Thứ hai, 18 tháng 1 năm 2010

Bài hôm nay

Greenfields – Đồng Xanh , Văn Hóa, Nhạc Xanh, Video, anh Trần Đình Hoành.

Lợi thế kinh tế số một , Nghiên Cứu Xã Hội, anh Trần Đình Hoành.

Can đảm mạo hiểm , Danh Ngôn, song ngữ, chị Bằng Lăng Tím

Đạt thành việc lớn , Danh Ngôn, song ngữ, Một Ngày Một Danh Ngôn .

Sai lầm, Danh Ngôn, song ngữ, Vô Ngôn.

Ầu ơ! Quê hương , Thơ, anh Phạm Lưu Đạt.

Bến đò xưa , Thơ, anh Trần Vân Hạc.

Đà Lạt Trong Tôi Và Những Điều Đã Mất, Chuyện Phố, Chứng Nhân, Văn, chi Đinh Thị Như Thúy.

Chuyện bên hồ Thiên Thảo , Văn, Trà Đàm, chị Tôn Nữ Ngọc Hoa.

Tự ái vặt , Trà Đàm, anh Trần Đình Hoành.
.

Thông báo

Hội Liên Lạc Với Người Việt Nam Ở Nước Ngoài TP HCM mời các bạn kiều bào tham dự buổi hội thảo về “Luật quốc tịch và sở sữu nhà ở cho kiều bào” và Họp Mặt Mừng Xuân Canh Dần, tại Hội trường Thống Nhất, chúa nhật 31.1.2010 từ 14:30 đến 20:30.

Vì chỗ ngồi có giới hạn, xin các bạn hồi âm sớm.

Xin các bạn click vào đây để nhận giấy mời
.

Tin sáng quốc tế, anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

Trung Quốc phóng vệ tinh thứ ba trong hệ thống định vị Bắc Đẩu – Sáng hôm qua, Trung Quốc đã phóng vào quỹ đạo vệ tinh định vị Bắc Đẩu thứ 3 trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu là đến năm 2020, hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu sẽ gồm 35 vệ tinh và cung cấp các dịch vụ trên phạm vi toàn cầu.

1 triệu người “áo đỏ” sẽ tham gia “cuộc đấu cuối cùng” – Những người áo đỏ ủng hộ Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) có kế hoạch tổ chức “cuộc đấu cuối cùng” với sự tham gia của khoảng 1 triệu người tại thủ đô Bangkok của Thái Lan vào tháng 2 tới.

Khi vết thương thuở nhỏ không lành – Ở Mỹ có những ngôi sao ca nhạc – điện ảnh bị bạo hành từ nhỏ. Dù đắm trong vinh quang và danh vọng khi trưởng thành nhưng những cơn ác mộng trong quá khứ chưa bao giờ thôi ám ảnh họ.

Đại dịch và đại dịch ảo – Ngày 11-6-2009, sau nhiều tuần xem xét và cân nhắc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố cúm A/H1N1 là một đại dịch. Nhưng bà tổng giám đốc WHO Margaret Chan cũng thêm một nhận xét rằng đại dịch này chỉ ở mức độ nghiêm trọng trung bình (moderate severity). Nói cách khác, không có gì phải cuống cuồng lên cả!

Hồ sơ: Tôi lên tiếng – Kỳ cuối: Danh tiếng và hiểm họa – Tờ The New York Times đăng một bài với tựa đề “Một người Afghanistan trẻ tuổi dám nói những đều không nên nói”, còn Học viện Tường thuật chiến tranh và hòa bình đăng một bài chạy tít “Joya phá tan bức tường im lặng”… Trong một đêm tôi đã nổi tiếng khắp thế giới.

Tường trình đặc biệt của Tuổi Trẻ: Haiti kêu cứu – Cả thế giới đang hướng về Haiti, ở đó hàng trăm ngàn người đã chết, hàng triệu người khác đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất, không nhà cửa, không thức ăn, không nước uống… Sau 30 giờ di chuyển bằng nhiều phương tiện, đặc phái viên Tuổi Trẻ có mặt ở “tâm điểm của thế giới” gửi về những hình ảnh, những câu chuyện chân thực nhất.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải thích vụ Google – Chính quyền Mỹ sẽ chính thức yêu cầu chính quyền Bắc Kinh giải thích về các vụ tấn công mạng nhằm vào Google.

Cựu Thủ tướng Thaksin hủy chuyến thăm Campuchia – Theo phóng viên XVN tại Phnom Penh, ngày 15-1, ông Noppadon Paama, cố vấn pháp lý của gia đình cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết ông Thaksin đã hủy bỏ kế hoạch tới Campuchia trong tháng 1 này. Thay vào đó, ông Thaksin sẽ đi thăm một nước Đông Nam Á khác, song không nêu cụ thể.

Venezuela thay Bộ trưởng Tài chính – Tổng thống Venezuela Hugo Chavez ngày 15-1 đã thay Bộ trưởng Tài chính và thông báo tăng lương tối thiểu lên 25% nhằm đối phó với ảnh hưởng của lạm phát tăng, đồng thời để ủng hộ các chính sách mà ông ban hành thời gian qua.

.

Tin sáng quốc nội , anh Nguyễn Minh Hiển tóm tắt và nối links.

“Cụ” rùa hồ Gươm nổi gần 4 giờ đồng hồ – Khoảng 10g sáng nay 17-1-2010, “cụ” rùa hồ Gươm đã bất ngờ nổi lên mặt nước, ngay sát đoạn ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Tràng Tiền.

Vườn rau di động – lồng cá trên đảo chìm Cô Lin – Nằm trong vùng biển có điều kiện sống hết sức khó khăn, trồng được cây rau trên đảo chìm Cô Lin (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) có thể nói là một kỳ công.

Xây trên 60 cống giải quyết “tranh chấp” mặn – ngọt – Ngày 16-1, ông Lương Ngọc Lân – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu – cho biết đã khởi động dự án xây cống ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn toàn tỉnh do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi 10 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư.

Chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội: 27% hộ được cấp phép an toàn vệ sinh thực phẩm – Ngày 16-1, đoàn thanh tra liên ngành Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán tại chợ Đồng Xuân – khu chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai đợt cao điểm an ninh tết – Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, không để tái diễn tình trạng sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo trái phép trong dịp Tết Canh Dần và lễ hội mùa xuân 2010.

Cho Vinashin tiếp tục đầu tư tại Tiền Giang – Ông Nguyễn Văn Phòng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết sau khi tỉnh đề nghị Thủ tướng thu hồi chủ trương đầu tư dự án của Vinashin phía Nam tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông thì doanh nghiệp này xin đổi công năng và tiếp tục đầu tư.

Kỷ luật hiệu trưởng, hiệu phó Trường cao đẳng Nghề Đồng Tháp – Ngày 16-1, ông Lê Văn Khôi, bí thư Đảng ủy khối cơ quan dân chính đảng Đồng Tháp, cho biết vừa ký quyết định kỷ luật hình thức khai trừ Đảng đối với ông Lê Văn Bộ – phó bí thư đảng ủy, hiệu phó Trường cao đẳng Nghề Đồng Tháp; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phạm Hữu Ngãi – bí thư đảng ủy, hiệu trưởng.

