trẻ,

Giọng thanh thanh trên bục giảng bài?

Buôn Hồ ơi, thành nỗi nhớ một đời!

Mảnh đất cao nguyên đã là quê mẹ.

Phạm Tư Hương

Phụ Nữ

Nếu một lần nữa được sinh ra
Em vẫn xin sẽ làm con gái
Đàn ông các anh quá dạn dày từng trảI
Nên thèm nghe tiếng nhẹ nhàng dịu êm.

Một lần nữa em vẫn xin là em
Với nông nổi, vội vàng, hấp tấp
Đàn ông các anh nhìn xa trông rộng
Nên cần người đôi lúc biết lắng nghe.

Con gái chúng em tựa cánh đồng quê
Ngựa các anh phi mỏi chân dừng nghỉ
Đàn ông vẫn coi mình thông minh trong ý nghĩ
Không có chúng em, lấy ai để sánh so.

Các anh nghĩ mình khoẻ mạnh vô bờ
Chân yếu tay mềm chúng em đâu dám sánh
Không có chúng em, các anh đâu thành “phái mạnh”
Lấy ai để có thể chở che.

Chúng em biết nói những điều các anh thích nghe
Biết khiêm tốn, nhún nhường khi cần thiết.
Biết nhóm lên, giữ gìn ngọn lửa bếp
Vun trồng hạt giống các anh để lại cho đời.

Em vẫn xin được làm con gái thôi
Để bù vào những gì anh còn thiếu
Tuy suốt đời sẽ là “phái yếu”
Để yêu và mãi sẽ được yêu.

Phan Bích Thiện
Hungary

Người yêu đọc sách không bao giờ phải ngủ một mình

Book lovers never go to bed alone. ~Unknown.Người yêu đọc sách không bao giờ phải ngủ một mình.

Câu chuyện của tôi:

Tôi là một người học về kỹ thuật, nhưng tôi cũng rất thích đọc sách về chủ đề xã hội. Nhưng thói quen đọc sách của tôi, không đến một cách tự nhiên và liên tục. Tôi sinh ra trong gia đình mà bố mẹ tôi không có thói quen đọc sách. Một phần vì bố mẹ tôi là công nhân, lại thêm công việc buôn bán tạp hóa bận rộn, nên không có thời gian. Thời bố mẹ tôi đi học, sách vở đâu có nhiều và dễ mua như bây giờ. Tôi hiểu và thông cảm cho bố mẹ tôi, nên cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng mình phải đọc thêm phần cho bố mẹ nữa

Ngày tôi học cấp 1 và 2, tôi cũng rất mê đọc truyện.  Bác ruột tôi là giáo viên dạy văn, nên tôi có thể mượn được những cuốn như “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky và “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Mẹ tôi thì lại không đồng ý vì không muốn tôi đọc truyện tiểu thuyết sớm. Còn tôi, càng thấy, đọc truyện, nhất là văn học, làm tôi hiểu hơn về con người và cuộc sống mà qua sách vở hay bài giảng trên nhà trường không đề cập đến. Tôi biết được đau khổ, chiến tranh,..để biết yêu hạnh phúc, hòa bình. Tôi biết được cuộc sống bình dị hiện tại của mình là ước mơ không có thật của những thế hệ trước.

Rồi thời gian đọc sách của tôi càng ngắn dần khi bước vào cấp 3 và đại học. Những kỳ thi, nhứng thú vui mới làm tôi bỏ bê thói quen đọc sách một cách dễ dàng. Bài vở ngày càng nhiều và kiến thức rộng lớn làm tôi đắm chìm trong bài thi, bài tập, hay những buổi lên phòng thí nghiệm. Ngoảnh lại, thời gian trôi thật nhanh, giờ tôi đã tốt nghiệp được vài năm rồi. Giờ tôi mới nhận ra, trong thời gian đó, cuộc sống tôi luôn cảm thấy thiếu vắng và trống rỗng. Hình như tôi mất đi một người bạn đường thủa nhỏ, chính là những quyển truyện hay sách báo. Điểm lại, tôi chưa học được gì mới về cuốc sống sau bao nhiêu năm cắp sách lên giảng đường.

Sau thời gian tốt nghiệp, tôi dành hầu hết thời gian ôn thi tìm học bổng học sau đại học. Và cũng chính nhờ đó, tôi có nhiều thời gian rỗi rãi hơn. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến sách. Vậy là những quyển sách mà tôi chưa từng đọc như: “Đồi gió hú” của Emily Bronte hay “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCulough đã giúp tôi lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Tôi mua nhiều sách hơn, và đọc như chưa bao giờ được đọc.

Giờ đây, tôi càng hiểu ra rằng, chính đọc sách đã và đang thay đổi con người tôi.

Nguyễn Văn Du.
3:34 AM Jan, 2010.
Rice University

Vua Voi trăm tuổi: Yêu, ai chả thích!

TP – Buôn Ko Tam, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) ngày đầu năm mới tấp nập. Từ hai giờ sáng, bếp nhà Khăm Phết đã đỏ lửa. Một con trâu mộng dắt về từ Buôn Đôn được xẻ thịt mở tiệc đãi cả làng để mừng “đại thượng thọ” 100 tuổi của Vua Voi Ama Kông.

