Đức trị

Nếu dùng luật để lãnh đạo nhân dân, và dùng các hình phạt để tạo sự tuân thủ, họ sẽ tránh bị phạt nhưng sẽ không cảm thấy xấu hổ.

Nếu dùng đạo đức để lãnh đạo nhân dân, và lễ nghi để tạo sự tuân thủ, họ sẽ cảm thấy xấu hổ và hơn nữa, sẽ trở thành người tốt.

~ Hoàng Khánh Hòa dịch

.

If people be led by laws, and uniformity sought to be given them by punishments, they will try to avoid the punishment, but have no sense of shame.

If they be led by virtue, and uniformity sought to be given them by the rules of propriety, they will have the sense of shame, and moreover will become good.

~ Khổng Tử

Hoa Yên Cơ

Loài hoa anh hái tặng em
mùa hạ chẳng còn quay lại
ngôn ngữ bay không về
bây giờ anh tập nói
ngọn núi nào Vũ Dy
hoa Yên Cơ như nắng
bây giờ anh im lặng
yêu em.

Hôm nay màu xanh gọi thu về
như anh gọi em
không bao giờ anh giữ được em đâu
anh chỉ còn bức tranh tĩnh vật
vẽ hoa vàng
Yên Cơ rơi đâu mất
rồi em

Thôi chùng mình chờ mùa xuân
hoa Yên Cơ nở suốt thời con gái
cái thời ta tuổi dại
đêm như hớp rượu say
và ngày không nhớ
những cuộc tình bắt đầu cùng lo sợ
trái tim cứ ngang tàng
và huýt sáo vu vơ

Bài thơ anh đã viết tặng em
bây giờ anh viết làm gì nữa
mùa hạ không về, còn mùa đông thương nhớ
Yên Cơ lạnh nồng nàn như thở
hoa lá hết rồi
gai nhọn về đâu?


Lê Vĩnh Tài

Đề Kim Lăng độ – Trương Hỗ

題金陵渡
張祜

金陵津渡小山樓
一宿行人自可愁
潮落夜江斜月裡
兩三星火是瓜州

Ðề Kim Lăng độ

Kim Lăng tân độ tiểu sơn lâu
Nhất túc hành nhân tự khả sầu
Triều lạc dạ giang tà nguyệt lý
Lưỡng tam tinh hỏa thị Qua Châu

Trương Hỗ

Dịch nghĩa

Ðề thơ bên bến Kim Lăng

Ngồi trong gác nhỏ bên bến đò giữa cảnh núi sông
Khách trọ cảm thấy âu sầu
Dưới cảnh trăng tà đêm khuya nghe tiếng sóng thuỷ triều dào dạt
Ngẩn nhìn lên xa xa, nơi lốm đốm sao mờ kia là Qua Châu

Dịch thơ:

Ðề thơ bên bến Kim Lăng

Kim Lăng quán nhỏ bến giang đầu
Ðêm trọ khách xa chớm mối sầu
Ngóng nước triều dâng trăng chếch bóng
Sao mờ lấm tấm ấy Qua Châu

Chú Thích

Kim Lăng: Tên đất
Qua châu: Tên đất

Trên bước đường lưu lạc, đêm ngủ trọ bên bến đò Kim Lăng, ngồi giữa cảnh đất trời buồn tẻ này, một nỗi buồn xa quê từ từ, nhẹ nhẹ dấy lên trong lòng. Trong tiếng rì rào của nước thủy triều và trong bóng mờ của bóng trăng tàn giữa đêm khuya khoắt, bên lưng trời xa kia, A…nơi lấm tấm đốm sao trời … đó là Qua châu, quê ta!

Nguyễn Hữu Vinh dịch và bình

Có một giấc mơ Voi

TP – Một sáng mùa xuân, chàng Gru Buôn Đôn có mặt ở Trung tâm bảo tồn Voi bên bờ Sêrêpôk để thuần dưỡng lũ voi con thông minh khỏe mạnh. Cạnh đó, đàn voi già được chăm sóc chu đáo trong bệnh viện.

Giữa đại ngàn Yok Đôn, các cô cậu voi trưởng thành thong thả dạo chơi, yêu đương, sinh nở… Đó là giấc mơ có khả năng trở thành hiện thực của dự án bảo tồn voi sắp trình lên chính phủ.


Đếm từng dấu chân voi...

Từ hơn bốn năm trước, tháng 5 – 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 733, phê duyệt kế hoạch “Hành động khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi ở Việt Nam”, giao nhiệm vụ cho ba tỉnh Nghệ An, Đồng Nai, Đăk Lăk triển khai xây dựng dự án bằng nguồn ngân sách.

Được gọi là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, nhưng dù rất cố gắng tìm kiếm, cho tới cuối năm 2008, dự án bảo tồn voi (BTV) do Vườn Quốc gia Phù Mát xây dựng cũng chỉ đếm được 15 con voi hoang qua ảnh chụp trong vùng rừng phía Tây Nghệ An.
Sau đó, phát hiện thêm hình như có 2 voi rừng con mới chào đời. Đầu năm 2009, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã thông qua và đồng ý với 5 phương án hành động BTV của dự án. Riêng tỉnh Đăk Lăk đã 2 lần triển khai lập dự án BTV.