Bắt cóc con tin ở Huế: cuộc giải cứu sau 12 giờ cân não – Sáng nay 17-1, PV Tuổi Trẻ Online đã đến nhà bạn gái của Nguyễn Văn Minh – đối tượng bắt cóc con tin tại nhà nghỉ Như Phước (Huế) – tại tổ 6, phường An Tây, TP Huế. Ông Lê Trung Mại, bố của cô gái cho biết vào khoảng hơn 5g chiều hôm qua 16-1, Minh tìm đến nhà và hỏi thăm con gái của ông, trên vai Minh đeo súng AK và đạn.

Gieo thói quen tư duy sáng tạo – Trước Tết Nguyên đán, từ ngày 7-2, khoa thương mại – du lịch – tiếp thị Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ tổ chức trại dành cho học sinh từ 11 tuổi trở lên, mang tên “Về quê, học sáng tạo”. Tiến sĩ LÊ TẤN BỬU – trưởng khoa – cho biết:

Lốc 3D đổ bộ lớp học, sao lại không? – Có bao giờ bạn hình dung vừa ngồi trong lớp vừa đeo kính lọc màu và hả hê xem những hình ảnh 3D, những đoạn phim 3D cực kỳ sinh động liên quan đến môn học?

Thanh niên Việt Nam – Trung Quốc gặp gỡ hữu nghị – Từ ngày 16 đến 25-1 tại Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Trung Quốc 2010 với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam – Trung Quốc đoàn kết, cùng nhau gìn giữ quan hệ hữu nghị Việt – Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Giới trẻ Việt Nam thay đổi quá nhanh – Tôi đến VN lần đầu vào năm 2000 và quyết định ở lại đây từ 2005. Nếu không có tình yêu mãnh liệt với vùng đất này, tôi đã không theo học tiếng Việt từ chập chững ABC tới trình độ cao học như bây giờ.

Chưa tết đã ngập tràn xuân – Gian hàng “thầy đồ viết thư pháp” thu hút nhiều doanh nhân xin chữ đầu năm tại chương trình “Du xuân Đông Hồ”, do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức tối 15-1. Tuy chưa tết nhưng không khí đã rất xuân khi cả không gian ngập tràn sắc mai vàng, bao lì xì đỏ.

Trao 71 học bổng Saigon Co.op – Sáng 16-1, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã trao 71 suất học bổng (mỗi suất 4 triệu đồng) cho sinh viên vượt khó, học giỏi thuộc các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Cần Thơ, Đà Nẵng từ quỹ học bổng “Saigon Co.op – chắp cánh tương lai”.

Về thăm căn cứ cũ – Ngày 16-1, Thành đoàn TP.HCM và Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ đã về thăm và tặng quà các gia đình từng là cơ sở của Thành đoàn tại xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi).

Tết đến sớm với các cụ già neo đơn – Các cụ già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa (xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) đã rất vui khi nhận được phần quà tết từ các bạn SV TP.HCM vào sáng nay (16-1).

Mỗi xã, phường lập một “đội tình nguyện xanh” – Đó là yêu cầu của Ban bí thư T.Ư Đoàn đối với các Đoàn xã, phường, thị trấn trong năm 2010 nhằm thực hiện chương trình “Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương”.

Công nhân được hát hò miễn phí – Các môn thể thao bóng bàn, cầu lông, thể hình và các “món” kỹ năng như nữ công gia chánh, tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình, đến nay tại Trung tâm Sinh hoạt công nhân KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) công nhân còn được tha hồ hát hò miễn phí.

Đào tạo tình nguyện viên đón du khách – Ông Đinh Văn Lộc – giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) – cho biết chương trình đào tạo tình nguyện viên miễn phí dành cho thanh niên, sinh viên để đón khách Việt kiều về quê ăn tết cổ truyền và lễ hội pháo hoa 2010 tại Đà Nẵng sẽ được tổ chức thành hai đợt.

Tạp bút: Chim minh nguyệt – Có đôi vợ chồng đều gần sáu mươi tuổi, với vài mặt con, bỗng dưng bà vợ đùng đùng đòi ly dị. Tôi bèn hỏi: Chị ơi, sắp về hưu rồi còn đòi bỏ anh ấy làm gì? Hỏi gặng mấy câu, chị ta bỗng gắt lên: Tại anh chú chim ngắn chứ sao.

Sôi nổi đêm chung kết Bệ phóng âm nhạc 2009 – Tối 16-1, tại Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã diễn ra đêm chung kết Bệ phóng âm nhạc 2009. 13 thí sinh xuất sắc của gần 30 cuộc thi tuần, tháng, quý đã góp mặt tại đêm chung kết với những màn trình diễn ấn tượng.

“Hòa nhịp bạn trẻ” tưng bừng với K’Naan – Ca sĩ khách mời quốc tế mở màn cho chương trình “Hòa nhịp bạn trẻ” năm 2010 tối 16-1 tại TP.HCM là anh chàng ca sĩ K’Naan – gương mặt độc quyền của Tập đoàn âm nhạc nổi tiếng thế giới Universal Music – ca sĩ sẽ hát chính trong Đại hội World Cup 2010 tại Nam Phi của Coca-Cola toàn cầu.

Cô bạn 16 tuổi nhận giải thưởng Nhạc sĩ trẻ – Vượt lên 4.000 thí sinh khác, cô nữ sinh 16 tuổi Ali Brustofski ở TP Oakland (bang California, Mỹ) vừa chiến thắng trong cuộc thi Giải thưởng Nhạc sĩ trẻ của Hội Những nhạc sĩ New York. Kèm theo giải thưởng là khoản tiền mặt trị giá 1.000 USD.
.

Lịch sự kiện văn hóa

KVT – Romance and Romany – KVT went to see the amazing duo at L’Espace —– KVT ghé qua buổi song tấu tại L’Escape

FVH – Dai Bai Village & Dau Pagoda – 23 Jan – FVH’s day trip —– 23/01 – Chuyến tham quan chùa Dâu và làng đúc đồng Đại Bái cùng FVH

.

Tin học tập – việc làm

IIE Vietnam news

American Center Hanoi Event news

ICVE: Học bổng Hoa Kỳ 2010

Fellowship at UNFPA Special Youth Programme

Chứng khoán

* VNINDEX

* HNX

Giá vàng VN

Giá vàng Mỹ

Tỷ giá ngoại tệ

Thống kê kinh tế

Thời tiết hôm nay
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

:-) :-) :-) :-) :-) :-)

Đọt Chuối Non

Greenfields – Đồng Xanh

Đồng xanh

Thuở trước có đồng xanh, mặt trời ve vuốt
Thuở trước có thung lũng, với những dòng sông
Thuở trước có trời xanh, với những tàn mây trắng
Thuở trước tất cả dự phần vào cuộc tình vĩnh cửu.
Chúng mình là kẻ đang yêu lang thang trên đồng xanh

Đồng xanh nay đã mất, mặt trời đốt
Đã biến khỏi thung lũng nơi từng có những dòng sông
Đã mất theo làn gió lạnh thổi vào tim anh
Đã mất theo những người yêu để giấc mơ vuột mất
Còn đâu đồng xanh ta thường vui chạy?

Anh không bao giờ biết điều gì đã khiến em ra đi
Làm sao anh tìm được, khi mây đen che tối cả ngày
Anh chỉ biết chẳng còn gì ở đây cho anh cả
Chẳng còn gì trên thế gian để anh nhìn ngắm

Nhưng anh vẫn đợi ngày em trở lại
Anh vẫn đợi ngày em học được
Em không thể hạnh phúc, khi con tim em lang thang
Em khổng thể hạnh phúc cho đến khi em mang con tim về nhà
Nhà nơi cánh đồng xanh, và nơi anh lần nữa.