Tròn trăm tuổi Ama Kông vẫn đều đều cạn ly loại rượu tự tay pha chế – Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Khỏi cãi nhau về tuổi Vua Voi!

Con, cháu, dâu, rể, chắt, chít của Ama Kông, nếu tính hết, phải tới cả trăm người, sống rải rác khắp các huyện thành ở Đăk Lăk. Hôm nay hơn nửa số đó kéo về mừng đại thượng thọ Vua Voi.

Khách quý thân hữu xa gần thuộc nhiều sắc tộc Kinh, Lào, M’Nông, Ê Đê, Jơ Rai, có cả ông bà thông gia người Khmer sang từ bên kia biên giới Campuchia. Rồi cán bộ các sở ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp chế biến dược phẩm từ bài thuốc Ama Kông.

Căn nhà gỗ đơn sơ của Khăm Phết trải chiếu và bày ghế tràn ra sân vườn. Trưa, chiều, khách mừng thọ tới tấp nập kín cả 30 bàn.

Nhân vật chính vui vẻ ngồi khoanh chân dưới tấm phông nổi bật dòng chữ: Mừng Đại Trường Thọ Vua Voi Ama Kông. Sinh ngày 1-1-1910 – 1-1-2010.

Nhà chật, khách đứng phải xếp hàng luồn vào sau lưng khách ngồi, ai cũng muốn được nắm bàn tay rộng ấm của ông và mời ông rượu.

Như mọi cuộc vui khác từng diễn ra tại đây, loại rượu duy nhất được rót là rượu Ama Kông thơm nồng, ủ trong bồn lớn rồi chiết vào vỏ chai nước suối.

Ama Kông đón từng ly rượu đầy, nâng ngang mặt rồi ngửa cổ uống cạn. Sau vài lượt rượu, mặt ông hồng hào, cử chỉ nhanh nhẹn hẳn lên.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Vượng tặng quà mừng Vua Voi, cười lớn: Từ nay các báo đài khỏi phải cãi nhau về tuổi Ama Kông nữa nhé!

Giờ bố mới được quàng vai mẹ!

Vợ chồng  Khăm Phết Lào vui vì bố mẹ đã chịu cười với nhau

Trong 4 bà vợ chính thức mà Ama Kông từng được cưới, bà Nhất và bà Ba đã mất, bà Tư vừa ly hôn năm ngoái. Thật ý nghĩa trong ngày vui này, bà Hai có mặt để cùng đàn con cháu đông đúc hiếu thảo mừng tuổi Vua Voi.

Bà Hai tên thời con gái là H’Hốt, vừa là em vợ vừa là em họ con ông bác ruột của Ama Kông, cách đây gần 7 thập kỷ, khi mới 12 tuổi đã chịu theo tục nối dây, cưới anh rể để nhận trách nhiệm làm mẹ 2 đứa cháu nhỏ sớm mồ côi.

Lấy chồng, bà trở thành Amí Liêng – mẹ của 11 người con sinh chung với Ama Kông, trong đó có con trai thứ bảy Khăm Phết Lào nay là người thừa kế duy nhất các bài thuốc gia truyền từ Ama Kông.

Suốt những năm tháng vất vả cực nhọc vì Ama Kông đi rừng, theo gái biền biệt, Amí Liêng vừa quán xuyến việc nhà, vừa âm thầm góp công góp của giúp đỡ cách mạng.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông bà đều được trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Ama Kông hạng Nhất, Amí Liêng hạng Nhì.

Cuộc giận Ama Kông của Amí Liêng đã kéo dài hơn bốn mươi năm. Kể từ cái ngày bà còn chưa ra khỏi ổ đẻ đứa thứ 11, ông đã dám dắt nhân tình với đứa con gái riêng 5 tuổi về xin cưới làm bà Ba.

Sau những cơn ghen hờn dữ dội của bà, Ama Kông may mắn được già làng phạt nhẹ, cho để lại mọi của cải, chỉ cưỡi một con voi sang nhà vợ mới…

Từ đó tới giờ, chưa một lần Amí Liêng chịu làm lành, chịu sang thăm Ama Kông dù nhà cách nhau có trăm bước chân, ngay cả những lần Vua Voi dưỡng thương cả tuần vì bị vợ Tư… say rượu đánh.

Thuyết phục để mẹ chịu hàn gắn, chịu ngồi xích lại gần và cười dàn hòa với bố là kỳ tích đàn con đã thực hiện được trong dịp vui này.

Tuổi gần tám mươi, Amí Liêng vẫn minh mẫn hài hước và ngúng nguẩy khi nhắc lại chuyện cũ. Bà oang oang: Ama Kông nhiều vợ nhiều con, nhưng ông ấy có nuôi đứa nào đâu. Ổng không thích nuôi con, chỉ thích yêu và nuôi… gái thôi!

Ama Kông tủm tỉm cười khi nghe bà kể tội, gật đầu: Amí Liêng nói có sai đâu, bà là vợ tốt nhất mà!