Lần thứ nhất, đề án bảo tồn và phát triển đàn voi nhà do GS.TS Lê Huy Bá cùng nhóm cộng sự thuộc Trung tâm Sinh thái- Môi trường và Tài nguyên được Sở Thương mại – Du lịch tỉnh đặt hàng nghiên cứu trong thời hạn 1 năm, đã được lãnh đạo tỉnh nghiệm thu tháng 10-2007.
Đề án này còn nằm trên giấy thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh lại được cấp trên giao nhiệm vụ lập dự án bảo tồn cả voi nhà lẫn voi rừng. Trên cơ sở đề án có sẵn, dự án lần hai được nhóm nghiên cứu của PGS.TS Bảo Huy trường Đại học Tây Nguyên đào sâu, mở rộng, mở hội thảo tham vấn cộng đồng vào giữa tháng 12-2009.

Bằng phương pháp điều tra theo tuyến, điểm habitat (nơi có sinh cảnh đặc biệt voi thường lui tới), đo đếm phân tích vết chân và phân voi để xác định số voi theo tuổi và giới dựa vào kinh nghiệm của đồng bào bản địa, lập sơ yếu lý lịch từng con… Nhóm nghiên cứu đã xác định trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk còn khoảng 83 đến 110 con voi hoang dã, và 61 voi nhà.

Ở tỉnh Đồng Nai, nhiệm vụ “hành động khẩn trương” còn trầy trật hơn. Suốt mùa khô 2009, trong lúc các sở ngành còn tranh cãi gay gắt xem khoản kinh phí 108 triệu đồng dành cho quy trình khảo sát thực hiện dự án BTV có thể lấy từ đâu, đã có tới 6 con voi rừng bị chết không rõ nguyên nhân và thủ phạm.
Kéo qua đầu năm 2010, cán bộ Chi cục vẫn còn miệt mài viết dự thảo, dự kiến sang tháng hai quá trình gọt giũa, bảo vệ dự án mới hoàn tất để trình lãnh đạo tỉnh.
Ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó chuyên trách mảng Bảo tồn của CCKL tỉnh Đồng Nai cho biết, tại thời điểm này, trong hơn 100 nghìn ha rừng ở Đồng Nai lẩn khuất chừng 11 đến 14 con voi. Chi cục trưởng Nguyễn Văn Thịnh than xót: Tiếc quá, nếu chương trình BTV được triển khai sớm hơn, số voi hoang dã của Đồng Nai không tới nỗi giảm mạnh thế này.

Trông voi người, xót voi ta

Trong 8 nước có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng từ lâu đời ở khu vực châu Á là Ấn Độ, Sri Lanca, Bangladesh, Thái Lan, Myanma, Nepan, Việt Nam, hai quốc gia có công nghệ tiên tiến về chăm sóc nuôi dưỡng voi là Thái Lan và Sri Lanca.

Từ năm 1969, Thái Lan đã thành lập Trung tâm thuần dưỡng voi châu Á đầu tiên trên thế giới. Gần 10 năm qua, Viện Voi Quốc gia đặt ở tỉnh Lampang dưới sự bảo trợ thuận lợi của Hoàng gia Thái Lan, hoạt động mạnh với các dự án :
Bệnh viện voi, Đội cứu hộ voi, Đội khám chữa bệnh lưu động cho voi trên khắp đất nước, Đào tạo quản tượng, Dạy voi vẽ tranh và làm xiếc, Sản xuất biogar và giấy từ phân voi v.v…

Đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu của Viện liên kết với khoa thú y trường đại học Chiang Mai và Kasetsart đã nghiên cứu thành công quy trình thụ tinh nhân tạo cho voi, mở ra hướng phát triển mới cho voi châu Á. Trên diện tích 122 ha của Viện Voi, hiện nay 83 con voi ngày ngày được nuôi dưỡng dạy dỗ cẩn thận để bảo tồn giống nòi và… trở thành nghệ sĩ!

Trại voi Pinnawela của quốc đảo Sri Lanca được xây dựng năm 1975, với nhiệm vụ ban đầu là chăm sóc 5 bé voi con hoang dã lạc bầy. Nay trại đã phát triển thành một Trung tâm sinh sản bảo tồn voi, với 86 con voi đa số trẻ khỏe, thu hút đông đảo du khách trong ngoài nước đến ngắm voi, xem voi con được cho bú dặm bằng sữa bình tới 5 lần mỗi ngày, hoặc cưỡi voi đi dạo thong dong dưới bóng mát vườn dừa.
Voi ốm được chăm sóc kỹ lưỡng bằng các phương tiện y tế chuyên dùng cho voi như máy chụp X-quang, siêu âm chẩn đoán, theo dõi thân nhiệt, chích vac xin, tẩy giun, cho uống kháng sinh, bôi thuốc sát trùng, nhỏ mắt…

Tại Malaysia, từ năm 1974 tới nay Ban Quản lý voi thuộc Sở Động vật hoang dã đã chuyên tổ chức các cuộc di chuyển voi từ nơi dễ xung đột với người đến các vùng rừng quốc gia rộng lớn phía đông. Nhờ vậy, khoảng 500 con voi được di cư thành công. Tại Ấn Độ, chính phủ cho thực hiện Dự án voi từ năm 1992 với 25 trung tâm BTV Ấn được thành lập.