(TĐH dịch)
.

Greenfields
Brother Four
Music & Lyrics : Terry Gilkyson – Rich Dehr – Frank Miller

Once there were green fields, kissed by the sun.
Once there were valleys, where rivers used to run.
Once there were blue skies, with white clouds high above.
Once they were part of an everlasting love.
We were the lovers who strolled through green fields.

Green fields are gone now, parched by the sun.
Gone from the valleys, where rivers used to run.
Gone with the cold wind, that swept into my heart.
Gone with the lovers, who let their dreams depart.
Where are the green fields, that we used to roam ?

I’ll never know what, made you run away.
How can I keep searching when dark clouds hide the day.
I only know there’s, nothing here for me.
Nothing in this wide world, left for me to see.

Still I’ll keep on waiting, until you return.
I’ll keep on waiting, until the day you learn.
You can’t be happy, while your heart’s on the roam,
You can’t be happy until you bring it home.
Home to the green fields, and me once again.

The Brothers Four viết và hát nhạc dân ca, thành lập năm 1957 ở Seattle, tiểu bang Washington. Bob Flick, John Paine, Mike Kirkland, và Dick Foley gặp nhau ở University of Washington, nơi cả bốn người là hội viên của nhóm Huynh Đệ Phi Gamma Delta năm 1956. Vì thế, sau này họ dùng chữ “Brothers” (huynh đệ) trong tên The Brothers Four.

Greenfields, phát hành tháng 1.1960, lên đến hạng 2 trong các danh sách nhạc pop lúc đó. Vào cuối thập niên 60 đầu thập niên 70, đây là bạn thịnh hành ở miền nam Việt Nam.  Ngày nay nó là một trong nhũng bản nhạc kinh điển trong kho tàng âm nhạc nước Mỹ.

Mời các bạn nghe The Brother Four năm 1960 và mới đây, thập niên 2000.

Greenfields – The Brother Four (1960, from Mitch Miller’s 1960 TV series “Sing Along with Mitch”)

.

Greenfields – The Brothers Four (thập niên 2000s)

Sai Lầm


Đã bao lần chúng ta phạm một sai lầm ảnh hưởng cả quãng đời còn lại, chỉ vì ta đã làm điều đó, khi ta đang hành động quá nhanh, dưới tác động của căng thẳng, tức giận hay sợ hãi.

Vô Ngôn dịch

How many times have we made a mistake that effected the rest of our life, simply because we made it, when we were moving too fast, at the effect of our stress, anger or fear”

Marianne Williamson

Ầu ơ! Quê hương

Ấu ơ! Quê hương
Ầu ơ…
Nhớ về quê Mẹ ngậm ngùi
Lòng đau như cắt, khóc đời tha hương
Chơi vơi nỗi nhớ niềm thương
Nhạt nhoè nước mắt, buồn ơi là buồn…

Đêm đêm thức giấc lệ tuôn,
Ngoài song gió đến, hương đồng biệt tăm!
Mẹ ơi mẹ! Chốn xa xăm,
Nồi canh rau đắng con nào đã quên.

Biển đời còn mãi lênh đênh,
Sao chưa về bến, vườn dâu đang chờ.
Đời vật vờ, người ngẩn ngơ!
Đâu là chốn cũ, đâu là quê hương ?
Ầu ơ!
Lập lòe đom đóm đong đưa ,
Một đời sẽ tận, thân này về đâu?
Chân trời vượt mấy bể dâu,
Cũng tìm nơi Mẹ chôn nhau mà về…

Phạm Lưu Đạt

Bến đò xưa

Xin đừng sóng nữa sông ơi
Cứ lao xao thế cho tôi được nhờ
Tôi đi tìm lại bến đò
Tìm trong sóng một tiếng hò: Đò…ơi!

Bến sông níu bước chân tôi
Lời ru nhẹ thoảng đầy vơi đôi bờ
Sương giăng chấp chới cánh cò
Lập lòe hoa gạo thoáng ngơ ngẩn chiều

Đâu rồi dáng mẹ thân yêu
Le te phiên chợ, xiêu xiêu chuyến đò
Đâu rồi ánh mắt người xưa
Con đò đã vắng lời chưa ngỏ lời

Tôi đi tìm bến. Tìm tôi
Tìm hương cỏ mật, tìm lời thề xưa
Bến sông lấp lóa trong mưa
Vẳng trong tiếng sóng nhịp khua mái chèo

Trần Vân Hạc

Đà Lạt Trong Tôi Và Những Điều Đã Mất

1.

Có lần tôi và mấy người bạn đã tìm về quán cafe Tùng. Chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế nhỏ xíu dưới chân cầu thang cuối căn phòng. Nơi có cái rào chắn nho nhỏ, làm bằng gỗ thông sơn trắng, ngăn lối lên tầng hai của ngôi nhà. Nơi ngày xưa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, trong thời gian ở Đà Lạt, vẫn ngồi uống cafe với nhau sau mỗi đêm đi hát về.

Chúng tôi đã ngồi vào bộ bàn ghế đó trong tâm trạng thật hoài nhớ. Lẽ ra trong không gian đó, ánh sáng đó, những hoài niệm đó, chúng tôi phải nói với nhau về những điều thật đẹp. Về những bài hát đã từng ám ảnh chúng tôi, về một thứ âm nhạc gần gũi mà chúng tôi vẫn nghe, như thể vẫn hít thở mỗi ngày. Lẽ ra chúng tôi phải nói về họ, về Khánh Ly, về Trịnh Công Sơn, về Từ Công Phụng, về Lê Uyên Phương… Lẽ ra chúng tôi phải nói về những điều kỳ diệu họ đã đem đến cho chúng tôi trong cuộc sống.

Quán cafe Tùng những năm đầu của thế kỷ này, giữa một khu phố có quá nhiều thay đổi, vẫn như xưa. Vẫn hai hàng ghế tựa bọc da chạy dài theo vách, những chiếc ghế nhỏ xinh rải rác, bức tranh treo tường, khung cửa kính nhìn ra phố.. Tất cả ấm cúng sang trọng theo một kiểu rất riêng. Ấm cúng và buồn bã khiến con người ngồi trong quán bỗng muốn gần nhau, thấy cần thiết phải có nhau. Vậy mà chúng tôi đã sai lầm, chúng tôi đã cãi vã vì một chuyện chẳng ra sao. Cãi nhau, khích bác nhau, giận dỗi nhau, làm tổn thương nhau chỉ vì vô tâm, ích kỷ chỉ vì không muốn chấp nhận nhau, dù chỉ là chấp nhận về cách nhìn những hoa rêu trên mái cũ nhà Đà Lạt.

Lẽ ra đã có một buổi tối khác, nhưng có cách gì để làm lại ? Có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi lại có dịp cùng đi chung. Cùng xuýt xoa vì hơi sương lạnh buốt, cùng leo lên một chiếc xe ngựa, rồi cùng không nói gì, chỉ ngồi im nghe tiếng vó ngựa gõ vào đêm lốc cốc. Tiếng vó ngựa như đệm vào tiếng kể chuyện của người đánh xe. Bằng một giọng khàn mệt, ông kể về những con đường ông và con ngựa đã đi, kể về những ngôi nhà ma, những oan khuất trong cuộc đời của nhiều con người. Câu chuyện của ông huyền hoặc đến nỗi đêm Đà Lạt bỗng thâm u thêm, như thể tất cả sương mù đều tụ họp về đây, trong đêm nay, theo một tiếng gọi bí ẩn nào đó.