Nhìn bố mẹ sum họp bên nhau, thầy thuốc Khăm Phết Lào len lén ra sau nhà, đứng cạnh con voi giả ngậm chân bên hòn non bộ anh mới đặt thợ làm để chiều chiều Vua Voi ra ngồi ngắm cho đỡ nhớ rừng, khóc một mình vì…  sung sướng.

Vua voi ngắm con voi giả bên nhà cho đỡ nhớ rừng

Bị bắt gặp, anh mếu máo như trẻ nhỏ: Tôi mơ ước được thấy mẹ về bên bố từ lâu lắm rồi…

Yêu nhau, ai chả thích!

Có thể nói, hiếm có cuộc tụ tập nào ở xứ này mà người ta không nhắc đến Ama Kông. Tên ông từ lâu đã thành huyền thoại.

Ban đầu là huyền thoại về săn voi, về sau là huyền thoại về những thang thuốc cường dương bổ thận mà bản thân ông, cuộc đời ông chính là minh chứng sống động nhất.

Trong dòng đời bề bộn trắng đen phải trái, mọi huyền thoại về Ama Kông vẫn thuần khiết chất sinh tồn hồn nhiên, đem lại cho mọi người cảm giác thư nhàn vui vẻ.

Ngồi bên Vua Voi, người con trai đầu của Ama Kông ý tứ bớt những ly rượu khách mời đầy tràn khỏi tay bố, âu yếm gắp cho bố món này món nọ, ông gạt phắt: Không sao đâu, bố còn khỏe cả chục năm nữa mà!

Cách đây hai tháng, bố vợ Khăm Phết nhà ngay bên cạnh qua đời. Thương bố vợ cả đời hiền lành chăm chỉ, Khăm Phết cùng các anh chị em trong nhà làm đám tang thật lớn, thịt 2 con bò và 3 con heo.

Đồng bào xa gần gùi nếp, gùi chăn nườm nượp lên nhà sàn ngủ lại. Ama Kông là ông sui, cũng liên tục tiếp khách từ hàng xóm ghé qua.

Con dâu Amí Sumay ngồi cạnh xới cơm cho bố chồng, khoe: Mỗi bữa bố đều xơi hết hai bát đầy. Ông hay kể chuyện ngày xưa bằng tiếng Kinh và tiếng M’nông. Khi quên từ, ông lại chuyển qua… tiếng Pháp.

Hôm nay trăm tuổi, Ama Kông uống nhiều rượu với những người thân đến từ Buôn Đôn, Ea Súp và cũng dùng hết hai bát cơm với thịt trâu xào và canh cà đắng.

Ông lại kể về thời trai trẻ, mắt hấp háy vui khi nghe hỏi chuyện yêu đương. Ông cười lộ cả hàm răng xỉn màu rượu thuốc, nhấn mạnh từng tiếng rõ ràng: Chuyện yêu nhau, ai chả thích!

Hoàng Thiên Nga

Và để hiểu lai lịch chàng trai trăm tuổi này, cần đọc thêm :

Gió chiều thênh thang

Kính Tăng Anh M.V.K

    Bảy mươi , đã quá nửa chặng đường
    Anh vẫn lặng thầm những yêu thương
    Vẫn ngân trong nắng lời mây biếc
    Vẫn thắp môi nồng một khóe hương

_ Bà ơi ! Sao hôm nay bà cho con mặc áo mới vậy hở bà ?

_ Ừ hôm nay là ngày mừng thọ ông con đấy. Con mặc áo mới để chúc ông con mạnh khỏe sống lâu nh .

_ Vâng ạ ! Bà ơi ! Thế con đi chúc ông bây giờ nhé.

_ Chưa đâu con ạ. Phải chốc nữa đã. Bây giờ con đi chơi đi, ngoan không được làm bẩn áo đấy nhá.

_ Vâng ạ !

Thằng bé trả lời rõ to rồi chân sáo nhảy ra cửa, nó líu lô với những đứa trẻ bên ngòai về điều mà nó vừa được nghe bà nó nói. Trong nhà, bà nó mỉm cuời khẽ lắc đầu rồi đi vào trong bếp.

_ Gần xong chưa hả con ?

_ Cũng sắp xong rồi mẹ ạ. Không biết bố con đã chuẩn bị gì chưa ?

_ Để mẹ lên xem ông ấy đang làm gì.

Bà Đoan chậm rãi đi lên từng bậc cầu thang. Lên đến tầng thứ ba thì bà phải dừng lại nghỉ một chút. Ngôi nhà mới xây cao đến năm tầng, các con đã chu đáo làm cả thang máy để ông bà lên xuống cho đỡ mệt, nhưng ngọai trừ những lúc có việc cần, hay sức khỏe không tốt lắm thì hai ông bà mới dùng đến nó. Bình thường thì đi cầu thang bộ, cũng coi như một cách thể dục cho khỏe nguời. Bà Đoan bước tiếp lên tầng thứ tư. Đây là tầng dành cho ông bà. Ở trên cao, vừa thóang mát lại vừa yên tĩnh, một khỏang sân trước được thiết kế cho một khỏang vườn xanh nho nhỏ, đủ để ông thư thái lúc thưởng hoa, tỉa lá. Tầng lầu được ngăn làm ba phòng, một phòng ngủ, một phòng khách và một phòng làm việc của ông. Đứng trước cửa phòng làm việc của ông, bà gọi khẽ :

_ Ông ơi !