Vương quốc Nepal ngoài việc xây dựng nhiều khu bảo vệ và nuôi voi, còn đầu tư huấn luyện voi nhà vào mục đích giám sát bảo tồn voi hoang dã. Các Trung tâm BTV của Indonesia vài năm gần đây đã bắt đầu lúng túng với việc trở nên quá chật chội, không còn đủ chỗ chứa voi…

Tiến sĩ Cao Thị Lý, giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, trong dịp tập huấn 1 tuần về Sức khỏe và sinh sản voi châu Á tổ chức tại Sri Lanca đã thu thập được nhiều thông tin, kiến thức và các mối quan hệ quý giá cho dự án BTV Đăk Lăk.
Chị cho biết, bên cạnh cơ chế chính sách điều hành thông thoáng hiệu quả, Thái Lan và Sri Lanca còn chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ thú y chuyên về cứu hộ động vật hoang dã, làm việc với tinh thần đầy tâm huyết và trách nhiệm.
Bộ môn thú y ở ta trước chỉ giảng dạy về gia súc gia cầm, gần đây mới bổ sung 30 tiết kiểu cưỡi ngựa xem… voi về mảng kiến thức này cho sinh viên .
Nhớ chuyện bé voi Khăm Bun với cái chân thương tật suýt bị cưa, tới bây giờ vẫn tù đày trong xích xiềng trường kỳ giữa thủ đô mà tội nghiệp. Nhưng dẫu sao Khăm Bun còn may mắn chán so với nhiều đồng loại khác đã được, hay bị thuần dưỡng ở xứ mình, đang ngày càng mòn mỏi suy kiệt do thiếu dinh dưỡng, bị khai thác quá mức cho trình diễn, du lịch và lễ hội; bị cưa ngà và nhổ lông đuôi đầy đau đớn, thậm chí xúc phạm tận thâm sâu bản chất kiêu hãnh của những Ông Tượng chúa tể rừng già.

Bởi Khăm Bun nổi tiếng hơn cả với lý lịch trích ngang đặc biệt, là một trong vài chú voi con xinh xắn đáng yêu cuối cùng bị săn trái phép giữa Vườn Quốc gia, đánh động dư luận tới mức văn phòng Thủ tướng phải ký lệnh giao về cho Liên đoàn Xiếc trông nom…
100 tỉ đồng cho tương lai voi Việt
Dự án BTV Nghệ An dự trù kinh phí hơn 11 tỉ đồng trong 5 năm 2009 – 2013 cho các giải pháp bảo tồn giám sát, truyên truyền quảng bá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phục hồi sinh cảnh voi rừng, chống xung đột giữa người và voi.

Dự án BTV Đồng Nai dự kiến cần có 30 tỉ đồng trong 10 năm triển khai, ngoài những chương trình hành động tương tự Nghệ An còn chú trọng xây dựng các đội phản ứng nhanh, lập hàng rào điện tử ở vùng dân cư hay bị voi phá.
Riêng phương án mua khoảng bốn voi nhà từ Buôn Đôn về đồng bằng để xua đuổi voi rừng còn đang tiếp tục cân nhắc, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến chắt lọc từ cuộc hội thảo BTV do Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức ngày 26 – 11 – 2009 tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Giấc mơ voi hoàn hảo hơn trong dự án BTV Đăk Lăk, với khoản kinh phí dự trù hơn 58 tỉ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2010 – 2014 nếu được lãnh đạo tỉnh và Chính phủ thông qua, bắt đầu từ việc xây 2 trạm BTV ở nơi voi thường xung đột với người ở 2 huyện Ea Súp và Lăk; đồng thời nhanh chóng gửi cán bộ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanca .

Một Trung tâm BTV Đăk Lăk được phác thảo trên diện tích 200 ha thuộc phân khu hành chính dịch vụ của Vườn Quốc gia Yok Đôn, giáp sông Sêrêpôk.
Trong đó, 100 ha rừng khộp được dành cho việc chăn thả và tạo môi trường tự nhiên kín đáo để voi tự do giao phối, phần diện tích còn lại sẽ xây dựng một bệnh viện voi, nhà cung cấp thức ăn và chăm sóc voi, ươm trồng bảo vệ khoảng bảy chục loại cây voi thích ăn để thực đơn voi thêm phần phong phú và tạo cảnh quan.

Tỉ lệ sinh sản quá thấp trong số voi nhà hiện có trong suốt ba thập kỷ trở lại đây, bình quân chỉ 0,6%/năm, ngoài lý do voi bị tận dụng phục vụ du lịch quanh năm, còn có phần do cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ voi chưa hợp lý.
Tập quán của đồng bào M’Nông: Voi con sinh ra thuộc về chủ voi cái, thế nhưng nếu voi cái bị thương trong quá trình giao phối thì chủ voi đực phải chịu phạt, cúng đền cả con trâu. Muốn khỏi rước vạ vào thân, chủ voi đực chỉ việc… cấm chúng nó gần nhau, thế là xong! Nghề săn voi bị cấm, voi nhà không đẻ, lại còn chết dần và bị bán ra ngoài tỉnh.