Chúng tôi đã mất một buổi tối Đà Lạt đẹp vô cùng chỉ vì hẹp hòi, dại dột, và vô tâm.

2.

Nhưng đó là mất mát của riêng chúng tôi, chúng tôi đã phải trả giá cho sai lầm của mình bằng những dằn vặt, nuối tiếc.

Còn Đà Lạt ?

Có quá nhiều thứ đã mất đi ở đây. Mất đi không chỉ do hẹp hòi, dại dột, và vô tâm. Mất đi do thời cuộc, thời gian, mất đi do những quyết định vội vàng, tư lợi, thiếu hiểu biết của một số người.

Mất đi trong xót xa, đắng chát nhưng hình như không một ai tự thấy mình có lỗi để ân hận, giày vò.

Những mất đi đó đã làm nên bao hệ luỵ đau đớn, nuối tiếc, buồn bã trong rất nhiều người. Những người đã gắn bó với Đà Lạt bằng một tình yêu máu thịt. Những người đã sống, và gửi gắm vào Đà Lạt cả một cuộc đời với bao kỷ niệm, mà thiếu nó người ta không làm sao thoát được cảm giác bị bứt khỏi mặt đất, bị quăng quật trong bão giông với những bất ổn kéo dài không ngưng nghỉ.

Tôi nhớ Đà Lạt những năm 80 của thế kỷ trước, vắng vẻ, nhiều sương mù, nhiều thông và hoa dại. Những đêm cuối năm nằm ở ký túc xá khoa Văn trên đồi thông khu Đa Thiện, chúng tôi nghe tiếng xe ngựa. Không phải những xe ngựa dành cho du khách bây giờ, mà là những chuyến xe rau củ đi về trong sương lạnh.

Con dốc rất cao từ quán cháo lòng La Si Mi Fa của Giáo sư- Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hồng Giáp, đến bãi đất trống đối diện ký túc xá khoa Văn quả là một thách thức cho những con ngựa kéo xe luôn già và gầy yếu. Để tiếng lóc cóc mày (một) cắc / tao (một) cắc thêm rã rời mỏi mệt. Tiếng vó ngựa rời rạc và tiếng gió hú u u sau đồi thông khiến đêm như ướt mềm ra, dài mướt. Và chúng tôi khi đó chợt không thể vô lo, không thể không nghĩ đến gánh nặng cuộc đời với những buồn vui được mất.

Thầy Nguyễn Hông Giáp đã rời đại học Sorbonne để về quê hương, có một thời gian ông không được giảng dạy. Ông mở quán cháo bán cho sinh viên. Cháo lòng heo ăn kèm bánh tráng nướng. Và khoai lang Đà Lạt ruột đỏ au dẻo quẹo chấm muối ớt. Những bát cháo ở quán La Si Mi Fa đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí tôi, cũng như hình ảnh vị giáo sư đáng kính vẫn đi trên con đường từ ngả năm Phù Đổng Thiên Vương về ký túc. Ông mỉm cười chào, một tay ông xách chiếc xô thiếc, tay kia là cặp que ông dùng để gắp những tảng phân ngựa. Ông đi nhặt phân về bón cho cỏ hoa và cafe trong vườn nhà… Thầy Giáp giờ đã về sống ở Sài Gòn. Hồi đó tôi đã từng nhiều lần muốn hỏi mà không dám, vì biết vậy là quá táo bạo. Rằng có khi nào thầy nuối tiếc ? Vì đã rời Paris, xa người vợ lai Pháp xinh đẹp để về đây, để nấu cháo lòng và nhặt phân ngựa ? Để cười chào và đặt vào tâm trí những sinh viên chúng tôi một nỗi băn khoăn không nguôi về số phận con người ?

Quán cháo mất đi như là một tất nhiên, tôi không biết có bao nhiêu người khi nhớ về Đa Thiện – Đà Lạt lại nhớ đến cái không gian quán chật hẹp như chiếc hầm khoét sâu vào ngọn đồi, với những bộ bàn ghế bằng gỗ thông, và cái tên La Si Mi Fa reo vang những nốt nhạc. Còn tôi vẫn hình dung trọn vẹn nó, cũng như tôi vẫn hình dung rõ rệt cây thánh giá nằm bên trong ngôi sao, trên ngọn tháp tam giác cao vút trong khu Năng Tĩnh trường Đại Học Đà Lạt. Tôi nghe kể hồi đó thầy Giáp là một trong ba người đã leo lên đỉnh tháp cao 38 mét này, để lấy bù lon xiết các cánh ngôi sao ôm chặt cây thánh giá, và cây thánh giá vẫn nằm nguyên vẹn trong ngôi sao đó.

Không chỉ mình tôi hình dung. Tôi còn nhớ một buổi tối, Liêng Hót Ha Suê, người chơi guitar bass trong dàn nhạc của đội văn nghệ trường, đã đứng nguyện cầu giữa sân trường. Anh nhìn lên đỉnh tháp với đôi mắt thành kính, và lời cầu kinh, và bàn tay làm dấu thánh. Giờ khắc đó, anh đã không nhìn thấy ngôi sao, anh đã nhìn vào bên trong để chỉ thấy cây thánh giá. Niềm tin của anh đã làm cho khuôn mặt anh sáng rỡ đẹp đến kỳ lạ.

3.

Người Đà Lạt than rằng sương mù Đà Lạt đang ngày càng ít ỏi. Và đã có lý giải đó là một tất nhiên khi trái đất nóng dần lên, khi con người sinh sôi nẩy nở bung chiếm nhiều thêm ra.

Liệu có hoàn toàn đúng như vậy?

Vả lại không chỉ sương mù, Đà Lạt còn đang mất đi quá nhiều.

Những ngôi nhà gỗ đẹp như bài thơ đang mất dần. Những con đường quanh co uốn lượn theo các sườn đồi đang mất dần. Thông Đà Lạt đang mất dần không sao cầm giữ được. Không gian tĩnh lặng rất riêng của Đà Lạt cũng không còn như xưa. Và đồi Cù, từ lâu người Đà Lạt đã mất đồi Cù ngay trong lòng thành phố của mình.

Tôi nhớ lại cảm giác của mình khi nghe tin đồi Cù – Đà Lạt bị rào giậu vây bọc kín bưng để biến thành sân golf. Lúc đó tôi đã rời Đà Lạt được vài năm. Nhưng cũng như những người đã đến và yêu Đà Lạt, Đà Lạt luôn ám ảnh tôi. Thật lạ lùng cho mảnh đất này, bởi nhớ nhung một vùng đất mà như thể nhớ nhung một người tình, đã cùng đi với mình qua bao hoang tưởng kỳ diệu, thì tôi nghĩ chỉ có Đà Lạt mới làm được.

Khi nghe tin, tôi đau đến sững người, tôi đã có cảm giác của một người đi xa nghe tin căn nhà của mình bị bán, bị đập vỡ, bị cày nát mà mình không có cách gì quay về, để bảo vệ để chia sẻ, gánh vác. Và tiếp đó là cảm giác nuối tiếc, cay đắng tràn ngập tâm hồn tôi.

Cho đến bây giờ, sau mười mấy năm sử dụng, sân golf đồi Cù – Đà Lạt đã thu được lợi nhuận bao nhiêu? Và lợi nhuận đó có đáng không? Có là bao so với những ảnh hưởng của nó đối với môi trường? So với nỗi đau buồn của bao nhiêu con người đã từng gắn bó với đồi Cù bằng một tình yêu máu thịt?