Không có tiếng trả lời, bà lại gọi lần nữa cùng vài tiếng gõ vào cửa, vẫn không có tiếng ông trả lời, bà đẩy nhẹ, thấy cửa không khóa, bà xô rộng ra, nhìn vào trong chỉ thấy những giá sách, và những quyển báo, tap chí cùng những xấp bản thảo trên bàn như mọi ngày, nhưng chẳng thấy ông đâu. Ông đi đâu vậy nhỉ ? Và đi từ bao giờ ? Lúc sáng sớm bà có thấy ông tập thể dục trước ban công, bà đã pha một ấm trà để sẵn trên bàn, rồi cùng con cái tíu tít chợ búa, không biết ông đã ra khỏi nhà từ lúc nào. Chắc ông đi mời thêm một vài ông bạn già nào đó thôi. Bà Đoan tần ngần một chút rồi quay trở xuống. Bà đang còn phải bận tâm với sự chuẩn bị lễ mừng  ông Đoan vừa tròn thất thập.

Ông Đoan vẫn ngồi nguyên một chỗ từ lúc mới ghé xuống. Chiếc ghế đá này không biết đã bén hơi ông bao nhiêu lần rồi. Ông đã từng ngồi trên nó mà ngắm những đổi thay của đường phố Hà Nội, con người Hà Nội, nếp sống Hà Nội. Có những điều ngỡ như ông dã rất thuộc, vậy mà vẫn cứ lạ lẫm mỗi khi chạm phải. Như cái hồ Hòan Kiếm này. Nó đã tồn tại cả nghìn năm , và nó vẫn tiếp tục tồn tại với những bất biến của nó. Nó đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của đất Hà Thành, là một góc nhỏ rất thiêng liêng trong lòng mỗi người con Hà Nội, để dù có xa mãi tận nơi đâu, thì chỉ cân nhìn lại nó là đã như thấy lại cả một cội nguồn.

Người người qua lại, xe cộ dập dìu, Hà Nội bây giờ đã xuất hiện trên đường phố những chiếc xe bốn bánh lướt êm trong gió nhiều hơn  những tấm áo đa dạng cả về những kiểu dáng và màu sắc cũng nhiều hơn. Không còn là một Hà Nội xa xưa với những manh áo nâu cũ kỹ, với những chiếc xe đạp kẽo kẹt tiếng sên líp.  Ông say sưa trong sự liên tưởng, miên man trong suy tư và ngắm nhìn. Những đổi thay trong những nếp nhà Hà Nội, trong những sinh họat đời thường của người dân Hà Nội, và cả những hối hả của một Hà Nội mới hôm nay. Một Hà Nội từng thương tích, từng lành lặn, từng khắc khỏai va cũng từng nôn nao. Một Hà Nội đang kiêu hãnh ngẩng cao đầu, đang vững chãi đi lên từng bước, đang đem lại từng ngày từng ngày rạng rỡ không chỉ cho con người Hà Nội mà cho cả một dân tộc Việt Nam. Nhưng ông vẫn thây nó không có gì thay đổi trong ông, như một cô gái thuần Việt, nết na, thùy mỵ, dù có khóac bên ngòai những sắc màu lạ lẫm, cao sang thế nào đi nữa thì cũng vẫn không thể mất đi cái vẻ tự thân vốn có. Cái vẻ nền nã, lịch lãm, thanh tao và cả một chút mơ mộng, tất cả đã làm nên một nét riêng cho cả con người và cảnh vật nơi đây. Chính vì thế mà bất kể ai đã từng may mắn được sinh ra ngay trên chính mảnh đất này đều mặc nhiên ghi sâu một thứ tình cố hữu trong tận cùng tiềm thức.

Ông đã sinh ra tại đây, đã lớn lên, đã thấm đẫm đến từng tế bào hơi thở Hà Nội, đã từng tê buốt những mùa đông, dã từng khô cháy những mùa hạ, đã từng ngơ ngác những mùa thu, và cũng đã từng hồng thắm những cánh hoa đào mùa xuân. Cho dù đã có đến gần hai mươi năm ông là giáo viên trên một vùng núi tỉnh Lào Cai, cũng có thể gọi đó là một mái nhà thứ hai của ông, nhưng khi trở về lại Hà Nội thì mọi cảm xúc trong ông vẫn còn nguyên.