Ông Voong Nhi, Phó Bí thư huyện Ea Súp, đồng thời cũng là một trong những chủ voi sắp hết voi, từng đề đạt lên nhiều cấp nguyện vọng tha thiết của giới Gru (thợ săn voi giỏi):

Xin Chính phủ mở cơ chế cho đồng bào mỗi năm được mở vài cuộc săn voi với chỉ tiêu nhất định, để nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng không bị thất truyền, và để bản sắc văn hóa vùng miền, để biểu tượng voi Đăk Lăk còn sống mãi…
Ngay trong cuộc Hội thảo tham vấn cộng đồng do Chi cục kiểm lâm tỉnh tổ chức nhằm góp ý cho dự án BTV, Gru Ama Bích cũng đọc một “lá sớ” nắn nót viết sẵn : Nhân dân Bản Đôn chúng tôi đề nghị Nhà nước mỗi năm cho phép bắt 3 con voi rừng, giao cho nhà nước 1 con dân lấy 2 con để làm nhiệm vụ bảo tồn đàn voi nhà cho tỉnh…

PGS-TS Bảo Huy phân tích: Số voi rừng con hiện quá ít, chỉ khoảng 7-10 con trong tự nhiên, chưa phải là lúc có thể cho phép săn bắt. Tỉnh nên xem xét chuyển trả lại một số diện tích rừng đang kinh doanh khai thác thành rừng bảo tồn, tạo điều kiện cho đàn voi rừng phát triển ổn định.
Khi Trung tâm BTV ra đời, các chủ voi và nài voi cần được hưởng chính sách chi trả hợp lý để có thu nhập xứng đáng từ việc đưa voi về theo định kỳ để chăm sóc và thúc đẩy quá trình sinh sản tự nhiên.

Trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong về giấc mơ voi Việt Nam liệu tới bao giờ mới trở thành hiện thực? ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm trầm ngâm:
Thẩm quyền duyệt dự án thuộc về UBND các tỉnh, sau đó mới đến phần trung ương quyết mức hỗ trợ thông qua ngân sách của từng địa phương. Tiến độ triển khai các dự án BTV hiện đã quá chậm, Cục rất nóng ruột đôn đốc nhưng tinh thần hành động khẩn trương theo lệnh Thủ tướng hơn 4 năm rồi vẫn chưa thấy!

Phải! Cứ lần chần mãi thế này, liệu tới lúc trăm tỉ rót về, chắc gì còn nổi trăm voi để nuôi lớn giấc mơ…
Từ năm 2004, nhóm chuyên gia voi châu Á thuộc tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN/SSC đã công bố bảng thống kê số voi rừng và voi nhà ở 13 nước trong khu vực.
Theo đó, voi hoang dã dao động từ 38 nghìn đến 52 nghìn con, tập trung nhiều nhất ở Ấn Độ, ít nhất ở Việt Nam. Voi nhà ước có khoảng từ 14,5 nghìn đến 15,3 nghìn con. Nhiều nhất ở Myanma , Việt Nam kế chót với 165 cá thể, chỉ hơn Bangladesh còn tròn 100.

Dẫu số liệu thống kê voi mang tính tương đối, nhưng rõ ràng sự cảnh báo tồn vong đã gióng lên dưới tán rừng nhiệt đới của nước ta.

Hoàng Thiên Nga

Lễ hội Tăm nghét

( Của người Mnông Đăk Nông)

Khi lúa đã ngủ yên trong kho , bắp treo lủng liểng đầy sà nhà, năm cũ với những buồn vui cũ đã bay đi cùng những cơn gió từ rừng đại ngàn tràn về. Mùa xuân mới sà xuống đậu trên búp non của những cành cây, người Pu Noong lại tổ chức lễ Tăm Nghét. Không phải là lễ ăn cơm mới như của tộc người Êđê, tổ chức sau khi gặt những gùi lúa đầu tiên , mà thu hoạch xong mùa màng, người ta làm thịt một con gà, buộc một ghè rượu nhỏ để xin Yang đóng cửa kho lúa. Rồi mới làm lễ tăm nghét để xin chính thức mở cửa kho xử dụng, hoặc sum họp gia đình vào đầu năm mới.

Hàng năm, lễ này chỉ này chỉ cúng rượu và heo. Chỉ khi thu được hơn 100 gùi lúa, sẽ phải ăn trâu. Sau khi thày cúng đã chọn ngày chính thức, gia đình cho người đi báo tin và mời họ hàng ở buôn xa ,buôn gần về dự lễ. Trai gái các bon cũng nhân lúc này mà có lời hẹn hò.

Gia chủ phải lo chuẩn bị cho lễ tăm nghét này từ hàng tháng trước đó, nhất là việc ủ những ghè rượu thật ngon, sau khi suốt được những gùi lúa đầu tiên.

Ngày đầu, những người đàn ông đi chặt cây Blang để làm cột mới buộc trâu. Cũng trong ngày này , đàn ông khéo tay trong gia đình phải dùng gỗ Blang thay những chiếc khung D’rang day vẽ hoa văn màu đen, nẹp chung quanh dàn kho lúa trên bếp lửa và chiếc giá để bầu cơm trong nhà, làm lại cho đẹp, cho mới để cúng vị thần coi sóc kho lúa, và còn đón khách quý các bon đến nhà nữa chứ .Đám phụ nữ trong nhà tíu tít chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ai cũng có việc của mình.Chỉ riêng lũ con nít chộn rộn, hết chạy tới lại chạy lui vô ra ngắm nhìn. Xem cho kỹ nghe,những lễ hội sau là của các con đấy.