Ngày đó, tôi đã đến Đà Lạt trong khao khát khờ dại của một người ở biển mà mải mê hoài vọng núi, mải mê mơ về những quả đồi, và tiếng reo thầm thĩ của loài thông. Đồi Cù đã là tất cả tưởng tượng của chúng tôi về thảo nguyên, những thảo nguyên vô cùng thanh sạch, phóng khoáng, đẹp đẽ trong sách vở. Nhất là vào buổi chiều khi đi ngược nắng, chúng tôi nhìn về chân trời xa rộng, để choáng ngợp trước đường chân trời vòng cong rực sáng. Những đôi tình nhân đan tay dạo trên đồi dưới mắt nhìn của chúng tôi khi đó đẹp như những thiên thần. Tôi đã mường tượng họ có thể bay lên trời nhờ đôi cánh, và sự nâng bổng của ánh sáng lộng lẫy trên đồi chiều.

Đồi Cù trở thành sân golf. Đã từ lâu người Đà Lạt và những người đã từng đến từng gắn bó với Đà Lạt đã không còn được tự do ra vào đồi Cù. Mà đồi Cù cũng đã khác, ngay cả màu cỏ trên đồi cũng đã khác xưa mất rồi. Những con người ngày xưa đã từng dạo chơi trên đồi, đã từng ngồi tựa vào những gốc thông cô độc trên đồi, đã từng hôn người mình yêu ở đó, làm sao họ còn tìm lại được dấu vết kỷ niệm. Mà không còn dấu vết kỷ niệm con người ta sống hụt hẫng ra sao ?

Tôi nhớ một lần Liêng Hot Ha Suê đưa tôi đến một góc đồi, nhìn về ngôi nhà ngày xưa của anh mà ngồi buồn suốt buổi. Anh đang nhớ người cha làm mục sư của mình và tuổi thơ với những tháng ngày vô tư, thánh thiện. Có lần, sau một tối tập văn nghệ ở trường Đại học, chúng tôi mang nhạc cụ trả về kho. Khi mọi người đã ra ngoài, và đèn điện đã tắt, từ bóng tối chúng tôi nghe tiếng dương cầm vang lên. Liêng Hót Ha Suê đang chơi đàn (cây dương cầm của trường đã hỏng nhiều phím và từ lâu không ai sử dụng). Tiếng đàn thanh thoát mà ám ảnh. Đó là giai điệu của một bài thánh ca. Tôi đã không còn nhớ tên bài hát, nhưng buổi tối đó và tiếng đàn như tiếng đập thổn thức của trái tim anh, vẫn trở về trong tôi, mỗi lúc tôi về lại Đà Lạt, đi trong sương lạnh nghe tiếng gió và tiếng thông reo. Liêng Hót Ha Suê đã mất ngôi nhà tuổi thơ của mình và không nguôi hoài nhớ. Còn bao nhiêu người Đà Lạt khác đã mất những gì yêu thương của họ theo những đổi thay dâu bể trong đời ?

4

Hôm nay, đọc bài Mãi mãi Đà Lạt của nhà văn Nguyễn Đạt tôi chợt quá nao lòng. Thực ra tôi đã biết quá ít về Đà Lạt, về những con người đã từng sống ở đây, đã làm nên những điều kỳ diệu đẹp đẽ cho văn chương, cho hội hoạ, cho âm nhạc… Những con người đã và đang tồn tại lặng lẽ để làm nên lịch sử Đà Lạt. Nhưng tôi đã yêu Đà Lạt bằng trái tim tuổi trẻ trinh nguyên, và thương yêu đó đã không nguôi ngoai dù theo thời gian bao nhiều điều khác đã như nước chảy dưới chân cầu. Thương yêu đó đã khiến tôi không thể không nuối tiếc, xót xa khi đi qua những mất mát của Đà Lạt trong cảm nhận của riêng tôi.

Tiếc nuối xót xa vì đã có quá nhiều những nói một đằng làm một nẻo, đã có quá nhiều những đập vỡ, giấu che. Như bức tượng Đức Mẹ tuyệt đẹp trước hội trường A1, hay cây thánh giá trên đỉnh tháp Sao trường Đại học. Và bao nhiêu điều khác nữa. Và ở nhiều nơi khác nữa. Những đập vỡ, giấu che xuất phát từ những quan niệm độc đoán, ấu trĩ đến đau lòng.

Đâu đó người ta đang nhìn vào festival hoa, đâu đó nhan nhản những lời kêu gọi vì tương lai thành phố. Đôi khi tôi mơ hồ rối rắm trước những lời kêu gọi ồn ào mà rỗng tuếch đó, trước những festival có quá nhiều sắc màu rực rỡ giả tạo đó. Tôi thấy mình như đang đi trong sương mù. Nhưng không phải sương mù thanh sạch mát lạnh của Đà Lạt xưa, mà là một thứ sương mù độc địa, có sức mê hoặc và giấu che bản chất. Tôi thấy mình mất phương hướng, và lại tràn ngập lòng tôi một cảm giác cay đắng, tiếc nuối.

Khi mất một đêm Đà Lạt đẹp vô cùng bên nhau, ít ra chúng tôi cũng biết mình đã đánh mất và không nguôi dằn vặt. Còn Đà Lạt với những cây thông chết, những ngôi biệt thự hoang tàn. Đà Lạt với những con đường, những trảng cỏ biếc xanh, những hiền lành chân chất mất đi, thì chẳng biết nhìn vào ai, nhìn vào đâu để thở than trách móc !

Ai đó đã nói tiếc nuối là một cảm giác vô ích, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều đó, nhất là khi sự tiếc nuối đó lại là của những người dân với thân phận bé nhỏ, không chức quyền. Nhưng tôi đã không làm sao thoát được cảm giác đó, tôi cứ phải buồn thương, xót đắng mãi cho những mất còn. Có lẽ tôi phải tự an ủi mình như nhà văn Nguyễn Đạt, là Đà Lạt xưa vẫn còn trong ký ức của bao con người. Những con người tồn tại lặng lẽ khuất lấp đâu đó với một tình yêu chân thành vô vụ lợi dành cho Đà Lạt. Những con người đang sống với những khát vọng tự do và tình yêu dành cho cái đẹp. Đà Lạt đã có một lịch sử và lịch sử Đà Lạt vẫn còn đó. Có thể nhờ vậy mà chúng ta mãi mãi vẫn hình dung được trong tâm trí một Đà Lạt vẹn nguyên. Một Đà Lạt xưa với đồi Cù với thông và sương và hoa dại. Một Đà Lạt với quán cafe Tùng và những huyền thoại vô cùng đẹp.

Ngày xưa…

Đinh Thị Như Thúy

Chuyện bên hồ Thiên Thảo

Vùng hồ Thiên Thảo đẹp nỗi tiếng với làn nước xanh màu ngọc bích quanh năm soi bóng mây trời với đủ loại cây từ cổ thụ uy nghi đến dây leo ẻo lả, từ cây cho trái ngọt ngào đến cây đơm bông muôn màu thơm ngát. Tất cả mọc chen vào nhau tưởng lộn xộn mà kỳ thực theo một trật tự nghiêm ngặt nương vào nhau, che chắn cho nhau, nhường nhau vị thế để mọi chủng loại đều có thể đón nhận được sự bao la của trời và sâu xa của đất nhờ đó chúng tồn tại, sinh sôi nảy nở. Quần thể thực vật đó ôm trọn khu vực rộng lớn quanh hồ tạo vẻ thơ mộng cho Thiên Thảo đồng thời là nơi trú ngụ lý tưởng của muông thú từ hươu nai đĩnh đạc đến kiến mối nhỏ nhắn lăng xăng .