Ông Đoan khẽ trở mình, thở nhẹ một làn hơi.Hôm nay là ngày ông tròn bảy mươi tuổi, ông đã từng trải qua sáu lần tròn số, những lần trước, ông cũng luôn có một cảm giác lênh đênh, man mác khi đời người lại bước qua thêm một khấc thời gian. Nhưng những cảm giác ấy, không có nhiều nghĩ suy trong ông như lần này. Ngày nay, với mức bình quân tuổi thọ được tăng trưởng theo đà sống của xã hội, thi cái tuổi bảy mươi đã không còn là sự “xưa nay hiếm” nữa, nhưng “tri thiên mệnh” thì đúng. Một đời người, đến giờ phút này, ông đã đi qua biết bao thăng trầm của cuộc sống. Làm sao có thể đếm hết được những gì đã xảy ra, Hàng nghìn, hàng triệu những sự kiện lớn nhỏ, hàng nghìn hàng triệu những vui buồn được mất. Người ta chỉ có thể nhớ những sự kiện lớn, những vui buồn được mất rõ rệt của một thời đọan nào đó, những điều mà có thể là một sự đánh dấu chính yếu cho những bước ngoặt đời người. Còn lại thì tản mát theo những trôi chảy của thời gian, như một vốc cát trên bàn tay, dù có cố khép chặt những ngón tay thế nào đi nữa, thì nó cũng vẫn lọt qua từng kẽ, để rồi theo gió đi vào hư không. Nhưng với ông, có những nhỏ nhặt vẫn còn được lưu giữ, nó hiển hiện thành những con chữ trên những trang viết. Những con chữ có một sức hàm chứa đến vô tận những chắt chiu, những trải nghiệm, những rút tỉa từ bao cuồng xoay trong vụ trụ nhân sinh này.

Với hàng chục đầu sách, ông đã gói gém biết bao ước nguyện, biết bao trăn trở, biết bao ngọt đắng của một kiếp người. Những thực tại, những phù hư, những khôn ngoan, những ngốc dại. Có những điều từ ở chính ông, có những điều ông nói hộ người. Những điều không nằm ngòai bản thể của cuộc sống.  Người đời vẫn cửa miệng “May hơn khôn”. Mà những cái có thể gọi là “May” ấy thì có được bao nhiêu ? Và cái lẽ dại khôn ở đời thì biết nói sao cho rành mạch. Khôn ở ngừơi này lại là dại ở người kia, và ngược lại. Suy cho cùng, con người ta chỉ thường quan tâm và hành xử theo những gì mà bản thân người đó cho là giá trị. Vì thế mà các giá trị của cuộc đời thường không có một chuẩn mực nhất định, nó lại thường thay đổi theo từng giai đọan lịch sử, đôi khi nó lại chỏi nghịch nhau trong những quan niệm trái chiều, vì thế mà nảy sinh ra bao điều oan trái, bao nỗi khóc cười. Để ngòi bút của ông cứ thầm lặng đi theo mà ghi chép lại . “Anh ạ ! Anh đã từng nói , đời sống con người không giá trị ở con số tháng ngày, mà nó ở những gì mà ta đã sống, đã làm, đã góp vào cái giá trị chung của cuộc đời này

Ông nhớ, ông nhớ chứ, không phải là những hào phóng ngôn ngữ tôn vinh của những giải thưởng trong và ngòai nước, mà là sự ghi nhận của người đời với những moi gan rút ruột của ông. Ông cũng quá hiểu đằng sau sự hào phóng ấy là gì. Ông đã đi qua, đi qua nhiều lắm rồi những cái gọi là “thói thường” của nhân thế. Có là gì đâu khi vốn dĩ cái đích lớn nhất của con người là được đứng lên một cái bục cao nào đó. Chỉ khác nhau ở chỗ, người ta đi đến đó bằng sự bình thản từ nội tại của chính mình, hay bằng sự vội vã lấn chen nhau qua những cái cầu vượt. Người ta vẫn nói “Cuộc đời là một sân khấu lớn, mà mỗi người vừa là diễn viên, cũng vừa là khán giả”, nhưng ông nghĩ khác hơn một chút : “Đời người như tham dự một phiên chợ, mua mua bán bán, khác nhau là khi tàn buổi chợ, ra về với thứ gì trên tay”.

Cho đến lúc này, ông chưa bao giờ phải hối tiếc nếu những sai phạm của mình gây tổn thương trầm trọng cho ai đó, và ông cũng không phải hổ thẹn với những gì ông có được vì đã không tì lên vai người khác.Ông vô cùng cảm ơn duyên mệnh đã cho ông có được một chút thiên tư, để có thể thấu tận những dở hay của người đời, nhờ thế mà cuộc sống cũng đầy đặn phong vị hơn. “Anh đã sống đúng nghĩa với một chữ NGƯỜI viết hoa. Đó không phải là một lời nói dua nịnh của một người hòng được ở ông một chút lợi danh thường tình, mà ở một tấm lòng, một chân tình, một sự đồng cảm ít ỏi mà ông đã gặp được trên những chặng đường. Chỉ là một cô học trò nhỏ bé, một trái tim có cùng nhịp đập chí hướng với ông, thời gian tương ngộ chỉ có thể được tính bằng những tích tắc ngắn ngủi của chiếc đồng hồ, nhưng cảm nhận và tồn tại bền bỉ trong suốt cả chục năm trời trong một hòan cảnh địa lý cách biệt, thì không cái gì cân đong được. Ông vui vì điều đó, bởi bao tâm lực trong phạm vi chức trách, tâm huyết cho sự truyền thụ không chỉ là tri thức, mà còn là sự vun xới xây đắp nên những nhân cách, có được nhiều lắm đâu những tâm hồn, những trái tim đón nhận ngọn lửa nhỏ từ ông. Với ông, cái thực sự đáng quý, thực sự giá trị nhất trên đời này, chỉ là sự chân thành yêu mến mà con người có thể mang đến cho nhau.