Dựng cột buộc trâu Gơng rga và cột nêu Gơng la là công việc quan trọng nhất trong ngày thứ hai.Việc này chỉ chọn người khéo tay.Từ khi mây mù còn vây bủa khắp thung lũng, tiếng chày giã gạo của lũ con gái đã len lỏi khắp trong bon lan. Thậm thịch thậm thịch tiếng chày nện xuống lòng cối.Lốc cốc, lộc cộc tiếng va nhau của chày đôi, chày ba.Cứ từng nhóm hai ba cô gái trẻ, váy na put n’rưng dệt đẹp dài ngang bắp chân thon, chuyện trò ríu rít, mắt sáng ngời, má hồng rạng rỡ, vồng ngực căng lên như những quả đồi đang thở vì luôn tay nhanh nhẹn nâng chày lên, giã xuống.

Người đàn bà chủ nhà – U ruanh – chỉ huy đám phụ nữ lớn tuổi lo phần nấu nướng.Những món gì ngon nhất của riêng gia đình mình hôm nay phải làm cho thêm ngon hơn nhé. đám đàn ông phân công nhau ai làm thịt heo, đi dắt trâu về, ai dựng cột . cây cột bằng gỗ Blang cao quá đầu người , có tượng Kon Nuih – một người đàn ông và một người đàn bà – ngồi hai bên, tay chống lên đùi, để chào tiễn biệt con trâu.Phía trước dựng một khung tre ngăn cách với chỗ người ngồi, lại thêm một cây cọc để ghì trâu cho chắc.Sát bên cạnh là cột nêu- Gơng la, trên đỉnh có chim kring giang cánh như sắp bay lên, sáu chùm lá cọ Lha sra xé tua rua trang trí như hoa dọc thân cột gơng, với bốn sợi dây prei jum – chỉ khi được mùa mới có- kết dài những hạt cườm , tượng trưng cho bày ong, và những mảnh gỗ vẽ hoa văn các màu.Khác với trong nhà dùng màu đen, tất cả ở đây chỉ dùng màu đỏ.Một chiếc dàn N’rơng rla buộc chắc ở lưng chừng cột, để người ngồi thổi kèn Rlet khi cúng và ngồi canh trâu.Tiếng chiêng đã nối lên từ lúc bắt đầu chôn cột.dựng xong, đội chiêng đi ba vòng quanh nhà như một hình thức thông báo cho các thần xung quanh, để chuẩn bị đón trâu về buộc. Váy, khố, áo đẹp cất kỹ trong gùi, nay thơm mùi nắng xuân mới phơi, đung đưa theo những bắp chân,cánh tay nâu bóng.Vồng ngực trần đàn bà mẩy hồng, đôi vai và bắp chân trai tráng rắn đanh trong ánh ban mai và trong hàng trăm ánh mắt long lanh ngưỡng mộ của cả bon lan.

Trâu đã dắt về, cột chắc bằng những sợi dây mây và da trâu bện xuắn vào nhau. Bà chủ nhà sẽ cất tiếng ca bài “ khóc trâu” , an ủi và sẻ chia :

“ Ơ Pô, ơ Pô!/ Lâu nay sống trong nhà/ Ta với mày thương nhau/ Hôm nay dâng trâu cúng lúa/ Cầu mọi điều an lành/ Mở cửa kho/ Cho chủ nhà no/ Ơ Pô ! ơ Pô”

Thày cúng bắt đầu phần nghi lễ của mình. ông hút rượu từ trong ché, hoà với huyết heo, lẩm bẩm khấn khứa, rồi bôi rượu huyết lên dàn kho lúa, cột nhà, cột buộc trâu, trong tiếng Rlét dìu dặt.Rlét này sau lễ cúng, sẽ mang cất lên gác bếp chiếc bầu, còn ống nứa Tưng kar phải chôn ngay xuống chỗ chân cột nêu ấy. Sang năm nếu Yang cho 100 gùi lúa nữa , được anư trâu, sẽ lại làm Rlét khác với chiếc bầu đó.Còn đây là rượu, này là huyết cúng dân lên các vị thần linh đó nhé.Cha, mẹ, vợ chồng, con gái đầu lòng cùng đứng vị tay vào cột Gơn rla, đọc lời khấn theo thày cúng. Này là cả gia đình chúng tôi cùng đồng lòng cầu khấn các Yang đây :

“ Ơ Yang , lúa đã ngủ kín trong kho! Hãy cho chúng tôi năm sau lúa bắp nhiều hơn năm trước, được thuận hoà năm mưa tháng gió,cây cối sinh sôi nảy chồi ,đâm lộc. Con người không bệnh tật ốm đau.Mở kho này cho cả năm no đủ, chúng tôi xum họp ở đây cầu xin các Yang. Ơ Yang ! ”

Mặt trời đã lên cao quá đỉnh núi Jôk Nghi Pran, cái nắng như mật ong trải vàng trên đồng cỏ hoe hoe, lốm đốm sáng dưới bóng lá cây cà phê xanh rậm rịt trong vườn, nhà, thắp sáng bừng những gương mặt hớn hở của cả Bon lan.Gần 100 mùa rẫy rồi, cả bon không nhà nào đủ lúa để được “ ăn trâu” mà. Dù đã có nhiều nhà trồng cà phê, làm ruộng nước , học người Kinh gieo giống lúa có năng suất cao theo kỹ thuật mới. Nhưng cái thơm , cái ngon của hương lúa bay xa ba Bon, bốn làng để cúng tế các vị thần linh, thì chỉ trong giống lúa cũ của ông bà ta để lại mới đậm đà thôi.