Chọn mé hồ nơi giống môn dại chen chúc là họ hàng nhà Ếch nhái , Ểnh ương Chúng thích hát ca nhưng biết giọng mình không thanh tao trong trẻo nên chỉ cất tiếng trong mưa mong tiếng mưa át đi hợp âm quái dị phát ra từ cổ họng ngắn chũn. Cũng thích ngâm nga có họ hàng nhà Dế và Ve Sầu. Nhưng Ve Sầu khôn lanh thoát được lòng đất nơi chúng khổ luyện bao năm để có đôi cánh trong suốt kiêu sa là vút lên tìm đến những cây cao – nơi lý tưởng để chúng cất tiếng ngợi ca niềm hạnh phúc được thoát xác- nhường hốc cây bụi cỏ cho Mèn cho Trũi. Biết mình sẽ thăng hoa cho tình yêu trong ngày trời đổ cơn giông, bằng một vũ hội cực kỳ lãng mạn khiến lân bang thán phục, họ nhà Mối đã chấp nhận trú ngụ tận nơi tối tăm ăn sâu lòng đất. Thích đào hang trổ ngách nên ở không xa lãnh địa họ nhà mối bao nhiêu là Kiến Đen Kiến Càng dành cây có lá to cho Kiến Vàng dễ bề làm tổ. Bướm thì khỏi kể. Nhờ đôi cách rực rỡ bay lượn nhịp nhàng tạo vẻ đẹp cho vùng hồ nên chúng có đặc quyền ở nơi nào chúng thích, tất nhiên cây là nơi chúng ưa chuộng nhất. Nhưng đây là loài điệu đà lãng tử. Chúng hay mở hội mùa. Từng đàn. Từng đàn .Trắng, đen, vàng, biếc rợp trời , tuỳ loại mà chọn mùa mở hội . Với chúng, đâu cũng có thể ghé lại nên chúng chẳng cần nhọc công làm nhà, cứ nhởn nhơ nhẹ nhõm. Cần mẫn siêng năng là giống Ong. Đố thấy chúng chơi bao giờ. Lúc nào những con vật nhanh nhẹn này cũng bận rộn, lúc nào cũng mang vác. Nhà chúng tít trên cao chỉ Ong Đất mới học cách làm nhà của Mối cùng Kiến Đen là láng giềng chí cốt . Cào Cào Châu Chấu tìm cỏ tranh hoặc cỏ năn cỏ lác .

Đấy là chỉ nói các sinh vật nhỏ thuộc giống lưỡng cư hoặc loài côn trùng Thiên đàng của các loại thú lớn là phía trên cao của sườn đồi và xa hơn nữa. Và đương nhiên xứ sở của các loài tôm cá là lòng hồ thăm thẳm. Câu chuyện này không liên quan trực tiếp đến chúng nên dành lại lúc khác sẽ cặn kẽ.

*


Cư dân vùng hồ sống rất hoà ái thuận thảo. Khi bình minh vươn đôi tay dịu dàng đánh thức vô vàn hạt sương ngái ngủ trên cành lá khiến chúng bừng thức toả vẻ rạng rỡ mê hồn thì cũng là lúc hoa chuẩn bị xoè cánh, trái khoác lên người sắc màu tươi nhất để chào đón những người bạn biết bay, biết chạy nhảy, biết hát ca. Những cư dân trầm lặng nhất như ốc sên, cuốn chiếu cũng được giành ưu ái không kém. Muôn loài ngẩng mặt đón nguồn sống vô tận từ những tia nắng ấm áp, nghe sinh khí từ ẩm ướt đất nâu len vào cơ thể. Và khi màn đêm buông điệu ru êm ái, vùng hồ đắm trong giấc mơ kỳ thú ngọt ngào.\

Mỗi giống mỗi loài có lãnh địa riêng, có thể gần nhau nhưng không bao giờ xâm hại nơi ở của nhau . Mỗi giống có tập tính, lối sống, cách phát triển giống nòi không giống nhau nhưng không bao giờ tiêu diệt nhau. Tiếng ve ngày hè, giọng ễnh ương đêm mưa dầm. Bướm lượn trời nắng, mối bay ngày dông. Kiến tha mồi bằng răng, ong tài tình ôm phấn hoa đã gom thành hạt tròn bằng hai chân sau dài ngoẳng. Chúng chấp nhận nhau, qua lại với nhau, cùng vui vẻ tồn taị, cùng biểu lộ đặc trưng riêng tạo sự phong phú đa dạng cho Thiên Thảo.

Cuộc sống tưởng sẽ mãi êm đềm tươi vui như thế nào ngờ buổi tối nọ xuất hiện trong tấm áo choàng sặc sỡ với gương mặt vô hình một gã có tên là ÁC. Ác bay lượn chui rúc xoi mói mọi chốn . Lấy cớ viếng thăm lập mối quan hệ lâu dài Ác ở lại từng lãnh địa mỗi nơi vài ba hôm không chừa một góc nhỏ nào ở ven hồ Thiên Thảo, tỉ tê những gì không rõ rồi mất hút.

Sau chuyến viếng thăm không hẹn trước này của Ác mối giây tình cảm giữa các cư dân bắt đầu lỏng lẻo. Thoạt tiên là họ nhà kiến lên tiếng bài xích thói ca hát của ve sầu. Theo kiến ve sầu là loài hư hỏng, chỉ biết ra rả suốt ngày không chịu chắt chiu dành dụm như họ nhà nó và cao giọng báo cho ve sầu biết rằng từ nay đừng hòng mượn chác gì của họ nhà kiến dù chỉ là một chút thức ăn ngày giáp hạt. Ve sầu thì chê bai giọng ồm ộp của ếch, tiếng kéo đàn trèo trẹo của cóc và chẫu chàng , chế nhạo vẻ thô mộc từ làn da đến hình dáng, kiểu đi của họ hàng nhà này. Mối cất giọng thoá mạ ong đất với lý do là ong đất xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ về kiến trúc nhà ở của giòng giống tài hoa nhà mối. Châu chấu cào cào mỉa mai ốc sên chậm chạp không đi bằng chân mà lại bị bằng mồm, rằng ốc là loài ngớ ngẩn đi đâu cũng cõng nhà theo. Đến cả cùng họ hàng như dế mèn, dế trũi cũng khích bác nhau. Dế mèn chê dế trũi cục mịch quê mùa. Dế trũi cũng chẳng vừa, cho rằng mèn là thứ ba hoa khoác lác. Tội nghiệp nhất là bướm. Bộ cánh đỏm dáng và thói lãng tử – đề tài cho những bài ca – đã trở thành đối tượng cho những lời chỉ trích gay gắt của phần lớn cư dân vùng hồ.

Sự hòa ái không còn nữa thay vào đó không khí u ám bao phủ các loài . Sau những đợt chê bai công kích nhau từng loài náu kín trong vùng cư trú của mình không giao du như trước. Nếu chạm mặt nhau đâu đó, nhẹ nhàng thì chúng sẽ hoặc dè bỉu hoặc tảng lờ không quen biết, trầm trọng hơn nữa là xô xát bươu đầu mẻ trán. Tệ hại nhất là lén tiêu diệt thế hệ kế tục đang say ngủ trong vỏ trứng mỏng manh.