Trong hành trình dằng dạc của một đời người, có hàng vạn, hàng vạn những con người gặp nhau rồi đi qua nhau, có đọng lại được trong nhau chỉ là rất ít.Và ông nghiệm ra một điều “ chỉ có những người đã từng phải chịu sự thua thiệt, từng phải chịu đựng những bất công vô lý của tạo hóa, của xã hội, thì mới biết trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống, những giá trị không thể quy đổi ra những thứ vật chất thông thường. Còn những người số phận may mắn cho họ được hưởng những ưu đãi một cách đương nhiên mà chẳng gặp phải một trở lực nào, thì họ rất dễ trở nên hợm hĩnh, hợm hĩnh một cách ngu ngốc, và cũng dễ trở nên ác tâm, ác tâm một cách tự nhiên .”

Cô học trò nhỏ bé của ông cũng như ông, là người thuộc vế trên. Vì vậy mà có những sẻ chia sâu sắc với nhau.Có thể gọi đó là một cái may vậy. Lá thư gần đây đến đã đem đến cho ông một niềm vui và chút gì nhẹ nhõm. Cô bé (dù đó là một người phụ nữ đã ngòai bốn mươi, nhưng với ông, cô ấy vẫn mãi là một cô bé) đã đọc rõ cảm trạng của ông. Một thứ cảm trạng của lứa tuổi. Thực ra thì cũng không có gì là quá khó hiểu, xong với một người trong lĩnh vực tư duy thì cách hiểu có khác hơn, thâm trầm những góc cạnh hơn, và cũng là san sẻ được nhiều hơn. Những lời lẽ đầy xúc cảm trong thư cứ lởn vởn mãi trong ông . “Em biết, trong những ngày tháng này, anh có rất nhiều những suy nghĩ, mà phần lớn là những điều không vui. Đó là cảm trạng phải có khi cái thời đọan phải đến với mỗi người. Con người sinh ra, như đã có sẵn một lập trình, ai rồi cũng phải nhận đủ những, chua cay đắng ngọt của cuộc đời, và ai rồi cũng phải đi về một nơi. Nơi ấy không ai chứng minh được nó có thật hay không ? Người ta chỉ biết nói về nó như một dự ước, phần nhiều mang tính cảnh báo cho những người có bản chất không tốt trong thế giới hiện tại này. Vì thế, em chỉ tin vào những gì đang có thật trước mắt Rằng một đời người chỉ thực sự đáng sống khi không phải hối tiếc, không phải dằn vặt lương tâm lúc về chiều. Anh đã là một người như thế. Anh thực sự là một đốm sáng giữa màn đen cho em hướng đến. Cho dù những người như anh và em luôn phải gánh chịu những vùi dập của cuộc đời, khi ưu thế thuộc về số đông, nhưng ta vẫn bước đi bằng những bước chân rắn rỏi, bằng một phong thái đĩnh đạc, trong một tư thế đàng hòang. Anh ạ, vẫn biết mỗi chúng ta đều không thóat khỏi quy luật của sự sinh tồn, thì buồn bã mà làm chi, nghĩ ngợi mà làm chi. Cho dù ngày mai sẽ là một tấm màn đen ụp xuống, thì hôm nay ta vẫn vui cười, hồ hởi mà đón nắng đang lên. Chung quanh anh vẫn tràn đầy những tình yêu thương nồng đậm, ngày càng ấm áp hơn, tha thiết hơn. Vậy thì anh hãy cứ mỉm cười mỗi sáng thức dậy, hãy cứ ân cần nắm những bàn tay, và đừng phí hòai thời gian cho những gì chưa đến, hãy chỉ biết hôm nay và hôm nay. Thực ra con người ta chỉ có hai khái niêm thời gian thực sự, đó là hôm qua hôm nay.Cái gọi là ngày mai ấy vốn chỉ là một khái niệm trìu tượng. Nó không có mặt mũi cụ thể. Hôm qua là những gì ta không lấy lại được, hôm nay là những gì ta đang có thể sờ nắm được. Em biết, không phải anh không biết những điều này, nhưng trong một cảm trạng, đôi khi anh quên mất nó đi, nên em xin phép được nhắc lại phần nào, hy vọng anh sẽ có được một trạng thái tinh thần tốt nhất, để vẫn có thể trao gửi những ước vọng tốt đẹp của cuộc sống này cho thế hệ chúng em, và để đón nhận những món quà cuộc sống mà anh đang có, trong lòng tay thân thương của những người người, trong đó có em, có cô học trò nhỏ bé miền xa của anh này.”