Tiếng chưng của các Bon lan xa gần đến dự hội đang vang lên thì thụp xa xôi đâu đó trong nắng. Bà chủ hối hả dục dàn chưng mau đi đón khách.Theo lệ của người Pu Noong, chủ nhà phải ra tận đầu bon , mang theo đĩa đựng trầu cau , thanh nứa dài cắm sẵn những miếng trầu đã têm sẵn, nhiều ống nứa khác cột dây đỏ đựng rượu cần, trong tiếng chưng rộn ràng đón khách. Trầu được mời trên môi, rượu được đổ vào tận miệng trong tiếng chưng bung boong, rồi cùng vừa tấu chưng , vừa đưa nhau vào Bon, vào nhà.Lại những hồi chiêng dài, những ống rượu nghiêng vào vai nhau mà uống cho đến cạn, miếng trầu cay ấm nồng như tấm lòng Bon lan thơm thảo, để rồi đến phần các dàn chưng đua tài. Này là bài Pep kon jun, hay bài Dôk khleng đảo nhịp vui đến khiến cả người chơi lẫn người nghe đều ngả nghiêng, nhún nhảy.Nào là bài T’rơ chưng pu pét chững chạc, tự tin trong địa vị chủ lễ. Hay bài “ Tiếng chim hót trong rừng” tiết tấu chầm chậm vừa phải mà thanh thoát và khắc khoải ?

Ngày thứ ba, ngày chính thức của lễ hội. Mọi lễ thức khẩn cầu lại được lặp lại, trước khi hiến tế. Người được chọn để đâm trâu phải thật sự thành thạo với nghi thức này. Bởi sau khi đã chặt hai khuỷu chân sau , mà lại đâm không trúng tim, trâu không chịu chết ngay, lồng lộn lên là bị xui xẻo đấy.Thịt trâu này sẽ chia đều cho mọi người đến cùng tham gia lễ hội,mỗi người một rẻo nhỏ. Vâng, rất nhỏ thôi , những là sự sẻ chia vui buồn, là sợi dây kết nối tình nghĩa cộng đồng , tồn tại mãi hàng bao đời nay trong các lễ hội Tây Nguyên.Phần xương và bộ lòng, bà chủ làm canh đãi đằng chủ khách. Bộ da sẽ được lóc sạch dùng làm mặt trống hay dây buộc rất chắc chắn.

Ngày thứ tư của lễ, gia chủ mang chiếc đầu trâu vẫn đặt trên dàn cúng xuống, nấu bữa ăn chia tay khách gần, khách xa. Tiêng chưng lại vang lên bài đưa tiễn. Hẹn gặp lại trong những lễ Tăm Nghét của bon nào thu 100 gùi lúa nhé.

Linh Nga Niê Kdăm

Viết cho những mảnh ký ức cuối năm…

Đó là một buổi chiều cuối năm, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, tôi ngồi trước máy tính nghe Lillian Bùi, một cô gái người Việt sống ở Mỹ có khuôn mặt bầu bĩnh, ôm cây đàn ghi ta và hát trên Youtube bài hát do cô tự viết lời và phổ nhạc.

You can’t go back to childhood
The road doesn’t go that way
It’s overgrown with brush and woods
The gates are locked, decayed…

(Tạm dịch:
Anh chẳng thể nào về lại ấu thơ đâu
Con đường không dẫn về phía ấy
Giữa um tùm bụi rậm và rừng cây
Cánh cổng xưa khóa kín rồi, đổ nát)

Giọng hát và giai điệu mộc mạc ấy ngay lập tức đưa tôi về những ngày xưa. Phải, cô gái ạ, tuổi thơ của chúng ta chỉ đến một lần trong đời. Và từ đó trở đi, ta sẽ nhớ về nó mãi, nhớ về nó rất nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại. Tôi biết mình chẳng thể quay lại nữa, nhưng xin đừng ngăn cản tôi nhớ nhung.

Những ngày xưa tươi đẹp đã đi qua. Những điều gần gũi như cái chợ gần xóm cũ, mùi của những cọng rau ngày còn bé, thiên nhiên trong trẻo chung quanh và cả mối tình thơ dại nào đó. Nó dệt nên tuổi thơ của ta.

Cuộc đời của chúng ta cơ hồ được ghép bởi những mảnh ký ức. Chính thế, những mảnh ký ức vỡ làm nên đời ta. Những kỷ niệm êm đềm và thơm ngát như ngọn gió mùa xuân thổi qua thềm nhà buổi chiều xa xưa nào. Một mối tình dang dở. Một nụ hôn chưa kịp trao. Cái nắm tay vội vàng. Một sai lầm không thể cứu vãn. Một tổn thương ta gây ra cho ai đó, hoặc ai đó gây ra cho ta. Những mảnh vỡ của ký ức, đôi khi nhọn hoắt, đôi khi nát vụn…vẫn trở về với tôi hoài vào những chiều cuối năm.