Phiền muộn trước tình trạng này, những tia nắng thôi không nhảy nhót mỗi bình minh lên. Sương vì thế cũng không long lanh nữa. Những hạt mưa mát dịu ít khi ghé lại khiến mặt đất khát khô, nứt nẻ. Thiên Thảo mất đi vẻ sống động, phai nhạt màu xanh vốn có trước đây.

*


Dưới lòng hồ yên ngủ từ hàng triệu năm một con thuỷ quái vốn là con cháu nhà trời bị trừng phạt bằng phép thuật của Ngọc Hoàng với lời nguyền là nó sẽ tỉnh giấc khi không khí quanh vùng hồ đượm mùi của Ác.

Việc gì đến đã đến. Một ngày nọ – không lâu lắm kể từ ngày gã áo chòang sặc sỡ ghé lại vùng hồ, thuỷ quái tỉnh giấc khẽ cựa mình. “ Thật dễ chịu”, nó thốt lên trước khi khoái trá vùng vẫy, hào hứng gào rú bằng tất cả sức lực bị kìm nén bấy lâu . Nó những tưởng sẽ được bay vọt lên khỏi lòng hồ, múa lượn giữa bao la , tung tăng giữa muôn loài cho bõ hàng triệu năm bị giam hãm. Nó những tưởng sẽ lại được hung hăng láo xược thực hiện các hành vi kinh thiên động địa của mình cho thoả tính ngông ngạo bấy lâu bị kiềm toả. Nào ngờ lời nguyền của Ngọc Hòang chỉ dừng ở TỈNH GIẤC chứ không phải TỰ DO. Vì thế sau phút vùng vẫy thuỷ quái đành bất lực bó tay chịu trở lại nép sâu lòng hồ với trái tim hậm hực, oán trách Ngọc Hoàng gấp vạn lần vì lời nguyền – theo nó là vô cùng thâm độc của ngài. Phải chi nó cứ ngủ yên, không có khoảnh khắc diệu kỳ vừa nếm trải. Phải chi nó không thể cay đắng nhận ra rằng dẫu con cháu nhà trời ngông ngạo nhiều quyền phép cũng chỉ là nhãi con trước uy lực của CÔNG LÝ. Gieo họa phải gặp họa. Nó cay đắng công nhận qui luật này và thiếp giấc trừng phạt.

Chỉ vậy thôi.

*


Nào ngờ khoảnh khắc cựa mình của loài thuỷ quái đã gieo tai hoạ cho cư dân ven hồ. Tấm lưng dài muôn trượng, to khủng khiếp của nó vẫy vùng làm nước trong hồ khiếp hãi buông tay. Một con sóng cao chưa từng có hung dữ khác thường cấu thành từ những cánh tay nước buông xuống chịu trận tung vọt lên cao tràn lấn vùng hồ và ngẫu nhiên quét sạch cuốn sạch những gì mới đây là tươi xanh mới đây là sức sống.
Mặt hồ lại trở về vẻ yên lắng.

*

Không ai biết tại vương quốc Nước đang âm thầm diễn ra một cuộc nhận tội của các thành viên vì đà kém cỏi buông tay vô tình thành trợ thủ gieo tai ương tang tóc. Và trên Cõi Cao Xanh, Ngọc Hoàng cũng đang vô cùng ân hận. Không ngờ hình phạt giành cho kẻ có tội lại gây đau thương cho người vô tội. Phải chi ngài cứ thẳng tay trừng trị kẻ hư hỏng cậy quyền cậy thế đừng ve vuốt bằng cách buông lời nguyền ngỡ là cao kiến ấy, tưởng chỉ để nghịch tôn nghịch tử thấm thía lẽ đời hơn. Nào ngờ …

Thiên Thảo đổ nát. Thiên Thảo điêu tàn. Xác muôn loài phơi trắng đất. Tất cả còn lưu nét kinh hoàng qua dáng cách từ bỏ trần thế. Bên xác cư dân ven hồ có cả xác cá tôm vương vãi. Xú uế nồng nặc. Thuở hồng hoang đã quay trở về đây. Biết đến bao giờ mới được thấy lại cảnh ong bướm bay lượn. Biết đến bao giờ mới được nghe lại giọng ễnh ương vang vọng đêm đông hay ve ngân ra rả ngày hè. Biết đến bao giờ…

*

Sáng hôm sau Tia nắng phát hiện thấy một dáng vóc nhỏ nhắn trong sắc áo thiên thanh đang lúi húi tìm kiếm trong đống đổ nát . Không giấu được mừng rỡ cũng không nén nỗi tò mò, Tia nắng rủ chị rủ em theo dõi. Thì ra vóc dáng xinh xắn ấy là của một người con gái. THIỆN – tên của nàng được in, được khắc trên vầng trán, nét mày, đôi má và nhất là trong ánh mắt dịu dàng mà ấm áp. Nàng đang bạo dạn nhưng hết sức nhẹ nhàng lật giở từng thi thể, bới tung những gãy đổ vùi lấp với hy vọng may ra tìm thấy người sống sót .

Và nàng đã không lầm .
Luôn có những bất ngờ trong cuộc sống .
Rất nhiều cư dân trẻ có, già có được tìm thấy vẫn đang thoi thóp. Mừng rỡ, nàng kêu lên . Tiếng kêu trong trẻo đầy ắp niềm vui của nàng đánh thức, tập hợp quanh nàng các thành viên sống gần hoặc xa Thiên Thảo không bị ảnh hưởng của tai hoạ. Cùng nhau tìm kiếm , cùng nhau cứu thương cứu đói cứu khát họ tất bật suốt nhiều ngày không ngừng nghỉ.Giữa họ và nàng, giữa họ với nhau hình thành mối dây khắng khít. Quên đẳng cấp thứ bậc; quên tuổi tác; quên cả những bất hoà từng đã xảy ra, tất cả chỉ vì nỗ lực cứu các cư dân sống sót, tạo dựng lại nhà cửa đem lại nguồn sống cho Thiên Thảo.

Điều đáng mừng là các họ hàng cư dân ven hồ đều may mắn có người sống sót. Mấy chú nhái bén ngơ ngác, vài cô cậu dế mèn mỏi mệt, mối chúa không hề hấn gì do trú sâu trong thâm cung. Ong, kiến, bướm, châu chấu, cào cào loài nào cũng lần lượt được tìm thấy năm bảy sinh linh. Và kỳ diệu thay từ vố số trứng không bị vùi dập, không bị cuốn phăng nở ra bao nhiêu là cư dân thơ dại yêú ớt.

THIỆN vui lắm. Các bạn mới – cộng sự của nàng cũng vui không kém. Nhưng nỗi lo cũng đầy ắp. Ngoài mối lo về cái ăn nơi ở, họ càng bận bịu hơn với việc chăm sóc lũ trẻ thiếu bố mẹ khi mà mối hiểm nguy phát sinh từ hậu hoạ luôn rình rập. Họ giành tất cả sức lực cho cuộc hồi sinh vĩ đại. Một hội nghị lớn tìm cách vô hiệu hóa thuỷ quái được tổ chức và Ngọc Hoàng đã chấp thuận thỉnh cầu xử thuỷ quái vĩnh viễn ngủ, giải lời nguyền trước đây.