Đúng, cô bé nói không sai, ông đã từng nói những lời tương tự với một vài người, nhưng khi cần ông lại quên nói với chính ông. Trong ông bỗng ngồn ngộn một thứ cảm xúc, cái thứ cảm xúc diệu kỳ mà ông đã từng được trao đi, và từng được nhận lại. Cái thứ cảm xúc ấy như một nồi nước thơm đang bốc hơi nghi ngút, tỏa khắp tâm hồn ông một niềm thư thái lâng lâng. Ông nhớ đến rất nhiều gương mặt, những gương mặt long lanh những ánh mắt cười, ông nhớ đến những trang bản thảo còn đang bề bộn, những con chữ ngoan ngõan xếp hàng ngay ngắn dươí từng ngón tay ông. Ông nhớ đến những nụ hoa sáng nay vừa hé, nhớ cả tiếng hót tươi tắn, lảnh lót của chú chim họa mi lách chách trong lồng mỗi lúc ông cho ăn. Ông mỉm một nụ cười.

Chiều đã hơi muộn, những tia nắng đang nhạt dần, con gió đầu đông se se, khiến ông Đoan hơi rùng mình, kéo lại tầm khăn len quàng cổ, cũng là một món quà của cô học trò nhỏ ấy gửi ra. Ông lại mỉm cười, tâm trạng nhẹ nhõm, sực nhớ đến những gì sắp diễn ra trong ngôi nhà ấm cúng đang quây quần cả ba thế hệ. Ông thong thả đứng dậy, khẽ vặn mình cho đỡ mỏi, rồi ông chậm rãi từng bước chân. Chợt ông dừng lại, đôi môi lại hé ra, vì phía trước kia, đang bước ngược về phía ông, là bà với cái áo len dầy trên tay, với những bước đi nong nả quen thuộc, với vóc người thanh mảnh, nhẹ nhàng đã từng hôm sớm cùng ông suốt mấy chục năm dài. Bà đến cạnh ông, ánh mắt dịu dàng, ấm ngọt, chẳng nói một lời nào, bà ân cần khóac tấm áo lên người ông. Rồi vẫn im lặng, bà nhẹ bước bên ông. Những chiếc lá lăn tăn đuổi nhau trên đường, một làn hương thoang thỏang vờn quanh. Hà Nội khi chiều xuống, nghe thân thương ấm áp chi lạ.


Đàm Lan

Thánh thi Hafiz: Một Thế Giới Mới – Những Tia Nắng

Chào các bạn,

Hafiz (đôi khi còn viết là Hafez) (1320-1389), với tên thật là Shams-ud-din Muhammad, là thi sĩ được yêu chuộng nhất của đế quốc Persia (Iran cũ), và là một cây đại thụ trong nền văn hóa Persia.

Ông sinh ra ở Shiraz và sống gần cả đời ở Shiraz, nơi ông trở thành một vị thầy Sufi nổi tiếng. Sufism là một truyền thống Hồi giáo chú trọng đến hướng vào nội tâm, suy tưởng, khổ hạnh, và trực nghiệm tâm linh.

Cho đến khi Hafiz qua đời, người ta nghĩ là ông đã viết khoảng 5 ngàn bài thơ, nhưng chỉ có từ 500 đến 700 bài còn sót lại ngày nay. Divan (tập thơ) của ông là một tác phẩm kinh điển trong văn học Sufism.

Tác phẩm của Hafiz được Tây phương biết đến qua Geothe, và sự nồng nhiệt của Goethe kích thích Ralph Waldo Emerson dịch Hafiz vào thế kỷ 19.

Thơ của Hafiz được nhiều tác giả khác nhau ưa chuộng, như Nietzsche, Pushkin, Turgenev, Carlyle, và Garcia Lorka. Ngay cả Sherlock Holmes, viết tiểu thuyết trinh thám, cũng trích thơ Hafiz trong một câu chuyện về Arthur Conan Doyle.

Năm 1923, Hazrat Inayat Khan, người thầy Ấn Độ có công giới thiệu Sufism đến Tây phương, đã nói: “Các lời thơ của Hafiz đã chiến thắng từng con tim nghe chúng.”

Sau đây mời các bạn đọc hai bài thơ của Hafiz: Một Thế Giới Mới, và Những Tia Nắng.

Hafiz là thi sĩ của Sufism, truyền thống tâm suy tưởng sâu sắc nhất của Hồi giáo, nên chúng ta cần để ý ‎ đến các biểu tượng trong thơ. Xin xem chú thích cuối bài.
.

Một thế giới mới

Hãy dâng hoa, rót rượu thánh, (*)
Chẻ trời và bắt đầu tái tạo thế giới.

Nếu các lực đớn đau xâm nhập mạch máu của những kẻ đang yêu,
người bưng chén thánh và tôi sẽ tạt trôi cám dỗ đó. (**)

Với nước hoa hồng, chúng ta sẽ làm dịu ly rượu thẩm đắng;
Chúng ta sẽ thêm đường vào lửa để làm ngọt những đợt khói bay.

Nào nhạc sĩ, cầm đàn lên, chơi một bản nhạc tình;
hãy vũ, hãy ca hát cả đêm, hãy lễ hội điên cuồng.

Là cát bụi, ơi Gió Tây, hãy đưa chúng tôi lên các Thiên Đàng,
bay tự do trong ánh sáng sướng vui của Tạo Hóa.

Nếu trí óc muốn trở về nhưng con tim khóc lóc xin ở lại,
đó là cuộc tranh cãi cho tình yêu suy gẫm.