Khoảng khắc đó, tôi có thói quen ngồi xuống một nơi yên tĩnh, và nhâm nhi “chiếc bánh Madeleine”(*) của đời mình, và cố lắp lại những mảnh vỡ đó…Chiếc bánh Madeleine của bạn là gì? Điều gì có thể đưa bạn trở lại ngày xưa? Với tôi đó là món ăn mẹ nấu như hồi bé thơ. Cuốn album cũ. Con đường cũ. Người bạn cũ. Một món đồ chơi cũ…

Tôi quen một người bạn. Anh thường ra phố Lê Công Kiều mua đồ cổ. Thật ra anh chẳng mua thứ gì đắt đỏ vì anh không có nhiều tiền. Anh chỉ mua những chiếc tô gấm chiết yêu vẽ xanh trắng. Anh chất từng chồng trong phòng mình. Tôi những tưởng anh mê lắm. Nhưng không, anh mua vì nhớ mẹ. Anh mua vì lúc anh còn nhỏ, gia đình còn nghèo, mẹ anh được ai đó tặng cho hai cái tô gấm và mấy cái chén sứ xanh trắng. Mẹ anh quý lắm. Anh nhớ, chỉ những ngày Tết, mẹ mới cho hai anh em anh ăn cháo gà trong chiếc tô gấm trong bữa cơm ngày Ba mươi.

Rồi chiến tranh. Những món đồ sứ ít ỏi đó mẹ anh không giữ được. Và bà tiếc mãi, tiếc mãi…cho đến ngày ra đi. Anh nhớ mẹ, anh nhớ những buổi tối giao thừa sau khi dọn dẹp xong, anh ngồi nép bên mình mẹ nhìn mẹ anh lau sạch những chiếc chén xanh trắng tinh xảo và trầm trồ mãi. Và từ đó, dành dụm số tiền lương còm, anh mê mải tìm mua lại chút tuổi thơ xưa.

Tôi vẫn sống ở nơi mình từng sinh ra. Nhưng những hình ảnh cũ xưa đã không còn nữa. Cái giếng nước cũ. Hàng rào bông bụp đỏ. Tôi nhớ chúng. Những trái táo gai chua và xanh hái trên cây trong cái sân nhỏ trước nhà ở Phú Nhuận. Những trái mận từ nhà hàng xóm. Đôi khi, tôi nhớ tuổi thơ nên đi bộ ra đầu hẻm. Ngôi nhà đóng kín cửa. Tôi bấm chuông xin vào, chỉ để nhón chân lên hái một chùm mận. Bà cụ mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Đôi khi, tôi đứng lại bên một bức tường, và nhặt lên một trái mận rơi. Những trái mận trong vườn, trái hồng nhạt và nhỏ, thật nhiều hạt. Tôi nhớ những cái hạt của trái mận biết bao nhiêu. Cuộc đời lạ lùng đến thế, chỉ là những hạt mận, vậy mà cơ hồ không còn thấy được bao nhiêu nữa. Nói gì bãi bể nương dâu…

Đôi lúc, tôi tin rằng dăm khoảnh khắc tìm lại tuổi thơ trong những ngày năm cùng tháng tận ấy đã trao lại cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ, đến nỗi có thể giúp tôi vượt qua rất nhiều ngày khó khăn của thời gian còn lại trong một năm.

Cũng như những khoảnh khắc ta cuống quýt trở về nhà để đón Giao thừa vậy… Đó là thời khắc ta biết mình sắp mất một cái gì đó mơ hồ. Cái cảm giác ấy thật hoang mang. Đầy tiếc nuối, đầy hy vọng và cũng đầy nghi ngại. Tôi vẫn nghĩ về thời khắc giao thừa giống như một cánh cửa thời gian. Lật qua, lật lại. Đứng ở đó, ngay trước bàn thờ ông Thiên. Cỗ máy thời gian sẽ đưa ta đến một nơi khác. Biết đâu là ngày xưa…

Về nhà đi em. Sắp giao thừa rồi đó…Nhiều người bảo rằng chỉ thực sự thấy được không khí ngày Tết khi về ngôi nhà của mình dù nó có nhỏ bé thế nào…Về nhà đi. Ngồi xuống chiếc ghế ấm cúng thân quen này và nhâm nhi một “chiếc bánh Madeleine”. Rồi giao thừa sẽ đưa ta trở về tuổi thơ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vừa đủ để xoa dịu những tổn thương của chính ta. Để tha thứ cho những lỗi lầm của ta. Để làm thanh sạch trái tim ta lần nữa. Để tìm lại bình yên.

Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng có tháng ngày nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên.

Đông Vy và Phạm Công Luận

(*)Madeleine là loại bánh bông lan mềm hình con sò xuất xứ từ Pháp, nhẹ, xốp, có vị béo thơm. Trong tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất” , Marcel Proust kể lại một buổi chiều đông rét mướt, khi bị nhuốm lạnh, tác giả nhấp một ngụm nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh “madeleine” để sưởi ấm người. Và hương vị của chiếc bánh thuở ấu thời đã đột ngột đánh thức những ký ức và cảm xúc thầm kín, đưa ông trở về quá khứ đi “tìm thời gian đánh mất”

Giữ đẹp khu vườn tổ quốc

Chào các bạn,

Hôm qua chúng ta đã bàn về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước qua những phản hồi rời rạc của hai bài Phát triển con người, phát triển đất nướcÁnh sáng và bóng tối – Bạn chọn cái nào? Hôm nay chúng ta tóm tắt ý chính của các phản hồi đó trong bài này.