*


Lại nói về ÁC.
Sau chuyến viếng thăm đen tối dạo nọ; bấm quẻ biết đã đến lúc, ÁC hối hả quay lại Thiên Thảo. Khoái trá trước một vùng tang tóc, nó cất tiếng cười man rợ tự tán dương mình. Đám cư dân quanh hồ quả thực ngờ nghệch tin những lời tỉ tê bịa đặt đến nỗi đánh đổi hoà khí hạnh phúc lấy tai hoạ. Từ đây nó đã có đất sống. Nó không phải chui nhủi tận xó xỉnh hôi hám tối tăm. Say sưa với chiến thắng , nó liệng một vòng quanh hồ hú gào khoái trá. Chợt nó xây xẩm. Chuyện gì kia ? Chúng nó- lũ ong bướm châu chấu cào cào đã bị vùi, bị cuốn sạch rồi sao đang xúm xít bên nhau thân ái dường kia. Chúng không công kích chê bai rủa sả nhau nữa sao? Hay đây là linh hồn của chúng hiện về tố cáo nó, hỏi tội nó. ÁC căng mắt và nó giật mình khi thấy dáng dấp thanh tú của THIỆN hiện ra giữa đám đông thân ái ấy. “Thì ra là vậy”. Nó nhủ thầm và tìm cách đối phó . Vừa lúc đó THỊỆN ngẩng nhìn lên. Ánh mắt cuả nàng chạm phải gương mặt vô hình gớm ghiếc của ÁC khiến nó bủn rủn, đánh rơi tấm áo choàng sặc sỡ – bùa hộ mạng, thần hộ thân của nó . ÁC hốt hoảng ngã xuống từ cao tít. Thân hình ốm o trở lại nguyên dạng là con rít khổng lồ với vô vàn đôi chân gớm ghiếc. Nó xấu hổ lẩn nhanh vào cõi tăm tối.

Khúc vĩ thanh.

Sự sống sẽ hồi phục. Thiên Thảo tìm lại được vẻ thơ mộng ngày xưa , muôn loài sẽ hát ca bay lượn nhảy nhót trong không khí thuận thảo hoà ái. Những gì đã xảy ra sẽ chỉ là vết thương trong lòng các cư dân sống sót nhưng lại là bài học nhớ đời về sự mông muội, về cách nhận biết bản chất xấu xa ẩn trong lớp áo đẹp đẽ . Họ sẽ đời đời tri ân, nâng niu sùng bái THIỆN, tôn nàng làm ĐẤNG CỨU RỖI. Họ sẽ hợp lực xua đuổi tiêu diệt ÁC – kẻ gieo tai hoạ, không cho nó tồn tại trên thế gian này nữa.

Và điều chắc chắn là họ sẽ kể cho các thế hệ con cháu tiếp nối câu chuyện cổ tích mà chính họ là nhân vật bằng giọng than thở của ễnh ương, ngân nga của ve sầu, nỉ non của dế trong những ngày hè sáng lán hoặc đêm đông lạnh giá với sự hiện hữu của THIỆN -cô gái nhỏ nhắn gan dạ dịu dàng và nhân ái trong chiếc áo xanh thanh thoát.

Tôn Nữ Ngọc Hoa 2005

Tự ái vặt

Chào các bạn,

Một trong những cách rất dễ để đo lường công phu tư duy tích cực của ta đã đến đâu, và xã hội ta đã có thể dân chủ được đến đâu, là đo lường mức độ tự ái vặt của ta. Còn ở mức thấp, thì tự ái vặt cùng mình; mức thượng thừa thì không còn tự ái vặt; đại đa số người nằm giữa hai thái cực.

Tự ái vặt thì khi bị chê, chỉ trích, hay phê phán, sẽ lấy làm tức tối, hoặc khó chịu, chán nản, buồn rầu, giận dữ, nổi điên… Nói chung là phản ứng tiêu cực (từ trong suy tưởng hoặc trong cả hành động) khi nhận một điểm thấp từ ai đó.

Ta có thể đo lường ta từ mức tư duy tích cực thấp nhất đến mức cao nhất, với các tình huống sau đây:

• Có người nói hay làm điều gì đó (1) trong vòng “riêng tư” bè bạn, (2) không rõ nghĩa 100%, (3) nhưng ta diễn giải là phê phán ta. Ví dụ: Một người bạn nói “Chà hôm nay làm gì coi lịch sự quá vậy?” Ta nghĩ, “À, vậy là hắn muốn nói hàng ngày mình không lịch sự.”

• Tương tự như trên, nhưng “công cộng” hơn, chẳng hạn như một câu viết trong một diễn đàn công cộng.

• Có người phê phán ta trong vòng riêng tư bè bạn.

• Có người phê phán ta một cách công cộng.

• Có người phê phán ta “sai” (tức là phê phán một cách bất công) trong vòng riêng tư.

• Có người phê phán ta “sai” nơi công cộng.

Trong mỗi tình huống đó phản ứng ta thế nào? Nhói tí xíu, như kim châm nhè nhẹ, rồi cười vui như không? Hay buồn rầu chán nản? Hay còn phản ứng tiêu cực (kém vui tươi) trong cách cư xử? Hay trả đũa bằng cách nào đó?

(Ta nói “nhói tí xíu như kim châm nhè nhẹ” mà không nói là “chẳng cảm thấy gì.” Người bị phê phán mà cứ trơ như gỗ đá, không cảm thấy gì cả, thì đã thành chai đá, không biết cảm xúc, và không thể tiếp nhận được ích lợi từ các phê phán).

Đây là một thước đo rất tiện nghi cho mỗi người chúng ta sử dụng hàng ngày, để biết được mình đã tiến đến đâu trên đường luyện tâm.

Từ cá nhân đến xã hội

Vấn đề tự ái vặt không chỉ là vấn đề riêng của mỗi người, mà là một vấn để xã hội lớn. Nếu chúng ta tự ái vặt nhiều quá, không dám phê phán nhau, thì đối thoại, trao đổi, sáng tạo và dân chủ không thể phát triển trong xã hội ta.

Bố mẹ hay tự ái vặt thì sẽ không cho con cái hạch hỏi phê phán. Thầy cô tự ái vặt thì không cho học trò đối thoại tự do. Quan chức tự ái vặt thì bịt miệng dân và trừng phạt nhân dân khi bị phê phán.

Một quốc gia dân chủ là quốc gia trong đó một người dân có quyền nói với thủ tướng hay chủ tịch nhà nước nơi công cộng, “Ngu như bò” và ngài lãnh đạo cười trả lời, “Ừ, mẹ tôi cũng hay mắng tôi vậy đó,” và chẳng ai trừng phạt người đó cả (ngoại trừ có thể mời đi nơi khác để lãnh đạo có thể làm việc). Và dân có thể viết báo chê lãnh đạo dốt, mà lãnh đạo vẫn vui cười để nhân dân xả xú bắp hàng ngày.

Chỉ có người tự tin mới không tự ái vặt. Chỉ nhà nước tự tin mới không tự ái vặt. Chỉ quốc gia tự tin mới không tự ái vặt.

Sáng tạo, đối thoại, tự do, dân chủ không rơi từ trên trời xuống, hay đến với mấy tờ văn bản luật, mà đến từ thái độ sống thoải mái thong thả bình thản của chúng ta đối với nhau trong xã hội.

Mỗi chúng ta cần tập cho da mình dày thêm một tí, và biết vui đùa với phê phán. Đừng như teen hơi một tí là mặt như cái thúng, và đòi mọi người chung quanh cư xử với mình như là bước trên vỏ trứng.

Muốn phát triển xã hội tự do dân chủ sáng tạo, mỗi người chúng ta cần dày da một tí. Và cười thường hơn.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com