Than ôi, những bài ca và những ngôn từ này chẳng nghĩ lý gì trên mảnh đất này;
đến đây, Hafez, hãy cùng tạo lập một thế hệ mới.

Chú thích:

(*) Trong truyền thống Tây phương và Trung Đông, rượu nho là của lễ hiến dâng trong các dịp lễ hội, thờ tự. Ngày nay vẫn thế trong như ta thường thấy trong các nhà thờ Thiên chúa giáo.

Rượu tượng trưng cho sức sống, cho mạch máu. Trước khi bị tử hình, chúa Giêsu nâng chén rượu trong tay, chia cho các môn đệ, và nói: “Này là máu ta…”

(**) Người bưng chén (cupbearer): Ngày xưa mỗi vua có một người mang chén uống rượu của mình, để tránh bị đầu độc. Vua chỉ uống rượu trong chén của vua, do cupbearer mang theo mình. Đây là người trung thành nhất của vua, có thể chết vì vua. Thường khi, cupbearer uống thử trước khi vua uống, để tránh vua bị đầu độc.

Tu sĩ cấp cao thường được xem là cupbearer của Thượng đế.

Trong bài này, cupbearer nên được hiểu là người trung thành với Thượng đế và chỉ dạy của Ngài (không hẳn là tu sĩ).

(Trần Đình Hoành dịch từ Anh ngữ và chú giải)

.

A New World

Let’s offer flowers, pour a cup of libation,
split open the skies and start anew on creation.

If the forces of grief invade our lovers’ veins,
cupbearer and I will wash away this temptation.

With rose water we’ll mellow crimson wine’s bitter cup;
we’ll sugar the fire to sweeten smoke’s emanation.

Take this fine lyre, musician, strike up a love song;
let’s dance, sing all night, go wild in celebration.

As dust, O West Wind, let us rise to the Heavens,
floating free in Creator’s glow of elation.

If mind desires to return while heart cries to stay,
here’s a quarrel for love’s deliberation.

Alas, these words and songs go for naught in this land;
come, Hafez, let’s create a new generation.

Hafiz (1320-1389) (Orinial language: Persian/Farsi)
English translation: Haleh Pourafzal and Roger Montgomery

Những tia nắng

Ơi, Người Chủ Rượu, mặt trời đã lên. Hãy rót rượu đầy ly tôi. (***)
Nhanh lên, vì đêm sẽ đến, và ta sẽ phải ngủ.

Ngoài kia, những kẻ tiên tri chết chóc đang tuyên bố ngày tận thế.
Nhanh lên! cho chúng tôi thêm rượu ngọt của Ngài!

Nếu bạn tìm danh tiếng và vinh quang từ mặt trời,
Thì ngủ tiếp đi; chỉ có trí tuệ thánh hóa trong những tia nắng.

Khi Ngày Phán Xét đến và bầu trời biến thành bình sành, (****)
Hãy biến xương sọ của bạn thành ly sành, và đổ vào đó rượu trong bình này.

Bây giờ không phải là thời nói chuyện vặt vảnh với bạn bè;
Chỉ nên nói về ly và rượu. (*****)

Hafiz, đứng dậy! Ra khỏi gường. Cậu có việc làm,
Và thờ kính rượu là việc duy nhất đáng làm. (******)

Chú thích:

(***) Người Chủ Rượu (Người Mang Rượu, Winebringer), nên được hiểu là Thượng đế.

Rượu là sức sống từ Thượng đế.

(****) Ngày Phán Xét: Theo một số tôn giáo, Ngày Tận Thế là Ngày Phán Xét, Thượng đế sẽ đến để phán xét con người. Con người sẽ được sống lại từ sự chết để chịu phán xét.

Hafiz xem ra không xem ngày này như là các tiên tri tận thế đang nói. Khi ngày này đến, Hafiz nói như giễu nhưng đồng thời cũng rất nghiêm chỉnh: Bầu trời sẽ thành bình rượu lớn, và ta hãy biến xương sọ (của hài cốt được tái sinh của ta) thành ly rượu nhỏ, tiếp tục uống, tiếp tục ca tụng và thụ hưởng sự sống từ Thượng đế.

(*****) Ly là chính ta, rượu là sức sống từ Thượng đế.

(******) Chỉ trân quý và thờ phụng sức sống Thượng đế cho ta mới là điều duy nhất quan trọng, tận thế hay không tận thế.

(Trần Đình Hoành dịch từ Anh ngữ và chú giải)

.

Sun Rays

O Winebringer, the sun is up. Fill my goblet full of wine.
Hurry, for night will come, and then we’ll have to sleep.

Outside, the doomsayers are announcing the end of the world.
Quick! give us some of Your delicious wine!

If it is fame and glory that you are looking for from the sun,
Then go back to sleep; there is only divine knowledge to its rays.

When Judgment Day arrives and the sky becomes a jug of poor clay,
Make your skull into a clay cup, and fill it with this pitcher’s wine.

Now is not the time to be making small talk with your friends;
Speak only of the cup and of the wine.

Hafiz, get up! Get out of bed. You’ve work to do,
And the worship of wine is all the worthwhile work there is!

Hafiz (1320-1389) (Original language: Persian/Farsi)
English translation: Thomas Rain Crowe