“Điều kiện cần và đủ để tội ác chiến thắng là người tốt chẳng làm gì cả.”

Câu nói này của Edmund Burke nói lên căn bản của một xã hội lành mạnh. Một xã hội lành mạnh không chỉ là một xã hội có người tốt, mà là một xã hội có người tốt tích cực ngăn chặn điều xấu.

Khu vườn có thể có đủ thứ kỳ hoa dị thảo, nhưng chỉ cần người làm vườn không nhổ cỏ, thì chỉ trong một thời gian ngắn, khu vườn thành khu rừng, và kỳ hoa dị thảo cũng ngợp thở mà chết.

Nghĩa là, gánh nặng giữ cho xã hội của chúng ta trong sạch rơi vào vai của mỗi người chúng ta trong xã hội. Không “nhưng nhị” gì hết.

Chúng ta đã thừa biết người tiêu cực thường viện hàng trăm cớ để sống tiêu cực, trong khi người tích cực chỉ có một qui luật duy nhất—đời sống của tôi lệ thuộc vào tôi.

Đời sống quốc gia lệ thuộc vào công dân.

Nhưng nói đến đời sống quốc gia thì chúng ta nghe đủ mọi loại bán cái của người tiêu cực. Và rất tiếc là trong vòng bao nhiêu thập niên nay, các lý luận bán cái này là dòng chính của nền văn hóa chúng ta, như là—một con én không làm được mùa xuân, tất cả chúng nó tham nhũng hết không làm gì được, toàn mà một đám gian tham nắm quyền, nhà nước nuôi tham nhũng… Đây toàn là các l‎ý luận tiêu cực kinh điển, các bạn có thấy được điều này không? Chúng luôn luôn được đưa ra như là cái cớ để “tôi không làm gì cả”, hay xa hơn là “tôi cũng phải đi theo họ để sống.”

Đây là qui luật chúng ta phải nắm vững, không thể mập mờ: Cuộc đời của mình do chính mình chịu trách nhiệm. Cuộc đời của quốc gia do quốc dân chịu trách nhiệm.

Và quốc dân là ai? Là mỗi người dân chúng ta góp lại.

Cho nên mỗi người chúng ta phải chấp nhận sự thật căn bản là: Tôi chịu một phần trách nhiệm về những vấn đề của đất nước.

Cũng như sân trường chỉ có thể sạch khi mỗi học sinh chịu trách nhiệm và hành động để giữ sạch nó, mỗi người dân phải chịu trách nhiệm và hành động để giữ sạch quốc gia.

Bằng cách nào?

Cho đến giờ này mà bạn còn hỏi bằng cách nào, thì bạn đã làm gì trong những năm qua?

1. Nhận biết điều sai là sai. Điều này thì ai cũng biết, tối thiểu là 90% của những gì xảy ra. Chỉ 10% vấn đề là mù mờ khó hiểu. Chẳng có gì khó khăn để biết gian lận, dối trá là sai cả.

2. Gọi điều sai là sai. Tiền hối lộ thì gọi là tiền hối lộ, đừng gọi là tiền bồi dưỡng. Và nếu gọi là tiền bồi dưỡng thì cũng đừng cho là bồi dưỡng là đúng, còn hối lộ mới sai.

3. Đừng lải nhải các l‎ý luận chứng minh điều sai là đúng, hay là nó cũng chấp nhận được.

4. Đừng làm điều sai.

5. Đừng ủng hộ người khác làm sai.

6. Đừng tiếp tay với cái xấu, với tham nhũng, dưới bất kỳ hình thức nào, như là chi hối lộ cho tham nhũng.

7. Kêu gọi người khác sống thanh liêm ngay thẳng.

8. Yêu cầu người khác, nhất là nhà nước thanh liêm ngay thẳng.

Một số quan chức nhà nước tham nhũng không thể tiếp tục được nếu toàn dân không tiếp tay.

Tùy theo hoàn cảnh, mỗi người sẽ phải quyết định mình nên làm gì trong hoàn cảnh đó. Điểm chính là chúng ta phải quyết tâm nhận cái sai là sai, và không đồng lõa thỏa hiệp với nó. Nếu không thì ta không thể giải quyết vấn đề phát triển của đất nước.

Chúng ta không thể tiếp tục sống như một quốc gia hạng đáy với tư cách công dân của một quốc gia hạng đáy. Chúng ta có 4 ngàn năm văn hiến, chúng ta đã từng thắng những cường quốc hàng đầu thế giới. Hãy sống như con dân của một quốc gia anh hùng vô địch và góp phần mình trong việc biến quốc gia mình thành một cường quốc vô địch.

Làm người tốt ngồi yên chưa đủ. Quốc gia cần người tốt tích cực ngăn chận cái xấu.

Tích cực như thế nào thì tùy bạn tự chọn lựa trong khả năng và điều kiện riêng của mình. Nhưng “tích cực ngăn chận cái xấu” là điều tổ quốc đòi hỏi trong mỗi công dân. Ta sẽ không làm tròn nghĩa vụ với tổ quốc nếu ta không làm gì để chận tối thiểu là một điều xấu đang xảy ra trước mắt.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành